ÔNG SƯ VÃI BÁN KHOAI
Sư Vãi Bán Khoai (? - ?), không rõ họ tên và thân thế. Mặc dù vậy, căn cứ vào cách thức hành đạo và sám giảng của ông, mà nhiều tín đồ theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật Giáo Hòa Hảo đều tin rằng ông chính là kiếp thứ ba của Phật Thầy Tây An, sau khi vị giáo chủ này đã chuyển kiếp làm Phật Trùm, làm Đức Bổn Sư, để tiếp tục công việc giáo hóa người đời ở đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam.Chuyện kểTóm lược lời kể của GS. Nguyễn Văn Hầu:
Vào khoảng năm Tân Sửu (1901) và Nhâm Dần (1902), có một người đàn ông có hình dạng nhỏ bé ốm yếu như người đàn bà, trước ngực thường mang một cái yếm, xa trông giống hệt như một cô vãi, đi bán khoai ở vùng Bảy Núi và kênh Vĩnh Tế để tùy cơ khuyến thiện người đời. Lại nữa, ông trị bịnh cứu đời hay dùng vải áo, vải khăn của mình mà cho, nhân thế người ta đặt cho ông cái biệt danh là Sư Vãi hay Sư Vãi Bán Khoai...
Ngoài tài chữa bệnh, ông còn giỏi võ nghệ. Như lúc ở Vĩnh Thông (Châu Đốc, An Giang), một hôm ông đang đi chặt bàng để dệt đệm, bỗng nghe có tiếng người lẫn tiếng cọp vang rần ở gần đó. Ông cầm mác chạy lại thì thấy ông Mạnh, người cùng xóm, đang hỗn chiến với cọp. Tức thì, ông nhảy đến tiếp tay và giết được mãnh thú.
Sư Vãi Bán Khoai có đến Cù lao Ông Chưởng (Chợ Mới, An Giang) một lần, và sau đó trở về núi Cấm. Ông vân du dạy đời như thế khoảng hai năm (1901-1902), rồi mất dạng.
Sám giảng người đờiSư Vãi Bán Khoai, cũng theo giáo sư Hầu, có để lại một bổn "Sám giảng người đời" (11 quyển, làm theo thể thơ lục bát) với mục đích dạy người làm lành lánh dữ và trung nghĩa với Tổ Quốc giang sơn, và đến nay vẫn còn truyền tụng.
Theo lời kể của Huỳnh Phú Sổ, người khai sáng đạo Hòa Hảo, thì việc Sư Vãi Bán Khoai truyền lại quyển sách ấy cũng khá kỳ lạ, đại để như sau:
Năm 1902, một hôm Sư Vãi Bán Khoai mang khoai đến bán cho một người có tiếng là biết tu hiền. Thừa lúc người này đi vào buồng, ông liền đặt quyển Sám giảng người đời ở dưới khay trầu. Đến khi người kia đọc được, cho người chạy đi tìm thì ông đã kịp khuất xa; và cũng từ đó, không một ai còn trông thấy bóng dáng của ông ở đâu nữa .
Tương tự các lời rao giảng của Phật Thầy Tây An, Đức Bổn Sư (có trước) và của Huỳnh Phú Sổ (có sau), Sám giảng người đời do Sư Vãi Bán Khoai truyền lại, cũng nhằm phác họa một thế giới Hạ ngươn đầy dẫy những tai ương và chết chóc. Muốn tránh được họa và được đón nhận cảnh sống yên bình, hạnh phúc ở đời Thượng ngươn, thì người đời cần phải dốc lòng tu thân và hành đạo...
Trích:
Nào khi Sư Vãi Bán Khoai,
Trên kênh Vĩnh Tế, ai ai cũng lầm.
Mặt cân tôi chẳng biết cầm,
Quê mùa già cả, âm thầm biết chi...
...Ai mà lòng quỉ dạ yêu
Tham tiền, thích ác có siêu bao giờ.
Sư đà có dạ đợi chờ,
Rao cho bá tánh trên bờ dưới sông.
Tu hành như buổi chợ đông,
Lao xao một thuở, sao không giữ gìn?...
...Bây giờ hưỡn đãi không lo,
Đến cơn bát loạn nằm co kêu Trời.
Bất lâu dạy chẳng nghe lời,
Để cho ác thú trên trời xuống ăn.
Đoái nhìn lửa cháy tứ giăng,
Trên non chín động binh chằn kéo ra.
Lao xao kẻ khóc ngưới la,
Cong lưng mà chạy biết ra ngả nào?
Bởi vì thiên hạ hỗn hào,
Cho nên Trời khiến ào ào như giông.
Kẻ thời chết đói dưới sông,
Người thời rắn cắn đầy đồng làng khang.
Ở sao chẳng nghĩ xóm làng,
Đua nhau rượu thịt, nghinh ngang chơi bời.
Sư già giáo huấn hết lời,
Để cho bá tánh rõ đời Hạ ngươn...,
Ngoài việc khuyên đời tỉnh thân thiện niệm, theo giáo sư Hầu, tác giả còn nhắc nhở bổn phận làm người, và gợi lên tấm lòng trung quân ái quốc:
Niệm Phật thì phải chí tình,
Ơn cha nghĩa mẹ giữ mình cân phân.
Niệm Phật phải giữ Tứ Ân,
Ơn nhà nợ nước xử phân trọn nghì. Và:
Thảo cha ngay chúa xưa nay,
Dẫu mà có thác miễu son tạc thờ
Xem trong các truyện các thơ,
Nịnh thần có thác, miễu thờ ở đâu!
Thông tin thêm
Mộ Sư Vãi Bán Khoai (Huỳnh Phú Minh) ở Bến Tre.
Ở Bến Tre có một ngôi đền và mộ của Sư Bán Bán Khoai. Nơi đó không có tài liệu nào viết về thân thế và sự nghiệp của vị tu sĩ này, chỉ biết ông tên Huỳnh Phú Minh, pháp danh: Sư Vãi Bán Khoai, sinh năm 1898, mất lúc 21 giờ đêm ngày mùng 10 tháng Hai năm Đinh Dậu (1957), hưởng dương 59 tuổi.
Buổi đầu, an táng ông tại Cầu Móng (thuộc Bến Tre), sau cải táng về xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre.
Ở đền, có phát không quyển Sám giảng người đời, trong đó có 11 cuốn (tổng cộng 2. 422 câu) và ba bài kệ (tổng cộng 128 câu). Tất cả đều viết theo thể lục bát, có chủ đề tương tự như trên. Nhưng căn cứ lời kể của giáo sư Nguyễn Văn Hầu, Sư Vãi Bán Khoai ở An Giang xuất hiện và giảng đạo trong khoảng năm 1901-1902, thì lúc đó Sư Vãi Bán Khoai ở Bến Tre chỉ mới ba hoặc 4 tuổi, suy ra hai ông sư này không thể là một được.
http://vi.wikipedia.org/wiki/S%C6%B0_V%C3%A3i_B%C3%A1n_Khoai
ÔNG SƯ VÃI BÁN KHOAI
Sau khi Đức Bổn Sư tịch diệt độ 11 năm thì ông Sư Vãi Bán khoai ra đời. Ông xuất hiện vào khoảng năm Tân sửu (1901) và năm Nhâm dần (1902) nghĩa là cũng còn trong thời kỳ quân Pháp đang thi hành chánh sách đàn áp gắt gao các tín đồ của giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương. Trước sự khủng bố của quân Pháp. Đức Bổn Sư phải đành thu hẹp phạm vi hoạt động, chỉ lo củng cố chớ không mong gì hành trướng ra được. Để cho nhà cầm quyền Pháp không theo dõi. Ngài phải sửa đổi cách thờ phượng theo nghi thức nhà thiền. Đó là sự bất đắc dĩ. Tình trạng củng cố này nếu mãi kéo dài thì giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương có lẽ phải ngưng trệ và không biết bao giờ mới hoàn thành sứ mạng.
Nhưng với sự xuất hiện của ông Sư Vãi Bán khoai, giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương đã chuyển sang và mạnh tiến vào thời kỳ phổ biến. Đứng trước chánh sách khắc nghiệt của quân Pháp, hẳn ông phải đổi phương lược mới có thể thoát khỏi kềm tỏa của Thực dân.
Với ông Sư Vãi Bán khoai, một kỷ nguyên mới về sự truyền giáo mở ra. Bằng phương pháp giả dạng thay hình, khi thì làm người bán khoai, khi thì làm kẻ bán củi, ông xưng khùng xưng điên, đi nơi này chốn nọ, nhứt là ở vùng Kinh Vĩnh Tế và Cao Miên, khuyến hóa dân sanh lo tu hành niệm Phật. Chẳng bao lâu mà khắp dân gian ở miệt Cao miên cũng như ở vùng Long Xuyên và Châu Đốc. tinh thần Bửu- Sơn Kỳ- Hương được hưng khởi. Mặc dù ông không phát phái hay lập chùa chiền hóa độ, nhưng với quyển Sám giảng người đời gồm có 11 thiên mà ông cho truyền bá trong sanh chúng, không còn ai chẳng nhận ông là bực tiên giác trong giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương. Người ta thấy lại những điều lập thuyết và giáo hóa của Đức Phật Thầy Tây An, Đức Phật Trùm, Đức Bổn Sư phản chiếu trong quyền Sám giảng người đời ấy.
Lập thuyết của phái Bửu- Sơn Kỳ- Hương, như mọi người đã biết, xây dựng trên l1 tam ngươn. Cuộc đời xoay vần theo luật: từ Thượng ngươn, đến Trung ngươn rồi Hạ ngươn, khi Hạ ngươn mãn thì trở lại Thượng ngươn, và cứ như thế mãi mãi.
Cứ theo Đức Phật Thầy thì hiện nay xã hội loài người đã bước vào giai đoạn Hạ ngươn sắp mãn để lập lên cõi đời Thượng ngươn như Ngài đã cho biết :
Hạ ngươn đã cuối người ôi
Nay ta giáng bút để thôi coi đời.
Và Ngài không dứt nhắc đi lại:
Bảo người niệm Phật cho cần
Việc đời đã tới hầu gần đến đây.
Lập thuyết và giáo lý của Đức Phật Thầy Tây An được ông Sư Vãi Bán khoai hiển thị trong quyển Sám giảng người đời.
Về lý tam nguơn, ông cũng nhận như Đức Phật Thầy.
Tam nguơn nay sắp hết rồi.
Phật Trời hội nghị lập đời Thượng nguơn.
Và ông cho biết:
Trẻ già đừng có nghi ngờ
Việc đòi ngó thấy bây giờ tới đâyThời kỳ mà ông Sư Vãi Bán khoai ra đời lại nhằm thời buổi cực kỳ khó khăn (1901) quân pháp đã đặt vững nền đô hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Các cuộc kháng chiến cần vương lần lượt bị dẹp tất. Lòng dân đã chán ngán, đâm ra say đắm những quyến rũ của nền văn minh vật chất từ Tây phương mới du nhập. Trước làn sóng duy vật ồ ạt tràn đến, nền đạo đức cổ truyền một ngày một suy vi, thuần phong mỹ tục càng lúc càng bại hoại.
Trong cửa tu hành, những người thiệt tâm phụng sự Phật-pháp thì rất ít còn người ẩn dương nương Phật bày điều dối mỵ thì rất nhiều. ông Sư Vãi Bán khoai phải não lòng mà thốt ra những lời than trách.
Sao dám dối thế ngạo đời
Lên cốt Phật Trời tội đáng hay chưa?
Cạo đầu dối thế nào vừa.
Vào ở nhà chùa gạt chúng nuôi thân.Hoặc là:
Dối gian quyên tởi của người.
Đem về ăn uống vui cười nghinh ngang.
Cảnh tu hành suy đồi dường ấy thì còn nói chi đến cảnh thế gian. Những người ăn hiền ở lành, noi theo gương xưa tục cổ thì tựa hồ như máy tan trước gió, lần hồi thỏn mỏn, còn kẻ làm gian làm ác, khinh Thánh khi Thần, ngạo đời hại vật thì chẳng khác nào đám người đi hội, càng lúc càng đông. Thấy người tu hành chẳng những không kỉnh vi thì chớ họ còn ngạo báng chê bai, xu phu theo kẻ quyền qui, diễn thành một xã hội đớn hèn đồi bại.
Trong quyển Sám giảng người đời ông Sư Vãi Bán khoai đã mô tả về hạng người ngạo đời hại vật:
Kiêu ngạo cười nói văn vi.
Rủ nhau trâu chó vậy thì làm an.
Trần gian lời tục nhạo rằng:
Làm lành đâu có dư trăm tuổi ngoài.
Ăn trộm ăn cắp sống dai
Chửi mắng nó hoài nào thấy chết đâu.
Về hạng khinh Bạc kẻ cơ hàn và xu phụ kẻ quyền quí:
Thấy ai đói khổ cơ hàn.
Thời lại chẳng màng bỏ xó khinh khi.
Chọn người điều đó phương phi.
Dù võng cậu dì chú thím lăng xăng.
Về hạng người lường công cướp của:
Cho vay gạo quỷ tiền ma.
Lây lời thập bội đi ra cùng chùa.
Đến đâu nói nịnh nói hùa.
Lường công của thế quê mùa hàn vi.
Đói lòng phải ráng mà đi.
Công là mthì có, tiền thì vốn không.
Về hạng người chửi Thánh mắng Thần:
Lại thêm hổn ẩu hùng hào,
Mắng nhiếc Trời Phật biết bao nhiêu lần.
Lại thêm chửi Thánh rủa Thần.
Cho nên mắc phải chung thân đọa đày.
Sống trong một xã hội hư hèn như thế, mà muốn thức tỉnh người đời trở lại con đường đạo đức thiện lương là một điều rất khó. Làm sao cho họ biết nhân biết nghĩa khi mà họ chỉ biết có danh có lợi, toan mưu thiết kế để được vinh thân phi gia, thua thiệt, nhục dục. Làm sao cho họ quầy đầu hướng thiện kính Phật kính Trời khi mà họ đã hoàn toàn mất cả đức tin.
Thế mới biết vai tuồng của ông Sư Vãi Bán khoai trong công cuộc chấn hưng đạo Nhân, xướng minh đạo Phật để làm sáng tỏ giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương là việc làm không phải dễ. Phải tùy cơ duyên của chúng sanh mà đưa ra phương pháp cứu độ, cũng như vị lương y phải tùy bịnh mà lập phương. Phật pháp xả diệu là chỗ đó.
Thế nên, mặc dù cũng đồng có nhiệm vụ xiển dương pháp môn Tu Nhân Học Phật của giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương, nhưng tùy ở hoàn cảnh xã hội mà ông Sư Vãi Bán khoai khéo léo áp dụng những phương pháp phổ hóa có khác hơn Đức Phật Thầy Tây An và các vị tiên giác, khái yếu có thể phân ra làm hai phần: 1- Phần cảnh tỉnh; 2- Phần chỉ pháp tu.
PHẦN CẢNH TỈNH
Con người một khi mất cả tin tưởng, tin tưởng có Trời Phật, tin tưởng có quả báo luân hồi, tẩm phải ba cái độc: tham, sân, si thì khó mà thức tỉnh họ bằng những lý lẽ cao siêu, khó hiểu. Tâm trạng của họ ví như kẻ đang chạy mau, dầu có khuyên bảo điều chi, họ cũng không nghe kịp. Vậy muốn cho họ nghe, phải bảo họ dừng lại, cũng như muốn khuyên người làm lành, trước phải ngăn đừng cho họ làm ác nữa, như lời Phật đã dạy răn. Nhưng làm cách nào cho những người mất đức tin, đang giong ruổi trên con đường tội lỗi kia đứng lại?
ông Sư Vãi Bán khoai đã khéo chặn đứng họ lại bằng cách báo động cho họ biết rằng phía trứơc có cái vực sâu, nếu họ cứ tiếp tục chạy tới mãi thì chẳng khỏi rơi xuống vực. Cái vực sâu mà ông Sư Vãi Bán khoai muốn nói đây là ngày "Phật Trời hội nghị lập đời Thượng nguơn", vì lẽ "Tam nguơn nay đã hết rồi". Và trong những ngày hội công đồng phán xét ấy :
Phật Trời Thần Thánh đâu dùng.
Mấy đứa hung ác còn dung nỗi gì !
Người nào niệm Phật từ bi.
Thần lành theo giữ sợ gì mang tai.
Lung lăng hung ác ỷ tài.
Thời cơ thần dữ theo hoài hai bên.
Khuyên trong thiên hạ gần xa.
Phải suy phải xét trẻ già chớ ươn.
Tôi đã biết hết tỏ tường.
Tội phước hai lẽ không phương nào lầm.
Tu hành thì đặng thiện tâm.
Ác nhơn lại mắc cõi âm luân hồi.
Rồi nhân đó, ông cắt nghĩa lý luân hồi quả báo:
Luân hồi xem thấy mà ghê.
Làm trâu làm chó nhiều bề thiết tha.
Làm tôi làm mọi vậy mà.
Sanh ra heo ngựa, tội ta đền bồi.
Và khi người đời thức tỉnh, nhận rõ con đường tội phước, ông Sư Vãi Bán khoai mới khuyên tu :
Tôi khuyên hết thảy chợ quê.
Ráng mà tu niệm chớ hề nghinh ngang.
Rồi ông biện giải về ích lợi của sự tu hành, của người làm lành lánh dữ:
Nói cho già trẻ đặng làng.
Ráng mà tu niệm Ngọc Hoàng thứ dung.
Bớt bớt việc dữ việc hung.
Lo làm nhơn đức, việc hung đừng làm.
Thời là mới đặng thanh nhàn.
Có thuyền Bát nhã xuê sang rước về.
Ông quả quyết rằng kẻ tu hành thì chắc chắn được thanh nhàn, đắc đạo, vì theo ông:
Thú vật tu hỡi còn thành.
Người sao chẳng biết làm lành tu thân.
Mấy người ác đức bất nhân.
Không coi theo thú trau thân tu hành.
Thú vật cái ác còn thành.
Người cứ làm lành vốn thiệt Như Lai.
Sự tu đã quý báu và chắc chắn như thế, nhưng mà tu bằng phương pháp nào?
PHẦN CHỈ PHÁP TU
Giáo lý hay pháp môn hành đạo của ông Sư Vãi Bán khoai có thể tóm lược trong hai câu sau đây:
Niệm Phật phải giữ Tứ Ân
Ơn nhà ơn nước xử phân trọn nghì.
Nghĩa là gồm có hai giáo pháp: Tu Nhân (Tứ Ân) và Học Phật (Niệm Phật).
Về Tứ Ân: Ân tổ tiên cha mẹ, Ân đất nước, Ân Tam bảo, và Ân đồng bào nhân loại, ông Sư Vãi Bán khoai cũng như Đức Bổn Sư, đặc biệt biểu dương tinh thần Hiếu hạnh đối với Tổ tiên cha mẹ, và Nghĩa khí đối với quê hương đất nước, như ông thường nhắc nhở :
Minh tâm là sách Hớn đàng
Hiếu chỉ rõ ràng sao chẳng học coi.
Luật Nam nghĩa lý hẳn hòi.
Ơn cha nghĩa mẹ sự vua trung thần.
Thiệt là luân lý Tứ Ân.
Sao không lấy đó xử phân lấy mình!
Về ân Tổ tiên, ông không dứt lặp đi lặp lại:
Cửu huyền thất tổ đừng quên.
Vừa hương bát nước chẳng nên sai lầm.
Hoặc là:
Tu là kính trọng mẹ cha.
Cầu Trời cầu Phật Di Đà cứu an.
Còn về ân đất nước , ông chỉ cho thấy gương những vị anh hùng vị quốc vong thân đã được người đời ghi công dựng miễu:
Không coi mấy vị Thánh Thần.
Trung quân ái quốc nhân dân miễu thờ.
Đến như giáo pháp Học Phật, ông Sư Vãi Bán khoai không chủ trương cà Thiền Tịnh song tu như Đức Phật Thầy Tây An hay Đức Bổn Sư, mà chi xiển dương và phát huy pháp môn Tịnh độ, nhứt tâm niệm danh hiệu Phật A di đà cầu vãng sanh về Cực lạc. Ông cực lực tàn thân pháp môn niệm Phật, vì theo ông niệm Phật sẽ được nhiều lợi ích như sau :
1. Cải sửa tánh tình :
Niệm Phật phải sửa tánh tình.
Ở ăn ngay thẳng chớ tình phang ngang
2. Diệt trừ tham, sân, si :
Niệm Phật bỏ tánh câu mâu
Thì sau mới đặng một câu thanh nhàn.
3.Giải phiền não:
Niệm Phật vui thú thảnh thơi
Buồn sầu giải hết, mặc người cười chê.
4. Tăng lòng thương người , mến vật :
Niệm Phật hầm hút cháo rau
Thương người tàn tật sang giàu đừng ham.
5. Tiêu trừ tật bịnh :
Niệm Phật tật bịnh tiêu tan.
Như sương tan tát như hồ nước trong.
6. Được thần linh bảo hộ :
Niệm Phật có bốn thần linh.
Thường thường bảo hộ bên mình mộ khan.
7. Được phát vãng lai cưu nan:
Niệm Phật có Phật vãng lai.
Lâm cơn nạn tám Phật sai cứu mình
8. Cứu được Cửu huyền thất tổ:
Niệm Phật thọ mạng tang long.
Cửu huyền thất tỏ đặng về Tây phương.
9. Được hiển vinh
Ráng mà niệm Phật cứu mình.
Đến chừng lậo hội Long đình hiển vinh.
10. Được vãng sanh về Cực lạc
Niệm Phật sen nở đợi chờ.
Cây nào bóng nấy bốn mùa tốt tươi.Hay là :
Niệm Phật Cực lạc hân hoan.
Ta bà khổ não giàu sang mấy hồi.
Pháp môn niệm Phật đã thù thắng như thế, cho nên ông Sư Vãi Bán khoai khuyên phải gắng công trì niệm, chí thành chí thiết thì chắc chắn được kết quả, chẳng khác người trồng cây thì thế nào cũng đâm chồi nảy tược:
Niệm Phật như thể trồng cây.
Vun phân tưới nước thì cây đâm chồi.
Ai mà niệm Phật thả trôi,.
Cũng như cây bên mà người nhổ lên
Lập vườn muốn lập cho nên,
Đặng nhiều cây nhánh vững bền dài lâu.
Ở đời ít kẻ lo âu.
Niệm Phật ít tiếng, câu mâu nhiều lời.
Sở dĩ ông Sư Vãi Bán khoai về Học Phật và khuyên người chí quyết niệm Phật là vì pháp môn này chẳng những dễ tu mà còn kết qủa lại chắc chắn. Phương chi, người đời lúc bấy giờ tâm trí còn hoang mang, căn cơ còn thiểu bạc, nếu nhứt thiết đem giáo lý cao siêu của Thiền tông chỉ dạy thì không khỏi làm cho họ chán nản.
Vả lại, ông Sư Vãi Bán khoai ra đời trong một thời gian quá ngắn, rầy đây mai đó, không kịp lập quy mô một nền đạo thì thiết tường sự giáo hóa của ông được bấy nhiêu kể cũng nhiều lắm rồi. Với cái hoàn cảnh xã hội như thế, ông không thể làm hơn nữa được, vì ông chỉ có sứ mạng chuẩn bị, đến như công trình chấn hưng giáo hệ Bửu- Sơn Kỳ- Hương phát huy pháp môn Tu Nhân Học Phật trên những quy mô rộng lớn và xiển minh giáo lý siêu mầu của Đức Phật, còn phải chở công hoằng hóa của Đức Huỳnh giáo chủ.
(BSKH- SDD)
"Ông Sư Vãi Bán Khoai, Giáo Phái Phật Thầy Tây An còn lưu truyền bộ Tứ Thánh, tác giả là các Đấng Thiêng Liêng mượn xác Cậu bé chín tuổi để nói ra lời thơ, ý Đạo khuyên người đời nên hồi tâm hướng thiện vì đời Hạ Nguơn đã gần kề”.
Theo lời truyền tụng thì ông Sư Vãi Bán Khoai còn có nhiều pháp thuật và võ nghệ. Ông dùng đầu ngón tay cái như cái mõ nên mỗi khi cần niệm kinh hay đọc chú, ông dùng cây gõ vào thì phát ra tiếng “lốc cốc” y như tiếng mõ của các sư sãi trong chùa. Lúc ở Vĩnh Thông, ông thường đi nhổ bàng để dệt đệm. Một hôm, ông đang cầm mác đi chặt bàng bỗng nghe tiếng cọp gầm và tiếng người la cầu cứu gần đó. Ông cầm mác chạy tới, thấy người cùng xóm tên Mạnh đang dùng hai tay nắm chặt bốn chân con cọp và đội thẳng bụng cọp trên đầu nhưng vì cọp mạnh và nặng quá nên ông Mạnh không thể quật nó xuống được, cứ giằng co trong cái thế nguy hiểm đó. Ông liền cầm mác vươn mình nhảy tới, hét lớn lên rồi chém một nhát thật mạnh, con cọp bị đứt ra làm hai đoạn, chết liền tại chỗ nhưng ông Mạnh thì không bị hề hấn gì.
Về cách thức truyền bá quyển Sấm giảng của Ông Sư Vãi bán khoai, Đức Huỳnh Giáo Chủ khi còn ở Tổ Đình có kể lại câu chuyện như sau :“Một hôm, Ngài bán khoai ở miệt Cao-Miên, khi bưng khoai vào nhà một người mà Ngài nhận là có tâm đạo, thừa lúc người nầy lui cui đi vào buồng thì Ngài đút quyển “Sấm Giảng người đời”dưới khay trầu. Khi Ngài đi rồi, người ấy thấy một cuộn giấy dằn dưới khai trầu mới lấy ra xem thì mới biết đó là quyển Sấm giảng. Hỏi lại người trong nhà thì không ai biết do ai đem đến, chừng trực nhớ lại thì nhớ khi nãy có người bán khoai đi lại khai trầu, lại nữa, trong Sấm giảng có xưng là Sư Vãi bán khoai, nên cả nhà mới chưng hửng, cho người chạy kiếm khắp nơi nhưng không ai thấy được tung tích của Ngài”.
Ngoài ra, theo quyển “Phật Giáo Hòa Hảo Yếu Lược” của Lê Quang Liêm, có hai chuyện kể về việc truyền bá quyển Sấm giảng nầy như sau :
1/- Tại kinh Vĩnh Tế, có một người mắc bịnh điên, suốt ngày cứ la hét đập phá nhà cửa, không ai chữa trị được. Hôm nọ, ông sư vãi bán khoai vô tình bơi xuồng ngang qua thấy nhiều người đang xúm xít nên ghé xuồng lại để bán. Những người trên bờ thấy vậy mới bảo :“Ông ơi ! ông hãy bơi đi nơi khác mà bán, coi chừng thằng điên nó xuống đập phá làm chìm xuồng của ông bây giờ”. Mỉm cười, ông sư vãi cầm củ khoai bước lên bờ đúng lúc thằng điên đang tiến đến gần. Ông sư vãi đưa tay ra hiệu cho nó đứng lại rồi nói :“Tiền căn nhà ngươi hay đánh đập, áp bức người khác nên bây giờ phải “trả quả” như vậy !” Đoạn, ông vỗ vai tên điên và bảo :“Hãy ăn củ khoai nầy đi sẽ hết điên. Nhớ lo tu hành, làm lành lánh dữ để giải ác căn !”Tên điên đang múa may, la hét bỗng trở nên ngoan ngoãn cầm củ khoai đưa vào miệng nhai ngấu nghiến. Ăn xong, nó quỳ xuống lạy ông sư vãi như tế sao, thế là hết bịnh.
Mọi người quá đỗi kinh ngạc muốn giáp mặt ông để hỏi han cớ sự nhưng giống như có một sức mạnh vô hình không ai có thể ngăn cản được. Ông sư vãi đi quá nhanh, bước xuống xuồng rồi bơi đi với một tốc độ kinh hồn, dù rằng ở trên bờ có một số trai trẻ cố sức chạy theo nhưng vẫn không kịp. Sau đó, đang lúc cả xóm tụ tập bàn tán xôn xao thì có một người phát hiện tại gốc cây cạnh đó có để một quyển sách. Thì ra, đó là quyển “Sấm Giảng Người Đời” của ông Sư Vãi bán khoai để lại”.
sư vãi chèo chiếc ghe nhỏ đi bán khoai vừa chèo, vừa rao :
“Khoai lang ăn nấu ăn chiên,
Bà con hãy đến tại thuyền mà mua.
Bao nhiêu cứ lựa cho vừa,
Tiền nong cũng chẳng hơn thua làm gì ?
Ở đời lắm chuyện ly kỳ,
Ăn khoai ăn đá đều tùy cái Tâm”.
Người trong xóm nghe rao nên kêu ghé lại rồi bước xuống hỏi :“Mấy xu một cân vậy ông ?” Ông già đáp :“Hai xu một cân. Bà con cứ tự tiện lựa và cân rồi tính tiền để vào cái rổ trước mặt đó, lão không biết tính toán gì hết !” Thế là mạnh ai nấy lựa rồi cứ tự tiện trả tiền không ai để ý. Có người thật thà cân bao nhiêu thì trả bấy nhiêu, có người lấy đầy thúng mà chỉ trả có vài cân, lại có người lựa đầy bao mà không trả xu nào. Cuối cùng, sau khi cả ghe khoai hết sạch, ông già vui vẻ cám ơn và chèo ghe đi.
Kết quả là ngay chiều hôm đó, những người mua không trả tiền, khi nấu xong nồi khoai thì trong nồi chỉ toàn là đá. Còn những ai lấy khoai nhiều mà trả tiền ít thì vừa có khoai, vừa có đá. Trong khi những người lương thiện trả tiền sòng phẳng thì trong nồi đều là khoai rất ngon và trong những người nầy có người lại được quyển “Sấm Giảng Người Đời” để trong nồi. Do đó, ai cũng tin chắc rằng ông già đó là ông Sư Vãi bán khoai thị hiện để cảnh giác người đời.”
http://bskh.net/noidung_detail.php?newsid=87
TÌM HIỂU THÊM VỀ HIỆN TƯỢNG SƯ VÃI BÁN KHOAI
Lê Công Lý
Giữa thế kỉ XIX, xã hội miền Nam gặp cơn biến động dữ dội: dịch bệnh hoành hành rồi thực dân Pháp xâm lược, các phong trào kháng chiến chống Pháp lần lượt tan rã do bị đàn áp hết sức dã man. Triều đình nhà Nguyễn không còn cách nào khác, phải đi từ thỏa hiệp này đến thỏa hiệp khác và cuối cùng chính thức đầu hàng bằng “hòa ước” 1884. Theo hòa ước đó thì Nam Kì trở thành thuộc địa của Pháp, xem như nước Pháp nối dài. Do đó, nền văn hóa phương Tây thực dụng, lạ lẫm cũng theo chân thực dân Pháp tràn vào xứ Nam Kì. Nền văn hóa truyền thống Việt Nam lại thêm biến động dữ dội.
Những biến động dồn dập nói trên khiến những bậc tiên giác nghĩ đến thời mạt pháp (theo Phật giáo) hay hạ ngươn/hạ nguyên (theo Đạo giáo và Nho giáo)[1]. Theo tu sĩ Độc Giác Chơn Như trong cuốn Lời giảng của ông Sư Vãi Thất Sơn[2] thì có ba ngươn: thượng ngươn, trung ngươn và hạ ngươn, biểu thị ba giai đoạn thịnh suy của cuộc đời. Mỗi ngươn dài 60 năm, tròn một con giáp theo vòng tuần hoàn của sự dịch chuyển giữa thập can và thập nhị chi. Theo ông Sư Vãi Bán Khoai thì hạ ngươn bắt đầu từ năm Giáp tí 1864 đến năm Giáp tí 1924.
Niềm xác tín nói trên được khởi đầu từ Đức Phật Thầy Tây An, tục danh là Đoàn Minh Huyên (1807 - 1856), được xem là người sáng lập giáo phái Bửu Sơn Kì Hương với giáo pháp vô vi, nhập thế và bất chấp hình tướng. Sau khi Đức Phật Thầy viên tịch, nhiều vị đại đệ tử của ngài tiếp tục xiển dương giáo pháp nói trên, phát phù trị bệnh, đặt sám giảng dạy đời và có khuynh hướng chống Pháp. Có thể kể như: Đức Phật Trùm (ông Đạo Đèn), Đức Cố quản Trần Văn Thành (ông Đạo Lành), Đức Bổn sư Ngô Lợi, ông Sư Vãi Bán Khoai, ông Cử Đa, ông Đạo Xuyến, ông Đạo Ngoạn, ông Đạo Lập, ông Đạo Lãnh, v.v. và Đức Huỳnh giáo chủ.
Trong số những bậc siêu phàm nói trên thì ông Sư Vãi Bán Khoai là trường hợp đặc biệt nhất: thoát ẩn thoát hiện, thay hình đổi dạng, nam giới mà trông như phụ nữ, lại không rõ tên tuổi, quê quán mặc dù ông đã vân du khắp nơi, sang cả Cao Miên, Trung Quốc và để lại nhiều sám giảng. Do đó, mục đích bài viết này là thử tìm hiểu để trả lời một số nghi vấn về ông đạo có một không hai này.
1.Tại sao gọi là “Sư Vãi Bán Khoai”?
Theo Nguyễn Văn Hầu trong Thất Sơn mầu nhiệm thì ông Sư Vãi Bán Khoai “hình dạng nhỏ bé, ốm yếu như người đàn bà, trước ngực thường mang một cái yếm, xa xa trông như một cô vãi. Lại nữa, ông trị bịnh cho đời hay dùng vải áo, vải khăn của mình mà cho, nhân thế người ta đặt cho ông cái biệt danh Sư Vãi[3].
Vào khoảng năm Tân Sửu (1901) và Nhâm Dần (1902), ông thường giả dạng thường nhân đi bán khoai ở xứ Cao Miên và trong kinh Vĩnh Tế để tùy cơ khuyến thiện người đời. Thấy vậy người đời mới quen gọi ông là ông Sư Vãi Bán Khoai”[4].
Một vài thông tin trên cần phải được xem xét lại, chẳng hạn về thời điểm ông Sư Vãi Bán Khoai vân du dạy đời. Nguyễn Văn Hầu ghi nhận là trong hai năm 1901 và 1902 có lẽ chưa thỏa đáng, bởi lẽ trong một số bài sám giảng của mình, ông Sư Vãi Bán Khoai có tiên tri rằng năm Giáp tí 1864 sắp đến là năm bắt đầu thời hạ ngươn mạt pháp:
Hạ ngươn Giáp tí đầu niên,
Gẫm trong thiên hạ không yên chỗ nào.
(Vãn Sư Vãi Bán Khoai)
Hạ ngươn Giáp tí bằng nay,
Cơ trời đã khiến lập đời thượng lai.
(Lời giảng của ông Sư Vãi Thất Sơn, Sđd, tr. 4)
Giáp tí khổ não muôn phần,
Không phải thái bình ngày rày dân ôi!
(Lời giảng của ông Sư Vãi Thất Sơn, Sđd, tr. 6)
Điều đó chứng tỏ ông Sư Vãi Bán Khoai xuất hiện từ trước năm 1864 và tính tới năm 1901 thì ông xuất hiện khoảng 40 năm. Hơn nữa, ông đã vân du không chỉ trong nước mà sang cả Cao Miên, Trung Quốc nên chắc chắn phải thực hiện trong một khoảng thời gian dài chứ không thể chỉ trong hai năm:
Rồi tôi đi đến bên Tàu,
Bây giờ trở lại An Giang Nam thành.
(Lời giảng của ông Sư Vãi Thất Sơn, Sđd, tr. 20)
Tôi đâu mà có an thân,
Bây giờ Phật biểu tôi sang nước Tần[5].
(Lời giảng của ông Sư Vãi Thất Sơn, Sđd, tr. 21)
Còn về danh xưng “Bán Khoai” thì cần phải hiểu đó chỉ là một cách gọi tên, họa chăng là do ông Sư Vãi Bán Khoai lúc đầu giả dạng người bơi xuồng bán khoai lang củ, chứ thật ra ông còn giả dạng thành nhiều thân phận khác nữa, như người bán gạo, bán củi, bán bánh, đui mù, ăn xin, v.v.
Tôi đây ông vãi bán khoai,
Bán gạo Ông Chưởng[6] ai ai cũng lầm.
Ghe khoai, ghe củi, ghe lường,
Chèo qua chèo lại tôi đương độ trà.
Có người bán bánh thật thà,
Bao nhiêu quỷ mị non tà sạch trơn.
(Lời giảng của ông Sư Vãi Thất Sơn, Sđd, tr. 19)
2.Lai lịch Sư Vãi Bán Khoai và sám giảng/sấm vãn của ông
2.1.Lai lịch
Theo Nguyễn Văn Hầu trong Thất Sơn mầu nhiệm thì ông Sư Vãi Bán Khoai “tên là Mỹ, họ gì không rõ. Quê quán và lai lịch tổ tiên như thế nào hỏi không ai biết. Ông có vợ, sanh được hai con và thường đến Vĩnh Gia thuộc kinh Vĩnh Tế (Châu Đốc)… Ông có nhiều pháp thuật và võ nghệ. Nội ngón tay cái của ông, mỗi khi cần niệm kinh hay đọc chú, ông dùng cây gõ vào thì có tiếng kêu lên cốc cốc, giống như mõ của các thầy phù thủy” (Sđd, tr. 101 – 102.) Tuy nhiên, so với các bậc siêu phàm khác thì lai lịch ông Sư Vãi Bán Khoai được ghi trong Thất Sơn mầu nhiệm còn quá sơ sài.
Trên nguyệt san Giác ngộ số 136 (tháng 7/2007), Huỳnh Ngọc Trảng có bài “Ký tả một bài về hòa thượng Huệ Lưu”. Bài viết chủ yếu khai thác thông tin từ cuốn Sám giãn người đời (gồm 11 bài) do nhà in Thạnh Mậu phát hành năm 1949. Trong cuốn “Sám giãn” này, theo phân tích của Huỳnh Ngọc Trảng thì có 4 bài không nêu tên tác giả, 5 bài nêu tên Huệ Lưu, 3 bài có tên ông Sư Vãi Bán Khoai. Điều này nghĩa là có một bài (bài số IX) vừa có tên Huệ Lưu, vừa có tên ông Sư Vãi Bán Khoai.
Do đó, Huỳnh Ngọc Trảng nêu nghi vấn: “Chính sự không thống nhất về danh xưng/tên tác giả trong các bài sám giảng in trong Sám giãn người đời như vậy nên hậu thế không ít người đã giả thiết, thậm chí khẳng định Sư Vãi Bán Khoai chính là danh xưng của hòa thượng Huệ Lưu trong khoảng thời gian hòa thượng vân du vùng Thất Sơn – Bảy Núi” (Sđd, tr. 61).
Theo chúng tôi, suy đoán đó tỏ ra có cơ sở mặc dù không hoàn toàn chắc chắn. Bởi lẽ, trong Thất Sơn mầu nhiệm, Nguyễn Văn Hầu cũng đã cho biết: “Ông [Sư Vãi Bán Khoai] để lại một bổn Sám giảng người đời (11 quyển)… ngày nay vẫn còn truyền tụng” (Sđd, tr. 104).
Hơn nữa, trong cuốn Lời giảng của ông Sư Vãi Thất Sơn, có lúc xưng “Tôi đây ông vãi bán khoai” (tr. 19), có lúc lại xưng:
Huệ Lưu ký tả một bài,
Diễn ban châu quận hậu lai khán tường. (tr. 28)
Huệ Lưu bút ký đã rồi,
Đặng cho thiên hạ dấu lai để đời. (tr. 28)
Mặt khác, trong bài “Sám giảng khuyên người đời tu niệm”, Đức Huỳnh giáo chủ có kể việc hai thầy trò nhà sư (không nói rõ là ai) cũng vân du giả dạng, biến hóa, ẩn hiện khắp Nam Kì lục tỉnh để “khuyên người đời tu niệm”. Đến đoạn nhắc đến “chuyện năm xưa”:
Cảm thương ông lão bán khoai,
Vì yêu dân chúng chẳng nài nắng mưa.
thì liền sau đó khẳng định danh xưng:
Đừng thấy ngu dại mà khi,
Thầy thì Huệ Lựu [Lưu], tớ thì Huệ Tâm[7].
Điều này chứng tỏ Đức Huỳnh giáo chủ đã gián tiếp cho biết Sư Vãi Bán Khoai chính là hòa thượng Huệ Lưu. Và nếu quả thật như vậy thì có thể biết được quê quán của ông Sư Vãi Bán Khoai qua lời của thượng tọa Thích Huệ Viên, trụ trì tổ đình Giác Viên (số 161/85/20 Lạc Long Quân, Q.11, TP.HCM) như sau: “Hòa thượng Huệ Lưu vốn quê ở làng Nhựt Tảo [nay thuộc huyện Tân Trụ, tỉnh Long An], sinh vào khoảng giữa thế kỉ XIX và từ nhỏ đã xuất gia tu học ở chùa Giác Viên. Hòa thượng Huệ Lưu thọ giới quy y với hòa thượng Minh Khiêm – Hoằng Ân, dốc chí tu học và giữ giới luật tinh nghiêm, giỏi cả về Phật pháp và Hán văn. Sau đó, ông được cử về làm trụ trì chùa Huê Nghiêm (Thủ Đức)”[8].
Tuy nhiên, theo cuốn Đình chùa lăng tẩm nổi tiếng Việt Nam[9] thì thiền sư Huệ Lưu sinh năm 1857, mất năm 1898, như vậy thì ông không thể nào tiên tri về năm giáp tí 1864 được, vì tính đến năm đó ông lớn nhất cũng chỉ có 7 tuổi. Mặt khác, ông mất năm 1898 thì không thể xuất hiện vào năm 1901, 1902 như ghi nhận của Nguyễn Văn Hầu được. Do đó, giả thiết Sư Vãi Bán Khoai chính là hòa thượng Huệ Lưu cần phải xem xét lại.
Hơn nữa, giả sử Sư Vãi Bán Khoai chính là hòa thượng Huệ Lưu thì quê quán của ông cũng không thống nhất: theo thượng tọa Huệ Viên thì ông quê ở làng Nhựt Tảo (Long An) trong khi Sấm giảng khuyên người đời tu niệm của Đức Huỳnh giáo chủ gọi ông Sư Vãi Bán Khoai là Khùng[10] còn mình tự xưng là Điên[11] và cho biết quê quán của ông Sư Vãi Bán Khoai ở núi Sam (nay là thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang):
Khùng thời quê ngụ núi Sam,
Còn Điên chẳng có chùa am dưới này[12].
Chính điều này đã góp phần bác bỏ giả thiết cho rằng ông Sư Vãi Bán Khoai chính là hòa thượng Huệ Lưu. Tuy nhiên, nếu hiểu núi Sam là quê hương thứ hai của ông Sư Vãi Bán Khoai thì vấn đề sẽ còn phức tạp hơn nữa.
Năm sinh của ông Sư Vãi Bán Khoai đã không rõ, năm mất cũng không rõ. Tuy nhiên, trong Lời giảng của ông Sư Vãi Thất Sơn, đoạn cuối có bài “Lời từ giã” với những câu:
Xưa kia tục cổ ông bà,
Đâu có cắt tóc như đời nay đâu.
Tu hành cũng khá lo âu,
Để tóc mới khỏi thảm sầu từ đây. (tr. 40)
Từ đó có thể suy đoán rằng ông Sư Vãi Bán Khoai nói “Lời từ giã” này vào khoảng năm 1905, khi cuộc vận động cắt tóc của phong trào Duy Tân nổi lên rầm rộ. Điều này cũng góp phần bác bỏ giả thiết cho rằng năm giáp tý mà ông tiên tri là 1924.
Tuy nhiên, gần đây trên trang http://vi.wikipedia.org có cung cấp thêm thông tin mới về Sư Vãi Bán Khoai như sau:
“Ở Bến Tre có một ngôi đền và mộ của Sư Bán Bán Khoai. Nơi đó không có tài liệu nào viết về thân thế và sự nghiệp của vị tu sĩ này, chỉ biết ông tên Huỳnh Phú Minh, pháp danh Sư Vãi Bán Khoai, sinh năm 1898, mất lúc 21 giờ đêm ngày mùng 10 tháng Hai năm Đinh Dậu (1957), hưởng dương 59 tuổi.
Buổi đầu, an táng ông tại Cầu Móng (thuộc Bến Tre), sau cải táng về xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre.
Ở đền, có phát không quyển Sám giảng người đời, trong đó có 11 cuốn (tổng cộng 2. 422 câu) và ba bài kệ (tổng cộng 128 câu). Tất cả đều viết theo thể lục bát, có chủ đề tương tự như trên. Nhưng căn cứ lời kể của GS. Nguyễn Văn Hầu, Sư Vãi Bán Khoai ở An Giang xuất hiện và giảng đạo trong khoảng năm 1901-1902, thì lúc đó Sư Vãi Bán Khoai ở Bến Tre chỉ mới ba hoặc 4 tuổi, suy ra hai ông sư này không thể là một được”.
Tóm lại, những thông tin về lai lịch của ông Sư Vãi Bán Khoai còn khá mơ hồ, thậm chí bất nhất và nhìn chung là còn khá sơ sài, chủ yếu là do người đời sau suy đoán ra. Việc để tóc, mai danh ẩn tánh, thậm chí giả dạng chính là cách để các nhà sư của phái Bửu Sơn Kì Hương vân du nhập thế dạy đời theo giáo pháp vô vi, bất chấp danh sắc.
2.2.Sấm vãn/sám giảng của ông
Theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh thì “sấm” được hiểu là “lời sấm, đoán việc tương lai”. Còn “vãn”, theo Huình Tịnh Paulus Của, là “chuyện đặt có ca vần”, thường được gọi chung là “vè vãn: tiếng đôi, thường hiểu là vè”. Việt ngữ chánh tả tự vị của Lê Ngọc Trụ gọi đó là tiếng đôi (“chuyện vãn”), nghĩa là một hình thức tự sự. Theo Huỳnh Ngọc Trảng, có các thể văn vần như: vãn ba (3 tiếng/câu), vãn tư (4 tiếng/câu), vãn năm (5 tiếng/câu)… Đặc biệt là thể vãn lục bát, tức truyện thơ Nôm (Sđd, tr. 62).
Đức Phật Thầy Thây An và hầu hết các vị kế truyền của phái Bửu Sơn Kì Hương đều đặt sấm vãn tiên tri thời thế, đoán trước những tai họa sắp xảy ra trong thời hạ ngươn mạt pháp để khuyên bá tánh làm lành lánh dữ, lo tu niệm để tránh nạn tai oan nghiệt. Những bài sấm vãn này thường ở dạng thơ lục bát dễ đọc dễ nhớ nên có sức lan tỏa và lưu truyền rất mạnh mẽ.
Do đặc điểm ngữ âm Nam Bộ nên có sự gần gũi, thậm chí lẫn lộn giữa “sấm vãn” và “sám giảng”, nhất là nội dung của hai thể tài này lại rất gần nhau, đôi khi thật khó phân biệt, ít ra là trong thời kì tôn giáo cứu thế ở Nam Bộ nửa sau thế kỉ XIX và môi trường của Phật giáo Bửu Sơn Kì Hương. Theo Huỳnh Ngọc Trảng, “sám” (ksama) nghĩa là mong được tha tội, “giảng” là thuyết giảng kinh kệ cho mọi người nghe (Sđd, tr. 63).
Chính do sự gần gũi cả về ngữ âm lẫn ngữ nghĩa giữa sấm/sám và vãn/giảng mà đôi khi chúng được dùng hoán đổi cho nhau. Chẳng hạn, cuốn Sám giảng thi văn toàn bộ của Đức Huỳnh giáo chủ ngoài bìa 1 ghi là “Sám giảng” nhưng kể từ bìa lót trở đi thì đều ghi là “Sấm giảng”. Cá biệt, cuốn Sám giãn người đời [tôi gạch dưới – L.C.L.] của nhà in Thạnh Mậu nói trên là do viết sai chuẩn chính tả: lẽ ra phải viết là “sám giảng”. Riêng cuốn do tu sĩ Độc Giác Chơn Như biên soạn lại đặt tên là Lời giảng của ông Sư Vãi Thất Sơn [tôi gạch dưới – L.C.L.], xem như thêm một bước “đời thường hóa” nội dung của nó.
Trở lại nội dung sám giảng của ông Sư Vãi Bán Khoai, hiện chưa có văn bản nào có thể xem là chính thức, rõ ràng và đầy đủ. Trong cuốn Sám giãn người đời, như đã nói trên, gồm có 11 bài nhưng chỉ có 3 bài có tên ông Sư Vãi Bán Khoai. Điều này chứng tỏ chưa chắc cả 11 bài đó là của ông Sư Vãi Bán Khoai. Vậy thì 8 bài còn lại là của ai? Câu hỏi này cần được tiếp tục nghiên cứu.
Riêng cuốn Lời giảng của ông Sư Vãi Thất Sơn do tu sĩ Độc Giác Chơn Như biên soạn thì lại không nói rõ biên soạn dựa trên nguồn tài liệu nào, trong lời nói đầu chỉ ghi ghi là: “Quyển sám này có quá lâu nên không còn truyền nữa. Hôm nay quý đạo tâm gặp lại quyển sám này còn hơn gặp lại vàng mà mình đã bị mất từ lâu… Đây cũng là một duyên lành tôi gặp được…”. Cuốn này cũng không đề năm biên soạn và nơi phát hành, cũng không cho biết lai lịch của người biên soạn. Điều đáng nói là giữa cuốn Sám giãn người đời và cuốn Lời giảng của ông Sư Vãi Thất Sơn vẫn có một số câu giống nhau, chẳng hạn:
Hạ ngươn như sợi chỉ mành,
Sao không tu niệm, tranh giành làm chi.
Phật trời tiên thánh sầu bi,
Cậy ông Sư Vãi mau mau xuống trần.
Sư Vãi vội vã ân cần,
Đi hết khắp bốn cõi trần giáo khuyên.
Thương ông Sư Vãi nhọc nhằn,
Sao thân chẳng biết mấy thân dưới trần.
Giáo khuyên khắp hết bốn phương,
Ai nghe thì lại mến thương vô cùng.
Như ai có muốn làm hung,
Thằng ông lại giả thằng khùng đi xin.
Lại còn giễu cợt chê cười,
Điên khùng nào phải thần tiên đâu là…
Thấy vậy thêm não thêm buồn,
Trở về núi Cấm tiên bồng thuở xưa.
Rồi tôi qua đến bên Tàu,
Bây giờ trở lại An Giang Nam thành.
Tôi đâu có ngại nhọc nhằn,
Cầu cho ai nấy làm lành tu thân.
(Sám giãn người đời, tr. 56 – 57;
Lời giảng của ông Sư Vãi Thất Sơn, tr. 19 – 20).
Sự giống (và khác) nhau này chứng tỏ sám giảng của ông Sư Vãi Bán Khoai có nhiều dị bản, và điều này cũng có nghĩa là nó đã đi sâu vào đời sống tinh thần vô cùng phong phú của nhân dân Nam Bộ.
Về nội dung, nhìn chung sám giảng của ông Sư Vãi Bán Khoai kêu gọi lòng hiếu thảo, tình yêu nhân loài. Điều đáng lưu ý là ông luôn khuyến khích tu niệm bằng tâm đạo, chống tu hành hình thức, chạy theo âm thanh sắc tướng:
Phật không có biểu tụng kinh,
Gắng công khấn bái chúc nguyền mẹ cha.
(Lời giảng của ông Sư Vãi Thất Sơn, tr. 5)
Thậm chí ông chủ trương thực hành đúng theo giáo pháp vô vi của Đức Phật Thầy Tây An, tu chẳng cần chùa am, đình quán:
Chẳng cần chùa miễu đình am,
Thảo lư nhơn đức có hàng Quan Âm.
Chùa am rực rỡ chớ lầm,
Là nơi danh lợi giựt thầm nhân gian.
(Lời giảng của ông Sư Vãi Thất Sơn, tr. 25)
Ông cũng khuyên không nên thờ cốt tượng, chỉ thờ trần điều là đủ:
Tạo làm chi nhiều cốt với hình,
Rồi sau này xem thấy hãi kinh.
Những hình cốt thành hình ám hại,
Cốt với hình sau thành yêu quái.
(Lời giảng của ông Sư Vãi Thất Sơn, tr. 32)
Ông chủ trương tu không câu nệ vẻ bề ngoài, không cần mặc áo cà sa, cũng không cần cạo đầu:
Tu hành cũng khá lo âu,
Để tóc mới khỏi thảm sầu từ đây.
(Lời giảng của ông Sư Vãi Thất Sơn, tr. 40)
Đặc biệt, ông luôn tỏ thái độ gìn giữ đạo lí truyền thống của dân tộc bằng việc bài bác đạo Thiên chúa do người Pháp mang đến. Theo ông, đạo Thiên chúa tràn sang Việt Nam là dấu hiệu của thời hạ ngươn mạt kiếp:
Hạ ngươn thay dạ đổi lòng,
Cho nên theo đạo[13] bỏ mà tổ tông.
(Lời giảng của ông Sư Vãi Thất Sơn, tr. 9)
Như ai muốn ở thiên đường,
Đừng mê theo đạo quỷ dương làm gì.
Như mê theo đạo Huê Kỳ,
Thời là phải bỏ vậy mà tổ tông.
Người đời phải xét cân phân,
Theo đạo nước khác có công danh gì.
(Lời giảng của ông Sư Vãi Thất Sơn, tr. 14)
Dù nội dung bao trùm sám giảng của ông Sư Vãi Bán Khoai là tiên tri thời thế - thời hạ ngươn đầy khổ đau, đen tối, lầm lạc – nhưng nó vẫn không vì thế mà bi quan yếm thế. Đằng sau những cảnh tối tăm ấy, ông Sư Vãi Bán Khoai cũng chỉ ra tương lai sáng sủa nước Việt Nam nếu người dân biết tu tỉnh để sống còn mà bước qua thời thượng ngươn thánh đức:
Nước Nam như thể cái lầu,
Ngày sau các nước đâu đâu lại tùng.
(Lời giảng của ông Sư Vãi Thất Sơn, tr. 9)
Chừng nào Bảy Núi thành vàng,
Thời là bá tánh an nhàn tấm thân.
(Lời giảng của ông Sư Vãi Thất Sơn, tr. 15)
Chừng nào núi Cấm hóa lầu,
Thời là bá tánh đâu đâu thái bình.
(Lời giảng của ông Sư Vãi Thất Sơn, tr. 18)
Ông cũng tin tưởng vào sự phục hưng của Phật giáo Việt Nam :
Bấy lâu Phật ở nước Tần,
Bây giờ Phật lại trở lần về Nam .
(Lời giảng của ông Sư Vãi Thất Sơn, tr. 25)
Niềm xác tín này có lẽ bắt đầu từ Đức Phật Trùm (tức ông Đạo Đèn). Bởi vì Đức Phật Trùm vốn là người Cao Miên (ta gọi là nước Tần), khi chưa tỏ ngộ thì cạo đầu, nói tiếng Miên, nhưng khi đã tỏ ngộ thì lại để tóc, ăn mặc như người Việt và nói tiếng Việt, không nói tiếng Miên nữa, thậm chí ông còn bảo vợ con phải sống theo phong tục người Việt. Và ông tự nhận:
Tuy là phần xác của Mên [Miên],
Hồn Trùm của Phật xuống lên dạy đời.
(Thất Sơn mầu nhiệm, Sđd, tr. 89)
Tóm lại, Sư Vãi Bán Khoai chính là ông đạo kế thừa giáo pháp Bửu Sơn Kì Hương của Đức Phật Thầy Tây An – nét độc đáo có một không hai của Phật giáo phương Nam: vô vi ẩn dật, vân du dạy đời và cứu người, đặc biệt là đặt sám giảng khuyên người đời tu niệm, làm lành lánh dữ và luôn tha thiết kêu gọi tu tâm:
Khoai lang ăn nấu ăn chiên,
Bà con hãy đến tại thuyền mà mua.
Bao nhiêu cứ lựa cho vừa,
Tiền nong cũng chẳng hơn thua làm gì ?
Ở đời lắm chuyện li kì,
Ăn khoai ăn đá đều tùy cái Tâm.
(Sám giãn người đời)
Có điều, lai lịch ông Sư Vãi Bán Khoai không rõ ràng, và giữa ông với Phật Thầy Tây An (1807 – 1856), đức Phật Trùm (? – 1875) đức Bổn sư Ngô Lợi (? – 1909), và Đức Huỳnh giáo chủ (Huỳnh Phú Sổ, 1918 - 1947) có nhiều điểm khá tương đồng. Thậm chí, trong Sám giảng khuyên người đời tu niệm, Đức Huỳnh giáo chủ có kể việc hai thầy trò nhà sư giả dạng vân du khắp nơi, biến hóa thành đủ thân phận để tùy duyên hóa độ bá tánh và cuối bài sám giảng ông lại cho biết bóng gió:
Đừng ham nói nọ nói này,
Lặng yên coi thử Điên này là ai.
Cảm thương Ông Lão Bán Khoai,
Vì yêu dân chúng chẳng nài nắng mưa.
(Sám giảng thi văn toàn bộ của Đức Huỳnh giáo chủ, Sđd, tr. 34)
Tín đồ đạo Bửu Sơn Kì Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Hòa Hảo tin rằng Đức Phật Thầy Tây An đã nhiều lần chuyển kiếp qua Đức Phật Trùm, Đức Bổn sư Ngô Lợi, ông Sư Vãi Bán Khoai và cuối cùng là Đức Huỳnh giáo chủ. Đây là vấn đề tâm linh huyền bí thật khó mà kiểm chứng. Tuy nhiên, có thể hiểu khái niệm chuyển kiếp theo nghĩa truyền nhân, nghĩa là các vị nói trên truyền thừa nhau để thực hiện pháp chánh truyền của giáo phái Bửu Sơn Kì Hương mà Phật Thầy Tây An đã vạch ra. Và, nếu quả như vậy thì không có một ông Sư Vãi Bán Khoai cụ thể nào, mà đó chính là hiện tượng Sư Vãi Bán Khoai được nhiều người, đồng thời hoặc tiếp nối, đảm nhận như một sứ mệnh thiêng liêng được trao truyền từ Đức Phật Thầy Tây An.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển, Nxb Văn hóa Thông tin, 2005.
2. Dật sĩ và Nguyễn Văn Hầu, Thất Sơn mầu nhiệm, Nxb Từ Tâm, SG, 1972.
3. Độc Giác Chơn Như, Lời giảng của ông Sư Vãi Thất Sơn, không đề năm xb, nơi xb.
4. Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Sám giảng thi văn tòan bộ của Đức Huỳnh giáo chủ, Ban Phổ thông giáo lý Trung ương ấn hành, Long Xuyên, 1971.
5. http://vi.wikipedia.org
6. Huình Tịnh Paulus, Đại Nam quấc âm tự vị, Imprimerie REY, CURIOL & Cie, SG, tập 1: 1895, tập 2: 1896.
7. Huỳnh Ngọc Trảng cb, Sổ tay hành hương Đất phương Nam , Nxb TP.HCM, 2002.
8. Huỳnh Ngọc Trảng, “Ký tả một bài về hòa thượng Huệ Lưu”, Nguyệt san Giác ngộ số 136 (tháng 7/2007).
9. Lê Ngọc Trụ, Việt ngữ chánh tả tự vị, Nxb Khai trí, SG, 1972.
10. Trần Mạnh Thường cb, Đình chùa lăng tẩm nổi tiếng Việt Nam , Nxb Văn hóa Thông tin, 1999.
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Hai danh từ “mạt pháp” và “hạ ngươn” ở Nam Kì thường được dung lẫn lộn nhau do quan niệm “Tam giáo đồng qui”.
[2] Sách gồm 52 trang, không ghi nơi phát hành, năm phát hành và lai lịch của người biên soạn.
[3] Giọng Nam Bộ nói “vãi” với “vải” như nhau [chú thích của L.C.L.].
[4] Thất Sơn mầu nhiệm, Nxb Từ Tâm, SG, 1972, tr. 101 - 102.
[5] Nước Tần chính là nước Cao Miên, nay là Campuchia. Gọi là Tần vì Cao Miên nằm phía tây Nam Kì lục tỉnh cũng như nước Tần thời Chiến quốc nằm ở phía tây vùng Trung Nguyên của Trung Quốc.
[6] Tức cù lao Ông Chưởng, nay thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
[7] Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Sám giảng thi văn tòan bộ của Đức Huỳnh giáo chủ, ban Phổ thông giáo lý Trung ương ấn hành, 1971, tr. 34.
[8] Dẫn theo Huỳnh Ngọc Trảng, Sđd, tr. 59.
[9] Trần Mạnh Thường cb, Nxb văn hóa Thông tin, 1999, tr. 317.
[10] Vì chính ông Sư Vãi Bán Khoai tự xưng như vậy:
Khùng này Khùng Phật Khùng Trời,
Cho nên Khùng biết việc đời hết trơn.
(Lời giảng của ông Sư Vãi Thất Sơn, tr. 30)
[11] Ngồi buồn Điên tỏ một khi,
Bá gia khổ não vậy thì từ đây.
(Sám giảng thi văn toàn bộ của Đức Huỳnh giáo chủ, Sđd, tr. 11).
[12] Sám giảng thi văn tòan bộ của Đức Huỳnh giáo chủ, Sđd, tr. 34.
[13] Hiểu là đạo Thiên chúa.
http://vn.360plus.yahoo.com/lecongly83/article?mid=1593
Ông Sư Bán Khoai
(1901-1902)
Sau khi Đức Bổn Sư viên tịch, thực dân Pháp vẫn thẳng tay khủng bố, đàn áp tín đồ của tông phái “Bửu Sơn Kỳ Hương” cũng như “Tứ Ân Hiếu Nghĩa”, khiến cho các môn đồ phải hết sức né tránh và dè dặt mọi mặt. Vì vậy, việc truyền giáo gần như bị thu hẹp và nghi thức hành đạo cũng phải thay đổi tùy theo tình hình lúc bấy giờ.
Vào khoảng năm Tân Sửu (1901) và Nhâm Dần (1902), tại một số tỉnh thuộc xứ Cao Miên giáp giới Việt Nam và vùng kinh Vĩnh Tế (Châu Đốc), người ta thấy xuất hiện một nhà sư có hình dáng nhỏ nhắn như đàn bà, trước ngực thường mang một cái yếm, xa trông như một cô Vãi vừa chèo ghe bán khoai vừa rao giảng khắp nơi, nên được dân gọi là “Ông Sư Bán Khoai”.
Theo một số tài liệu, ông tên là Mỹ nhưng không rõ sinh quán và gia cảnh thế nào, nhưng ai cũng tin chắc ông là người kế thừa tông phái “Bửu Sơn Kỳ Hương” vì trong những lần tiếp xúc với dân làng, ông luôn luôn tôn vinh Đức Phật Thầy, Đức Phật Trùm và Đức Bổn Sư. (Hai tiếng “Sư Vãi” có lẽ cũng đủ để ám chỉ Đức Bổn Sư vì chỉ có Đức Bổn Sư mới xưng là Sư và Ngài lại thường giả làm Vãi, nên môn đồ hay gọi là chị Năm Thiếp.) Trong lúc hóa hiện làm người đi bán khoai, ông thường kêu gọi người đời nên bền tâm tu niệm vì đời Hạ Nguyên sắp chấm dứt và chỉ có con đường tu niệm, làm lành lánh dữ mới có thể cứu con người thoát khỏi những tai họa thảm khốc.
Ngoài ra, trong thời gian nầy ông còn truyền bá một quyển “Sấm Giảng Người Đời” gồm 11 thiên (người dân gọi là Giảng mười một hồi), có nội dung đề cao pháp môn Học Phật Tu Nhân, nhắc nhở bổn phận làm người, gợi lên tấm lòng trung quân ái quốc và tiết lộ những biến thiên của Tạo Hóa. Đặc biệt, trong quyển Sấm Giảng nầy, ông còn nói rất nhiều về “Thuyết Tam Nguyên” là một lập thuyết về Vũ trụ quan và Nhân sinh quan của “Bửu Sơn Kỳ Hương”. Theo thuyết nầy thì hiện nay nhân loại đang sống thời kỳ cuối cùng của Hạ Nguyên mạt pháp và sẽ có Hội Long Hoa để chọn người sống đời Thượng Nguyên Thánh Đức. Đồng quan điểm với chủ thuyết nầy, trên một Website của Cao Đài Giáo có bài phân tích về quyển Sấm Giảng nầy như sau:
“Đời Hạ Nguyên sắp mãn và thời gian rất gần sẽ khai diễn Đại Hội Long Hoa. Từ đầu đến cuối quyển “Sấm Giảng Người Đời” còn nhắc đi nhắc lại nhiều lần danh từ Hạ Nguyên:
“Hạ Nguyên Giáp Tý bằng nay,
Cơ Trời đã khiến lập đời Thượng Lai
... Hạ Nguyên nay đã hết rồi,
Minh Hoàng cầu Phật lập đời Thượng Nguyên”.
Hoặc mấy câu khác:
”Hạ Nguyên Tuất, Hợi đổi đời,
Ngọc Hoàng hội nghị lập đời Thượng Nguyên”.
Ông Sư Bán Khoai cho biết Đại Hội Long Hoa sẽ được mở ra để chọn người hiền đức và lập đời Thượng Nguyên vô cùng tốt đẹp, một xã hội của người hiền, không còn kẻ ác, vì ở cuối đời Hạ Nguyên đa số người tội lỗi quá nhiều:
“Bởi Trần lỗi quá muôn phần,
Cho nên lập Hội Long Hoa chọn người.
Hiền từ thì đặng thảnh thơi,
Nghênh ngang khó trốn lưới Trời, bớ dân!
Lưới hồng bủa khắp cõi Trần,
Chuyển luân Bát Quái còn trông nỗi gì?
Hạ Nguyên sau chót xét suy,
Sự vong nào có khác chi sự tồn”.
Hội Long Hoa là một trường thi để chọn người hiền, vì trước khi đi đến Long Hoa Đại Hội thế giới phải trải qua nhiều giai đoạn ghê gớm để báo hiệu thời Hạ Nguyên sắp chấm dứt:
“Hạ Nguyên nầy thể như bèo,
Nay còn, mai mất hiểm nghèo thon von.
Lớp thì bệnh tật gầy mòn,
Lớp thì bão lụt, nhân dân khốn nàn.
Lớp thời sưu thuế đa đoan,
Lớp kia lớp nọ khổ nàn biết bao!
Lớp thì tà, quỉ lao xao,
Xui mưu làm loạn hại dân muôn ngàn”.
Trong quyển Sấm Giảng viết bằng thơ lục bát, Sư Vãi Bán Khoai tiết lộ những hiện tượng xảy ra cho thế gian vào thời Hạ Nguyên như chiến tranh nổi lên khắp nơi gây cảnh con lạc cha, vợ lạc chồng, nhà cửa tan nát, thây người chết như bèo trôi sông. Đa số là những người hung ác, không biết thức tỉnh lo tu tâm dưỡng tinh trong giai đoạn chuẩn bị dự Hội Long Hoa, nên bây giờ dù ăn năn cũng không còn kịp nữa.
Ngoài cuộc tàn sát bởi việc gây ra chiến tranh, còn nhiều tai Trời, ách Đất như lũ lụt, bão giông, lửa cháy khắp nơi, ác thú xông ra ăn thịt người, lại còn có âm binh (hồn của những người chết) kéo thành đạo binh và đám Bàng Môn Tà đạo có bùa phép để sai khiến âm binh phá hại muôn dân, quấy nhiễu, gây ra nhiều chứng bệnh làm tan xương nát thịt biết bao con người xấu số.
Ông Sư Bán Khoai còn cho biết rằng, trong lúc chiến tranh hỗn loạn giữa loài người thì điềm Trời xuất hiện: trên Trời có sấm nổ, làm kinh thiên động địa, nhiều hòn núi bị phá vỡ, nhiều cù lao, đất liền bị sụp, Trái Đất thay hình đổi dạng, chôn vùi cả lục địa và nổi lên lục địa mới (giống như Đại Hồng Thủy chôn vùi châu Atlantid dưới Đại Tây Dương).
Lúc bấy giờ loài người sẽ kinh động tột độ và không còn bắn giết nhau nữa. Và lúc nầy là lúc Tiên, Phật lập Hội Long Hoa để chọn người hiền đức. Nhân loại còn lại không bao nhiêu: mười người chỉ còn 1-2 người hiền đức sống sót mà thôi. (Một viên tướng của Mussolini từ Ý sang Nhật Bản nghiên cứu để biết tại sao các bác sĩ, y tá, bệnh nhân trong một bệnh viện gần trái bom nguyên tử nổ lại không hề hấn gì, không bị bệnh do phóng xạ phát ra, trong khi chung quanh gần hay xa hơn đều bị tác động. Điều tra lại thì mới biết rằng, trong bệnh viện người ta ăn toàn rau cải, không ăn thịt. Lý do huyền bí nầy được các thiền sư giải thích là cơ thể khi đã khử trược lưu thanh bằng cách ăn chay, thì tần số của “Tiểu Thiên Địa“, tức cái thân thể có tần số cao như làn sóng của phóng xạ. Các khoa học gia không tin, nhưng đó là sự thật.)
Điều mà Ông Sư Bán Khoai vui mừng là khi thời Thượng Nguyên lập ra, nước Việt Nam sẽ là nước được diễm phúc nhất trên Trái Đất nầy. Sở dĩ nước Việt Nam được diễm phúc là vì Cơ Trời cho nước Nam ta là cõi Trung Ương, là Trung Tâm của Nền Văn Minh thời Thượng Nguyên sau nầy. Chính vì vậy mà Tiên, Phật giáng Trần ở nước Việt Nam và ông Sư Bán Khoai vâng lệnh Phật đi phổ hóa khắp nơi. Ông rất đau buồn vì thấy người đời không chịu nghe, không chịu tu, nên ông căn dặn: Nếu không tin, sau nầy mang hoạ thì đừng trách ông sao không có dạy trước:
“Mấy lời khuyên khắp Đông - Tây,
Nói cho nam, nữ đặng hay giữ mình.
Nếu ai mà chẳng có tin,
Rồi sau mang họa chớ tình trách than!”.
Ngoài quyển Sấm Giảng của Ông Sư Bán Khoai, Giáo phái Phật Thầy Tây An còn lưu truyền bộ Tứ Thánh, tác giả là các Đấng Thiêng Liêng mượn xác Cậu bé chín tuổi để nói ra lời thơ, ý Đạo để khuyên người đời nên hồi tâm hướng thiện vì đời Hạ Nguyên đã gần kề.
Theo lời truyền tụng, thì ông Sư Bán Khoai còn có nhiều pháp thuật và võ nghệ. Ông dùng đầu ngón tay cái như cái mõ nên mỗi khi cần niệm kinh hay đọc chú, ông dùng cây gõ vào thì phát ra tiếng “lốc cốc” y như tiếng mõ của các sư sãi trong chùa. Lúc ở Vĩnh Thông, ông thường đi nhổ bàng để dệt đệm. Một hôm, ông đang cầm mác đi chặt bàng thì bỗng nghe tiếng cọp gầm và tiếng người la cầu cứu gần đó. Ông cầm mác chạy tới, thấy người cùng xóm tên Mạnh đang dùng hai tay nắm chặt bốn chân con cọp và đội thẳng bụng cọp trên đầu, nhưng vì cọp mạnh và nặng quá nên ông Mạnh không thể quật nó xuống được, cứ giằng co trong cái thế nguy hiểm đó. Ông Sư liền cầm mác vươn mình nhảy tới, hét lớn lên rồi chém một nhát thật mạnh, con cọp bị đứt ra làm hai đoạn, chết liền tại chỗ nhưng ông Mạnh thì không hề hấn gì.
Về cách thức truyền bá quyển Sấm Giảng của Ông Sư Bán Khoai, Đức Huỳnh Giáo Chủ khi còn ở Tổ Đình có kể lại câu chuyện như sau: “Một hôm, Ngài bán khoai ở miệt Cao Miên, khi bưng khoai vào nhà một người mà Ngài nhận là có tâm đạo, thừa lúc người nầy đi vào buồng thì Ngài đút quyển Sấm Giảng dưới khay trầu. Khi Ngài đi rồi, người ấy thấy một cuộn giấy để dưới khay trầu mới lấy ra xem, mới biết đó là quyển Sấm Giảng. Hỏi lại người trong nhà thì không ai biết người nào đem đến, sau nhớ lại thấy người bán khoai đi tới khay trầu, vả lại trong Sấm giảng có xưng danh là Sư Vãi Bán Khoai, nên cả nhà mới chưng hửng, cho người chạy kiếm khắp nơi nhưng không ai thấy được tung tích của Ngài”.
Ngoài ra, theo quyển “Phật Giáo Hòa Hảo Yếu Lược” của Lê Quang Liêm, có hai chuyện kể về việc truyền bá quyển Sấm Giảng nầy như sau:
1 - Tại kênh Vĩnh Tế, có một người mắc bệnh điên, suốt ngày cứ la hét đập phá nhà cửa, không ai chữa trị được. Một hôm, Ông Sư Bán Khoai vô tình bơi xuồng ngang qua, thấy nhiều người đang xúm xít nên ghé xuồng lại để bán. Những người trên bờ thấy vậy mới bảo: “Ông ơi! Ông hãy bơi đi nơi khác mà bán, coi chừng thằng điên nó xuống đập phá làm chìm xuồng của ông bây giờ”. Mỉm cười, Ông Sư cầm củ khoai bước lên bờ đúng lúc thằng điên đang tiến đến gần. Ông Sư đưa tay ra hiệu cho nó đứng lại, rồi nói: “Tiền căn nhà ngươi hay đánh đập, áp bức người khác nên bây giờ phải trả quả như vậy!”. Dừng một lúc, ông vỗ vai tên điên và bảo tiếp: “Hãy ăn củ khoai nầy đi sẽ hết điên. Nhớ lo tu hành, làm lành lánh dữ để giải ác căn!“ Tên điên đang múa may, la hét bỗng trở nên ngoan ngoãn cầm củ khoai đưa vào miệng nhai ngấu nghiến. Ăn xong, nó quỳ xuống lạy Ông Sư như tế sao, thế là hết bệnh!
Mọi người quá dỗi kinh ngạc, muốn giáp mặt ông để hỏi han cớ sự. Nhưng giống như có một sức mạnh vô hình không ai có thể ngăn cản được, Ông Sư đi quá nhanh, bước xuống xuồng rồi bơi đi với một tốc độ kinh hồn, dù rằng ở trên bờ có một số trai trẻ cố sức chạy theo mà vẫn không kịp. Sau đó, đang lúc cả xóm tụ tập bàn tán xôn xao thì có một người phát hiện tại gốc cây bên cạnh có để một quyển sách. Thì ra, đó là quyển “Sấm Giảng Người Đời” của ông Sư Bán Khoai để lại.
2 - Vào một buổi chiều Thu năm Nhâm Dần (1902), tại xã Tân Huề, Cù Lao Tây (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp), có một ông già khoảng 70 tuổi chèo chiếc ghe nhỏ đi bán khoai vừa chèo, vừa rao:
“Khoai lang ăn nấu ăn chiên,
Bà con hãy đến tại thuyền mà mua.
Bao nhiêu cứ lựa cho vừa,
Tiền nong cũng chẳng hơn thua làm gì?
Ở đời lắm chuyện ly kỳ,
Ăn khoai ăn đá đều tùy cái Tâm”.
Người trong xóm nghe rao nên kêu ghé lại rồi bước xuống hỏi: “Mấy xu một cân vậy ông?” Ông già đáp: “Hai xu một cân. Bà con cứ tự tiện lựa và cân rồi tính tiền để vào cái rổ trước mặt đó, lão không biết tính toán gì hết!” Thế là mạnh ai nấy lựa, rồi cứ tự tiện trả tiền không ai để ý. Có người thật thà cân bao nhiêu thì trả bấy nhiêu, có người lấy đầy thúng mà chỉ trả có vài cân, lại có người lựa đầy bao mà không trả xu nào. Cuối cùng, sau khi cả ghe khoai hết sạch, ông già vui vẻ cám ơn và chèo ghe đi.
Kết quả là ngay chiều hôm đó, những người mua không trả tiền, khi nấu xong nồi khoai thì trong nồi chỉ toàn là đá! Còn những ai lấy khoai nhiều mà trả tiền ít thì vừa có khoai, vừa có đá! Trong khi những người lương thiện trả tiền sòng phẳng, thì trong nồi đều là khoai rất ngon và trong những người nầy có người lại được quyển “Sấm Giảng Người Đời” để trong nồi. Do đó, ai cũng tin chắc rằng ông già đó là Ông Sư Bán Khoai thị hiện để cảnh tỉnh người đời.
Ông Sư Bán Khoai chỉ xuất hiện trong hai năm (1901-1902), để lại cho đời quyển “Sấm Giảng Người Đời” rồi không ai còn thấy bóng dáng của ông ở đâu nữa. Tuy nhiên, tín đồ của tông phái “Bửu Sơn Kỳ Hương” đều tin chắc rằng ông chính là người kế thừa Tông phái này tiếp theo Đức Bổn Sư Ngô Lợi./.
Nguyễn văn Hiệp (Sacramento, CA)
GHI CHÚ:
Đại Hội Long Hoa là một cuộc thi cần thiết để tuyển chọn người đạo đức trong thời kỳ cuối Hạ Nguyên Tam Chuyển bước qua thời Thượng Nguyên Tứ Chuyển để tạo lập đời Thượng Nguyên Thánh Đức.
Những người bị loại ra khỏi Đại Hội Long Hoa là những người kém tiến hóa, tức là họ còn gian ác xấu xa, thiếu đạo đức. Họ phải ở lại chờ đợi hằng triệu năm sau để lớp thú cầm tiến hoá lên phẩm người thì họ cùng nhập vào mà bắt đầu một giai đoạn tiến hóa mới.
Tỷ lệ tuyển chọn của Đại Hội Long Hoa kỳ 3 nầy là 1-2/10. Trong 10 người chỉ có 1-2 người đậu mà thôi, còn 8-9 người kia bị loại và bị diệt. Linh hồn của họ phải chờ đợi như vừa trình bày ở trên.
Đức Di Lạc Vương Phật đứng ra làm Giáo Chủ của Đại Hội Long Hoa, chính Ngài là Chánh Chủ Khảo chấm thi.
( Xin xem tiếp bài 10- dienbatn )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét