Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2016

KHẢO SÁT MỘT SỐ NGÔI MỘ CỦA TIỀN NHÂN ĐỂ LẠI . BÀI 3.

KHẢO SÁT MỘT SỐ NGÔI MỘ CỦA TIỀN NHÂN ĐỂ LẠI . BÀI 3.

Sau rất nhiều chuyến điền dã khảo sát Phong thủy âm trạch , dienbatn còn giữ được một số tư liệu về những ngôi mộ cổ do tiền nhân đặt từ xưa . Nay đăng lại trong Blog này làm tư liệu và mong rằng những Thày Địa lý của Việt Nam hiện nay nghiên cứu và hy vọng sẽ rút ra được những điều bổ ích cho mình , ngõ hầu có thể giúp cho những thân chủ của mình một cuộc sống an vui , hạnh phúc.
Sách có câu :"Tiên tu nhân lập âm chất,nhi hậu tầm Long ". 
Người người đều muốn có được một Địa trạch tốt tươi,nhằm thăng hoa cuộc sống vật chất đầy đủ,công danh hiển hách,vợ đẹp con ngoan,Gia đình hạnh phúc.Sách THÔI QUAN THIÊN viết :"Trong nhà có người đức hạnh cao thượng thì đất đá trên núi gần đó nhất định có Linh khí ".Qua câu nói trên tức là con người làm chủ Linh khí vạn vật do phần Tâm khí của chính mình.Các Phong Thủy Sư không hiểu điều này thì dủ có Trích Huyệt Tầm Long được Bảo địa cũng chẳng linh nghiệm. 
Những việc Tầm Long Địa Huyệt còn phải hội thêm phần cảm ứng tức là Thiên Đạo (Đạo Trời );sự ứng nghiệm của việc hành thiện lập âm chất,tạo nhân quả tốt.Tục ngữ có câu :"Âm địa tốt không bằng Tâm địa tốt ".Do vậy,tìm kiếm chọn lọc được Địa mạch Huyệt vị,Phong Thủy Sư phải tích đức hành thiện làm căn bản.Nếu kẻ nào có phẩm chất cao thượng,thì ắt Thiên cơ sẽ ứng,Địa cơ theo đó mà tăng thêm sự tốt lành cho con cháu đời sau hưởng Phúc.Bởi Tâm địa thiện lương thì tương ứng với Địa mạch cát lợi ,vận Trời ứng cho,chứ chẳng phải chủ quan tâm về hình thức mà quên đi nội dung,cứ tưởng rằng tầm được Long huyệt rồi,con cháu đời sau sẽ được hưởng Phúc,cái gốc chúng ta chẳng lo mà lại đi lo cái ngọn,rõ là ta chẳng biết gì cả.Nếu như các Phong Thủy Sư họ tài giỏi như thế thì ắt họ phải giành những huyệt Đế Vương,Công Hầu,Khanh tướng cho con cháu họ,chứ dại gì mà họ chỉ cho ai ? 
Quách Phác nói :"Cát hung cùng cảm ứng lẫn nhau,họa phúc cũng tự nhiên theo Tâm khí chiêu cảm mà đến ". 
Khi táng di hài Tổ tiên,chắc người ta phải chọn Địa huyệt thật tốt mà an táng,song song với việc trên ,người tại tiền phải nỗ lực tu dưỡng thân,tâm cầu lấy gốc rễ của Đạo.Nếu chỉ chú trọng quan sát hình thể Địa huyệt,sẽ cho kết quả trái ngược,làm tổn hại đến con cháu đời sau. 
Nếu như có Nhân,tất phải có Quả;nhưng Nhân -Quả thiện ác tùy vào Tâm khi chiêu lấy họa phúc.Cũng như ngày xưa có người chết được Thiên táng hay Địa táng một cách ngẫu nhiên,con cháu sau này phát Đế Vương,Công hầu.
Triệu Quang viết cuốn :"PHONG THỦY TUYỂN TRẠCH TỰ ",có nói rằng :"Vô phước cho ai không có nhân duyên mà được Huyệt tốt ".Dẫu cái tốt,xấu của Phong thủy Huyệt mộ ảnh hưởng đến cát hung,nhưng Âm đức của con người có thể cải biến được Vận -Mạng.Đến như các bậc Tiền bối Phong thủy như Cao Biền,Quách Phác tài giỏi kinh Thiên động Địa ,nhưng khi gặp Huyệt Đế Vương cũng không dám dành cho mình,bời biết đạt Địa lợi,nhưng Thiên thời và Nhân hội còn khuyết,không dám nghỉ bàn.Tóm lại việc "TIÊN TÍCH ĐỨC,NHI HẬU TẦM LONG " của người xưa dạy quả không sai. 

3/ KHẢO SÁT KHU ĐỀN VÀ LĂNG MỘ QUẬN CÔNG BÙI ĐĂNG CHÂU - DINH BÙI SÁN.
( Tự là BÙI ĐĂNG CHÂU - Thôn Đoàn Đào - Xã Đoàn Đào - PHỦ CỪ - HƯNG YÊN ).


Đoàn Đào là một thôn có lịch sử lâu đời, trải qua thời gian, tên địa danh hành chính đã nhiều lần thay đổi theo lịch sử hình thành, phát triển của xã và huyện. Vào đầu thế kỷ X, vùng đất này có tên Thiên Đoàn, là một địa điểm đóng quân quan trọng của Ngô Quyền để đánh quân Nam Hán xâm lước. Đầu thế kỷ XIX, xã Đoàn Đào thuộc tổng Hoàng Tranh, huyện Phù Dung thuộc phủ Khoái Châu của Sơn Nam thượng trấn.  Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, xã Đoàn Đào sát nhập với xã Đồng Minh và Long Cầu thành xã Ngọc Thụ; đầu năm 1947 xã Ngọc Thụ sát nhập với xã Bội Châu thành xã Trường Chinh; đến năm 1967 xã Trường Chinh đổi tên thành xã Đoàn Đào thuộc huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên ngày nay.


Tại đây có Đền và Lăng mộ Quận Công Bùi Đăng Châu có tên cổ là Dinh Thiên Đoàn hay còn gọi là Dinh quan Xán Đoàn. Tên thường gọi là Đền và Lặng mộ Quận công Bùi Đăng Châu.  Vì trước đây, vùng đất này có tên gọi là Thiên Đoàn, về sau Quận công Bùi Đăng Châu được ban cấp đất lộc điền, xây dựng dinh thự tại đây cho nên nhân dân quen gọi là dinh Thiên Đoàn hay dinh quan Xán Đoàn. Ngoài ra, đây còn là nơi tôn thờ và yên nghỉ của Quận công Bùi Đăng Châu nên còn được gọi theo tên và chức tước của cụ là ĐỀN VÀ LĂNG MỘ QUẬN CÔNG BÙI ĐĂNG CHÂU. Khu Đền và lăng mộ Quận công Bùi Đăng Châu được tọa lạc trên một khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng tại phía Bắc thôn Đoàn Đào, xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.
Cụ Bùi Đăng Châu là đời thứ 4 của họ Bùi tại thôn Đoàn Đào. Thủy tổ họ Bùi thôn Đoàn Đào là cụ Bùi Phúc Tâm, quê gốc ở xã Trung Liêu, Châu Ái (Thanh Hóa). Cụ là người con trai thứ ba trong một gia đình hiếu học. Lúc sinh thời cụ là một người có diện mạo khôi ngô tuấn tú, nhân từ, cương trực và khỏe mạnh. Từ lúc còn nhỏ, cụ đã có trí lớn, ham đọc sách thánh hiền, học binh pháp Tôn Tử đến am thông thạo lược. Đến đời Vua Lê Hiển Tông triều đình mở khoa thi võ và tuyên thân binh, cụ Châu dự thi và trúng tuyển. Cụ được bổ làm Thăng cơ đội mành trung giám phó cai quản trị thị nội. Sau đó lên thành Bộ Giám, Tổng Thái giám, Thư tả hình phiên đô đốc phủ, Tả đô đốc và được bổ làm quan Đô đốc tiến binh vào phương Nam cùng với một vị quan nữa, được phong Tiến phụ quốc thống tướng quân. Sau lại được phong là Nam quân đô đốc phủ, Tả đô đốc, Xán Trung Hầu, Thái tể đại tư không, Thượng trụ quốc và cuối cùng được nhà Lê phong Thái tể đại vương, ban thực ấp một huyện Đông Quan và cả tổng Đồng Vi, Bảo Châu (nay là huyện Đông Hưng, Thái Bình). Đồng thời, theo sử sách ghi chép về thời kỳ này, những cuộc tiêu phạt tàn khốc của hai bên Trịnh – Nguyễn, khiến cho nhân dân khổ cực. Trong bối cảnh đó, cụ đã đứng lên vận động nhân dân khai khẩn đất hoang, thành lập thôn ấp, chỉnh đốn phong tục, lưu lại nhiều ruộng đất cho làng. Cụ tích phúc điều thiện lưu lại trong gia tộc, hưng khởi chuộng đạo Phật, sửa sang chùa chiền…Với những cống hiến trong quá trình phò tá vua, giúp nước và xây dựng quê hương, cụ đã được triều đình nhà Lê ban thưởng cho phép xây dựng dinh thự, được cấp đất lộc điền. Sau khi cụ mất, vua Lê ban hai sắc phong là Thái tể Đại Vương và Xán Trung Hầu Quận công– đệ nhị hậu thần. Cụ được dân làng dựng bia xưng tụng công lao, tôn làm Thành hoàng làng và cho phép toàn dân thờ phụng. Cho đến triều Nguyễn, xét đến công lao của cụ, vua Khải Định tiếp tục ban hai sắc phong cho cụ và cho phép nhân dân địa phương tiếp tục thờ phụng.
Cụ không chỉ là bậc đại thần trong triều, cụ còn có cống hiến cho quê hương. Khi làng xóm gặp buổi loạn lạc đói kém, dân phiêu bạt khắp nơi, cụ đã dồn tài lực chiêu mộ dân trở về tập trung khai khẩn đất hoang, tái thiết thôn, ấp, chỉnh đốn thuần phong mỹ tục. Làng Đoàn Đầu (Đoàn Đào) được tái lập, mở rộng và dòng họ Bùi được tồn tại và phát triển. Cụ để lại hơn 1.000 mẫu ruộng, đất các loại cho dân; trong đó có ruộng công, ruộng thờ thần, thờ Phật, ruộng học, ruộng binh, ruộng hậu, ruộng thưởng… Cụ xây dựng đền, chùa, miếu thờ thần có công với nước, với dân. Cụ làm nhiều điều thiện, tích phúc cho dân, cho con cháu, cụ truyền lại hậu thế hãy gắng noi theo làm điều nhân nghĩa. Cụ chính là người khai cơ, tiên cơ, được sắc phong Thành Hoàng làng.
Quan Thái tế đại vương, Trung quận công Bùi Sán (Bùi Đăng Châu) mất ngày 10 tháng 5 âm lịch, phần mộ an táng tại Từ Vũ trong dinh “Liên Hoa kết nhụy”. Sau khi cụ mất, dân làng Đoàn Đào đã tôn thờ Cụ là “Đệ nhị hậu thần” thờ cụ tại đình làng (Đệ nhất hậu thần là cụ Bùi Đăng Sỹ – cha cụ Bùi Đăng Châu). Tiên công Bùi Sán được triều đình Nguyễn ban tặng thêm bậc nữa là: Đoan túc tôn thần. Từ đó ở đình làng có 3 bức đại tự: “Dực bảo trung hưng”, “Đoan túc linh phù tôn thần” và “Đoan túc tôn thần”.
Khu đền được khởi dựng thời hậu Lê (cuối thế kỷ XVIII). Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử đền và lăng mộ của cụ đã bị tàn phá chỉ còn lại một số hiện vật đá có giá trị. Các thế hệ con cháu trong dòng tộc đã hợp sức cùng dân làng dựng 5 gian nhà Chầu tế để thờ cụ và trong nom, giữ gìn những kỷ vật bằng đá quý hiếm đó. Xét thấy công lao của Cụ và được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cấp, các ngành của Trung ương, tỉnh, huyện, xã và các thế hệ con cháu trong dòng tộc, cùng dân làng trung tu, tôn tạo
Hiện nay Đền và lăng mộ Quận công Bùi Đăng Châu tọa lạc trên khu đất rộng 5746m2. Khu đền và lăng mộ bao gồm nhiều hạng mục công trình như: Tam quan, sân chầu, khu thờ chính và khu lăng mộ:
Cổng vào khu lăng mộ, đền thờ đá thờ quan Thái tế Đại Vương, Trung quận công Bùi Sán tại thôn Đoàn Đào, xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ. Khu di tích này còn có tên gọi khác là Dinh Thiên Đoàn .



Tam quan được xây dựng theo kiểu chồng diêm 3 tầng 12 mái, đường bờ nóc đắp lưỡng long chầu nhật, các đầu đao tạo tác thành đầu rồng, phần cổ diêm ghi chữ Hán. Từ tam quan vào, mỗi bên bài trí một bia đá hình trụ tròn. Nội dung bia khắc ghi số ruộng đất được cụ Bùi Đăng Châu bỏ tiền ra mua ở các cánh đồng thuộc xã Đoàn Đào để cho dân quanh vùng canh tác, ổn định cuộc sống.
Tiếp đến là khu sân chầu rộng rãi, thoáng đãng, có đường thần đạo ở giữa và hai bên là hàng tượng đá mang dấu ấn nghệ thuật điêu khắc thời Hậu Lê như: Ngai và Sập thờ đá, Tượng đá, ngựa đá, voi đá v.v. Toàn bộ tượng tạc đều liền khối với bệ, kết cấu vững chắc, các đường nét hài hòa, tinh xảo, cân đối, chính xác và tôn nghiêm. Kế tiếp với sân chầu là khu thờ chính có kết cấu kiến trúc kiểu “Tiến chữ Nhất, hậu chữ Đinh” gồm Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Tòa Tiền tế gồm 3 gian 2 dĩ được làm theo kiểu kiến trúc truyền thống, chồng diêm hai tầng tám mái. Phía trên treo bức đại tự ghi 5 chữ Hán “Đại đức vạn niên trường” (nghĩa là: Đức lớn trường tồn mãi mãi). Qua Tiền tế là 3 gian Trung từ, kết cấu theo lối kiến trúc cổ, truyền thống mái lợp ngói mũ, nền lát gạch vuông. Nơi đây đặt ban thờ Quận công Bùi Đăng Châu. Nối với Trung từ là một gian Hậu cung, dấu ấn kiến trúc từ thời Nguyễn. Phía sau khu thờ chính là lăng mộ cụ Bùi Đăng Châu, khu mộ được xây ghép bằng đá theo hình bát giác bao quanh, trên có tường bao được chạm trang trí đề tài “Cá chép vượt vũ môn” xen với vân mây và hoa cúc. Sau khu mộ là lăng của Quận công được làm bằng chất liệu đá. Lăng xây hai tầng tám mái, giữa đừng bờ nóc trang trí hình mặt trời, các đầu đao tạo tác kiểu hoa dây cách điệu. Mái lăng đắp giả ngói ống, diềm mái tạo tác hình lá đề. Phía trước lăng là bốn cột đá trang trí rồng cuốn. Bốn mặt lăng chạm trang trí nhiều đề tài như: rồng, lá đề, hồ phù, chữ thọ, hoa lá. Có thể nói, đền và lăng mộ Quận công có quy mô tương đối lớn, có nhiều hạng mục công trình. Tại di tích còn lưu giữ nhiều cổ vật được làm từ đá xanh có giá trị, niên đại từ thời Hậu Lê. Đó là những cổ vật vô giá mà rất ít nơi còn giữ được.
Đền và lăng Mộ Quận công Bùi Đăng Châu là một cụm di tích có giá trị về mặt lịch sử văn hóa cũng như kiến trúc nghệ thuật điêu khắc đá cuối thời Lê. Hàng năm cứ vào ngày 15,16 tháng giêng âm lịch địa phương và dòng họ tổ chức 2 ngày lễ hội gồm 2 đội tế nam và tế nữ, rước kiệu từ Đền về nhà thờ tổ của dòng họ Bùi để làm lễ, hôm sau rước kiệu trở về Đền. Thông qua lễ hội  địa phương cùng dòng họ còn tổ chức nói chuyện về thân thế và sự nghiệp của quận công Bùi Đăng Châu và tích cực động viên nhân dân con cháu trong dòng tộc phát huy truyền thống hiếu học, truyền thống cách mạng của dòng họ để góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp văn minh. ( http://hobuivietnam.vn).
Theo phả hệ, cụ Bùi Đăng Châu là đời thứ tư của dòng họ Bùi Đăng ở xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Cụ thi đỗ tiến sỹ võ dưới triều Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786). Cụ được giao các chức vụ quan trọng, cao quý trong triều như: Chánh thư hiệu Cung Thị Nam, Thị nội Giám, Tư Lễ Giám, Tổng Thái giám, Đô Đốc Phủ, Tả Đô Đốc Sán trung hầu. Khi đương nhiệm, cụ là bậc đại thần lập công lớn giữ gìn an ninh quốc gia và đương triều, được triều đình phong thưởng tước "Hầu". Lúc trí sỹ, cụ lại được phong thưởng tước "Công". Như vậy trong chặng đường quan nghiệp với hiển tích của một võ quan huân lao, cụ được triều đình ân vinh ở hai trật cao nhất nhì hàng ngũ bá "Công-Hầu-Bá-Tử-Nam" và còn được triều đình cấp thái ấp, lộc điền, vàng bạc được Vua Lê ban đặc ân xây dinh thự, lăng mộ và những kỷ vật bằng đá (Bát bộ kim cương) theo kiến trúc thời Lê dành cho vua chúa và bậc đại thần.



Đôi cột đá cổ ngay phía cổng vào cụm di tích được gọi là đôi " đồng trụ". Trên đôi cột có khắc rõ về lịch sử, nguồn gốc cụm đền thờ, lăng mộ cụ Bùi Đăng Châu .






Được biết trước đây chữ trên cột là chữ Hán. Tuy nhiên, khoảng năm 1945, những người thuộc dòng họ Bùi khi tôn tạo đã mài sạch phần chữ cũ và khắc lên đó toàn bộ bằng chữ quốc ngữ.Nội dung bia khắc ghi số ruộng đất được cụ Bùi Đăng Châu bỏ tiền ra mua ở các cánh đồng thuộc xã Đoàn Đào để cho dân quanh vùng canh tác, ổn định cuộc sống.Cụ để lại hơn 1.000 mẫu ruộng, đất các loại cho dân; trong đó có ruộng công, ruộng thờ thần, thờ Phật, ruộng học, ruộng binh, ruộng hậu, ruộng thưởng... 
Trong khu vực sân của cụm đền thờ và lăng mộ đá hiện còn lưu giữ 8 pho tượng đá và 1 đội ngựa - voi đá. Đây được gọi là " bát bộ thần tướng và lưỡng ban tượng mã". Những hiện vật này chỉ xuất hiện trong lăng mộ của những bậc vua chúa và đại thần thời xưa .

Tượng " Bách vũ thần tướng" và " Dụng thành thần tướng môn" được đặt ngay phía bên tay trái cổng vào .


 Đối diện đó là tượng " Nghiêm vũ hầu tướng" và " Thắng vũ thần tướng môn".





Gần phía trong đền, là hàng gồm 3 tượng " Vũ thần tướng", " Tống tượng thần tướng" và " Tượng voi".

Trải qua hàng trăm năm, cùng những biến cố lịch sử của đất nước, đặc biệt qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, lăng mộ cụ Bùi Đăng Châu đã bị quân giặc tàn phá làm hư hỏng nhiều hiện vật. Theo lời kể của ông Bùi Đăng Sức, một hôm giặc quần đảo trên bầu trời tưởng rằng Voi đá sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng ai cũng ngạc nhiên là sau cái cái lớp khói đen xì của bom đạn bao quanh toàn khu mộ, Voi thần và các bức tượng khác vẫn bình yên và vẫn uy nghiêm, vững vàng.

Ngự phía bên trái đền là tượng " Môn thần tướng", " Chí mã thần tướng" và " Tượng mã". Toàn bộ những bực tượng này đều được giữ nguyên tại vị trí sơ khai và vẫn nguyên trạng. Chỉ có phần bục đá đã được con cháu dòng họ tôn tạo, mở rộng cho thêm phần vững chãi .



Trong khu vực lăng và đền thờ còn tồn tại cả " giếng ngọc". Tương truyền giếng ngọc rất rộng, được bao quanh bởi đá ong với nguồn nước trong vắt. Tuy nhiên trong quá trình tu tạo, giếng đã bị thu hẹp rất nhiều .Cũng tại khu lăng mộ của Bùi Đăng Châu, ông Bùi Đăng Tạc cho biết, bên phía Tả, nơi có giếng Ngọc đã lưu truyền rất nhiều câu chuyện ý nghĩa. Ấy là câu chuyện người phụ nữ đến giếng Ngọc lấy nước tắm trước khi thụ thai sẽ sinh được con đẹp, dĩnh ngộ, khôi ngô. Ông kể, nhiều người trong làng và từ nơi xa đến đây thăm quan khu lăng mộ và không quên lấy nước tắm ở giếng Ngọc để mong sinh đứa con “quý tử”.





Trong đền, 3 hương án đá, bàn thờ đá và ngai đá là những hiện vật cổ do vua Lê ban tặng, còn được dòng họ bảo tồn và lưu giữ đến ngày nay .
Kế tiếp với sân chầu là khu thờ chính có kết cấu kiến trúc kiểu “Tiến chữ Nhất, hậu chữ Đinh” gồm Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Tòa Tiền tế gồm 3 gian 2 dĩ được làm theo kiểu kiến trúc truyền thống, chồng diêm hai tầng tám mái.  Phía trên treo bức đại tự ghi 5 chữ Hán “Đại đức vạn niên trường” -  大德德秊長 - (nghĩa là: Đức lớn trường tồn mãi mãi). 


Qua Tiền tế là 3 gian Trung từ, kết cấu theo lối kiến trúc cổ, truyền thống mái lợp ngói mũ, nền lát gạch vuông. Nơi đây đặt ban thờ Quận công Bùi Đăng Châu. Nối với Trung từ là một gian Hậu cung, dấu ấn kiến trúc từ thời Nguyễn. Phía sau khu thờ chính là lăng mộ cụ Bùi Đăng Châu, khu mộ được xây ghép bằng đá theo hình bát giác bao quanh, trên có tường bao được chạm trang trí đề tài “Cá chép vượt vũ môn” xen với vân mây và hoa cúc. Sau khu mộ là lăng của Quận công được làm bằng chất liệu đá. Lăng xây hai tầng tám mái, giữa đừng bờ nóc trang trí hình mặt trời, các đầu đao tạo tác kiểu hoa dây cách điệu. Mái lăng đắp giả ngói ống, diềm mái tạo tác hình lá đề. Phía trước lăng là bốn cột đá trang trí rồng cuốn. Bốn mặt lăng chạm trang trí nhiều đề tài như: rồng, lá đề, hồ phù, chữ thọ, hoa lá. Tiên công Bùi Sán được triều đình Nguyễn ban tặng thêm bậc nữa là: Đoan túc tôn thần. Từ đó ở đình làng có 3 bức đại tự: “Dực bảo trung hưng”, “Đoan túc linh phù tôn thần” và “Đoan túc tôn thần”.
Bàn thờ đá và ngai được nhà vua sắc phong khi xưa vẫn còn nguyên vẹn với những khắc chạm nghệ thuật tinh xảo .





Độc đáo kiến trúc nghệ thuật đá cổ .


KHU MỘ : Phần lăng mộ Quan Thái Tế Đại Vương, Trung quận công Bùi Sán (Bùi Đăng Châu) tọa lạc trên thế đất hình hoa sen tuyệt đẹp - (Liên Hoa kết nhụy ).Trục Thần đạo của toàn khu lăng mộ nằm vào khoảng 87 độ 5. Tọa Dậu - Hướng Mão . Phân kim : Huyệt khí Bảo châu Kỷ dậu - Quý Mão ." Quý Mão khí ở chính Mão long thì phú quý song toàn, sinh ra người thông  minh, khỏe mạnh, mọi sự tăng tiến. Nếu thấy thủy ở Tị phương xung vào thì có rễ cây  đâm vào quan tài, lành dữ đều ứng vào các năm Tị, Dậu, Sửu ".





Phần lăng mộ  Quan Thái Tế Đại Vương, Trung quận công Bùi Sán (Bùi Đăng Châu) phía sau đền thờ đã được con cháu quy hoạch, xây dựng hoàn toàn bằng đá .






( dienbatn có xử dụng một số ảnh và tư liệu của  Nguyễn Lý và http://hobuivietnam.com.vn/ ).

ĐỌC THÊM :
1/NHÀ THỜ CỤ BÙI ĐĂNG HÀM .

Cụ Bùi Đăng Hàm thuộc đời thứ 8, ngành 2, phái 1, chi 3 thuộc dòng họ Bùi Đăng ở thôn Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Cụ sống cách đây khoảng hơn 150 năm, không ai nhớ năm sinh chỉ biết ngày giỗ cụ là ngày 25 tháng 11 Âm lịch.
Thời phong kiến, cụ Hàm làm Bá Hộ, nên mọi người vẫn gọi cụ là cụ Bá Hàm. Cụ có 2 vợ và sinh được 5 trai, 2 gái. Trong số 5 người con trai của cụ, có người giữ chức Chánh tổng, tổng Hoàng Chanh thời bấy giờ (cụ Chánh Mỹ, con trưởng) và một người con làm Lý trưởng (cụ Lý Lâm). Cụ Hàm có 13 cháu trai nội thuộc đời thứ 10, trong đó phải kể đến hai người cháu Bùi Đăng Quảng và  Bùi Đăng Chi.
+ Cụ Bùi Đăng Quảng (cháu trưởng) làm Bá Hộ nên thường gọi là cụ Bá Quảng. Cụ Bá Quảng có 4 người con trai đều tham gia chống Pháp, là Bộ đội chủ lực, trong đó có một người con là Liệt sĩ và một người con là Thương binh. Gia đình cụ Bá Quảng được Nhà nước tặng Bảng vàng Danh dự và Bằng Tổ Quốc ghi công.
+ Cụ Bùi Đăng Chi (1901-1993) làm Lý trưởng nên thường gọi là cụ Lý Chi. Tháng 8/1945, cụ Chi đã mở kho thóc của gia đình để phân phát, giúp đỡ cho người nghèo. Cụ đã ủng hộ Cách mạng hơn 2 vạn tiền Đông Dương; ủng hộ súng ống, đạn dược  và cụ đã trực tiếp tham gia cướp chính quyền huyện Phù Cừ. Năm 1946 cụ trúng cử Hội đồng Nhân dân tỉnh Hưng Yên, là Chủ tịch Ủy ban Binh sĩ Mùa đông và được giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội Khóa 1. Cụ đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và được Nhà nước tặng Bảng vàng Danh dự; Huân chương Kháng chiến hạng Ba và Huân chương Chiến sĩ Vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba.
2. Sơ lược gia phả cụ Bùi Đăng Hàm
            Cụ Bùi Đăng Hàm thuộc đời thứ 8, ngảnh 2, phái 1, chi 3 thuộc dòng họ Bùi Đăng ở thôn Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Cụ sống cách đây khoảng hơn 150 năm, không ai nhớ năm sinh chỉ biết ngày giỗ cụ là ngày 25 tháng 11 Âm lịch.
            Thời phong kiến, cụ Hàm làm Bá Hộ, nên mọi người vẫn gọi cụ là cụ Bá Hàm. Cụ có 2 vợ và sinh được 5 trai, 2 gái. Trong số 5 người con trai của cụ, có người giữ chức Chánh tổng, tổng Hoàng Chanh thời bấy giờ (cụ Chánh Mỹ, con trưởng) và một người con làm Lý trưởng (cụ Lý Lâm). Cụ Hàm có 13 cháu trai nội thuộc đời thứ 10, trong đó phải kể đến hai người cháu Bùi Đăng Quảng và  Bùi Đăng Chi.
            + Cụ Bùi Đăng Quảng (cháu trưởng) làm Bá Hộ nên thường gọi là cụ Bá Quảng. Cụ Bá Quảng có 4 người con trai đều tham gia chống Pháp, là Bộ đội chủ lực, trong đó có một người con là Liệt sĩ và một người con là Thương binh. Gia đình cụ Bá Quảng được Nhà nước tặng Bảng vàng Danh dự và Bằng Tổ Quốc ghi công.
            + Cụ Bùi Đăng Chi (1901-1993) làm Lý trưởng nên thường gọi là cụ Lý Chi. Tháng 8/1945, cụ Chi đã mở kho thóc của gia đình để phân phát, giúp đỡ cho người nghèo. Cụ đã ủng hộ Cách mạng hơn 2 vạn tiền Đông Dương; ủng hộ súng ống, đạn dược  và cụ đã trực tiếp tham gia cướp chính quyền huyện Phù Cừ. Năm 1946 cụ trúng cử Hội đồng Nhân dân tỉnh Hưng Yên, là Chủ tịch Ủy ban Binh sĩ Mùa đông và được giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội Khóa 1. Cụ đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và được Nhà nước tặng Bảng vàng Danh dự; Huân chương Kháng chiến hạng Ba và Huân chương Chiến sĩ Vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba.
             Thời phong kiến, cụ Bá Hàm thuộc gia đình “danh gia, vọng tôc”, có uy tín và được  người dân trong làng, ngoài xã yêu quí và kính trọng. Cụ ăn ở có tâm, có đức, sống nhân nghĩa và phúc hậu, nên con cháu cụ sau này phát triển đông đúc và thành đạt.
3. Sự trưởng thành của các thế hệ con cháu
            Cho đến nay, cụ Bá Hàm có tới 400 cháu nội và dâu, rể (không tính cháu ngoại) đang sống ở quê hương, đang làm việc trong các cơ quan Nhà nước, phục vụ trong Quân đội và Lực lượng Công an Nhân dân. Cụ có nhiều cháu đã tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong đó có 4 Liệt sĩ, Thương binh 3 và Bệnh binh có 2.
            – Bộ Quốc phòng và Bộ Công an phong quân hàm Đại tá 1; Thượng tá 3, Trung tá 4, thiếu tá 3 và nhiều Sĩ quan từ Thiếu úy đến Đại úy.
 – Có hơn 60 cháu nội và dâu, rể có trình độ Đại học, trong đó Tiến sĩ 1; Thạc sĩ 5 và có 5 cháu là Giảng viên Đại học.
            – Ông Bùi Quốc Dịnh có 7 người con và dâu, rể đều là Đại học (trong đó người  con trai có 3 bằng Đại học và 2 bằng Thạc sĩ). Gia đình ông Bùi Quang Tuyển có 6 người đều có bằng Đại học (trong đó Phó Giáo sư-Tiến sĩ 1, Thạc sĩ 3; 2 bằng Đại học 1; 4 Giảng viên Đại học). Có 5 gia đình có từ 4 đến 5 người Đại học (ông Cường, ông Phước, ông Đức, ông Quốc Anh và ông Thế). Có 4 gia đình có từ 2 đến 3 người Đại học (ông Quân, ông Đáp, ông Bùi Xuân Thành, ông Giỏi) và rất nhiều gia đình có 1 con Đại học.
            – Cháu Bùi Quang Dũng (đời thứ 13) đạt giải nhất môn Vật lý lớp 12 trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh Hà Tây (1996); đạt giải nhất, giải Vifotec do Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức (2003); là Thiếu tá QĐND, Thạc sĩ, Bác sĩ, Giảng viên Học viện Quân Y.
            – Cháu Bùi Thị Hồng Nhung (đời thứ 13), đạt 2 giải nhì môn Văn năm lớp 10, lớp 11 và đạt giải nhất môn Văn lớp 12 (2001) trong các kỳ thi Học sinh giỏi cấp tỉnh Hà Tây cũ; tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ loại giỏi và bảo vệ xuất sắc luận án Thạc sĩ tại Thụy Điển; hiện cháu Nhung là Giảng viên tiếng Anh Học viện Kỹ thuật Quân sự.
            – Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công cho ông Tình, ông Minh. Ông Bùi Quốc Võ 6 lần được tuyên dương Dũng sĩ diệt Mỹ, Huy hiệu Bác Hồ, Huân chương Giải phóng hạng Nhì, Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì; Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Ông Tuyển được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, Huân chương Chiến công hạng Nhất và Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Được tặng Huy hiệu 60 năm, 50, 40 năm tuổi Đảng cho ông Tình; ông Ngọc Thanh; ông Tấn; ông Tuyển…

2/CHUYỆN NHÀ BÙI -NGUYỄN ANH TUẤN .

Vào thời Hậu Lê, ở làng Đoàn Đầu thuộc tổng Hoàng Tranh, huyện Phù Dung, trấn Sơn Nam Thượng (Nay là thôn Đoàn Đào, xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) có gia đình Bùi Phúc Tâm từ đất Trung Liên (Thanh Hóa) thuộc Châu Ái đến lập nghiệp.Chồng dạy học không nhận thù lao; vợ làm thuốc chữa bệnh không lấy tiền, nên mấy chục năm trời gia đình vẫn phải sống cảnh thanh bần trong một túp lều tranh ở cuối làng.
Khi tuổi đã cao, sức đã yếu Bùi Phúc Tâm nói với vợ cùng các con rằng: “Mấy chục năm làm ăn xây nghỉệp vẫn chửa thành cơ ngũ, đời sống còn chật vật! Nhưng không ai lấy đó làm buồn! Nay ta cùng mẹ các con và anh cả trở về Trung Liên chăm sóc phần mộ Tổ Tiên, còn anh thứ ở lại Đoàn Đầu giữ lấy nghiệp nhà!”
Con thứ Bùi Đăng Vị cùng vợ là Nguyễn Thị với ba con là Bùi Qúy Công, Bùi Đăng Sỹ, Bùi Thị Viêng ở lại Đoàn Đầu.Đời sống cả nhà chỉ trông vào tấm lòng của cha mẹ học trò và gia đình con bệnh nên bao năm chưa thoát khỏi cảnh cùng đinh!
Mùa xuân năm Ất Hợi (1695) Bùi Đăng Vị gọi vợ con đến bên rồi dặn:
“Đất này là nơi đắc địa của họ Bùi ta. Ta và các con làm theo tâm nguyện của Ông Bà xưa nhưng chưa nên tay, nên tấm . Vậy các con cứ để cha tại đây để cùng các con tiếp tục lập nghiệp”.Nói xong thì quy nhằm đúng giờ Hoàng Đạo ngày 26-3.
Hiềm một nỗi cũng đúng giờ này làng Đoàn Đầu lập đàn tế cầu mưa nên theo lệ làng thì chưa được phát tang.
Một ngày!...Hai ngày…Ba ngày…
Con cháu nhà Bùi lo lắng!....
Trời vẫn trong xanh không một gợn mây…Con cháu nhà Búi bức xúc !?...nhưng Nguyễn Thị ngăn lại:
- Nhà mình vẫn bị xếp vào hàng ngụ cư, lại ở hạng cùng đinh nên không thể làm liều!...Các con phải nghĩ cho xa! Nói rồi Nguyễn Thị thắp một nén nhang lên bàn thờ vong cúi đầu khấn vái. Hồi lâu Nguyễn Thị mới đi về phía các con và đám học trò thì thầm: “ Cứ như thế…như thế…!”
Ngay chiều hôm ấy nhà Bùi cùng đám học trò kết một bè chuối dấu trong đám lau sậy cuối làng, ven sông Nghĩa Trụ. Chờ đến qua giờ Dậu mới lẻn lút đưa thi hài lên bè, xuôi về phía nam theo dòng nước dưới ánh sao giời.
Giữa canh hai, bè qua khúc quẹo được gọi là bụng Rồng, giáp với Trang Long Lạp (làng Long Cầu) thì bè tự dưng cứ xoay tròn không đi được. Trời đất tối xầm, mây đen kéo đến, mưa như trút nước. Nước sông Nghĩa Trụ dềnh lên cuốn theo bè chở thi hài lao vun vút theo dòng nước. Chính giờ Tý, bè tự nhiên dừng lại một mô đất giữa cánh đồng Lang, giáp làng Đông Cáp. Biển nước mênh mông, sấm chớp đùng đùng, cháu con nhà Bùi cùng học trò bở hết hơi tai. Còn đang than khóc chưa biết làm gì trước cảnh trớ trêu thì mọi người thấy giữa gò cao có một luồng ánh sáng phát ra lóa cả mắt. Những tia sáng như những thanh long kiếm vung lên trời, đan vào nhau phát ra những âm thanh chát chúa, sắc lạnh. Mọi người ngất xỉu trong cơn cuồng nộ của đất trời. Lúc tỉnh dậy chỉ thấy một gò mối cao chất ngất, đâu đây thoang thoảng hương trầm trong sắc bình minh rạng rỡ. Một cây cầu vồng bắc từ Gò Lang (nơi Thiên táng) vượt qua làng Đoàn Đầu tới bụng Rồng (Dinh Thiên Đoàn).
Việc Thiên táng của nhà Bùi được dân cả vùng loan truyền. Ai cũng bảo: “Trời có mắt.” còn bọn hào lý trong làng thì hậm hực, đứng ngồi không yên!
Mấy ngày sau lý dịch thấy người con cả của Bùi Đăng Vị là Bùi Qúy Công đầu đội khăn tang dắt bò ra đồng đi chăn liền sai người bắt vào luận tội:
- Nhà đang có tang, sao dám qua Đình? Tội dân ngụ cư làm trái lệ làng ta chưa lục đến! Nay lại dắt bò, đội tang qua chỗ thờ phụng tôn nghiêm!
- Dạ…
- Tội nhà mày lẽ ra phải lọc cổ đánh đủ trăm roi, phạt trăm quan tiền!? Nhưng nể tình nhà Bùi đã hai đời nay đều làm việc phúc, việc thiện nên làng tha cho! Người được về nhưng bò phải để lại để làm lễ tế thần linh tạ tội!
Từ đó cảnh nhà Bùi càng thêm khốn đốn. Mẹ và anh cả Bùi Qúy Công phải trở về Trung Liên (Thanh Hóa). Con thứ là Bùi Đăng Sỹ cùng cô con gái út Bùi Thị Viêng tha lôi các cháu đi tha phương cầu thực, khắp đó đây…
Cảnh đói cơm rách áo, phiêu bạt, lần hồi càng làm cho cô Viêng thêm xinh đẹp. Vốn con nhà gia giáo nên lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng, lại thêm giọng hát ngọt ngào truyền cảm nên đi đến đâu nhà Bùi cũng được người đời giúp đỡ.
Đúng tuổi trăng tròn, cô Viêng được tuyển vào phủ chúa. Sống trong nhung lụa, được chúa cưng chiều nhưng cô Viêng vẫn không quên có một nhà Bùi đang cơ hàn lam lũ ngoài kia!
Mỗi lần gặp Chúa, cô đều tìm cơ hội để tiến cử những người trong nhà Bùi. Biết chúa mấy đêm vừa rồi bận mải chỉ huy quân lính diệt trừ lũ cú vọ đến quấy nhiễu phủ chúa mà chưa xong . Cô Viêng nhỏ nhẹ tâu lên chúa:
- Việc nhỏ này xin để thiếp lo!
- Nàng giúp ta?
- Dạ!..Vâng! Thiếp có người cháu Bùi Đăng Châu khôi ngô tuấn tú, thông tuệ khác thường…
- Quân sỹ tốn không biết bao nhiêu tên đạn mà còn chưa đem lại kết quả?
- Việc này đối với Châu là không khó!
- Thế thì truyền gọi ngay đi! Trên đường đi vào Phủ Chúa Châu nói với cô Viêng: “Cơ trời lộc nước đây rồi. Nhà Bùi ta đã đến ngày được bước lên cầu vồng.”
Ngắm đứa trẻ còn “vị thành niên” áo rách, chân trần nhưng vóc dáng vạm vỡ, da trắng, tai to, mắt đen, môi đỏ …Chúa mừng hỏi:
- Ngươi có kế sách gì ?
- Khải Chúa: Kế này không tốn một mũi tên!
Quần thần nghe Châu nói thì hết sức ngạc nhiên. Cả phủ tao tác đã mấy ngày nay, phí tổn không biết bao nhiêu tên đạn mà đàn cú cứ càng ngày càng đông. Việc lớn tầy đình mà sao chú bé kia lại cho là chuyện nhỏ. Từ lính đến cai, từ đô đốc đến thái úy…đều nghĩ Châu đã lừa dối chúa, lại có ý diễu cợt bá quan. Châu nhẹ nhàng giải thích:
- Giám thưa: Việc đánh đông dẹp bắc, việc canh giữ biên cương, việc lo cơm áo cho dân mới là việc lớn, còn việc diệt đàn cú vọ kia đâu đáng kể gì! Tất cả nghe Châu nói như cởi tấm lòng, nhưng vẫn bắt Châu làm tờ cam đoan: hẹn trong ba ngày nếu không hoàn thành sẽ chịu tội “khi quân”.
Châu nói nhỏ với cô Viềng: “Cô cứ mời chúa về phòng loan nghỉ! Ba canh giờ sau sẽ nhận tin đại cát.
Lên kiệu rồi cô Viêng lòng dạ vẫn bồn chồn. Hết canh hai rồi mà sao tiếng cú vẫn lọt vào trướng gấm?
Bỗng nhiên trong phủ, ngoài kinh tiếng hò reo vang dậy. Cô Viềng cùng Chúa bước ra cửa cũng là lúc tướng sỹ và dân chúng vây kín đại sảnh quanh những đống xác cú đang dẫy chết. Thấy cảnh lạ, Chúa đòi Châu tới và hỏi:
- Hẹn trong ba ngày mà sao mới ba canh giờ đã đúng y lời!? Nhà ngươi có phép thuật gì chăng?
- Khải Chúa: Thần nắm chắc loài cú là tham ăn nên đã dùng mồi nhử. Đầu giờ dậu thần tẩm độc dược nào những con chuột rồi đặt vào các gốc cây quanh phủ. Lũ Cú “tham thực – cực thân”nên chết như ngả rạ.
- Đúng là chuyện nhỏ! Có thế mà không ai nghĩ ra!
Nói rồi Chúa mở tiệc mừng, không quên ban thưởng cho Châu lụa là, vàng bạc. Cô Viêng ghé vào tại Chúa thì thầm. Chúa quay lại phía quan quân : “Bùi Đăng Châu xứng đáng từ nay được giữ lại trong phủ Chúa, nhậm chức CAI CƠ* .
Từ lúc được ngẩng cao đầu, Châu không ngừng rèn luyện 18 ban võ nghệ, ngày đêm nghiền ngẫm binh thư.
Ít lâu sau, trong kinh thành lại náo loạn vì những tiếng kêu rùng rợn của bầy chim lợn. Châu được tham kiến.Châu quả quyết với vua và quần thần: “Lần này không thể dùng mưu mà phải dùng tài”.
Lõng được ý này các quan tranh nhau xin vua cho phép lập công. Khổ nỗi: Chim lợn cứ đến chạng vạng tối mới bay ra. Chúng không đậu mà chỉ bay liệng trên cao, đua nhau thả xuống những tiếng kêu eng …éc…cho nên các tay thiện xạ tốn bao nhiêu tên cũng không hạ được con nào. Vua ra lệnh: “Bắn rơi một con, thưởng mười lạng bạc. Bắn được mười con thưởng trăm lạng vàng và thăng chức lên một bậc”. Ba ngày vẫn không ai bắn được một con.
Chạng vạng ngày thứ tư cô Viêng mới dẫn Châu sang cung. Thấy Châu, vua vội hỏi:
- Nhà ngươi muốn thử tài?
- Thần xin hết lòng phò Vua!
Nói rồi Châu lắp tên, lên cung. Trời đã nhá nhem, chỉ nghe thấy tiếng chim lợn chứ không nhìn thấy chúng đâu!.Châu chĩa cung lên trời, nghiêng tai nghe ngóng, mắt vẫn nhìn bệ rồng.
Phựt…! Một con chim lợn rú lên rồi rơi xuống sân Rồng.
Ph…ựt…! Hai con …
Ph…ư…t…!Phựt!…Ba …năm!…mười con rụng xuống như sung.Quan quân trố mắt, há mồm, lè lưỡi…Vua tiến lại phía Châu:
- Nhà ngươi không nhìn mà sao bách phát bách trúng?
- Thưa bệ hạ: Thần nghe tiếng là định được hướng bay: Xa gần, cao thấp…để bắn đón đầu…
Vua hết sức vui mừng liền mở yến tiệc mời cả cô Viêng và bá quan cùng dự. Riêng Châu được thưởng rất hậu và phong làm TẢ ĐÔ ĐỐC*
Bằng tài thao lược Bùi Đăng Châu được tin dùng ở nhiều cương vị khác nhau: THỊ NỘI TƯ TẢ HÌNH, TRỊ LỆNH PHIÊN I, PHIÊN II…TỔNG GIÁM THỊ, THƯỢNG TƯỚNG QUÂN; THƯỢNG TRỤ QUỐC QUÂN; ĐÔ ĐỐC THÁI TỂ ĐẠI TƯ KHÔNG;
Sau này khi về dưỡng nhàn được ban: XÁN TRUNG HẦU.*
Thời Hậu Lê: Bùi Đăng Châu được ban
Sinh phần tại quê nhà (Dinh Thiên Đoàn). Các triều đại sau này đều có sắc phong cho SÁN TRUNG HẦU là Thành Hoàng thứ ba của làng Đoàn Đào, tổng Hoàng Tranh, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên
Sinh phần của Sán Trung Hầu được vua cho phép dùng “Bát bộ kim cương” cùng voi đá, ngựa đá coi giữ. Dinh SÁN TRUNG HẦU, người đời sau gọi là “DINH THIÊN ĐOÀN” được con cháu họ Bùi chăm lo gìn giữ, tôn tạo.
Dinh Thiên Đoàn chính là lăng mộ của Bùi Đăng Châu (Họ Bùi) có diện tích: 16.740 m2 ( theo bản đồ địa chính 1962). Diện tích hiện nay còn 5472 m2 (theo sổ đỏ 1998)
Dinh Thiên Đoàn vừa được Bộ Văn hóa công nhận là “Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc Gia”
Nguồn:
- Tài liệu của VIỆN THÔNG TIN KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM . (Ký hiệu: FQ4.O. 18/XH6)
- Gia phả họ Bùi thôn Đoàn Đào, Xã Đoàn Đào Huyện Phù Cừ, Tỉnh Hưng Yên.
* Những chức vụ này được ghi trong tài liệu của VIỆN THÔNG TIN KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM . (Ký hiệu: FQ4.O. 18/XH6)
Xin theo dõi tiếp bài 4 - dienbatn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét