NHỮNG HANG ĐỘNG TRÊN THẤT SƠN HUYỀN BÍ . phayant.
Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2010
NHỮNG HANG ĐỘNG TRÊN THẤT SƠN HUYỀN BÍ . phayant. |
1/Những hang động Thất Sơn huyền bí: Điện Mười Ba, hang Công Đức
Mỗi người khi qua được cửa “mẹ đẻ” đều gõ vào chuông đá ở tầng điện thứ 13
Điện Mười Ba còn được gọi là điện Mẹ và hang Công Đức ở núi Cấm là hai hang động được nhiều khách hành hương, du lịch tìm đến.
Điện Mười Ba nằm chếch về hướng đông bắc của núi Cấm. Vì có tất cả 13 tầng, mỗi tầng đều có cửa thông suốt với nhau và một nơi để cho du khách có thể thắp hương cầu nguyện khi đi qua nên hang động này gọi là điện Mười Ba.
Vào cửa “mẹ đẻ”
Từ đỉnh núi, nơi đánh dấu khu vực điện, để đi xuống được đến cửa vào hang phải băng qua những bậc thang thẳng đứng, gập ghềnh và nhiều mỏm đá cao, cheo leo. Nhìn từ bên ngoài, điện Mười Ba trông bình thường như bao hang đá khác, nhưng khi đặt chân vào bên trong mới biết được sự huyền bí và cảm nhận được điều kỳ diệu của các tầng điện. Mặc dù chỉ có một lối đi lớn thông suốt trong 13 tầng điện, thế nhưng nếu không có người dân địa phương dẫn đường, khách lạ rất dễ bị lạc trong mê cung đá mà không cách nào tìm được lối ra. Vì thế, không phải bất cứ ai cũng có đủ can đảm chinh phục hang động huyền bí này.
Chúng tôi lần theo vách đá xuống cửa hang với những cây nến cháy sáng trên tay. Vừa bước vào cửa hang thì cả không gian tối om bao phủ, không còn nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Đi được một đoạn, đến quãng trống khá rộng rãi trong hang, nơi có đặt chiếc lư hương còn nghi ngút khói, Hưng, người dẫn đường nói đã chinh phục được cửa đầu tiên. “Phía sau chiếc lư hương là cửa thông qua tầng điện thứ 2 và càng về sau cửa sẽ càng nhỏ hẹp lại. Đặc biệt ở cửa thứ 12 qua cửa 13 rất nhỏ hẹp, nhìn thấy ai cũng sợ mình chui qua không lọt. Tuy nhiên, phải biết cách, thò đầu qua trước rồi luồn lách thân mình thì dù người mập hay ốm đều qua cửa dễ dàng”, Hưng quả quyết.
Cũng theo lời Hưng thì qua được cửa này là đã chinh phục được cửa... “mẹ đẻ”, coi như kết thúc hành trình. Đặc biệt hơn, trước cửa ra của tầng điện thứ 13 có một mỏm đá được gọi là “chuông đá”. Mỗi người khi qua được cửa “mẹ đẻ” đều nhặt lấy một cục đá trong hang gõ vào chuông đá. Kỳ lạ thay, phiến đá phát ra những âm vang rất thanh nhã và trầm ấm như tiếng chuông khiến lòng người thanh thản.
“Đo” công đức
Khách hành hương lên núi Cấm thường truyền tai nhau rằng sau khi đi khắp năm non, cúng viếng tất cả chùa chiền thì phải ghé lại hang Công Đức. Sở dĩ tên gọi của hang như thế vì có giai thoại rằng dưới hang kia là một cán cân bằng đá, có khả năng đo được công đức của con người.
Trong lòng điện Mười Ba
Ngày nay, hang Công Đức chỉ là một hang nhỏ nằm trong điện Ông Thẻ, trong quần thể hang Bác Vật Lang. Một ông lão làm trong một Hội Chữ thập đỏ chuyên đi rừng hái thuốc, kể với chúng tôi ông đã từng chứng kiến điều kỳ diệu ở hang Công Đức. Theo lời kể của ông lão này, một người phụ nữ cao lớn bước xuống hang thì cả người đều bị khuất sâu dưới hang, chỉ ló từ cằm đến đầu, nghĩa là có nhiều công đức. Rồi một bé gái bước xuống hang thình lình chiếc cân đẩy cả người em lên cao khỏi miệng hang, là vì còn nhỏ nên chưa có bao nhiêu công đức. Nhiều người khẳng định hang này là thước đo công đức của con người. Từ những câu chuyện truyền miệng như thế, hang Công Đức lại được rất nhiều người vô tình hay cố ý đồn thổi, thêu dệt bao điều huyền hoặc.
Để khám phá thực hư hang Công Đức, chúng tôi đã chui vào điện Ông Thẻ với lối đi vô cùng chật hẹp. Người đi phải lách, bò, trườn qua những kẽ đá, thạch nhũ vừa vặn thân mình. Điện Ông Thẻ là một hang đá tự nhiên. Đến nơi đặt chiếc lư hương để viếng Ông Thẻ nhìn sang bên trái có một khoảng rộng nhưng tối om, nơi đó là hang Công Đức. Hang này nhỏ và cạn, chỉ là một hang suôn đứng, vừa vặn một thân hình người. Bên cạnh đó, có một khoảng trống vừa chỗ cho một người ngồi đợi đến lượt xuống hang.
Anh Kiếm, một thổ địa ở Thiên Cấm sơn, rành rẽ mọi ngõ ngách hang động trên ngọn núi này và là người dẫn đường cho chúng tôi. Anh Kiếm cho rằng hang này chẳng có gì huyền bí mà chủ yếu do sự tín ngưỡng, niềm tin của mỗi người rồi về truyền miệng nhau mà thôi. Khi chúng tôi bước chân xuống, ánh sáng duy nhất là cây nến nhỏ le lói chỉ soi thấy mặt người ở cự ly gần. Miệng hang chật hẹp, thân hình gầy nhom nhưng để chân xuống đụng đáy hang cũng không phải dễ dàng. Khi chân chạm gờ đất dưới cùng trong hang thì miệng hang tới ngang vai.
“Độ sâu của hang là cố định nhưng những người mê tín dị đoan vào đây đo công đức thì cho ra nhiều kết quả khác nhau. Muốn người khác nghĩ mình công đức nhiều thì người trong hang khuỵu chân xuống để miệng hang đến gần mũi, gần đầu. Họ chỉ tự gạt mình chứ hang đá làm gì có thước nào mà đo công đức”, anh Kiếm nói.
2/Những hang động huyền bí ở Thất Sơn: Đi tìm hang hổ
Hang Bạch Hổ ở Vồ Thiên Tuế
Núi Cấm xưa kia có rất nhiều hổ với những truyền thuyết ly kỳ. Đến bây giờ nhiều người dân đi rừng vẫn còn nhìn thấy dấu chân chúa sơn lâm.
Từ những truyền thuyết, giai thoại về hổ trên vùng Bảy Núi, chúng tôi trở lại Thiên Cấm sơn để tìm hiểu. Hiện trên ngọn núi này có đến gần 10 hang hổ và theo người dân, trong số đó có nơi vẫn còn ông “ba mươi” trú ngụ.
Trận chiến ly kỳ
Tương truyền xưa kia, các võ sĩ ở miệt Thất Sơn thường đấu hổ, song lão đạo sĩ cuối cùng trên đỉnh Thiên Cấm sơn - Ba Lưới bảo đó chỉ là lời đồn thổi. Bởi theo ông, xưa kia hổ trên núi nhiều vô số kể nhưng đều là hổ tu không làm hại mà còn bảo vệ con người. Trong đó có hai con hắc hổ (hổ đen) và một con bạch hổ - chúa sơn lâm trên núi Cấm.
Rít điếu thuốc đỏ lừ, từ từ nhả khói, đạo sĩ già 97 tuổi, kể: Hồi đó ông lên núi tu chưa được bao lâu, độ khoảng năm 1940 thì phải. Ở phía đông nam có ngọn núi cao tên là núi Bà Đội Ôm (trên đỉnh núi có cục đá to như đầu người phụ nữ đội cà ôm). Hồi đó, trên núi này có rất nhiều ác thú. Người dân quanh vùng thường bị chúng phá phách, giết hại. Nhất là con hạm tinh (giống như hổ, nhưng chuyên ăn thịt người, xác chết, thịt thối) được coi là chúa tể của núi này.
Một ngày kia, hạm tinh băng rừng tìm theo đường mòn lên núi Cấm. Vừa tới cửa núi ở vồ Thiên Tuế đã bị hai con hổ đen chặn đánh. Lúc này trời bỗng nổi trận cuồng phong, các loài thú nhỏ thì tháo chạy, chim trời bay tứ tán. Biết có chuyện, những cư sĩ trên núi lúc bấy giờ trèo lên các ngọn cây cao xem thử. “Tình cờ tao và mọi người chứng kiến trận ác chiến đang diễn ra trên vồ đá to ngay cửa núi. Hai hổ đen xông vào nghênh chiến, xung quanh cả trăm hổ vằn ngồi lặng yên theo dõi. Sau nhiều giờ giao đấu không phân thắng bại, bỗng từ xa có tiếng gầm rú vang vọng cả núi rừng. Hai hổ đen dạt ra xa, bạch hổ bất ngờ xuất hiện, lao vào tấn công hạm. Chưa đầy nửa hiệp, chúa sơn lâm đã móc họng, giết chết hạm tinh và đẩy xác xuống vực sâu bên vồ Thiên Tuế. Núi Cấm trở nên yên ổn từ khi đó”, ông Ba Lưới kể.
Nghe mùi “khét”, chó chạy cong đuôi
Ông Đinh Phi Vân, nhà ở vồ Mồ Côi, núi Cấm cho biết mãi đến năm 2004 rừng núi Cấm vẫn còn thấy bóng dáng hổ. “Thỉnh thoảng đi rừng tôi vẫn bắt gặp dấu chân của “ông ba mươi” in rõ trên nền đất cứt trùng. Rừng trong khu vực của tôi còn rất hoang sơ nên có thể còn có cọp. Chó xóm tôi thường bỏ chạy cong đuôi khi ngửi được mùi “khét” đặc trưng của mấy “ổng” ”, ông Vân quả quyết.
Trên núi Cấm hiện nay có đến gần 10 hang được cho là hang hổ trước đây. Hang hổ cao nhất là trên đỉnh vồ Bò Hong, nằm bên vách núi cheo leo. Chúng tôi tìm đến hang hổ này nhưng nơi đây đã bị rào chắn lại không cho bất cứ ai vào thám hiểm. Trước đây do hiếu kỳ nhiều người đã tìm đến miệng hang nhưng vách đá cheo leo khiến có người tử nạn nên nơi đây đã trở thành khu vực cấm. Ông Đinh Thành Tươi, 78 tuổi, nhà ở động Thủy Liêm, núi Cấm, cho biết trước đây hang động này do ông Mười Thành (Trương Minh Thành, đã mất), nguyên chủ trì Phi Lai Cổ tự ở xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên, đến ẩn tu. Sau khi ông Mười Thành bỏ hang động thì cọp đến ở. Từ đó người ta gọi là hang ông hổ hay điện ông hổ đến bây giờ.
Song, hiểm trở và kỳ bí nhất là hang hổ ở vồ Đá Dựng. Nằm bên vách đá dựng đứng, chúng tôi hết sức khó khăn, vất vả mới vào được trong hang. Hang đá không sâu lắm, chỉ độ chừng 7m, các gờ thành, miệng hang đá bóng loáng và trơn lùi như có vật gì đó cọ xát hằng ngày. Ngay trong hang và quanh quẩn khu vực hang này chúng tôi ngửi thấy có cái mùi “khen khét”. Quan sát xung quanh không thấy có ai đốt lá cây rừng hay đóng tàn un nào cháy dở nhưng mùi khét vẫn cứ luẩn quẩn đâu đó. Nhiều người bảo ở hang đá dựng này “ông ba mươi” vẫn còn trú ngụ nhưng thường lánh mặt con người vào ban ngày, chỉ đêm tìm về ngủ.
Theo nhiều người cho biết, ở vồ Thiên Tuế còn có đến 3 hang hổ, trong đó một hang nằm dưới bờ vực sâu là hang bạch hổ, một hang ở ngay nhà lão đạo sĩ Ba Lưới và hang còn lại ở điện Bát Tiên. Khu vườn phía sau nhà lão đạo sĩ Ba Lưới còn y vẻ nguyên sơ với rất nhiều hang đá trông vô cùng kỳ bí. Chỉ cho chúng tôi cái hang hổ ngay dưới gốc một cây cổ thụ, ông Ba Lưới nói nơi đây xưa kia có rất đông cọp beo tụ họp. Còn hang hổ ở điện Bát Tiên chỉ sâu khoảng 3m. Chúng tôi phải đưa chân vào miệng hang rồi từ từ tuột xuống. Song, bên trong bụng hang rộng đến cỡ 2m, cao vừa vặn đầu người ngồi. Nếu nhìn từ bên trong hang ra ngoài, trần hang có dốc nghiêng giống như một mái nhà.
Phía đông bắc vồ Thiên Tuế có rất nhiều phiến đá dựng cheo leo. Từ đỉnh vách đá này đến triền dốc nơi có hang bạch hổ cao đến hàng chục mét. Vậy mà, theo các bậc cao niên trên núi Cấm nói rằng nơi đó là đại bản doanh của chúa sơn lâm ngày trước. Mỗi cú nhảy của chúa sơn lâm đã lên đến đỉnh dốc đá dễ dàng. Ngày nay, do có nhiều khách hành hương đến tham quan, cúng viếng hang bạch hổ nên đã được xây dựng các bậc thang dẫn từ đầu dốc cao xuống miệng hang. Chúng tôi chui vào tận hang sâu tăm tối trong cảm giác lo sợ lẫn tò mò. Để khám phá bên trong, mỗi người chúng tôi phải cầm theo một cây nến. Ngay trước miệng hang có tượng của bạch hổ bệ vệ ngồi trấn ải. Miệng hang nhẵn bóng, vừa vặn cho một người chui lọt. Hang sâu độ hơn 6m, hai bên thành đá cũng nhẵn bóng. Bên trong hang khá rộng, càng vào sâu càng lớn ra và dù tối om nhưng không ngột ngạt. Cuối đáy hang là một “gian phòng” rộng có phiến đá dài. “Đó là giường ngủ của bạch hổ”, người dẫn đường cho biết.
Thanh Quốc - Chí Nhân
3/ Những hang động huyền bí ở Thất Sơn: Hang Mãng xà
Rất nhiều người dân sinh sống trên núi Cấm khẳng định họ đã từng chạm trán mãng xà và may mắn trở về từ cõi chết.
Thiên Cấm sơn (núi Cấm) ở xã An Hảo, H.Tịnh Biên, An Giang, có đỉnh cao đến 716m, cao nhất vùng Thất Sơn và cũng là nơi chứa đựng nhiều điều huyền bí.
Ba đời "diện kiến" mãng xà
Theo lời của nhiều người dân trên núi Cấm, hiện nay rắn lớn cỡ bắp đùi còn khá nhiều. Ông Trần Huy Dũng, tổ trưởng tổ 1, ấp Vồ Đầu trên đỉnh núi Cấm nói rằng, đến tận bây giờ vẫn còn bị ám ảnh bởi suýt làm mồi cho rắn khổng lồ. Chuyện xảy ra đã hơn 10 năm. Bữa đó, khi ông Dũng đang từ trên triền xuống chân núi thì nhìn thấy con chim chìa vôi và con sóc đang nhảy tung tăng như đùa giỡn với nhau trên mặt đất. "Cảnh này thiệt lạ. Một con trên trời, một con dưới đất sao lại giỡn với nhau? Định thần lại, tôi rùng mình khi thấy cái đầu rắn to đùng đang hướng về phía 2 con vật. Lúc đó tôi mới biết là chúng đã bị nọc độc rắn làm mù mắt và sẽ trở thành mồi cho con rắn. Tôi sựng lại khi chỉ cách con rắn chừng 5m và "chết đứng" một hồi lâu. May mắn là con mãng xà đang đặt tầm ngắm vào 2 con mồi kia nên không phát hiện ra tôi, nếu không...". Theo ông Dũng, đó là con rắn hổ mây to bằng cái khạp năm cân (còn gọi là hũ đường), nhưng không thể phát hiện nó từ xa vì hổ mây có bộ da mốc thít, rất giống với da cây cổ thụ trong rừng.
Bà Mai Thị Nguyệt, hàng xóm ông Dũng, nói bà là đời thứ 3 trong gia tộc đã từng được "diện kiến" rắn khổng lồ trên núi Cấm. Bà kể: gần 20 năm trước, nhà bà ở khu vực Cao Đài tự gần suối Thanh Long, đường đi bộ lên núi Cấm. Khi cùng chồng đi hái cây thuốc, đến khu vực suối Sư Bình (phía trên suối Thanh Long), bà ngửi thấy mùi hôi tanh. Lần theo hướng phát ra mùi hôi, thì đến một hang đá lớn. Khi chỉ còn cách hang chưa đầy 4m, bà "chết đứng" khi nhìn thấy một con rắn khổng lồ đang khoanh mình. "Trong tư thế nằm khoanh, đầu gác lên khoanh mình cuối cùng, vậy mà con rắn cao hơn đầu tôi cả nửa thước, thật khủng khiếp. Lúc đó tôi đứng chết trân không dám động đậy và nghĩ phen này mình chết chắc. Nhưng có điều lạ là con rắn cũng nằm im. Sau một lúc trấn tĩnh, tôi lạy con rắn: "Nếu ông ở đây tu thì nằm im cho con đi ra. Con vô tình lạc vào đây chứ không có ý quấy phá". Thấy "ổng" không động tịnh gì, tôi bước thụt lùi ra khỏi hang rồi chạy một mạch về nhà", bà Nguyệt kể tiếp.
Ngay sau khi về đến nhà, bà Nguyệt thuật lại câu chuyện gặp rắn khổng lồ cho mẹ là bà Nguyễn Thị Khoe nghe. Bà Khoe nghe xong bảo rằng chính bà và người cha (ông ngoại bà Nguyệt) cũng từng chạm mặt con rắn lớn đó ngay tại nơi bà Nguyệt đã gặp. "Má tôi kể dù đã cùng ông ngoại trèo lên đọt cây để tránh nhưng khi nhìn lại thì đầu con rắn đã ngẩng lên sát đít. Sau ông ngoại tôi vì quá kinh hãi đã phát bệnh mà chết", bà Nguyệt nói.
Hang rắn khổng lồ
Nghe câu chuyện của bà Nguyệt, ông Dũng khẳng định em trai ông cũng từng chạm trán một con rắn rất lớn gần khu vực suối Thanh Long cách đây gần chục năm. "Buổi chiều đi học về đến khu vực phía trên suối Thanh Long, em tôi và mấy đứa học trò nghịch đá ném đàn khỉ bên kia bờ suối. Bầy khỉ bỏ chạy thì bất ngờ xuất hiện một con rắn khổng lồ giương cao đầu rượt đuổi mấy đứa học trò. May mà tụi nhỏ chạy thoát", ông Dũng cho biết. Ông Dũng còn chỉ cho chúng tôi cái hang rắn khổng lồ dưới gốc cây da, chỉ cách nhà ông độ hơn 10 công đất. Ông quả quyết đã rất nhiều lần nhìn thấy con rắn bò vô, bò ra cái hang này. "Năm 1997, có một đoàn người của trại rắn Đồng Tâm mang theo súng ống, đồ nghề, thuốc mê lên đây gặp tôi nhờ dẫn đường tới hang rắn. Nhưng tôi ngăn cản quyết liệt vì nó quá lớn, mấy cái dụng cụ đó chẳng nhằm nhò gì, nguy hiểm lắm", ông Dũng nói.
Chúng tôi được một thanh niên tên Sang dẫn vào hang rắn cây da, nơi ông Dũng chỉ. Sang cho biết anh là người trông coi đất cho một thầy tu tại đây và đã 2 lần nhìn thấy con rắn ra vào hang cây da. Sang bảo lần anh nhìn thấy sau cùng cách đây chưa đầy một năm và khẳng định con rắn vẫn ở hang này. Chỉ cho chúng tôi gốc cây to độ nửa vòng tay ôm, Sang nói: "Nó to cỡ đó". Mặc dù rất hoang mang nhưng chúng tôi vẫn bạo gan bám theo Sang vào hang rắn. Lúc sau, Sang bất ngờ dừng lại, nói: "Tới hang nó rồi nè!". Tôi tái mặt nhưng cố làm tỉnh để tự trấn an. Bất chợt nhìn lại thấy mình đang đứng trên một vồ đá cheo leo, trước mặt là một cái hang đá to tướng với mùi hôi tanh xộc lên mũi. Cố thò đầu vào miệng hang quan sát, chúng tôi thấy ngổn ngang những đống màu đen như phân rắn, vô cùng hôi tanh. Sang quả quyết chính cái mùi hôi đặc quánh này mà người chủ đất trước đây đã bán lại mảnh rừng này với giá rẻ bèo.
Còn tại điện U Minh trên đỉnh núi Két (thị trấn Nhà Bàn, H.Tịnh Biên), ông Nguyễn Văn Sơn, chủ núi, khẳng định trong hang núi này từng có một cặp rắn khổng lồ sinh sống. Chúng tôi theo ông Sơn vào thám hiểm hang sâu giữa ban ngày nhưng cứ nghe sống lưng lành lạnh. Chỉ cặp tượng rắn bằng xi măng to tướng đang phồng mang, thè lưỡi đầy uy lực, ông Sơn nói cặp rắn thật còn lớn hơn gấp nhiều lần. Cái hang núi càng trở nên thâm u, huyền bí vì lối đi sâu bên trong không có ánh sáng và cũng không ai dám đi đến tận cùng hang. "Để khắc chế "mấy ổng", tôi tạc tượng một cặp rắn to trấn ải miệng hang. Đêm đêm khi ra đến đây gặp cặp rắn giả, "mấy ổng" bị... dội, rút trở vào hang sâu không quấy phá con người", ông Sơn nói.
Ba Lưới giết rắn
Ông Ba Lưới tên thật là Nguyễn Văn Y (98 tuổi, quê ở xã Mỹ Hiệp, H.Chợ Mới, An Giang) lên núi ẩn tu từ năm 1935, khi mới 23 tuổi. Cuộc sống trên núi lúc bấy giờ vô cùng khó khăn, hiểm nguy rình rập. Mỗi khi đi làm rẫy hay ra khỏi nhà, ai cũng phải cầm theo cây săn mây (làm từ cây mây rừng, dài gần 2m một đầu tròn nhọn, đầu kia dẹp mỏng bén như lưỡi dao) và chiếc búa lận lưng để phòng thân. Một lần đang băng qua rừng, ông Ba Lưới chạm trán con rắn hổ mây dài độ 10m, nặng hơn 90 kg. Nghe tiếng động, con hổ mây quay lại xòe cặp mang rộng cỡ 1,5m, đầu ngẩng cao, khè khè như muốn nuốt chửng ông. Không nao núng, Ba Lưới bước lùi thủ thế. Con rắn vừa lao đến tấn công đã nhận ngay nhát chém rụng đầu.
Lần thứ hai, khi ông đang đi cặp đường ô lên dốc núi. Một con rắn hổ mây nặng chừng 40 kg trườn mình thoăn thoắt xuống, ông không kịp tránh đường. "Sẵn cây săn mây đang làm gậy chống đường tao vung chém ngay đầu con rắn. Nhát chém làm con mãng xà bị thương, máu văng xối xả. Chưa kịp ngẩng đầu chống trả, ác thú nhận tiếp một đòn chí mạng, đứt lìa đầu, chết lăn xuống đường ô. Tao đem cả đầu và xác rắn chôn bên vách đá", ông kể.
4/Những hang động Thất Sơn huyền bí: Doanh trại tướng cướp Đơn Hùng Tín
Theo nhiều tài liệu và các bậc cao niên, tướng cướp Đơn Hùng Tín từng chọn núi Cấm làm doanh trại.
Đơn Hùng Tín là tướng cướp khét tiếng một thời làm đau đầu nhà cầm quyền người Pháp ở Đông Dương. Tuy nhiên, các giai thoại về ông không thống nhất.
Doanh trại của tướng cướp Đơn Hùng Tín xưa trở thành nơi cúng giải hạn, cầu cơ, xin số bất kể ngày đêm - Ảnh: T.Q - C.N
Nuôi chí... làm cướp
Có khá nhiều tài liệu ghi chép về tướng cướp Đơn Hùng Tín nhưng có nhiều điểm khác biệt nhau. Trong đó, nhà văn Sơn Nam ghi chép khá chi tiết. Đơn Hùng Tín tên thật là Lê Văn Tín, quê ở Cao Lãnh (nay là TP Cao Lãnh, Đồng Tháp). Xưa kia, ông chưa lấy tên là Đơn Hùng Tín mà chỉ là kẻ vô danh. Song, chàng thanh niên này lại mê đọc truyện Tống, truyện Đường và rất mê nhân vật Đơn Hùng Tín - một người can trung, tận nghĩa. Vậy là anh âm thầm nuôi chí lớn và chờ đợi thời cơ đến.
Tín biết rõ xứ núi Tà Lơn (Campuchia) là nơi xuất thế với các bậc siêu phàm, mình đầy võ nghệ, bùa chú nên cất công tìm tới. Sau nhiều ngày rảo khắp các hang động cheo leo, Tín gặp một người thanh niên. Qua trao đổi, Tín biết người này tên là Phép, từng là thầy giáo nên gọi là giáo Phép, quê ở miệt Châu Đốc. Không biết hà cớ gì hay muốn làm giàu, kiếm vàng muôn bạc nén mà giáo Phép tìm đến núi Tà Lơn để tìm "chúa" hiến mưu. Khi gặp Tín, người có dáng trượng phu, thân hình vạm vỡ "vai năm tấc rộng, thân mười thước cao", giáo Phép quyết theo phò.
Từ đó giáo Phép làm quân sư, giúp Tín đi tập hợp tiều phu, dân nghèo quanh núi để làm thuộc hạ. Sau lần Tín và Phép lừa được cả đám lâu la bằng chiêu "súng bắn không chết" mà Tín còn cắn được cả đầu đạn khiến đám người tin tưởng xin quy phục làm thuộc hạ. Từ đó, ông chính thức xưng là Đơn Hùng Tín, chuyên đi cướp của khắp vùng Bảy Núi, Tiền Giang, Hậu Giang…
Có người nói rằng Đơn Hùng Tín là một tướng cướp hành hiệp trượng nghĩa, cướp của Tây, cường hào ác bá phân phát cho người nghèo. Nhưng cũng có người cho rằng Đơn Hùng Tín là tên cướp bất nhân, cướp cả đồ đạc, tượng Phật của các chùa chiền.
“Xin” bào thai vợ luyện... bùa
Buổi ban đầu Đơn Hùng Tín chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt và chưa có nhiều võ nghệ hay bùa chú gì. Song, sau khi đã trở thành đại vương của những tay "lương sơn bạc", để tồn tại và đám lâu la kính nể, Đơn Hùng Tín đã dày công khổ luyện võ nghệ. Quân sư giáo Phép vốn là một kẻ nhát gan nhưng lại lắm mưu nhiều kế. Sau nhiều năm giáo Phép lên núi Tà Lơn, y biết rằng nhiều lão tiên sinh đang tu tiên tại đây có cất giữ một cuốn bí kíp võ công gọi là "Thiên thư bí quyết" nên đã bày kế cho Đơn Hùng Tín học loại võ công này. Theo lời thuật của giáo Phép, có một ông lão tại núi Tà Lơn học được phép mầu trong quyển "Thiên thư bí quyết". Ông này nuôi một con khỉ, mỗi ngày cho nó nuốt một lá bùa nhưng đến ngày thứ 7 thì khỉ lăn ra chết. Đem xác khỉ cất vào cái hộp, đúng trăm ngày giở ra, khỉ mở mắt, ông liền cho uống lá bùa thứ 8 thì khỉ sống lại, lanh lẹ và nhất nhất tuân lời ông. Mỗi ngày con khỉ chạy xuống chân núi trộm lấy 2 đồng xu về cống nạp cho ông lão.
Sau đó, Đơn Hùng Tín theo cách đó mà luyện tập và đã tám phần thông thạo. Theo nhiều tài liệu ghi lại, nhà chức trách Pháp lúc bấy giờ không thể lần ra dấu vết của ông sau mỗi vụ cướp vì ông biến hóa đại tài, lúc ẩn lúc hiện. Về sau, ông đã có vợ thì sơn trại được dời lên núi Cấm thuộc huyện Bảy Núi lúc bấy giờ. Về đây, Đơn Hùng Tín tiếp tục luyện tập bùa phép. Tương truyền, ông đã xin bào thai của vợ để luyện bùa, được vợ đồng ý nên liền mổ bụng vợ lấy thai nhi. Hằng đêm, Đơn Hùng Tín đem bào thai ra giữa trời để tu luyện cho đến khi nó khô lại thì được ông mang theo người như vật bất ly thân (giống như tương truyền về ma cóc ở Tây Nguyên). Từ đó, Đơn Hùng Tín càng ngang dọc, ẩn hiện, biến hóa mà không sợ bị bắt. Lúc bấy giờ, người Pháp treo thưởng cho người tìm ra tung tích của ông với giá rất cao. Song, cũng do ỷ lại tài cao khiến ông mất cảnh giác, bị một tên thuộc hạ phản trắc, báo tin cho người Pháp trong một lần được cho đi chợ ở Mỹ Tho. Mọi nẻo đường tiến thoái, kế hoạch của Đơn Hùng Tín đều bị lộ khiến chính quyền Mỹ Tho siết chặt vòng vây và pháo kích, hạ sát ông vào năm 1926.
Đi tìm dấu vết
Ông Đinh Phi Vân, nguyên là cán bộ Công an xã An Hảo, huyện Tịnh Biên (An Giang), người sống trên ngọn núi cao nhất miền Tây này cho biết qua các tài liệu ông đọc được thì chính khu vực hang ông Thẻ là đại bản doanh của Đơn Hùng Tín. Sở dĩ ông Vân quả quyết địa điểm này là doanh trại của tướng cướp lừng danh vì thỉnh thoảng có người vẫn nhặt được những cổ vật từ trong hang núi và quanh khu vực này. Ông Vân nói theo nhiều tài liệu thì tảng đá lớn ngay trước cửa hang ông Thẻ trông như bàn thạch là nơi xưa kia Đơn Hùng Tín mổ bụng vợ lấy bào thai.
Nói đoạn, ông Vân ôm lấy thân cây rừng rồi theo rễ cây tuột xuống một vách đá dựng. Chúng tôi cũng thử một phen làm "Tarzan" đu theo rễ cây rừng và dây leo thám hiểm quanh khu vực. Rõ là bên dưới bờ vực sâu này có rất nhiều vách đá dựng cheo leo và "lò ảng" (hang đá tự nhiên do hai phiến đá tựa vào nhau tạo khoảng trống bên dưới - PV) rộng lớn. Đi đến mỗi "lò ảng" ông Vân đều dừng lại, cùng chúng tôi len lỏi vào trong hang để thị sát. "Hang ông Thẻ xưa kia là nơi cất giấu lương thực, của cải mà bọn "khăn trắng" cướp được, về sau gọi là hang ông Thẻ. Còn bọn cướp thì ăn ngủ, trú ngụ theo các vách đá, lò ảng. Điều này nghe cũng hợp lý vì lợi dụng địa hình hiểm trở để dễ dàng ẩn nấp, tránh sự kiểm tra của nhà chức trách lúc bấy giờ", ông Vân phân tích.
Suốt nửa ngày đánh đu, chuyền từ cây này sang bờ vực khác quanh các vách đá dựng như "người rừng", chúng tôi tìm thấy rất nhiều hang đá theo các tài liệu mô tả về nơi ẩn náu của thủ lĩnh và bộ hạ tướng cướp Đơn Hùng Tín. Song dấu vết thì hầu như không để lại gì. Dù vậy, lão đạo sĩ Ba Lưới cũng khẳng định nơi đây tướng cướp khét tiếng Đơn Hùng Tín hùng cứ một thời.
Thanh Quốc - Chí Nhân
5/ “Đạp gió cưỡi mây” ở “nóc nhà” miền Tây
(NLĐO) – Cứ vào độ tháng 9 đến tháng 10 âm lịch hằng năm, ngọn núi Cấm ở An Giang – được mệnh danh là “nóc nhà” miền Tây - lại xuất hiện sương mù rải rác khắp triền núi. Sương mù nhiều nhất phải kể đến vồ Bò Hong với đỉnh cao 716m.
Đầu tháng 9 âm lịch năm nay, đỉnh núi Cấm xuất hiện những đợt sương mù dày đặc hiếm thấy. Không chỉ quấn quít trên cao, sương mù còn lan tỏa và bao phủ khắp các đỉnh đồi, đường sá… Phóng tầm mắt ra xa, các ngọn đồi, triền núi cứ trập trùng miên man trong sương trắng.
Đến vồ Bò Hong thời điểm này, du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác “đạp gió cưỡi mây” vì gió luôn luôn rít mạnh, còn sương và mây bay là đà ngay dưới chân.
Nhiều du khách thích thú bảo quang cảnh “nóc nhà” miền Tây trở nên hữu tình, lãng mạn không khác gì “thành phố ngàn thông” Đà Lạt hay “thị trấn trong sương” Sapa.
Cầu Đỏ trên hồ cảnh quan Thủy Liêm bị sương mù bao phủ
Chùa Vạn Linh trên đỉnh núi Cấm lờ mờ trong sương sớm
Chùa Phật Lớn trong sương mù trông tựa như cảnh tiên bồng .
dienbatn cùnng các huynh đệ Diệu pháp Liên hoa Vô vi trên đỉnh Bồ Hông - Núi Cấm.
Thân ái. dienbatn.
Tags:
DU LỊCH TÂM LINH
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét