Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

KHẢO SÁT MỘT SỐ NGÔI MỘ CỦA TIỀN NHÂN ĐỂ LẠI . BÀI 12.

KHẢO SÁT MỘT SỐ NGÔI MỘ CỦA TIỀN NHÂN ĐỂ LẠI . BÀI 12.

Sau rất nhiều chuyến điền dã khảo sát Phong thủy âm trạch , dienbatn còn giữ được một số tư liệu về những ngôi mộ cổ do tiền nhân đặt từ xưa . Nay đăng lại trong Blog này làm tư liệu và mong rằng những Thày Địa lý của Việt Nam hiện nay nghiên cứu và hy vọng sẽ rút ra được những điều bổ ích cho mình , ngõ hầu có thể giúp cho những thân chủ của mình một cuộc sống an vui , hạnh phúc.
Sách có câu :"Tiên tu nhân lập âm chất,nhi hậu tầm Long ". 
Người người đều muốn có được một Địa trạch tốt tươi,nhằm thăng hoa cuộc sống vật chất đầy đủ,công danh hiển hách,vợ đẹp con ngoan,Gia đình hạnh phúc.Sách THÔI QUAN THIÊN viết :"Trong nhà có người đức hạnh cao thượng thì đất đá trên núi gần đó nhất định có Linh khí ".Qua câu nói trên tức là con người làm chủ Linh khí vạn vật do phần Tâm khí của chính mình.Các Phong Thủy Sư không hiểu điều này thì dủ có Trích Huyệt Tầm Long được Bảo địa cũng chẳng linh nghiệm. 
Những việc Tầm Long Địa Huyệt còn phải hội thêm phần cảm ứng tức là Thiên Đạo (Đạo Trời );sự ứng nghiệm của việc hành thiện lập âm chất,tạo nhân quả tốt.Tục ngữ có câu :"Âm địa tốt không bằng Tâm địa tốt ".Do vậy,tìm kiếm chọn lọc được Địa mạch Huyệt vị,Phong Thủy Sư phải tích đức hành thiện làm căn bản.Nếu kẻ nào có phẩm chất cao thượng,thì ắt Thiên cơ sẽ ứng,Địa cơ theo đó mà tăng thêm sự tốt lành cho con cháu đời sau hưởng Phúc.Bởi Tâm địa thiện lương thì tương ứng với Địa mạch cát lợi ,vận Trời ứng cho,chứ chẳng phải chủ quan tâm về hình thức mà quên đi nội dung,cứ tưởng rằng tầm được Long huyệt rồi,con cháu đời sau sẽ được hưởng Phúc,cái gốc chúng ta chẳng lo mà lại đi lo cái ngọn,rõ là ta chẳng biết gì cả.Nếu như các Phong Thủy Sư họ tài giỏi như thế thì ắt họ phải giành những huyệt Đế Vương,Công Hầu,Khanh tướng cho con cháu họ,chứ dại gì mà họ chỉ cho ai ? 
Quách Phác nói :"Cát hung cùng cảm ứng lẫn nhau,họa phúc cũng tự nhiên theo Tâm khí chiêu cảm mà đến ". 
Khi táng di hài Tổ tiên,chắc người ta phải chọn Địa huyệt thật tốt mà an táng,song song với việc trên ,người tại tiền phải nỗ lực tu dưỡng thân,tâm cầu lấy gốc rễ của Đạo.Nếu chỉ chú trọng quan sát hình thể Địa huyệt,sẽ cho kết quả trái ngược,làm tổn hại đến con cháu đời sau. 
Nếu như có Nhân,tất phải có Quả;nhưng Nhân -Quả thiện ác tùy vào Tâm khi chiêu lấy họa phúc.Cũng như ngày xưa có người chết được Thiên táng hay Địa táng một cách ngẫu nhiên,con cháu sau này phát Đế Vương,Công hầu.
Triệu Quang viết cuốn :"PHONG THỦY TUYỂN TRẠCH TỰ ",có nói rằng :"Vô phước cho ai không có nhân duyên mà được Huyệt tốt ".Dẫu cái tốt,xấu của Phong thủy Huyệt mộ ảnh hưởng đến cát hung,nhưng Âm đức của con người có thể cải biến được Vận -Mạng.Đến như các bậc Tiền bối Phong thủy như Cao Biền,Quách Phác tài giỏi kinh Thiên động Địa ,nhưng khi gặp Huyệt Đế Vương cũng không dám dành cho mình,bời biết đạt Địa lợi,nhưng Thiên thời và Nhân hội còn khuyết,không dám nghỉ bàn.Tóm lại việc "TIÊN TÍCH ĐỨC,NHI HẬU TẦM LONG " của người xưa dạy quả không sai. 

9/ LĂNG MỘ VÀ NHÀ THỜ CỤ GIANG VĂN MINH TẠI ĐƯỜNG LÂM.


1.GIANG VĂN MINH.

Giang Văn Minh (chữ Hán: 江文明, 1573 - 1638 ) tự Quốc Hoa, hiệu Văn Chung, là quan nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam. Ông được mệnh danh là vị sứ thần "Bất nhục quân mệnh" (Không để nhục mệnh vua) vì đã đối đáp thẳng thắn trước triều đình Trung Quốc và bị vua Minh Tư Tông hành hình vào năm 1638, thọ 65 tuổi.
“Gia phả dòng họ danh nhân Giang Văn Minh 江文明 ở Sơn Tây. Đầu sách có bài Tựa cho biết dòng họ này lấy tên là họ Giang đến lúc viết tựa đã 10 đời, Thủy tổ tính từ Đức Biền giữ chức Vệ úy đội Thần vũ triều Lê đến đời Thám hoa Giang Văn Minh là đời thứ 4. Đầu sách có một bài đề từ, tiếp đến là bảng kê phần mộ và ngày giỗ của các bậc tổ của cả hai chi Giáp Ất, từ thủy tổ khảo đến đời thứ 6. Tiếp đến là phần chép câu đối treo ở nhà thờ. Giang tộc từ đường kí: Từ đường làm xong năm Thiệu Trị Ất Tị 紹治乙巳(1845), lấy tên họ Giang làm tên nhà thờ. Họ Giang là một dòng vọng tộc trong vùng đã hơn 10 đời. Thủy tổ là thần vũ vệ úy Đức Biền đặt cơ nghiệp cho con cháu. Thám hoa Văn Trung quận công (Giang Văn Minh), cụ Hiến sát sứ (Giang Văn Tông)…Phả ghi rõ: Vệ úy công là tổ đầu được đặt họ Giang, Thám hoa công là tổ phát tộc, Hiến sát công là tổ chi Tiểu tông. Cuối có bài minh. Giới thiệu hành trạng, cuộc đời của Vinh quận công Giang Văn Minh. Các nghi thức trong gia tộc khi tế tại nhà thờ…” (Thọ, pp. 143-149). ( http://lib.nomfoundation.org/).
" Đời vua Thiệu Trị nhà Nguyễn, mùa xuân năm Ất Tỵ (1845), nhà thờ họ Giang được xây dựng với tên gọi: "Giang tộc từ đường".
Họ Giang có gia phả, một họ có tên tuổi ở làng, đến nay đã có hơn mười đời.
Cụ Thuỷ tổ, quan võ đời Lê, chức Thần Võ Vệ uý, hiệu Đức Biền. Cụ là người xây dựng nền móng họ Giang ta.
Cụ Thám hoa, Văn Chung quận công; cụ Hiến sát cương trực, đã góp nhiều công nhiều đức từ nhỏ đến lớn vun đắp dòng họ vẻ vang tốt đẹp.
Họ Giang trước vẫn có thờ cúng, nhưng chia làm chi phái để thờ. Do đó có hạn chế về hiểu biết; chỉ biết các đời gần, mà không biết các đời xa, chỉ biết huyết thống nhỏ, mà không hiểu biết về huyết thống lớn. Bởi lẽ đó cần hợp lại xây nhà thờ, cùng chung nơi thờ cúng tổ tiên của họ.
Trong sách thánh hiền: Trình Tử và Chu Tử thường nói: "Tiết vu lễ, đích vu tình" (Mọi việc lễ bái, cốt có tình người). Bởi lẽ đó mà họ Giang xây dựng lên nhà thờ như vậy.
Ba gian nhà trên làm bái đường (nơi thờ cúng tổ tiên), năm gian nhà dưới là nhà để bia, đồ thờ, vật dụng, nơi mà ngày giỗ tổ cả họ đến tập trung để cúng lễ. Nhà xây tường gạch vững chắc. Mọi chi phí trong việc xây dựng nhà thờ, người trong họ góp công sức tiền của, kể cả đất đai hương hoả của Ất nhị chi và Ất tứ chi cũng hiến góp để xây dựng từ đường.
Cụ Vệ uý là Thuỷ tổ của họ, cụ Thám hoa - quan trạng đầu tiên của họ, cụ Hiến sát ở hàng cháu đều được thờ cúng ở từ đường, bởi lẽ cụ Thám hoa có tiếng tăm đi sứ là như vậy, cụ Hiến sát nếu có tách ra cũng là chi trưởng vậy. Do đó phải có nhà thờ chung để thờ cúng tiên tổ của họ.
Các thế hệ nối tiếp về sau phải căn cứ thứ bậc mà theo. Từ một, hai đời (tả chiêu, hữu mục) đến trăm đời về sau vẫn nghĩ đến dòng họ, vẫn có nhà thờ chung để thờ cúng tổ tiên.
Than ôi! Một gốc không thể cắt bỏ cành nào được. Cùng một dòng họ, các thế hệ có khác nhau, nhưng cùng thờ cúng chung một tổ tiên.
Ta không thể chia ra, mà coi xem gần hay xa, thân hay sơ, mà phải biết cùng nhau đến nhà thờ để cúng bái tổ tiên.
Thờ cúng tổ tiên, điều đó phải cùng nhau biết tôn kính. Họ ta từ xưa đã có quy ước, khuôn phép, lấy đó ghi chép mà theo, làm cho họ Giang vẻ vang, cho người đời biết đến.
Minh viết (Gia phả ghi chép rõ ràng):
Mười đời về trước, và mãi đến trăm đời về sau đều biết.
Mừng thay! Mừng thay! Đây là từ đường họ Giang, đây là văn bia ghi chép.
Triều Nguyễn, Tự Đức năm thứ hai, tháng giêng, năm Kỷ Dậu (1849).
Cháu đời thứ 10 của họ Giang 
Đỗ giải nguyên khoa Giáp Ngọ - Đô sát viện, Kinh kỳ đạo trưởng, giám sát ngự sử.
Giang Văn Hiển phụng bái.
(Giang Văn Khuê dịch ra quốc ngữ.)"
"Giang Theo Nguyên Hà Tính Toản, chắt vua Chuyên Húc là Bá Khôi được ban cho đất Giang Lăng để cai trị. Vào thời Xuân Thu, nước Giang bị nước Sở thôn tính, cháu chắt Bá Khôi đã chọn tên Giang làm tên họ để tưởng nhớ nước Giang."

2. LĂNG MỘ CỤ GIANG VĂN MINH.


Sau khi thi hài được đưa về nước, Giang Văn Minh được chôn cất tại Đồng Dưa, thuộc xứ Gò Đông, [thực ra là Gò Đõng - NXD] thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm . Trên cánh đồng này có một quán (hiện có dạng ngôi nhà) nhỏ là nơi linh cữu ông đã được quàn và gọi là quán Giang. Hiện nay, nhà thờ ông ở làng Mông Phụ đã được nhà nước Việt Nam xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa . ‎( Nguyễn Xuân Diện blog ).








Lăng mộ của cụ Giang Văn Minh nằm trên Gò Đõng thuộc Đồng Dưa , phía trước thôn Phụ Khang ( Cách con đường từ Sơn Tây đến vòng xoay đi cầu Vĩnh Thịnh ). Lăng mộ có hướng khoảng 301-305 độ - Tọa Tốn - Hướng Càn - Tây Bắc - Phân Kim : Bính Thìn - Nhâm Tuất . Theo bảng " Sai thác không vong - Châu bảo tuyến " - Vị Tuất có : Giáp Tuất ( Không vong ) - Bính Tuất ( Châu bảo ) - Mậu Tuất ( Hỏa Khanh ) - Canh Tuất ( Châu bảo ) - Nhâm Tuất ( Không vong ) . Không rõ tại sao ngày xưa khi phân kim cho cụ Giang Văn Minh lại phạm vào Nhâm Tuất ( Không vong ) . " Nhâm Tuất khí, 7 phân Tuất, 3 phân Kiền, sinh ra người chết non, không có của cải, Ly hương vào chùa tu đạo, tổn khê, khắc tử, bại phòng 2 (con thứ 2 bại), thoái bại không thể lo   tính   thoát   khỏi.  Điềm  ứng   vào   những   năm   Thân,   Tý,   Thìn.   Nếu   thấy   thủy   Thìn,   Tuất phương xung thì trong quan tài có đầy bùn nước ngập ". Tọa hướng Nhâm Thìn ( Hỏa Khanh ) : " Bính Thìn khí, 7 phân Thìn, 3 phân Tốn, thì người ngoài được phát phúc no ấm, yên ổn, rước con rể vào phòng (rước họa vào nhà) đời sau bại tuyệt vô tử, ứng vào những năm Thân, Tý, Thìn. Nếu thấy Dần, Thân thủy xung vào, thì bị rễ cây đâm vào quan, vong nhân bất an. ".
Nhìn trên bản đồ vệ tinh ta nhận thấy, hướng mộ nhìn xuống Rộc Đụn và sông Tích phía trước mặt , nhưng phía xa hơn là dãy núi Ba Vì chắn ngang sừng sững. Phía bên Bạch hổ là khu trũng xuống gọi là Rộc Gậy , phía xa nữa là vòng cung sông Hồng bắn tia ác xạ vào.



Có một con đường nhỏ đơn sơ đi từ ngoài đường cái vào khu Gò Đõng thuộc Đồng Dưa . Đường đi sau lưng khu lăng mộ và đi vào bên Thanh Long. Khu Lăng được chia làm 2 phần riêng biệt , phần chứa mộ và phần nội Minh đường để trống trồng 2 bên hai cây hoa sứ . Khu lăng mộ được bao quanh bởi lớp tường rào cao khoảng 1,2 m , có gắn những song thưa để cho đường khí vận hành. 


Chữ lớn phía trên mái lăng mộ : 雄 英 古 千- THIÊN CỔ ANH HÙNG - Lấy từ câu 使 不  辱  君命可  爲千古英雄 -  “Sứ bất nhục quân mệnh,  khả vi thiên cổ anh hùng” - (Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ).

Phía trên lăng mộ có bốn mái cong được đỡ bằng 4 cây cột . Hai cây cốt trước có hai câu đối.


Câu đối ở mặt trước ghi :
Khôi khoa sự nghiệp tồn khuê các,
Tinh sứ huân danh trọng đẩu nam. ( Chu Xuân Giao dịch ).
星 使  勳名重斗南 - tinh sứ huân danh trọng đẩu nam : tiếng thơm khi đi sứ "đẩu nam" liên hệ với "bắc đẩu", ý như là đối Việt Nam với phương Bắc. "Trọng" là làm nặng, làm nghiêng.
魁 科事業存奎閣 - khôi khoa sự nghiệp tồn khuê các : sự nghiệp khoa bảng mà được đỗ đầu còn lưu ở gác văn chương.




Câu đối tại mặt bên ghi :
聲 蹟 同 垂 南 北 史 ,
精 神 長 在 子 孫 身 。
Thanh tích đồng thùy Nam Bắc sử,
Tinh thần trường tại tử tôn thân.
(Tiếng tăm cùng để lại trong sử sách phương Nam, phương Bắc .
Tinh thần mãi còn ở bản thân con cháu.)
Phía đầu mộ có tấm dựa hình tay ngai vuông được xây bằng gạch và có tấm bia viết chữ Việt . Phía dưới là bát hương và nơi đặt lễ. Phía đầu mộ có tấm bia chữ Hán.
Khu mộ được xây bằng đá ong kết hợp với gạch và xi măng . Phía trước mộ có tay ngai vuông và một tấm bình phong khá đơn giản.







Phần nội Minh đường phía trước cũng xây hàng rào bao và có một tấm bình phong cao hơn phần mộ .


Và phía trước là ruộng lúa trũng xuống.
Gò bên Bạch hổ .

Gò bên Thanh Long .


3.QUÁN GIANG.
Từ phía bên Đền Và có một con đường nhỏ đi về lăng mộ cụ Giang Văn Minh. Ngày xưa có lẽ đây mới là con đường chính đi từ Thăng Long về .


Tục lệ của dân Đường Lâm là những người mất ở nơi khác , khi làm tang lễ không được đưa đi qua đường làng mà phải quàn ở những điếm canh ngoài đồng. Đối với trường hợp cụ Giang văn Minh cũng vậy . Khi thi hài cụ được đưa từ Trung Quốc về , người ta làm tạm một cái nhà quàn ngay bên đường cái , cách khu lăng mộ cụ khoảng 500 m và làm lễ tại đó . Sau này người ta tu bổ lại và đặt bát hương thờ và được gọi là quán Giang .






4.NHÀ THỜ HỌ GIANG.

Nằm trong trung tâm của quần thể di tích Làng cổ ở Đường Lâm, di tích Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh đang trở thành điểm đến tham quan, tìm hiểu của nhiều du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trải qua thời gian lâu dài, nhiều hạng mục, cấu kiện gỗ của công trình đang bị xuống cấp . Nguyện vọng và sự mong mỏi của dòng họ và nhân dân là sớm nhận được sự quan tâm đầu tư kinh phí của Nhà nước để di tích đựơc tu bổ, sửa chữa, bảo đảm là nơi linh thiêng, xứng tầm với công trạng của Thám hoa và cũng là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Nhà thờ của họ Giang ở thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Di tích được xây dựng từ đời Tự Đức để thờ Thám hoa Giang Văn Minh (1573 - 1637), người được vua Lê Thần Tông cử đi sứ sang Trung Quốc. Ông đã dũng cảm đối đáp để bảo vệ danh dự dân tộc trước sự xúc phạm của vua Minh. Nhà thờ được người trong họ xây bằng gạch thời tự Đức (1847-1883), kiến trúc theo kiểu chữ “nhị”, hướng Nam. 


Cổng vào nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh.
Tiền đường là một ngôi nhà gồm năm gian nhỏ, có cửa khép kín.



Bia nhà thờ họ Giang do cụ Giang Văn Hiển lập năm 1849 .

Đời vua Thiệu Trị nhà Nguyễn, mùa xuân năm Ất Tỵ (1845), nhà thờ họ Giang được xây dựng với tên gọi: "Giang tộc từ đường".
Họ Giang có gia phả, một họ có tên tuổi ở làng, đến nay đã có hơn mười đời.
Cụ Thuỷ tổ, quan võ đời Lê, chức Thần Võ Vệ uý, hiệu Đức Biền. Cụ là người xây dựng nền móng họ Giang ta.
Cụ Thám hoa, Văn Chung quận công; cụ Hiến sát cương trực, đã góp nhiều công nhiều đức từ nhỏ đến lớn vun đắp dòng họ vẻ vang tốt đẹp.
Họ Giang trước vẫn có thờ cúng, nhưng chia làm chi phái để thờ. Do đó có hạn chế về hiểu biết; chỉ biết các đời gần, mà không biết các đời xa, chỉ biết huyết thống nhỏ, mà không hiểu biết về huyết thống lớn. Bởi lẽ đó cần hợp lại xây nhà thờ, cùng chung nơi thờ cúng tổ tiên của họ.
Trong sách thánh hiền: Trình Tử và Chu Tử thường nói: "Tiết vu lễ, đích vu tình" (Mọi việc lễ bái, cốt có tình người). Bởi lẽ đó mà họ Giang xây dựng lên nhà thờ như vậy.
Ba gian nhà trên làm bái đường (nơi thờ cúng tổ tiên), năm gian nhà dưới là nhà để bia, đồ thờ, vật dụng, nơi mà ngày giỗ tổ cả họ đến tập trung để cúng lễ. Nhà xây tường gạch vững chắc. Mọi chi phí trong việc xây dựng nhà thờ, người trong họ góp công sức tiền của, kể cả đất đai hương hoả của Ất nhị chi và Ất tứ chi cũng hiến góp để xây dựng từ đường.
Cụ Vệ uý là Thuỷ tổ của họ, cụ Thám hoa - quan trạng đầu tiên của họ, cụ Hiến sát ở hàng cháu đều được thờ cúng ở từ đường, bởi lẽ cụ Thám hoa có tiếng tăm đi sứ là như vậy, cụ Hiến sát nếu có tách ra cũng là chi trưởng vậy. Do đó phải có nhà thờ chung để thờ cúng tiên tổ của họ.
Các thế hệ nối tiếp về sau phải căn cứ thứ bậc mà theo. Từ một, hai đời (tả chiêu, hữu mục) đến trăm đời về sau vẫn nghĩ đến dòng họ, vẫn có nhà thờ chung để thờ cúng tổ tiên.
Than ôi! Một gốc không thể cắt bỏ cành nào được. Cùng một dòng họ, các thế hệ có khác nhau, nhưng cùng thờ cúng chung một tổ tiên.
Ta không thể chia ra, mà coi xem gần hay xa, thân hay sơ, mà phải biết cùng nhau đến nhà thờ để cúng bái tổ tiên.
Thờ cúng tổ tiên, điều đó phải cùng nhau biết tôn kính. Họ ta từ xưa đã có quy ước, khuôn phép, lấy đó ghi chép mà theo, làm cho họ Giang vẻ vang, cho người đời biết đến.
Minh viết (Gia phả ghi chép rõ ràng):
Mười đời về trước, và mãi đến trăm đời về sau đều biết.
Mừng thay! Mừng thay! Đây là từ đường họ Giang, đây là văn bia ghi chép.
Triều Nguyễn, Tự Đức năm thứ hai, tháng giêng, năm Kỷ Dậu (1849).
Cháu đời thứ 10 của họ Giang
Đỗ giải nguyên khoa Giáp Ngọ - Đô sát viện, Kinh kỳ đạo trưởng, giám sát ngự sử.
Giang Văn Hiển phụng bái.
(Giang Văn Khuê dịch ra quốc ngữ.)

Văn bia Vinh Quận Công

VINH QUẬN CÔNG GIANG THÁM HOA, VĂN CHUNG TIÊN SINH HÀNH TRẠNG
(Bài do Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tạo viết về cụ Thám hoa) 
Ông họ Giang, huý Văn Minh, tự Quốc Hoa, thuỵ Văn Chung, là người làng Mông Phụ, huyện Phúc Lộc, tỉnh Sơn Tây.
Cụ Thuỷ tổ, hiệu Đức Biền quan võ, chức Thần Võ Vệ uý đời tiền Lê. Cụ tổ đời thứ hai hiệu Giới Ông, Ấm tú Lâm cục. Cụ tổ đời thứ ba, hiệu Nhuận Phổ nho sinh trung thức. Lúc đầu văn phái họ Giang là như vậy.
Tương truyền rằng: Ông sinh vào giờ Tuất, ngày Nhâm ngọ, mồng sáu tháng chính năm Quý dậu (1573) niên hiệu Gia Thái năm thứ nhất đời Lê Thế Tông (1573 - 1599).
Lúc còn trẻ ông cùng tiến sĩ họ Phùng ở quận Kim Bí, tiến sĩ họ Lã ở Cam Đà cùng chung suy nghĩ khác người, lấy sự nghiệp lớn làm trọng.
Thời vua Lê Thần Tông (1619 - 1663), niên hiệu Vĩnh Tộ thứ mười, năm Mậu Thân (1628) ông đỗ đầu thi Hội và thi Đình. Ông làm bài hay vào bậc nhất, và đỗ nhất giáp tiến sĩ đệ tam danh (Thám hoa) và đỗ hợp cách (Theo quy chế của nhà vua năm đó triều đình chỉ lấy Thám hoa).
Vẫn ở thời vua Lê Thần Tông, niên hiệu Đức Long năm thứ ba (1631), vua phong tước, chức Thái bộc tự Khanh, phúc lộc bá. Tháng chín năm Đức Long giúp vua Lê, chúa Trịnh. Ông cùng với con thứ của chúa Trịnh là Trịnh Tộ, trấn giữ Nghệ An, chấp hành mọi quân lệnh, hành cấm ở trong phủ Tây vậy.
Mùa đông năm Dương Hoà (1637), đời Lê Thần Tông, ông là sứ giả chính thức của Việt nam với nhà Minh ở Trung hoa.
Vua nhà Minh ra vế đối "Đồng trụ chí kim đài dĩ lục" (có nghĩa là Cột đồng đến nay vẫn rêu xanh. Ngụ ý nhắc đến thời kỳ Trung hoa xâm chiếm và cai trị nước ta).
Ông liền đối lại: "Đằng giang tự cổ huyết do hồng (có nghĩa là: Sông Bạch đằng từ xưa máu quân thù còn loang đỏ. Ý nhắc lại chiến thắng của Ngô Quyền năm 938 và của tướng Trần Hưng Đạo năm 1288 trên sông Bạch Đằng đã đánh bại quân phía Bắc - tức quân Nam Hán và quân Nguyên).
Vua nhà Minh rất tức giận và nói: "Tại sao nước Nam lại có người dám nói như vậy". Sau đó sai quân mổ bụng xem gan mật ông lớn đến chừng nào, rồi cho ướp thủy ngân và nhân sâm vào thi hài ông và trả về nước ta.
Thi hài ông về đến Thăng Long, vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh đến tận nơi than rằng: "Sứ bất nhục quân mệnh khả vi thiên cổ anh hùng" (đại ý là: Sứ thần không làm nhục mệnh vua giao, thật xứng đáng là bậc anh hùng muôn thuở).
Trong lễ an táng, điếu văn của nhà vua có câu: "Thục bất hữu sinh, sinh như công dã, sinh ư khoa giáp, kỳ sinh dã vinh" (có nghĩa là Ai mà chẳng sống, sống như ông vậy, sống đỗ đạt khoa giáp, thật là đáng sống).
"Thục bất hữu tữ, tử như công dã, tử ư quốc sự, kỳ tử do sinh" (có nghĩa là: Ai mà chẳng chết, chết như ông vậy, chết vì việc nước, thì cái chết như sống mãi).
Ông lại được tặng phong Công bỗ tả thị lang, Vinh quận công.
Ông mất vào năm thứ hai khi đi sứ nhà Minh (1638). Ngày giỗ của ông: Mồng hai tháng sáu. Mộ táng tại chùa Đông, hợp táng với phu nhân Đỗ Thị, hiệu Từ Huệ, thuỵ Mỹ Hành.
Ông sinh được hai con trai và bảy con gái. Con trưởng Giang Văn Trạch, giữ chức Quang tiến thần lộc đại phu, Mậu lâm lang hình bộ, Khâm hình tư lang trung, Khâm sai điện tiền đô điểm ty lục sự, thuỵ Tế phủ tiên sinh.
Con thứ huý Giang Văn Tôn, giữ chức Quang tiến thần lộc đại phu, Mậu lâm lang, Công bộ công trình, Tư lang chung, Khâm sai hành Nghệ an sứ, Đệ hình hiến sát sứ, thuỵ Cương trực tiên sinh. Ông là người hiếu nghĩa nhất mực, truyền đến nay đã hơn hai trăm tám mươi năm.
Chi Ất còn có ông Giang Văn Hiển, tự Ấm Khanh, cháu bảy đời của cụ Thám hoa, đỗ giải nguyên ở khoa thi Giáp ngọ, giữ chức Kinh kỳ đạo trưởng, Giám sát ngự sử.
Về phần mộ, nếu chẳng còn biết rõ, điều đó khó cho việc khảo sát sau này.
Mùa xuân năm Kỷ dậu, Tự Đức năm thứ hai (1849), tướng công Giang Văn Thanh với ông Ấm Khanh cùng với môn nghị soạn gia phả họ Giang, theo trích lục sử của đời Lê biên soạn, để biết được các bậc tiền nhân của Họ từ thuở ban đầu có công giúp vua giữ nước, làm cho đời sau biết được và ghi nhớ. Dù làm một lần, hai lần có lâu hơn nữa cũng phải viết cho được, không để mất và thiếu sót, đời sau mới biết và ghi nhớ như khắc vào bia đá vậy.
Tự Đức năm thứ hai, tháng Giêng, năm Kỷ dậu (1849).
Giáp thìn khoa, tiến sĩ nhạc đình Nguyễn Hữu Tạo hiệu Thành bái soạn. 

Câu đối ở nhà thờ họ Giang .

1. Hai câu đối trên cột đồng trụ:
1.1. Câu thứ nhất:
正 氣 文 章 成 砥 柱 ,
故 家 風 範 自 貞 岷 。 
Chính khí văn chương thành chỉ trụ,
Cố gia phong phạm tự trinh dân.
(Chính khí văn chương tiêu biểu như cột trụ,
Khuôn phép nhà quan bắt đầu từ sự ngay thẳng.)
1.2. Câu thứ hai:
百 世 本 支 培 祉 福 ,
一 家 杼 軸 樹 風 聲 。 
Bách thế bản chi bồi chỉ phúc,
Nhất gia trữ trục thụ phong thanh.
(Gốc cành trăm đời vun phúc lớn,
Rường cột một nhà nức tiếng thơm.)
2. Chín câu đối tại chính từ đường:
2.1. Câu thứ nhất:
禮 樂 傳 先 進 ,
衣 冠 自 故 家 。 
Lễ nhạc truyền tiên tiến,
Y quan tự cố gia.
(Lễ nhạc truyền người giỏi,
Áo mũ bởi nhà quan.)
2.2. Câu thứ hai:
魁 科 事 業 存 奎 閣 ,
星 使 勳 名 重 斗 南 。 
Khôi khoa sự nghiệp tồn Khuê Các,
Tinh sứ huân danh trọng Đẩu Nam.
(Sự nghiệp khoa trường còn lưu ở gác Khuê Văn,
Tiếng thơm đi sứ đáng trọng như sao Bắc đẩu chốn trời Nam. )
2.3. Câu thứ ba:
聲 蹟 同 垂 南 北 史 ,
精 神 長 在 子 孫 身 。
Thanh tích đồng thùy Nam Bắc sử,
Tinh thần trường tại tử tôn thân.
(Tiếng tăm cùng để lại trong sử sách phương Nam, phương Bắc;
Tinh thần mãi còn ở bản thân con cháu.)
2.4. Câu thứ bốn:
名 冑 出 名 科 , 佛 籙 至 今 傳 永 祚 ;
世 仁 培 世 福 , 儒 基 終 古 峙 圓 山 。
Danh trụ xuất danh khoa, Phật lục chí kim truyền Vĩnh Tộ;
Thế nhân bồi thế phúc, Nho cơ chung cổ trĩ Viên Sơn.
(Võ lược danh lừng, lại sản sinh văn tài khoa giáp, sách báu còn truyền từ đời Vĩnh Tộ đến nay;
Đạo nhân đời đời vun bồi quả phúc đời đời, nền nho vòi vọi như núi Tản Viên mãi tự ngàn xưa.)
2.5. Câu thứ năm:
不 亡 者 存 , 在 上 在 左 右 ;
有 秩斯 祜 , 于 宫 于 子 孫 。
Bất vong giả tồn, tại thượng tại tả hữu;
Hữu trật tư hỗ, vu cung vu tử tôn.
(Chẳng mất là còn, ở bên trên, bên trái bên phải;
Có chức tước là phúc, ở bản thân, ở con cháu.)
2.6. Câu thứ sáu:
禮 以 祀 其 先 也 ,
誠 然 後 能 饗 之 。
Lễ dĩ tự kì tiên dã,
Thành nhiên hậu năng hưởng chi.
(Lễ là để thờ phụng tổ tiên,
Thành kính mới có thể khiến anh linh dự hưởng.)
2.7. Câu thứ bảy:
播 引 翼 承 延 世 澤 ,
垣 墉 堂 構 賁 初 基 。
Bá dẫn dực thừa diên thế trạch,
Viên dung đường cấu bí sơ cơ.
([Đời trước] gieo trồng, [đời sau] nối tiếp, dài lâu ơn huệ đời đời;
Xây dựng từ đường, rực rỡ thêm nền móng ban đầu.)
2.8. Câu thứ tám:
肇 禋 迄 用 有 成 , 孝 思 惟 則 ;
世 德 克 昌 厥 後 , 福 履 永 綏 。
Triệu nhân ngật dụng hữu thành, hiếu tư duy tắc;
Thế đức khắc xương quyết hậu, phúc lí vĩnh tuy.
(Gây mối thờ tự tốt đẹp, lòng hiếu kính đó là khuôn phép;
Đức lớn cháu con thịnh vượng, phúc lộc dõi truyền.)
2.9. Câu thứ chín:
冠 紳 奕 世 詩 書 澤 ,
俎 豆 千 秋 黍 稷 香 。
Quan thân dịch thế Thi Thư trạch,
Trở đậu thiên thu thử tắc hương.
(Áo mũ nối đời nhờ công đọc sách,
Cúng tế ngàn thu, nếp gạo thơm tho.)
3. Tám đôi câu đối tại nhà tế đường:
3.1. Câu thứ nhất:
聚 族 於 斯 , 昭 其 昭 而 穆 其 穆 ;
自 古 在 昔 , 長 其 長 而 親 其 親 。
Tụ tộc ư tư, chiêu kì chiêu nhi mục kì mục;
Tự cổ tại tích, trưởng kì trưởng nhi thân kì thân.
(Chốn này họp họ, ngôi chiêu mục đều theo đúng lễ;
Dấu tích từ xưa, kính bậc trưởng gần gũi người thân.)
3.2. Câu thứ hai:
薦 而 進, 親 也 鷇、 行 也 趨 ;
祭 之 日, 僾 然 見、 肅 然 聞 。
Tiến nhi tiến, thân dã cấu, hành dã xúc;
Tế chi nhật, ái nhiên kiến, túc nhiên văn.
(Bước lên dâng lễ, gần thì kính cẩn, đi thì rảo bước;
Ngày tế lễ, phảng phất như trông thấy [bóng hình], nghiêm trang như nghe thấy [giọng nói] của tiên tổ.)
3.3. Câu thứ ba:
禮 從 朔 , 君 子 不 忘 所 由 也 ;
祭 如 在 , 至 誠 然 後 能 饗 之 。
Lễ tòng sóc, quân tử bất vong sở do dã;
Tế như tại, chí thành nhiên hậu năng hưởng chi.
(Lễ ngày mồng một, bậc quân tử chẳng quên nguồn gốc;
Cúng tế kính cẩn, lòng chí thành tiên tổ chứng minh.)
3.4. Câu thứ bốn:
親 族 樂 觀 熙 世 化 ,
敦倫 如 見 義 門 風 。
Thân tộc lạc quan hi thế hóa,
Đôn luân như kiến nghĩa môn phong.
(Gia tộc mừng trông giáo hóa tốt đẹp,
Vun bồi đạo đức, như thấy phong khí của gia đình hiếu nghĩa.)
4. Trở xuống là phụ lục:
4.1. Câu thứ nhất:
心 蘭 香 自 古 ,
朋 澤 秀 留 今 。
世 誼 金 轡 社 前 進 士 官 馮 族 拜 遞 。
Tâm lan hương tự cổ,
Bằng trạch tú lưu kim.
Thế nghị Kim Bí xã Tiền tiến sĩ quan Phùng tộc bái đệ.
(Tâm tựa nhành lan thơm nức từ xưa,
Tình bạn tốt đẹp truyền mãi đến nay.
Quan tiền tiến sĩ họ Phùng người xã Kim Bí kính tặng.)
4.2. Câu thứ hai:
禮 義 百 年 蒙 阜 邑 ,
風 聲 千 古 探 花 門 。
戊 戌 科 進 士 , 清 化 省 學 政 , 上 福 黎 希 永 恭 撰 。
Lễ nghĩa bách niên Mông Phụ ấp,
Phong thanh thiên cổ Thám hoa môn.
Mậu tuất khoa tiến sĩ, Thanh Hóa tỉnh Học chính, Thượng Phúc Lê Hi Vĩnh cung soạn.
(Ấp Mông Phụ trăm năm lễ nghĩa,
Cửa Thám hoa ngàn thuở tiếng thơm.
Tiến sĩ khoa Mậu tuất, giữ chức Học chính tỉnh Thanh Hóa là Lê Hi Vĩnh, người huyện Thượng Phúc kính soạn.)
4.3. Câu thứ ba:
氣 節 文 章 歸 信 史 ,
衣 冠 禮 樂 自 名 家 。
甲 辰 科 第 二 甲 進 士 , 翰 林 院 修 撰, 充 閣 , 雲 林 阮 慎 夫 恭 撰 。
Khí tiết văn chương quy tín sử,
Y quan lễ nhạc tự danh gia.
Giáp thìn khoa Đệ nhị giáp tiến sĩ, Hàn lâm viện Tu soạn, sung Các, Vân Lâm Nguyễn Thận Phu cung soạn.
(Khí tiết văn chương còn ghi trong sử sách quốc gia,
Áo mũ lễ nhạc bắt đầu từ gia đình danh giá.
Đệ nhị giáp tiến sĩ khoa Giáp thìn, giữ chức Hàn lâm viện Tu soạn, sung Nội các là Nguyễn Thận Phu, người xã Vân Lâm kính soạn.)
4.4. Câu thứ bốn:
武 始 文 承 , 三 百 年 由 積 而 大 ;
科 名 使 節 , 千 萬 古 不 亡 者 存 。
甲 辰 科 進 士 , 翰 林 院 編 修 , 慈 東 阮 希 成 恭 撰 。
Vũ thủy văn thừa, tam bách niên do tích nhi đại;
Khoa danh sứ tiết, thiên vạn cổ bất vong giả tồn.
Giáp thìn khoa tiến sĩ, Hàn lâm viên Biên tu, Từ Đông Nguyễn Hi Thành cung soạn.
(Võ trước văn sau, ba trăm năm bởi gom mà lớn;
Khoa danh sứ tiết, ngàn vạn năm chẳng mất là còn.
Tiến sĩ khoa Giáp thìn, giữ chức Hàn lâm viện Biên tu là Nguyễn Hi Thành người xã Từ Đông kính soạn.)
Các câu đối trên do anh Bùi Bá Quân sưu tập, phiên âm, dịch nghĩa và soạn trên văn bản điện tử .

VĂN BIA ĐỀ DANH TIẾN SĨ KHOA MẬU THÌN NIÊN HIỆU VĨNH TỘ 10 (1628).


Hoàng Việt muôn vạn năm, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10, năm Mậu Thìn, mùa xuân thi Hội các sĩ nhân. Các sĩ đại phu được chọn dự tuyển 18 người, chính là khoa thi thứ nhất1 đời Trung hưng vậy.
Ngày hôm sau, Hoàng thượng lâm ngự Điện thí, hỏi về phép trị đạo xưa nay. Sai Đề điệu là Thái bảo Quỳnh Quận công Trịnh Đệ, Tri Cống cử là Binh bộ Thượng thư Thái uý Đăng Quận công Nguyễn Khải, Hình bộ Thượng thư kiêm Ngự sử đài Đô Ngự sử, Thiếu phó Đường Quận công Nguyễn Danh Thế, Giám thí là Lại bộ Hữu Thị lang Lai Phong bá Nguyễn Tuấn cùng các quan hữu ti chia giữ các việc.
Đến khi dâng quyển đọc, Hoàng thượng sáng suốt ngự lãm, xét định thứ tự cao thấp. Ban cho Giang Văn Minh, 1 người đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Dương Cảo 3 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Đặng Phi Hiển 14 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Về danh hiệu Cập đệ2 thì từ khi khôi phục mới bắt đầu thấy có ở khoa này. Còn việc ban cấp áo mũ cho dự yến tiệc đều theo lệ cũ, tước trật chức vị nhất nhất đều theo quy chế đã lập thành. Chỉ còn việc dựng bia đề danh hồi đó chưa kịp làm. Cử hành việc ấy chính là ngày hôm nay vậy.
Hoàng thượng buông tay áo ngự ngôi cao trong cõi, sâu nghĩ về đạo trị nước. Thực nhờ [Đại nguyên súy Thống quốc chính Sư phụ Thanh vương]đem vương thất phò tá hoàng gia, trị vì thiên hạ, vì muôn đời mở cuộc thái bình, chuyên uỷ cho [Nguyên súy Chưởng quốc chính Tây Định vương]khôi phục khuếch trương chính sự, chấn chỉnh văn phong, bèn sai từ thần soạn ký văn (để khắc bia khoa này).
Bọn thần may được giữ chức vị nội tướng, viết bài văn ấy tất phải do bậc đại thủ bút, cố nhiên không thể kham đặng, nhưng chức vụ đáng phải làm, cho nên không dám chối từ. Kính cẩn cúi đầu rập dầu chép rằng:
Đạo trời không nói mà vẫn hoàn thành công tích, tất là nhờ vào ngũ hành để tuyên minh khí vận. Thánh nhân có ý muốn chấn hưng mọi việc cho đến mức chí lý tất phải nghe nhiều người bình nghị để mà cất nhắc bổ dụng hiền tài. Xa trông việc cầu hiền của các đế vương xưa: phép xét cử thì phỏng theo đời Nghiêu Thuấn mà những người tài giỏi đều được vào triều. Phép trưng cầu thì thi hành ở đời Thương Chu mà tuấn kiệt đều được bố trí vào các chức vị, cho nên việc trị nước sáng rỡ ngời ngời, thành tựu đạt được thật cao thật lớn, đầy khắp trời đất. Xuống đến các đời Hán, Đường, Tống, các đời vua được gọi là trị không đời nào không lấy cầu tìm hiền tài làm công việc trước nhất. Nhưng thịnh ý biểu dương khích lệ hiền tài chưa có đời nào được như các bậc thánh tổ thần tông đời bản triều: quy mô to lớn, khuôn phép tốt đẹp, rất kỹ càng, rất đầy đủ. Tuy đến giữa chừng quốc bộ gian nan, Nho đạo cơ hồ chỉ còn mỏng manh như sợi chỉ. May mà có minh quân thánh chúa đương thời lo toan khôi phục nên mới chấn hưng lên được: Trang Tông Dụ hoàng đế, Trung Tông Vũ hoàng đế, Anh Tông Tuấn hoàng đế dựng lại càn khôn, tất cả nhờ có Thế Tổ Minh Khang thái vương giúp cầu tìm hiền tài tuấn kiệt, cùng chung lo kỷ cương. Thế Tông Nghị hoàng đế, Kính Tông Huệ hoàng đế làm sáng lại nhật nguyệt, thực nhờ Thành Tổ Triết vương thu phục kinh thành, rộng vời người tài giỏi, khanh sĩ đứng chật sân triều, được người còn thịnh hơn cả nhà Hán. Nhưng việc khắc đá đề danh thì hồi ấy chưa kịp làm.
Đến nay Thánh thượng chạnh nghĩ các khoa thi Chế khoa, thi Tiến sĩ của bản triều được người rất nhiều, nếu không dựng bia đề danh thì làm sao có thể nêu cao thịnh sự của Nho khoa, để người đời nay lớn lao trông vào. Bèn sai Bộ Công khắc đá, theo thứ tự đề họ tên từng người, dựng ở cửa nhà Thái học để tỏ ý ngợi khen khích lệ, giúp cho hậu thế có chỗ chiêm ngưỡng mà thấy được sự vẻ vang, để mà cố rèn mài danh tiết, gắng lên kính giúp hoàng gia, há chỉ để làm hư văn mà thôi đâu!
Ôi! Sự tôn trọng ngợi khen của triều đình thật đã là rất mực, kẻ sĩ sinh ở đời này mới thật vinh hạnh làm sao! Vả lại về khoa này trong số những người được dự đề danh trên bia đá này, đến một nửa đã qua đời. Nhưng con người của họ trung chính hay gian tà, người hiền hay kẻ xấu thì có chỗ không thể che giấu được. Đến nay hiện làm quan tại chức thì quả thật phải giữ một tấm lòng sắt đá trung thành, dâng lời nói thuốc đắng kim châm để giúp vua giữ gìn quy củ; mưu lo ích nước, thi triển yên dân, làm rường cột quốc gia, làm bậc đại thần trụ đá miếu đường, giúp vua được như vua Nghiêu Thuấn, giúp đời được như đời Đường Ngu. Như thế thì người ta sẽ bảo nhau rằng: "Ông mỗ là bậc tể phụ, ông nọ là bậc hiền quan, nổi bật hơn cả trong số mười tám học sĩ", tiếng tốt cũng sẽ theo đó mà được lan truyền ngưỡng mộ. Còn như kẻ bên ngoài ngọt miệng mà trong lòng đao kiếm, bên trong hiểm độc mà bên ngoài giả bộ ngu khờ, chỉ mưu toan cho bản thân, ít màng lo quốc chính, thì người ta sẽ nhìn vào đây mà bảo: "Kẻ ấy gian tà, kẻ ấy xảo trá, không biết từ đâu mà lại lọt được vào trong số mười tám học sĩ ?", kẻ ác cũng phải xem bia này để cảnh tỉnh bản thân. Thế thì bia này dựng lên không chỉ để dồi mài tâm chí kẻ sĩ, mà còn để làm vững chắc mệnh mạch nước nhà, quốc gia của bản triều cùng trời đất bền vững lâu dài. Mệnh mạch tinh thần ấy có lẽ là ở đó.
Thần kính cẩn làm bài ký.
Dực vận Tán trị công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Thượng thư Bộ Lễ kiêm Hàn lâm viện Thị giảng Tham Chưởng Hàn lâm viện Bạt Quận công Thượng trụ quốc Dương Trí Trạch vâng sắc nhuận.
Mậu lâm lang Hàn lâm viện Hiệu thảo Trịnh Cao Đệ3 vâng soạn.
Bia dựng ngày 16 tháng 11 niên hiệu Thịnh Đức thứ 1 (1653) Hoàng Việt.
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh,1 người:
GIANG VĂN MINH 江文明4 người xã Mông Phụ huyện Phúc Lộc.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân,3 người:
DƯƠNG CẢO 楊暠5 người xã Hà Lỗ huyện Đông Ngàn.
ĐỒNG NHÂN PHÁI 同仁派6 người xã Thiết ng huyện Đông Ngàn .
NGUYỄN DUY HIỂU 阮惟曉 7 người xã Yên Lãng huyện Yên Lãng.
Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân,14 người:
ĐẶNG PHI HIỂN 鄧丕顯8 người xã Thụy Nhi huyện Giao Thủy.
LÊ KHẢ TRÙ 黎可儔9 người xã Phúc Triền huyện Đông Sơn.
NGUYỄN THẾ TRÂN 阮世珍10 người xã Bách Tính huyện Thượng Nguyên.
NGUYỄN HÒA 阮和11 người xã Hoa Thiều huyện Đông Ngàn.
LÃ THÌ TRUNG 呂時中12 người xã Cam Giá huyện Phúc Lộc.
NGUYỄN KHẮC VĂN阮克文13 người phường Hà Khẩu huyện Thọ Xương.
THÂN KHUÊ 申奎14 người xã Phương Đỗ huyện Yên Dũng.
DƯƠNG THUẦN 楊淳15 người xã Lạc Đạo huyện Gia Lâm.
LÊ KÍNH 黎敬16 người xã Quan Trung huyện Đông Thành.
PHẠM CÔNG TRỨ 范公著17 người xã Liêu Xuyên huyện Đường Hào.
NGUYỄN QUANG MINH 阮光明18 người xã Vãn Hà huyện Thụy Nguyên.
NGUYỄN BÌNH 阮評19 người xã Bồng Lai huyện Quế Dương.
NGUYỄN TÀI TOÀN 阮才全20 người xã Bồng Lai huyện Quế Dương.
NGUYỄN TRẠCH 阮澤21 người xã Nham Lang huyện Ngự Thiên.
Trung thư giám Hoa văn học sinh, quê xã Lam Kiều huyện Hoằng Hóa là Lê Đình Thưởng vâng viết chữ (chân).
Quang tiến Thận lộc đại phu Kim quang môn Đãi chiếu kiêm Triện thích thái thừa Quế Lan nam Nguyễn Quang Độ vâng viết chữ triện.
Chú thích:
1 Câu này có thể chỉ là cách nói nhấn mạnh ý nghĩa, còn thực sự thì tính theo các mốc như từ sau khi Trang Tông trung hưng (1533), hoặc sau khi đánh được nhà Mạc thu phục kinh thành (1599) v.v...thì khoa thi này cũng không phải là khoa thứ nhất (đệ nhất khoa), ngay chỉ riêng ở đời Lê Thần Tông thứ 1 (1619-1628) thì trước khoa này cũng đã có khoa thi năm Vĩnh Tộ 5 (1623) .
2Cập đệ là danh hiệu của hàng Tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa).
3 Trịnh Cao Đệ: Xem chú thích số 2, Bia số 23.
4 Giang Văn Minh (1573-1638) người xã Mông Phụ huyện Thượng Phúc (nay thuộc xã Đường Lâm thị xã Sơn Tây tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Tự khanh và được cử đi sứ (năm 1637) sang nhà Minh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng chức Thị lang, tước Vinh Quận công.
5 Dương Cảo (1586-?) người xã Hà Lỗ huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Liên Hà huyện Đông Anh Tp. Hà Nội). Ông làm quan Quốc tử giám Tế tửu.
6 Đồng Nhân Phái (1581-?) người xã Thiết Úng huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Vân Hà huyện Đông Anh Tp. Hà Nội). Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Công. Sau khi mất, ông được tặng chức Thượng thư.
7 Nguyễn Duy Hiểu (1602-?) người xã Yên Lãng huyện Yên Lãng (nay thuộc xã Phú Xuân huyện Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phúc). Ông làm quan Thiêm Đô Ngự sử, từng được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc) và bị mất trên đường đi. Sau khi mất ông được tặng chức Tả Thị lang Bộ Hình, tước hầu.
8 Đặng Phi Hiển (1567-1650) người xã Thụy Trung huyện Giao Thủy (nay thuộc huyện Giao Thủy tỉnh Nam Định). Ông làm quan Đông các Đại học sĩ.
9 Lê Khả Trù (1582-?) người xã Phúc Triền huyện Đông Sơn (nay thuộc huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa). Ông làm quan Hộ khoa Đô Cấp sự trung.
10 Nguyễn Thế Trân (1603-?) người xã Bách Tính huyện Thượng Nguyên (nay thuộc xã Nam Hồng huyện Nam Trực tỉnh Nam Định). Ông làm quan Cấp sự trung.
11 Nguyễn Hòa (1578-?) người xã Hoa Thiều huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Hương Mạc huyện Từ Sơn Sơn tỉnh Bắc Ninh). Ông làm quan Giám sát Ngự sử.
12 Lã Thì Trung (1577-?) người xã Cam Giá huyện Phúc Lộc (nay thuộc xã Cam Thượng huyện Ba Vì tỉnh Hà Tây). Ông làm quan Hữu Thị lang Bộ Hộ. Sau khi mất, ông được tặng Tả Thị lang Bộ Công.
13 Nguyễn Khắc Văn (1567-?) người phường Hà Khẩu huyện Thọ Xương (nay thuộc quận Hoàn Kiếm Tp. Hà Nội), nguyên quán xã Hoàng Liệt huyện Thanh Trì (nay là xã Hoàng Liệt huyện Thanh Trì Tp. Hà Nội).
14 Thân Khuê (1593-?) người xã Phương Đỗ huyện Yên Dũng (nay thuộc xã Hương Mai huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang). Ông làm quan Tham chính, được cử làm Phó sứ (năm 1637) sang nhà Minh (Trung Quốc) và bị mất trên đường đi. Sau khi mất, ông được tặng Hữu Thị lang Bộ Công, tước hầu.
15 Dương Thuần (1587-1667) người xã Lạc Đạo huyện Gia Lâm (nay thuộc xã Lạc Đạo huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên). Ông giữ các chức quan, như Thừa chính sứ, Hữu Thị lang, tước Nho Lâm bá. Sau khi mất, ông được tặng Thượng thư Bộ Hình, tước hầu.
16 Lê Kính (1587-1699) người xã Quan Trung huyện Đông Thành (nay thuộc xã Sơn Thành huyện Yên Thành Nghệ An). Ông là cha của Lê Hiệu, làm quan Thượng thư Bộ Công, tước hầu. Sau khi mất, ông được tặng hàm Thái bảo, tước Thạc Quận công.
17 Phạm Công Trứ (1602-1675) người xã Liêu Xuyên huyện Đường Hào (nay thuộc xã Nghĩa Hiệp huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên). Ông giữ các chức quan, như Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ, Chưởng Lục bộ sự, hàm Thiếu bảo, được ban Quốc lão, tước Yên Quận công, sau thăng Thái tể và thụy là Trung Cần.
18 Nguyễn Quang Minh (1584-?) người xã Văn Hà huyện Thụy Nguyên (nay thuộc xã Thiệu Hưng huyện Thiệu Hóa tỉnh Thanh Hóa). Ông giữ các chức quan, như Đốc thị Thuận Hóa, Tả Thị lang Bộ Lại, tước Mỹ Lộc hầu và từng được cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc).
19 Nguyễn Bình (1541-?) người xã Bồng Lai huyện Quế Dương (nay là xã Bồng Lai huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh). Ông là cha của Nguyễn TàiToàn, làm quan Thượng thư Bộ Công, tước Cẩm Quận công và được cử đi sứ (năm 1637) sang nhà Minh (Trung Quốc). Sau khi mất, ông được tặng chức Thiếu bảo.
20 Nguyễn Tài Toàn (1598-?) người xã Bồng Lai huyện Quế Dương (nay là xã Bồng Lai huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh). Ông là con của Nguyễn Bình và làm quan Tả Thị lang Bộ Lại, tước Đạt Lý Hầu.
21 Nguyễn Trạch (1572-?) người xã Nham Lang huyện Ngự Thiên (nay thuộc xã Cấp Tiến huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình). Ông làm quan Tự khanh.
http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=1168&Catid=564
江氏家譜 • Giang Thị gia phả .




Xin theo dõi tiếp bài 13. dienbatn.

1 nhận xét:

  1. Có thể Thầy PT Trung Quốc giúp đặt mộ và đặt vào Nhâm Tuất để chi Giang này không còn phát nữa?

    Trả lờiXóa