Thứ Tư, 11 tháng 10, 2017

KÝ SỰ PHÍA BÊN KIA CHIẾU KHÔNG GIAN THỨ TƯ. BÀI 1.

KÝ SỰ PHÍA BÊN KIA CHIẾU KHÔNG GIAN THỨ TƯ.



Giới thiệu : gần đây trên MXH có loạt bài viết của https://www.facebook.com/kysuphiabenkia/ có khá nhiều điều thú vị và mới mẻ với những suy nghĩ thường nhật của chúng ta. dienbatn không nhận xét đúng sai như thế nào bởi mỗi người chúng ta có những góc nhìn riêng của mình từ đó sẽ có những đánh giá riêng . Về phần dienbatn chỉ xin có mấy câu như sau :
 (“Đời say cả! Sao ngươi không ăn cả bã, uống cả hèm, cho say luôn một thể? Đời đục cả! Sao ngươi không quậy thêm bùn, vỗ thêm sóng, cho đục luôn một thể? Tội chi mà phải bỏ đời mà đi?”. Nói xong, gã lái đò lẳng lặng đứng lên, nhổ sào. Tiếp tục cho con thuyền…) - Tàn cuộc - Hạ ngươn rồi - Có lẽ cần tăng tốc cho cuộc cờ chóng tàn đi chăng ? Cùng tắc biến - Biến tắc thông . Bĩ cực sẽ Thái lai mà.
"Thiếu gì những kẻ muốn xâm lăng,
Vũ khí hung tàn có thể ngăn.
Chỉ sợ Tâm Linh bày cuộc chiến,
Còn hơn là Ðịa chấn- Sơn băng.
Như Hải tinh trong Quốc bảo mình,
Ðời nào cũng có bậc anh minh.
Mỗi khi sông núi vang lời gọi,
Là có Rồng thiêng biến hữu hình ".
Thơ của một ẩn sĩ .
.................................................
Chối từ trung hiếu với Trời xanh.
Còn kiếp nào đâu để tựu thành.
Sự sống thời gian là hiện tượng.
Giác là vô diệt – Ngộ vô sanh.
..................................................
Một dân tộc mất đi nền Văn minh mẹ đẻ thì sớm bị nô lệ, muộn sẽ đồng hóa tiêu vong.
Hãy nhớ tương lai nhiều biến đổi ,
Nhưng không đổi biến được hồn thiêng.
LẠC LONG QUÂN PHỤ -ÂU CƠ MẸ,
Chờ đợi vung tay Quốc lệnh truyền.
....................................................
Có phải Hồn thiêng của núi sông,
Mất đi từ thủa mất cha ông ?
Nay ta dựng dậy Hồn sông núi,
Để trả Hồn thiêng lại núi sông.
THRT.
Xin giới thiệu cùng các bạn.Thân ái. dienbatn.

HUYỀN THOẠI VÀ THỰC TẠI.


“Đời say cả một mình ta tỉnh! Đời đục cả một mình ta trong, nên ta bỏ đời mà đi”. 
Với một bộ dạng thiểu não, có kẻ chán sự đời, lang thang. Đã thốt lên như thế, cùng gã lái đò nổi trôi trên bến Mịch La, trong quá khứ xa của lịch sử văn hóa chung…
Chẳng biết gã lái đò mà do duyên kỳ ngộ lá lay nào đó khéo tạo nên. Có trầm ngâm chia sẻ cùng Khuất Nguyên hay không? Tác giả của câu chuyện này không nhắc đến! Chỉ biết rằng gã lái đò đã xối thẳng vào kẻ dường mê, dường tỉnh kia, một gáo nước tựa hồ của dòng Mịch La: “Đời say cả! Sao ngươi không ăn cả bã, uống cả hèm, cho say luôn một thể? Đời đục cả! Sao ngươi không quậy thêm bùn, vỗ thêm sóng, cho đục luôn một thể? Tội chi mà phải bỏ đời mà đi?”. Nói xong, gã lái đò lẳng lặng đứng lên, nhổ sào. Tiếp tục cho con thuyền… chao nhẹ, nổi trôi…, xuôi theo dòng… Bỏ mặc kẻ ủ dột chìm đắm trong cô đơn ở phía bên kia bờ hoàng hôn.
Trong hoang lạnh, bóng thuyền trăng vừa nhô trên dòng Mịch La. Người ta vẳng nghe có tiếng nhịp gõ trên gác mái chèo… như bào ảnh, nhẹ xao trên mặt nước; “Nước sông Tương trong thì ta giặt mũ…. Nước sông Tương đục thì ta rửa chân…”. hòa cùng tiếng cười khanh khách đầy trá dị mênh mang…
Sau 3 ngày trầm ngâm, gậm nhấm về buổi tao ngộ với gã lái đò trôi nổi bất chợt đó. Khuất nguyên cuối cùng đứng lên tự thốt thành tiếng: “Không được. Thân ta đang trắng như bông bưởi. Ai lại đem vùi xuống bùn dơ bao giờ”. Và Khuất Nguyên cùng ôm cả khối u uất đấy mà gieo trôi theo dòng Mịch La, xuôi về Hoàng Tuyền… và quyết neo đời bên bến Bỉ Ngạn.
... Đang chán sự đời, dự định bỏ đời mà đi! Ký ức như ở trên chợt ùa về từ một nơi nào đó thật sâu trong trong tâm khảm, khiến tôi càng tự ngán ngẩm hơn cho dự định. Mọi chuyện sẽ có sự khởi đầu cho bất cứ ai trong chúng ta, nếu một khi ai đó chợt ý thức về thân phận và kiếp làm người! Và sau khi đã gậm nhấm hằng đêm cho bằng hết, những chán chường giá trị cuộc sống đến ngán ngẫm. Tôi quyết định bỏ lại cuộc đời sau lưng và rũ bụi giày mà ra đi.
Ở đây không có nghĩa là bỏ cuộc đời theo cách của Khuất Nguyên. Để cho đời nối đời sau và sau nữa, cứ mỗi độ Đoan Ngọ lại thi nhau tưởng nhớ. Hoài vọng về một giá trị bị chôn vùi mà hầu như không ai biết cũng như có thể cảm nhận và hiểu được! Hóa ra cái kiếp làm người của Khuất Nguyên ngày đó vốn đã vô nghĩa rồi. Cái chết của Khuất Nguyên cho đến tận hôm nay. Lại càng tiếp tục chất chồng thêm hơn cho nấm mồ vô nghĩa phủ dày bụi thời gian mà thôi! Một trong những lý do khiến bản thân tôi bước ra khỏi dòng đời đang cuồng loạn cuộc sống vội đó là: Tôi ý thức rất sâu sắc về sự đào thải của quan điểm sống đương thời lúc đó đối với bản thân. Như thế, trước khi điều đó xảy ra. Tôi tự đào thải mình khỏi xã hội trước, không chờ đến lúc xã hội phải thực thi trách nhiệm đó.
Điều tôi muốn diễn tả là giai đoạn mà đất nước cũng như xã hội Việt Nam vừa vượt qua trường cảnh chiến tranh. Ngay lập tức phải rơi vào hoàn cảnh đối đầu với sự đổ nát sau chiến cuộc. Thuyết Định Mệnh là không phải bàn cãi nữa. Nhưng cớ chi mà Tạo Hóa éo le đến đổi đặt để cho Dân Tộc Việt Nam cứ hết rơi vào hoàn cảnh này lại đắm chìm trong hoàn cảnh khác. Cứ luân hồi mãi từ ngàn xưa, kể từ ngày giống nòi này mở nước cho đến tận hôm nay như thế!? Định mệnh nào mà Tạo Hóa cố ý gieo cho dòng giống này phải gánh vác truyền đời, muôn kiếp như vậy?.
Điều đáng sững sờ hơn nữa là cận cảnh đương thời. Sân khấu mà dân tộc và xã hội Việt Nam hôm nay đang phải diễn là: Theo đuổi những giá trị vật chất và không ngần ngại đặt nó lên hàng đầu. Có một điều rất đáng phải kinh sợ ấy là; Vốn liếng văn hóa bao gồm cả tư duy của xã hội Việt Nam đã bị ngọn lửa chiến tranh thiêu rụi gần như hoang tàn. Cả một trường đoạn của cuộc chiến tranh tang tóc suốt 500 năm vừa đi qua! Một cuộc bể dâu vừa đủ. Một thế cuộc cuối trong quy luật của Tạo hóa qua 4 đoạn trường bể dâu bao gồm 2000 năm; Sinh – Trưởng – Liễm – Tàng.
Bối cảnh diễn ra với những đạo diễn và diễn viên vừa bước ra khỏi cuộc chiến tang thương như thế. Hành trang sót lại một ít vốn liếng tư duy lẫn văn hóa đầy thương tật, khiếm khuyết như thế. Xã hội Việt Nam diễn biết bao bi hài cảnh… không thể diễn đạt thành lời cho được... Biết bao số phận khóc cười, mặc nổi trôi theo dòng đời cuồng loạn những xô bồ nhiễu nhương đó.
Bởi Giá trị vật chất và tinh thần vốn là hai phạm trù đối lập. Nơi nào có vật chất ắt những giá trị của tinh thần sẽ bị mai một. Và cũng có cùng một giá trị mô tả như thế đối với tinh thần ở chiều ngược lại. Hồi ức quá khứ trên bình diện địa cầu… Tìm về tận nơi khởi đầu của những tư duy của nhân loại. Tận đỉnh cao của tư duy cũng như văn hóa của nhân loại suy tôn thành nghệ thuật. Triết Học và Kịch Nghệ…
Nơi đỉnh chót vót của nghệ thuật triết học như: Triết gia khởi đầu là Heraclitus, rồi những Parmenides, Leucippus, Democritus.v… Với nền tảng tư duy cũng như văn hóa như thế. Họ cũng đã mang đầy khiếm khuyết khi phải đối diện với giữa vật chất và tinh thần rồi. Họ cũng đã diễn đầy những tấn bi hài kịch đương thời lúc đó rồi. Huống hồ chi bối cảnh mà xã hội Việt Nam đang phải đối đầu trong giai đoạn vừa nêu ở những dòng trên. Có một điều vượt lên trên tất cả những nguyên lý đương thời của tư tưởng phương tây lúc đó là: Cũng cùng một thời điểm đó. Tại phương đông cũng đã xuất hiện Phật Thích Ca Mâu Ni với tư tưởng tĩnh tại bên Ấn Độ! Và Phật cho sự biến động chỉ là vọng động. Thế giới quan của nhà Phật hướng đến một sự tĩnh tại tuyệt đối mà ta nghe gọi là chân như. Và tại Trung Quốc đồng thời xuất hiện Lão Tử với quan điểm đồng nhất giữa động và tĩnh. Đó là chưa kể đến những giá trị ở vào quá khứ xa hơn hàng ngàn năm trước thời điểm này nữa.
Thế nhưng trào lưu xã hội Việt Nam đang trên đỉnh ngọn thác sục sôi vật chất. Quan điểm về một giá trị tinh thần hoàn toàn là lạc hậu. Thậm chí nó dần trở thành một khái niệm mơ hồ trong tâm thức chung của những thế hệ hiện nay. Để tìm lại những giá trị tinh thần đó, ắt phải là những nơi thiếu vắng bóng dáng của vật chất. Đó phải là nơi lạc hậu, phù hợp với tư duy đã bị đào thải cùng quan điểm những thế hệ đương thời. Là bưng biền, núi cao, rừng sâu hẻo lánh, vắng ánh sáng đô thị.
Thế nhưng xã hội đang có xu hướng đô thị hóa cả những nơi này cho kịp đà phát triển chung! Thật nguy hiểm vô cùng. Bởi ánh sáng văn minh vốn phải trải qua quá trình tiến hóa, gọt dũa, sàng lọc, mới có thể chấp nhận, tiếp nhận những thành phần ưu tú nhất. Kỳ dư, chỉ là những con thiêu thân lao vào ánh sáng mà không ý thức được thân phận. Điều tất yếu phải đến là một xã hội hỗn loạn, vô văn hóa, và dẫn đến thoái hóa… trên bình diện. Với một môi trường sống quanh mình như thế. Tôi ý thức mình như một kẻ lạc loài. Nói thẳng ra là tư duy lạc hậu đối với giai đoạn. Một sự sống ký gửi tạm bợ, và hoàn toàn vô vị. Đến một ngày, tôi chợt nhận ra và không hiểu được mình đang cười hay mếu với bạn bè, cộng đồng mỗi khi đưa chuyện, gắng gượng mà hòa sống mỗi ngày. Chính xác là tôi chỉ nhe răng ra như… Phỗng, cho có lệ.
Và rồi tinh thần của tôi trong những dòng kết này không phải tìm đến cùng Khuất Nguyên nơi những dòng mở đầu. Mà là tìm đến với Từ Thức! Mơ về chốn của một Động Hoa Vàng nào đó đã ngủ yên trong trang cổ tích cùng thời gian. Nơi đỉnh cao của tư duy hiện đại. Người ta biết rằng: Mô hình huyền thoại chính là là mô hình gần với thực tại nhất! Từ đó suy ra mà định hướng cho một mục tiêu; Truy tìm tinh thần đã lạc mất do yếu tố thời đại đa tạp đang tạo ra và lây lan từng ngày.
Thế rồi, Tôi gói gọn những gì được cho là lạc hậu đối với xu thế. Bao gồm cả tư duy và quan điểm, đi ngược dòng trào lưu, trở về với huyền thoại. Hòng truy tìm lại những giá trị tinh thần đã thất lạc chốn hoang sơ nào đó còn sót lại trên toàn miền chân trời xa. Bởi di chỉ của xứ hồng hoang vẫn tiềm ẩn khẳng định với mọi giai đoạn thời gian rằng: Chân lý luôn luôn hiện diện nơi cuối chân trời góc biển của mọi giai đoạn. Cho dù bất kỳ là giai đoạn nào. Một nơi có thể đã từng được mô tả là “Rốn biển”. Nơi xứ sở đó, huyền thoại chỉ rõ bao gồm: Ba mươi sáu đảo và bảy mươi hai động. Chắc chắn trong đó có Động Hoa Vàng. Nơi huyền thoại xưa, Từ Thức đã từng một thời, lạc dấu chân hoang…
Trải biết bao trường đoạn trên suốt dặm dài đi tìm chân lý. Cuối cùng tôi đã đến được nơi cần đến trong huyền thoại: “Rốn biển”!. Tôi khẳng định rằng huyền thoại chính là thực tại. Một thực tại mà tạo hóa cố tình che dấu con người. Và cái giá phải trả cho công cuộc truy tìm đó là tinh thần và ý chí rất đắt và thật sự rất đắt. Tạo Hóa rất công bằng.
Cuối cùng, tôi đã đứng trong thế giới của huyền thoại giữa hiện thực. Đó là Động Thiên Thai! Tôi biết, là một trong bảy mươi hai động của thế giới huyền thoại đang chào đón. Cảm khái, tôi chép lại trên vách cửa động hai câu thơ: “Động môn vô tỏa thược, tục khách bất tằng lai”. Bởi theo một nghĩa nào đó, trong một thoáng tư duy thoảng qua. Tôi đã tự cảm nhận mình đã gột sạch gót “Tục Lữ”, đã được chào đón trước ngưỡng cửa Động Thiên Thai. Tạo Hóa có mặc ẩn điều gì, cho một kẻ xa đời và tìm về nơi rốn biển hay chăng!?.
Chỉ biết rằng; Trong suốt quãng thời gian rong chơi, cùng tháng ngày ngủ quên nơi xứ sở huyền thoại đó. Tôi đã một đôi lần bước qua ngưỡng cửa của thời gian. Điều này có nghĩa là bước qua không gian chiều thứ tư! Một thế giới nhiều chiều, tiềm ẩn song song cùng không gian 3 chiều đương đại. Một mô hình thực tại như có như không. Một lý tính của Thuyết Lượng Tử. Học thuyết đang hiện diện nơi đỉnh cao của tư duy đương đại.
Giờ đây, tôi lại đang ngồi lại, lặng lẽ nhìn và đếm thời gian trôi dần giữa cuộc sống đời thường ngày nào. Như dường biết, như dường không, giữa những xô bồ, đắm chìm theo dòng cuốn vật chất của cuộc sống cuồng loạn hiện tại. Thời gian dần trôi có vẻ như hối hả hơn về giai đoạn cuối…
Tôi vẫn đếm…, và chờ, đón…
Một hiện thực, bước ra từ huyền thoại, để đi vào đời thường.



I - CUỘC THI LONG HOA HỘI.

Khai hội ở mùa Thu - Đông năm 1996 Bính Tý.
Mãi tận khi tôi đã ý thức được; Mình đang đứng trước cánh cổng của Đại Hội Long Hoa!
Lúc đó, trong tôi mới mơ hồ… nhớ lại những lạc cảnh. Tựa hồ như có như không, cùng hoàn cảnh của những tháng ngày vừa qua, trên suốt dặm dài trở về nguồn cội. Bồi hồi nhớ lại một trong những lưu ký đã chất oằn gánh, mỗi lúc nhọc nhằn thấm đẫm cả thể xác lẫn tinh thần. Tôi thường san nghiêng trang giấy vội:
Ta đến đây tìm lại dấu nhạn
Thuở hồng hoang lạc chốn mây ngàn
Ta đến đây tìm lại ngấn tích
Ngọn trúc nào chít mảnh trăng phai
Cõi trần ai dặm ngàn dong ruổi
Lối mục tiều thừa đuổi dấu chân
Lướt trong mơ hồn xót bội phần
Đường dê thỏ mờ dần hoang ảo.
Đang chìm đắm trong trầm ngâm những cảm xúc chập chờn… Ý thức về thực tại, vẫn thoắt ẩn thoắt hiện, cùng cảnh giới đang hiện diện một cách lạ thường, không xác định được, đang diễn ra! Tôi cắt nguồn tư duy bằng cách ngồi xuống một phiến đá ven lối. Sau khi hít vài hơi thật sâu, để đưa tâm trí trở về với an định. Tôi chậm rãi châm điếu thuốc lá và định thần nhìn lại cảnh vật xung quanh…
Với một chút hoang mang xen lẫn trong mắt; Vẫn thế! Cảnh vật trước mắt, đồng thời cũng là cảnh giới đã bị xóa nhòa ranh giới, giữa hiện thực và huyền ảo. Tôi sửng sốt, không thể tìm ra đâu là ranh giới để gọi thành tên thực cảnh, và chỉ ra đâu là huyễn cảnh! Qua lăng kính to tướng của những dấu chấm than và chấm hỏi. Tôi quan sát dòng người cứ lũ lượt đi qua cổng của… Cái gọi là Đại Hội Long Hoa… “!?”. Một khái niệm mà ký ức trong tôi đã từng được nghe, thấy và biết qua những truyền thuyết của tôn giáo. Điều đó đã tùy ý tích lũy và đọng lại… ở đâu đó trong tiềm thức. Tôi hoàn toàn không tài nào xác định được, cột mốc thời gian nào trong quá khứ, từng đã tích lũy khái niệm này, dù chỉ là vô thức trong tôi?
Cuối cùng, tôi chấp nhận với quan điểm: Tôi đã bước qua ngưỡng cửa của không gian chiều thứ tư! Thế giới đó hoàn toàn là một thực tại tiềm ẩn ở phía bên kia của không gian 3 chiều đương đại. Đang dần tìm cách thích nghi với trạng thái sốc trong thế giới đầy huyễn hoặc này. Bất chợt tôi nghe vẳng trong tai, có thể mô tả rõ hơn là tận gốc rễ của tai trong (!). Từ thinh không, lan tỏa âm thanh của tiếng trống giục khai hội… rất dị thường.
Để diễn đạt chính xác hơn cho tiếng trống đó là; “Âm…” chứ chưa đủ để gọi được thành “…Thanh”!. Cái vẳng “âm ba” đó, tuy chưa đủ thành “âm thanh”. Nhưng cường độ năng lượng tiềm ẩn trong đó của nguồn sóng âm này. Đủ gây giao động cộng hưởng và lan tỏa trên toàn miền của thế giới mà tôi gọi là huyễn - thực cảnh đó!
Thế rồi bất giác, tôi cũng vội vã hòa vào dòng…;
Quả thật ngôn ngữ của nhân loại chúng ta đã vấp phải những trở ngại khó khăn nhất định ở thế giới này!
Ví dụ: Cứ sau mỗi một dòng diễn tả, tôi cứ phải ghi vào nơi cuối dòng một dấu “chấm than”!, hoặc “chấm hỏi”!!. Cứ mãi như thế, sao được? Nhưng không như thế, cũng không ổn! Công cụ ngôn ngữ đã tỏ rõ sự bất lực, khi phải mang sứ mệnh là mô tả về thế giới này.
Cho nên tôi phải diễn đạt tiếp theo dòng trên, đã bỏ dở khi nãy là: … hòa vào dòng… Thần Tiên (không phải dòng người) đó, mà đi đến cổng Đại Hội. Tôi ngóng thấy phía trước, mọi bậc Thần - Tiên. Đều phải đưa ra “Thiệp báo danh” như vé vào cổng cho vị soát vé trước cổng Đại Hội xem xét, trước khi vị này cho qua cổng. Bất giác, tôi lục tìm trong các túi của mình một cách vô thức. Quái! Tôi phát hiện trong tay tôi cũng có một “phiếu báo danh” như thế! Hồi ức nhắc lại cho tôi biết rằng: Tôi đã từng nhận được Thiệp Báo này vào một trong những ngày cắm sào nơi cửa Thiền, trên dọc dài đi về nguồn cội một cách tự nhiên theo trật tự lạ lùng của vũ trụ. Đó chính là núi Cấm của vùng Thất Sơn. Một trạm dừng chân nơi cửa Thiền, những lúc gối mỏi, chân chồn, lạc nẻo đi về.
Hóa ra địa phương vùng 7 Núi, chính là nơi mà thí sinh phải tới đó để nhận Báo Danh, dự Đại Hội Long Hoa trong truyền thuyết. Một địa huyệt của trời đất mà Nguyễn Đình Chiểu, mãi tận khi cuối đời mới có thể lĩnh ngộ được. Và ông đã kịp ghi lại, làm di chúc, ở phía sau của… Toàn Tập Thơ Văn Đồ Chiểu, cho thế hệ tương lai:
“Ngũ Hổ năm anh thấy đã mầu.
Ai ngờ đến nỗi Thất Kinh Châu?”.
Do thuật “phong thủy đại cuộc” thì: Núi Ba Vì thuộc đuôi rồng. Ngũ Hành Sơn thể hiện lưng rồng. Và Bảy Núi chính là đầu rồng với tên gọi Kim Thành Huyệt. Đồ Chiểu ngày trước đã lưỡng lự giữa Gò Công và Mỹ Tho. Để rồi sau thất bại thiên cơ, ông đã chọn Bến Tre, do huyệt mạch nơi Cửa Đại thuyết phục ông. Tuy nhiên, cuối đời ông mới “ngờ” được Thất Kinh Châu. Quả thật! Tổ tiên giống nòi đã từng bị chôn vùi biết bao uất khí, đầy oan uổng như thế, trong suốt quá khứ lịch sử của dân tộc. Những thực tại oan khốc này, đã đẫm đầy lịch sử từ ngàn xưa đến nay, mà vẫn khó có ai nhìn thấu đáo cho được.
Tóm lại: Trước hết, chúng ta phải ý thức rằng; Hội Long Hoa là của Trời Đất tự nhiên, tạo nên theo cách như có như không. Vì thế, những ai được xét và xem là “thí sinh” dự hội. Thì ít nhất phải biết cách đọc được Sách Trời (Thiên Thư) đã. Thật khôi hài khi cứ muốn mình dự hội mà lại không đọc được một chữ nào trong Thiên Thư. Trời đất không đùa với nhân loại chúng ta bao giờ cả. Chúng ta thử hình dung, một thí sinh cứ muốn bước vào trường thi. Trong khi thí sinh đó lại không hề biết đọc một chữ nào cả! Trò đời vốn thường diễn mãi những tấn tuồng đầy bi hài như thế đấy.
Phàm, hễ muốn đọc và hiểu được sách trời, thì trước hết phải hiểu được sách người đã. Sau đó mới có thể nói đến sách trời ít nhiều được. Xưa nay hiểu việc người mà không hiểu việc trời là có. Còn hiểu việc trời mà không hiểu việc người là chưa có tiền lệ bao giờ. Thế nhân chúng ta hoàn toàn không đủ tự ý thức bản thân mình đối với Hội Long Hoa. Thật sự hội ấy đã bế mạc từ rất lâu rồi. Vậy mà thế nhân chúng ta, vẫn cứ thi nhau đi tìm cho đến tận hôm nay… Tận thời điểm mà tôi đang chép lại những dòng miêu tả này, về những diễn biến của đại hội có tính huyền thoại đó. Mong sao qua đây, những ai còn đang tưởng tượng về Hội Long Hoa hãy ý thức thực tại lại. Ý thức thực tại bản thân, gia đình, người thân. Từ đó làm nền tảng vươn ra cộng đồng, xã hội về một thực tại cuộc sống mà chúng ta đang sống.
Nếu như trước đây, có ai đó đã triển khai và đưa Huyền Thoại Đại Hội Long Hoa vào đời thường. Thì hôm nay, tôi có trách nhiệm và không ngần ngại thông báo rằng: Huyền thoại về Hội Long Hoa đó. Hiện nay đã thực sự đi vào truyền thuyết mất rồi, không còn nữa. Có còn chăng? Thì điều này cũng thể hiện đúng như bản thể của nó là truyền thuyết mà thôi. Qua đó, chúng ta truyền nhắc lại cho mai sau về một giai đoạn đã từng có xãy ra sự kiện này. Thêm một lần nữa, tôi nhắc lại: Đại Hội Long Hoa đã thực sự bế mạc từ rất lâu rồi. Và hiện thân của nó hôm nay, đã là một truyền thuyết, không hơn không kém.
...Cuối cùng, cũng đã đến lượt tôi trình phiếu báo danh cùng vị soát phiếu. Trong bất giác, cả hai chúng tôi đều nhận ra nhau! Vị này, tôi đã có từng biết và hiểu trong quá khứ của lịch sử, nhưng chưa từng quen! Không qua lời nói, cả hai trao đổi qua ánh mắt và hoàn toàn hài lòng về sự hiện diện của nhau trước cổng Đại Hội. Điều này có thể được tôi mô tả thêm như:
Tự nhủ; À…! Hóa ra thiên cơ là như thế đấy. Bởi người gửi thông điệp vốn không chủ đích. Kẻ nhận thông điệp cũng hoàn toàn không chủ ý. Ứng hẹn, trao nhau một ánh mắt khải tín của định mệnh được gọi là đủ. Vừa bước qua cổng Đại Hội, tôi choáng ngợp trước thế giới của Thiên Trường đúng nghĩa. Có thể mô tả đại hội này với tên gọi là “Quần Tiên Hội”, vẫn chưa đủ. Bởi ngoài các nhóm Tiên Lữ còn có tất cả các vị Thần Khách tụ hội nữa. Như bên kia là nhóm Bát Tiên, không biết họ quá hải vào thời điểm nào mà đang hiện diện và tán gẫu cùng nhau trông rất vui vẻ… tiên phong đạo cốt. Kìa lại có nào là Dương Tiễn, cả cha con Lý Tịnh, Na Tra.v.v… Đó đây còn có cả Tam Thanh, rồi những Xích Tòng Tử, Quảng Thành Tử, Vân Trung Tử… Không kể xiết… cả thảy. Đầy đủ cả. Đầy đủ tất cả những vị Thần Tiên bao gồm trong quá khứ lịch sử thần thoại và tư duy chúng ta đã từng được biết đến, đều có mặt tại Đại Hội Long Hoa này.
Chỉ lạ mãi một điều: Một kẻ mà bụi tục còn vương gót giày, lang bạt, chán sự đời. Không thể hiểu vì duyên cớ dun rủi nào, mà lại “được đi lạc” vào Đại Hội này cho được? Kể ra cũng thật là lạ lùng, bởi khó có thể biết được nguyên do từ đâu lại như thế? Đó là tôi, một tục khách, mắt trần hẳn hoi (nên cứ trông vẻ như huyễn, như thực…). Duy nhất, hiện diện lẻ loi tại Đại Hội! Tôi ý thức và tự nhủ: Dù sớm dù muộn. Tôi cũng sẽ mô tả Đại Hội Long Hoa này lại cùng bè bạn (rõ vương lụy), đã bỏ quên giữa dòng đời, đang mãi ngụp lặn trong tục lụy, ôm mộng vớt trăng qua ngòi bút. Chỉ có điều mà tôi quyết tránh dẫm vào vết chân đi trước như sau:
Lưu ý:
Tôi không diễn tả thế giới này theo cách mà đã từng có một số rất hiếm người từng lạc vào miền cảnh giới này như: Hứa Trọng Lâm diễn thuyết Phong Thần trong quá khứ xa của lịch sử. Dấu chân của Hứa Trọng Lâm lại được Ngô Thừa Ân dẫm lên ở vào giai đoạn sau đó, qua tác phẩm Tây Du Ký. Và ở chừng mực hiện tại cũng mô phỏng không khá hơn hai vết chân trước đó là Kim Dung với Kiếm Hiệp trọn bộ.
Xét ở Việt Nam, xuất sắc và tiêu biểu có thể liệt kệ ở đây là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Đồ Chiểu có vẻ kém hơn vài phần trong Lục Vân Tiên. Tuy nhiên ông cũng thể hiện được qua Ngư Tiều Y Thuật Vấn Đáp.
Tất cả họ đều sử dụng lối hành văn gần với Văn U Mặc.
Họ nói chung thường lấy những hiện tượng trong thế giới quan của Kinh Dịch làm nhân vật và địa danh mà diễn thuyết trong tác phẩm của mình. Lấy những khắc chế, dung hòa của vận khí, kể cả huyệt mạch để mô tả xung đột trong tác phẩm.
Ví dụ:
1- Đồ Chiểu có ẩn ngữ “Bào Tử Phược và Mộng Thê Triền” (hai giá trị ám chỉ cuộc đời chỉ là bào ảnh, nhỏ nhoi, thoáng qua trong đời người ) làm hai nhân vật Tiều - Ngư. Đạo Dẫn, Kỳ Nhân Sư. Rồi địa danh Đan Kỳ, Nhân Khu v.v…
2- Nguyễn Du với Kim Vân Kiều có: nhân vật Kim Trọng. Khó khăn lắm, chúng ta mới có thể hình dung ra được điều ám chỉ đó chính là thời điểm của khí tiết giữa Thu. Bởi mùa Thu thuộc Kim. Một tháng bao gồm Mạnh, Trọng, Quý. Vậy Kim Trọng mà Nguyễn Du mượn để khắc họa đã hiện hữu chân tướng. Toàn bộ tác phẩm đều phải được đọc ở chỗ không chữ là như thế đó. May ra ta mới có thể hiểu và cảm nhận được chân giá trị của Truyện Kiều. Cho dù là một Giáo Sư, một khi không biết Kinh Dịch. Họ hoàn toàn không có thể hiểu được Nguyễn Du muốn nói gì qua tác phẩm Kim Vân Kiều. Đó là một thực tế.
3- Kim Dung Thì cũng mô tả như thế cả thôi: Chẳng hạn như Võ Lâm Ngũ Bá. Chẳng qua chỉ là mượn giá trị của Ngũ Hành mà mô tả. Đối với Kinh Dịch thì lý tính vạn vật nơi phương Bắc vốn cằn cỗi, hoang sơ, tiêu điều. Nên nhân vật Bắc Cái nhất định phải là Cái Bang. Vốn thuộc âm nên sở hữu Chưởng nói chung là hợp lý. Nguyên do âm khí theo 6 kinh âm và xuất ra theo lòng bàn tay. Đối lập là Phương Nam. Thuộc Dương nên ngón nghề tất yếu sẽ là Chỉ. Dương khí theo 6 Kinh dương và xuất ra theo ngón tay. Và Phương Nam vốn khí hậu ôn hòa, sinh sôi ngũ cốc, ắt phải giàu. Từ đó, nhân vật Lý Chính Thuần phải là Vua. Lại nữa; Cái lý của phương Nam vốn thuần dương, thuộc chính khí. Nên từ đó nhân vật “Lý Chính Thuần” phải có tên như thế. Phương Đông đích thị là biển. Đảo cũng là nơi sản sinh toàn cây thuốc. Nhân vật Hoàng Dược Sư là đại diện. Sở dĩ có biệt danh Đông Tà bởi tính vốn thuộc Dương nhưng lại hành Âm. Âm thì phải mô tả là Tà vậy. Đối lập là phương Tây thì có Tây Độc Âu Dương Phong. Chúng ta có thể hình dung theo cách đã trình bày là được. Dĩ nhiên đã là đại diện cho 4 mùa và tiềm ẩn 4 Hành, thì đâu hẳn là ai giỏi hơn ai cho được. Tuy nhiên có nhân vật Dương Trùng Dương trong cổ mộ do: Dương Trùng Dương ở đây có nghĩa là ngày 6 tháng 6 ÂL. Theo lý của Dịch thuộc Mộ. Tính của Thổ vốn được bố trí ở vào trung tâm của ngũ hành. Nên võ công có bao gồm cả bốn nhân vật kia. Bốn tháng cuối của mỗi mùa thuộc Thổ và cũng đều Nhập Mộ. Dương Trùng Dương phải ở trong cổ mộ là tất yếu. Nhưng những kẻ dựa vào học vấn mà suy diễn nhân vật Dương Trùng Dương thành ra Dương Trùng Vương! Lại có người Bắc cho dân Nam vốn phát âm sai. Từ đó chỉnh lại thành ra Vương Trùng Dương mới đúng!! (đúng hơn là… tai họa).
4- Với Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân cũng không khác. Tôi có thể dẫn ra như Tam Tạng cưỡi Long Mã là ý nói đến Tiên Thiên Đồ. Do thiếu Hậu Thiên là sự thành, cho nên thầy trò mới bị Thần Quy nhận chìm khi đã thỉnh được Kinh. Còn hình tượng của Chim Đại Bàng là ý ám chỉ đến Lục Tổ Huệ Năng đi tìm Kinh mà ra. Dẫn tạm một vài ý mọn dễ hiểu như thế thôi.
5- Phong Thần của Hứa Trọng Lâm cũng hoàn toàn được xây dựng cùng một nguyên lý như thế cả. Chúng ta có thể dựa theo những diễn giải vừa qua là nắm bắt được toàn diện.
Tóm lại: Những tác giả ở trên, muốn mượn những giá trị đó, để mô tả về cảnh giới mà họ lạc vào trong lúc Thiền Định. Biết vậy, nên tôi không dẫm vào những vết chân đã hằn lối mòn đấy trong lịch sử chung của nhân loại xưa nay. Tôi cố gắng mô tả giống như thực tại có thể, như đã mô tả vừa qua. Đó là thế giới quan của huyền thoại. Chính xác hơn là thế giới thực tại tiềm ẩn phía bên kia của không gian chiều thứ tư.
Thống nhất trên quan niệm như thế. Tiếp theo, tôi sẽ mô tả lại những diễn biến phía bên trong của Đại Hội Long Hoa. Mục đích của Đại Hội này mở ra là để tìm người “thuần” cho bằng được con: “Ngựa Tiêu Sương”!

Vì thế, bài tiếp theo sẽ có tựa; Đại Hội Long Hoa - Thuần Tiêu Sương 



II - NGỰA TIÊU SƯƠNG.

Ngựa Tiêu Sương đã từng bị dứt cương và mất dấu một cách tuyệt bí, trong một chừng mực của quá khứ lâu.
Và Tiêu Sương Mã thật sự đã đi vào huyền thoại cùng thần thoại tự bao giờ rồi. Trong những huyền thoại chung mà thế hệ hôm nay từng được biết. Bất chợt có khi nào hồi vọng về một ký ức xa. Cương giới ký ức có nguy cơ chập chờn mất dấu nơi cận vó của Thiên Lý Mã!
Truyền thuyết có từng kể lại rằng:
Sở dĩ có tên gọi Thiên Lý Mã? Là bởi loài ngựa này, có khả năng đi ngàn dặm (thiên lý) đường, chỉ gói gọn trong một ngày! Nơi xuất xứ truyền thuyết của Thiên Lý Mã, là ở vào thời loạn liệt quốc xuân thu. Thế nhưng, nghe đâu thiên hạ vẫn truyền tai nhau; Còn có một loài ngựa khác hơn Thiên Lý Mã nữa!
Nguồn năng lượng tiềm ẩn của loài ngựa này, nếu xét và lấy theo khả năng của Thiên Lý Mã để so sánh thì:
Chúng ta cứ xem thời khắc hạt sương tan trên đầu ngọn cỏ của buổi sớm mai làm thước đo. Loài ngựa ấy, có thể đi ngàn dặm, khi hạt sương buổi sớm chưa kịp tan trên đầu ngọn cỏ! Vì thế nên mới có tên là Tiêu Sương Mã. Một giống ngựa của huyền thoại. Tả cách khác, gần đúng hơn nữa: Là chủng ngựa của Dòng Thần Tiên nơi đầu nguồn quá khứ. Đó là những gì trích ngang, đã được ghi trong lý lịch của Ngựa Tiêu Sương huyền thoại.
Và huyền thoại đó, có toàn cảnh như sau:
Thuở hồng hoang… Hỗn mang cỡ; Thần thánh, ma quỷ, và con người, còn chung sống lẫn lộn với nhau! Ví như tiều phu đi vào rừng, lắm lúc vì nợ, có thể gặp Quỷ Núi! Kẻ chán đời đi lang thang, thoảng khi tại duyên, ắt được ngộ Tiên sa!! (tôi kể, có điển tích Từ Thức làm chứng).
Huyền thoại về chốn Thiên Bồng lúc bấy giờ từ bởi: Nguyên do khả năng của Ngựa Tiêu Sương vốn có nước đại như thế. Nên Trời ấn định chức Nguyên Soái của chốn Thiên Bồng, sẽ cưỡi Ngựa Tiêu Sương, để đi tuần khắp vòng Trời, vào thời khắc Trời mở cửa và Đất đóng cửa hằng ngày. Chúng ta phải biết; Duy nhất chỉ có Ngựa Tiêu Sương, mới đủ “mã lực” để đi tuần định kỳ, 4 cửa Trời trong ngày mà thôi. Một vòng Trời còn được gọi là một độ “Mông Hạn Ảnh”! Và Tiêu Sương Mã Đáo ở tại cửa mà ta quen nghe gọi, là Ngọ Môn Quan (Nam Thiên Môn).
Trong sự hời hợt chung của tư duy thế nhân chúng ta. Khó có ai có thể hình dung được sự uy lẫm của một vị Nguyên Soái của chốn Thiên Bồng là như thế nào cả. Chúng ta đã tích lũy kiến thức về vị Thiên Bồng Nguyên Soái này qua tác phẩm Tây Du Ký của tác giả Ngô Thừa Ân. Từ đó, hình ảnh của vị Thiên Bồng Nguyên Soái này, được hình dung qua sự lôi thôi, nhố nhăng, của một nhân vật trừu tượng Trư Bát Giới! Sản phẩm tư duy đó, được hình thành từ vốn vay “ân sủng”, từ nguồn tư duy rơi vãi “thừa”, của “Ngô Thừa” Ân mà thôi. Một tai hại đong đầy cho định kiến chung hiện nay.
Thế rồi, ngày lại ngày. Tháng tiếp tháng. Năm nối năm; Vị Nguyên Soái của chốn Thiên Bồng cùng Tiêu Sương Mã tung vó tuần hành, viễn du khắp cả vòng trời suốt cả 2 lượt, sớm tối đi về. Phàm mệnh đề vốn đã là tính viễn du của những lãng tử, ắt sẽ hấp thụ khí phiêu bồng khắp nơi, mà sinh ra chất lang bạt là tất định.
Và tất nhiên định mệnh đó, đã khiến cho tính lãng du khắp thiên nhai ngày ấy, phải vương hạt bụi trần sau gót giầy. Trong một trớ trêu của Tạo Hóa mà vị Nguyên Soái cùng Ngựa Tiêu Sương phải Tuần Hành trước Ngọn Gió Đông, ngang qua một Tiểu Tiết… Cái khí se lạnh lúc hoàng hôn sau Tiết Lập Đông, khiến kẻ lãng tử lỏng nhẹ cương. Ngựa Tiêu Sương lơi vó nhạc Tuần, từ Mạnh… Hành sang thận Trọng… lúc qua cuối ngõ khi Đất đóng cửa.
Bất chợt ai đó! Sớm hé cửa Cung Hàn, cuối nẻo hoàng hôn… (Chỉ chừng đó thôi…)*.
Thôi, Chết! Bước chân kẻ lãng tử, khéo vướng phải sợi tóc của Tiên Nga, lơ đễnh giăng ngang lối nguyệt mất rồi.
Kể từ thời điểm đó. Sợi tóc tơ của Tiên Tử nơi Cung Hàn đã khéo vướng chân, khiến cho kẻ lang bạt… lỡ vương, rồi tự vấn vào bước chân hoang: Và rồi sau Tuần Hành từ thận Trọng nối đến Quý...! Mặc cho Vũ Điệu Nghê Thường, luân khúc cùng nhịp Vó Nhạc Tiêu Sương. Khiến cho Nguyên Soái chốn Thiên Bồng, quên lối về Nam Thiên Môn đúng thời khắc. Nguyên do mải mê mà quên lưu ý từ Tiểu Tiết đến Đại Tiết. Bởi mùa đông nên khí đất trời cũng khiến cho Tuyết pha Sương. Bởi cớ đó nên Hạt Sương chiều hôm, lâu tan hơn thường lệ. Kẻ lang bạt ỷ lại vào vó Ngựa Tiêu Sương. Ngỡ rằng dáng sương còn mọng chưa phai, lướt qua Tiểu Tiết… mà chuốc lấy đọa đày.
Kể từ thời điểm của sự kiện đó xảy ra. Ngựa Tiêu Sương đã trở thành Ngựa Hoang, tung vó đi vào huyền thoại chốn viễn xứ thiên nhai…
Thời gian thắm thoắt... Trải qua một Hội Đất Trời vừa đủ.
Chính vì thế:
Đại Hội Long Hoa mở ra chính là để tìm cho được kẻ đủ sức Thuần Tiêu Sương Mã. Xét lược thao tam thế. Nhân loại chúng ta cũng đang sống trong Hội Ngọ của đất trời. Vận, Thế, Chu, Kỳ, Tuần… đều là Ngọ! Tất cả vạn sự trong tam lý Trời – Đất – Người, đều đã tụ hội. Hiện tại, chúng ta chỉ còn mỗi một việc là chờ đến Thời, Khắc nữa mà thôi.
Điểm qua huyền thoại của Tiêu Sương Mã vừa nêu như trên. Chúng ta đủ hình dung được; Tại sao lại phải có Đại Hội với tên gọi Hội Long Hoa. Đồng thời cũng ý thức tầm vóc của Đại Hội đối với khả năng của mỗi cá nhân chúng ta mà quy tâm kiến tánh thực tại bản thân.
Thiết nghĩ… Tôi nhất định cũng cần phải lưu ý thêm. Để cho đa số trong chúng ta cứ lầm tưởng về vị giám khảo, chủ trì đại hội này:
Cuộc Thế hôm nay tuy là Hội Ngọ nhưng Vận, Hành, vốn lại là Kim Cuộc! Cái lý ở chỗ âm bồng dương, dương cõng âm. Rất khó để xem xét thấu đáo cho dễ dàng được. Để dễ hiểu hơn với quan điểm hiện nay; Ví như Hội Ngọ là một dự án cần khai thác. Thế nhưng để Vận Hành được thì; Nguồn vốn đầu tư phải là Kim Cuộc. Đó là trình tự.
Cho nên chúng ta nhất định phải nhận và xác định được; Thế cuộc này là Kim Cuộc. Kim Cuộc với họ tên đầy đủ theo khai sinh là: Kim Môn Đại Cuộc! Là cuộc cuối. Đồng thời Kim cuộc cũng là “Tàn Cuộc”! Bởi tự tính của Kim Cuộc vốn là như thế. Nên vị Chủ Trì Đại Hội Long Hoa, không thể có ai khác hơn ngoài: Tây Vương Mẫu.
“Sau ba hồi trống khai hội vừa dứt từ hướng đông bắc của thiên trường. Âm ba tiếng trống như sấm rền vọng thinh không, lan tỏa chưa dứt thì:
Từ Nam Thiên Môn. Cửa "cảnh" trời vừa mở, tất cả các chư vị thần tiên hốt thấy bóng Tiêu Sương Mã phóng ra giữa sân thiên trường như tia chớp. Bốn vó vừa chạm mặt đất. Ngựa Tiêu Sương tung hai vó trước, chồm lên đá liên hoàn cước vào không trung và đình trong mã bộ: Vó trái điểm đất, vó phải chỉ trời cùng với tiếng hí lộng, vang rền một tràng dài, đinh tai khắp đại hội. Lấp lóa cùng nắng mai; Bờm và tóc rối mềm sương sớm, lòa xòa phủ trước trán Tiêu Sương, tung bay hoang dại cùng gió lộng giữa sân thiên hội.
Ngay tức khắc, từ phía đông của thiên trường. Nhóm Bát Tiên bước ra với Lý Thiết Quải dẫn đầu. Thoáng ngạc nhiên, tôi nghĩ trộm: Có lẽ Lão Tiên này đã quá chán với cái nạng sắt, dò từng bước trong bộ dạng ăn mày cả nghìn năm rồi. Nên nóng nảy muốn tiên phong mà ra bắt Ngựa Tiêu Sương trước chăng?!
Tuy với bộ dạng như thế, thoắt một phát. Lý Thiết Quải đã chộp được bờm Tiêu Sương và tung mình nhảy lên lưng nó một cách gọn gàng. Không để cho Lão Tiên kịp yên vị. Ngựa Tiêu Sương búng vó lao vào trời xanh như một mũi tên. Ngay lập tức, nhóm Thất tiên lướt theo hỗ trợ…
Thú thật. Với đôi mắt thịt, trần tục như tôi. Không thể nào quan sát cũng như theo dõi kịp những tình huống nào diễn biến lúc đấy cả. Chỉ có thể mô tả lại được là: Sau khi bụi của cơn cuồng phong lắng xuống sau sải vó của Ngựa Tiêu Sương mất hút vào thiên nhai. Nhóm Bát Tiên với người nào người nấy trong bộ dạng thiểu não, đầu cổ đầy bụi sương, khập khiểng dìu nhau trở lại sân thiên trường…!? Nhóm Bát Tiên có tới những 8 mạng, liên hoàn thay nhau cũng chỉ có thể cầm cự được đôi ba khắc...
Sau một nước đại ra oai. Ngựa Tiêu Sương lại về đến sân thiên trường trong đại hội. Chờ xem, kẻ Thần Tiên nào tiếp theo, muốn nếm mùi sương tuyết khắp cõi thiên bồng.
Tiếp theo sau nhóm Bát Tiên là Thần Na Tra. Na Tra lướt bánh xe lửa, chống ngược hỏa kích, nhún mình phi lên lưng ngựa. Nhanh hơn gió, Ngựa Tiêu Sương lại vút vào trời xanh. Với 36 phép thần thông luân chuyển hóa thân trên lưng Tiêu Sương. Thần Na Tra cũng chỉ có thể trụ được tới cửa Bắc là ngộp nước. Có lẻ do Na Tra đã dùng gân rồng làm cương chế ngự Tiêu Sương hay sao mà...? Khiến Ngao Thuận ( như ngẫu nhiên) dùng nước biển Bắc, nổi mưa dập tắt hỏa xa và hỏa kích của Na Tra khi qua ngang cửa này? Dĩ nhiên Na Tra "tắt lửa", đành thúc thủ. Tính từ Cảnh giới của Nam Thiên Môn. Na Tra Đành về Hưu non tại nơi giác hải của Ngao Thuận vậy.
Cứ thế, hết lượt này đến lượt khác. Hết nhóm này tới nhóm khác mà vẫn chưa có thể cưỡi được Ngựa Tiêu Sương trong vòng một nước đại. Tôi cần diễn tả rõ hơn là: Một nước đại của Ngựa Tiêu Sương là qua một cửa trời. Giáp một vòng trời phải qua 4 nước đại. Mỗi lần Ngựa phi nước đại, tiếng vó ngựa nghe tựa như hàng vạn vó ngựa nện móng chứ không phải một con. Bụi lốc cuốn theo vó chân như cuồng phong, bão lốc mù trời. Cây cối, núi rừng bị cuốn ngã rạp mỗi khi vó ngựa vút ngang qua. Những tràng hí dài của Tiêu Sương hòa cùng tiếng gió mưa, sấm chớp gây rúng động cả một góc trời tây thuở ấy. Hễ cứ mỗi lần tung vó là Tiêu Sương nhất thiết chạy giáp một vòng trời rồi mới chịu quay trở lại giữa sân đại hội. Ngạo nghễ mài móng tung bụi gió, lắc bờm rải khí sương, thách thức kẻ tiếp theo.
Cứ thế, đại hội diễn ra suốt cả mùa Thu mà vẫn chưa một ai theo nổi Tiêu Sương một vòng Trời cả. Quy định; Nếu cưỡi được Tiêu Sương lần lượt qua tất cả 4 vòng trời (không phải là 4 cửa đâu đấy), mới có thể khẳng định là thuần phục được nó. Ngựa Tiêu Sương càng chạy, càng hăng. Thời gian về cuối Thu, núi rừng xơ xác cành dưới vó ngựa. Lá vàng cuốn theo bụi lốc đuổi theo sau vó, trông cảnh tượng thật vô cùng hùng vĩ. Cho dù có là một đạo diễn giàu óc tưởng tượng đến mấy, cũng không thể dựng cảnh để mô tả lại cho được. Đó là một thiệt thòi cho nền nghệ thuật thứ Bảy của nhân loại chúng ta nói chung.
Đã tận mắt chứng kiến cảnh tranh tài thuần Tiêu Sương Mã suốt mùa Thu của các bậc Thần Tiên. Tôi gần như chết khiếp. Bởi tôi từng đã biết qua tiếng tăm cũng như tài nghệ của từng vị trong quá khứ lịch sử rồi. Đêm về mệt mỏi (chỉ đứng theo dõi thôi cũng đắm đuối hết cả rồi), tranh thủ ngả lưng, chợp mắt lấy sức để ngày mai... xem tiếp. Đêm nằm trong Động Thiên Thai. Tai vẫn nghe muôn vàn tiếng vó ngựa sải vó ầm ầm khắp trời. Tiếng gió mưa rít theo tiếng sấm chớp, cuồng phong, hòa cùng tiếng hí vang rền của Tiêu Sương mà khiếp đảm. Thỉnh thoảng, lại có một vài cành cây rừng. Bị lốc vó của Tiêu Sương cuốn thốc, đập vào tận vách trong động, lôi kẻ lạc khách đang lạc trong mộng trở ra khảo thí!
...Tiết trời đã giao mùa sang đông. Vậy mà mồ hôi trên mình Tiêu Sương ướt đẫm. Hai cánh mũi nở to, hơi thở hồng hộc, cuộn hơi khói xộc thẳng ra theo hai hốc mũi. Những vị Thần Tiên càng về sau, càng cao pháp thuật hơn. Càng nuôi hy vọng Ngựa Tiêu Sương đã thấm mệt, nên dễ thuần phục được. Với tâm trạng vừa mừng vừa lo, họ tranh nhau thi thố mỗi khi Ngựa Tiêu Sương về đến. Trước đó, nơi tôi đã mô tả ở những dòng vừa qua...
...Nhìn lại mình thì... ! Tự nhủ; Được có mặt ở bên trong cảnh giới của không gian này để chứng kiến diễn biến của Hội Long Hoa là cả một kỳ duyên đắt giá vô cùng rồi. Và tôi cũng (không dám nói là lượng sức) tự biết loại mình đứng ra ngoài cuộc thi Thuần Tiêu Sương từ bao giờ rồi.
Đến khi thấy Ngựa Tiêu Sương nhễ nhại mồ hôi, thở hồng hộc sau mỗi vòng trời về đến. Tôi động lòng trắc ẩn, bèn xách một thùng nước, mang đến cho Tiêu Sương uống đỡ khát. Ngựa Tiêu Sương nhìn thấy, không ngần ngại vục mõm uống một hơi cạn sạch! Tiện tay, tôi vơ vội vài nắm cỏ chìa ra trước mắt Tiêu Sương. Cũng tiện mõm, Ngựa ta thè lưỡi, cuốn gọn nắm cỏ vào mồm, nhai vội cho kịp quần hội đang chực chờ cương chế.
Và cũng kể từ thời điểm đó. Cứ mỗi lần Tiêu Sương Mã tung vó vào thiên nhai. Tôi lại chạy tới sơn khê, lo việc sách nước và cắt cỏ chờ sẵn. Khi về đến, Ngựa Tiêu sương lại chạy tới chỗ tôi nhai vội vài miệng cỏ và vục nhanh thùng nước lấy sức. Chờ để tiếp tục cho kẻ tiếp theo đo vó ở đâu đó dọc lối gió, đường mây nơi thiên nhai hải giác. Có kẻ cảm thông nên Ngựa Tiêu Sương dường như lên tinh thần. Ra chiều có vẻ dũng mãnh hơn nữa. Sau một vòng trời, Ngựa Tiêu Sương lại tức tốc chạy đến bên tôi để nạp năng lượng. Không hẹn, chúng tôi đã trở thành đôi bạn từ lúc nào không biết. Cùng nhau hỉ hả mỗi lần có một ai đó?. Ngã lăn quay sau vó ngựa Tiêu Sương.
Và rồi cũng đến lúc tàn Đông. Điều này cũng có nghĩa là Tàn Hội. Thái Ất, kể cả Tam Thanh cũng ra tay rồi. Thậm chí kể cả những vị tự lượng sức bỏ cuộc cũng phải buộc cưỡi thử luôn cả rồi. Thế mà vẫn không thể thuần được Ngựa Tiêu Sương! Nguy cơ bế mạc đại hội trong cảnh ngơ ngác của cõi Thần Tiên nói chung, dần hiển hiện trước mắt.
Để độc giả chớ nghi ngờ tôi nói quá quắt; Chẳng hạn như Thái Ất Chân Nhân (thầy của Na Tra), cũng chỉ có thể theo được Tiêu Sương Mã chưa đủ đến "giáp" vòng của thiên nhai. Bởi tài nghệ cũng như phép thuật của Thái Ất phải "đổ" lại "cận cảnh" giới... Giáp Ngọ Môn mà thôi. Tóm lại: Thái Ất không thể hiển hiện nơi Giáp Ngọ Môn cho được! 
Đó đây, đã có từng nhóm các vị Thần Tiên trong bộ dạng tiu nghỉu. Lục đục theo nhau trong lẳng lặng bước ra cửa đại hội ra về. Tôi cũng hòa vào dòng Thần Tiên đó mà đi ra cửa đại hội để về...
Bất chợt có một vị Thần hay Tiên nào đó trong đám đông, chỉ vào tôi và nói to lên: Còn vị này vẫn chưa cưỡi Ngựa Tiêu Sương! Tất cả đại hội đều quay lại nhìn tôi ngạc nhiên! Và họ nhất loạt ồ lên. Phải rồi! Vẫn còn một thí sinh chưa thi. Đang trong sự thất vọng bởi nguy cơ phải chờ đến Đại Hội lần sau. Điều này có nghĩa là 12 ngàn năm sau nữa, mới đến kỳ mở hội theo quy luật định kỳ của trời đất được. Các chư vị vây lấy tôi thúc giục.
Tôi hoảng quá, gãi đầu, gãi cổ... phân trần: Tôi chỉ là một kẻ tục nhân lạc lõng duy nhất ở đây. Không biết vì duyên cớ gì, gì... nào đó, mà lại được đi lạc vào chốn này? Chẳng có tài nghệ gì cả. Lấy đâu mà dám cả gan "múa rìu qua mắt... quần Tiên" cho được. Tóm lại, tôi diễn tả một cách rất thói tục là: Xin các vị bỏ qua cho.
Lại bất chợt có một vị nào đó "nhiều chuyện". Cắt xen ngang vào: Tôi thấy nãy giờ " tục huynh đệ " đi tới đâu, Ngựa Tiêu Sương cũng lẽo đẽo đi theo tới đó kia kìa?! Tôi lúc này mới nhìn lại đầy bất ngờ, khi thấy Ngựa Tiêu Sương đang đứng phía sau lưng mình!. Vội phân bua: Không đâu. Tại vì tôi lấy nước và cỏ cho Tiêu Sương. Nên có lẽ nó mến, mới có vẻ như thế thôi. Lại một giọng nào đó cất lên từ trong quần Tiên: Không cần biết bởi bất kể kỳ duyên nào. Phàm đã có mặt tại đại hội là đủ tiêu chuẩn và buộc phải dự thi. Có như thế mới gọi là "tàn hội" được.
Chỉ chực có thế. Cả đại hội nhao nhao cả lên: Phải rồi! Phải rồi! Đã có mặt là nhất định phải thi. Ngay lập tức, tất cả chư vị Thần Tiên dạt ra và quây thành vòng tròn, khiến tôi ngơ ngác lẫn Ngựa Tiêu Sương, trở thành đứng giữa sân đại hội. Âm thanh của tất cả Thần Tiên nhất loạt reo hò:
Phải cưỡi!... Phải cưỡi!... Phải cưỡi!...
Tôi e dè nhìn Ngựa Tiêu Sương? Nó không có vẻ gì là nghi ngại tôi cả. Trái lại, nó khịt khịt mũi và dụi đầu với chòm tóc rối, phủ đầy bụi gió sương vào tay tôi! Bấc giác tôi đưa tay cào cào, vuốt bờm tóc rối nùi trên cổ của nó. Ngựa Tiêu Sương vẫn đứng im! Tôi vổ vổ lên trán nó. Nói khẽ, thoáng nhanh qua tai nó: Các vị đó ép quá, tao thử một chút cho họ im đi nhé? Nói rồi tôi nắm bờm Tiêu Sương và phốc lên lưng nó...
Lạ thay! Ngựa Tiêu Sương vẫn đứng im!! Cả đại hội chợt im vắng đến lặng cả không gian của cảnh giới đó. Bất chợt Ngựa Tiêu Sương gõ móng vài nhịp rồi phi nước kiệu... vòng quang đại hội. Sau đó, cũng không đổi nước vó. Ngựa Tiêu Sương phi lên thinh không và đưa tôi dạo quang vòng trời hết một lượt trước sự ngơ ngác của quần Tiên. Như để cho tôi dần quen với cảm giác. Vòng thứ hai, Ngựa Tiêu Sương chuyển vó dần ra nước đại. Và rồi Ngựa Tiêu Sương đã đưa tôi đi vòng quanh cõi thiên bồng suốt cả 3 lượt nữa bằng nước đại.
Cuối cùng, sau khi qua 4 lượt khắp cõi thiên bồng. Tôi và Ngựa Tiêu Sương về đến sân đại hội trước sự ngơ ngác còn hiện rõ trong ánh mắt mọi vị Thần Tiên lúc bấy giờ. Bất chợt (tôi mượn ngôn ngữ của Nhà Phật làm phương tiện là); Trong một sát na - toàn hội chợt đồng nhất với tinh thần tham thông hốt ngộ:
Thì ra... Thuần Tiêu Sương Mã chính là ở cái Nhân - Nghĩa, chứ không phải tài nghệ hay pháp thuật của Thần Tiên hay Ma Quỷ gì cả! Ngựa Tiêu Sương từ ngàn xưa kia, vốn đã là Thần Mã của cõi Thần Tiên rồi. Cái cương - chế - ngự Tiêu Sương phải xuất phát từ sự chân thành của cái Đức. Từ đó có thể cảm - thông - hóa - ứng, đối với Ngựa Tiêu Sương mà nó thuận cho cưỡi.
Cho dù khắp trong lục cõi, bất kể là trần tục. Nếu một khi có tính chân thành xuất phát từ sự cảm thông chia sẻ, ắt sẽ cảm hóa. Và vạn vật, kể cả Thần Tiên, Ma Quỷ, tất cảm ứng mà thành vạn sự. Toàn đại hội Thần Tiên lúc đó hoàn toàn bị thuyết phục trong một điều mà ta quen gọi là 'Đạo Lý" tiềm ẩn bất ngờ này.
Cuối cùng Đại Hội Long Hoa cũng đã bế mạc trong sự chờ đợi chung suốt bao ngàn năm nay là thuần cho được Tiêu Sương Mã. Trong Đại Hội ngày đó. Có một điều rõ ràng mà trong lịch sử của Thiên Thư đã ghi rằng: Tôi chính là người đã thuần được Ngựa Tiêu Sương trong Hội Long Hoa.
Sau ngày đó; Sáng hôm sau... Lạ thay! Không gian và cảnh vật của ngày hôm qua đã đi vào hư không, phía bên kia cánh cửa của không gian chiều thứ tư mất rồi! Gió sương đã đóng cánh cửa (then tạo hóa) đó, đối với mọi kẻ trần tục, đều bất khả xâm phạm. Đó là điều mà chúng ta quen gọi một cách vô thức là "Phong Tỏa" (gió khóa) hoặc "Niêm Phong" (gió đóng), một cách lạ lùng không có thể hiểu được đối với tư duy đương đại.
Kỷ niệm về cuộc thi của Đại Hội Long Hoa. Cứ khiến tôi bâng khuâng một cách lạ thường trong suốt khoảng thời gian sau đó cho tận mãi đến ngày hôm nay. Đêm đêm, thỉnh thoảng trong giấc ngủ chập chờn giữa chốn núi rừng cô quạnh. Tôi vẫn thường vẳng nghe tiếng hí của Ngựa Tiêu Sương, chen lẫn tiếng vó ngựa là cuồng phong vang vọng tìm về...
Tôi biết, và đồng thời cũng nhận được thông báo qua Thiên Thư: Hội Long Hoa chỉ là kỳ thi Thứ Nhất! Còn hai kỳ thi nữa, nhất định phải ứng thí cho kịp kỳ, theo luật định của Tạo Hóa !!.
Điều này hiển nhiên như câu: "Thiên - Địa - Nhân gian đồng nhất lý". Vì thế nhất thiết phải qua đủ 3 kỳ thi!!! Đại loại như Cá Vượt Vũ Môn ắt phải qua 3 đợt sóng. Từ khi trở về không gian 3 chiều sau cánh cổng của không gian chiều thứ tư. Tư duy cũng như quan điểm của tôi có nhiều biến đổi lạ thường! Tôi ý thức được rằng: Những điều đó, chỉ có thể chôn chặt trong tâm tư của riêng tôi mà thôi. Tuyệt đối không có thể giải bày cũng như chia sẻ cùng bất kỳ ai cho được. Bởi đó là những điều chỉ xảy ra ở nơi mà Nhà Phật có từng mô tả: "Phi tưởng xứ địa phương". Tôi có thể mô tả cụ thể và ngắn gọn hơn với hai chữ: "Mặc Khải"!
Tôi biết được: Hai kỳ thi sắp đến, càng phức tạp gấp bội phần, so với Hội Long Hoa. Trong khi tôi thuần được Ngựa Tiêu Sương trong Hội Long Hoa? Chẳng qua do xuất phát từ đáy lòng là một tâm tư hoàn toàn cách vô khởi, rất vô tư. Tư tưởng không gợn bọt bụi nào, cho dù đó là bụi của cõi Thần Tiên hay Trần Tục. Một thành quả may phước, bởi nguyên nhân tự tính của bản thân, đã vốn như thế. Tôi tin và hiểu rõ chính mình.
Cũng sau sự kiện Hội Long Hoa. Tôi suy gẫm rất nhiều và rất nhiều điều đã thấy được ở không gian phía bên kia. Cuối cùng tôi tự nhủ: Càng cao danh vọng, chỉ càng dày gian nan thêm thôi. Tôi lại vốn không màng những điều như thế. (vốn đã bỏ lại chốn xa hoa của Sài Gòn sau lưng, và tìm về nơi biển xa, đảo vắng). Ai muốn cứu nhân độ thế? Cứ tiếp tục tìm dự kỳ Hội sắp đến. Tôi chỉ muốn có một cuộc sống bình dị, đơn giản như mọi người dân tầm thường nhất, sau những tháng ngày đã trãi qua. Tôi chỉ muốn được quay trở về với cuộc sống đời thường như đã từng... thường sống.
Bỏ mặc kỳ hai lại nơi giác hải mà Trời đã khải thị: Pháp Hoa Hội!
*( Chỉ chừng đó thôi.... Phạm Duy)
dienbatn giới thiệu. Xin xem bài tiếp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét