Hướng Đền 88 độ 7 - Tọa Dậu - Hướng mão - Phân kim : Kỷ Dậu - Quý Mão. Mão phải kiêm Giáp 3 phân để tá lộc và thuận Âm - Dương.
Trước mặt Đền thờ Bố cái Đại Vương là một cái ao lớn có tên gọi là Vũng Lộc. Cạnh đó có Cống Hổ và Đồi Hổ đẻ . Đi qua Cống Hổ là Rừng Cấm Sơn và Vũng Hùm. Trên những qủa đồi thuộc làng Cam Lâm có những cái tên: Cống Hổ và Đồi Hổ đẻ , Đồi Cấm, Nghẽn Sơn, Vũng Hùm ,Vũng Lộc , Gò Bố về... in đậm dấu tích thời trai trẻ của ba anh em họ Phùng. Sở dĩ có rất nhiều địa danh kèm theo tên Hổ như vậy là vì thờ đó đây là khu vực rừng rậm . Truyền thuyết kể lại : Thủa ấy trên đồi là rừng đại ngàn rậm rạp, dưới đồng lau lách um tùm. Năm ấy có một con cọp hung dữ về bắt bao mạng người. Dân trong vùng sợ hãi không dám vào đồi kiếm củi, hái chè. Đêm đêm, cọp dữ còn mò cả vào làng rình bắt trâu bò, lợn gà. Cả làng chưa nhọ mặt người đã vội vã về nhà, luồng lạch rấp kín, cổng ngõ buộc chặt, xóm làng eo óc nỗi sợ hãi rình rập bất cứ lúc nào.
Một trai làng cực kỳ khoẻ mạnh quyết tâm diệt hổ dữ trừ họa cho dân làng. Lựa đêm một ngày tháng cuối đông gió Bấc se sắt thổi, khí lạnh trên đồi tràn về làm rờn rợn da người, chàng trai bện người nộm đem vào đồi đến bên mép nước cắm xuống, ba bốn đêm liền như thế...
Đêm ấy như bao đêm khác, hổ dữ ra vũng nước duy nhất còn sót lại trong vùng, trước khi vục đầu uống, hổ ta lấy tay tát đổ người nộm như mọi hôm thường vẫn thế. Nhưng nó đâu có ngờ hôm nay có một cánh tay rắn chắc đã túm chặt lấy đầu nó, liên hồi giáng xuống những quả đấm nặng như búa tạ. Chàng trai thông minh dũng cảm, có sức khoẻ phi phàm đó chính là Phùng Hưng.
Theo lệ từ xưa, từ cầu Cam Lâm trở vào là khu vực cấm . Tất cả những việc họp hành , vui chơi , ăn uống , hội hè , đình đám đều phải làm tại làng Mông Phụ. Từ khu vực cầu Cam Lâm trở vào chỉ để thực hiện những việc tâm linh , cúng tế . Những người làm trái điều cấm trên đều có những hậu quả thật đáng sợ.
Có một sự thật là trên đất Cam Lâm không có bất cứ ngôi mộ nào của dòng họ Bố cái Đại Vương Phùng Hưng. mặc dù theo truyền thuyết trước đời của Phùng Hưng đều là độc đinh , nhưng khi bắt đầu có những cuộc kháng chiến thì dòng họ này lại trở thành đa đinh. Phùng Hưng có tên tự là Công Phấn, cháu 7 đời của Phùng Tói Cái - người đã từng vào trong cung vua Đường Cao Tổ, thời niên hiệu Vũ Đức (618-626) dự yến tiệc và làm quan lang ở đất Đường Lâm. Các đời trước là Phùng Khiêm, Phùng Thông, Phùng Đạt. Đến Cha Phùng Hưng là cụ Phùng Hạp Khanh ( Phùng Viễn ???- húy kỵ ông 11 tháng 3) , quan lang đạo vùng này có cháu ngoại là Phạm Thị Uyển (là con bà Phùng Thị Thảo, cháu gọi Phùng Hưng là cậu ruột) từng lấy vua Mai Hắc Đế và cầm đầu một đạo thủy binh chống Đường, thất thế phải gieo mình xuống sông Tô Lịch tự tiết. Theo sự tích, Phùng Hạp Khanh có một người vợ họ Sử. Ông bà sinh một lần được ba người con trai khôi ngô khác thường, lớn lên ai cũng có sức khỏe, có thể kéo trâu, quật hổ. Anh cả là Phùng Hưng, em thứ hai là Phùng Hải (tự là Tư Hào) và em út là Phùng Dĩnh (tự là Danh Đạt). Đến năm ba anh em 18 tuổi thì bố mẹ đều mất. Trong ba anh em, anh cả Phùng Hưng là người có sức khỏe và khí phách đặc biệt.
Sau khi mất, con trai ông là Phùng An lên nối ngôi, dâng tôn hiệu cha là Bố Cái Đại Vương. Phùng An chỉ ở ngôi được khoảng 3 tháng thì đất nước lại rơi vào tay giặc. Nền tự chủ vừa mới xây dựng, chỉ tồn tại vẻn vẹn trên dưới 9 năm. Sau khi đặt nền cai trị, bọn quan quân nhà Đường liên tục truy sát những người trong gia tộc họ Phùng. Theo các dòng sông lớn dòng họ Phùng toả về các vùng núi, trung du, các vùng hạ lưu các con sông lớn nhỏ để lập nghiệp. Nhưng phần lớn vẫn là ở các vùng như Hà Tây, Vĩnh Phúc, Phú Thọ...tập trung lớn nhất phải kể đến như dòng họ Phùng Quang,Phùng Gia ở Vĩnh Phúc, dòng họ Phùng Xuân thuộc hữu ngạn sông Bùi Chương Mỹ - Hà Tây, dòng họ Phùng Văn ở Thanh Hóa, Phùng Huy ở Ba Vì...Dân cư trong làng Cam Lâm hiện nay không có ai mang họ Phùng và họ Ngô, trong khi đó dân cư các vùng lân cận mang hai họ này rất nhiều. Các cụ cao tuổi ở trong làng Cam Lâm hiện nay cũng không rõ vì sao như vậy, chỉ phỏng đoán rằng con cháu hai họ này phải thay tên, đổi họ khi triều chính có sự thay đổi để tránh hậu họa.
Người đời đồn lại rằng : tất cả các ngôi mộ của gia đình Phùng Hưng đều đặt tại Cấm Sơn và không để nấm. Chính vì vậy khu đồi này mới có tên là Cấm Sơn. dienbatn chỉ biết nghe vậy chưa có điều kiện tìm hiểu kỹ hơn.
Tìm hiểu thêm một chút về xuất xứ họ Phùng:
" Phùng là một họ của người châu Á. Họ này xuất hiện ở Việt Nam; khá phổ biến ở Trung Quốc (Hán tự: 馮, bính âm: Feng) và cũng có mặt ở Triều Tiên với số lượng rất ít (Hangul: 풍, Romaja quốc ngữ: Pung).
Sử học gia nổi tiếng thời Tây Hán là Tư Mã Thiên (司马迁) (145 TCN – 86 TCN) vì bị liên luỵ trong vụ án Lí Lăng (李陵) nên phải chịu cung hình. Để bảo toàn gia tộc, phải báo quan là không có con trai nối dõi, vì thế 2 người con trai của ông buộc phải đổi họ.
Người con trưởng là Tư Mã Lâm (司马临) từ họ phức là Tư Mã (司马) đã lấy chữ Mã (马) đồng thời thêm 2 chấm bên trái đổi thành họ Phùng (冯). Người con thứ là Tư Mã Quan (司马观) từ họ phức Tư Mã (司马) lấy chữ Tư (司) đồng thời thêm một nét sổ bên trái chữ Tư đổi thành họ Đồng (同), nhưng 2 dòng họ này vẫn nhớ đến dòng họ gốc Tư Mã (chữ Hán: 司马) của mình. " ( https://vi.wikipedia.org )
" Trải qua các triều đại, từ Ngô - Đinh - Lý - Trần - Lê - Nguyễn đến ngày nay, họ Phùng lúc nào cũng có các danh thần, danh tướng phò tá để giữ nước. Ví như Phùng Tá Chu quan đại thần nhà Trần; Phùng Sỹ Chu, công thần Nhà Trần; Phùng Tá Thang, công thần nhà Trần; Phùng Phúc Kiều, Đô đốc thượng tướng quân thời Hậu Lê, người có công khai phá vùng biển Cửa Lò, Nghệ An; Phùng Lộc Hộ, đô thống đại vương, có công giúp vua Trần Nhân Tông đánh tan giặc Nguyên - Mông; Phùng Quang Lộc, danh tướng của Lê Lợi..."
" Phùng Tá Chu, quan đại thần Nhà Trần ; Phùng Sỹ Chu, công thần Nhà Trần; Phùng Tá Thang, công thần Nhà Trần; Phùng Khắc Khoan, đại thần thời Hậu Lê, được mệnh danh là Trạng Bùng; Phùng Phúc Kiều, đô đốc thượng tướng quân thời Hậu Lê, người có công khai phá vùng biển Cửa Lò, Nghệ An; Phùng Quang Lộc, danh tướng của Lê Lợi
Phùng Tá Chu (?- 1241), đại thần triều Trần. Làm quan đến chức thái phó vào cuối thời Lý; quê ở Phụng Thiên (nay là làng Quảng Bá, quận Tây Hồ, Hà Nội). Phùng Tá Chu là quan Thái phó vào cuối đời Lý. Sau khi nhà Lý sụp đổ, ông theo nhà Trần, lập nhiều công trạng và được nhà Trần trọng dụng. Năm 1226, vua Trần Thái Tông cử ông đi trấn thủ Nghệ An, được quyền tự ý ban chức vị cho người dưới quyền, ban trước rồi tâu sau. Năm 1233, ông lại được cử đi duyệt định các sắc mục ở Nghệ An, rồi được phong tước Hưng Nhân Vương. Năm 1239, ông làm nhập nội thái phó, trông coi việc xây dựng cung điện, rồi làm quản đốc công trình xây dựng 5 sở hành cung ở Thanh Hóa. Năm 1241, Phùng Tá Chu mất và được phong Phúc Thần, dân chúng thờ ông làm Thành Hòang ở đình làng Quảng Bá, cùng thờ chung với Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, Từ Tống quân Từ mục @ Phùng Phúc Kiều (1724 - 1790) là một công thần dưới triều Hậu Lê. Ông là người có công khai phá và xây dựng vùng biển Cửa Lò - Nghệ An ngày nay. Sinh thời ông là người được vua tin, dân mến vì có lòng yêu nước, thương dân. Sau khi ông mất, nhân dân ở đây đã nhớ ơn ông nên đã xây dựng nhà thờ để tưởng nhớ ông. Phùng Phúc Kiều, sinh năm 1724, trong một gia đình nhiều đời là công thần, khanh tướng. Năm 1741, ông thi đậu loại nhất trong kỳ thi Bác Cử (quan võ). Năm 1742, ông được tuyển dụng vào đội thuỷ quân ưu binh thuộc đạo Đông Nam với chức Đốc quan. Năm 1753, ông được giao chỉ huy đạo quân thuỷ chiến trấn giữ vùng biển Nghệ An, giữ chức Khả vi trung tướng quân. Năm 1764, ông được triều đình phong làm Đô trung hầu, giao toàn quyền thống lãnh thuỷ quân ưu binh, trấn giữ cả một vùng biển miền Trung, từ Thanh Hoá, đến Hà Tĩnh. Ngày 17-2-1790, Phùng Phúc Kiều qua đời ngay trên mảnh đất ông đã đổ bao mồ hôi công sức gây dựng. Thương tiếc, và cũng tỏ lòng ghi nhận công lao của ông, triều đình đã truy tặng ông chức Đô đốc Thượng tướng quân và sắc cho dân làng, con cháu lập đền thờ phụng. Trải qua hơn một trăm năm, cứ vào dịp giỗ tướng công họ Phùng, dân làng Nghi Thu và con cháu tướng công đều kính cẩn tổ chức tế lễ với nghi thức truyền thống xưa. Điều đáng mừng việc tế lễ tướng công đã được duy trì hàng năm, nhất là những năm gần đây, thu hút khá đông các tầng lớp nhân dân đến tham dự. Nếu có dịp đến với Cửa Lò, xin mời bạn hãy tìm đến khu lăng mộ và đền thờ tướng công Phùng Phúc Kiều tại xóm Hoà Đình, xã Nghi Thu để hướng lòng thành tâm trước bài vị của người đã có công gây dựng, khai phá một vùng cửa biển đẹp của đất nước. Mặc dù mới được xây dựng lại trên nền đất rộng trên 200 m2, song Đền thờ tướng công họ Phùng vẫn được thiết kế theo lối truyền thống, gồm 3 toà: Thượng, Trung và Hạ điện, cấu trúc theo hình chữ Tam. Trong đền vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu quý như gia phả, sắc phong, câu đối, đại tự, lư hương, long ngai bài vị của các vị thần tổ và nhiều đồ tế khí khác. Chắc chắn, những hiện vật này sẽ giúp những ai yêu đất nước, yêu Cửa Lò có dịp tìm hiểu hơn nét đẹp văn hoá xứ Nghệ. " (Nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/ )
" Danh sách các nhà khoa bảng tại bia Văn Miếu Quốc tử giám Thăng Long
* Phùng Đốc (1466-?) Người thôn Chàng Sơn, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất - tỉnh Hà Tây (tỉnh Sơn Tây cũ) . Đỗ Tiến sĩ năm 1499 đời Lê Hiến Tông. Làm quan đến chức Giám sát Ngự sử.
* Phùng Hữu Hựu Người thôn Viên Đình, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây. Đỗ Tiến sĩ năm 1523 đời Lê Cung Hoàng. Làm quan đến chức Thừa Chính Sử.
* Phùng Ông (1524-?) Người thôn Tuấn Xuyên, xã Vạn Thắng, Huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (tỉnh Sơn Tây cũ) . Đỗ Tiến sĩ năm 1547. Làm quan đến chức Thừa Chính Sử.
* Phùng Trạm (1543-?) Người thôn Dĩnh Uyên, xã Tân Tiến, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Đỗ tiến sĩ năm 1574 đời Mạc Mậu Hợp. Làm quan đến chức Thừa Chính sứ.
* Phùng Khắc Khoan (1528-1613) Người thôn Phùng Xá (thôn Bùng), xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (tỉnh Sơn Tây cũ). Đỗ Tiến sĩ năm 1580 đời Lế Thế Tông. Hai lần đi sứ sang Nhà Minh; Làm quan đến chức Thượng thư Bộ Hộ. Khi mất được tặng Thái Tể, phong Phúc Thần.
* Phùng Thế Triết (1585-?) Người thôn Kim Bí, xã Tiền Phong, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (tỉnh Sơn Tây cũ). Đỗ tiến sĩ năm 1623 đời Lê Thần Tông. Làm quan đến chức Hiến Sát sứ.
* Phùng Viết Tu (1607-1662) Người xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Đỗ tiến sĩ năm 1652 đời Lê Thần Tông. Làm quan đến chức Thiên đô Ngự sử, sau bị án vì phạm tội.
* Phùng Bá Kỳ (1694-?) Người thôn Hợp Thịnh, xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Đỗ Tiến Sỹ năm 1715 đời Lê Dụ Tông. Làm quan đến chức Hàn Lâm viện Đãi Chế."
(http://hophungvietnam.com.vn/ ).
Người Việt Nam họ Phùng nổi tiếng.
Phùng Hưng, lãnh tụ khởi nghĩa thời nhà Đường, được tôn là Bố cái đại vương
Phùng An, con trai của Phùng Hưng
Nhu Huy hoàng hậu, tức Sùng viên Phùng Thị Quý, hoàng hậu nhà Hậu Lê, vợ vua Lê Thánh Tông, mẹ của Lê Tân, bà nội vua Lê Tương Dực.
Phùng Khắc Khoan, đại thần thời Hậu Lê, được mệnh danh là Trạng Bùng
Phùng Tá Chu, quan đại thần Nhà Trần
Phùng Phúc Kiều, đô đốc thượng tướng quân thời Hậu Lê, người có công khai phá vùng biển Cửa Lò, Nghệ An
Phùng Thế Tài, Thượng tướng, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam
Phùng Quang Thanh, đại tướng, bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Anh hùng LLVT
Phùng Văn Cung, bác sĩ, phó chủ tịch kiêm bộ trưởng bộ nội vụ của chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam
Phùng Quang Bích (Nguyễn Quang Bích), Thiếu tướng, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Phó tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn
Phùng Hữu Phú, giáo sư tiến sĩ sử học, phó trưởng ban tuyên giáo trung ương ĐCSVN
Phùng Quán, nhà thơ, nhà văn Việt Nam, tham gia phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm.
Phùng Cung, nhà thơ, nhà văn của phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm; tác giả Con ngựa già của Chúa Trịnh
Phùng Thị Cúc (Điềm Phùng Thị), nhà điêu khắc, viện sĩ viện hàn lâm khoa học văn học và nghệ thuật Pháp
Phùng Tất Đắc (Lãng Nhân), nhà thơ, nhà văn nổi tiếng với tác phẩm: Giai thoại làng Nho...
Phùng Văn Tửu (nhà văn), Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư Văn học, Nhà Nghiên cứu, Phê bình, Lý luận Văn học
Phùng Gia Lộc, Nhà giáo, nhà văn,...
Phùng Ngọc Hùng, nhà thơ, nhà văn thiếu nhi, thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam
Phùng Văn Khầu, đại tá pháo binh, anh hùng quân đội, người hùng chống tham nhũng
Phùng Khắc Đăng, trung tướng, phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam, Trưởng Ban liên lạc dòng họ Phùng Việt Nam
Phùng Thị Lệ Lý, Nhà văn hải ngoại, tác giả cuốn sách nổi tiếng: Khi Đất Trời đảo lộn (When Heaven and Earth changed place)...
Phùng Tuấn Vũ, nhạc sĩ độc tấu guitar thùng nổi tiếng .
Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội ( https://vi.wikipedia.org/wiki ).
" Phùng Hưng là hào trưởng lớn, đứng chủ một vùng, ông chưa hề xưng hoàng đế dù có lúc xưng là “Đô quân” nên sử sách không thấy nói đến miếu hiệu. Nhưng cái tên hiệu mà Phùng An, con Phùng Hưng tôn xưng ông là Bố cái Đại vương lại trở nên cái tên quen thuộc, tôn kính, đầy tự hào, được tất cả mọi người Việt Nam thừa nhận. Nó không còn chỉ là cái tên riêng của một gia đình hay một dòng họ. Cái tên này phù hợp với truyền thống tốt đẹp có từ xa xưa của người Việt Nam.
Bố cái cũng để chỉ người bố có khí thế bao trùm cả đời, vị anh hùng cái thế. Chứng tỏ vị đại vương có hùng tài quân sự như trên đã bàn, rất cao quý nhưng lại là người bố gần gũi, dân dã…
Những tôn xưng tốt đẹp ấy, không hẹn mà nên, phù hợp với hàng loạt câu đối ở những nơi thờ tự Phùng Hưng. Như ở lăng ông, tại nơi xuất thân ghi:
“Sự nghiệp anh hùng truyền vạn thưở.
Tôn xưng cha mẹ hợp muôn dân”.
Đình Hoàng Cầu thuộc phường Ô Chợ Dừa có câu đối:
“Đất Bắc thạch bi truyền, vạn thuở nghinh vua Bố cái
Trời Nam đồng trụ tạc, ngàn thu sự nghiệp đức Đường Lâm”.
Ở Đình Kim Mã có câu đối:
“Thiên dư niên đức trạch nông hàm ngưỡng như phụ mẫu
Thập tam trại nhân yên phồn hội trường thử giang sơn”.
(Nghìn lẻ năm đức trạch dồi dào, kính như cha mẹ
Mười ba trại dân cư đông đúc, mãi còn đó núi sông).
Nghiên cứu các sắc phong thần được vua ban ta thường thấy các chữ: “Nẫm trừ linh ứng” tức: nhiều lần tỏ rõ sự linh ứng. Thường thì “sinh vi tướng” tất “tử vi thần”. Nhưng nếu sinh vi tướng mà chết không vi thần, không linh thiêng, nhiều lần không tỏ rõ sự linh ứng thì vua (người làm chủ bách thần) cũng không phong. Phùng Hưng là cha mẹ, sống mãi trong lòng con dân, hiển linh trong lòng dân nên được dân yêu kính tưởng tượng ra nhiều hiện tượng linh dị gắn với ông. Các quan lại nghiên cứu bách thần để ghi tự điển làm tài liệu dâng lên để vua phong. Việc vua chúa phong sắc cho Phùng Hưng chính là sự thừa nhận của các chính quyền, các triều đại với công lao, tài đức của ông. Điều này, thể hiện trong những câu chuyện lạ lùng hấp dẫn ở sách “Viện điện u linh” với sự ban phong của các vương triều như sau:
“Khi Phùng Hưng mới chết đã hiển linh, thường hiện hình trong đám dân quê. Nghìn xe vạn ngựa bay trên khoảng ngọn cây nóc nhà. Mọi người nhìn lên thấy rực rỡ như mây kết năm mầu, văng vẳng tiếng đàn tiếng sáo ở trên trời, lại có tiếng hò hét, kiêu căng sáng rực, tất cả đều thấy được rành rành. Phàm trong thôn ấp có việc sợ hãi, việc vui mừng thì trước đã có bậc dị nhân ban đêm đến bảo cho người hào trưởng biết. Mọi người cho là thần, lập miếu (đền thờ ở làng Cam Lâm, huyện Phúc Thọ, Sơn Tây) ở phía Tây phủ Đô hộ mà thờ cúng, cầu tạnh cầu mưa, không có điều gì là không báo ứng. Phàm có sự hồ nghi về việc trộm cướp, về việc tranh chấp thì sắm lễ vật đến bái yết trước đền, rồi làm lễ minh thệ bèn lập tức thấy họa hoặc phúc bầy rõ ngay. Người đi buôn bán sắm lễ vật cầu được nhiều lãi đều có ứng nghiệm. Mỗi khi vào ngày tạ lễ, người nhiều như núi như biển, bánh xe chật đường. Miếu mạo nguy nga, lửa hương bất tuyệt.
Khi Ngô Tiên chúa lập quốc, quân phương bắc vào ăn cướp. Tiên chúa lo lắng, đêm nằm mộng thấy một ông già đầu bạc, mũ áo nghiêm trang, đẹp đẽ, quạt lông, gậy trúc tự xưng họ tên và nói: “Tôi đã đem vạn đội thần binh mai phục trước ở chỗ hiểm yếu. Chúa công mau tiến quân chống giặc đi, tức khắc có âm trợ, không nên lo ngại. Đến khi đánh ở sông Bạch Đằng đúng là thấy trên không trung có tiếng ngựa xe. Trận ấy quả nhiên thắng lớn. Tiên chúa thấy lạ, xuống chiếu lập đền miếu to hơn quy mô cũ, lại cho cờ quạt, chiêng trống, điệu múa vạn vũ, cỗ cúng thái lao để cảm tạ. Qua nhiều thời thành lễ cổ. Năm Trùng Hưng thứ nhất (1285) hoàng triều sắc phong là “Phục Hựu Đại vương”. Năm Trùng Hưng thứ 4 (1288)” ban thêm hai chữ “Chương Tín”. Năm Hưng Long thứ 20 (1312) lại ban thêm hai chữ “Sùng Nghĩa”… Các đời sau từ Lê đến Nguyễn (kể cả Quang Trung) còn có các đạo sắc phong khác phong cho Phùng Hưng với nhiều thần phả…
Sự tôn kính, uy tín của Phùng Hưng với dân cũng thể hiện trong việc nhân dân (nhất là nhân dân Hà Nội, nơi gắn bó nhiều nhất với ông) lập nên nhiều đền thờ, lăng miếu tôn thờ ông và bảo vệ cho những di tích ấy tồn tại đến ngày nay. Gắn với các lễ hội như các di tích sau:
1. Đình Nghi Tàm: Ở doi đất sát ven Hồ Tây thuộc thôn Nghi Tàm, xã Quảng An, huyện Từ Liêm (nay thuộc quận Tây Hồ) thờ 5 vị thành hoàng là những tướng tài cùng Phùng Hưng đánh giặc Đường.
2. Đình Quảng Bá: Ở thôn Quảng Bá (thuộc quận Tây Hồ) thờ 7 vị thần mà trong đó vị được thờ chính là Phùng Hưng. Tương truyền đây là nơi Phùng Hưng đóng đại bản doanh, đây còn giữ được các di tích như: gò cắm cờ, gò con mộc (nơi tập trận), bến trùm (nơi quân lính tắm)…
3. Chùa Triều Khúc ở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì là nơi tập trung quân của Phùng Hưng chuẩn bị đánh Tống Bình. Có ngựa, kiếm, tượng Phùng Hưng áo bào long cổn. Hội làng vào ngày 10 tháng Giêng. Ngày 12 tháng Giêng có tục rước tượng thánh và sắc phong thần hay tục chạy cờ diễn lại chiến công của Phùng Hưng.
4. Lăng Phùng Hưng ở đất thuộc thôn Vạn Phúc, trại Kim Mã trước đây, nay nằm bên đường Giảng Võ trong khu vực Nhà máy thiết bị lạnh. Lăng không rõ năm xây, có đề bốn chữ: “Phùng Hưng cổ lăng”. Nghe nói lăng ở đây, nhưng thi hài ông đã đưa về Đường Lâm. Trong trại Kim Mã còn có đình Kim Mã (nơi nuôi ngựa thời Lý Trần) thờ Phùng Hưng có văn bia ghi sự tích Phùng Hưng.
5. Đền và đình làng Phương Trung (làng Chuông) thờ Phùng Hưng. Phương Trung xưa là trang Thời Trung. Cuối thế kỷ thứ 8 là nơi luyện quân của Phùng Hưng, dân ở đây kể: Sau khi giải phóng thành Tống Bình, Phùng Hưng theo dòng sông Đáy tới địa phận làng Hoạch An (phía Tây bắc Kim Bài) rẽ theo dòng Khoang chảy qua giữa hai làng Kim Châu và Kim Thành, đến Chằm Sen thì lên bờ khao quân ở căn cứ địa Phương Trung. Bên Chằm Sen nay còn di tích quán vua. Một đoạn đường tiếp đó có tên là đường rước vua.
6. Đình Giáp Nhất (còn gọi là đình Lý thôn) dựng ngay đầu thôn Giáp Nhất, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân thờ thành hoàng là Phùng Lương, tướng của Phùng Hưng.
7. Đình Thổ Khối (thuộc thôn Thổ Khối, xã Cự Khối, huyện Gia Lâm) thờ 6 vị thành hoàng trong đó có Phùng Hưng.
Đấy là chưa kể những địa danh khác tại Hà Nội như Thịnh Hào, như huyện Phú Xuyên… đã có những bài bia ký, sự tích, thần phả về Phùng Hưng hẳn phải có nơi thờ ông. Ở các tỉnh khác như Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An… cũng không kém những tư liệu ấy, hẳn từ lâu rồi các di tích thờ Phùng Hưng đã dựng nên rải rác ở nhiều nơi dù cho dâu bể thời gian, sức tàn phá của con người, chiến tranh đã làm biến dạng. Dẫu sao thì ngần ấy tư liệu còn lại vẫn đủ chứng minh rằng: Uy đức, ơn nghĩa của Bố cái Đại vương đã thấm sâu vào lòng dân, nhất là dân Hà Nội, nơi chứa đựng nhiều và tập trung nhất những di tích, những tư liệu về Phùng Hưng. Với những nét đặc sắc ấy, làm sao Hà Nội lại chỉ có một phố Phùng Hưng là đủ? Hà Nội phải dựng một thần tượng nữa, một đài kỷ niệm về Bố cái cho xứng đáng." ( Theo ĐINH CÔNG VỸ).
Lăng mộ Phùng Hưng - ngõ số 2 Giảng Võ.
Nằm ngay đầu phố Giảng Võ, cạnh bến xe Kim Mã là Lăng mộ Phùng Hưng. Lăng có dòng chữ Hán “Phùng Hưng cố lăng”. Phùng Hưng xuất thân từ dòng dõi quý tộc lâu đời ở đất Đường Lâm nay là xã Đường Lâm, Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Ông là thủ lĩnh cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống lại sự thống trị của nhà Đường ở Việt Nam thời Bắc thuộc lần thứ ba (602-905), đuổi được người phương Bắc và cầm quyền cai trị một thời gian. Trải qua bao biến đổi, lăng mộ của Phùng Hưng hiện nay chỉ còn là một bệ thờ. Lăng mộ Phùng Hưng tại trung tâm TP Hà Nội với diện tích hiện nay chỉ còn khoảng 100 m2, nằm giữa một Khu dân cư mới được xây dựng, đường vào khu Lăng mộ cũng là đường vào của Khu dân cư này, tại ngõ số 2 đường Giảng Võ, phía sau bến xe Kim Mã. Lăng mộ Phùng Hưng đã được Nhà nước xếp hạng là di tích văn hóa. Hiện nay, Lăng mộ Phùng Hưng đã được được tôn tạo đáng kể. Những người thực hiện việc trông coi, hương khói thường xuyên tại Lăng mộ Phùng Hưng là các Cụ ở một số làng trong nội thành TP Hà Nội như làng Triều Khúc, làng Giảng Võ, làng Quảng Bá. Đây là việc làm truyền thống từ hàng nghìn năm nay của các Cụ tại các làng này (nay đều đã được gọi là Phường cả). Hiện nay, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc có xuất bản cuốn sách Văn khấn nôm truyền thống của Cố thượng tọa Thích Viên Thành, nhưng ít người biết Cố Thượng tọa Thích Viên Thành tên thật là Phùng Nguyệt Chí, nguyên là sư thầy trụ trì Chùa Hương (Mỹ Đức - Hà Tây) thời gian trước năm 1998. Trong lời nói đầu của cuốn sách này, Cố Thượng tọa có viết: “Về phần tôi, vốn sinh trưởng trong một gia đình nhà nho nghèo ở nông thôn, coi trọng thờ cúng lễ bái, bản thân lại theo Đạo Phật nên cũng được nghiên cứu và tập trung ngay từ lúc thiếu thời. Bấy lây nay đọc một số tác phẩm về cúng lễ khấn cầu gia tiên của các tác giả đã được xuất bản, tôi thấy chưa thỏa mãn. Có cuốn thì văn chương phiền phức, có cuốn thì trích dịch hoàn toàn từ những tác phẩm cổ điển của Trung Quốc, có cuốn thì rất dầy lại quá ư chi tiết, có cuốn lại rất sơ sài, có cuốn viết hoàn toàn bằng văn lục bát như đọc vè, kể hạnh, mất cả tính trang nghiêm trong nghi lễ. Với quan niệm trên, lại bức xúc vì những yêu cầu của các đệ tử, nên tôi biên soạn cuốn sách này để phục vụ cho việc cúng khấn đơn giản của các gia đình có tín ngưỡng (thờ Phật, thờ Thánh) hoặc không theo tôn giáo, nhằm giải quyết những nhu cầu về nghi lễ thông thường, đơn giản trong đời sống tín ngưỡng nhân dân ”.( http://thanglong.gocom.vn/ ).
Xin theo dõi tiếp bài 5. dienbatn.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét