Thứ Ba, 4 tháng 9, 2018

CHUYỆN HỒN MA THÀY LUYỆN NGẢI. CHƯƠNG 2.

CHUYỆN HỒN MA THÀY LUYỆN NGẢI. CHƯƠNG 2.

CHƯƠNG 2. THỜI THƠ ẤU CỦA TÔI .
Chiếc xe tang chở xác tôi về Hà Nội trong cơn mưa mịt mù. Tôi được bọc trong tấm bạt có sọc màu trắng đỏ và quấn chặt 2 đầu . Ngồi ở ghế bên cạnh cô người tình nhỏ bé của tôi lúc này vẫn đang khóc dấm dứt. Thần thức tôi vẫn cùng các nàng Ngải bay lượn ở phía trên mui xe. Con đường 6 như một sợi chỉ mảnh mai , uốn lượn quanh những dãy núi cao ngất của Tây Bắc trong màn sương lạnh mịt mù. Tận sâu thẳm trong Thần thức , không biết sao tôi vẫn như vô cảm với cái xác quấn bạt nằm dưới kia . Hát Lót , Cò Nòi , Đèo Chiềng Đông , Yên Châu , Mộc Châu….từng địa danh đã quen thuộc với tôi trên 40 năm nay cứ lần lượt trôi qua.
Bỗng nhiên , tôi bỏ mặc cái xác đang di chuyển dưới kia và bay về tới phố nhỏ của tôi. Nhà thờ lớn Hà Nội với tiếng chuông gióng rả như đang chào mừng tôi đã trở về .


Tôi sinh ra và lớn lên tại một con phố nhỏ yên bình ngay cạnh nhà thờ Lớn của Hà Nội. Từ thủa ấu thơ , trong tâm khảm tôi đã luôn vang vọng tiếng chuông của nhà thờ mỗi chiều mẹ tôi đi lễ. Mẹ tôi là người rất sùng Đạo và đã vài đời là gia đình Công giáo. Quê mẹ tôi là một xứ Công giáo toàn tòng tại thôn Áng Sơn – Ninh Hòa – Gia Lư – Ninh Bình. Từ thủa vừa sinh ra , tôi đã được cha Giuse Maria Trịnh Văn Căn làm lễ rửa tội và đặt tên Thánh là Gioan . Cái tên này sẽ theo tôi cho tới những ngày cuối đời của mình. Ngày xưa , Hà Nội ít người và con phố nhỏ của tôi thật bình yên . Những người trong phố đa phần là theo Thiên Chúa . Những buổi sáng sớm hay chiều chạng vạng là những dòng người mặc áo dài trắng đổ về Nhà thờ làm lễ thật kính cẩn. Tôi thường theo mẹ đi nhà thờ dự lễ , nghe những đội đồng ca hát những khúc ca ngợi Đức Chúa toàn năng. Mẹ tôi dạy cho tôi biết nghe tiếng chuông của Nhà thờ để biết đó là chuông báo hiệu điều gì ? Tiếng chuông nhà thờ có mục đích là để đánh dấu những hoạt động trong đời sống đức tin của người công giáo : giờ kinh lễ, ban phép Rửa tội, hôn phối… và một số chuyện khác nữa. Chuông nhà thờ, có thể coi là một phương tiện truyền thông đại chúng mà nội dung được truyền đi là tùy theo âm vang của chuông, nhịp điệu đánh chuông, và số lượng chuông được sử dụng.
Tiếng  chuông buổi sáng là giờ kinh lễ ; buổi trưa, với ba hồi chuông, mỗi hồi ba tiếng, là giờ Kinh Truyền tin, có khi nhiều chuông cùng đổ một lúc; đến chiều là chuông báo giờ chầu Thánh Thể hay giờ kinh tối. Vào ngày thường, nhà thờ có 2 Thánh lễ diễn ra lúc 5 giờ 30 và 18 giờ 15. Riêng ngày Chủ nhật, nhà thờ có 7 Thánh lễ, diễn ra vào các khung giờ: 5 giờ, 7 giờ, 9 giờ, 10 giờ 30 (lễ tiếng Pháp), 16 giờ (lễ thiếu nhi), 18 giờ, 20 giờ (lễ giới trẻ).
Ngoài ra còn có tiếng chuông chúc mừng Đấng Cứu Thế trong những ngày lễ trọng hay mùa giáng sinh . Hòa cùng tiếng chuông là dàn đồng ca hát vang lên bài Thánh ca . Tiếng chuông ấm cúng sưởi ấm mỗi người chúng ta trong đêm đông giá lạnh, là niềm vui, là niềm hy vọng không chỉ riêng cho tín hữu Công giáo mà đến nay sự lan tỏa của niềm vui Giáng sinh đã bao trùm ở cả cấp độ thế giới:
“Mừng ngày chúa sinh ra đời, nào mình cùng nắm tay tươi cười 
Hòa bình đến cho muôn người, cùng cất tiếng ca mừng vui 
Mừng ngày giáng sinh an hòa ,mừng hạnh phúc cho muôn nhà ! 
Từ thành phố hay đồng quê muôn nơi vang tiếng hát ca vang lừng
Đêm noel đêm noel ta hãy cùng vui lên!
Đêm noel ơi đêm ta xin ơn trên ban hòa bình cho trần thế
Đêm noel! chuông vang lên! chuông giáo đường vang lên
Đêm noel đêm noel ta hãy chúc nhau câu cười!”… (James S. Pierpont).
Trong những đêm đen lạnh giá của mùa Giáng sinh , tiếng hát của dàn đồng ca bay cao , bay xa thì dù thế lực của bóng tối và sự dữ có tầm khuynh loát như thế nào đi chăng nữa thì cuối cùng cũng phải dừng bước trước ánh sáng tình yêu của Chúa khi soi rọi vào tâm hồn của mỗi chúng ta. Và khi đó, sự lành sẽ lên ngôi!
Tiếng chuông nhà thờ còn báo hiệu tin mừng Chúa đã Phục sinh , mừng cho biết một đôi uyên ương lãnh nhận Bí tích Hôn phối , Tiếng chuông cho biết cuộc sống của một người đã có sự thay đổi : Tiếng chuông sầu, từng nhịp buồn, lặng lẽ... Tiếng chuông ngân từ báo hiệu 7 tiếng cho biết người nam, 9 tiếng cho biết người nữ vừa mới qua đời. Tiếng chuông trong Thánh Lễ giao thừa, cộng đoàn tạ ơn Chúa qua một năm được nhận lãnh những ơn lành Chúa ban và cầu xin một năm mới bình an; Tiếng chuông báo hiệu cho các vị phụ huynh đưa con đến nhận lãnh Bí Tích Rửa tội; Tiếng chuông của những giờ chầu Thánh Thể… tất cả mang âm hưởng thánh thiện, kết nối chúng ta đến với Chúa.
Lũ trẻ con phố tôi và mấy phố xung quanh , thường ra sân nhà Thờ chơi những lúc rảnh rỗi. Bên ngoài nhà thờ có một quảng trường nhỏ, là nơi đặt Tượng Đức mẹ bồng chúa hài đồng bằng kim loại. Bên dưới tượng Đức Mẹ có một lư hương để người dân thắp nhang cầu nguyện, xung quanh là nhiều chậu cảnh xanh tươi. Hàng rào xung quanh tượng đài mang đậm chất công giáo với các họa tiết được tạo từ hình dáng cây thánh giá. Tại đế tượng người ta có gắn một tấm bảng đồng với hàng chữ Latinh: REGINA PACIS nghĩa là: NỮ VƯƠNG HÒA BÌNH .
Chúng tôi thường chơi đuổi nhau từ sân nhà thờ , vòng qua nhà chung là tòa tổng Giám mục Hà Nội, Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội, Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội. Ngày xưa lũ trẻ con chúng tôi ít những trò chơi như bây giờ. Lũ con trai thường hay chơi đánh quay ,đánh khăng , trốn tìm , tập trận giả . Lũ con gái thường chơi nhẩy dây hay chơi ô ăn quan. Buổi trưa , chúng tôi thường hay đi bắn sấu xanh ở gần Hỏa Lò và Tòa án Hà Nội. Mùa hè , những hàng sấu trĩu đầy những quả xanh non. Mỗi đứa một khẩu súng cao su và một túi đạn , lũ chúng tôi thi nhau bắn xem đứa nào được nhiều nhất . Khi kết thúc trận thi bắn , xung quanh bụng đứa nào đứa ấy toàn sấu xanh . Chúng tôi không mang túi đựng mà nhét áo may ô vào quần đùi và cho sấu vào đó. Có lần , buổi trưa trốn ngủ đi bắn sấu , bố tôi kêu về và bắt nằm sấp xuống giường. Khi ông chuẩn bị cầm cây phất trần lên quất vào đít tôi , bỗng những quả sấu chảy ra đầy giường lăn lông lốc. Tôi hí hí mắt nhìn thấy ông tủm tỉm cười và không đánh tôi nữa. Những quả sấu xanh chúng tôi thường đưa cho lũ con gái chế biến . Chúng gọt vỏ và dầm trong xì dầu và ớt cho ngấm. Sau có lũ chúng tôi thi nhau cầm thìa xúc cả sấu và xì dầu , cay đến chảy nước mắt mà vẫn vô cùng thích thú.
Cũng có những buổi trưa trốn ngủ , tôi hay cùng mấy thằng bạn trai như thằng Đông , thằng Huy , thằng Hùng , thằng Thắng ở bên phố Ấu Triệu , Thọ Xương, Ngõ Huyện đi xuống Hồ Hale hay công viên Thống nhất bắt giun về cho cá ăn. Mỗi đứa chúng tôi có một cây gậy có buộc ngang một cái nan hoa xe đạp thành hình chữ T và một cái ống bơ có dây đeo lên cổ để đựng giun. Lúc đó ven bờ hồ có những bãi bùn lấp sấp nước. Hàng triệu con giun nhỏ như những cái kim màu đỏ từ dưới bùn quơ đầu lên trong làn nước. Chúng tôi kéo cái cây sắt chữ T ngang qua đám giun là vớt được cả một cục bằng ngón tay cái cho vào trong ống bơ. Chỉ khoảng nửa tiếng là mỗi đứa bắt được đầy một ống bơ giun. Chúng tôi đãi sạch rác và bùn trong ống bơ và lúc đó cả một búi giun bằng nắm tay đỏ au cuộn tròn trong ống bơ. Giun này mang về cho cá ăn thì tuyệt vời . Khi nhiều quá, chúng tôi lại mang lên chợ Hàng Da , trước nhà thờ Tin lành , nơi người ta bán cá cảnh để đổi lấy cá. Nơi đây cũng là chốn thần tiên của lũ trẻ con chúng tôi . Nào là Xê Can , Thần Tiên , Mã Giáp , Ngựa vằn , Khổng tước , Vạn long , Kiếm đỏ , kiếm xanh , Hắc quần , Mún , Mây chiều ……Nhất là những cái lọ tròn người ta để những chú Cá Trọi khiến chúng tôi mê mẩn. Những chú Cá Trọi màu hồng hồng lượn lờ bơi xung quanh những sợi rong hay tóc tiên là niềm ước mơ của lũ chúng tôi. Trường phải đến 3 ống bơ giun chúng tôi mới đổi được một cặp Cá Trọi một đực , một cái. Những chú Cá Chọi đực mang về thường được chăm sóc liên tục để chuẩn bị cho những cuộc tử chiến. Chúng tôi thường đặt một mảnh gương nhỏ ở bên cạnh lọ , nhìn thấy bóng mình trong gương , chú Cá Trọi liền xù mang , giương vây lên đe dọa. Lúc này trông nó mới đẹp làm sao . Những tia xanh , tím , hồng hiện lên trên vây lưng của nó, toàn thân bừng lên sắc hồng và hào khí uy dũng ngất trời. Trong các cuộc tỉ thí, con Cá Trọi của đứa nào thắng là uy tín của đứa đó dâng lên tột bậc trong con mắt của lũ trẻ con khu phố tôi. Nhiều đứa phải nịnh nọt hay hối lộ nó bằng những ống bơ giun hay những cành rong xanh để nó cho lấy giống. Khi chọn được một con Cá Trọi đực đã đánh thắng nhiều trận và có hình dáng đẹp, chúng tôi thường cho nó ép cá Trọi cái để lấy giống. Một cái lọ thủy tinh hình cầu dẹp được rửa sạch sẽ rồi đổ đầy nước , sau đó thả vào đó vài cành rong Tóc tiên được cột chân bằng một mảnh chì và một búi giun. Chúng tôi thả 2 con cá 1 đực 1 cái vào và lấy giấy quấn xung quanh lọ để chúng không bị kinh động bởi những hình ảnh bên ngoài. Khoảng vài tuần sau con cá cái có chửa , bụng căng lên toàn trứng. Lúc đó chúng tôi mới thả vào lọ một lá nho xanh nổi trên mặt nước để lấy chỗ cho con cá cái đẻ trứng. Khi con cá cái đẻ trứng , nó phun trứng vào mặt dưới lá nho và con đực cũng phun tinh dịch của nó vào đấy . Lúc này phải bắt con cá đực sang lọ khác kẻo nó ăn mất trứng. Khoảng chục ngày sau , những con Cá Trọi con nhỏ li ti như những con bọ gậy nở đầy ra trong lọ. Sau vài bữa cho chúng cứng cáp , chúng tôi vớt chúng ra ở riêng để chúng cùng nhau lớn. Những khoảnh khắc theo dõi cá đẻ hay cá nở là những giờ phút thật là hạnh phúc và hãnh diện của lũ chúng tôi.
Vào những buổi tối đầu hè , khi tiếng ve kêu râm ran chào đón , lũ chúng tôi thường tổ chức đi bắt ve. Suốt cả mùa Đông và mùa Xuân , những ấu trùng của loài ve sầu ẩn chìm trong lòng đất , dưới những gốc cây bàng , cây sấu , cây cơm nguội dọc theo con phố Triệu Quốc Đạt , Tràng Thi , Hai Bà Trưng. Sau khi giao phối, ve cái đào những rãnh nhỏ lên vỏ các cành cây và đẻ trứng vào đó. Ve cái có thể làm nhiều lần như vậy cho đến khi nó đẻ hết vài trăm trứng. Khi trứng nở, ấu trùng ve rơi xuống và đào sâu vào trong đất. Hầu hết các loài ve có vòng đời từ 2 đến 5 năm. Khi kết thúc thời kỳ ấu trùng, những ấu trùng ve đào một đường hầm lên mặt đất và chui lên. Sau đó, chúng lột xác lần cuối trên một cái cây gần đó và trở thành ve trưởng thành. Vỏ xác ve sẽ vẫn còn nằm đó và gắn vào vỏ cây. Chúng tôi chế ra những cái đèn dầu bằng những chai thủy tinh , có gắn vào một có ống bơ sữa bò làm cái che gió và để rọi tìm ve. Mỗi tối , chúng tôi cầm đèn đi soi quanh những gốc cây bàng , cây sấu sù sì , đầy những u nần to tướng, thường mỗi gốc cây có vài chú ve đang bò lên chuẩn bị lột xác. Khi đi ngủ , chúng tôi cho bầy ve bám vào thành trong của màn ngủ để chúng bò lên lột xác . Buổi sáng dậy , trong màn đã có vài chục chú ve sầu , cánh đầy màng gân trong suốt đậu sát trên đình màn. Lũ chúng tôi thường hay ra hiệu kem Thủy Tạ ở bờ hồ , nhặt những chiếc que kem, đem về rửa sạch để xếp làm chuồng ve . Cứ xếp 4 que kem thành một hình vuông rồi xếp chồng các hình vuông đó lên cao , đặt những que ngang làm sàn chuồng , làm cửa cho ve vào và lấy dây chun cột lại là chúng tôi có những chiếc lồng ve vô cùng xinh xắn . Buổi trưa , tiếng ve trong lồng kêu ran như hòa nhịp đồng ca cùng lũ ve trên những cây hoa sữa ngay đầu phố Ấu Triệu thành một bản nhạc hùng tráng. Những cái xác ve , chúng tôi tích trữ lại để bán cho nhà thuốc Bắc ở phố Ngõ Huyện làm thuốc . Theo Đông y, thuyền thoái (xác ve) vị ngọt, mặn, tính mát, có tác dụng tán phong nhiệt, tiêu màng mộng, trị bệnh ngoài da, mụn nhọt, ghẻ lở, rôm sảy, nhức đầu, chóng mặt do phong nhiệt, trẻ nhỏ sốt nóng co giật, mắt có màng mộng.
Hàng ngày , chúng tôi đi học ở trường Hoàn Kiếm , ngay bên cạnh Nhà thờ lớn. Những năm học cấp 1 ở đây thật êm đềm . Lũ con gái như cái Loan , cái Mai, cái Thu , cái Oanh , cái Nga thường học giỏi hơn bọn con trai chúng tôi . Trong lớp , chúng thường giữ các chức vụ như lớp trưởng , lớp phó học tập , còn bọn con trai chúng tôi thì phá như giặc. Hàng ngày , những tội lỗi của chúng tôi hay bị ghi vào một quyển sổ nằm trong tay cái Mai lớp trưởng. Lũ con trai chúng tôi nhấm nháy nhau và thế là cuốn sổ đó biến mất , một đi không trở lại .
Cuộc sống cứ trôi đi êm đềm như thế cho đến ngày 5/8/1964 khi Mỹ ném vào miền Bắc Việt Nam. Cả Hà nội được lệnh sơ tán . Người Hà Nội gọi lần sơ tán thứ nhất này là sơ tán Giôn Sơn (  Lyndon B. Johnson ) và lần sơ tán năm 1972 là sơ tán Ních Sơn ( Richard Nixon ). Bọn trẻ con chúng tôi ngơ ngác chia tay nhau trong tâm trạng tiếc nuối, không vui, không buồn, cũng chẳng sợ gì vì quá bé, chưa cảm nhận được. Chúng tôi chỉ biết qua người lớn là máy bay Mỹ ném bom ở đâu đó trên miền Bắc và có người chết. Đơn giản thế thôi.
Chiếc xe đã từ từ tiến vào nhà Tang Lễ Phùng Hưng . Sau khi làm một loạt biên bản và đóng chi phí, xác tôi được đưa vào buồng lạnh và lúc này một lần nữa Thần thức tôi bất chợt tối đen.
CHƯƠNG 3 . DUYÊN NỢ ĐỜI TÔI VỚI SƠN LA – TÂY BẮC.
Xin theo dõi tiếp. dienbatn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét