Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015

KHẢO SÁT PHONG THỦY ĐƯỜNG LÂM - SƠN TÂY - HÀ NỘI. BÀI 2.

KHẢO SÁT PHONG THỦY ĐƯỜNG LÂM - SƠN TÂY - HÀ NỘI. BÀI 2.

LỜI TỰA : Đường Lâm - Sơn Tây - HÀ NỘI là một vùng quê có địa hình còn khá hoang sơ , chưa bị nhiều những công trình xây dựng tàn phá. Đây là quê hương nhiều danh nhân như vua Ngô Quyền, Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, Giang Văn Minh, bà Man Thiện (mẹ của hai Bà Trưng), bà chúa Mía (người xây chùa Mía, vương phi của chúa Trịnh Tráng), Phan Kế Toại, Hà Kế Tấn, Kiều Mậu Hãn, Phan Kế An,... Đường Lâm còn được gọi là đất hai vua do là nơi sinh ra Ngô Quyền và Phùng Hưng. Là một vùng quê có nhiều người thành đạt như vậy nhưng trong khoảng 50 năm gần đây , nhân tài của Đường Lâm hầu như vắng bóng . Lý do nào đưa đến sự việc như vậy ? Chúng ta thử cùng nhau khảo sát về mặt Phong thủy để tìm nguyên nhân. Trong loạt bài này , dienbatn có sử dụng một số tư liệu trên Internet và những tư liệu của dienbatn sau nhiều năm điền dã. Những kết luận riêng của dienbatn còn thô thiển, rất mong được các cao nhân giúp đ. Thân ái. dienbatn.

2. MỘT CÁI NHÌN TỔNG THỂ VỀ  ĐƯỜNG LÂM - SƠN TÂY - HÀ NỘI.




Khi khảo sát Phong thủy một vùng đất , ta phải khảo sát vùng đất đó nằm trong tổng thể Long mạch của một vùng rộng lớn , từ đó ta mới có cái nhìn toàn diện và sâu lắng hơn . Đặc biệt vùng đất Đường Lâm xứ Đoài vốn có nhiều truyền thuyết lạ kỳ, có nhiều phong tục còn được ghìn giữ hàng nghìn năm qua , còn có nhiều nhân chứng , vật chứng cụ thể nên việc khảo sát Phong thủy và đưa ra những kết luận cần phải được điền dã, khảo sát và nghiên cứu một cách thật nghiêm túc . dienbatn không dám mộng tưởng là loạt bài viết này sẽ là cơ sở chắc chắn để có thể đánh giá về Phong thủy của vùng này , chỉ mong những sưu tập , những kết quả điền dã về vùng đất này nhiều năm qua sẽ là những viên đá lót đường cho người sau hoàn thiện mà thôi.

2.1. TOÀN CẢNH LONG MẠCH VIỆT NAM.


Đây là tấm bản đồ trong tập Atlat của Thiên Sứ , dienbatn đã dùng bút chì đỏ tô hình Long mạch của Việt Nam và đăng năm 2003 trong bài PHONG THỦY - Hiện tượng trấn yểm trên sông Tô lịch - Cửa Tây của thành Thăng Long trên trang Tuvilyso.com. )

" Những tìm hiểu của KTS Trần Thanh Vân về đại địa mạch quốc gia. 
Cách đây gần 10 năm, trên mạng thông tin quốc tế có một tấm bản đồ thật thú vị: Hình một con rồng rất đẹp mà đầu thì ở dãy núi Hy Mã Lạp Sơn (đỉnh Everest cao 8.888m nóc nhà của thế giới), lưng uốn theo hướng Tây Bắc Đông Nam của dãy núi cao thấp dần và đuôi xoè ra ở đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, sau đó đi xuống vùng Vịnh Bắc Bộ và đã kết thúc ở vùng đại dương sâu nhất thế giới (Vịnh Mindanao ở Philippines sâu 10.800m). 
Đó là tấm sơ đồ sơn thuỷ ở phạm vi vĩ mô tầm thế giới. Thật kỳ diệu, các triền núi đó không thẳng băng mà uốn lượn như hình con rồng, tạo ra mạch núi và mạch nước tụ lại, rồi lan tỏa ở trên đồng bằng Bắc Bộ nước ta. 
Thế mới biết tại sao vùng đất này luôn luôn bị người ngoài thèm khát và dòm ngó. Và thế mới biết sự uyên bác kỳ tài của Thiền sư Vạn Hạnh và Vua Lý Thái Tổ đã quyết rời bỏ Hoa Lư, để trở về vùng đất Thăng Long và triệt phá được thiên la địa võng mà Cao Biền đã trấn yểm trên thành Đại La cũ 200 năm trước. 
Cho đến hôm nay, tất cả những người có chút hiểu biết về phong thủy và lý thuyết về địa mạch thì đã hiểu rằng tất cả mọi bí mật xa xưa về đường kinh mạch, về huyệt đạo linh thiêng mà chỉ có các thầy pháp cao tay mới nắm giữ được, thì nay đã bị phơi bày ra tất cả. 
Cái chính là "thiên hạ" thì biết cả, nhưng những người trong cuộc có ý thức được vấn đề và có những giải pháp mạnh để làm chủ các lợi thế đó hay không? 
Nhìn vào sơ đồ "vi địa mạch" - Trở lại với địa hình núi sông trên miền Bắc nước ta, thì có 8 dãy núi vòng cung tạo thành hình rẻ quạt là dãy Đông Triều, dãy Ngân Sơn, dãy Bắc Sơn, dãy Tam Đảo, dãy Sông Gâm, dãy Hoàng Liên Sơn , dãy Sông Đà và dãy Hoà Bình, trong đó Hoàng Liên Sơn nối từ Hy Mã Lạp Sơn về có đỉnh Phan xi păng cao nhất Đông Dương (3143m). Hướng đi của các dãy núi đều hình thành các con sông như sông Hồng, sông Chảy, sông Lô, sông Đà, sông Đuống, sông Cầu... 
Thế nhưng các dãy núi chỉ "chầu" nên đều đã dừng lại từ xa, còn các con sông thì đã "tụ" lại ở Việt Trì và nối thông với nhau và tỏa ra ở chính vùng Thăng Long. Kỳ diệu hơn nữa là ở ngay trên đất Thăng Long đã "mọc" lên ba ngọn núi khác: đó là cụm núi Ba Vì linh thiêng đầy huyền thoại. Đỉnh núi này nhìn theo đường chim bay thì chỉ cách Hồ Tây chừng 25km. Nhờ khoảng cách không quá xa, nên khi thuyền của vua Lý Thái Tổ đi từ sông Hồng qua sông Tô Lịch vừa rẽ vào Hồ Dâm Đàm từ làng Hồ Khẩu mùa xuân năm 1010, nhà vua có thể nhìn thấy rồng cuộn sóng bay lên, vừa nhìn thấy đỉnh Ba Vì, nên cái tên Thăng Long và tứ văn "Đắc Long bàn Hổ cứ chi thế, tiện núi sông hướng bối chi nghi" mới xuất hiện trong bản Thiên đô chiếu bất hủ. 
Ngày nay, từ trên bản đồ vệ tinh, ta có thể dễ dàng tìm thấy đỉnh cao 1226m, nơi toạ lạc Đền Thượng, thờ Tản Viên Sơn Thánh, từ đó có một đường kinh mạch đi theo hướng chính Đông, qua khu vực Đền Kim Ngưu bên bờ Đầm Trị tiếp giáp với Hồ Tây, ra đến tận Cảng Vân Đồn và Vịnh biển Bái Tử Long, ở đó đã có đền Cửa Ông đầy linh thiêng mà nhân dân và hải quân ta hằng tôn thờ suốt 7 thế kỷ qua. Cảng Cửa Suốt của Đức Ông Trần Quốc Tảng xưa, đã và sẽ mãi mãi là một quân cảng quan trọng nơi Bờ Đông của Tổ quốc. Cũng trên bản đồ vệ tinh, nếu nối một đường theo hướng Đông Bắc-Tây Nam mà mọi người quen gọi là Trục Thần Lộ đi từ đền Kim Ngưu bên bờ Đầm Trị, lên đến thành Cổ Loa- Kinh đô 2300 năm trước của vua An Dương Vương và cũng là Kinh đô hơn 1000 năm trước của vua Ngô Quyền, trên trục đó ta sẽ gặp phòng tuyến sông Như Nguyệt năm 1077 của Đại tướng Lý Thường Kiệt và Ngã ba sông Thiên Đức, nơi Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương lập đại bản doanh chỉ huy đánh quân Nguyên Mông năm 1284 và năm 1288. Kỳ lạ thay, đường chéo này đi tiếp, rồi đi tiếp nữa, sẽ đến Đồng Đăng, cửa ải phía Bắc của Tổ quốc. Trong kinh dịch, hướng Đông Bắc là hướng Ngũ quỷ, lộc có nhiều mà hoạ cũng lắm, vậy nên chăng phải có đôi mắt tinh anh của Đức Thánh Trần chấn ngữ cửa ải này ? Những người có chút tính hiếu kỳ không thể không kinh ngạc khi phát hiện ra trục kinh mạch nằm ngang ở 21 độ vĩ bắc 3' 28'' từ đỉnh Ba Vì và trục Thần Lộ nói trên lại gặp nhau ở chính vùng nước cạnh Phủ Tây Hồ mà mọi người vẫn thành kính gọi là huyệt đạo quốc gia. Tại sao có cái tên đó? Tại vì nơi đó vẫn sủi bọt mỗi khi mực nước sông Hồng dâng cao, như thể hồ và sông là cái bình thông nhau. Nhiều người vẫn còn nhớ vào chiều thu nắng đẹp ngày 11/9/1955, người ta đã chứng kiến chính nơi đó đã có cột nước bất chợt phụt lên làm lật úp ba chiếc thuyền gỗ khiến 4 người bị thiệt mạng. Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Thế Hùng ở Viện Vật lý nghe mô tả lại hiện tượng đó thì đoán rằng chắc có kẻ nào đó đã chui xuống đáy hồ sờ soạng, khiến mạch nước có áp suất lớn bỗng bật lên như khi người ta mở nút chai rượu champagne? "
" Xem long mạch thuộc vể nước Việt Nam thì có mấy Đại Long Sơn như sau:
A. Đại Kiện Long là dãy Trường Sơn hay Hoành Sơn vẫn là một phát nguyên từ vùng núi nước Trung Hoa qua tỉnh Vân Nam chạy dài về phía phải ngạn Đông qua miền Bắc Việt vùng Thượng Lào vào miền Trung Việt Nam Ai Cập. Lào giáp nhau suốt đến miền Nam Việt
Nam mới đình chỉ. Phía Đông và Nam là Biển Đông Nam Hải, phía Tây Nam thì sông Cửu Long là giới hạn Long Mạch.
B. Dãy núi Ba Vì (Tản Viên Sơn) cũng nổi liền từ miền núi tỉnh Vân Nam nước Tào, qua vùng phong thổ, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hưng Hóa, Sơn Tây dãy núi này một bèn là bờ sông nhị hà là giới mạch bên trái ngạn bên phải là sông Đà và sông Mã ở miền Bắc Việt Nam, qua vùng Hạ Đông, Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định v.v…
c. Dãy núi Tam Bảo cũng phát nguyên từ tỉnh Vân Nam nước Trung Quốc qua vùng Bảo Lạc, Nguyên Bình, Tuyên Quang, Vĩnh Yên v.v… Là Đại Kiền long qua tỉnh Phước Yên, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định là vùng Bình Dương Bắc Việt.
D. Dãy núi Huyên Đinh cũng phát nguyên từ dãy núi Thập Vạn đại sơn về nưóc Trung Quốc qua vùng Đông Hưng, Mống Cái, Yên Châu, Tiên Yên, Quảng Yên, Hải Phòng. Một chi đi qua vùng lục nam, Đông triều, sùng nghiệm đến phả lại Giáp Lục đầu giang băng qua vào miền Bình Dương (đồng bằng) tỉnh Hải Dương v.v…
Những dãy núi kể trên đều là những đại kiện long tức là thái tổ sơn của các thiếu tổ sơn ở trong những vùng ấy đã nảy ra bao nhiêu chi phái tức là tông sơn, khắp nước Việt Nam. Đã có nhiều chỗ đã chạy lìa thoát sa cả ra ngoài biển vả các côn đảo ở ven biển Việt Nam, những chỗ đó là băng hồng long mạch, thưòng có những đất quý.
Vũ Trung Tùy Bút, Phạm Đình Hổ, từ thế kỷ XVIII luận giải như sau :
” …Mạch núi Côn Lôn chạy vào ( Trung Hoa ) chia làm ba cán Long : một đằng theo sông Hoàng Hà chạy về phía Bắc, … một đằng theo núi Mân Sơn chạy về phía Đông,…một đằng theo sông Hắc Thủy chạy về phía Nam…phía Đông sông Hắc Thủy là những  tỉnh Vân Nam, Quí Châu, Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây và Lão Qua kéo dài tới tận núi Tiểu Côn Lôn lại biệt làm một chi thiếu tô. Chi này chạy sang nước ta  lại chia làm ba :
                – Chi bên hữu chạy qua sông Đà Giang là những tỉnh Hưng Hóa, Sơn tây, Sơn Nam, rồi chạy vào Nghệ An, Thanh Hóa, cho đến Thuận, Quảng thì tản ra các cù lao gần biển…
             – Chi bên tả qua Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Yên rồi qua đến biển là Hồng Đàm, đảo Đại Nhân…
            – Chi giữa tự núi Tam Đảo trở xuống, mênh mông liên tiếp thành ra những tỉnh Thái Nguyên, Kinh Bắc, Trung Đô, Hải Dương, Sơn Nam … ”   ( tr. 46-47 ).
            Tác giả kết luận ”  địa thế nước ta, toàn thể cũng giống Trung Hoa, chỉ có nhỏ hơn mà thôi “.
" Nhìn tổng quát như vậy ba ngọn Tam Đảo là chi giữa, làm tổ sơn cho toàn châu thổ Hồng Hà, là mạch xuất phát đổ khí lực vào Thăng Long, trong khi núi Ba Vì thuộc chi hữu mà Nguyễn Trãi, tác giả Dư Địa Chí và mọi nhà lý số, đều gọi là tổ sơn của cả nước. Tại sao lại có hai quan điểm không đồng nhất về tổ sơn ? Theo suy luận , núi Ba Vì tròn như cái lọng, sườn núi thoai thoải rồi vọt cao đứng, đó là hình núi thuộc Kim, núi Tam Đảo đỉnh phẳng lẫn đất đá, cây cối um tùm.. xây được chùa Đồng, như vậy có thể là hình dạng  Mộc. Cao Biền biết Sơn thần núi Tản rất thiêng nên không dám xâm phạm, còn ở Tam Đảo không thấy nói tới sơn thần ( mặc dù có vườn Tiên rất linh thiêng cầu đảo rất ứng ), hoặc có thể Cao Biền đã dùng pháp thuật chế khắc được nên mới dám dựng bia xây thành ? Vả lại, thế kỷ IX, khi chống quân Nam Chiếu ở Vân Nam đổ xuống, thì Tam Đảo là một cao điểm chiến lược ở tuyến đầu che cả miền châu thổ sông Hồng. khi Hoàng Phúc sang đất Việt, ông ghi nhận ” La Thành Bất Loạn ” để tán dương cái thế đất quân bình Âm Dương, Long Hổ của Đại La. Thời Minh các núi Tam Đảo, Tiên Du… tổng cộng 21 quả núi danh tiếng của An Nam, được tế tại giao đàn cùng với sông núi Trung Hoa ( đời Hồng Vũ nhà Minh, theo Đại Nam Nhất Thống Chí ). Nhưng khi nhìn tới bối cảnh của Tản Viên thì thấy tổ sơn này tụ long mạch của cả một rặng núi dài và cao là rặng Hoàng Liên Sơn song hành với sông Đà khí lực mạnh mẽ, lại nằm ở vị thế kín đáo , nên có phần trường viễn hùng hậu hơn Tam Đảo." - ( Hạ Long Bụt Sĩ LƯU VĂN VỊNH  ).

2.2. TOÀN CẢNH LONG MẠCH SƠN TÂY VIỆT NAM.







" Trên sơ đồ NÚI CHẦU SÔNG TỤ mà nhà nghiên cứu phong thuỷ Ngô Nguyên Phi đã mô tả, thì 8 dãy núi vòng cung xoáy theo hình rẻ quạt đi lần lượt từ dãy Đông Triều, Bắc Sơn, Ngân Sơn, Sông Gâm theo hướng Đông Bắc Tây Nam, đến dãy Sông Đà và Ninh Bình từ phía Tây Nam hất ngược lên, cuối cùng là dãy Hoàng Liên Sơn và dãy Tam Đảo đi từ chính Bắc xuống… Tám dãy núi vòng cung quy tụ ở tâm điểm Thăng Long. Kèm theo hướng núi là hướng các con sông cũng đồng quy về trung tâm Thăng Long, đúng như 2 câu thơ vịnh của thầy Tả Ao:
“Thiên sơn vạn Thuỷ triều lai
Can Chi bát quái trong ngoài tôn nghinh” 
Đó chính là thế quý hiểm độc nhất vô nhị của nước ta."
Sơn Tây nằm lọt trong vòng tay của sông Đà ,và từ ngã ba Hạc sông Thao và sông Đà nhập vào nhau tạo thành sông Hồng ôm lấy cả một vùng đất đồng bằng sông Hồng . Theo trục Càn - Tốn ( Tây Bắc - Đông Nam ) thì Sơn Tây có Thanh Long là sông Hồng chảy ôm vào và Sơn Tây nằm ở Hữu ngạn của sông Hồng .Các bạn cứ để ý một điều rằng , tất cả các thành phố lớn hầu như nằm ở bên hữu ngạn các con sống ( Nhìn theo chiều dòng chảy hữu ngạn nằm bên tay phải ). Bạch Hổ của Sơn Tây là dãy ba Vì cao chót vót. Nội Minh đường là những cánh đồng thẳng cánh cò bay của các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng... Trung Minh Đường có sông Hồng chảy cuộn vào và Ngoại Minh Đường là biển xanh rào rạt.
"Núi Ba Vì còn chiếm một vị trí quan trọng, không những về mặt địa lý mà còn có địa vị độc tôn trong tâm linh người xưa như đỉnh Olympus (cao 2.917m) nơi ngự trị của chúa thần Deus (Dớt) của người Hi Lạp cổ. Trong sách “ Dư địa chí”, Nguyễn Trãi viết: “Núi ấy là núi tổ của nước ta đó”.
Trong nhiều thế kỉ qua, nhiều sách vở, công trình nghiên cứu đã có một số kết luận về nền văn hóa dân gian xứ Đoài gắn với truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh liên quan đến núi Ba Vì.
Nhất cao là núi Ba Vì
Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn. 
Sự thực núi Ba Vì chỉ cao 1.296m, núi Tam Đảo lại cao đến 1.581m, nhưng vì núi này là nơi ngự của Thần núi (thần Tản Viên), nên được nhân dân tôn vinh thành ngọn núi cao nhất, thiêng liêng nhất. Núi cao ở đây là cao trong tâm thức, không phải độ cao thấp đơn thuần về mặt địa lý. Truyền thuyết còn kể lại rằng núi Ba Vì là do Sơn Tinh dùng sách ước nâng núi lên cao, để ngăn nước lũ chống Thủy Tinh.
Nếu lấy núi Nghĩa Lĩnh (cố đô của nước Văn Lang thời tiền sử) làm tâm điểm thì núi Ba Vì và núi Tam Đảo là hai điểm đối xứng tạo thành “Thế tay ngai” trong luật phong thủy do triều đại Vua Hùng tạo lập.
Xứ Đoài đã ôm cả ba dòng sông lớn: Sông Đà, sông Thao, sông Lô. Ngã ba Bạch Hạc là nơi hợp thành của ba dòng sông ấy để rồi tụ thủy ở đầu sông Cái (sông Hồng) tạo dựng thành vùng châu thổ trù phú của đồng bằng Bắc Bộ ngày nay.
Núi Ba Vì không chỉ là ngọn núi huyền thoại về Sơn Tinh – Thủy Tinh mà còn là ngọn núi linh của xứ Đoài. Vua nhà Đường (Trung Quốc) đã coi núi Ba Vì như một đầu rồng hùng mạnh, còn thân rồng chạy suốt tời phương Nam (dãy Trường Sơn ngày nay). Để nước Nam không thể phát Vương, vua Đường đã cử Cao Biền (vị tướng kiêm phù thủy) dùng pháp thuật cho đào một trăm cái giếng xung quanh chân núi Ba Vì để trấn yểm tà triệt long mạch nước ta. Nhưng cứ đào gần xong giếng nào thì giếng đó lại bị sập, nên chúng đành phải bỏ cuộc bởi dãy núi thiêng – núi Tổ của nước Đại Việt.
Những truyền thuyết dân gian về cuộc giao chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh chứng tỏ tổ tiên ta đã bắt đầu cuộc trị thủy mở mang bờ cõi từ hạ lưu sông Đà, sông Tích để tạo ra một vùng núi Ba Vì trù phú như ngày nay.
Núi Ba Vì là ngọn núi thần kỳ, là một trong những ngọn núi cổ nhất của nước Đại Việt. Những phát hiện về khảo cổ học vùng văn hóa cổ Ba Vì đã chứng tỏ đây là một vùng truyền thuyết lớn phát triển sớm trong lịch sử hình thành dân tộc."
" Trên bản đồ địa hình, trong thế đồng quy của 8 dãy núi xoáy lại, không rõ từ mạch ngầm nào mà ngọn núi Ba Vì sừng sững “mọc lên”, như thể tạo hoá đã cố công dụng nạp linh khí của “bốn phương tám hướng” về đây.
Đỉnh núi chỉ cao 1.296 m, nhưng là đỉnh cao nhất của khu vực Thăng Long, là nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh với bao nhiêu câu chuyện truyền thuyết, như chuyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh thời Hùng Vương; chuyện từng đoàn quạ đen sà xuống bên Hồ Tây uy hiếp giấc ngủ của Mã Viện, sau khi ông tướng già đó truy đuổi hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị, khiến hai bà phải nhảy xuống sông tự vẫn ở thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên; đến câu chuyện thầy phong thuỷ Cao Biền bị Tản Viên Sơn Thánh phạt khi ông phù thuỷ này định dùng tà thuật để đùa giỡn với Thánh Nhân Đất Việt."
" Đỉnh núi Ba Vì, và cụ thể tại đỉnh cao 1296m, nơi toạ lạc Đền Thượng, thờ Tản Viên Sơn Thánh chính là một cột ăng teng thu Thiên Khí giáng xuống, kết hợp với Địa Khí của Long mạch trầm hùng ở dãy núi Hy Mã Lạp Sơn (đỉnh Everest cao 8.888m nóc nhà của thế giới), Long mạch này sẽ kết Huyệt tại vùng nước cạnh Phủ Tây Hồ mà mọi người vẫn thành kính gọi là huyệt đạo quốc gia. Đây chính là Đế Vương Huyệt của Việt Nam và tạo nên Thăng Long - Hà Nội. Như vậy Thăng Long chính là Đại Minh đường của Tản Viên." (Hoàng Lạc  ).
Theo quyển “Tấu thư địa lý kiểu tự” Cao Biền ghi tất cả là  632 huyệt chính, và 1517 huyệt bàng trên khắp các tỉnh . Tại Sơn Tây có :   36 Huyệt chính  và  85 Huyệt bàng.
2.3. DƯ ĐỊA CHÍ SƠN TÂY.

Nằm ở phía Tây kinh thành Thăng Long, từ xa xưa, Sơn Tây đã chiếm vị thế rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Vùng đất này được coi là phên dậu che chắn, bảo vệ mặt phía Tây của kinh sư. Không những thế, với lợi thế của một vùng đất cổ “địa linh nhân kiệt” và là vùng lõi của xứ Đoài nức tiếng muôn phương, trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, Sơn Tây đã trở thành vùng văn hóa đặc trưng với hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể vô cùng phong phú.
Theo một số thư tịch cổ, Sơn Tây vốn "là đất Phong Châu xưa, Hùng vương đóng đô ở đấy; đời Tần thuộc Tượng quận; đời Hán thuộc quận Giao Chỉ; đời Ngô tách đặt quận Tân Hưng... đời Đường đặt Phong Châu Đô đốc phủ thuộc đạo Lĩnh Nam...
Đến năm 1469, dưới thời vua Lê Thánh Tông, Trấn sở Sơn Tây đóng tại xã La Phẩm, huyện Tiên Phong, Phủ Quảng Oai (nay thuộc xã Tản Hồng, Ba Vì, Hà Nội). Thời kỳ đó gọi là Sơn Tây Thừa tuyên.
Thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786), Trấn sở được dời về xã Mông Phụ, huyện Phú Lộc, phủ Quảng Oai (nay thuộc xã Đường Lâm, Sơn Tây). Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), Trấn sở dời về thôn Thuần Nghệ, huyện Minh Nghĩa (nay là nội thành Sơn Tây).
Năm 1831, trấn Sơn Tây đổi thành tỉnh Sơn Tây và trấn lỵ trở thành tỉnh lỵ. Năm 1942, Thực dân Pháp đổi tỉnh lỵ thành Thị xã Sơn Tây.
Tháng 4/ 1965, thực hiện Nghị quyết số 103 NQ/TVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thị xã Sơn Tây cùng với các huyện của tỉnh Sơn Tây sát nhập với tỉnh Hà Đông thành tỉnh Hà Tây.
Tháng 12/ 1975, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc hợp nhất một số tỉnh, tỉnh Hòa Bình và tỉnh Hà Tây hợp nhất thành một tỉnh mới, lấy tên là Hà Sơn Bình.
Tháng 12/ 1978, Quốc hội phê chuẩn sáp nhập thị xã Sơn Tây, thị xã Hà Đông cùng một số huyện của tỉnh Hà Sơn Bình vào thành phố Hà Nội.
Tháng 10/ 1991, thị xã Sơn Tây được tách khỏi thành phố Hà Nội và chuyển về trực thuộc tỉnh Hà Tây.
Ngày 02/8/2007, Chính phủ có Nghị định số 130/NĐ-CP về việc thành lập Thành phố Sơn Tây trực thuộc tỉnh Hà Tây.
Ngày 01/8/2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thành phố Sơn Tây trở về với Thủ đô Hà Nội và trở thành đơn vị hành chính cấp thị xã. Thị xã Sơn Tây gồm 9 phường (Lê Lợi, Quang Trung, Phú Thịnh, Ngô Quyền, Sơn Lộc, Xuân Khanh, Trung Hưng, Viên Sơn, Trung Sơn Trầm) và 6 xã (Đường Lâm, Thanh Mỹ, Xuân Sơn, Kim Sơn, Sơn Đông, Cổ Đông).
( Tài liệu của Thư viện Hà Nội biên soạn ).
 Quần thể di tích làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội có hơn 50 di tích lịch sử, kiến trúc, văn hoá nghệ thuật các loại, hàng chục lễ hội, 117 ngôi nhà cổ nằm trong diện cần được bảo tồn, trong đó có 37 nhà còn giữ được không gian truyền thống có niên đại từ 100 đến 300 năm. Không gian, môi trường của làng hội tụ đầy đủ những đặc điểm tiêu biểu của nông thôn vùng châu thổ sông Hồng. Nhiều công trình trong làng đã được xếp hạng di tích như: chùa Mía, đình Phùng Hưng, nhà thờ sứ thần Giang Văn Minh.... Làng cổ Đường Lâm mang giá trị đặc trưng của một làng Việt cổ ở vùng Châu thổ sông Hồng và được xem là "Bảo tàng lối sống nông thôn, lối sống nông nghiệp"... Không gian văn hoá làng cổ Đường Lâm hợp thành những công trình sở hữu chung của cộng đồng như: Đình, chùa, đền miếu, nhà thờ họ, ... Ngày 28/11/2005, làng cổ Đường Lâm chính thức trở thành di tích làng cổ đầu tiên ở nước ta được Bộ Văn hoá thông tin xếp hạng.

Xin theo dõi tiếp bài 3 - dienbatn .

1 nhận xét: