Thứ Năm, 20 tháng 9, 2018

CHUYỆN HỒN MA THÀY LUYỆN NGẢI. CHƯƠNG 8.

CHUYỆN HỒN MA THÀY LUYỆN NGẢI. CHƯƠNG 8.


CHƯƠNG 8. NHỮNG THÁNG NGÀY Ở BẢN TAM – CHIỀNG NGÀM – THUẬN CHÂU.


Những người lính năm xưa về thăm Bản Tam.
Sau gần 1 ngày hành quân, chúng tôi về đóng quân tại Bản Tam thuộc Xã Chiềng Ngàm – Thuận Châu – Sơn La. Xã Chiềng Ngàm nằm ở phía Đông Bắc của huyện, diện tích tự nhiên 49,64 km2, dân số 5.181 người, mật độ dân số 104 người/km2. Gồm 3 dân tộc chính: Thái, Mông, Khơ Mú. Xã có 16 bản: Sẳn, Búa Bon, Pù, Mùa, Chao, Nong Cạn, Quây, Huối Sói, Tam, Mện, Nà Cưa, Ngàm Tợ, Ngàm Nưa, Lọng Bon, Pú Bâu, Huổi Lán, với  1.089 hộ. Đây là số liệu hiện nay , thời chúng tôi đóng quân , dân số chắc chỉ khoảng một phần tư.
Trời về chiều , sương giăng mịt mù , bốn xung quanh toàn là rừng núi xanh đen. Thật đúng là : Rừng núi âm u – Thày bu kính mến như những dòng đầu những lá thư lính gửi về quê nhà.Trước doanh trại sơ sài của chúng tôi là một dòng suối lớn , nước chảy khá xiết . Một chiếc cầu treo đơn sơ nối giữa hai bờ ngăn cách một bên là doanh trại đơn vị chúng tôi , một bên là bản của người Thái có tên là Bản Tam. Từ chỗ này ra đến ngoài Chiềng Pấc là chỗ đường 6 đi qua khoảng 15 km và đường ra đó chỉ là con đường mòn của dân Thái. Chúng tôi sớm ổn định nơi ăn ở và bắt tay vào công việc. Nhiệm vụ của đơn vị tôi về đây là phá đá , mở đường từ Bản Tam ra Quốc lộ 6.  Trung đội tôi được giao nhiệm vụ cung cấp đá để làm đường , các trung đội còn lại làm nhiệm vụ mở đường .
Trung đội chúng tôi tiến hành nổ mìn phá đá tại một quả núi nhỏ bên đường. Cứ từng cặp 2 người , một chòong, một búa , chúng tôi đục lỗ trên các phiến đá để tra thuốc nổ. Sau mỗi nhát búa tạ giáng xuống , người cầm chòong lại xoay đi một chút để tạo thành một cái lỗ tròn. Thỉnh thoảng lại phải dùng cái múc bột làm bằng tre để múc bụi đá lên khỏi lỗ. Cứ như vậy từ sáng sớm tới trưa , chúng tôi khoan được một cái lỗ sâu hơn 1 m, rộng khoảng 3-4 cm. Thỉnh thoảng người cầm búa trật tay lại phang ngay vào tay người cầm chòong tóe máu. Sau khi có lỗ khoan , chúng tôi dồn thuốc nổ TNT xuống hố, tới gần miệng hố thì thả kíp mìn có gắn dây cháy chậm vào rồi dùng bột đá lấp chặt miệng lỗ lại. Khi tất cả dồn mìn xong , trung đội chỉ để lại hiện trường vài người nhanh nhẹn để đốt dây cháy chậm. Thông thường dây cháy chậm phải để chiều dài khoảng 1,5 m để có thời gian chạy tới chỗ tráng đá văng. Nhiều khi , do phải tiết kiệm nên trung đội trưởng chỉ cho cắt dây dài khoảng 1- 1,2 m nên thật là nguy hiểm cho những người đốt dây cháy chậm. Cũng may là những người đốy dây cháy chậm đa phần là những tiểu đội trưởng người Thái rất cao lớn và nhanh nhẹn. Vậy mà cũng không tránh khỏi những lúc sứt đầu , mẻ trán do đá văng. Sau khi dây cháy chậm cháy đến kíp nổ , những tiếng nổ trầm đục vang vọng cả một cánh rừng. Tiếng nổ nào đanh và trầm đục , chứng tỏ thao tác tốt nên lưỡng đá phá được nhiều. Tiếng nào to nhưng vang là do dồn thuốc chưa chặt nên lực công phá kém. Chiều đến , chúng tôi phải tiếp tục bê đá hộc xếp thành khối. Ban chỉ huy khoán cho mội người buổi chiều phải bê xếp được mỗi người 2 m3 mới đủ chỉ tiêu. Thời gian này vì phải lao động nặng nên chúng tôi đói khủng khiếp. Không có gạo nở mà chỉ ăn toàn gạo dẻo nên cơm rất ít . Mỗi người chỉ được hơn một bát cơm ăn với canh rau rừng và thịt hộp kho lõng bõng toàn nước. Dân Thái tại khu vực này cho đến tận ngày hôm nay cũng vẫn là một bản thuộc diện đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên nhờ có nương rãy nên họ không đến nỗi đói như bọn lính chúng tôi. Vậy là có bao nhiêu ni lông , võng dù, áo K74, dày bata chúng tôi đem sáng Bản đổi sạch lấy gạo, củ sắn và lâu lâu là con gà để cải thiện. Nhà chúng tôi cũng hay gử đồ ăn lên cho chúng tôi. Thường là cứ 1kg mắm tôm + 1kg riềng giã nhỏ + 1kg thịt mỡ và vài lạng ớt bột là chúng tôi có những bữa ăn ngon lành. Lấy rau rừng cho một thìa hỗn hợp trên vào là được một nồi canh rất ngon. Dân Thái ở đây rất chân chất và cần cù. Con gái Thái khá đẹp , thường ra chỗ mó nước trước đơn vị tắm và lấy nước nên cũng khá vui. Nam và nữ tắm truồng , chỉ cách nhau có một tấm phên tre đan thưa nên hầu như có cũng như không. Lúc đầu , chúng tôi khá ngượng ngùng khi phải tắm kiểu này. Sau lâu dần quen nên cũng thấy bình thường. Còn dân ở đây do tập quán từ ngàn đời nên họ coi việc tắm truồng là hiển nhiên.

Người con gái Thái.
Dạo này chúng tôi đã giao tiếp với dân ở đây bằng tiếng Thái khá tốt. Nói chuyện đã hiểu được nhau . Các bạn người Thái cũng dạy chúng tôi võ vẽ một chút về chữ viết Thái . “ Người Thái có một nền văn hóa đặc sắc, đặc biệt, họ còn có chữ viết nên lưu giữ được nhiều di sản văn hóa của cha ông. Hệ thống chữ viết cổ của người Thái từ xưa đã được ghi lại trên giấy dó, giấy dướng với nội dung rất phong phú. Chữ viết cổ của người Thái có tự dạng Sanscrit, vốn được vay mượn từ Ấn Độ và được sáng tạo thành bộ chữ riêng. Tiếng Thái là ngôn ngữ đơn tiết, có thanh điệu. Về mặt phân loại thân tộc ngôn ngữ, tiếng Thái thuộc ngữ hệ Tai – Kadai, nhánh Tai, tiểu nhánh Tai Tây Nam. Người Thái là hậu duệ của người Tai cổ, chủ nhân của nền văn minh lúa nước đặc trưng của vùng Đông Nam Á cổ.

Chữ Thái ở Việt Nam là loại chữ cổ và hiện nay vẫn giữ gần như nguyên vẹn từ tổ tiên người Thái để lại. Người Thái ở Việt Nam sống rải rác tại nhiều địa phương, nên chữ viết cũng dùng trong phạm vi từng địa phương, chưa được thống nhất và chưa được cải tiến. Riêng người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, từ thời bản mường dưới sự thống lĩnh của Tạo Xuông, Tạo Ngần, khoảng thế kỷ XI, XII, khi đưa dân Thái (Thái đen) từ Mường Ôm, Mường Ai nơi đầu "sông nước đỏ" (sông Hồng) vào chiếm Mường Lò (Nghĩa Lộ) đã có “Một mường", "Mo mường” và mang theo sách sử…
Tiếng Thái giàu thanh điệu, vùng phát triển cao nhất là 6 thanh thường và 2 thanh tắc (như tiếng Thái đen Việt Nam). Hai thanh tắc phát âm rõ thanh sắc và thanh nặng (gần như tiếng Việt). Trong số các thanh có thể phân thành hai nhóm cao và thấp hoặc có thể gọi là nhẹ và nặng, từ đó, sáng tạo ra 2 tổ phụ âm cao và phụ âm thấp. Sáng tạo lớn nhất trong bộ chữ của người Thái là tìm ra cách ghi, phân biệt rõ ràng và có quy tắc các thanh trong ngôn ngữ của mình. Người Thái đã sáng tạo ra cách đánh vần nên với họ, chữ này rất dễ học. Chữ viết của người Thái viết liền, không có dấu chấm, dấu phẩy, không có chữ viết hoa; hơn nữa, bộ ký tự chữ Thái ở mỗi địa phương ít nhiều có sự khác biệt. Bộ chữ Thái đã thể hiện tương đối đầy đủ, toàn diện về hệ thống ngữ âm, từ vựng và ngữ nghĩa của ngôn ngữ Thái. Tuy vậy, nó vẫn có một số hạn chế là không có dấu thanh và chưa thống nhất cao giữa các vùng. Chúng tôi suốt ngày cứ ngồi đánh vần những âm : May co, May ca , may ki… Từ bộ chữ Thái cổ (có 19 cặp chữ cái phụ âm “tồ” và 19 nguyên âm “mày”, một số chữ tượng hình và viết tắt), bộ chữ Thái thống nhất đã thay và bổ sung thêm hai chữ của vùng Mộc Châu là O, Ò và 3 cặp tồ đặc trưng cho vùng Thái ở Lai Châu, Phong Thổ. Như vậy, bộ chữ Thái thống nhất có 22 cặp chữ cái phụ âm “tồ” và 19 chữ cái nguyên âm “mày”. Các chữ tượng hình và viết tắt vẫn giữ nguyên như bộ chữ Thái đen cổ. Chiều chiều đài phát thanh tiếng Thái Sơn la lại vang lên “ Mơi pi nọong phăng com pá Đài phát thanh Sơn la. Bộ độ trung đoàn hỏi nâng pét síp sí khẩu ma Chiêng Ngàm đệt tang ( Mời các anh chị nghe đài phát thanh Sơn La . Bộ đội trung đàn 184 vào Chiềng Ngàm làm đường …”Những sáng chủ nhật được nghỉ, chúng tôi cuốc bộ hơn 20 km ra chợ Thuận Châu chơi. Cũng vẫn phở ngô như Nà Sản , cũng vài chục nóc nhà người kinh dựng 2 bên đường 6 nhưng đối với chúng tôi là được “Ra Tỉnh “ . Cái thèm nhất là nghe tiếng người Kinh nói chuyện với nhau.Trong đơn vị có người Thái , Người Mường , người HMông , người Kinh , nhưng toàn đực rựa . Ra tới Thuận Châu nghe tiếng con gái Kinh nói chuyện nghe mới thấy ngọt làm sao.
Con đường chúng tôi làm cứ dài ra mãi theo thời gian. Tuy so với những con đường cao tốc bây giờ thì nó thật nhỏ bé , nhưng con đường đó là biết bao mồ hôi , công sức thậm chí cả máu của đồng đội chúng tôi trong trung đoàn 184.
Con đường ngày xưa chúng tôi làm.
Đầu năm đó , khi con đường vừa hoàn thành thì có Lệnh Tổng động viên toàn quốc . Chiến tranh bắt đầu lan rộng ở Cao Bằng , Bắc Cạn , Lạng Sơn…..
Trung đoàn chúng tôi được lệnh đi chiến trường Lào qua cửa khẩu Tây Trang.
“ Ruồi vàng , bọ chó , gió Tây Trang “. Liên miên những cuộc hành quân , liên miên là rừng già Bắc Lào…. Phông Sa Lỳ , Huổi Phăn , Sầm nưa ,Udonsay.....Chúng tôi bước đi mãi theo khúc quân hành.
Đời mình là một khúc quân hành
Đời mình là bài ca chiến sỸ
Ta ca vang, triền miên qua tháng ngày
Lượn ba trên núi rừng, biên cương đến nơi đảo xa...
Mãi mãi lòng chúng ta
Ca bài ca người lính
Mãi mãi lòng chúng ta
Vẫn hát khúc quân hành ca...
Dù rằng đời ta thích hoa hồng
Kẻ thù buộc ta ôm cây súng
Ta yêu sao làng quê non nước mình
Tình quê hương vút thành thanh âm khúc quân hành ca...
Mãi mãi lòng chúng ta
Ca bài ca người lính
Mãi mãi lòng chúng ta
Vẫn hát khúc quân hành ca
CHƯƠNG 9.
 Xin theo dõi tiếp chương 9. dienbatn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét