Thứ Năm, 6 tháng 9, 2018

CHUYỆN HỒN MA THÀY LUYỆN NGẢI. CHƯƠNG 3 ( Tiếp theo ).

CHUYỆN HỒN MA THÀY LUYỆN NGẢI. CHƯƠNG 3 ( Tiếp theo ).

CHƯƠNG 3 . DUYÊN NỢ ĐỜI TÔI VỚI SƠN LA – TÂY BẮC. ( Tiếp theo ).
Buổi sáng trên miền Tây Bắc thật trong trẻo và thuần khiết . Những giọt sương lung linh trên những tán lá rừng. Người ta lùa từng đàn trâu béo tròn lên trên nương , chiều chúng sẽ tự về bản. Những thiếu nữ Thái ra mó gùi nước về bằng những cái ống bương dài đến gần 2 m. Tiếng kẽo kẹt của những chiếc cọn quay nước ngoài suối hòa cùng tiếng suối reo vang như những cung đàn tình tứ . Tiếng cười đùa rúc rích như những đàn chim sẻ trên con đường mấp mô đất đỏ. Từ phía trên núi cao đã vẳng lại tiếng hát của một cô gái bằng tiếng dân tộc Thái , chúng tôi nghe chẳng hiểu gì cả chỉ thấy Hà ơi , hà ơi…Tôi gọi thằng Hà ở phố Hàng Bông : Hà ơi , tối qua mày làm gì để sáng nay người ta đã kêu tên trên núi kìa. Tất cả chúng tôi cùng cười vang mặc thằng Hà xấu hổ đỏ mặt tía tai.
Những chiếc Zil 130 lại tiếp tục chuyển bánh . Ngồi trên những chiếc xe sóc nhẩy chồm chồm làm chúng tôi khá mệt . Những địa danh thoáng qua với những bản Thái đã bắt đầu quen mắt : Mộc Châu , Yên Châu với cây cầu sắt bắc ngang qua suối , Đèo Chiềng Đông ,Cò Nòi , Hát Lót ….
Gần cuối ngày chúng tôi mới đến Nà Sản là nơi đóng quân của chúng tôi . Mệt mỏi và người đầy bụi đỏ , chúng tôi theo từng Đại đội về nơi đóng quân của đơn vị mình .
Cao nguyên Nà Sản là một trong hai cao nguyên lớn thuộc tỉnh Sơn La, trên địa bàn rộng khoảng hơn 20km2 thuộc các xã Chiềng Mung, Hát Lót, Chiềng Mai, Mường Bon. Có độ cao trung bình 600 - 700m, có địa hình tương đối bằng phẳng, rộng, đồi núi thấp.
Sân bay Nà Sản được người Pháp xây dựng vào khoảng năm 1950, phục vụ cho nhu cầu đi lại của những người thực dân Pháp, sau khi họ chiếm lại được quyền kiểm soát được vùng Sơn La từ tay Việt Minh. Ban đầu, sân bay có một đường băng ngắn với nền đất nện; về sau được mở rộng kéo dài thêm và có nền lát ghi sắt, có thể đáp ứng cho loại máy bay Dakota cất và hạ cánh. Bấy giờ vẫn có những chuyến bay từ Hà Nôi lên đây 1 tuần 2 chuyến bằng loại máy bay nhỏ.
Trung đoàn bộ đóng gần một cái mó nước , nước từ lòng đất trong vắt cứ chảy ra liên tục suốt ngày đêm. Tôi được phân công về trung đội 12 ly 7 , đóng trên một quả đồi cao gần trung đoàn bộ , nhìn thẳng ra sân bay Nà Sản.
Cái lán là nơi ở của chúng tôi làm bằng những thân cây to bằng bắp đùi , được liên kết với nhau bằng dây rừng và đinh , trên lợp bằng những tấm tranh màu vàng óng. Giường ngủ là hai dãy cũng làm bằng thân cây và lát bằng những cây vầu đập dập và dát phẳng . Nền nhà vẫn còn đầy những búi cỏ tranh chỉ mới được phát qua loa. May mắn thay là khu này đã có điện nên cũng có chút tươm tất .
Buổi tối tới giờ kẻng ăn cơm , chúng tôi xếp hàng đến nhà ăn , cứ 7 người được 1 soong nhôm cơm nấu bằng gạo dẻo , một soong canh và một nắp cà mèn thịt hộp lõng bõng những nước. Thứ gạo dẻo này dễ ăn , nhất là dưới nước thịt hộp vào . Chỉ tội là cơm quá ít , sức thanh niên chúng tôi mội người chỉ được hơn 1 bát thì đói vẫn hoàn đói.
Chúng tôi được nghỉ 1 tuần để học nội quy , học 10 lời thề của QDND ,làm vệ sinh nhà cửa và làm quen với thung thổ nới đây.
Lúc bấy giờ Nà Sản chỉ là một nơi vô cùng hoang vắng và hầu như không có dân. Hai bên đường đất đỏ toàn là những bụi cây chó đẻ và cỏ tranh um tùm . Cả Nà Sản chỉ có 1 Cửa hàng ăn uống của cô Hải , 1 nhà Bưu điện , còn bốn xung quanh là những lán trại của trung đoàn 184 của chúng tôi .


 Phía bên kia đường là khu sân bay Nà Sản chỉ có mỗi cái Đài không lưu thấp tè và cũng là nhà ga cho hành khách. Cổng vào chỉ là những hàng cây và có cái barie chắn ngang. Trâu bò của người Thái ở các bản làng phía trong vẫn được chăn thả tự do.
Trận địa 12 ly 7 của chúng tôi đóng trên đồi cao . Từ đây có thể nhìn khắp sân bay , khu doanh trại và ra tít hồ Tiền Phong phía xa. Hồ Tiền Phong thuộc Xã Mường Bon, Huyện Mai Sơn, nằm sát trục đường quốc lộ 6 cách Thị xã Sơn La 23 km, cách Thị trấn Hát Lót 7 km và cách sân bay Nà Sản 2 km. Nguồn nước cung cấp cho Hồ đó là nước từ trong lòng đất đùn lên từ mỏ nước Noong Đủ cách đó không xa. Phía Đông và phía Bắc của Hồ là hai dãy núi, mỗi dãy gồm nhiều ngọn nằm kế tiếp nhau trông tựa hai con rồng đang bơi về từ hai phía và chuẩn bị ngụp lặn vùng vẫy giữa làn nước trong mát. Nhìn về phía Tây là Cao nguyên Na Sản trải rộng bao la với vô số các ngọn núi nhấp nhô như bát úp, với màu xanh ngút ngàn của những cây rừng , màu non xanh mơn mởn của những đồi chè đang kỳ thu hoạch.Giữa hồ là một hòn đảo hình con rùa cây cối xanh rì lúc nào cũng mát rượi bởi những ngọn gió mang đầy hơi nước từ mặt hồ..
Ngay bên bờ hồ Tiền phong là một nông trường chè và một nhà máy gạch . Những cô công nhân ở đây đa phần là những TNXP từ các chiến trường được ra quân và về tập trung nơi đây làm kinh tế. Hầu hết các cô đều quá lứa và chưa chồng. Do vậy lãnh đạo nông trường rất quan tâm , chú ý đến chuyện hạnh phúc của các cô. Mỗi cô được phân 1 gian phòng , có giường chiếu , chăn con công , phíc nước , nồi niêu soong chảo . Đó là những cái tổ làm sẵn chờ những chú thanh niên lọt vào. Mà ở đây chỉ có những đơn vị bộ đội trung đoàn chúng tôi . Thật nguy hiểm và khá là ngọt ngào . Lũ chúng tôi thường trêu nhau : nếu lấy vợ ở đây sẽ được cấp cho 1 quả đồi hoang và 1 con trâu què. Cũng may là thời đó , lũ học sinh lớp 10 chúng tôi đều như những chú gà tồ vừa thả ra khỏi chuồng , rất ngu ngơ với chuyện yêu đương , tán tỉnh. Chỉ có những anh ở Huyện Đông Anh nhập ngũ cùng chúng tôi là tuổi tác lớn hơn , từng trải nhiều hơn và cũng …sa bẫy nhiều hơn.
Hàng ngày , chúng tôi liên tục phải học về loại vũ khí mà mình được sử dụng . Tôi học tháo lắp và điều khiển khẩu 12 ly 7 to kềnh càng , nặng kinh khủng. Bọn thằng Hùng , thằng Quang trâu đất , thằng Hiệp, thằng Ly xôi ở Đại đội 3 gần bên cạnh thấy chúng suốt ngày tháo lắp lau chùi những khẩu súng nhỏ hơn như CKC , AK 47 , RPD , RPK , B40 , B41…
Chúng tôi tuy súng nặng nhưng không cực khổ như bọn nó. Hàng ngày chỉ lên đồi , ngồi tập sử dụng súng ở 1 chỗ . Còn bọn nó tôi thấy vài bữa lại hành quân dã ngoại , ba lô , súng ống , nồi niêu soong chảo lỉnh kỉnh. Chúng nó đi thành hàng dài vào tuốt những bản phía trong như Nà Si , Nà ớt , Chiềng Mung…nhiều khi phải vào tân Mường Bon…
Ngày chủ nhật được nghỉ. Nhưng trung đội trưởng vẫn khoán cho chúng tôi phải nộp mỗi người 1 khúc cây làm cột dài 2 m có đường kính 20 cm. Để có thể được đi chơi , chúng tôi tranh thủ từ sáng sớm lên quả đồi cao phía sau lán để chặt và lao xuống rồi khênh về trại .
Có những chủ nhật , để có phân bón cho những luống rau chúng tôi tự tăng gia sản xuất , anh tiểu đội trưởng phân công cho chúng tôi đi kiếm phân trâu bò về bón rau. Ngay chiều ấy , một bài thơ lạ lùng truyền tay nhau khắp đơn vị , tả lại cảnh đó “
Hai thằng gánh một cái thùng,
Lang thang đi khắp một vùng kiếm phân.
Quản ghì danh dự quân nhân,
Miễn đầy thùng cứt , yên thân suốt ngày …”
Những ngày chủ nhật , chúng tôi thường ra cửa hàng ăn uống của cô Hải để ăn phở và trêu chọc cô. Ngày đó phở là những lát bánh tráng bằng bột ngô vàng óng , lèo tèo 1 ,2 miếng thịt lợn mỏng dính , chan lên nước dùng chỉ có tý mì chính trong vắt . Vậy mà bán chạy vô kể. Cô Hải thoăn thoắt bê cái mâm trên bày đũa và những bát phở ngô đem ra bàn. Mấy cậu lớn tuổi người Đông Anh hay trêu cô bằng cách chặn cô lại rồi nhón mấy miếng thịt bỏ vào miệng. Cô Hải hai tay đều bận cả không làm gì được kêu la oai oái . Có cậu còn táo tợn vỗ vào mông cô làm cô chửi ầm lên. Tất cả cùng cười khoái trá. Chỉ riêng lũ nội thành chúng tôi thì ngượng đỏ mặt .
Cô Hải cũng hay dậy chúng tôi những câu tiếng Thái mà sau này chúng tôi mới biết cô chơi khăm chúng tôi nên dạy rất bậy . “ Pay kin hi là đi rừng rậm . Kin nậm neo là trèo lên dốc “. Cứ thế chúng tôi đọc oang oang và vào bản cũng nói như vậy. Lúc đó tiểu đội trưởng của tôi là anh Lò Văn Ộ , người Thái mới bảo chúng tôi: Cái Hải nó chơi chúng mày đấy. Sau đó anh giảng nghĩa cho chúng tôi làm chúng tôi xấu hổ quá.
Những chủ nhật sau , đi chơi xa , chúng tôi lên tận Hát Lót cách đó 10 km chơi. Hát Lót lúc đó cũng vô cùng vắng vẻ . Cả Hát Lót chỉ có 1 xưởng dệt , công nhân đa phần là người Thái ngay bên cạnh chiếc cầu treo bằng dây cáp , một tiệm hớt tóc và 1 tiệm chụp ảnh. Chúng tôi hay vào Bản Dôm mua gà , mua măng khô về cải thiện. Hồi đó lính binh nhì như chúng tôi lương chỉ có 5 đồng – Chúng tôi hay bị gọi là lính 5 đồng. Điều kiện kinh tế lúc bấy giờ toàn vùng vô cùng khó khăn. Chúng tôi hay thay đổi nhau mang áo mưa , áo K 74 vào bản để đổi hàng , đa phần là gà , rượu hay mật ong rừng. Người dân tộc Thái ở vùng này sống rất cởi mở và chân chất lắm. Ngoài đầu bản còn có những cái lều dựng sơ sài , trong đó xếp những cái ếp đựng hoa quả , sắn , ngô hay rau bán theo kiểu tự giác. Người ta ghi giá lên từng món hàng , ai ưng gì thì nhặt về và bỏ tiền vào một cái ếp treo trên vách. Chẳng bao giờ mất cả. Sau này người Kinh lên đông , cùng một số cậu lính làm bậy ,lấy cả hàng lẫn tiền của họ nên những cái lán này mất dần.
Chúng tôi cũng hay vào trường Cao đẳng Nông Lâm ở Mường Bon chơi. Thằng Hiệp có 1 bà chị dạy ở đây. Vào thăm chị, chúng tôi thường được đãi món gà nướng hay cá nướng theo kiểu người Thái rất ngon.
Sau 6 tháng huấn luyện , chúng tôi được thông báo đơn vị sẽ chuyển chỗ đóng quân. Kì này chúng tôi sẽ lên Thuận Châu để nhận nhiệm vụ mới.
…………………………

Người ta đã đưa cái xác tôi lên xe về Nhà thờ Lớn . Chiếc xe chầm chậm đưa tôi qua các phố đông đúc của Hà Nội và về đến khu phố tôi . Chiếc quan tài được khênh vào cửa lớn của Nhà thờ và các Cha làm lễ cho tôi. Việc cử hành tang lễ Kitô giáo mang lại niềm hy vọng và an ủi cho người còn sống. Khi loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô và làm chứng cho niềm hy vọng phục sinh Kitô giáo, các nghi thức tang lễ cũng nhắc cho tất cả những người tham dự nhớ đến lòng thương xót và sự phán xét của Thiên Chúa, đồng thời đáp ứng nhu cầu của con người luôn hướng về Thiên Chúa những khi gặp khủng hoảng.Thánh lễ An táng là phần phụng vụ chính của tang lễ Kitô giáo. Thánh lễ An táng, do linh mục chủ sự, diễn ra tại nhà thờ giáo xứ, thường vào ngày an táng. Phụng vụ Thánh Thể, đối với người Công giáo, là một phần của Thánh lễ. Đức Cha nói : “ Anh chị em thân mến,
Giờ đây cộng đoàn chúng ta khởi sự nghi thức tẩm liệm.  Chúng ta thành khẩn cầu nguyện cho Gioan mới qua đời.  Xin Chúa ban thưởng cho Gioan sau khi kết thúc cuộc đời trần thế, được về quê vui hưởng cuộc sống đời đời.  Vì chúng ta tin chắc rằng sự chết chưa phải là kết thúc tất cả, nhưng là cửa ngõ tiến vào sự sống đời đời.
Đối với những người tin vào Chúa Kitô, sự sống chỉ biến đổi chứ không bị tiêu tan.  Gioan đã được chịu phép Rửa, đã khởi sự đời sống vĩnh hằng ngay khi còn sống ở trần gian này.  Chúng ta cầu nguyện cho Gioan, hy vọng Gioan được hưởng vinh quang Phục Sinh với Đức Kitô.”
Sau đó dàn đồng ca hát lên bài Thánh ca cầu Hồn : “ Lạy Cha con xin phó dâng linh hồn con trong tay Cha….Sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi . Giống con người nằm yên giấc ngủ . Mắt nhắm lại rồi là thấy tương lai . Trọn kiếp người , nay không còn nước mắt nụ cười …Sự sống không mất mà chỉ đổi thay , đã qua bao lần đưa tiễn ngậm ngùi , con tin vào ngày mai trong Chúa .
… Sự sống không mất chỉ là đổi thay, đã qua bao ngày trọn một kiếp này ,dù sống hay chết vẫn tin còn ngày mai trong Chúa , hạnh phúc muôn đời chẳng có thời gian. Trọn kiếp này ai chưa được sự sống trọn tình , mai kia sẽ được Phục sinh trong Chúa, cuộc sống muôn đời , cuộc sống niềm tin…”.
Thưa anh chị em,
Đứng trước thi hài người quá cố, chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa để đức Tin, đức Cậy và lòng Mến của chúng ta luôn luôn được nuôi dưỡng và củng cố.
Lời Chúa trong thư Thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Roma. (Rm 6, 8-9)
Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người.  Đó là niềm tin của chúng ta.  Vì chúng ta biết rằng một khi Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, tử thần chẳng còn quyền chi đối với Người.
Đó là lời Chúa.
Lạy Chúa, Chúa đã biểu lộ tình thương mãnh liệt khi cho Con Một Chúa là Đức Giêsu Kitô xuống thế chịu khổ hình thập giá vì chúng con.  Giờ đây chúng con cậy vào lòng nhân từ và quyền năng của Chúa mà xin cho người anh em tín hữu chúng con là Gioan được chia sẻ vinh quang với Đức Giêsu Kitô, Đấng đánh bại thần chết, và xin cho Gioan được tham dự vào đời sống phục sinh của Người đến muôn thưở muôn đời.
Sau lễ Nhà thờ , tôi được đưa về qua nhà vợ con tôi rồi đưa xuống nhà hóa thân Hoàn vũ tại Văn Điển.
CHƯƠNG 4. ĐƯỜNG TỚI TÀ LƠN.
Xin theo dõi tiếp. dienbatn. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét