Thứ Ba, 10 tháng 5, 2016

KHẢO SÁT MỘT SỐ NGÔI MỘ CỦA TIỀN NHÂN ĐỂ LẠI . BÀI 15.

KHẢO SÁT MỘT SỐ NGÔI MỘ CỦA TIỀN NHÂN ĐỂ LẠI . BÀI 15.

Sau rất nhiều chuyến điền dã khảo sát Phong thủy âm trạch , dienbatn còn giữ được một số tư liệu về những ngôi mộ cổ do tiền nhân đặt từ xưa . Nay đăng lại trong Blog này làm tư liệu và mong rằng những Thày Địa lý của Việt Nam hiện nay nghiên cứu và hy vọng sẽ rút ra được những điều bổ ích cho mình , ngõ hầu có thể giúp cho những thân chủ của mình một cuộc sống an vui , hạnh phúc.
Sách có câu :"Tiên tu nhân lập âm chất,nhi hậu tầm Long ". 
Người người đều muốn có được một Địa trạch tốt tươi,nhằm thăng hoa cuộc sống vật chất đầy đủ,công danh hiển hách,vợ đẹp con ngoan,Gia đình hạnh phúc.Sách THÔI QUAN THIÊN viết :"Trong nhà có người đức hạnh cao thượng thì đất đá trên núi gần đó nhất định có Linh khí ".Qua câu nói trên tức là con người làm chủ Linh khí vạn vật do phần Tâm khí của chính mình.Các Phong Thủy Sư không hiểu điều này thì dủ có Trích Huyệt Tầm Long được Bảo địa cũng chẳng linh nghiệm. 
Những việc Tầm Long Địa Huyệt còn phải hội thêm phần cảm ứng tức là Thiên Đạo (Đạo Trời );sự ứng nghiệm của việc hành thiện lập âm chất,tạo nhân quả tốt.Tục ngữ có câu :"Âm địa tốt không bằng Tâm địa tốt ".Do vậy,tìm kiếm chọn lọc được Địa mạch Huyệt vị,Phong Thủy Sư phải tích đức hành thiện làm căn bản.Nếu kẻ nào có phẩm chất cao thượng,thì ắt Thiên cơ sẽ ứng,Địa cơ theo đó mà tăng thêm sự tốt lành cho con cháu đời sau hưởng Phúc.Bởi Tâm địa thiện lương thì tương ứng với Địa mạch cát lợi ,vận Trời ứng cho,chứ chẳng phải chủ quan tâm về hình thức mà quên đi nội dung,cứ tưởng rằng tầm được Long huyệt rồi,con cháu đời sau sẽ được hưởng Phúc,cái gốc chúng ta chẳng lo mà lại đi lo cái ngọn,rõ là ta chẳng biết gì cả.Nếu như các Phong Thủy Sư họ tài giỏi như thế thì ắt họ phải giành những huyệt Đế Vương,Công Hầu,Khanh tướng cho con cháu họ,chứ dại gì mà họ chỉ cho ai ? 
Quách Phác nói :"Cát hung cùng cảm ứng lẫn nhau,họa phúc cũng tự nhiên theo Tâm khí chiêu cảm mà đến ". 
Khi táng di hài Tổ tiên,chắc người ta phải chọn Địa huyệt thật tốt mà an táng,song song với việc trên ,người tại tiền phải nỗ lực tu dưỡng thân,tâm cầu lấy gốc rễ của Đạo.Nếu chỉ chú trọng quan sát hình thể Địa huyệt,sẽ cho kết quả trái ngược,làm tổn hại đến con cháu đời sau. 
Nếu như có Nhân,tất phải có Quả;nhưng Nhân -Quả thiện ác tùy vào Tâm khi chiêu lấy họa phúc.Cũng như ngày xưa có người chết được Thiên táng hay Địa táng một cách ngẫu nhiên,con cháu sau này phát Đế Vương,Công hầu.
Triệu Quang viết cuốn :"PHONG THỦY TUYỂN TRẠCH TỰ ",có nói rằng :"Vô phước cho ai không có nhân duyên mà được Huyệt tốt ".Dẫu cái tốt,xấu của Phong thủy Huyệt mộ ảnh hưởng đến cát hung,nhưng Âm đức của con người có thể cải biến được Vận -Mạng.Đến như các bậc Tiền bối Phong thủy như Cao Biền,Quách Phác tài giỏi kinh Thiên động Địa ,nhưng khi gặp Huyệt Đế Vương cũng không dám dành cho mình,bời biết đạt Địa lợi,nhưng Thiên thời và Nhân hội còn khuyết,không dám nghỉ bàn.Tóm lại việc "TIÊN TÍCH ĐỨC,NHI HẬU TẦM LONG " của người xưa dạy quả không sai. 

10 / KHẢO SÁT LĂNG MỘ VÀ TỪ ĐƯỜNG NGÔ THÌ SĨ - NGÔ THÌ NHẬM - LÀNG TÓ. ( Tiếp ).

7/ TỪ ĐƯỜNG NGÔ THÌ SĨ - NGÔ THÌ NHẬM - LÀNG TÓ.

  
 Nhà thờ Ngô Thì Nhậm trước đây được gọi là đền Sùng Đức. Theo bia Sùng Đức từ ký. Có niên đại Cảnh Thịnh thứ hai (năm 1794) thì đều do thân phụ của Ngô Thì Nhậm là Văn Dụ vương (tức Ngọ Phong công Ngô Thời Sĩ) xây năm Bính Tuất đời Cảnh Hưng (1766), sau khi ông thi đậu Hoàng giáp. Trong nhà thờ còn lưu giữ được chân dung Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Sĩ và một số đồ dùng của Ngô Thì Nhậm.





" Em thứ nữa là Trí, ở chi ta là ngành thứ, song đối với bà thứ mẫu Thuận Nhân lại là ngành trưởng (Ngô Thì Chí là em thứ ba của Ngô Thì Nhậm, nhưng là con đầu của bà mẹ kế (thứ mẫu) là Thuận Nhân sinh ra), đã thờ thần chủ bà thứ mẫu Thuận Nhân phối hưởng với Tiên công, đó là lòng hiếu kính của ta theo chí hướng của các cụ trước, đời đời không dám vượt quá. Trí, em nên cùng với Thân con cả ta ở chung (trong Ngô gia văn phái và Ngô gia thế phả chép Ngô Thì Điển, chữ Điển 典 và Thân 伸 tự dạng gần giống nhau, có lẽ ở đây chép lầm chữ “Điển” ra chữ “Thân”?. Chú cháu phụng thờ tư tết phải kính cẩn, không được trái cái ý hiếu thuận của ta. Em [Trí] nên ở một khu đất phía trước, bên phải nhà của cháu Thân. Đất đó do Tiên công ta cho, lại một chiếc ao nữa, ta thu lại làm ao hương hỏa, sẽ lấy một chiếc ao đào cũ, sào thước cũng đúng bằng ấy để đổi."  http://hannom.org.vn/


dienbatn cùng anh Bình , anh Công, anh Liêm là con cháu dòng họ Ngô tại từ đường Ngô Thì Sĩ - Làng Tó.

Nhà thờ và Lăng mộ Ngô Thì Nhậm được dựng từ thế kỷ thứ XIX theo kiểu nội tự ngoại khách. Năm 1977 tỉnh Hà Sơn Bình công nhận nhà thờ và lăng mộ  Ngô  Thì Nhậm là di tích lịch sử. Năm 1997 nhà thờ và lăng mộ Ngô Thì Nhậm được Bộ văn hóa thông tin công gnhaanj là di tích lịch sử. Để tưởng nhớ ngày mất của danh nhân, vào ngày 16-2 âm lịch hàng năm, Đảng uỷ, UBND xã, thôn cùng con cháu trong họ làm lễ dâng hương tại khu di tích.



 
"Tương truyền khi Chu Văn An mở trường dạy học ở quê nhà, có nhiều học trò tìm đến theo học. Trong số này có một người sáng nào cũng đến thật sớm nghe giảng. Thầy dạy khen là chăm chỉ nhưng không rõ tông tích ở đâu. ông bèn cho người dò xem thì cứ đến khu đầm Đại (khu đầm lớn hình vành khuyên, nằm giữa các làng Đại Từ , Tứ Kỳ, Huỳnh Cung) thì biến mất. Ông biết là thần nước. Gặp lúc đại hạn kéo dài, giảng bài xong ông tụ tập các trò lại hỏi xem ai có tài thì làm mưa giúp dân, giúp thầy. Người học trò kỳ lạ trước có vẻ ngần ngại, sau đứng ra xin nhận và nói với thầy: "Con vâng lời thầy là trái lệnh Thiên đình, nhưng con cứ làm để giúp dân. Mai kia nếu có chuyện gì không hay, mong thầy chu toàn cho". Sau đó người này ra giữa sân lấy nghiên mài mực, ngửa mặt lên trời khấn và lấy bút thấm mực vẩy ra khắp nơi. Vẩy gần hết mực, lại tung cả nghiên lẫn bút lên trời. Lập tức mây đen kéo đến, trời đổ mưa một trận rất lớn. Đêm hôm ấy có tiếng sét và đến sáng thấy có thây thuồng luồng nổi lên ở đầm. Chu Văn An được tin khóc thương luyến tiếc rồi sai học trò làm lễ an táng, nhân dân các làng lân cận cũng đến giúp sức và sau nhớ công ơn bèn lập đền thờ. Nay vẫn còn dấu vết mộ thần. Theo truyền thuyết, chỗ nghiên mực bị ném rơi xuống đã biến thành đầm nước lúc nào cũng đen, nên thành tên là Đầm Mực. Quản bút rơi xuống làng Tả Thanh Oai biến làng này thành một làng văn học quê hương của Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, v.v... Trong đền thờ thần còn đôi câu đối khá tiêu biểu ghi lại sự tích này.
Mặc nghiễn khởi tường vân, nhất bút lực hồi thiên tự thuận.
Chu đình lưu hóa vũ, thiên trù vọng thiếp địa phồn khô.
( Mây lành từ nghiên mực bay lên, một ngọn bút ra công trời thuận theo lẽ phải.
Mưa tốt giữa sân son đổ xuống, nghìn cánh đồng đội nước, đất nẻ trổ mùa hoa).
(Chu đình có hai nghĩa: sân son và sân họ Chu, chỉ Chu Văn An)."
Trong tâm thức của người làng, thế đất của làng phát đạt về mặt học hành nên có ý thức với việc học. Cuốn Lư sử điển yếu điều lệ (soạn năm 1791), viết :“Làng Tả Thanh Oai đất do sông Tô dẫn mạch, miếu do sông Nhuệ bồi cơ, danh đăng khoa giáp, thế phiết thi thư, quý mà không phú, phần nhiều là sĩ dân sính về đường học, coi là việc hàng đầu...". Làng Tả Thanh Oai trước đây có 2 đình là đình Tổ Thị và đình Hoa Xá (nay chỉ còn đình Hoa Xá), thờ Lê Hoàn và Bà Chúa Hến – cô gái làng Tó được Lê Hoàn lấy làm phi trong dịp dẫn đại quân theo đường sông ra Bắc để tiêu diệt quân xâm lược Tống, ghé thăm làng (năm 981).




Di ảnh Ngô Thời Sĩ - Ngô Thời Nhậm tại từ đường.
Trên cùng ban thờ đề chữ : 王 大 峯 午 - NGỌ PHONG ĐẠI VƯƠNG ???






















Hướng từ đường 189 độ - Tọa Quý - Hướng Đinh .

Xem thêm .

" Tô Lịch - Sông của những danh nhân .

Nếu Hồng Hà giúp Hà Nội giao thương, làm cho Hà Nội trù phú, là cuộc sống của người dân Hà Nội, Tô Lịch lại góp phần làm nên khuôn mặt tinh thần của thủ đô ngàn năm văn hiến. Dòng sông mang tên Tô Lịch, là vị thần hộ mệnh của Kinh thành Thăng Long (còn có tên là Thần Long Đỗ). 
Tô Lịch xuất phát từ Hồ Tây, chảy dài theo hướng tây nam, rồi gặp Sông Hồng ở cuối huyện Thanh Trì, giáp với Thường Tín. Con sông dài chưa quá 30km, có chỗ hẹp vừa đủ bắc ngang một cây tre, nhìn lên bản đồ Hà Nội như một mao mạch màu xanh, bên cạnh động mạch chủ gân guốc - Hồng Hà. 
Sự ra đời của con sông Tô Lịch còn có nhiều giả thuyết. Có người cho rằng sông Tô Lịch do Thái Thú Cao Biền đào cách đây trên nghìn năm. Có người bảo nó là một đoạn sông Hồng bị đổi dòng. Dù nó ở sự phát nguyên nào chăng nữa thì trong cuộc đời tồn tại của Tô Lịch, bao trầm tích văn hoá đã được bồi đắp. 
Người Kinh kỳ gọi dòng sông của mình là Giang Linh Thần. Bởi lẽ, suốt chiều dài mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, lúc nào, thời đại nào, nơi đây cũng xuất hiện những anh hùng cái thế "tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" hay những tao nhân mặc khách mà thơ văn và nhân cách của họ mãi mãi còn lay động lòng chúng ta. 
Xin giới thiệu những danh nhân văn hoá, những anh hùng dân tộc đã sinh ra và lớn lên bên bờ sông này. 
Đầu tiên là Làng Cót, gồm thượng Yên Quyết và hạ Yên Quyết, với 13 tiến sĩ, là một trong bốn làng khoa bảng nhất của huyện Từ Liêm "Mỗ, La, Canh, Cót". 
Sông Tô Lịch tiếp tục chảy xuôi vào địa phận tổng Khương Đình càng nhiều các danh nhân khoa bảng, sông càng chảy dài về xuôi thì các danh nhân lại càng nhiều lên cả về số lượng lẫn tầm vóc. Có lẽ tinh tuý của thiên nhiên tạo vật theo dòng chảy mà tích tụ dần. 
Mời bạn rẽ vào Làng Mọc, bây giờ thuộc quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội. Mọc là tên gọi còn tự là Nhân Mục. Nó gồm hai làng Nhân Mục cựu và Nhân Mục Môn. 
Theo sách danh nhân khoa bảng Việt Nam 1075 - 1919 của Nguyễn Tiến Cường thì Nhân Mục có 13 vị đỗ tiến sĩ, một phó bảng, 31 cử nhân và vô số tú tài, trong đó, Nhân Mục cựu (gồm Hạ Đình, Thượng Đình) 11 tiến sĩ. Nhân Mục môn hai tiến sĩ nhưng đều đỗ đầu (Đình Nguyên và Giải Nguyên). Nhân Mục cựu còn có hai vị đỗ tạo sĩ (tiến sĩ võ). 
Khai khoa tiến sĩ là Đình Nguyên Nguyễn Tuấn 1562 đời Lê Kính Tông, người đỗ cuối cùng của Làng Mọc là phó bảng Lê Đình Sán (Nhân Mục Cựu) 1866 đời Thành Thái. 
Trở về làng Giáp Nhất, ta tới thắp nén nhang tưởng niệm tiểu thuyết gia Vũ Trọng Phụng. Ông đã sinh ra cho đời những nhân vật văn học như Xuân Tóc Đỏ, Nghị Hách, Bà Phó Đoan và một câu cửa miệng bất hủ: Biết rồi, khổ lắm, nói mãi! 
Rồi xuống làng Thượng Đình, quê mẹ của Nguyễn Thị Minh Khai, nơi chôn rau cắt rốn của nhà tuỳ bút kỳ tài Nguyễn Tuân. Ngày nay, làng Thượng Đình trở thành phường. Trong phường có phố Nguyễn Tuân. 
Tiếp giáp làng Thượng Đình là Hạ Đình, quê hương Đặng Trần Côn. Có điều lạ là hiện nay con cháu ông đi đâu hết cả, vì thế xuất xứ của ông cũng còn là điều bàn cãi. Theo nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Lẫm, Trưởng tộc Nguyễn Huy ở Hạ Đình thì Đặng Trần Côn kết giao với Thượng thư bộ Công Nguyễn Đình Kỳ, cụ tổ chín đời của ông Lẫm. 
Tình bạn keo sơn giữa hai kẻ sĩ đã níu ông ở lại Hạ Đình, mở trường dạy học và mất tại đó. Mộ Đặng Trần Côn vẫn sè sè nắm đất bên đường, cạnh sông Tô Lịch. 
Từ Làng Mọc, Hạ Đình xuôi theo dòng sông Tô Lịch đến làng Lủ, với thôn Lủ Cầu, Lủ Trung và Lủ Văn. Những danh nhân phát tích nhiều ở Lủ Trung (Kim Lũ), dù người khai khoa tiến sĩ của ba làng Lủ là Nguyễn Nhân Chính, người thôn Lủ Cầu (Kim Giang). 
Ông đỗ năm 1634, từng được cử đi sứ Tàu, làm quan đến Lại bộ tả thị lang, sau được phong tặng Thượng thư Hải quận công. Người khai khoa thôn Lủ Trung là Hồng Đạo (Điền) (1677 - 1749) đỗ năm 1710, Hình bộ hữu thị lang. Sang triều Nguyễn, vì kiêng huý tên vua nên họ Hồng đổi thành họ Cung. Hồng Điền là một trong tứ hổ Thanh Trì trên văn đàn thi phú Thăng Long. 
Danh nhân khoa bảng đáng kể tiếp theo là Nguyễn Công Thể (Thái). Tiến sĩ xuất thân, Quốc Tứ Giám tế tửu 1728 Bồi tụng kiêm. Thượng thư bộ Lễ, bộ Lại, năm lần tham tụng (phó tể tướng) dưới bốn triều Vua Lê. Ông đã được nhà nước ta suy tôn danh hiệu Danh nhân văn hoá năm 2007. 
Nguyễn Công Thể là nhà chính trị, nhà văn, nhà ngoại giao kiệt xuất. Trong những công lao của ông, nổi bật nhất là hai việc sau đây: 
Đất Vị Xuyên thuộc Hà Tuyên vốn có mỏ đồng quý. Bọn thổ ty phủ Khai Hoá Vân Nam âm mưu lấn chiếm 120 dặm đất vào phía Nam, nhằm ý đồ chiếm mỏ đồng. 
Triều Lê đã cử Nguyễn Công Thể lên ải Nam Quan triều đình với nhà Thanh đòi đất. Nguyễn Công Thể đã không ngại gian khổ, lặn lội nơi lam chướng, lần tìm tới những xưởng bạc, xưởng đồng, nhận đúng chỗ sông Đô Chú để dựng bia, đưa khu mỏ Tụ Long vào cương vực nước ta, giành lại 120 dặm đất cho tổ quốc. 
Việc thứ hai: Khi thấy Trịnh Giang ăn chơi sa đoạ, sao nhãng việc quốc gia đại sự, Nguyễn Công Thể khuyên răn mãi không được, đã cùng Nguyễn Quý Kính phế bỏ Trịnh Giang, lập Trịnh Doanh là em thứ ba của Trịnh Giang lên ngôi chúa, lập lại kỷ cương đang bị băng hoại. 
Khi Trịnh Doanh nghe lời sàm tấu của bọn gian thần, ông rũ áo từ quan về trí sĩ tại quê nhà, đem ruộng tước lộc từ vua chia cho 3 thôn Lủ, mở trường dạy học, sống thanh bần với quê hương dòng tộc. 
Cũng trong dòng học Nguyễn Công Thể còn có Nguyễn Siêu - một ngôi sao sáng của tư tưởng Hán Nho mà tài thơ văn của ông đã được vua Tự Đức tôn vinh: 
Văn như Siêu - Quát vô tiền Hán
Thi đáo Tùng - Tuỳ thất thịnh Đường 
Nhờ Nguyễn Siêu mà Hà Nội có đền Ngọc Sơn, một hòn ngọc ở hồ Hoàn Kiếm. Đài Nghiên, Tháp Bút, biểu tượng cho tinh thần Nho giáo mãi mãi vươn lên bầu trời ba chữ: Tả thiên thanh, là niềm kiêu hãnh về Hà Nội ngàn năm văn hiến của chúng ta. 
Gần với chúng ta hơn là Nguyễn Trọng Hợp, học trò của tiến sĩ Vũ Tông Phan và Nguyễn Văn Lý. Đậu tiến sĩ năm 1865, là thầy dạy của các vua Thành Thái, Hàm Nghi. Làm quan đến chức phụ chính đại thần, rồi Kinh lược xứ Bắc Kỳ, Trưởng bộ sứ Việt Nam sang Pháp đàm phán. 
Năm 2003, ông đã được nhà nước quyết định công nhận là Danh nhân văn hoá đất nước. Ngoài dòng họ Nguyễn, Khoa bảng còn phải kể đến họ Cung và họ Hoàng, với một loạt cử nhân và những đóng góp to lớn cho nền văn hoá Thăng Long. Đó là Hoàng Đạo Thành, Hoàng Đạo Đạt. Đó là nhà Hà Nội học, huynh trưởng Hướng đạo sinh Việt Nam: Hoàng Đạo Thuý. 
Qua làng Lủ đến làng Quang Liệt, ngày nay là Thanh Liệt. Quê hương của Thái sư bắc đẩu Chu Văn An, người thầy giáo số một của đất nước ta, vị hiệu trưởng đầu tiên của Quốc Tử Giám, người duy nhất được thờ cùng với Khổng tử trong Văn Miếu. 
Từ làng Quang, sông Tô Lịch phân thành hai nhánh. Một nhánh ra sông Nhuệ, nhánh chính tiếp tục chảy xuống Ngọc Hồi ra sông Hồng. 
Nhánh ra sông Nhuệ chảy qua làng Tó. Nơi đây là quê hương của cả một dòng văn học mà trong sử sách vẫn thường ghi: Dòng Ngô Gia Văn Phái gồm 11 tên tuổi lẫy lừng như Ngô Thì Chí (1753 - 1788), Ngô Thì Du (1772 - 1840), Ngô Thì Hiệu (1791 - 1830), Ngô Thì Hương (1774 - 1821), Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803), Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780)..., trong đó nổi bật lên một nhà thơ, một người anh hùng cái thế mà những câu chuyện về ông vẫn thường xuyên được mọi người nhắc đến hôm nay, đó là Ngô Thì Nhậm. 
Cách làng Tó không xa cũng bên bờ sông Tô Lịch là làng Nhị Khê, quê hương của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. 
Từ đây, sông Tô Lịch mở rộng ra và ôm ấp lấp ruộng vườn làng Đông Mỹ, quê hương của nguyên Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Đỗ Mười. 
Chúng ta vừa làm một cuộc hành trình theo dọc sông Tô Lịch, từ hướng Bắc xuống Tây Nam của Hà Nội, để hiểu thêm về một dòng sông thiêng mà một thời xa xưa thành quách đã từng soi bóng.
 Ngậm ngùi thay, bây giờ sông Tô Lịch ô nhiễm quá nặng, không còn là dòng sông từng đi vào ca dao: 
Sông Tô nước chảy trong ngần.
Con thuyền buồm trắng chạy gần chạy xa. 
Mai Vũ
Nguồn: VFEJ. "

Sông Tô Lịch ngày nay đang kêu : "Than ôi , Thời oanh liệt nay còn đâu ? ". Dòng Tô Lịch , dòng sông Nhuệ, dòng Kim Ngưu nay chỉ còn là những dòng nước thải đen xì , hôi thối mà dân Hà Nội đặt tên là dòng sông thối.
Xin xem tiếp bài 16. dienbatn.

1 nhận xét:

  1. Hồ tây, sông Tô lịch, Hồ gươm sách nào cũng cho đó là linh khí Thăng Long, nhưng đời sống hiện đại phá phách như vậy thì có thể quy rằng cái gì cũng có thời của nó đúng không ạ?

    Trả lờiXóa