" Hình tượng Apsara trong điêu khắc Chăm
Một trong những kiệt tác điêu khắc mà người Champa sáng tạo ra là hình tượng vũ nữ Yang Naitri (Apsara) ở các bức phù điêu, tượng bằng sa thạch. Vũ nữ Apsara hiện diện hầu khắp di tích Champa như Mỹ Sơn, Đồng Dương, Trà Kiệu thuộc tỉnh Quảng Nam.
Apsara của người Champa được thể hiện trên các khối đá sa thạch với khuôn mặt đầy đặn, đầu đội mũ Mrần kiểu Kirata - Mukata có nhiều tầng, hai mắt mở to, sống mũi cao và nở rộng. Để làm đẹp và tô điểm thêm sự duyên dáng của các vũ nữ, nghệ nhân Champa đã khắc đôi bông tai bằng những tua sợi tinh tế và hài hòa. Ngoài ra, đôi môi mỏng đang mỉm cười đã làm cho vũ nữ tăng thêm phần sinh động.
Tượng Apsara tại bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng .
Hầu hết tượng Apsara luôn ở trong tư thế khỏa thân nửa phần trên của cơ thể, để lộ ra bộ ngực căng đầy sức sống. Tuy thân hình “bán khỏa thân” nhưng vẫn giữ được vẻ trinh nguyên, vượt lên trên cảm giác xác thịt trần tục. Eo lưng thon thả cùng với bắp tay, bắp đùi tròn và cả thân mình bắt nhịp như rung bật theo từng động tác múa điệu nghệ, khoe diễn những đường cong kiều diễm. Bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ đã khắc họa vũ nữ Champa tươi đẹp và sống động. Theo cảm nhận của nhiều người, tượng vũ nữ tạc ở bệ tượng Trà Kiệu, thế kỷ X cao 60cm, rộng 55cm, là một pho tượng thuộc loại đẹp nhất. Các nhà nghiên cứu gọi là bệ thờ Trà Kiệu hay bàn thờ vũ nữ. Các bức tượng ở bệ gần như khỏa thân, bầu vú căng tròn, cổ tay tròn lẳn. Động tác múa tạo nên một hình khối cân đối và chặt chẽ. Tư thế uốn lượn mềm mại của các vũ nữ như dấy lên một nỗi đam mê cuồng nhiệt. Khi đứng trước đài thờ Trà Kiệu, nhà nghiên cứu Cao Xuân Phổ thốt lên: “Bao nhiêu mỹ từ đã gán cho người đẹp vẫn cảm thấy như chưa đủ”.
Vũ điệu Apsara tại đền tháp Mỹ Sơn .
Apsara là hình tượng nghệ thuật luôn gây niềm cảm hứng mãnh liệt cho các nhà biên đạo múa. Apsara đã hóa thân từ đá thành những vũ điệu uyển chuyển, mượt mà, ca ngợi vẻ đẹp, những đường cong tuyệt mỹ mà tạo hóa đã ban tặng cho phái đẹp. Từ sân khấu chuyên nghiệp đến các hội diễn nghệ thuật quần chúng đều có điệu múa Apsara. Trong các sự kiện văn hóa ở xứ Quảng, Lễ hội Ka Tê của người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận đều không thể thiếu màn múa Apsara. Vũ điệu ấy là biểu tượng của cái đẹp thuần khiết, đầy tính biểu cảm, như lời bài hát của nhạc sĩ Amư Nhân: “Ngủ quên trong kiếp đá Apsara, bàn tay người nghệ sĩ hóa thân ngà. Trăm năm làm một thuở nỗi mơ nung nấu ngàn đời, nung nấu ngàn đời mãi không nguôi. Ngàn năm trong kiếp đá Apsara, bàn tay người vũ nữ nét thiên thần, trên môi cười điệu nghệ, hồn mở ra vóc dáng hình hài, phiêu lãng đường trần mãi trông chờ...”.( Theo Quảng Nam online).
Hình tượng Vũ Nữ Apsara được chạm khắc trên bệ thờ của di tích Trà Kiệu bằng đá sa thạch. Bệ thờ này có niên đại từ thế kỷ thứ 10 hiện đang trưng bày tại bảo tàng "Chăm" Đà Nẵng.
Đọc thêm : * " Huyền thoại Apsara.
Người ta gọi Apsara là nữ thần. Anh bạn tôi, một nhà thơ lại dịch là tiên nữ, là người đẹp siêu nhiên, theo một truyền thuyết Ấn Độ. Lại có người nói Apsara, những vũ công tuyệt mỹ mua vui cho thần thánh. Nhưng tôi lại thấm nỗi khát vọng yêu đương qua vũ nữ Apsara với bộ ngực trần, cặp vú săn chắc, thân hình mềm mại uyển chuyển. Đó là sự gợi tình, một cảm hứng tính dục hồn nhiên, bản năng và bất tử.
Có thể nói, nếu trên mọi bệ thờ trong tháp Chăm, qua biểu tượng Linga-sinh thực khí nam với Yoni-sinh thực khí nữ, để nói lên sự hoà nhập âm dương, biểu hiện sự sinh sôi, thì Apsara chính là hình ảnh sinh động cho cái gọi là Yoni (theo tiếng Phạn là bầu vú). Vì thế câu chuyện bắt đầu từ đây, khi đoàn du khách đến Thánh địa Mỹ Sơn, ở Duy Xuyên, Quảng Nam, đều sửng sốt vì bầu vú tròn mọng, hồng thơm của người vũ nữ Apsara trẻ trung đang tạo dáng để chụp ảnh mẫu giữa thung lũng hoang vu này.
Người đòi chôn mình ở Mỹ Sơn khi chết .
Có lẽ tôi bắt đầu hiểu ra, vì sao bao đời nay người đời đang cố gắng bằng mọi giá để giữ lấy cái hồn cốt đầy bí ẩn của những toà tháp Chăm rêu phong và đang đổ nát với thời gian. Người đầu tiên được nêu danh, đó là Kazic, một một kiến trúc sư Ba Lan nổi tiếng thế giới. Ông đã làm tất cả vì Mỹ Sơn, mặc cho bom đạn từ thời chiến tranh còn sót lại rắn rết và nước độc. Ông thực hiện đúng những điều xuất phát từ con tim nồng nhiệt của mình, suốt 16 năm, từ 1980 cho đến khi mất tại Huế năm1997.
Điều kỳ lạ trong thời gian này, có một cô bé câm chăn bò, người Chăm đã trở nên thân quen với ông. Cô bé lên mười này đã học nói tiếng Việt với ông và sau đó gánh nước ăn cho đoàn khảo sát. Cô bé gày guộc luôn sống trong cảnh đói rét này dường như sinh ra trong câm lặng, cô đơn và xuất hiện như trên trời xuống đúng như câu chuyện cổ về nàng Apsara được ông trời cử xuống để dạy mọi người múa hát.
Cô bé lọ lem này đã âm thầm múa theo những bức tượng Apsara cổ, với những đường cong cơ thể uyển chuyển, hoàn toàn theo trí tưởng tượng. Cô bé Chăm ấy hồn nhiên như cỏ cây hoa lá bên con suối của thung lũng này. Và ông Kazic đã vẽ cô bé ấy đang múa trong những buổi sáng nắng vàng như mật ngọt chảy từ ngọn tháp màu đỏ au làm bừng sáng cả khu rừng xanh.
Đó là giây phút thăng hoa nhất trong những ngày gian khó khi ông còn ngủ trong lòng tháp và mơ thấy những vũ nữ Chăm ngực trần từ trong đá bước ra múa hát dưới trăng. Ông ước một ngày nào đó cô bé gày đen xấu xí kia sẽ trở thành một con thiên nga trắng với đôi cánh mở to bay bổng uyển chuyển trong điệu múa Apsara ký diệu bên chân tháp.
Ông đã treo bức tranh cô bé trên vách lán. Một cô bé với hình ảnh áo quần sờn rách múa cùng ngọn cỏ, có đôi mắt buồn và hơi lạnh đúng như gương mặt chăm của Apsara, hoang dại. Rồi nhiều hôm cô bé Chăm cũng đến ngắm bức tranh rồi im lặng bỏ đi. Mỗi lần như thế, cô bé lại ra bãi cỏ múa, mỗi động tác ngày một khác, liên tục kết nối nhưng đầy hoang dại. Có một buổi chiều cuối cùng cô bé múa rồi mỉm cười bỏ vào rừng mất hút.
Và sau này có người đã nhận ra cô bé ấy nay đã trở thành một vũ nữ thật sự, một Apsara về múa cho quê mình. Đúng như Kazic đã hình dung trong giấc mơ, cô bé câm ấy giờ đây đã hát và múa tại nơi đây, với bộ ngực trần và bầu vú tròn căng làm ngẩn ngơ bao người, trong tiếng trống pa-ra-nưng rộn ràng. Nhưng chi có khác, Kazic không còn nữa, một khát vọng về Mỹ Sơn đã ra đi. Hồn ông vẫn quanh quất đâu đây. Người ta đã làm bia khắc cho ông ở Mỹ Sơn với cái tên Việt thân quen là “Duy tháp Chăm”.
Nghe kể, tôi thấy câu chuyện có thật mà như huyền thoại vậy. Đẹp. Buồn. Kazic là một nghệ sĩ, ông đã không đợi được cái ngày con thiên nga trong giấc mơ của ông trưởng thành. Trong tâm trí tôi câu thơ của Chế bỗng hiện về đúng như sự trông ngóng của Kazic ngày nào:
“Bên cửa tháp ngóng trông người Chiêm nữ
Ta vẩn vơ nhìn không khí bâng khuâng
Vài ngôi sao lẻ loi hồi hộp thở
Một đôi cành tơ liễu nhúng trong trăng!
Nàng không lại, và nàng không lại nữa!
Cả thân ta dần tan trong hơi thở
Ôi đêm nay, lòng hỡi, biết bao sầu!...”
( Đợi người Chiêm nữ - Chế Lan Viên)
Người trọn đời làm tượng Apsara .
Đó cũng là một người câm như cô bé hoang dại người Chăm thuở nào. Anh là Phạm Ngọc Xuân, ở thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Từ bé anh cũng là người chăn bò và hay chơi tha thẩn ở quanh cụm tháp Mỹ Sơn. Không diễn tả được bằng lời và cũng không học hỏi được ai về tượng vũ nữ Apsara và bệ thờ Linga-Yoni. Nhiều lần cậu bé Xuân dã khóc vì một mẩu gạch trên hình vũ nữ bị vỡ ra vì mưa gió, bão táp. Cậu bé bao ngày đã trò chuyện thầm trong lòng với các cô gái bằng đá khắc trên tháp. Cậu đã chui vào trong tháp ngủ mỗi khi mưa gió không trở về nhà được. Người ta đã tìm cậu và lôi về cùng với những làn roi giận dữ của người cha vì ai cũng sợ cậu giẫm phải bom hay mìn còn sót lại trong thời kỳ chiến tranh.
May sao, cậu còn mẹ để chia sẻ và cũng là người có thể trò chuyện với cậu bằng ngôn ngữ riêng biệt, bằng bàn tay. Cậu đã “nghe” mẹ kể lại những câu chuyện cổ về dân tộc Chăm, gốc gác dòng máu đang chảy trong trái tim cậu. Rồi bà còn kể vì sao và từ đâu có thánh đường Mỹ Sơn ngày nay, cùng với vẻ đẹp quyến rũ của vũ nữ Chăm. Bà kể sơ lược vắn tắt vì chính bà cũng không thể biết nhiều về quá khứ của dân tộc mình. Nhưng về tôn giáo và tín ngưỡng của người Chăm nơi thánh địa này thì bà biết phần nào để kể những câu chuyện thần tiên thường xảy ra trong những đêm Mỹ Sơn dầy đặc sương mù. Xuân lớn lên trong những câu chuyện yêu đương thần bí và thường mơ một ngày nào đó mình sẽ tạc được những bức tượng vũ nữ Apsara bằng đá.
Thế rồi, chính bố anh đã đi gánh đá về, rồi còn dựng một cái quán nhỏ bên đường để cho con trai bán tượng. Ban đầu ông tưởng chỉ để cho con trai tật nguyền của mình vui, không sinh hư vì rảnh rỗi. Nhưng không ngờ khách đến mua nhiều vì thấy tượng vũ nữ của anh chàng người Chăm kia đẹp đến mê hồn và đầy ẩn ức với đôi mắt buồn như sương khói. Anh im lặng, thỉnh thoảng mỉm cười, không hề quan tâm đến khách lạ, và như chỉ nói chuyện với tác phẩm của mình. Khách không hề mặc cả, chỉ xuýt xoa khen đẹp, rồi trả tiền cho anh.
Đúng thế một nét đẹp lặng câm của tượng đá nhưng lại đầy biểu cảm nét kiêu sa dịu dàng của những vũ nữ Apsara, xinh đẹp, với bộ ngực căng tròn, gợi cảm. Đặc biệt bố anh đã tìm được loại đá mà chỉ ở Mỹ Sơn mới có. Chúng được làm và khắc trên tháp của người cổ xưa. Nay những tảng đá nhỏ ấy được hiện lên trên bàn tay anh, một người khiếm thính, và đã biến thành các vũ công đầy quyến rũ, với đôi mắt nhìn vào cõi xa, làn môi hé nở nụ cười, tạo nên cái động trong cái tĩnh và ngược lại thật kỳ thú. Dường như anh đã tìm ra cái bí quyết của nghệ thuật múa cùng những cặp Linga và Yoni biểu tượng cho thần thánh ngàn năm của lịch sử người Chăm.
Múa trong “Mưa bay tháp cổ”
Rồi cái đêm các nàng Apsara xuất hiện đã đến trong buổi trình diễn ca múa nhạc, sau khi tôi mải miết suốt ngày trong thung lũng. Nghe giọng của một nam ca sĩ người Chăm, hát bài “Mưa bay tháp cổ” của Trần Tiến ở chính nơi đây, mới thấy cái hơi hoang dại và ám ảnh lòng người. Hình ảnh người vũ nữ hiện lên qua giai điệu da diết:
“Cong cong năm ngón ngũ hành
Trăm năm vũ điệu
Nam mô nam mô nam mô Shiva
Một vòng thôi miên, thôi miên Apsara”
Và quả thật tôi giật mình đúng lúc những cô gái với bộ ngực căng tròn bước ra từ hai bên cánh gà cùng cánh tay nõn nà đưa lên cao. Những ngón tay búp măng cong mềm lấp lánh trong ánh đèn mầu lan toả. Tiếng kèn saranai rung lên như muốn miêu tả nỗi khát vọng của tình yêu trong nhịp trống dồn dập. Người xem có cảm tưởng như hồn đá Apsara từ nghìn năm đang rung chuyển, lay động và nhập vào hồn người, làm nên vũ điệu đầy mê hoặc.
Tôi ngờ rằng trong bốn vũ nữ đang múa kia, ắt hẳn có cô bé lọ lem của Kazic ngày nào. Đó có thể là cô bé Trà SaNi, và có thể là Thuý Vân tươi trẻ, những con thiên nga biến hoá trong vũ điệu thần bí, mà Kazic mơ trong tháp cổ vào những đêm giá buốt. Gặp lão nghệ nhân Trượng Tốn, linh hồn của đội nhạc múa Chăm thuộc xã Mỹ Sơn, tôi thấy ông tỏ ra buồn vì nghệ thuật dân gian Chăm rất phong phú, dễ đi vào lòng người nhưng các nghệ sĩ vẫn chưa làm được bao nhiêu. Sau khi thổi kèn Saranai, ông hát riêng cho tôi nghe, bài “Vũ nữ Apsara”, bằng một giọng trầm mặc, nồng nàn. Lời ca có đoạn: “Ngủ quên trong ký ức Apsara, ngàn năm người vũ nữ hoá thiên thần, trăm năm làm một cõi, nghìn năm mang bóng hình hài…”
Ông còn giải thích điệu múa Apsara thường do 4 vũ nữ thể hiện làm sao cho người xem tưởng như từ những bức phù điêu bước ra. Điệu múa chậm uyển chuyển, với động tác tay và chân thể hiện qua được cong duyên dáng nhưng lấp lánh nét buồn man mác. Khi kết thúc các vũ nữ lại trở nên bất động như những bức tượng, với ý nghĩa trở về với đá. Đó là những nhịp động của đá. Vũ nữ Trà SaNi đã có lý khi nói, Apsara được sinh ra từ đá và khi hoá kiếp lại trở về với đá. Chính vì lẽ này chăng mà nhà thơ người Chăm Inasara đã từng viết trong bài “Vũ nữ Chàm”: “Rung vòm ngực căng phồng ban mai
Vỡ đường cong cuộn trào suy tưởng”
Apsara và những trái bom câm .
Có thể nói những trái bom câm, nằm sâu trong lòng đất, còn sót lại từ những cuộc rải bom của máy bay Mỹ cách đây gần 40 năm cho đến nay vẫn còn đe doạ Thánh địa Mỹ Sơn. Theo con số thống kê của tỉnh Quảng Nam, tính đến nay ước chừng còn trữ lượng hàng tấn bom, nằm sâu dưới đất đá, ở thung lũng tháp này.
Ngay từ những ngày đầu tiên đến với Mỹ Sơn, chính kiến trúc sư Kazic cùng các đồng nghiệp đã gặp bom nổ. Sáu người hy sinh tại chỗ và 11 người bị thương nặng, đã báo hiệu những trái bom còn lại có thể nổ bất kỳ lúc nào, nếu không biết gìn giữ. Cũng chỉ cách đây mấy năm, bộ đội công binh của ta đã phát hiện và tháo gỡ kịp thời một trái bom ước chừng nửa tấn thuốc nổ. Quả bom này có sức công phá rất lớn với đường kính tàn phá hơn 500m. Vậy nếu nổ nó có thể san phẳng quần thể tháp Mỹ Sơn. Thật đáng báo động.
Theo chương trình rà phá bom mìn, bảo vệ di tích Mỹ Sơn, được tiến hành song song với việc trùng tu tôn tạo các tháp, từ nay đến 2012, quả là chuyện không hề đơn giản và gặp không ít khó khăn. Bom có thể nổ nếu không kiểm soát được những sinh hoạt, lao động của chính những người dân bản địa như đào đất trồng cây, dọn đốt cỏ, hoặc để ô nhiễm môi trường bởi ngay chính du khách đến với Mỹ Sơn. Thật đáng lo ngại cho Thánh địa có một không hai này. Đúng như kiến trúc sư Kazic đã từng đánh giá: “-Người Chăm cổ đã biết thổi hồn vào đất đá; biết dựa vào thiên nhiên để làm nên một Mỹ Sơn tráng lệ, thâm nghiêm và hùng vĩ. Đây là một bảo tàng kiến trúc điêu khắc nghệ thuật vô giá của nhân loại mà chúng ta còn lâu mới hiểu hết”.
Mọi chuyện đối với các thiên thần Apsara, giờ đây không chỉ là khắc chạm, tìm ra những điều bí ẩn của viên gạch xây tháp, chất kết dính của chúng, ngay từ khi được công nhận là di sản văn hoá thế giới năm 1999, mà còn là bom và mìn. Vậy đó, nghe đâu đây có tiếng thở dài của các nàng vũ công khi hoa đá trở về với hình tượng Apsara với những bầu vú Chăm quanh bệ thờ Linga. Tôi thẫn thờ." - Vương Tâm.
* VŨ NỮ APSARA.
Bệ Tháp đá tạc hồn xưa vỡ lặng
Thấm phong sương bờ vú lấm nghìn năm
Từng ngón sử phơi điệu tình mặn đắng
Apsara…
vũ trống động đèo Chăm!
NGUYỄN NGỌC THƠ.
* Vũ điệu Apsara
Ngược với cái nắng gay gắt, với luồng gió hanh khô là sự mềm mại uyển chuyển, sự khéo léo tinh tế cũng như cái nhựa sống căng tràn trong từng động tác của vũ điệu Apsara. Vâng, đó là một vũ điệu của người dân Campuchia mà đối với người con gái nơi đây ai không biết đến nó thì không phải là người Campuchia.
Tương truyền rằng apsara là các nàng tiên mây và nước. Khi các nàng đùa giỡn, ca múa, cỏ cây, muông thú sinh sôi, nảy nở, vì vậy người dân Campuchia đã tôn apsara là Nữ thần Thịnh vượng. Ngày trước, apsara chỉ dành cho các vị thần, cho giới quý tộc, vua chúa rồi dần dà nó phát triển và lan rộng trong khắp dân chúng trở thành điệu múa quen thuộc không thể thiếu của mỗi thiếu nữ Campuchia.
Để múa Apsara, người vũ nữ phải có cơ thể cân đối, không béo quá. Bàn tay dài, thon gọn. Đặc biệt là lưng phải thẳng và mông phải cong. Bởi vũ điệu này được ví như những tiên nữ đang bay lượn, uyển chuyển, nhịp nhàng. Lưng không thẳng, không có eo thon, không đẩy được độ cong của mông lên cao thì sẽ làm vũ điệu apsara không đựơc đẹp.
Các tư thế, đường cong của cánh tay, thân thể vũ nữ, cũng như vũ phục bằng vàng, bạc, châu ngọc, hoa lá trong điệu múa đều được phát sinh từ các hình vẽ trong những ngôi đền cổ ở Campuchia.
Trong điệu múa apsara, mỗi động tác múa đều mang một ý nghĩa hay một biểu tượng về một hiện tượng, nhân vật nào đó. Ví dụ, một ngón tay cong hướng lên trời có nghĩa là “hôm nay”, nếu đặt cánh tay lên ngang ngực thì nó thể hiện ý nghĩa “hạnh phúc”, khi tay trái hướng ra phía sau và tay phải nắm lại trước ngực với 3 ngón tay hướng lên, ngón trỏ chạm vào ngón cái thì đó là biểu tượng miêu tả hình ảnh rắn Naga, một con vật cưỡi của thần Vishnu, một tay hướng lên là biểu hiện cho “cái chết”, tay hướng xuống là “sự sống”, nếu hai bàn tay chuyển đổi lên xuống theo nhịp nhiệu nhanh thì nhằm nói đến 2 trong 4 giai đoạn của vòng đời con người là sinh – trưởng thành – bệnh tật và chết.
Apsara là điệu múa cổ điển, êm ái nổi tiếng về sự thanh nhã, cao quý, với các tư thế, cử chỉ hiền dịu. Năm 2003, vũ điệu apsara được Unessco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Nó cũng chính là đứa con tinh thần không thể thiếu, là biểu tượng và linh hồn của mỗi người dân Campuchia. ( http://dulichthailand.com/ ).
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét