Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

KHẢO SÁT MỘT SỐ NGÔI MỘ CỦA TIỀN NHÂN ĐỂ LẠI . BÀI 7.

KHẢO SÁT MỘT SỐ NGÔI MỘ CỦA TIỀN NHÂN ĐỂ LẠI . BÀI 7.

Sau rất nhiều chuyến điền dã khảo sát Phong thủy âm trạch , dienbatn còn giữ được một số tư liệu về những ngôi mộ cổ do tiền nhân đặt từ xưa . Nay đăng lại trong Blog này làm tư liệu và mong rằng những Thày Địa lý của Việt Nam hiện nay nghiên cứu và hy vọng sẽ rút ra được những điều bổ ích cho mình , ngõ hầu có thể giúp cho những thân chủ của mình một cuộc sống an vui , hạnh phúc.
Sách có câu :"Tiên tu nhân lập âm chất,nhi hậu tầm Long ". 
Người người đều muốn có được một Địa trạch tốt tươi,nhằm thăng hoa cuộc sống vật chất đầy đủ,công danh hiển hách,vợ đẹp con ngoan,Gia đình hạnh phúc.Sách THÔI QUAN THIÊN viết :"Trong nhà có người đức hạnh cao thượng thì đất đá trên núi gần đó nhất định có Linh khí ".Qua câu nói trên tức là con người làm chủ Linh khí vạn vật do phần Tâm khí của chính mình.Các Phong Thủy Sư không hiểu điều này thì dủ có Trích Huyệt Tầm Long được Bảo địa cũng chẳng linh nghiệm. 
Những việc Tầm Long Địa Huyệt còn phải hội thêm phần cảm ứng tức là Thiên Đạo (Đạo Trời );sự ứng nghiệm của việc hành thiện lập âm chất,tạo nhân quả tốt.Tục ngữ có câu :"Âm địa tốt không bằng Tâm địa tốt ".Do vậy,tìm kiếm chọn lọc được Địa mạch Huyệt vị,Phong Thủy Sư phải tích đức hành thiện làm căn bản.Nếu kẻ nào có phẩm chất cao thượng,thì ắt Thiên cơ sẽ ứng,Địa cơ theo đó mà tăng thêm sự tốt lành cho con cháu đời sau hưởng Phúc.Bởi Tâm địa thiện lương thì tương ứng với Địa mạch cát lợi ,vận Trời ứng cho,chứ chẳng phải chủ quan tâm về hình thức mà quên đi nội dung,cứ tưởng rằng tầm được Long huyệt rồi,con cháu đời sau sẽ được hưởng Phúc,cái gốc chúng ta chẳng lo mà lại đi lo cái ngọn,rõ là ta chẳng biết gì cả.Nếu như các Phong Thủy Sư họ tài giỏi như thế thì ắt họ phải giành những huyệt Đế Vương,Công Hầu,Khanh tướng cho con cháu họ,chứ dại gì mà họ chỉ cho ai ? 
Quách Phác nói :"Cát hung cùng cảm ứng lẫn nhau,họa phúc cũng tự nhiên theo Tâm khí chiêu cảm mà đến ". 
Khi táng di hài Tổ tiên,chắc người ta phải chọn Địa huyệt thật tốt mà an táng,song song với việc trên ,người tại tiền phải nỗ lực tu dưỡng thân,tâm cầu lấy gốc rễ của Đạo.Nếu chỉ chú trọng quan sát hình thể Địa huyệt,sẽ cho kết quả trái ngược,làm tổn hại đến con cháu đời sau. 
Nếu như có Nhân,tất phải có Quả;nhưng Nhân -Quả thiện ác tùy vào Tâm khi chiêu lấy họa phúc.Cũng như ngày xưa có người chết được Thiên táng hay Địa táng một cách ngẫu nhiên,con cháu sau này phát Đế Vương,Công hầu.
Triệu Quang viết cuốn :"PHONG THỦY TUYỂN TRẠCH TỰ ",có nói rằng :"Vô phước cho ai không có nhân duyên mà được Huyệt tốt ".Dẫu cái tốt,xấu của Phong thủy Huyệt mộ ảnh hưởng đến cát hung,nhưng Âm đức của con người có thể cải biến được Vận -Mạng.Đến như các bậc Tiền bối Phong thủy như Cao Biền,Quách Phác tài giỏi kinh Thiên động Địa ,nhưng khi gặp Huyệt Đế Vương cũng không dám dành cho mình,bời biết đạt Địa lợi,nhưng Thiên thời và Nhân hội còn khuyết,không dám nghỉ bàn.Tóm lại việc "TIÊN TÍCH ĐỨC,NHI HẬU TẦM LONG " của người xưa dạy quả không sai. 

7/ TRẠI THÁI HÀ VÀ LĂNG MỘ GIA ĐÌNH HOÀNG CAO KHẢI.
( dienbatn có sử dụng ảnh và tư liệu của trang Nhan blog - Xin cảm ơn ).


HOÀNG CAO KHẢI.

Hoàng Cao Khải (chữ Hán: 黃高啟; 1850–1933), là nhà văn, nhà sử học và là đại thần thân Pháp dưới triều vua Thành Thái trong lịch sử Việt Nam.
Nguyên danh của ông là Hoàng Văn Khải, tự Đông Minh, hiệu Thái Xuyên, quê ở làng Đông Thái (nay thuộc xã Tùng Ảnh), huyện La Sơn (nay là huyện Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh. Đỗ cử nhân ân khoa 1868 (cùng khóa thi với anh ông Phan Đình Phùng tên là Phan Đình Thuật, Phan Đình Phùng năm 1876 mới đậu ở Trường Thi, Nghệ An) năm Tự Đức thứ 21 (1868), cùng được bổ làm huấn đạo huyện Thọ Xương, sau làm giáo thụ ở phủ Hoài Đức (Hà Tây). Trước khi Pháp chiếm Bắc Kỳ, ông lần lượt giữ các chức vụ Tri huyện Thọ Xương rồi thăng quyền Án sát Lạng Sơn, quyền Tuần phủ Hưng Yên.
Năm 1884, Pháp chiếm Bắc Kỳ, trong khi các phòng trào chống Pháp nổi dậy thì ông lại hợp tác với Pháp để đàn áp các phong trào nghĩa quân chống Pháp. Tháng 1 năm 1887, quyền Tuần phủ Hưng Yên, Hoàng Cao Khải được vua Đồng Khánh cho thực thụ Tuần phủ, gia hàm Thự lý Tổng đốc, nhưng vẫn lãnh Tuần phủ kiêm Tiễu phủ sứ ba tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, đặc biệt tham gia đàn áp khốc liệt cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy.
Năm 1888, ông được thăng làm Tổng đốc Hải Dương, rồi làm Khâm sai Kinh lược Bắc Kỳ, tước Duyên Mậu quận công (1890), đây là biệt lệ vì quan lại triều Nguyễn chỉ được phong quận công khi đã mất, ban cho thực ấp Thái Hà. Năm 1894, theo lệnh của toàn quyền De Lanessan, ông viết thư dụ hàng Phan Đình Phùng, nhưng bị cự tuyệt.
Năm 1897, Nha Kinh lược Bắc Kỳ bị bãi bỏ, Hoàng Cao Khải được điều về Huế lãnh chức Thượng thư Bộ Binh và làm phụ chính đại thần cho vua Thành Thái, hàm Thái tử Thái phó, Văn minh điện Đại học sĩ. Như vậy, Hoàng Cao Khải là viên Kinh lược sứ Bắc Kỳ cuối cùng của triều Nguyễn.
Năm 1904 khi tỉnh Cầu Đơ được đổi tên là Hà đông, ông làm Tổng đốc tỉnh Hà Đông, giúp Thống sứ Bắc Kỳ soạn Nghị định về tổ chức bộ máy quản lý cấp xã ở Bắc Kỳ. Về sau con trai ông là Hoàng Trọng Phu kế nhiệm ông làm Tổng đốc Hà đông đến năm 1937.
Ông về hưu tại Ấp Thái Hà, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà đông nay thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội và mất tại đây.
Ngày 6 tháng 5 năm 1922, Hội Thanh niên Việt Nam (Foyers de la Jeunesse Annamite) được thành lập, Hoàng Cao Khải cùng Thống sứ Bắc Kỳ Monguillot làm đồng Chủ tịch Hội, Chánh mật thám Pháp Marty làm Chủ tịch danh dự.
Mộ của Hoàng Cao Khải nằm ở khu vực ấp Thái Hà cũ, nay thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội. Di tích này ít được chăm sóc, đến nay khá là hoang phế. Khu ấp có tính đặc thù cao về kiến trúc, được xây dựng năm 1893. Nằm rải rác ở khu vực phía Tây gò Đống Đa, gồm nhiều công trình kiến trúc tinh xảo được đánh giá là đạt đến trình độ kỹ thuật cao tay trong nghệ thuật điêu khắc đá của người Việt. Ấp Hoàng Cao Khải được xếp hạng di tích quốc gia năm 1962. Bộ Văn hóa lúc đó đánh giá: "Đây là chứng tích duy nhất của nước ta về một quần thể các công trình lăng tẩm, dinh thự của một phó vương"...
Hoàng Cao Khải sáng tác cả bằng chữ Hán lẫn chữ Nôm trên nhiều lĩnh vực. Về lịch sử nổi bật có Việt sử yếu, Việt Nam nhân thần giám, Việt sử kinh bằng chữ Hán, sau được chính ông diễn nôm; Nam sử diễn âm bằng chữ Nôm.
Các sáng tác của Hoàng Cao Khải thường lấy đề tài lịch sử như:
Tây nam đắc bằng (Đi về hướng tây nam gặp được bạn) kể việc Gia Long gặp Bá Đa Lộc nhờ cầu viện nước Pháp,
Trung hiếu thần tiên nói về Hưng Đạo Vương và thời Trần.
Ông cũng soạn các truyện lịch sử mang tính giáo dục luân lý phong kiến như Gương sử Nam, Làm con phải hiếu, Đàn bà Việt Nam...
Ông cũng là soạn giả vở tuồng Gia Long phục quốc.
Hầu hết các sĩ phu đương thời đều coi khinh Hoàng Cao Khải dù Hoàng có tài văn học. Thái độ đó bắt nguồn từ tác phong kẻ sĩ Nho học, vốn bất hợp tác với người Pháp. Hoàng thì ngược lại, cộng tác rất đắc lực với người Pháp. Các con là Hoàng Mạnh Trí, Hoàng Trọng Phu đều làm tổng đốc, Hoàng Gia Mô làm Tri huyện, phục vụ cho người Pháp.
Sĩ phu Hưng Yên có đôi câu đối, chửi khéo Hoàng Cao Khải:
"Ông ra Bắc là may, Quan Kinh lược, tước Quận Công, bốn bể không nhà mà nhất nhỉ".
"Cụ về Tây cũng tiếc, trong triều đình, ngoài baỏ hộ một lòng với nước có hai đâu?"
"Bốn bể không nhà" là ý nói mất gốc; "ông về Tây cũng tiếc": chính nghĩa nói là đi về cõi Tây Trúc, Tây Thiên, âu cũng thiệt thòi nhưng thực ra là nói người Tây tiếc vì mất đi tay sai đắc lực. Còn như "một lòng với nước có hai đâu" chính là một mình ông trung với nước, không có người thứ hai nhưng thực là mỉa có hai nước (nước Nam, nước Tây), ông trung với nước nào ? (Dẫn theo Vũ Ngọc Khánh, "Người có vấn đề trong sử nước ta", Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, 2008)
Đánh giá lại Hoàng Cao Khải.
"Thực tế thì ta thấy, so với nhiều quan lại khác đương thời, Hoàng Cao Khải dù bị quy là tay sai đắc lực cỡ chóp bu của thực dân, nhưng người ta chỉ nghi ngờ ông, chứ ông không bị bất bình, không bị vạch tội ác... Còn như nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh khi sống ở Pháp (1920) được tin cựu Toàn quyền A.Sarraut qua thăm Đông Dương, cụ Phan đã viết thư riêng báo cho "Tân ấp tướng công Hoàng Đại nhân" (lúc này đã về hưu sống ở ấp Thái Hà), trong thư có những đoạn biểu thị tình cảm đối với Hoàng Cao Khải như sau: "Năm 1910, khi Trinh ở Nam Kỳ từng được ngài Tham biện tỉnh Mỹ Tho đem cho xem cuốn Việt sử kính (tức cuốn Gương sử Nam) của ngài soạn. Đọc xong dấy lên nhiều điều cảm xúc. Tuy việc lập ý dùng từ gãy gọn nhẹ nhàng, không thể khiến cho người tuổi trẻ tân tiến hoan nghênh hết được, nhưng trong đó với sự nhìn nay nhớ xưa, xét việc đã qua biết điều sắp tới về tiền đồ thành bại mất còn của Tổ quốc của chúng ta, một lời ca thán ba lần thở dài, trước sự chỉ dẫn ra con đường mê lộ của người nước ta, chưa từng không lưu ý đến nhiều lần vậy. Qua đó, Trinh biết là Tướng công tuy cấp lưu dũng thoái (chảy gấp lui mau), vui thú điền viên, mắt thờ ơ nhưng lòng nóng hổi chưa từng có một ngày quên Tổ quốc." ( https://vi.wikipedia.org).

Ấp Hoàng Cao Khải . ( Ấp THÁI HÀ ).

Ấp Hoàng Cao Khải (còn gọi Ấp Thái Hà hay Lăng Hoàng Cao Khải) là một quần thể các công trình kiến trúc lăng tẩm, dinh thự, được xây dựng bởi Tổng đốc Hoàng Cao Khải dưới triều vua Thành Thái, để an dưỡng lúc về hưu cũng như làm lăng mộ cho gia đình ông.
Lăng Hoàng Cao Khải là công trình kiến trúc bằng đá lớn thứ hai ở Việt Nam (sau thành nhà Hồ), lớn thứ nhất ở Hà Nội và đã được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1962.
Ấp Thái Hà gắn với tên tuổi của chủ nhân là Hoàng Cao Khải, một đại thần dưới triều vua Thành Thái.
Hoàng Cao Khải là người có nhiều ý tưởng canh tân đời sống thôn quê. Tháng 11/1893, những ý tưởng ấy được thể hiện trong việc biến một vùng đất trũng ở phía Tây Nam Hà Nội thành một ấp mang tên Thái Hà (là sự kết hợp địa danh quê hương Đông Thái, Hà Tĩnh, và Hà Nội) tạo ra một mô hình quy hoạch khá mới mẻ tại vùng giáp ranh đô thị.
Chính tại đây, ông đã xây một sinh từ với một quần thể kiến trúc khá độc đáo gồm lăng tẩm và dinh thự.
Khu ấp Hoàng Cao Khải được xây dựng vào năm 1893, gồm 14 công trình kiến trúc lăng mộ, đình chùa... Ở quần thể kiến trúc lăng Hoàng Cao Khải, có thể dễ dàng nhận ra bản sắc kiến trúc triều Nguyễn cuối thế kỷ XIX, thể hiện qua các họa tiết trang trí (lá thông, lá sen), hai hàng lính chầu, đôi rồng đá trên bậc tam cấp với dáng vẻ dữ tợn. Công trình kiến trúc này được đánh giá đạt đến trình độ kỹ thuật cao tay trong nghệ thuật điêu khắc đá của người Việt.
"Sự hình thành của Ấp Thái Hà: 
Ấp Thái Hà nằm trên phần đất của bốn làng : Thịnh Quang, Nam Đồng, Khương Thượng và Yên Lãng (Láng). Gọi là “Ấp” vì đây là “phần thưởng” của thực dân Pháp cho Hoàng Cao Khải - là Kinh lược sứ Bắc Kỳ, một tên tay sai đắc lực của thực dân Pháp trong việc đàn áp phong trào Cần Vương của nhân dân ta, như là một “thực ấp” của các “đại thần” ngày xưa. Mặc dầu đã từng có dinh cơ ở phố Tràng Thi, Hoàng Cao Khải vẫn muốn lập dinh cơ tại đây cho khi về già. Ấp hình thành vào năm 1893.   Tên “Thái Hà” là ghép tên xã và tên tỉnh của quê y (làng Đông Thái, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh; song cũng có thuyết nói “Hà” ở đây là “Hà Nội”).   Năm 1899, thực dân Pháp lập ra “Khu vực ngoại thành Hà Nội” (năm 1915 gọi là huyện Hoàn Long thuộc tỉnh Hà Đông, năm 1942 đổi gọi là Đại lý đặc biệt Hà Nội), gồm 60 làng xã ở vùng ven thành phố Hà Nội, ấp Thái Hà được chọn làm lỵ sở  của  đơn  vị  hành  chính  này.       
 Ấp Thái Hà có tổng diện tích là 150 héc ta. Vì toàn bộ đất đai nằm trên thế trũng, Khải cho đào mương máng ngang dọc, xung quanh để tiêu nước, đất đào lên để tôn nền, rồi chia thành vài chục lô vuông vắn. Khu dinh cơ của Khải chiếm một phần tư ấp, ở góc Đông Nam đường cái (phố Tây Sơn hiện nay) gồm có tư dinh (tòa nhà chín gian) nằm sâu trong cổng chính, cổng phụ, cầu bắc qua hào, tường bao quanh kín đáo, trong nhà trang trí lộng lẫy với các bức hoàng phi, câu đối, bức trướng, các sập gụ, các đồ đồng, đồ sứ quý giá; lăng tẩm có nhà tiền tế, đường thần đạo đi giữa hai dãy tượng quan quân chầu hầu nối với chính tẩm xây bằng đá đẹp; phía trái là sinh từ (đền thờ sống Khải). Vào dịp sinh nhật mình hoặc khi có việc vui, các dịp khánh tiết, Khải thường tổ chức các chầu hát, quan lại các tỉnh về dự khá đông, lại có cả bơi thuyền tại hồ vuông ở phía ngoài..    
   Phần đất ngoài tư dinh của Hoàng Cao Khải được chia thành các lô (rộng từ 5 -  7 mẫu) để bán cho các quan lại cao cấp người Việt xây nhà cửa để biến thành một khu “quý tộc”.     Khải còn khuyến khích dân chúng làm nhà ở xung quanh chùa Đồng Quang ở dưới chân gò Đống Đa, dọc hai bên đường cái thành một đoạn đường phố tấp nập, sau khi các nhà hát cô đầu ở nội thành chuyển về đây thì người nội thành về cư tụ ngày càng nhiều. Thái Hà ấp nhanh chóng trở thành thị trấn  -  phố lớn (năm 1928, có 685 nhân  khẩu) ". (dl.ueb.edu.vn)
"Trong lịch sử, Hoàng Cao Khải, đại thần dưới triều vua Thành Thái, được nhìn nhận như một nhân vật phản diện với những tội danh hợp tác với người Pháp đàn áp các phong trào nghĩa quân chống Pháp. Entry trước đã giới thiệu về khu thái ấp của vị phó vương này. Bạn có muốn ngó vào phòng khách nhà ông ta?

Hoàng Cao Khải, Kinh lược sứ Bắc Kỳ cuối cùng của triều Nguyễn, được người Pháp gọi là Phó vương (vice roi).

Chân dung con người này xuất hiện trên nhiều  tấm bưu thiếp: khăn đóng, áo dài nặng trĩu mề đay, móng tay để dài, khuôn mặt với ánh mắt và khóe miệng độc ác .

Khi về hưu ông ta sống tại ấp Thái Hà, cái tên được ghép từ quê làng Đông Thái, và Hà Nội.


 Hình ảnh vườn cảnh trong khu thái ấp. Chú thích trên các bức ảnh này cho biết chúng được chụp khi vị phó vương này nghỉ hưu (l'ancien vice roi/ ex-vice roi).


Hiên ngoài phòng khách .


Phong cách bài trí pha trộn Đông Tây  .


Không biết chữ Hán nên không rõ hoành phi câu đối viết những gì!


Một con nghê vàng trang trí trong phòng khách .
Ấp Thái Hà 

Theo TS Bùi Xuân Đính trên trang Đông Tác ấp Thái Hà là phần thưởng của thực dân Pháp dành cho Hoàng Cao Khải. Dù đã có dinh thự trong thành phố , vị phó vương muốn lập một khu thái ấp để nghỉ già. Ấp được xây dựng năm 1893, gồm rất nhiều công trình kiến trúc dinh thự, lăng mộ, đình chùa...nằm rải rác trên một không gian rất rộng phía bên trái gò Đống Đa, kéo dài từ phố Đặng Tiến Đông ngày nay tới tận Trường cán bộ Công Đoàn Hà Nội.


Vì khu ấp nằm trên thế trũng, chủ nhân cho đào mương máng ngang dọc, xung quanh để tiêu nước, đất đào lên để tôn nền, rồi chia thành vài chục lô vuông vắn. 




Khu dinh cơ của Hoàng Cao Khải chiếm một phần tư ấp, ở góc Đông Nam đường cái gồm tư dinh nằm sâu trong cổng chính, cổng phụ, cầu bắc qua hào, tường bao. Phần đất ngoài tư dinh được chia thành lô bán cho các quan lại cao cấp người Việt xây nhà cửa để biến thành một khu quý tộc.


Dân chúng được khuyến khích làm nhà ở xung quanh chùa Đồng Quang, dọc hai bên đường cái, tạo nên một đoạn đường phố tấp nập. Đường tầu điện chạy ngang khu thái ấp dẫn vào tận Ngã Tư Sở. Từ đầu thập kỷ 10 của thế kỷ XX, nhiều cơ quan thuê nhà trong ấp để đặt trụ sở, như Viện Đại lý Pháp, Sở Địa chính Bắc Kỳ, Phòng Thí nghiệm vi trùng học. Năm 1927, người Pháp cho lập một trại thu nhận trẻ lang thang tại đây. 


Nhiều công trình trong ấp hiện diện trên các bức bưu ảnh chụp từ cuối thế kỉ XIX đến những năm 30 thế kỉ XX giúp ta hình dung về sự huy hoàng của nó .


Sau CMT8, khu thái ấp về tay chính quyền nhân dân, dù được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia, nhưng trên thực tế nó đã không được bảo quản, nhiều công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật đã bị phá, những chiếc cổng, bờ tường cao không cản được làn sóng người "nhảy dù" vào đây sinh sống . Cùng với thời gian, quần thể kiến trúc "Village du Kinh Luoc" gần như đã biến mất hoàn toàn giữa một biển dân cư phường Trung Liệt.



Lối vào khu lăng mộ Hoàng Cao Khải, đối diện với trường Đại học thuỷ lợi, giờ là con hẻm ngoắt nghéo, bị ép chặt bởi những ngôi nhà dị dạng. Khi được hỏi, những sinh viên chờ xe bus không hề biết cách chỗ mình đứng không xa có một khu lăng mộ được các nhà sử học Việt Nam gọi là thành nhà Hồ thứ hai, còn người Pháp đánh giá là một trong những đỉnh cao của kiến trúc đá phương Đông.

Quần thể ấp bao gồm
Lăng Hoàng Cao Khải .
"Lăng Hoàng Cao Khải

Nằm rải rác trên tổng diện tích 17 ha ở phía Tây gò Đống Đa, cách đường Tây Sơn (Hà Nội) 200m, khu ấp Hoàng Cao Khải (còn gọi là ấp Thái Hà) được xây dựng vào năm 1893, gồm 14 công trình kiến trúc lăng mộ, đình chùa...  Công trình kiến trúc này được đánh giá đạt đến trình độ kỹ thuật cao tay trong nghệ thuật điêu khắc đá của người Việt. Toàn bộ lăng được xây bằng đá theo kiểu chữ "Đinh", dài 8m, cao 6m.  Đá xây dựng được chở về từ phủ Quốc Oai (Hà Tây). Chế tác đá là các hiệp thợ nổi tiếng quanh vùng núi An Hoạch  (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa). Các cột, trụ, xà, bẩy, cửa võng, diềm, tường, nền đều bằng đá và được chạm trổ trau chuốt.




Trong lăng mộ có 2 phần mộ đá, hình cái quách khổng lồ. Gian giữa là nơi thờ tự, bên trái là nơi đặt mộ phần và quan tài của ông Hoàng Cao Khải, còn bên phải là nơi chôn cất vợ ông.
Sau lăng có đồi Nghinh Phong (Đón gió) cao 10m, có hồ Tẩm Nguyệt (Dầm trăng) và những dòng mương uốn lượn.  Ở quần thể kiến trúc lăng Hoàng Cao Khải, có thể dễ dàng nhận ra bản sắc kiến trúc thời Nguyễn cuối thế kỷ XIX, thể hiện qua các họa tiết trang trí (lá thông, lá sen), hai hàng lính chầu, đôi rồng đá trên bậc tam cấp với dáng vẻ dữ tợn.  Bên cạnh lăng Kinh lược xứ Bắc kỳ Hoàng Cao Khải còn có lăng của Hoàng Trọng Phu, quy mô nhỏ hơn nhưng nghệ thuật điêu khắc vẫn giữ tính thống nhất. Cách khu lăng không xa là khu đình thờ của họ Hoàng 7 gian (lớn hơn tất cả những ngôi đình trên địa bàn Hà Nội) theo phong cách kiến trúc dân gian với mái cong hình thuyền và hệ thống vì kèo.  "(dl.ueb.edu.vn).
Công trình quan trọng nhất của quần thể là lăng Hoàng Cao Khải, nằm đối diện với lối lên xuống hồ Tẩm Nguyệt, vốn là lăng chính của vợ chồng Hoàng Cao Khải. Toàn bộ lăng được xây theo kiểu chữ Đinh, làm hoàn toàn bằng đá cẩm thạch trắng, rất lớn và hoành tráng. Lăng dài 8m, cao 6m, ở giữa có một cái bàn đá màu trắng rộng .
Đá xây dựng được chở về từ phủ Quốc Oai (Hà Tây). Chế tác đá là các hiệp thợ nổi tiếng quanh vùng núi An Hoạch (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa). Các cột, trụ, xà, bảy, cửa võng, diềm, tường, nền đều bằng đá và được chạm trổ trau chuốt.
Mộ của Hoàng Cao Khải ở bên trái, của vợ ông ở bên phải, đều bằng đá cẩm thạch trắng cực đẹp, chạm trổ tinh vi, có khắc những dòng chữ Hán sắc xảo. Phía trước mộ là hai hàng lính chầu bằng đá mỗi bên 4 người bồng gươm, cao gần bằng người thật, tầm 1,3m, đầu đội mũ nhỏ có tua đứng gác.
Khu lăng mộ này bây giờ đã bị biến thành trụ sở tuần tra cụm dân cư số 9 của công an phường Trung Liệt. Phía trước lăng, hai hàng lính chầu hiện chỉ còn lại 3 bức tượng và cả 3 đều mất phần chân do bị tôn nền xi măng trùm lên.Lăng Hoàng Trọng Phu
Phía bên phải, cách lăng mộ Hoàng Cao Khải mấy chục mét là khu lăng mộ Hoàng Trọng Phu, con trai trưởng của Hoàng Cao Khải, từng giữ chức Tổng đốc tỉnh Hà đông, Võ hiển điện Đại học sĩ, hàm Thái tử Thiếu bảo. Đây cũng là một công trình kiến trúc bằng đá lớn, được xây bằng đá xanh, đẹp và uy nghi không kém.
Lăng Hoàng Trọng Phu cùng với lăng Hoàng Cao Khải đều được xây theo một phong cách nghệ thuật thống nhất, với các cột, trụ, xà, bảy, tường, nền đều bằng đá và được chạm trổ các họa tiết tinh xảo.
Từ năm 1972 đến nay, công trình này đã bị ba hộ dân chiếm dụng. Khu lăng còn một đôi rồng đá khá nguyên vẹn ở nơi trước kia vốn là cửa lăng. Ngày nay cửa đã bị bít lại và khu vực này biến thành nơi để xe và chậu cảnh.
Trên rất nhiều bức bưu ảnh thời Pháp bắt gặp dòng chú thích Village du Kinh Luoc. Bạn biết gì về vị quan đầu triều thời Nguyễn và khu thái ấp của ông ta? 


Công trình trong hai bức bưu ảnh trên giống nhau đến mức người ta dễ kết luận chúng là một nếu không để ý đến những dòng chú thích "La pagode de Vua Le" và "Monument funéraire du Kinh Luoc".


Kiến trúc nhà bia và trụ đá đặt tượng vua Lê bên hồ Hoàn Kiếm được sao chép và đưa vào một công trình được xây dựng để suy tôn chính mình của một nhân vật đã đi vào lịch sử với tội danh hợp tác đắc lực với thực dân Pháp trong việc đàn áp các phong trào khởi nghĩa - Kinh lược sứ Bắc Kì  Hoàng Cao Khải (vice roi - phó vương - theo cách gọi của người Pháp.  
Lối vào khu lăng mộ Hoàng Cao Khải, đối diện với trường Đại học thuỷ lợi, giờ là con hẻm ngoắt nghéo, bị ép chặt bởi những ngôi nhà dị dạng. Khi được hỏi, những sinh viên chờ xe bus không hề biết cách chỗ mình đứng không xa có một khu lăng mộ được các nhà sử học Việt Nam gọi là thành nhà Hồ thứ hai, còn người Pháp đánh giá là một trong những đỉnh cao của kiến trúc đá phương Đông.

Lăng Hoàng Cao Khải 

 Tuy không sánh được với lăng tẩm các vị vua triều Nguyễn ở Huế về quy mô, nhưng lăng Hoàng Cao Khải được đánh giá là công trình kiến trúc đá đặc sắc. Vì những giá trị của quần thể di tích kiến trúc này, ngày 25-11-1945, trong Sắc lệnh bảo vệ di tích cổ vật, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương giữ nguyên hiện trạng khu ấp. Bộ Văn hóa Thông tin cũng đánh giá: Đây là chứng tích duy nhất của nước ta về một quần thể các công trình lăng tẩm, dinh thự của một phó vương...Nhưng trên thực tế sự lẫn lộn trong việc đánh giá một nhân vật trong quá khứ với giá trị văn hoá lịch sử của một công trình kiến trúc là nguyên nhân làm cho khu di tích này mất tích.
 Những đoạn tả khu lăng mộ Hoàng Cao Khải của những thế hệ người khác nhau từng sống tại nơi này.
 "Bước qua cổng ấp, thẳng trước mặt chúng tôi và ở tít tận đằng xa là Dinh cụ Quận - Trong "Ăn Tết bên ngoại" Văn Ngọc kể về những kỉ niệm thời thơ ấu trước CMT8 - Nhưng trước khi tới đó, chúng tôi còn phải đi qua một chỗ có cái đài bằng đá hoa cương nhẵn bóng, màu thẫm, bệ hình tròn, cao độ 60cm, đường kính độ dăm thước, có bậc để đi lên, ở giữa đài là một cây cột trụ đúc bằng gang, có đường chỉ trang trí như một thức cột. Bao giờ chúng tôi cũng dừng lại để trèo lên đây đùa nghịch một lúc, bắt mẹ chúng tôi phải chờ đợi. Nhưng đi mấy bước nữa, đến gần dinh cụ Quận, thì chúng tôi chẳng còn dám ho hoe, nghịch ngợm nữa. Không hiểu sao, cái không khí lạnh lẽo toát ra từ nơi này luôn luôn làm cho chúng tôi hãi sợ, có lẽ vì hình ảnh cái chiêng và cái trống nằm ở hai đầu hiên vắng ngắt, và đã phủ một lớp bụi thời gian, khiến cho chúng tôi không khỏi liên tưởng đến những vụ xử trảm rùng rợn đã từng xảy ra ở nơi này thời cụ Quận còn sống. Người dân ở đây đồn rằng, đêm đêm vẫn nghe thấy tiếng chiêng rất bi ai từ trong dinh ngân ra!"





Cây cột Văn Ngọc nhắc đến hiện diện trên rất nhiều bức bưu ảnh thời ấy, chủ nhân thái ấp có ý gì khi sao chép và dựng trong khu lăng mộ của mình một bản sao trụ đá đặt tượng vua Lê (xem entry trước), nhưng trái với mong muốn, cây cột đã không tồn tại với thời gian, không rõ công trình này bị phá bỏ khi nào vì không thấy bóng dáng nó trong đoạn hồi kí của một người Hà nội tả khu lăng thập kỉ 60.

"Đối diện với cổng trường đại học Thuỷ Lợi ngày nay là cổng chính vào lăng Hoàng Cao Khải. Phía ngoài đường cái (đường Nguyễn Trãi ngày nay) là một bức tường rào phía trước lăng, cao đến hơn 4 mét, dài cả trăm mét, ở chính giữa là cổng vào lăng làm bằng sắt rất lớn với những hoa văn đúc bằng gang, hai cánh mở ra hai bên rộng đến mức ô tô tải vào được. Qua cổng là một con đường lát gạch đinh rộng khoảng 4 mét dẫn vào bên trong, hai bên là vườn nhãn và thảm cỏ xanh tốt quanh năm. Ngay lối vào lăng ở phía bên trái là mộ của con gái út Hoàng Cao Khải, cạnh mộ có hai cây roi to, quả rất ngon. Quá một chút là mộ con gái thứ của ông ta xây bằng gạch và xi măng. 

Con đường dẫn vào thẳng đến một cái hồ bán nguyệt tuyệt đẹp ở trung tâm của lăng, vòng cung hướng ra ngoài, có bờ gạch xây cao lên cách mặt đất 40 cm rất sạch sẽ, bờ bao quanh hồ xây gạch đinh xuống đến tận đáy, trên thành hồ có những hốc thoát nước hình vuông cách đều nhau khoảng 30 mét để thoát nước ra ngoài khi hồ quá đầy vì một lý do nào đấy. Dưới hồ trồng sen, nước trong hồ trong suốt và rất sâu. Chỉ có một lối xuống hồ duy nhất là ở chính giữa bờ thẳng phía bên trong nơi người dân ở quanh vùng đến gánh nước về ăn, không ai được phép rửa ráy hay tắm giặt ở đây. Người ta có thả cá chép trong hồ, không phải để ăn mà là để kiểm tra chất lượng nước. 

Đối diện với lối lên xuống hồ là lăng chính của vợ chồng Hoàng Cao Khải hoàn toàn bằng đá cẩm thạch trắng, rất lớn và hoành tráng, trần cách sàn hơn 4 mét, ở giữa có một cái bàn đá màu trắng rộng và rất mát, trẻ con leo lên đó ngồi dăm bảy đứa thoải mái. Mộ của Hoàng Cao Khải ở bên trái, của vợ ông ta ở bên phải, đều bằng đá cẩm thạch trắng cực đẹp, chạm trổ tinh vi, có khắc những dòng chữ Hán sắc xảo. 

Phía trước mộ là hai hàng lính đá mỗi bên 4 người bồng gươm, cao gần bằng người thật, đầu đội mũ nhỏ có tua đứng gác." 












Để ý các bức ảnh trên sẽ thấy ban đầu mộ (hoặc mộ chờ) của vợ chồng Hoàng Cao Khảo để lộ thiên trên một nền đá có tường bao, bờ tam cấp dẫn lên được trang trí bằng hai khối đá tạc hoa văn cách điệu hình rồng, về sau một toà lăng được dựng bên trên, toà lăng này còn tồn tại tới ngày nay.
 Tiếp tục lời kể: "Phía sau mộ là một quả đồi khá cao, trên đỉnh đồi dựng một nhà tam quan để hóng mát. Từ trên đồi có thể nhìn thấy toàn cảnh một vùng rất rộng. Có một bậc thang xây bằng gạch đinh màu đỏ rộng đến 8 mét từ chân đồi thẳng lên đến tận nhà tam quan trên đỉnh đồi, tổng cộng có 108 bậc. Có một dạo người ta lấy nơi đây làm nhà mẫu giáo. Ngày hai buổi sáng, chiều các bé cùng phụ huynh phải leo bậc thang mệt đứt hơi, sau vì bất tiện mới bỏ. Bên phải mộ Hoàng Cao Khải là mộ Hoàng Trọng Phu, con trai trưởng của Hoàng Cao Khải xây bằng đá xanh, đẹp và uy nghi không kém."


Và những gì diễn ra sau khi khu thái ấp này được công nhận là di tích quốc gia? 
"Trước 1963, nơi đây thường được các trường ở Hà Nội chọn làm nơi cắm trại cho học sinh. Ngày thường ở đây rất vắng vì trong khu vực lăng chỉ có vài gia đình sinh sống ở mép rìa bên phải và bên trái phía sau lăng. Mọi chuyện bắt đầu thay đổi vào một buổi tối mùa đông năm 1964 khi những người sống gần đó nghe thấy một tiếng động lớn từ phía lăng mộ Hoàng Trọng Phu. Sáng ra mới biết có kẻ đã phá mộ để tìm của. Rồi khu lăng mộ được canh gác cẩn thận nhưng số người tò mò ngày càng tăng. Khi giặc Mỹ bắt đầu đánh bom miền Bắc, khu lăng mộ yên tĩnh và tuyệt đẹp này bắt đầu bị xáo trộn bởi những người không biết ở đâu đến dựng nhà và ở luôn. Vì chính quyền không can thiệp nên làn sóng người đến chiếm đất làm nhà ngày càng tăng. Đến khi giặc Mỹ ném bom Khâm Thiên thì hàng loạt gia đình trên phố đổ bộ vào lăng Hoàng Cao Khải và đường vào Chùa Bộc là hai nơi hoang vắng bậc nhất thời bấy giờ. Tất cả các công trình kiến trúc nguy nga tráng lệ bị xâu xé tan hoang, đất bị chiếm, hồ bị lấp, cây bị chặt, đồi bị san. Cái con đường bé chỉ đặt vừa bàn chân của những người đi cúng chùa Bộc tạo nên bỗng chốc biến thành một cái xóm có tên nôm na là Xóm Liều bởi ở đó người ta từ nhiều nơi đổ về dựng nhà dựng cửa sinh sống, chả còn gì để mà không liều. Thời chiến tranh mà, thông cảm. Ai chứng kiến cảnh này vào thời đó thì biết rõ một điều là xét về nguồn gốc thì những gia đình sống trong phạm vi lăng Hoàng Cao Khải và đường Chùa Bộc ngày đó không ai có một tờ giấy lận lưng cả. Tất cả đều nhảy dù vào hết. Sau này, mọi thứ giấy tờ, bằng khoán, chủ quyền nhà đất của họ đều là hợp thức hoá cả thôi. Tiếc thay, một công trình tuyệt mỹ đã bị san bằng. Kể ra thì cũng khó bảo tồn: Hoàng Cao Khải là quan đầu triều của triều Nguyễn làm tay sai cho Pháp có nhiều nợ máu với dân thì làm sao có thể bảo tồn lăng mộ của ông ta truyền lại cho hậu thế tương tự như các ông vua ở kinh thành Huế được. Có tiếc chỉ là tiếc cái tài hoa, khéo léo, công sức và trí tuệ của những người thợ thủ công ngày xưa. Nhà tôi sống ở cạnh đó, cách cái lăng này có một cái hồ nhỏ, ngày nào chả qua đây trèo roi, câu cá nên thuộc lòng từng vết nứt của các viên gạch, từng nét khắc hoạ trên đá, từng cái bướu trên cây. Ờ, mà cá chép trong hồ sen này cực ngon nha, dưới hồ chỉ toàn sen, lơ thơ vài cọng rong đuôi chó, nước thì trong vắt, có gì ăn đâu, thế mới lạ. Thôi, tất cả đã qua rồi." 
Thuộc thế hệ con cháu bác Thảo Nguyên, nhưng tôi còn nhớ rất rõ khu lăng này. Hồi học trường Trung Liệt (phía sau gò Đống Đa), các bạn trong lớp tôi phần lớn là dân Thái Hà và xóm liều Chùa Bộc, những buổi nghỉ học chúng tôi thường lang thang sang lăng chơi hay đi xem thi bơi ở bể bơi Đống Đa, ấn tượng về khu lăng trong tôi là một cảm giác lạnh lẽo, rờn rợn. Không biết bao nhiêu lần tôi đã hỏi dám bạn "thổ dân" trong cái quan tài đá kia có xác người không, và cũng chưa bao giờ tôi dám đá bóng ở cái khoảnh sân có mấy ông quan bằng đá đứng nhìn. 
Hơn ba năm quay trở lại nơi này, cái cảm rờn rợn ấy vẫn không mất, thêm vào đó là cảm giác rùng mình vì sự man rợ của con người

Hồ nước trong và sâu với cái tên mỹ miều Tẩm Nguyệt (Dầm Trăng) giờ trở thành hồ chứa nước thải, bám quanh nó là một các chợ ồn ào, bẩn thỉu với đủ các loại hàng quán, dịch vụ.

Lối xuống hồ bị bịt bằng những thứ phế thải. Khó khăn lắm mới nhận ra lăng Hoàng Cao Khải mầu đá xám chìm nghỉm dưới những ngôi nhà, quán nhậu. Một tấm biển "Sân chơi trẻ em" treo trước lăng.

Công trình phúc lợi công cộng mang tên "Sân chơi trẻ em". Lăng bị biến thành Trụ sở tuần tra nhân dân cụm 9 phường Trung Liệt. Tất cả các khoảng trống của kiến trúc đá được bịt kín bằng gạch, lỗ hoa và cửa sắt, một lớp nước xi măng được quét lên giả mầu đá. 


Không khí thê lương bao trùm phía trong những bít bùng này. Bàn ghế phủ bụi lỏng chỏng khắp nơi, vương vãi bên hai cỗ quan tài đá - phần mộ của vợ chồng Hoàng Cao Khải - vài cọng chân hương chuột xô đổ.

Vỡ mẻ nham nhở một bậc tam cấp với hai bờ đá tạc khối mây hình rồng ám những vết khói vì hoá vàng, có vẻ như hậu duệ của dòng họ này vẫn qua đây thắp hương cho người đã chết .

Quan quân xếp hàng tám vị giờ còn ba, bị chôn chặt vào nền bê tông đến quá đầu gối . 
sứt sẹo .

Còn cái vật nằm chơ giữa vũng nước nước rửa bát trước nhà hàng kia chẳng nhận ra là mảnh vỡ còn lại của thứ gì: chẳng phải người, cũng chẳng phải ngựa, voi ...
Bài này dài nên dienbatn phân làm 2 bài. 
Xin theo dõi tiếp bài 8. dienbatn.

1 nhận xét:

  1. Bài viết của chú Hùng thật hay, giá trị lịch sử rất sâu sắc

    Trả lờiXóa