Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

KHẢO SÁT MỘT SỐ NGÔI MỘ CỦA TIỀN NHÂN ĐỂ LẠI . BÀI 4.

KHẢO SÁT MỘT SỐ NGÔI MỘ CỦA TIỀN NHÂN ĐỂ LẠI . BÀI 4.

Sau rất nhiều chuyến điền dã khảo sát Phong thủy âm trạch , dienbatn còn giữ được một số tư liệu về những ngôi mộ cổ do tiền nhân đặt từ xưa . Nay đăng lại trong Blog này làm tư liệu và mong rằng những Thày Địa lý của Việt Nam hiện nay nghiên cứu và hy vọng sẽ rút ra được những điều bổ ích cho mình , ngõ hầu có thể giúp cho những thân chủ của mình một cuộc sống an vui , hạnh phúc.
Sách có câu :"Tiên tu nhân lập âm chất,nhi hậu tầm Long ". 
Người người đều muốn có được một Địa trạch tốt tươi,nhằm thăng hoa cuộc sống vật chất đầy đủ,công danh hiển hách,vợ đẹp con ngoan,Gia đình hạnh phúc.Sách THÔI QUAN THIÊN viết :"Trong nhà có người đức hạnh cao thượng thì đất đá trên núi gần đó nhất định có Linh khí ".Qua câu nói trên tức là con người làm chủ Linh khí vạn vật do phần Tâm khí của chính mình.Các Phong Thủy Sư không hiểu điều này thì dủ có Trích Huyệt Tầm Long được Bảo địa cũng chẳng linh nghiệm. 
Những việc Tầm Long Địa Huyệt còn phải hội thêm phần cảm ứng tức là Thiên Đạo (Đạo Trời );sự ứng nghiệm của việc hành thiện lập âm chất,tạo nhân quả tốt.Tục ngữ có câu :"Âm địa tốt không bằng Tâm địa tốt ".Do vậy,tìm kiếm chọn lọc được Địa mạch Huyệt vị,Phong Thủy Sư phải tích đức hành thiện làm căn bản.Nếu kẻ nào có phẩm chất cao thượng,thì ắt Thiên cơ sẽ ứng,Địa cơ theo đó mà tăng thêm sự tốt lành cho con cháu đời sau hưởng Phúc.Bởi Tâm địa thiện lương thì tương ứng với Địa mạch cát lợi ,vận Trời ứng cho,chứ chẳng phải chủ quan tâm về hình thức mà quên đi nội dung,cứ tưởng rằng tầm được Long huyệt rồi,con cháu đời sau sẽ được hưởng Phúc,cái gốc chúng ta chẳng lo mà lại đi lo cái ngọn,rõ là ta chẳng biết gì cả.Nếu như các Phong Thủy Sư họ tài giỏi như thế thì ắt họ phải giành những huyệt Đế Vương,Công Hầu,Khanh tướng cho con cháu họ,chứ dại gì mà họ chỉ cho ai ? 
Quách Phác nói :"Cát hung cùng cảm ứng lẫn nhau,họa phúc cũng tự nhiên theo Tâm khí chiêu cảm mà đến ". 
Khi táng di hài Tổ tiên,chắc người ta phải chọn Địa huyệt thật tốt mà an táng,song song với việc trên ,người tại tiền phải nỗ lực tu dưỡng thân,tâm cầu lấy gốc rễ của Đạo.Nếu chỉ chú trọng quan sát hình thể Địa huyệt,sẽ cho kết quả trái ngược,làm tổn hại đến con cháu đời sau. 
Nếu như có Nhân,tất phải có Quả;nhưng Nhân -Quả thiện ác tùy vào Tâm khi chiêu lấy họa phúc.Cũng như ngày xưa có người chết được Thiên táng hay Địa táng một cách ngẫu nhiên,con cháu sau này phát Đế Vương,Công hầu.
Triệu Quang viết cuốn :"PHONG THỦY TUYỂN TRẠCH TỰ ",có nói rằng :"Vô phước cho ai không có nhân duyên mà được Huyệt tốt ".Dẫu cái tốt,xấu của Phong thủy Huyệt mộ ảnh hưởng đến cát hung,nhưng Âm đức của con người có thể cải biến được Vận -Mạng.Đến như các bậc Tiền bối Phong thủy như Cao Biền,Quách Phác tài giỏi kinh Thiên động Địa ,nhưng khi gặp Huyệt Đế Vương cũng không dám dành cho mình,bời biết đạt Địa lợi,nhưng Thiên thời và Nhân hội còn khuyết,không dám nghỉ bàn.Tóm lại việc "TIÊN TÍCH ĐỨC,NHI HẬU TẦM LONG " của người xưa dạy quả không sai. 

4/ KHẢO SÁT KHU MỘ TRẠNG BÙNG - PHÙNG KHẮC KHOAN.



Phùng Khắc Khoan (chữ Hán: 馮克寬;1528-1613), tự: Hoằng Phu, hiệu: Nghị Trai, Mai Nham Tử, tục gọi là Trạng Bùng (mặc dù chỉ đỗ Nhị giáp tiến sĩ, tức Hoàng giáp); là quan nhà Lê trung hưng và là nhà thơ Việt Nam.
Phùng Khắc Khoan sinh năm 1528 tại làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tinh Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội). Tương truyền, ông là em cùng mẹ khác cha với Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Thuở nhỏ, ông được cha rèn cặp, sau theo học Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tuy nổi tiếng là người có văn tài, kiêm thông cả thuật số, nhưng ông không đi thi và không chịu ra làm quan với triều Mạc.
Đầu đời vua Lê Trung Tông (ở ngôi: 1548-1556), ông theo Lê Bá Lỵ tham gia công cuộc phù Lê diệt Mạc.
Năm Đinh Tỵ (1557), Phùng Khắc Khoan đỗ đầu khoa thi Hương ở Yên Định (Thanh Hóa) lúc 29 tuổi. Thái sư Trịnh Kiểm biết ông là người có mưu lược, có học thức uyên bác cho giữ chức Ký lục ở ngự dinh, trông coi quân dân bốn vệ, và cho tham dự việc cơ mật.
Từ năm 1558 đến 1571 đời Lê Trung Tông, ông vâng mệnh đi các huyện chiêu dụ lưu dân về làm ăn như cũ. Khi về được thăng Cấp sự trung Binh khoa, rồi đổi sang Cấp sự trung bộ Lễ. Vì trái ý vua, ông phải giáng chức ra thành Nam thuộc Nghệ An, ít lâu sau lại được triệu về.
Năm Canh Thìn (1580) đời Lê Thế Tông, bắt đầu mở thi Hội ở Vạn Lại (Thanh Hóa), ông xin dự thi và đỗ Hoàng giáp, được thăng làm Đô cấp sự.
Năm 1582, ông xin từ quan về nhà riêng ở Vạn Lại, vua cho. Song đến năm sau (1583), thì vời ông ra làm Hồng lô tự khanh.
Năm 1585, đổi ông sang làm Hữu thị lang bộ Công, rồi cử làm Thừa chính sứ Thanh Hoa (tức Thanh Hóa). Theo bài tựa Ngôn chí thi tập do ông làm năm 1586, thì chức tước của ông lúc bấy giờ là: "Công thần Kiệt tiết Tuyên lực, đặc ân Kim tử vinh lộc đại phu, làm chức Tán trị thừa chánh sứ ty các xứ Thanh Hoa".
Năm 1592, nhà Lê trung hưng đánh đuổi được nhà Mạc, trở về kinh đô Thăng Long.
Năm 1593 Phùng Khắc Khoan được phong chức Kiệt tiết tuyên lực, công thần, năm 1595, được thăng Công bộ Tả thị lang.
Năm Đinh Dậu (1597), ông đang làm Tả thị lang bộ Công và đã 69 tuổi, thì được cử làm Chánh sứ sang triều Minh (Trung Quốc). Về nước, ông được thăng làm Tả thị lang bộ Lại, tước Mai Lĩnh hầu .
Năm 1599, vua Lê Kính Tông lên nối ngôi, Phùng Khắc Khoan được thăng làm Thượng thư bộ Công. Năm 1602, thăng ông làm Thượng thư bộ Hộ, tước Mai Quận công .
Ít lâu sau ông xin về quê trí sĩ, và nhiệt tình tham gia xây dựng làng xã. Đáng kể là việc ông đã tổ chức đào mương dẫn nước vào các cánh đồng quanh núi Thầy, đưa nước về tưới cho các cánh đồng Phùng Xá và Hoàng Xá .
Phùng Khắc Khoan mất năm Quý Sửu (1613), thọ 85 tuổi, được truy tặng chức Thái phó.
Tác phẩm bằng chữ Nôm.
Ngư phủ nhập Đào nguyên (Truyện người đánh cá vào suối hoa đào) còn gọi là "Đào nguyên hành". Đây là khúc ca do ông làm khi bị đày vào thành Nam (Nghệ An) vì trái ý vua , nhưng nay đã thất truyền.
Lâm tuyền vãn (Bài vãn ca về cảnh sống nơi rừng suối): gồm 185 câu thơ lục bát. Chưa thể khẳng định được bài vãn này có phải là "Ngư phủ nhập Đào nguyên" hay không.
Chu Dịch quốc âm ca: là sách diễn nghĩa về Kinh Dịch, nhưng nay đã không còn. Bản Chu Dịch quốc âm ca (trùng tên) hiện nay là của danh sĩ Đặng Thái Bằng (1678-?).
Ngoài ra, ông còn để lại một vài bài tựa (viết cho một vài tập thơ), và văn bia. Tương truyền, một số tập sách sau đây cũng là của ông: Phùng Thượng thư sấm (Lời sấm của Thượng thư họ Phùng), Binh gia yếu chỉ (Những phương lược trọng yếu của nhà binh), Tư thiên gia truyền chú (Chú giải bộ sách gia truyền về việc xem xét thiên văn),...nhưng không có căn cứ gì xác thưc.
Tác phẩm bằng chữ Hán.
Ngôn chí thi tập (Tập thơ nói chí): được viết từ năm 16 tuổi đến năm 86 tuổi. Cứ 10 năm thì đóng thành tập, phải có tới 7 tập, nhưng hiện nay chỉ còn đến tập V, tức lúc tác giả chừng 60 tuổi, tổng cộng khoảng 260 bài. Đây là tập thơ (có xen vài bài từ) vừa có tính chất ghi chép, vừa có tính chất trữ tình. Nội dung bao gồm mọi mặt sinh hoạt, tâm tình, hành vi và lý tưởng trong gần suốt cuộc đời của tác giả. Đầu tập thơ có bài tựa của ông làm năm 1586.
Huấn đồng thi tập (Tập thơ dạy trẻ): gồm 172 bài vịnh thời tiết, khí hậu, cây cỏ, côn trùng...để dạy trẻ; nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 30 bài.
Đa thức tập (Tập thơ biết nhiều): nhân đọc Kinh Thi thấy có tên các loại cỏ cây, chim muông, côn trùng, cá...nhân đó, ông làm ra tập thơ này. Hiện còn khoảng 100 bài. Cũng như Huấn đồng thi tập, Đa thức tập viết ra với mục đích giáo huấn và cung cấp kiến thức cho trẻ, nên giá trị văn học không cao .
Mai Lĩnh sứ hoa thi tập (Tập thơ đi sứ Trung Quốc qua cửa quan Mai Lĩnh): gồm các bài viết với tính chất giao tế, thù tạc và bộc lộ tâm sự nhớ nước thương nhà.
Tương truyền, ông đã gặp thần nữ là Liễu Hạnh công chúa cả thảy hai lần, và đều có xướng họa thơ: một lần gặp ở chùa Thiên Minh (Lạng Sơn) khi ông đi sứ về, một lần ở Hồ Tây (nay thuộc Hà Nội) khi ông cùng với hai bạn họ Ngô và họ Lý đi chơi thuyền. Lần ở Hồ Tây, người tiên kẻ tục bèn làm thơ xướng họa liên ngâm, sau được nữ sĩ Đoàn Thị Điểm chép trong truyện "Vân Cát thần nữ" ở tập Truyền kỳ tân phả của bà. Theo nhà nghiên cứu Bùi Duy Tân, thì bài thơ ấy được đặt tên là Tây Hồ quan ngư (Xem cá Hồ Tây).[11] Bản tiếng Việt do Phan Kế Bính dịch có tên là Cảnh Hồ Tây.
Trong Lịch triều hiến chương loại chí, phần "Nhân vật chí", Phan Huy Chú đã viết về Phùng Khắc Khoan như sau:
..."Bấy giờ nhà Minh nhận hối lộ của con cháu nhà Mạc, (nên) không chịu nhận sứ. Ông lúc còn đợi mệnh (vua Minh), liền đưa thư cho Súy ty nhà Minh, kể rõ việc nhà Mạc cướp ngôi (nhà Hậu Lê)... Người Minh khen là có nghĩa mới cho sứ thần qua cửa quan. Khi đã đến Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay), Lễ bộ đường (triều Minh) trách về việc người vàng ta đem cống không làm theo mẫu cũ làm cúi đầu, nên lại ngăn không cho sứ vào chầu. Ông cãi lại rằng: 'Nhà Mạc cướp ngôi, danh nghĩa là nghịch; nhà Lê khôi phục lại, danh nghĩa là thuận. Nhà Mạc dâng người vàng hình cúi đầu thay mình, đã là may lắm. Còn như đời Lê bao đời làm công thần: kiểu người vàng ngửa mặt, qui chế cũ còn đó. Nay lại bắt theo lệ nhà Mạc, thì lấy gì để khuyên việc chiêu an và trừng giới việc trách phạt được'. Việc đến tai vua Minh (Minh Thần Tông), cuối cùng lại cho theo thể thức cũ của nhà Lê buổi trước (tức tượng không cúi đầu) . Bấy giờ ông mới được vào chầu, lĩnh ấn sắc đem về nước. Người Trung Quốc đều khen là sứ giỏi...Gặp ngày sinh nhật của vua Minh, ông làm dâng lên 30 bài thơ, được vua Minh phê rằng: '(Thế mới biết) nhân tài không chỗ nào là không có'...Ông lại cùng làm thơ với sứ Triều Tiên là Lý Toái Quang. Ông cầm bút viết xong ngay được, (khiến) Toại Quang rất phục tài.... Trở về nước, chúa Trịnh Tùng rất kính trọng, gọi ông là "Phùng tiên sinh" mà không gọi tên, và người trong nước đều gọi ông là Trạng nguyên, vì kính mến tài năng của ông...Ông là người cương quyết, sáng suốt, có tài, cái gì cũng biết được chỗ cốt yếu. Văn chương ông thanh nhã, dồi dào, có các tập truyền ở đời .
Việc đáng kể nữa, đó là trong thời gian ở Trung Quốc, Phùng Khắc Khoan đã học bằng cách nhập tâm cách dệt the lượt mỏng , cách trồng ngô (bắp), vừng (mè). Về nước, ông truyền dạy lại cho dân, vì vậy mà được tôn làm ông tổ các nghề ấy. Ngoài ra, ông còn đem về được một số giống lúa tốt, mang lại lợi ích cho dân...
Về phương diện văn học, nhìn chung thơ văn Phùng Khắc Khoan là tiếng nói chân thành của một trí thức dân tộc có tâm huyết, có tấm lòng yêu nước thương đời. Tuy sống trong thời buổi suy vi, nhưng vẫn tin tưởng ở tương lai xán lạn của đất nước, vẫn tin tưởng sức người có thể đổi loạn thành trị, cứu nguy thành an...Thơ chữ Nôm của ông giản dị, giàu phong vị, có tác dụng đẩy mạnh sự phát triển của thơ Nôm Việt Nam. Thơ chữ Hán của ông cũng có phong thái hồn hậu, mực thước, được Phan Huy Chú khen ngợi (như trên)...
Ghi nhận công đức của Phùng Khắc Khoan, người dân Phùng Xá đã lập đền thờ ông làm Thành hoàng; ở thành phố Hà Nội có phố Phùng Khắc Khoan, và ở quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh có đường Phùng Khắc Khoan. ( https://vi.wikipedia.org ).

Sắc phong cụ Trạng Bùng.
 ( Nhà giáo Phùng Khắc Đồng )

  Ở nhà thờ Phùng Công, những thư tịch treo công khai hiện có 8 đôi câu đối gỗ, 7 bức hoành phi đại tự, 1 bài thơ thất ngôn khắc trên gỗ của chi huyện Nguyễn Đình Thành năm Thành Thái Giáp Ngọ (1894). Ngoài ra ở cột xây nhà bái đường, cột nào cũng đắp trổ câu đối. Những câu đối, đại tự này, sách báo khảo cứu về Cụ đã nêu rải rác. Ở đây, chúng tôi xin cung cấp những thư tịch mà chúng tôi đã biết.
* 3 quyển nói về cụ, đó là:
- Phùng Tướng Công thi tập.
- Sứ hoa thi tập.
- Đào Nguyên hành diệc viết lâm tuyền vãn.
(trong đó có Ký lục tiên tổ sự tích)
Những thư tịch này, theo chúng tôi cũng chỉ là những bản sao. Còn bản chính ở đâu, có ở Viện Hán Nôm, ở thư viện Quốc gia không? Mà các sách khảo cứu về Cụ, các tác giả đều nói là đọc ở đây, ở đó, ký hiệu nọ kia, chúng tôi chưa biết.
* Tháng 11 năm 1993 đọc cuốn: “Phùng Lĩnh Hầu, thế hệ khoa hoạn phả” (Nói về thế hệ khoa hoạn của Vũ Đình Dung).
* Ngày tháng 02 năm 1996 (12/ Ất Hợi) đọc 12 sắc phong nguyên bản gốc các triều Lê - Nguyễn.
* Ngày tháng 10  năm 1997 (9/ Đinh Sửu) đọc và khảo về cuốn “Bản thôn văn chỉ chủ bi”.
* Ngoài một số tư liệu khác như “Tứ phường khoán ước”… mà chúng tôi đã biết, liệu có còn gì nữa không?
Trong số các thư tịch trên:
- 3 cuốn nói về Phùng Công thì đã sao chép, trích dẫn nhiều ở các sách khảo cứu về cụ rồi.
- Cuốn “Phùng Lĩnh Hầu thế hệ khoa hoạn phả” sẽ có một tư liệu riêng, nói ở phần Vũ Tướng Công.
- Cuốn “Bản thôn Văn chỉ chủ bi” gồm 10 mục đã nói ở chương bốn.
- Riêng phần 12 sắc phong hiện cất giữ cẩn thận vì đây là cái cốt lõi của di tích, là bản nguyên gốc còn lại ở nhà thờ. Tôi xin giới thiệu như sau:
Thời Lê có:
1- Niên hiệu Vĩnh Khánh 2.
     Ngày 10-12 Canh Tuất tức 17-1-1731.
2- Niên hiệu Cảnh Hưng 1.
     Ngày 24-7 Canh Thân tức 14-8-1740.
3- Niên hiệu Cảnh Hưng 28.
     Ngày 8-8 Đinh Hợi tức 30-9-1767.
4- Niên hiệu Cảnh Hưng 44.
     Ngày 16-5 Quý Mão tức 15-6-1783.
Thời Nguyễn có:
1- Minh Mệnh 2. Ngày 21-7 Tân Tị tức 18-8-1821.
2- Thiệu Trị 4. Ngày 11-7 Giáp Thìn tức 24-8-1844.
3- Thiệu Trị 4. Ngày 12-8 Giáp Thìn tức 23-9-1844.
4- Tự Đức 3. Ngày 20-11 Canh Tuất tức 23-12-1850.
5- Tự Đức 33. Ngày 24-11 Canh Thìn tức 25-12-1880.
6- Đồng Khánh 2. Ngày 1-7 Đinh Hợi tức 19-8-1887.
7- Duy Tân 3. Ngày 11-8 Kỷ Dậu tức 25-9-1909.
8- Khải Định 9. Ngày 25-7 Giáp Tí tức 25-8-1924.
Việc dịch thuật những sắc phong này rất khó khăn vì trình độ vô cùng hạn chế. Các sắc phong này đều là những Mỹ Tự, ý tứ vô cùng khái quát, sâu xa, rộng lớn. Do đó xin phép cứ để nguyên chữ, mong bạn đọc lượng thứ và chỉ giáo.
Sau đây xin phiên âm, lược dịch đại ý từng đạo sắc hiện còn lưu giữ ở nhà thờ Trạng Bùng.
 1- Sắc Vĩnh Khánh 2 (10-12 Canh Tuất tức 17-1-1731)
Phiên âm: Sắc tặng thượng thư Thái tể Mai Quận Công: Minh tín cương nghị, chính trực, Trầm cơ, Thâm lược, hoằng thánh phấn phát, hùng đoán, khuông quốc, phù vận, hoành hựu, vĩ tích, đại vương. Lương đống hoành tài, đẩu khai tú khí, đại dục nhật bổ thiên chi thủ đoàn tính kiêm tương trịch sao kim triều ngọc chi văn chương danh lưu hoa cổn hữu mỹ hữu quang kim nhật bao phong thái cử cựu chương vi sung nhân quan thụ thiên truyền kim. Tự vương tiến phong đại vi hữu đăng trật ủng nhất thể gia phong, khả gia phong tặng thượng thư Thái tể Mai Quận Công: Minh tín cương nghị chính trực trầm cơ thâm lược Hoằng Thánh phấn phát hùng đoán khuông quốc phù vận hoành hưu vĩ tích vĩ quốc mưu vương cao huân hùng lược kình thiên bổng nhật cố sắc.
Vĩnh Khánh nhị niên thập nhị nguyệt sơ thập nhất.
Lược dịch: Sắc tặng phong thượng thư Thái tể Mai Quận Công là: Minh tín cương nghị chính trực trầm cơ thâm lược hoằng thánh phấn phát hùng đoán khuông quốc phù vận hoành hưu vĩ tích đại vương. Nay vẫn thấy đại vương là bậc tài cao lương đống khí thiêng đúc kết việc làm của người vẫn còn mãi với trời đất tháng năm, đến nay vẫn thấy văn chương của người như châu như ngọc, lưu danh muôn thủa tất cả còn truyền đến nay. Do đó trẫm thấy phải làm lễ tiến phong cho vị thượng thư Thái tể Mai Quận Công cho sáng với trời đất. Nay lại phong thêm: Minh tín, Cương nghị, Chính trực, Trầm cơ, Thâm lược, Hoằng thánh phấn phát hùng đoán khuông quốc phù vận hoành hưu vĩ tích (24 chữ) nay thêm: Vĩ quốc mưu vương cao huân hùng lược kình thiên bổng nhật (36 chữ tất cả) nay phong:
Năm Vĩnh Khánh thứ 2, ngày 10 tháng 12 năm Canh Tuất (Tức 17-1-1731 đời vua Lê Duy Phường).
Chú thích: Cứ như nội dung sắc này nói: Trước đã có sắc phong tặng cho Phùng Công rồi (24 mỹ từ). Nay thừa nhận như thế và phong thêm 12 chữ nữa. Như thế nghĩa là trước sắc này, phải có ít nhất 1 sắc nữa, tiếc rằng hiện nay chỉ có đạo sắc này là sớm nhất. Hai nữa cũng vẫn là thời Lê - Trịnh mà tận năm này (1730) sau khi cụ Phùng mất 117 năm mới có sắc phong ư? Cho nên chúng tôi cho là phải có một, hai đạo sắc, trước đạo sắc này mới phải.
 2- Sắc Cảnh Hưng 1 (ngày 24-7 Canh Thân tức 14-8-1740)
Phiên âm: Sắc tặng thượng thư Thái tể Mai Quận Công: Minh tín cương nghị chính trực trầm cơ thâm lược Hoằng Thánh phấn phát hùng đoán khuông quốc phù vận hoành hưu vĩ tích vĩ quốc mưu vương cao huân hùng lược kình thiên bổng nhật (36 chữ) đại vương; Dục sơn xuyên vọng long thai đẩu tâm thuật diệu cán tuyền thiên địa đại hồi lan chi hạ chi công văn từ phù tê nhuệ phong mang tráng hoạt mã sinh sà chi thế mỹ canh hữu mỹ vĩnh diên kim nhật bao phong tái cử cựu tương, vi tự vương kiến phong vương vị lân cư chính phủ tôn phù tôn xã củng cố hồng đồ lê hữu đăng trật ủng gia phong, khả gia phong tặng Thượng thư Thái tể Mai Quận Công: Minh tín cương nghị chính trực trầm cơ thâm lược hoằng thánh phấn phát hùng đoán khuông quốc phù vận hoành hưu vĩ tích vĩ quốc mưu vương cao huân hùng lược kình thiên bổng nhật (thêm) Thức thời đạt biến anh mẫn Đại vương cố sắc.
Cảnh Hưng nguyên niên thất nguyệt nhị thập tứ nhật.
Lược dịch: Sắc phong vị thượng thư Thái tể Mai Quận Công là đại vương 36 chữ: cương nghị chính trực trầm cơ thâm lược hoằng thánh phấn phát hùng đoán khuông quốc phù vận hoành hưu vĩ tích vĩ quốc Mưu vương cao huân hùng lược kình thiên bổng nhật. Nay vẫn thấy Phùng Công quả là người có tinh thần ý chí thấm nhuần sông núi, sáng rọi muôn nơi, vẻ đẹp ngày càng bền vững. Nay Trẫm vừa lên kế vị, để được vững vàng ngôi báu, xã tắc yên vui nên làm lễ phong tặng vị Thượng thư Thái tể Mai Quận Công Minh tín cương nghị chính trực trầm cơ thâm lược Hoằng Thánh phấn phát hùng đoán khuông quốc phù vận hoành hưu vĩ tích vĩ quốc mưu vương cao huân hùng lược kình thiên bổng nhật. Lại phong thêm: Thức thời đạt biến anh mẫn đại vương (6 chữ nữa). Nay phong.
Năm Cảnh Hưng đầu tiên ngày 24 tháng 7 (24-7 Canh Thân tức 14-8-1740).
Chú thích: Sắc này của vua Lê Hiển Tông năm đầu (niên hiệu Cảnh Hưng nguyên niên). Thừa nhận sắc của vua Lê Duy Phường (niên hiệu Vĩnh Khánh 2) phong Phùng công là đại vương 36 chữ đẹp và phong thêm 6 chữ nữa là đại vương 42 chữ đẹp.
 3- Sắc Cảnh Hưng 28 (8-8) Đinh Hợi tức 30-9-1767
Phiên âm: Sắc tứ Canh Thìn khoa, đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân. Đặc tiến kim tử Vinh Lộc đại phu Đông các học sĩ kiêm Quốc Tử Giám tế tửu, vinh phong Trung nghĩa nội luỹ, kiệt tiết tuyên lực công thần hộ bộ thượng thư, tặng thái tể Mai Quận Công Phùng Khắc Khoan tứ thuỵ nghị trai tiên sinh, gia phong: Minh tín… anh mẫn Đại vương (42 chữ) khoa giáp huân khôi, tài danh gian thế, quyết sách tán thành sự nghiệp, Trung Hưng huân lặc, đình huy hào áp đảo trung châu thượng quốc, vọng long sơn đẩu, anh khí trường lưu, thái nhạc bao phong hạp bôn long phượng, vi tự vương kiến phong vương vị lâm vương chính phủ tôn phù tôn xã củng cố hồng đồ lễ hữu đăng trật ưng gia phong mỹ tự tam tự, khả gia phong: tứ Canh Thìn khoa, đệ nhị Giáp Tiến sĩ xuất thân, đặc tiến kim tử Vĩnh Lộc đại phu, Đông các học sĩ, kiêm Quốc Tử Giám tế tửu, vinh phong Trung nghĩa nội luỹ kiệt tiết tuyên lực công thần hộ bộ thượng thư tặng Thái tể Mai Quận Công Phùng Khắc Khoan tứ thuỵ Nghị Trai tiên sinh, gia phong: Minh tín cương nghị chính trực trầm cơ thâm lược hoằng thánh phấn phát hùng đoán khuông quốc phù vận hoành hưu vĩ tích vĩ quốc mưu vương cao huân hùng lược kình thiên bổng nhật thức thời đạt biến anh mẫn (thêm) Đoan túc trung ý trung võ Đại vương, cố sắc.
Cảnh Hưng nhị thập bát niên bát nguyệt sơ bát nhật.
Lược dịch: Ban sắc cho vị Đệ nhị giáp tiến sĩ khoa Canh Thìn, kim tử Vinh Lộc đại phu. Đông các học sĩ kiêm hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám, được phong trung nghĩa nội luỹ kiệt tiết tuyên lực công thần, thượng thư bộ hộ, tặng Thái tể Mai Quận Công Phùng Khắc Khoan tên thơm là Nghị Trai tiên sinh, đã từng được phong Đại vương (42 chữ) thật đúng là bậc khoa giáp huân khôi, tài danh để đời, quyết đoán để thành nghiệp lớn, dựng nghiệp trung hưng, tài ba khôn khéo dùng khí phách hào hùng để áp đảo nước lớn, công lao to tát, dể mãi cho đời. Vậy trẫm làm lễ phong tặng mỹ từ cho các vương hầu. Nay phong tặng vị đệ nhị giáp tiến sĩ khoa Canh Thìn, kim tử Vinh Lộc đại phu Đông các học sĩ kiêm Quốc Tử Giám tế tửu được tôn vinh Trung nghĩa nội luỹ kiệt tiết tuyên lực công thần hộ bộ thượng thư tặng Thái tể Mai Quận Công Phùng Khắc Khoan tên thơm Nghị Trai tiên sinh là: Minh tín cương nghị chính trực trầm cơ thâm lược hoằng thánh phấn phát hùng đoán khuông quốc phù vận hoành hưu vĩ tích vĩ quốc mưu vương cao huân hùng lược kình thiên bổng nhật thức thời đạt biến anh mẫn (thêm) đoan túc trung ý trung võ Đại vương. Nay phong.
Năm Cảnh Hưng thứ 28 ngày 8 tháng 8. (Ngày 8-8 Đinh Hợi tức 30-9-1767).
Chú thích: Sắc Cảnh Hưng 28 này của vua Lê Hiển Tông thừa nhận lại sắc Cảnh Hưng 1 trước đây, phong cho Phùng Công là đại vương 42 chữ đẹp. Nay ca ngợi thêm cụ Phùng là khoa giáp huân khôi, áp đảo nước lớn… nên lại phong thêm 6 chữ nữa. Đoan túc, trung ý, trung võ đại vương như thế cụ Phùng được phong Đại vương 48 chữ đẹp.
 4- Sắc Cảnh Hưng 44 (16 tháng 5 Quý Mão tức 15-6-1783)
Phiên âm: Sắc tứ Canh Thìn khoa đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, đặc tiến kim tử Vinh Lộc đại phu Đông các học sĩ kiêm Quốc Tử Giám tế tửu vinh phong trung nghĩa nội luỹ kiệt tiết tuyên lực công thần hộ bộ thượng thư thái tể Mai Quận Công Phùng Khắc Khoan tứ thuỵ Nghị Trai tiên sinh, gia phong: Minh tín cương nghị chính trực trầm cơ thâm lược hoằng thánh phấn phát hùng đoán khuông quốc phù vận hoành hưu vĩ tích vĩ quốc mưu vương cao huân hùng lược kình thiên bổng nhật thức thời đạt biến anh mẫn (thêm) đoan túc trung ý trung võ Đại vương. Khoa giáp huân khôi, tài danh gian thế, quyết tán thành đại nghiệp Trung Hưng huân lặc đình huy hào áp đảo trung châu thượng quốc, vọng long sơn đẩu, anh khí trường lưu thái nhạc bao phong họp bôn long phượng. Tự vương kiến phong vương vị lâm vương chính phủ tôn phù lễ hữu đăng trật tự ủng hộ gia phong mỹ tự tam tự khả gia phong: Tứ Canh Thìn khoa đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, đặc tiến kim tử Vinh Lộc đại phu Đông các học sĩ kiêm Quốc Tử Giám tế tửu, vinh phong trung nghĩa nội luỹ kiệt tiết tuyên lực công thần hộ bộ thượng thư tặng Thái tể Mai Quận Công Phùng Khắc Khoan tứ thuỵ Nghị Trai tiên sinh, gia phong: Minh tín cương nghị chính trực trầm cơ thâm lược hoằng thánh phấn phát hùng đoán khuông quốc phù vận hoành hưu vĩ tích vĩ quốc mưu vương cao huân hùng lược kình thiên bổng nhật thức thời đạt biến anh mẫn đoan túc trung ý trung võ (thêm) Bác văn Hoành lược ý đức đại vương, cố sắc.
Cảnh Hưng tứ thập tứ niên ngũ nguyệt thập lục nhật.
Lược dịch: Ban sắc cho vị Đệ nhị giáp tiến sĩ khoa Canh Thìn, kim tử Vinh Lộc đại phu. Đông các học sĩ kiêm hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám, được phong trung nghĩa nội luỹ kiệt tiết tuyên lực công thần, thượng thư bộ hộ, tặng Thái tể Mai Quận Công Phùng Khắc Khoan tên thơm là Nghị Trai tiên sinh, đã từng được phong Đại vương (42 chữ) thật đúng là bậc khoa giáp huân khôi, tài danh để đời, quyết đoán để thành nghiệp lớn, dựng nghiệp trung hưng, tài ba khôn khéo dùng khí phách hào hùng để áp đảo nước lớn, công lao to tát, dể mãi cho đời. Nay trẫm được vững vàng ngôi báu, xã tắc yên vui là nhờ tất cả. Vậy trẫm phong cho các vương vị mỹ tự 3 chữ. Nay phong vị đệ nhị giáp tiến sĩ khoa Canh Thìn, kim tử Vinh Lộc đại phu đông các học sĩ kiêm hiệu trưởng Quốc Tử Giám được tôn vinh: Trung nghĩa nội luỹ kiệt tiết tuyên lực công thần thượng thư hộ bộ Thái tể Mai Quận Công Phùng Khắc Khoan tên thơm Nghị Trai tiên sinh là: Minh tín cương nghị chính trực trầm cơ thâm lược hoằng thánh phấn phát hùng đoán khuông quốc phù vận hoành hưu vĩ tích vĩ quốc mưu vương cao huân hùng lược kình thiên bổng nhật thức thời đạt biến anh mẫn đoan túc trung ý trung võ (thêm) Bác văn hoành lược ý đức đại vương. Nay phong.
Năm Cảnh Hưng thứ 44  ngày 16 tháng 5 (Ngày 16 tháng 5 năm Quý Mão tức 15-6-1783)
Chú thích: Sắc Cảnh Hưng 44 này cũng của vua Lê Hiển Tông thừa nhận sắc trước Cảnh Hưng 28 đã phong cho Phùng Công là đại vương 48 chữ. Trải qua 16 năm, lại ca ngợi công lao sự nghiệp Phùng Công và Phong sắc tặng Vương vị là đại vương thêm 6 chữ nữa: Bác văn Hoành lược ý đức. Như vậy Phùng Công được là đại vương 54 chữ đẹp.
Đến đây cũng là hết sắc thời Lê - Trịnh, và từ năm 1802 là triều Nguyễn. Ở triều Nguyễn, Phùng tướng công vẫn tiếp tục được phong tặng. Dưới đây là các sắc phong thời Nguyễn.
5- Sắc Minh Mệnh 2 ngày 21-7 Tân Tỵ (18-8-1821)
Phiên âm: Sắc Lê triều Canh Thìn đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, hộ bộ Thượng thư Thái tể Mai Quận Công thuỵ Nghị Trai tiên sinh, hộ quốc tí dân nẫm trước công đức kinh hữu lịch triều phong tặng, phụng ngã thế tổ Cao hoàng đế đại trấn anh uy khai thác cương thổ tứ kim phi ứng cảnh mệnh quang thiệu hồng đồ miến niệm thần hưu hạp ân long điển khả gia tặng trực tiết chiêu nghĩa trung đẳng thần. Chuẩn hứa Thạch Thất huyện Phùng Xá xã Phùng thôn y cựu phụng sự thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân cố sắc.
Minh Mệnh nhị niên thất nguyệt nhị thập nhất nhật.
Lược dịch: Sắc phong vị đệ nhị giáp tiến sĩ khoa Canh Thìn Thượng thư bộ hộ, Thái tể Mai Quận công tên thơm Nghị Trai tiên sinh để là người trị nước giúp dân, công đức trải qua các triều đều phong tặng cả. Trẫm được thế này là nhờ công đức của thế tổ cao hoàng đế (Gia Long) có tinh thần và sức mạnh thu phục bờ cõi xây dựng non sông lại cũng do thần thánh phù hộ để tạ ơn thần thánh và thế tổ, Trẫm phong tặng người là Trực Tiết - chiêu nghĩa hạng trung đẳng thần. Vậy chuẩn cho huyện Thạch Thất xã Phùng Xá làng Phùng Thôn cứ theo lệ cũ mà phụng sự để nước thịnh dân yên. Nay tặng.
Năm Minh Mệnh thứ hai ngày 21 tháng 7. (Ngày 21 tháng 7 năm Tân Tị tức 18-8-1821)
Chú thích: Đây là sắc của triều Nguyễn, đều thừa nhận công lao đức độ của Phùng Công triều Nguyễn phong Phùng Công là Phúc Thần. Vua Minh Mệnh xếp vào hạng trung đẳng thần.
 6- Sắc Triệu Trị 4 ngày 11 tháng 7 Giáp Thìn (24-8-1844)
Phiên âm: Sắc trực tiết chiêu nghĩa Lê triều Canh Thìn khoa đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân hộ bộ Thượng thư Thái tể Mai Quận Công phủ Quân Thuỵ Nghị Trai tiên sinh trung đẳng thần hộ quốc tí dân nẫm trước linh ứng, tiết mông ban cấp tặng sắc chuẩn hứa phụng sự Minh Mệnh nhị thập nhất niên tri ngã trực Thánh tổ nhân Hoàng đế ngũ tuấn đại khánh tiết khâm phụng bảo chiếu đàm ân lễ long đăng trật tứ kim phi ủng cảnh mệnh miến niệm thần hưu khả gia tặng trực tiết chiêu nghĩa hiệp cung. Trung đẳng thần. Nhưng chuẩn hứa Thạch Thất huyện Phùng Xá xã Phùng thôn y cựu phụng sự thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân - khâm tai.
Thiệu Trị tứ niên thất nguyệt thập nhất nhật.
Lược dịch: Ban sắc vị trực tiết chiêu nghĩa, nhị giáp tiến sĩ khoa Canh Thìn triều Lê, Thượng thư bộ hộ, Thái Tể Mai Phủ quân, tên thơm là Nghị Trai tiên sinh bậc trung đẳng thần để giúp nước đỡ dân thấy linh ứng. Nay theo lời của Đức thánh tổ năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) nhân thọ 50 tuổi hạ chiếu phong tặng các hạng trật của thánh thần. Nay phong tặng người là: Trực tiết - Chiêu nghĩa - (thêm) Hiệp cung trung đẳng thần. Chuẩn cho huyện Thạch Thất xã Phùng Xá làng Phùng thôn cứ theo lệ cổ mà phụng sự để nước thịnh dân yên. Tuân chỉ.
Năm Thiệu Trị thứ 4 ngày 11 tháng 7 (Ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn tức 24-8-1844)
Ghi chú: Đây là sắc của Thiệu Trị làm theo chiếu chỉ của vua cha Minh Mệnh thứ 21 (1840). Vì Minh Mệnh chết vào cuối năm này (28 tháng Chạp năm Canh Tí tức 20-1-1841) gần 4 năm sau, Thiệu Trị thực hiện di huấn của vua cha, phong cho Phùng Công sắc này. Vì thế, 1 tháng sau lại có 1 đạo sắc của Thiệu Trị nữa như sau:
 7- Sắc Thiệu Trị 4 ngày 12-8 Giáp Thìn (23-9-1844)
Phiên âm: Sắc Trực tiết chiêu nghĩa hiệp cung - Lê triều Canh Thìn khoa đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân. Hộ bộ Thượng thư Mai Phủ Quân, thuỵ Nghị Trai tiên sinh - Trung đẳng thần, hộ quốc tí dân nẫm trước linh ứng tiết mông ban cấp tặng sắc chuẩn hứa phụng sự tứ kim phi ủng cảnh mệnh miến niệm thần hưu, khả gia tặng: Trực tiết - chiêu nghĩa hiệp cung - (thêm) đoan  lượng trung đẳng thần.
Nhưng chuẩn hứa Thạch Thất huyện Phùng Xá xã Phùng thôn y cựu phụng sự thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân - khâm tai.
Thiệu Trị tứ niên bát nguyệt thập nhị nhất.
Lược dịch: Ban tặng sắc vị trực tiết chiêu nghĩa hiệp cung đệ nhị giáp tiến sĩ khoa Canh Thìn (1580) triều Lê, Thượng thư bộ hộ, Mai Quận Công, tên thơm là Nghị Trai tiên sinh là trung đẳng thần để giúp nước đỡ dân, rất linh ứng từ khi có sắc phong. Nay trẫm nhớ đến lại ban sắc phong thêm: Trực tiết - Chiêu nghĩa - Hiệp cung (thêm) đoan lượng trung đẳng thần. Chuẩn cho huyện Thạch Thất xã Phùng Xá làng Phùng thôn cứ theo lệ cổ mà phụng sự để nước thịnh dân yên. Tuân chỉ.
Năm Thiệu Trị thứ tư ngày 12 tháng 8. (Ngày 12 tháng 8 Giáp Thìn tức 23-9-1844)
Ghi chú: Đây cũng là một đạo sắc của Thiệu Trị, cách cái trước vừa đúng 1 tháng. Rõ ràng: Đạo sắc trước tuy của Thiệu Trị nhưng là làm theo di huấn của vua cha Thái tổ Minh Mệnh năm thứ 21. Do Minh Mệnh thọ 50 tuổi có chủ trương ấy, nhưng cuối năm lại qua đời nên Thiệu Trị 3 năm sau phải làm. Còn đạo này mới là chủ trương của Thiệu Trị. Có như thế, mới giải thích được tại sao năm Giáp Thìn 1844 này lại có 2 đạo sắc của Thiệu Trị.
 8- Sắc Tự Đức 3 ngày 20-11 Canh Tuất (23-12-1850)
Phiên âm: Sắc Lê triều Canh Thìn khoa đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân. Hộ bộ thượng thư - Thái tể Mai phủ quân, thuỵ Nghị Trai tiên sinh, nguyên tăng: Trực tiết chiêu nghĩa hiệp cung đoan lượng Trung đẳng thần - Hộ quốc tí dân nẫm trước linh ứng tiết mông ban cấp tăng sức chuẩn hứa phụng sự tứ kim phi ủng cảnh mệnh miến niệm thần hưu khả gia tăng: Trực tiết - chiêu nghĩa - hiệp cung đoan lượng (thêm) Quang ý trung đẳng thần. Nhưng chuẩn hứa Thạch Thất huyện Phùng Xá xã Phùng thôn y cựu phụng sự thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân - khâm tai.
Tự Đức tam niên thập nhất nguyệt nhị thập nhật.
Lược dịch: Sắc tặng phong vị: Đệ nhị giáp tiến sĩ khoa Canh Thìn triều Lê - Thượng thư bộ hộ Thái tể - Mai phủ quân tên thơm Nghị Trai tiên sinh đã được là: Trực tiết - Chiêu nghĩa - Hiệp cung - đoan lượng trung đẳng thần để giúp nước yên dân rất linh ứng từ ngày được phong. Nay trẫm thấy rõ thần, nhớ công lao nên lại phong tặng:  : Trực tiết - Chiêu nghĩa - Hiệp cung - đoan lượng (thêm) Quang ý Trung đẳng thần. Vậy chuẩn cho huyện Thạch Thất xã Phùng Xá làng Phùng thôn cứ theo lệ cổ mà phụng sự để nước thịnh dân yên. Tuân chỉ.
Năm Tự Đức thứ 3 ngày 20 tháng 11. (Ngày 20 tháng 11 năm Canh Tuất tức 23-12-1850)
Chú thích: Sắc này của Tự Đức năm thứ 3 triều Nguyễn cũng thừa nhận chức tước của thời Lê và các đời vua cha trước phong cho Phùng Công. Nay phong thêm 2 chữ nữa là Quang ý và là trung đẳng thần. Như vậy đến đây triều Nguyễn đã phong Phùng Tướng Công là  Phúc thần 10 chữ.
 9- Sắc Tự Đức 33 (24-11 năm Canh Thìn tức 25-12-1880)
Phiên âm: Sắc chỉ Sơn Tây tỉnh Thạch Thất huyện Phùng Xá xã Phùng thôn tòng tiền phụng sự trực tiết chiêu nghĩa hiệp cung đoan lượng quang ý Lê triều Canh Thìn khoa đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân hộ bộ Thượng thư Thái tể Mai Phủ Quân thuỵ Nghị Trai tiên sinh Trung đẳng thần bảo an chính trực hựu thiên đôn ngưng thành hoàng chi thần tiết kinh ban cấp sắc phong chuẩn kỳ phụng sự Tự Đức tam thập nhất niên chính trị, trẫm ngũ tuần đại khánh tiết, ban ân bảo chiếu đàm ân lễ long đăng trật. Đặc chuẩn hứa y cựu phụng sự dụng trí quốc khánh nhi thân tư điển. Khâm tai.
Tự Đức tam thập niên thập nhất nguyệt nhị thập tứ nhật.
Dịch lược: Sắc cho làng Phùng thôn xã Phùng Xá huyện Thạch Thất tỉnh Sơn Tây từ trước đã tôn thờ vị: Trực tiết chiêu nghĩa hiệp cung đoan lượng quang ý – thời Lê, đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ, Thượng thư bộ hộ Thái tể Mai Phủ Quân, thuỵ là Nghị Trai tiên sinh được là Trung đẳng thần; Chính là thành hoàng Bảo an chính trực hựu thiên đôn ngưng nhân dịp trẫm, năm Tự Đức 31 (Mậu Dần 1878) thọ 50 tuổi ban chiếu phong tặng các hạng trật. Vậy chuẩn cho làng xã huyện tỉnh trên cứ theo lệ cũ mà phụng sự để nhớ mừng ngày lễ của nước nhà. Tuân chỉ.
Năm Tự Đức 33 ngày 24 tháng 11. (Ngày 24 tháng 11 Canh Thìn tức 25-12-1880)
 10- Sắc Đồng Khánh 2 (ngày 1-7 Đinh Hợi tức 19-8-1887)
Phiên âm: Sắc trực tiết chiêu nghĩa hiệp cung đoan lượng quang ý, Lê triều Canh Thìn khoa, Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, hộ bộ thượng thư Thái tể Mai Phủ Quân thuỵ Nghị Trai tiên sinh Trung đẳng Bảo an Chính trực Hựu thiên Đôn ngưng thành hoàng chi thần.
Hướng lai hộ quốc tí dân nẫm trước linh ứng, tiết mông ban cấp tặng sắc lưu tự tứ kim phi ủng cảnh mệnh miến niệm thần hưu khả giả tặng Dực Bảo Trung Hưng các đẳng thần.
Nhưng chuẩn hứa Sơn Tây tỉnh Thạch Thất huyện Phùng Xá xã Phùng thôn y cựu phụng sự thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân - khâm tai.
Đồng Khánh nhị niên thất nguyệt sơn nhất nhật.
Lược dịch: Ban sắc cho vị trực tiết chiêu nghĩa hiệp cung đoan lượng quang ý, thời Lê đỗ Nhị giáp tiến sĩ, Thượng thư bộ hộ phong Thái tể Mai Phủ Quân, thuỵ là Nghị Trai tiên sinh hạng trung đẳng thần - bảo an chính trực hựu thiên đôn ngưng thành hoàng, đến nay trị quốc giúp dân thấy rất linh ứng nên lại tặng sắc thờ để luôn ghi nhớ. Lại tặng thêm Dực bảo - Trung Hưng thần.
Chuẩn cho huyện Thạch Thất xã Phùng Xá làng Phùng thôn cứ theo lệ cổ mà phụng sự để nước thịnh dân yên. Tuân chỉ.
Năm Đồng Khánh 2 ngày 1 tháng 7. (Ngày 1 tháng 7 năm Đinh Hợi tức 19-8-1887)
 11- Sắc Duy Tân 3 (ngày 11 tháng 8 năm Kỷ Dậu tức 25-9-1909)
Phiên âm: Sắc chỉ Sơn Tây tỉnh Thạch Thất huyện Phùng Xá xã Phùng thôn tòng tiền phụng sự: trực tiết chiêu nghĩa hiệp cung đoan lượng quang ý dực bảo trung hưng Lê triều Canh Thìn khoa đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân hộ bộ Thượng thư Thái tể Mai Phủ Quân thuỵ Nghị Trai tiên sinh Trung đẳng thần bảo an chính trực hựu thiên đôn ngưng dực bảo trung hưng thành hoàng chi thần. Tiết kinh ban cấp sắc phong chuẩn kỳ phụng sự, Duy Tân nguyên niên tấn quang đại lễ kinh bang bảo chiếu đàm lễ long đăng trật. Đặc chuẩn y cựu phụng sự dụng chí quốc khánh nhi thân tư điển. Khâm tai.
Duy Tân tam niên bát nguyệt thập nhất nhật.
Lược dịch: Sắc cho làng Phùng thôn xã Phùng Xá huyện Thạch Thất tỉnh Sơn Tây từ trước đã tôn thờ vị: Trực tiết chiêu nghĩa hiệp cung đoan lượng quang ý dực bảo ở thời Lê Trung hưng, Nhị giáp tiến sĩ khoa Canh Thìn (1580), Thượng thư bộ hộ Thái tể Mai Phủ Quân, thuỵ là Nghị Trai tiên sinh, nay phong là trung đẳng thần Bảo an chính trực hựu thiên đông ngưng dực bảo Trung hưng thần. Năm đầu Duy Tân lên ngôi, ban chiếu sắc phong cho thần để tiếp tục được phụng sự. Vậy cứ theo lệ cổ mà làm để mừng nhớ ngày lễ lớn của đất nước. Tuân chỉ.
Năm Duy Tân thứ 3 ngày 11 tháng 8. (Ngày 11 tháng 8 năm Kỷ Dậu tức 25-9-1909)
Chú thích: Đây là đạo sắc của Duy Tân năm thứ 3 triều Nguyễn cũng theo nếp cũ. Duy Tân nhắc lại hạng thần và những mỹ tự của các triều trước phong cho Phùng Công. Ngoài ra cũng nói rõ lý do phong sắc này và những mỹ tự của trung đẳng thần, Trung hưng Thành hoàng.
 12- Sắc Khải Định 9 (ngày 25 tháng 7 năm Giáp Tí tức 25-8-1924)
Phiên âm: Sắc chỉ Sơn Tây tỉnh Thạch Thất huyện Phùng Xá xã Phùng thôn tòng tiền phụng sự: trực tiết chiêu nghĩa hiệp cung đoan lượng quang ý dực bảo trung hưng Lê triều Canh Thìn khoa đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân hộ Quốc tí dân nẫm trước linh ứng tiết mông ban cấp sắc phong chuẩn hứa phụng sự, tứ kim chính tư trẫm tứ tuần đại khánh tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân lễ long đăng trật trước gia tặng trác vĩ thượng đẳng thần. Đặc chuẩn phụng sự dụng trí quốc khanh thi nhân tư điển. Khâm tai.
Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật.
Lược dịch: Sắc chỉ cho làng Phùng thôn xã Phùng Xá huyện Thạch Thất tỉnh Sơn Tây trước đây đã phụng sự vị: Trực tiết chiêu nghĩa hiệp cung đoan lượng quang ý dực bảo, Trung Hưng Lê triều, xuất thân tiến sĩ, Thượng thư bộ hộ, Thái tể Mai Phủ Quân, tên thơm là Nghị Trai tiên sinh được ban tặng Trung đẳng thần để giúp nước yên dân rất linh ứng. Nay nhân trẫm thọ 40 tuổi, hạ chiếu phong sắc xếp hạng cho thần để cứ thế mà phụng sự. Vậy tặng phong xếp hạng (Phùng Công) là Trác vĩ thượng đẳng thần. Chuẩn cho quê hương cụ phải phụng sự để nhớ, mừng đại lễ của nước nhà. Tuân chỉ.
Năm Khải Định thứ 9 ngày 25 tháng 7. (Ngày 25 tháng 7 năm Giáp Tí tức 25-8-1924)
Chú thích: Đây là đạo sắc ở triều Nguyễn thời Khải Định. Sắc này Khải Định phong xếp Phùng Công là Thượng đẳng thần.
Cũng ngày tháng năm này (25-8-1924) làng Phùng Xá (Bùng) được 2 sắc phong. Một cho Phùng Tướng Công, một cho Thần hoàng làng ở đình. Cả 2 đạo sắc này vẫn còn nguyên gốc ở 2 nơi.
 Bài viết được lấy trong cuốn sách
"Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan- thân thế- cuộc đời và sự nghiệp"- NXB Hội Nhà văn .
Nhà Thờ Phùng Khắc Khoan.



Đền thờ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan — tại Phùng Xá - Thạch Thất - Hà Nội.
Nhà thờ và lăng mộ Phùng Khắc Khoan ở thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, cách trung tâm TT Hà Nội. Nhà thờ Phùng Khắc Khoan là di tích danh nhân văn hoá có từ lâu đời, đến triều Nguyễn được tu sửa, tôn tạo, theo dòng chữ Hán trên thượng lương cho biết nhà thờ được sửa chữa lớn và làm hoàn thiện vào năm Duy Tân 1 (1907). Ngôi nhà này chính là nơi sinh ra và lớn lên của tiến sĩ Phùng Khắc Khoan, sinh thời cho sửa sang ngôi nhà này thành học đường và đặt tên là Hoàng đạo thư đường.
Kiến trúc ngôi nhà kiểu chữ nhị gồm Bái đường và Hậu từ chính cửa ngoảnh hướng Đông, xung quanh là tường xây bao bọc. Qua khoảng sân rộng là toà Bái đường, còn gọi là Hoàng đạo thư đường, giáp hai đầu hồi tay ngai xây hai cột trụ cao 4m đỉnh đắp khối hình con nghê. Phùng Khắc Khoan đã sáng lập Thư đường vào năm Tân Hợi (1551) vốn là nhà ở cũ của quan Hàn Lâm thị thư họ Nguyễn từ thời nhà Trần.
Hiện nay, ngôi nhà Bái đường có diện tích là 50m2, dàn ngang chữ nhật, chia làm 3 gian có hai đầu dốc hồi còn, để trống cho nên từ ngoài sân có thể nhìn thấy Hậu từ nhà thờ. Hồi tường phía trong bên trái đặt ba tấm bia tấm bia đã gắn vào bệ gạch.
Phía trong là ngôi nhà Hậu từ với diện tích 80m2, hai đầu gối xây bít dốc, vách trước nhà là hàng cửa gỗ bức bàn đóng trơn mộc mạc không trang trí.
Bộ vì đỡ mái kiến trúc kiểu tiền kẻ, hậu bẩy, phía mặt cắt đầu bẩy đều khắc chữ thọ trên má thân, bào soi vỏ măng còn tương đối chắc chắn. Gian giữa Hậu từ xây cuốn vòm để ngai thờ và bức chân dung tiến sĩ Phùng Khăc Khoan và nhiều đồ thờ. Ở chính gian giữa nhà Hậu từ là bức đại tự sơn son thiếp vàng “Trung hưng công thần từ” (Đền thờ vị công thần Trung Hưng). Cổ long ngai thờ cụ Phùng Khắc Khoan phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII.
Nhà thờ bảo lưu nhiều hiện vật giá trị có niên đại từ thế kỷ XVI đến thế lỷ XIX. Ngoài 11 sắc phong từ thời Cảnh Hưng đến thời Thiệu Trị, đáng chú ý là 4 cuốn sách chữ Hán.
Cuốn thứ nhất: là bản sao chưa rõ năm chép, phần đầu Phụ công thi tập, phần sau Sư hoa thi tập tập hợp những bài thơ của Phùng Khắc Khoan.
Cuốn thứ hai: Ký lục tiên tổ sự tích lược chép tiểu sử Phùng Khắc Khoan và bài thơ nôm Đào nguyên hành ( còn có tên khác là Lâm truyền vãn)
Cuốn thứ ba: chép các điều khoản con cháu Phùng Khắc Khoan được miễn lệ.
Cuốn thứ tư: Phùng tướng công phụng Bắc sứ lý (bản sao) ghi sự kiện Phùng Khắc Khoan đi sứ nhà Minh năm 1598.
Nhà thờ còn giữ ba bức tranh lụa truyền thần chân dung Phùng Khắc Khoan, 2 chiếc gậy cắm sừng hươu là kỷ vật của cụ và 3 bia đá bài Học điền bi ký làm năm 1943 nói về truyền thống hiếu học của làng Bùng và liệt kê các thửa ruộng giành cho việc học. Bia Nhị nôm khoán bi, làm năm 1897, chép tục lệ dân hai thôn Phùng Xá và Vĩnh Lộc ra phục dịch các kỳ tiệc ở nhà thờ. Bia Từ đường bi ký làm năm 1928 ghi số ruộng đất của nhà thờ.
Như vậy, nhà thờ này có thể coi là một bảo tàng về danh nhân Phùng Khắc Khoan.
https://www.facebook.com/PhungXa.ThachThat.HaNoi ).

KHU MỘ TRẠNG BÙNG - PHÙNG KHẮC KHOAN.


Phùng Khắc Khoan mất ngày 24 tháng 9 năm Quý Sửu (1613). Mộ đặt cách nhà thờ chừng trên 300m, gần đình làng trông về hướng Đông. Gần khu lăng mộ có hồ nước , giữa có mộc cái điếm 2 tầng mái rất đẹp.



Bên cạnh khu mộ là đình làng khang trang.


 
Xung quanh mộ xây tường bao đá ong cao 1,2m. Phần mộ đặt lộ thiên, phía trước có hai phỗng đá. Đầu mộ xây một bệ thờ đặt hai bia đá ghi tóm tắt công trạng tiến sĩ Phùng Khắc Khoan, khắc thời Tự Đức, năm 1857 và 1858. Mộ nằm theo hướng Tọa Dậu - Hướng Mão - Thuộc cung Chấn hướng Đông với phân kim : Kỷ Dậu - Quý Mão .
Hàng năm dân xã Phùng Xá và các chi hậu duệ họ Phùng tổ chức giỗ Cụ vào ngày 24 tháng 9 âm lịch .Lễ vật dâng lên là cháo đậu, cà muối - những món ăn bình dị, lúc sinh thời ông rất thích
























"Thông tin thêm cho các bạn về nội dung tấm bia mộ bằng chữ Hán viết về danh nhân văn hóa Trạng Bùng ( theo bản dịch của cụ Nguyễn Mạnh Toàn - nguyên cán bộ tuyên giáo của Tỉnh ủy Hà Tây).
Tấm bia này được phát hiện khi thực hiện thi công, tôn tạo lại mộ cụ Trạng Bùng năm Bính Tý ( 1996) cùng với một tấm bia cổ khác có 09 bài thơ bằng chữ Hán của các danh sĩ thời Tự Đức ( 1847 - 1883) với chủ đề chung vịnh mộ cụ Trạng Bùng.
BIA MỘ
Mộ phúc thần Phùng tướng công
Phùng Tướng công thôn Phùng xá huyện Thạch Thất, hiệu là Nghi Trai đỗ Hoàng Giáp niên hiệu Quang Hưng ( 1578 - 1599), quận công thời Trung Hưng được tặng Thái tể và phong làm Phúc Thần. Hành trang của người được chép đầy đủ tròn quốc sử Triều Lê, mộ của người được cất ở xứ Lộng Mai thôn Phùng. Trải mấy năm tinh linh vẫn còn như cũ. Tôi đi qua nhân xuống xe vào thăm và yết mộ, chợt cảm thấy buồn cầm lòng chẳng được trước cảnh én bay, thỏ chạy, rau lúa xào xạc trước ngọn gió xuân, mới cùng là với người đồng lỵ là quan tri huyện họ Vương quyên góp tiền lương đắp lại phần mộ, khi hoàn thành đặt bia ghi việc, ngõ hầu để mọi người qua lại ai cũng ghi nhớ đây là lăng mộ của Tướng công lưu lại về sau mãi mãi. Nay ghi:
Niên hiệu Tự đức thứ 10, thượng tuần tháng chạp năm Đinh Tỵ ( 1857)
. Huấn Đạo Thạch Thất: Hà Đình Bùi Huy Tuyên cẩn trí
. Tri huyện Thạch Thất Dương Đình Vương Chiếu kính nhuận
. Đốc học Sơn Tây Ngạc Đình Nguyễn Hữu tạo trùng nhuận
. Tú tài Chàng thôn Nguyễn Tiệp viết chữ." (     https://www.facebook.com/PhungXa.ThachThat.HaNoi    ).                                                             
ĐỌC THÊM.
TRƯỚC LĂNG CỤ TRẠNG.

… Người có đức để cháu con phúc đức
Chữ nghĩa muôn đời chữ nghĩa của cha ông…
Sinh từ mẹ từ cha
Sinh từ trời từ đất
Rường cột trải mấy triều
Mềm mại, cương cường, bất khuất
Mà nôm na đồng áng Kẻ Bùng.
Ngẩng đầu mây trắng Tản Viên Sơn
Cúi nâng phù sa sông Hồng ứa đỏ
Kẻ Nủa kia, sử xanh kia còn đó
Mộ đá ong giản dị nhường này…
Mấy trăm năm xanh cỏ xanh cây
Mây Kẻ Bùng dường bay dường thanh thản.
Cảm hoá kẻ thù ấm tay bầu bạn
Câu thơ đề xuyên mấy trăm năm
Lời thơ dâng bát ngát trăng rằm
Trung Hoa mênh mông, Trung Hoa thán phục.
Phơ tóc trắng vóc mai mình hạc
Mà mấy nghìn dặm đất nhẹ như không
Mà Quốc thể rạng danh con Lạc cháu Hồng
Dân mấy cõi tụng xưng Quan Trạng…
“Vẻ mặt Người nôm na đồng áng
Ta vẫn gặp đâu đây trong thôn xóm Kẻ Bùng”
Phùng Văn Khai

ĐỌC THÊM : THƠ ĐỀ TRÊN MỘ TRẠNG BÙNG.
Lược trích ra chín bài thơ viết về Cụ Trạng .
( Tự Đức Mậu Ngọ ,tiểu xuân kính khắc đề mộ thi.).

 Bài một:
        Thế duyệt Trung Hưng sổ bách niên
        Tướng công di chủng thảo thiên nhiên
        Thùy gia phiến thạch năng hoài cổ?
        Kỷ cá danh chương khước lạc hiền
        Công nghiệp do lai lưu kiệt các
        Phòng ba hà sự đáo hoang biên?
        Tản viên anh khí giang lưu Tích
        Tín khuất tương thông tạo hóa quyền.
        (Lĩnh thường châu học Chí Đình tiến sĩ Nguyễn Văn Lý cung đề.)
         Dịch nghĩa: tháng 10 năm Mậu Ngọ 1585 thời Tự Đức khắc thơ đề mộ.
         Nhìn lại cuộc Trung Hưng(của nhà Lê) được hàng trăm năm 
 (mà) Tướng Công chỉ để lại nấm mộ cỏ mọc dày
         Tấm bia nhớ việc xưa ai kể đó
     (Khiến) tên tuổi,văn chương ai cũng vui, khen là bậc hiền tài
       Trong lầu các còn lưu giữ,là do có công lớn
        Nơi bên ải sao lại có giông bão kéo đến
       Anh khí của Tản Viên chảy theo dòng sông Tích
       Niềm tin vào sự co ruỗi đổi thay do tạo hóa vẫn có.
Nguyễn Văn Lý: người phường Đông Các,sau đổi là thôn Dũng Thọ,huyện Thọ Xương,tỉnh Hà Nội xưa. Đỗ cử nhân khoa Ất Dậu 1825,đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Thìn 1832 thời Minh Mệnh. Làm án sát sau làm đốc học.  
  Bài hai:
                Cao dương tế mỹ biểu hiên đằng
                Nhạc giáng linh phù đại nhã xưng
                Đặc địa văn chương tiêu nhị giáp
                Kình thiên sự nghiệp xuất Trung Hưng
                Cửu nguyên thần tại sơn hà tráng
                Sổ bách niên lai trở dậu tằng
                Mộ thượng tân bi bằng điếu sứ
                Tòng,kim danh tích cửu di chưng.
                               (  Ất Mùi khoa tiến sĩ Bạch Đông Ôn cung đề.)
     Dịch nghĩa: bốn chữ “cao dương tế mỹ” treo rõ ở bên hiên.
        Thần khí thiêng liêng ở núi xuống,thiên đại nhã nói rõ
        Đất đặc biệt nên văn chương đạt nhị giáp
        Sự nghiệp Trung Hưng là sức chống trời
        Non sông tráng lệ thần hồn cụ còn đây
        Cúng tế mấy trăm năm nay vẫn thế
        Đến thăm mộ,mừng thấy có tấm bia mới
        Danh tích còn tiêu biểu mãi mãi về sau.
       Bạch Đồng Ôn: người xã Lạc Trường huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam. Đỗ cử nhân khoa Giáp Ngọ 1834, đỗ hoàng giáp khoa Ất Mùi 1835 thời Minh Mệnh, làm quan tới chức Lang trung.
Bài ba:
                Trường quỵ song đồng thạch tác hoàn
                Kim nhân bất tự hội nam quan
                Quang Hưng cương giới sinh tân nguyệt
                Thái tể phần du thượng cố san
                Phi hạc mỗi linh hoa biểu quá
                Sứ tinh nghi thị nhật biên hoàn
                Thương thương phiến thạch thùy phong biểu
                Thường xuất thanh vân Khuê đẩu gian
(Hàn lâm học sĩ,tiến sĩ Lê Duy Trung bái đề.)
Dịch nghĩa: hai tượng quỳ ở đây làm việc hầu hạ (chứ) không phải là tượng người vàng đem đến hội khám lễ cống ở ải nam quan.
                Cương giới nước Việt thời Quang Hưng,trăng mới mọc
                Quê quán của Thái tể vẫn ở đây
                     Hạc bay mỗi khi nhìn thấy hoa nở
                Việc sứ ngỡ như ngày về đến biên giới
                Tấm đá xanh xanh kia ai xây dựng
                Ở khoảng mây xanh thường xuất hiện sao Khuê sao đẩu.
Lê Duy Trung: chưa rõ quê quán,có lẽ thuộc dòng họ hoàng tộc(Lê Phùng).
ở phần lạc khoản,bia ở lăng thì viết là “Bái đề”, ở quyển tài liệu lại chép là “cung đề”.
Bài bốn :  
                  Đô thống vô vị tập thị danh
                    Kháng ngôn nhất sớ động Yên Kinh
                    Nhân tài như thử chân bang ngạn .
                    Từ tảo hà nan kiến sứ thành
                    Tang tử thiên niên do huyết thực
                    Vân sơn nhất phiến tự giai thành
                    Vị thi tiên đắc đồng tâm kính
                     Biểu mộ khu khu ngưỡng chỉ tình
   (Nguyên Hưng Yên án sát sứ ,Phương đình Nguyễn Văn Siêu cung đề.)
Dịch nghĩa : ‘đô thống ‘là chức hư danh không hề có ( của vua Lê ) tờ sớ kháng lại làm lay động cả triều đình Yên Kinh ( dám làm thế ) quả là nhân tài chân chính của đất nước ( tuy vậy ) lời nói phải tao nhã ,để vẫn rõ lòng thành của sứ quan ( vì thế ) hàng ngàn năm sau vẫn khói hương phụng thờ .Một tấm bia tỏ lòng cao như mây núi .Có lòng chung kính mộ nên có người thi hành .( Xây dựng mộ cũ ) rõ ràng một khu để cùng ngưỡng mộ càng tâm đắc biết bao -   Nguyễn Văn Siêu ( 1796-1872) tự là tốn ban hiệu là Phương Đình ,người thôn Dũng Thọ ( trước là phường Đông Các ) huyện Thọ Xương ,tỉnh Hà Nội xưa .Đỗ cử nhân khoa Ất Dậu 1825 thứ hai ( hương á ) .Đỗ phó bảng khoa Mậu Tuất 1838 ( Minh Mệnh 19 ) làm quan án sát sứ Hưng Yên .Đi sứ Tàu năm 1849 có tài thơ ( Thần Siêu Thánh Quát ) … tác phẩm có ‘phương đình thi tập’ ‘Phương đình văn tập’ ‘Tùy bút lục’ … Là người xây dựng đài nghiên Tháp Bút ở cửa đền Ngọc Sơn  , bên hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Bài năm :       
          Quang nhạc chung vi xuất thế hiền
                               Tướng công cố mộ thảo thiên nhiên
                               Huân danh thượng ký lưu Nam sử
                               Từ tảo do năng tủng Bắc Yên
                               Kỷ độ tang thương nhân khứ hỹ
                               Thiên thu phần tử miếu nguy nhiên
                               Hồng nê đáo sứ nhân phong yết (1)
                               Vãng sự thùy thương sổ bách niên .
        (Thọ đà dật khẩu tú lĩnh Bùi Duy Tùng cung đề )
 Dịch nghĩa : Ánh sáng núi cao hun đúc ra bậc hiền tài ( mà ) mộ của tướng công nay mọc rậm rạp .Tiếng tăm công lao hiển hách của người ghi trong Nam sử .Lời lẽ của người lay động cả Bắc Kinh . Nhiều lần thay đổi mà tiếng tăm của người vẫn thế .( Từ nay ) phần nghìn năm ở quê càng nguy nga .Cuộc đời có gian khổ mới thấy rõ phẩm giá , chứ lẽ đời có nghĩa gì đâu . Ôi việc qua mấy trăm năm ai cảm thương hay. Thọ hà dạt khẩu tú lĩnh Bùi Huy Tùng : có lẽ là một nhà nho có lòng trắc ẩn với đời nên ở ẩn ở Hà Khẩu Thọ Xương .Cứ nghĩ về dòng lạc khoản này và ý tứ trong bài thơ mà suy ra như thế .Chứ chưa có tư liệu chính xác về tác giả của bài này .( Phùng Khắc Đồng Chú ) .Hồng nê theo cụ Nguyễn Kiến ( chàng sơn ) : là chữ lấy từ thơ Tô Đông Pha đời Tống .  
‘Phù sinh đáo sứ chi hà sự’
 ‘cáp tự phi hồng đạp tuyết nê’
( kiếp phù sinh rút cục giống cái gì ? Y hệt  như dấu chân chim hồng đậu trên tuyết mà thôi ).
Bài sáu :
                         Lô Tản sơn hà vãng cục thâm
                         Phùng Công tố lý cố dư âm
                         Huân danh bách  thế tồn Lê sử
                         Thảo thụ thiên thu uất Khổng lâm
                         Bắc sứ chi thần sinh bất tử
                         Tây nham hạo khí tích nhi kim
                         Trùng tu nghĩ dục tầm di tích
                         Nhất phiến du du hiếu cổ tâm
(  Kinh điên khởi cư rú Thám hoa Hoàng Xuân Hiệp kính đề .)
 Dịch nghĩa :     Khí tượng của núi tản sông lô tụ hội từ xưa thật là sâu xa .
                         Từ nơi làng cũ của Phùng Công ngược dòng thời gian tìm lại dư âm của người .
                       Tiếng thơm và công lớn của cụ còn chép ở sử chiều Lê
                       Ngàn năm sau cây cỏ ở rừng Khổng vẫn xanh tốt
                       Cái thần của các bài thơ đi sứ không bao giờ  tắt
                       Khí thiêng lồng lộng trên đỉnh núi phía tây từ xưa đến nay vẫn thế
                       Việc trùng tu lăng mộ là có ý nhớ về cội nguồn
                       Một tấm lòng ngưỡng mộ người xưa dài mãi không bao giờ tắt.
(1)     khổng lâm : Khu rừng lớn ở huyện Khúc Phụ tỉnh Sơn Đông ( Trung Quốc) trong đó có đền Khổng Tử và học trò của ông .Đây muốn dùng điển này để chi khu lăng mộ của Phùng Tướng Công .
-       Hoàng Xuân Hiệp người thôn Dũng Thọ trước là Phường Đông Các huyện Thọ Xương tỉnh Hà Nội xưa .Đỗ Cử Nhân Khoa Đinh Mùi 1847 ,đỗ Thám Hoa Tân Hợi 1851 thời Tự Đức .Làm quan thị giảng học sĩ ,tạp hiền viện .
-       phần lạc khoản ở ba ghi là: ‘kính đề’ ở quyển sao ‘văn chỉ chủ bi’ chép là ‘cung đề’ .
Bài bảy :
                        Tất mã phi kinh sứ tiết huyền
                        Nam quan kỷ độ khoái minh tiên
                        Kim nhân nhập cận từ vô khuất
                        Ngọc quyết dương hưu bút dục tiên
                        Nhất trích đào nguyên do hữu khúc
                        Thốn tâm Mai Lĩnh mạn thành biên
                        Châu cường chính thiết tiền tu ngưỡng
                         Trân trọng trinh mân thụ lũng thiên
(Bác học hoành tài khoa,cát Sĩ Đông Thọ Trần Huy Tích hậu phủ bái đề .)
 Dịch nghĩa :
        Mấy lần vó ngựa trên đường gai góc đi sứ
        (để ) qua Aỉ Nam quan nêu cao khí tiết .
        Vào yết kiến biện chuyện người vàng lời không chịu khuất
        Rời bệ ngọc ,về nghỉ ngơi làm thơ ( dâng vua Minh ) bút nên khen
        Một lần đi cày soạn nên khúc đào nguyên
        Dãi tấm lòng với non mai ,góp nhặt lại chép thành biên
        Ngưỡng mộ thì hướng về công trình xây dựng của người xưa
        Xin kính trọng ghi đôi lời vào bia đặt ở mộ để chút lòng thành .
      Trần Huy Tích : người ở xã Dũng Thọ ( trước là Phường Đông Các ) huyện Thọ Xương tỉnh Hà Nội xưa .Đỗ Cử Nhân Khoa Canh Tuát 1850: đỗ đồng tiến sĩ khoa bác học hoành tài năm Tân Hợi 1851.làm quan tới chức đốc học.
  Bài tám:
Quang Hưng tiến sĩ Mai Quận Công
Phương tích y thiên Thạch Thất trung
Sứ tiết đài hành di đỉnh lặc
Phần lâm miếu mạo thụ yên lung
Văn lan viễn viễn Lô giang thoát
Anh khí lăng lăng Tản lĩnh tung
Sổ bách niên lai phong vạn tại
Tây trai phiến nguyệt thử tâm đồng.
Lại bộ hành tẩu cử nhân Bùi Huy Côn
                               ( Trọng ngọc bát đề.)
Dịch nghĩa : đỗ tiến sĩ thời Quang Hưng nhà Lê,được phân tước Mai Quận Công.
        Danh tính vẫn còn nguyên vẹn ở huyện Thạch Thất
Khí tiết đi sứ,công việc trong đình vẫn theo đạo di luật
Nay phần mộ,miếu thờ cay cối vẫn có khói lồng
Hơi văn cuồn cuộn như dòng Lô chảy rộng
Khí tiết lâng lâng như núi tản cao vời
Phong vận mấy trăm năm,nay vẫn thế
Mảnh trăng ở tây tri xưa,soi rọi cùng một cõi lòng.
Bùi Huy Côn còn có tên là Bùi Huy Côn quê ở phường Hà Khảu,huyện Thọ Xương,tỉnh Hà Nội xư. Đỗ cử nhân khoa Qúy Mão 1843,làm hành tẩu bộ lại,rồi đi chi huyện.
 Bài chín:
 Nhất phong phôi thổ phiến bi minh
Hạc mộc quy tàn dục hoán binh
Yên bắc kháng ngôn trung khảng khái
Việt Nam thùy tích bút đan thanh
Phương doanh bất đoạn Câu sơn tú
Phần miếu do đằng Tích thủy linh
Mai lĩnh,Đào nguyên hà sứ sở
Bồi hồi thi khúc nguyệt trung thinh.
Thọ hà Bùi Huy Luyện,Bùi Huy Chiêu đồng bái đề.
Dịch nghĩa:
 Một phong đá mộc (đá ong) một tấm bia khắc bài minh
Giấc mộng đã tan muốn gọi cho tỉnh lại
Lời lẽ chống lại yên kinh là ro lòng khảng khái trung thành
Công tích để lại ở Việt Nam là ngòi bút vẽ nên bức tranh đẹp
Phần mộ thơm là tiếc nỗi khí thiêng của núi Câu Lậu
Miếu thờ cũng là phô diễn sự trong sáng như dòng sông Tích
Đào nguyên Mai lĩnh bây giờ là ở nơi nào?
(mà) Lòi thơ ngân còn bồi hồi nghe đâu đó ở dưới bóng trăng thanh.
Bùi Huy Luyện và Bùi Huy Chiêu đều là người ở phường Hà Khẩu huyện Thọ Xương tỉnh Hà Nội-cùng quê với Nguyễn Đạo Thạch Thất Bùi Huy Tuyên lúc ấy. Còn quan hệ thế nào thì chưa rõ.
Xin theo dõi tiếp bài 5 - dienbatn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét