Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2015

KHẢO SÁT PHONG THỦY ĐƯỜNG LÂM - SƠN TÂY - HÀ NỘI. BÀI 11.

KHẢO SÁT PHONG THỦY ĐƯỜNG LÂM - SƠN TÂY - HÀ NỘI. BÀI 11.

LỜI TỰA : Đường Lâm - Sơn Tây - HÀ NỘI là một vùng quê có địa hình còn khá hoang sơ , chưa bị nhiều những công trình xây dựng tàn phá. Đây là quê hương nhiều danh nhân như vua Ngô Quyền, Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, Giang Văn Minh, bà Man Thiện (mẹ của hai Bà Trưng), bà chúa Mía (người xây chùa Mía, vương phi của chúa Trịnh Tráng), Phan Kế Toại, Hà Kế Tấn, Kiều Mậu Hãn, Phan Kế An,... Đường Lâm còn được gọi là đất hai vua do là nơi sinh ra Ngô Quyền và Phùng Hưng. Là một vùng quê có nhiều người thành đạt như vậy nhưng trong khoảng 50 năm gần đây , nhân tài của Đường Lâm hầu như vắng bóng . Lý do nào đưa đến sự việc như vậy ? Chúng ta thử cùng nhau khảo sát về mặt Phong thủy để tìm nguyên nhân. Trong loạt bài này , dienbatn có sử dụng một số tư liệu trên Internet và những tư liệu của dienbatn sau nhiều năm điền dã. Những kết luận riêng của dienbatn còn thô thiển, rất mong được các cao nhân giúp đ. Thân ái. dienbatn.

3.10. KHU MỘ CỦA DÒNG HỌ PHAN KẾ TẠI GÒ ĐỒNG ÓN.













Đây là khu mộ của cụ Tuần là bố mẹ cụ Phan kế Toại . Gò này nằm ngang với Lồ Cang về phía sát làng Mông Phụ . Trên gò này có một dòng nước chảy từ Rộc Cừ chảy về Đồng Sống tới Cuội Duối và chảy về cầu Cam Lâm . Trên khu gò này còn có 2 cái điếm mà một cái Điếm có tên là chùa Ón ( tuy gọi là chùa nhưng không hề có tượng gì cả ). Có truyền thuyết người Tàu giữ của. Người làng truyền tụng rằng khi người Tàu chôn giấu của cải tại đây có lời nguyền là người nào muốn lấy phải giết chết 99 người đàn bà có thai mới mở được cửa hầm . Không một người nào có cả gan làm như vậy cho đến một đêm mưa gió bão bùng , một đám người Hoa đem cúng trên ban thờ 99 ngọn đòng đòng ( bông lúa non ) và lấy đi được kho báu.Chùa Ón này hàng năm sới vật của làng Mông Phụ  tổ chức thi đấu tại đây .
Cái Điếm thứ hai có tên là Quán Dô, là nơi mà những người chết ngoài đường hoặc từ nơi khác đưa về, không được phép đưa vào làng mà quàn tại đấy trước khi đem chôn . 





"Phan Kế Toại (1892-1973) là một cựu chính khách Việt Nam. Ông nguyên là Khâm sai Bắc Bộ của Chính phủ Trần Trọng Kim, nhưng sau Cách mạng tháng Tám đã tham gia Việt Minh và trở thành Phó Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong 4 nhiệm kỳ liên tục từ tháng 9 năm 1955 đến khi qua đời vào tháng 6 năm 1973.
Ông quê tại làng Mông Phụ, tục gọi là làng Mía, tổng Cam Thịnh, huyện Phúc Thọ, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây thành phố Hà Nội). Năm sinh ông nhiều tài liệu ghi chép khác nhau, tuy nhiên theo tài liệu hồi ký và tộc phả do họa sĩ Phan Kế An, con trai ông, cung cấp, thì ông sinh ngày 5 tháng Giêng năm Nhâm Thìn, tức ngày 3 tháng 2 năm 1892. Ông là con thứ 3 cử nhân Phan Kế Tiến, Tuần phủ tỉnh Phúc Yên.
Xuất thân sinh ra trong một gia đình quan lại, từ nhỏ, ông được cha kèm cặp Nho học sau đó được đưa ra Hà Nội học phổ thông (Tây học). Năm 1903, ông có dịp gặp gỡ và quen biết với một số cậu ấm con quan khác như Bùi Kỷ, Võ Liêm Sơn,
Là một quan chức trong chính quyền bảo hộ, cha ông đã thu xếp cho ông vào học trường Hậu bổ (trường hành chính quốc gia) để chuẩn bị bước đường làm quan sau này. Những năm 1911-1914, ông được chính quyền bảo hộ của Pháp trao học bổng du học tại trường Hành chính thuộc địa (l’Ecole Coloniale) tại Paris. Khi mới sang Pháp, ông đã gặp lại người bạn cũ Nguyễn Sinh Cung, bấy giờ mang tên Nguyễn Tất Thành và đang làm nghề phụ bếp trên chiếc tàu buôn Đô đốc Latouche-Tréville của hãng vận tải Hợp nhất (Compagnie des Chargeurs Réunis), cũng đang xin được vào học tại Trường hành chính thuộc địa, nhưng không được chấp thuận. Đầu tháng 12 năm 1912, Nguyễn Tất Thành sang Hoa Kỳ, bắt đầu con đường khám phá thế giới của riêng mình.
Năm 1914, ông trở về nước và được bổ nhiệm làm quan với chức Tri huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Con đường quan lộ hanh thông, làm Tri huyện, Tri phủ, Thương tá, Bố chính rồi Tuần phủ, Tổng đốc của tỉnh Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Kiến An, Quảng Yên, Nam Định, Lạng Sơn, Phúc Yên, Bắc Ninh, Thái Bình. Ở đâu, ông cũng được biết tiếng là liêm khiết và có năng lực an dân.
Ông cũng rất quan tâm đến đời sống dân làng quê hương. Chính ông là người mang nghề làm nón, làm áo tơi lá về làng Mông Phụ, mở lớp dạy ngay tại Từ đường họ Phan. Tuy nhiên, việc mở nghề cho dân làng không thành do hoàn cảnh chiến tranh nên có người kẻ độc mồm bảo: "Cụ đi làm quan với thiên hạ, lại đem cái nghề ăn mày về làng...".
Năm 1941, ông được chính quyền bảo hộ Pháp bổ nhiệm làm Tổng đốc Thái Bình. Bấy giờ, người Nhật bắt đầu thâm nhập Đông Dương. Cũng như nhiều trí thức bấy giờ, ông có quan điểm hợp tác với người Nhật để tìm cách cởi bỏ sự thống trị của người Pháp. Đồng thời, ông cũng ngầm ủng hộ con trai mình là Phan Kế An hoạt động trong phong trào Việt Minh. Năm 1944, lúc đang là Tổng đốc Thái Bình, ông đã ngầm ủng hộ Việt Minh bằng cách trao một tín phiếu 500 đồng bạc Đông Dương qua ông Nguyễn Công Liệu là một cán bộ Việt Minh.
Tháng 3 năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp và dựng lên Chính phủ Đế quốc Việt Nam. Ông được Hoàng đế Bảo Đại cử giữ chức Khâm sai Bắc Bộ, một chức vụ toàn quyền thay mặt hoàng đế tại Bắc Bộ về danh nghĩa.
Tuy nhiên, ông nhanh chóng nhận thấy người Nhật chỉ lợi dụng người Việt như một thuộc địa chẳng kém người Pháp. Khi quân Nhật ép ông phải biểu dụ dân chúng nhổ lúa trồng đay và nộp thóc cho Nhật, ông đã cáo ốm tỏ thái độ bất hợp tác. Ông còn ngầm ủng hộ con trai Phan Kế An và nhóm bạn bè đang học Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương hoạt động cho Việt Minh - giấu súng, đạn trên trần nhà mình ở Đường Lâm.
Tháng 7 năm 1945, ông xin từ chức Khâm sai nhưng chưa được triều đình chấp nhận, nên vẫn phải tiếp tục tạm quyền. Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật đầu hàng Đồng minh. Ngay ngày hôm sau, hai cán bộ Việt Minh là Nguyễn Khang và Lê Trọng Nghĩa vào Phủ Khâm sai để thuyết phục ông hợp tác. Tuy nhiên, ngày 17 tháng 8, triều đình có quyết định cho ông từ chức, cử bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ lên thay. Dù vậy, nhận định thế mạnh của Việt Minh bấy giờ là không thể ngăn cản được, để hạn chế đổ máu, lúc 22 giờ ngày 17 tháng 8, trước khi rời Bắc Bộ Phủ, ông đã dặn dò cho viên Chính quản Lại (sở) cùng một bảo an binh tên là Nguyễn Sỹ Là, phải: "Tuyệt đối không được nổ súng và phải mở cửa ngay khi quân cách mạng tiến công".
Rời khỏi Phủ Khâm sai, ông về tư gia ở Hàng Bột . Nhờ ông, cuộc biểu tình do Việt Minh chỉ đạo lúc 9 giờ sáng ngày 19 tháng 8, vào chiếm phủ Khâm sai, chiếm súng đạn, cướp chính quyền không phải nổ súng và đổ máu.
Sau Cách mạng tháng Tám, ông cùng gia đình về quê nhà tại làng Mông Phụ.
Người Pháp không dễ dàng chịu mất Đông Dương nên đã tìm cách nổ súng để tái chiếm thuộc địa. Dù chống cự rất quyết liệt nhưng trước sức mạnh của quân Pháp, Nam Bộ nhanh chóng bị người Pháp kiểm soát phần lớn. Chiến sự dần mở rộng đến Trung Bộ. Tại Bắc Bộ, dù chính phủ đã cố gắng hòa hoãn bằng ngoại giao, nhưng người Pháp vẫn quyết tâm dùng vũ lực. Đến lượt Hà Nội bị quân Pháp tái chiếm. Ông cùng dân cư trong làng tản cư về Thanh Lũng, Sơn Tây.
Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho người về tận Thanh Lũng mời ông ra tham gia Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bấy giờ, ông đã biết vị Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là người bạn năm xưa, nên đã nhận lời. Ông được đón lên Việt Bắc và được bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ vào tháng 11 năm 1947, thay cho cụ Huỳnh Thúc Kháng vừa qua đời lúc trước đó 7 tháng.
Ngày 19 tháng 8 năm 1948, được cử làm thành viên của Hội đồng Quốc phòng Tối cao đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa được thành lập do đích thân Chủ tịch Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng.
Sau khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, ông cùng các thành viên Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở về tiếp quản miền Bắc. Ngày 10 tháng 9 năm 1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp tại Hà Nội đã quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mười ngày sau đó, ngày 20 tháng 9, ông được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam. Ông tiếp tục được tái bổ nhiệm chức vụ này trong Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa II.
Ngày 30 tháng 4 năm 1963, ông được thôi nhiệm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam. Người thay thế ông trong chức vụ này là Bộ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm.
Ông tiếp tục giữ chức vụ Phó Thủ tướng thêm 2 nhiệm kỳ nữa cho đến khi qua đời ngày 26 tháng 6 năm 1973.
Ngày 24 tháng 8 năm 2009, ông được Nhà nước Việt Nam truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh vì sự nghiệp đóng góp của mình.
Ông có 2 đời vợ. Bà vợ đầu là bà Nguyễn Thị Nhân Lý - con gái một vị hương chính ở Hà Tĩnh, xuất thân là nữ sinh Đồng Khánh. Bà đã sinh cho ông Phan Kế Toại 7 người con, nhưng không may sớm mất một người. Bà qua đời khoảng năm 1933-1934.
Sau đó ông tục huyền với bà Nguyễn Thị Mão (1903-1992), người làng Lai Xá, xã Kim Chung, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Bà Mão xuất thân là nữ sinh Đồng Khánh, nữ sinh trường Albert Sarault, tốt nghiệp khoá 1924-1927 Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, là bạn thân của bà vợ đầu, là nữ giáo viên đầu tiên của Hà Nội, biết tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga và là chị gái của các ông Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Hưởng. Bà là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên thời đó tốt nghiệp khoa Toán trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương và dạy toán nhiều năm tại trường nữ sinh trung học Đồng Khánh. Bà sinh hạ cho ông thêm 4 người con.
Các con ông có những người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Phan Kế An (sinh 1923), họa sĩ, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2001).
Phan Kế Ninh, công tác trong ngành Hàng không
Phan Thị Mỹ, Cử nhân Văn học, vợ Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doãn 
Phan Kế Bảo, công tác trong ngành Điện ảnh
Phan Kế Khoan, công tác trong ngành Giáo dục
Phan Kế Hoành: nhà phê bình nghệ thuật
Phan Kế Phúc, Phó giáo sự, Tiến sĩ, giảng viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội
Phan Kế Lộc: Tiến sĩ sinh học, giảng viên Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.
Phan Lệ Thủy, Phó giáo sư, Tiến sĩ, giảng viên Trường Đại học Dược khoa;
Phan Kế Bình, Cử nhân Sinh học, cán bộ Công ty Công viên Hà Nội " (https://vi.wikipedia.org ).

"Phan Kế Toại (1898-1973) là con trai Tuần phủ Phan Kế Tiến. Lúc còn trẻ ông được cha cho đi du học tại Pháp ở Pháp ông được đưa vào đào tạo ở trường "Hành Chính" trong khi nguyện vọng ông muốn học luật. Tại đây, ông đã được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong những năm bôn ba hải ngoại, Nguyễn Ái Quốc đã khuyên ông nên học trựờng "Hành Chính", sau này có nhiều điều kiện giúp ích cho nước nhà... (Theo lời kể của Hoạ sĩ Phan Kế An). Học xong Phan Kế Toại về nước, ông được thăng nhậm từ "tri phủ" đến "Khâm sai đại thần"... Sau khi cách mạng Tháng Tám bùng nổ ông bỏ nhiệm sở về nhà, sống nhàn tản nhưmột người làng Mông Phụ. Nếu có ai hỏi ông chỉ cười mà rằng: "Lão giả an tri!" (Già rồi về nhà dưỡng lão). Sau đó ông nhận thý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã lên Việt Bắc tham gia vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Tại chiến khu ông được chính phủ cử giữ chức: Bộ trưởng Bộ Nội vụ, chức năng của Bộ Nội vụ ngày ấy, rộng hơn bây giờ, nó bao gồm cả Bộ Công an trong quán lý lãnh đạo... ở cương vị của mình trong chính phủ kháng. chiến tại Việt Bắc ông đã có một phần đóng góp rất khoa học, quan trọng; nhiều nhân sĩ sống trong "thành" tấm tắc ngợi khen, và họ tham gia rất tích cực. "Hoà bình lập lại" (1954) ông cùng chính phủ về Hà Nội, và được Đảng, Nhà nước cử giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ!
Sinh thời, cụ Phan Kế Toại rất quan tâm đến đời sống dân làng, chính cụ là người mang nghề làm nón, làm áo tơi lá về làng. Mông Phụ, mở lớp dạy ngay tại "từ đường" họ Phan. Rất tiếc trong làng có kẻ độc mồm bảo: "Cụ đi làm quạn với thíên hạ, lại đem cái nghề ăn mày về làng..." (Ãn mày nón lá áo tõi). Cùng thời điểm này, dân làng Phú Châu - Phủ Quảng Oai đã du.nhập nghề chằm nón vào, hiện nay trở thành nghề truyền thống của làng Phú Châu huyện Ba Vì. Không thành, cụ đem Cô-ta của nhà máy sợi Định về cho làng dệt lấy công. Chiến tranh thế giới nổ ra, nhà máy sợi dưới "Nam" đóng cửa, hàng trăm khung sợi của làng gác trên sà nhà cho nhện xây tổ... Thế mới biết cụ là người luôn lo đên việc mở nghề cho dân."( http://www.lichsuvietnam.vn/ ).

Các thế hệ cháu con họ Giang, họ Phan, họ Đỗ, họ Hà... ở Mông Phụ đều có thể tự hào về truyền thống của gia tộc, tự hào về công tích của cha ông tiền bối. Tên tuổi của các tiên liệt vẫn còn lưu trong sử vàng bia đá, và hành trang của các tiên liệt vẫn còn làm nên những huyền thoại trong dân gian xứ Đoài...
Họ Đỗ xưa nay vốn có tiếng là cao cờ. Xưa, nghe nơi nào có hội là người họ Đỗ lại rủ nhau đi giật giải chơi và lần nào cũng giật được giải. Có bao nhiêu hội lớn hội nhỏ ở cái tỉnh Đoài này, nếu họ Đỗ không đến thì thôi, chứ nếu đến là giải về tay họ Đỗ cả. Dân làng bảo “Cờ họ Đỗ, giỗ họ Giang” là vì thế! Tôi được nghe kể rằng, xưa có một vị họ này trên đường đi nhậm chức, hai cha con đi hai cái võng, cứ thế đánh với nhau cái ván cờ tưởng tượng trên suốt dặm đường mà không hề có quân đi, không có bàn bày chi tiết. Lại có người bảo, vị quan Đốc (học), người sở hữu viên đá cuội cứ bỏ vào bát nước lã là thành rượu thơm trong thiên truyện “Trên đỉnh non Tản” của cụ Nguyễn Tuân nửa hư nửa thực ấy chính là chuyện có thật của cụ Đỗ Doãn Chính, ông tổ của dòng họ Đỗ nổi tiếng hay chữ, Đốc học tỉnh Sơn Tây hồi xưa. Chuyện là thế, thực hư thế nào, xin chờ các bậc thức giả giúp hiểu biết sau vậy.
Nhưng tôi biết chắc rằng, cụ Đỗ Doãn Chính là Bang biện tỉnh vụ kiêm Đốc học Sơn Tây cùng với học trò là Giang Văn Sâm, là tác giả của hai bài văn bia “Vân Già Đông Chấn cung”, soạn năm Tự Đức 36 (1884); hiện bia còn đặt tại nhà Tiền tế đền Và, nơi thờ Tản Viên Sơn thần, một trong những đại danh thắng của xứ Đoài. Phòng sách của cụ có hoành phi đề ba chữ “Dưỡng tâm an”, nay hãy còn.
Con cháu của cụ Đốc học là cụ Đội Hớn, tức Đỗ Vân Hán là tác giả của một truyện thơ Nôm lục bát dài có nhan đề là Tản Viên Sơn sự tích để ca ngợi uy linh của Đệ nhất Phúc thần Tản Viên Sơn. Bản truyện này với thư pháp tuyệt đẹp là thủ bút của cụ nay con cháu vẫn giữ gìn cẩn thận.
Mông Phụ là đất văn vật. Tâm tính của người dân chất phác, phóng khoáng mà khảng khái. Xưa, làng có nhiều võ quan, hình quan tài đức, tiết tháo. Quan Án sát Nguyễn Khắc Nguyên thời gian nhậm chức ở Quảng Bình rất được nhân dân kính trọng. Ông cũng từng là thế lực đối lập với quan đại thần Trương Đăng Quế thời Tự Đức, nhà Nguyễn. Dân làng Mông Phụ khi làng cũng như ở nơi thiên hạ rất đoàn kết với nhau. Vào khoảng đời Thành Thái (1889-1907) có bọn giặc cướp quấy phá, dân làng đã hạ thủ được tướng cướp, triệt nọc được một băng cướp khét tiếng tỉnh Đoài. Vì thành tích ấy, làng được Công sứ đại thần, Tuần phủ Sơn Tây vâng mệnh vua ban tặng cho dân làng bức hoành phi “Dũng cảm khả tưởng” (Dũng cảm đáng khen) để biểu dương. Bức hoành phi này nay vẫn còn treo ở đình làng. "       ( tusach.thuvienkhoahoc.com/wiki ) .

3.12.      ĐỒI BỐ VỀ - ĐỒI VỌNG CẢNH Ở ĐƯỜNG LÂM.

 Bài viết của Khải Hựng.
Cảnh quan Đường Lâm (Xứ Đoài - Sơn Tây), bên cạnh những di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng như đình Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền, đình Mông Phụ, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, Đền Phủ, chùa Mía... thì hệ thống đồi gò, trằm dộc nằm bên đôi bờ sông Tích đã tạo nên một không gian hoành tráng và hết sức thơ mộng. Toàn xã Đường Lâm có 36 đồi gò, 19 trầm dộc; có khe Cổ Giải - dấu tích của trận chiến Sơn Tinh Thuỷ Tinh; có rặng duối cổ thụ ở chân đồi Cam Lâm, nơi buộc voi, ngựa của nghĩa quân Phùng Hưng, Ngô Quyền, có di chỉ đồ đá mang đậm dấu ấn văn hoá thời Hùng Vươmg khẳng định đây là một tụ điểm của nền văn minh lúa nước sông Hồng. 
Trong lô xô đồi gò giữa không gian huyền linh sương khói ấy thì quả đồi Bố Về nổi lên như lưng con voi in bóng trên dòng sông Tích, ở vị trí được coi như một tiền đồn, một đài quan sát, một đồi vọng cảnh ở Đường Lâm. Nó có cái thế ''tả Thanh long hữu Bạch hổ'', sau lưng là ba ngọn núi Tản Viên dựng miền tráng khí, trước mặt là sông Hồng đỏ thắm phù sa. Cạnh đồi là một trại nhãn với những cây cổ thụ ở liền với một thái ấp trên một sống đất mang hình con phượng, có hai mắt ngọc, (hai giếng nước ở đầu làng) có đôi cánh xoè rộng với những cây nhãn mang tên: Cây nhà trò, cây quỳ, cây cười, cây cồng già, cây tiến vua… Đấylà những cây nhãn quý được trồng thành hai hàng như đội ngũ những người lính danh dự đứng gác trước ngôi miếu cổ có bức đại tự "Đoài phương xứ - Đại tướng quân". Quả của những cây nhãn này to, vỏ mỏng, cùi dày hạt nhỏ có vị ngọt thơm đặc biệt là một thứ đặc sản chỉ dành cho các bậc vua chúa xưa dùng. Đứng trên đồi Bố Về, tầm mắt được mở rộng nhìn thoáng ra bốn hướng: Phía bên phải là vòng cung sông Tích, ngày xưa dài rộng hơn nhiều bởi đây là chỗ hội quân, tập kết kho lương, thuyền bè của nghĩa quân Phùng Hưng, nơi ấy còn có chợ Gò (Nơi đơn vị xăng dầu của quân đội ở bây giờ) lại có chiếc cầu bắc qua dòng sông Tích. Cầu làm bằng gỗ lượn cong cong có mái lợp ngói âm dương, hai bên có hai hàng ghế ngồi và có bàn thờ thần sông, nhìn chếch sang mé trái thấy một doi đất chạy dài mang hình mũi giáo. Đấy được coi như tiền đồn án ngữ ở phía đông, nó cũng mang hình một chiếc ngòi bút; biểu tượng ấy chẳng những chỉ nói lên một miền đất võ mà còn là biểu tượng của miền đất văn, với chỉ một vế đối của thám hoa Giang Văn Minh mà sáng ngời kim cổ, thêm nữa lại đứng cạnh ngôi Văn miếu - một tượng đài văn hiến của xứ Đoài, nơi có tấm bia đá ghi tên 288 nhà khoa bảng của trấn Sơn Tây từ thời Lê sang thời Nguyễn. Từ đây kẻ một đường thẳng lên là phố Mía, nơi từ xưa nhà vua đã cho đặt trạm ngựa bên cạnh chiếc cổng làng to đẹp nhất vùng có biển đề "Hoa Thiên Cảnh" và những quán cơm phố Mía không chỉ có khách qua đường mà còn là nơi để các tao nhân mặc khách dừng chân. ''Chẳng đi nhớ cháo làng ghề/ Nhớ cơm phố Mía nhớ chè Đông Viên'', du khách hành hương về chùa Mía lễ phật, đi qua chiếc cổng làng ấy là đi vào cõi trời hoa, ai cũng thấy lòng mình lâng lâng thoát tục, xa hơn chút nữa là đền thờ bà Man Thiện, mẹ của hai Bà Trưng - hai bậc nữ vương đầu tiên của Việt Nam. Đồi Bố Về là tâm điểm của toàn khu vực. Tương truyền sau ngày dẹp tan ách đô hộ của nhà Đường, Phùng Hưng được nhân dân suy tôn là Bố Cái Đại Vương trị vì đất nước, những ngày ở phủ đô hộ Tống Bình điều khiển việc nước, ông thường về quê để thành kính ngưỡng vọng tổ tiên và đền đáp ơn tình cho mảnh đất quê hương đã nuôi dưỡng nghĩa quân trong những ngày đầu khởi nghĩa. Mỗi lần về tới đầu làng, Phùng Hưng thường đứng trên đỉnh đồi này để nhìn ngắm điền trang thái ấp, nhìn những dãy đồi cao thấp lô xô như đàn voi trận, tạo ra thế đất vững khi thủ, mạnh khi công, xứng đáng là căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa. Dân chúng trong làng hay tin ông về, mọi người hô hào nhau chạy ùa ra đón, đồi Bố Về được mang tên từ ấy.
Chỗ ông đứng nơi đỉnh đồi để nhìn ngắm phong cảnh và trò chuyện với dân, ngày xưa có dựng một ngôi đình thờ (Nay đã mất). Theo các bô lão địa phương kể lại: Hồi chiến tranh phá hoại, có nhiều cơ quan của trung ương và Hà Nội về Đường Lâm sơ tán. Hồi ấy có dự kiến xây một nhà máy mỳ chính trên đồi Bố Về với lời tán tụng rằng: "Cả nước không có mỳ chính để ăn, nay Đường Lâm có nhà máy mỳ chính, dân địa phương tha hồ ăn mỳ chính thoải mái" trong hoàn cảnh thiếu thốn, nghe thế cũng bùi tai. Thế rồi không hiểu sao nhà máy sản xuất mỳ chính không được xây trên đồi Bố Về. Hình như linh huyệt chỗ ấy không cho phép ai xả rác bẩn lên đầu. Còn ở đồi Văn Miếu, người ta cố xây lên khu nhà 7 tầng để sản xuất thức ăn gia súc nhưng lại lắp ráp những loại máy móc cũ kỹ lạc hậu nên sản xuất không được đành phải bỏ; phải chăng linh huyệt ở hai đầu mảnh đất sinh vua sinh chúa vì thế mà không bị san lấp đào bới nên mạch ngầm Đường Lâm còn tích tụ, niềm tin vào sự hiển đạt của người Đường Lâm như mạch ngầm rích chảy không ngừng.
Trong dự án bảo tồn và xây dựng ở Đường Lâm, khu Văn Miếu bị hư hỏng nghe nói sẽ được khôi phục lại, khu Văn Thánh được xây dựng mới khang trang nhằm tôn vinh công lao to lớn của hai vị anh hùng dân tộc Phùng Hưng và Ngô Quyền cùng với những kiến trúc khác mang dấu ấn của thời hiện đại, còn ngôi đình Tổng thờ Phùng Hưng, một ngôi đình có quy mô xây dựng hoành tráng mà từ xưa dân chúng của cả tổng gồm 5 làng cổ dựng lên thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, được xây dựng đối diện trước ngôi chùa Mía - một bông hoa đặc sắc trong nghệ thuật kiến trúc của Xứ Đoài, ngôi đình ấy đã bị chiến tranh tàn phá liệu có được xây dựng lại?... Dư luận đang khao khát chờ câu trả lời. Tuy nhiên, người dân làng cổ cũng hiểu rằng không dễ gì bỏ ra hàng nhiều tỷ đồng để xây dựng lại những công trình cổ kính đẫ mất. Còn đồi Bố Về với cái thế voi chầu hổ phục ấy vẫn đang tồn tại giữa thanh thiên bạch nhật, tuy chỉ là đồi hoang nhưng là nơi in đậm dấu chân của người anh hùng có công lao to lớn chấm dứt cả ngàn năm Bắc thuộc. Phùng Hưng được coi là vị tổ Trung hưng lần thứ nhất, bởi vậy mỗi di tích của ngài phải được bảo tồn nguyên vẹn. Nên chăng, đồi Bố Về chỉ trồng cây nhãn, một loại cây hợp với thung thổ, gợi lại những điền trang thái ấp của người xưa, vừa phủ xanh đất trống đồi trọc vừa chùm che bóng mát tạo thành một sản phẩm du lịch từ thiên nhiên, khách du lịch về thăm Đường Lâm có một đài vọng cảnh thật là lý tưởng. Mọi can thiệp lên đồi Bố Về như san lấp đất đai, xây nhà nghỉ hoặc làm đất giãn dân... đều làm mất đi một di tích quý giá muôn đời sau không lấy lại được. Việc ấy nó giống như người ta xây khách sạn 5 sao trên đồi Vọng Cảnh ở Cố đô Huế - chỉ vì cái lợi nhỏ mà làm hỏng một di sản văn hoá thế giới mà một dạo dư luận đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Bài viết này chỉ mong được đóng góp một ý kiến nhỏ xuất phát từ tấm lòng của người Đường Lâm nhằm bảo tồn những giá trị của vùng đất cổ với nhiều di tích lịch sử văn hoát trải hàng năm qua nay còn may mắn giữ lại được. Mọi can thiệp lên đồi Bố Về như việc san lấp làm đất dãn dân, hoặc xây khách sạn nhà nghỉ lên đấy là làm mất một di tích quý giá. Trong hoàn cảnh dân số phát triển đông, quỹ đất trở nên khan hiếm, và nhất là những thứ do dự án đem lại, việc san lấp đồi Bố Về làm đất giãn dân là việc có thể xảy ra. Sự cảnh báo của dư luận đã có nhưng liệu có được chú ý trong các  cuộc hội thảo hăng hái và long trọng để đồi Bố Về được ứng xử tâm linh bằng một căn tâm văn hoá?                  
 Tháng 11 năm 2006. Khải Hưng.



Địa hình khu gò Bố về.


Đầm Sông.



Những bức ảnh sau là địa hình khu Gò Bố về.












Theo dân địa phương , sở dĩ gò này có tên là Gò Bố về vì ngày xưa khi đón hài cốt của Phùng Hưng về đến khu gò này, nhân dân trong vùng hò reo đón : Bố về, Bố về .Tuy nhiên dân 2 làng Cam Lâm và Đoài Giáp làng nào cũng muốn đưa thi hài Phùng Hưng về đất làng mình nên đã xảy ra xô sát, cãi vã nhau, chẳng bên nào chịu nhường bên nào. Cuối cùng hài cốt của Phùng Hưng được đưa về Cam Lâm như hiện nay. Tuy vậy, dân 2 làng Cam Lâm và Đoài Giáp từ đó không nhìn mặt nhau và thề không gả con cho nhau.
Khỏang 50-60  năm trước đây, gò Bố về là nghĩa trang liệt sĩ của xã , nay nghĩa trang đã chuyển về Đầu Trâu, gò Bố về bị san ủi như những hình ảnh trên và đang trở thành bãi tha ma của làng.
Xin theo dõi tiếp bài 12. dienbatn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét