MỘT VÙNG ĐỊA LINH SINH NHIỀU NHÂN KIỆT.BÀI 1.
Đứng bên bờ đê Dũng Quyết của Nghệ An , nhìn sang bên kia sông Lam , đất Hà Tĩnh ta thấy một khung cảnh thật tuyệt vời , trong trời Nam khó nơi nào sánh kịp. Một vùng trời nước bao la được bao bọc đằng sau bởi một dãy núi đẹp như một bức tranh sơn thủy . Cửa sông Lam đổ ra biển ( phía bên Nghệ An ) là cửa Hội . Dặng núi phía bên kia sông Lam ( đất Hà Tĩnh ) là dãy Hồng Lĩnh . Vùng đất ven sông Lam bên Hà Tĩnh có một nơi gọi là Huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh , ngày trước được gọi là huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang trấn Nghệ An . Sông nước hữu tình , địa linh sinh nhân kiệt , chúng ta thử tìm hiểu khu vực này bằng kiến thức Phong thủy xem như thế nào nhé.
"Nghi Xuân là huyện ở phía Đông Bắc của tỉnh Hà Tĩnh. Phía Bắc và Tây Bắc có sông Lam ngăn cách với tỉnh Nghệ An. Phía Nam giáp huyện Can Lộc và huyện Lộc Hà. Phía Tây Nam giáp thị xã Hồng Lĩnh. Phía Đông giáp biển.
Huyện lị là thị trấn Nghi Xuân.
Các đơn vị hành chính của huyện bao gồm thị trấn Nghi Xuân và các xã: Xuân Hội, Xuân Trường, Xuân Đan, Xuân Phổ, Xuân Hải, Xuân Yên, Tiên Điền, Xuân Giang, Xuân Mỹ, Xuân Thành, Xuân Hồng, Xuân Viên, Xuân Lam, Xuân Lĩnh, Xuân Liên, Cổ Đạm, Cương Gián.
Nguyên là huyện Hàm Hoan, Châu Hoan về đời Đường. Thời thuộc Minh là huyện Nha Nghi (gồm cả Nghi Lộc). Huyện thuộc phủ Đức Quang, trấn Nghệ An về đời Lê. Năm 1822 thuộc phủ Đức Thọ. Năm 1831 thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
Thời phong kiến, huyện có 21 người đỗ đại khoa, được xem là vùng đất học của xứ Nghệ. Nghi Xuân là quê hương của nhiều tên tuổi lớn như: Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản, Nguyễn Điền, Nguyễn Hành, Nguyễn Huệ, Nguyễn Du, Nguyễn Thiện, Nguyễn Mai, Ngụy Khắc Tuần, Trần Bảo Tín, Phan Chánh Nghị, Nguyễn Công Trứ...
Từ tháng 7/1885 đến năm 1888, diễn ra cuộc khởi nghĩa của nhân dân Nghi Xuân, do Ngô Quảng lãnh đạo. Năm 1888, khi Phan Đình Phùng thống nhất các lực lượng kháng chiến ở Nghệ Tĩnh, nghĩa quân Ngô Quảng sáp nhập với nghĩa quân Hương Khê." ( http://mobile.coviet.vn/).
Theo https://vi.wikipedia.org : " Nghi Xuân là huyện đồng bằng ven biển, nằm phía Đông Bắc tỉnh Hà Tĩnh, cách thành phố Hà Tĩnh 47 Km, cách thị xã Hồng Lĩnh 15 km về phía Nam, phía Bắc giáp với thành phố Vinh (Nghệ An), phía Đông giáp biển Đông; đây là vùng đất “Địa linh nhân kiệt” hội tụ đầy đủ tinh hoa của núi Hồng, sông Lam. Với nhiều danh nhân, di tích danh thắng nổi tiếng và nhiều loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể. Là mảnh đất tam hợp hội đủ núi đồi, đồng bằng, sông biển; từ Nghi Xuân đến cảng hàng không Vinh chưa đầy 20 km, đi cửa khẩu Cầu Treo biên giới Việt Lào 110 km theo đường quốc lộ 8, đi khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh) 115 km. Với vị trí địa lý rất thuận lợi cho giao thương với các tỉnh, các trung tâm kinh tế, xã hội trong và ngoài nước.
Nghi Xuân có diện tích tự nhiên 220 km2, dân số gần 100.000 người, 19 đơn vị hành chính (17 xã và 2 thị trấn); có khu du lịch Xuân Thành, sân golf, cảng cá Xuân Hội, cảng Xuân Hải; có hệ thống giao thông khá thuận lợi với hai nhánh đường quốc lộ với chiều dài gần 35 km; có 32 km bờ biển với các bãi biển thoải, nước biển trong xanh; sông Lam chảy phía Tây Bắc với chiều dài trong địa phận huyện là 28 km. Thị trấn Xuân An và thị trấn Nghi Xuân là trung tâm kinh tế, văn hoá, chính trị của huyện..., đặc biệt là huyện nằm gần một số cảng của tỉnh bạn như cảng Bến Thủy, cảng biển Cửa lò, cảng Cửa Hội rất thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa và phát triển thị trường.
Từ thời nhà Đường đến nhà Ngô, Đinh, Tiền Lê: Nghi Xuân thuộc đất Hoan Châu.
Thời nhà Lý, nhà Trần: Nghi Xuân thuộc Nghệ An châu, Nghệ An trại.
Thời nhà Hậu Lê, huyện Nghi Xuân thuộc phủ Đức Quang, xứ Nghệ An (rồi trấn Nghệ An).
Thời nhà Nguyễn, huyện Nghi Xuân thuộc phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Từ năm 1832 đến năm 1976, huyện Nghi Xuân trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
Từ năm 1976 đến năm 1991, huyện Nghi Xuân trực thuộc tỉnh Nghệ Tĩnh, gồm 17 xã: Cổ Đạm, Cương Gián, Tiên Điền, Xuân An, Xuân Đan, Xuân Giang, Xuân Hải, Xuân Hội, Xuân Hồng, Xuân Lam, Xuân Liên, Xuân Mỹ, Xuân Phổ, Xuân Thành, Xuân Trường, Xuân Viên, Xuân Yên.
Ngày 23-2-1977, thành lập xã Xuân Lĩnh tại vùng đất khai hoang.
Ngày 1-3-1988, tách xóm Tiến Hòa của xã Tiên Điền gồm 59,30 ha diện tích tự nhiên và 507 nhân khẩu; xóm Giang Thủy của xã Xuân Giang gồm 22,5 ha diện tích tự nhiên và 588 nhân khẩu cùng 2.298 nhân khẩu là cán bộ, công nhân viên Nhà nước và người ăn theo của các cơ quan đóng trên địa bàn này để thành lập thị trấn Nghi Xuân - thị trấn huyện lị huyện Nghi Xuân.
Từ năm 1991 đến nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
Ngày 8-6-1994, chuyển xã Xuân An thành thị trấn Xuân An.
Nghi Xuân có nhiều di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu như Ca trù Cổ Đạm, Trò Kiều Tiên Điền và Xuân Liên, Sắc Bùa Xuân Lam, Chầu Văn Xuân Hồng, trò Sĩ - Nông - Công - Thương - Ngư Xuân Thành, Lễ hội Cầu ngư Xuân Hội, các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh..."
Chỉ riêng Làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang trấn Nghệ An nay là xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh ta cũnh thấy khá nhiều kì tích . Làng này ngày xưa còn có tên gọi là Vô Điền, U Điền, Tân Điền, Hữu Điền, Phú Điền, Trung Nghĩa, Tiên Uy, Xuân Tiên.
"Nói về những mặt nổi trội của đất Nghi Xuân thời Lê - Nguyễn, dân gian có câu: "Ló (lúa) Hoa (Xuân) Viên, quan Tiên Điền, tiền Hội Thống…". Địa bạc dân bần, nhưng Tiên Điền lại nổi tiếng lắm quan văn, quan võ, quan to, quan nhỏ, có thời trong làng đầy những công hầu khanh tướng, có nhà hiển hoạn cao khoa, có người là tể phụ triều đình.
Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú viết: Khoa giáp nổi trội hơn hẳn, danh thần, hiền phụ đứng hàng đầu trong phủ Đức Quang là viết về Tiên Điền.
Dưới hai triều đại Lê - Nguyễn, Tiên Điền có 6 vị đỗ Đại khoa (1 hoàng giáp, 4 tiến sĩ đều là người họ Nguyễn, 1 phó bảng họ Hà) và 32 vị (29 hương cống, 3 cử nhân).
Nghi Xuân khi xưa thuộc phủ Đức Quang (gồm cả Hương Sơn, Can Lộc, Đức Thọ, Thanh Chương, Nghi Lộc) được xem là vùng "địa linh nhân kiệt" của Xứ Nghệ. Trong thời kì phong kiến, Nghi Xuân có 21 vị đỗ Đại khoa (Tiến sĩ) với những dòng họ nổi tiếng khoa bảng như: Nguyễn Tiên Điền, Ngụy Khắc, Trần, Phan, Uông, Đậu... và các làng giàu truyền thống văn hoá như: Tiên Điền, Uy Viễn, Cương Gián, Cổ Đạm, Tả Ao, Phan Xá...
Nhiều người thành đạt xuất thân từ Nghi Xuân, như Danh nhân Văn hóa Thế giới, Đại Thi hào dân tộc Nguyễn Du; Đại doanh điền, Nhà thơ Nguyễn Công Trứ;Nhà Địa lý Tả Ao nổi tiếng đời Hậu Lê; Danh tướng Nguyễn Xí; Thiêm đô Ngự sử Phạm Ngữ (1434-?); Danh nho Đặng Thái Phương; Hoàng giáp Phan Chính Nghị; Đại Tư đồ Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm- Tể tướng triều Hậu Lê; Liêu Quận công Đặng Sĩ Vinh; Lĩnh Nam công Nguyễn Quỳnh; Toản Quận công,Tiến sĩ Nguyễn Khàn- Thượng thư Bộ lại; "An Nam ngũ tuyệt", nhà thơ Nguyễn Hành; Tổng đốc, Thượng thư Ngụy Khắc Tuần; Bảng nhãn Trần Bảo Tín, Thám hoa Nguyễn Bật Lạng (1546-?), Thám hoa Ngụy Khắc Đản; Phó bảng Hà Văn Đại; Lam Khê hầu Nguyễn Trọng; Điền Nhạc hầu Nguyễn Điều; Nhà sử học Trần Trọng Kim - Thủ tướng đầu tiên của Chính phủ Việt Nam...
Trong số những người nổi tiếng hiện nay, từ huyện Nghi Xuân có: Nghệ sĩ Nhân dân Đào Mộng Long; Nhà Giáo Nhân dân Lê Hải Châu; Giáo sư, Nhà Khảo cổ học Hà Văn Tấn; Giáo sư, Tiến sĩ Ykhoa Hà Văn Mạo; Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Đóa; Giáo sư Vũ Ngọc Khánh; Trung tướng Lê Hữu Đức-nguyên Cục trưởng Cục tác chiến, nguyên Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng Việt Nam; Đặng Duy Phúc - nguyên Thành uỷ viên Thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Công nghiệp Hà Nội - Nhà Sử học; Thiếu tướng Đặng Văn Duy -Nguyên Phó Ban Cơ Yếu Trung ương, nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Không quân, Cục trưởng Cục Tuyên truyền đặc biệt thuộc Bộ Quốc phòng; Đậu Ngọc Xuân -nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Tiến sĩ Đặng Duy Báu- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh; Tiến sĩ Uông Chu Lưu -Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Giáo sư kinh tế Nguyễn Đình Hương; Giáo sư Trần Ngọc Hiên nguyên Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà báo, Nhà thơ Thuận Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI,Tổng biên tập báo Nhân dân, Tiến sĩ Trần Quyết Thắng- Cục trưởng Cục A thuộc Văn phòng Trung ương Đảng; Tiến sĩ Y khoa Hà Văn Quyết; Tiến sĩ Đặng Quốc Khánh- Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh; Nguyễn Thị Hà - Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh...
Nghi Xuân Là huyện có tiềm năng lớn về du lịch với các danh lam thắng cảnh, là miền quê có bề dày truyền thống văn hoá lịch sử với 200 di tích, có 68 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia và cấp tỉnh trong đó 01 di tích được xếp hạng di tích cấp Quốc gia đặc biệt là Khu lưu niệm Danh nhân văn hoá thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du. Hệ thống di tích huyện Nghi Xuân hết sức phong phú và đa dạng phục vụ tốt cho các hoạt động du lịch văn hóa danh nhân, du lịch văn hóa tâm linh tiêu biểu như: Quần thể khu di tích Nguyễn Du, nhà thờ Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ, đền Chợ Củi, đền Huyện, đình Hội Thống, đền Nguyễn Xí, chùa Phong Phạn, chùa Thanh Lương, chùa Đà Liễu và Di chỉ khảo cổ Bãi Cọi - Xuân Viên, Việt Nam Trần Triều Điện, Thiền Viện Trúc lâm Hồng Lĩnh... Sau đây là một số địa chỉ nổi bật:
Đền Huyện Nghi Xuân. Nơi đây thờ Hoàng tử triều Lý là Uy Minh vương Lý Nhật Quang. Đền thờ được xây dựng lâu đời và nổi tiếng linh thiêng. Dự kiến, UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND huyện Nghi Xuân sẽ triển khai đầu tư xây dựng Đền Huyện với quy mô lớn hơn. Bên cạnh Đền Huyện có giếng Tả Ao và cũng tại nơi đây dự kiến sẽ xây dựng khu lưu niệm và nhà thợ Tả Ao.
Đền Thượng tại thôn An Tiên, xã Xuân Giang thờ ba vị đại vương triều Lý gồm Uy Minh vương Lý Nhật Quang, Đông Chinh vương và Dực Thánh vương.
Đền Chợ Củi tại xã Xuân Hồng: Di tích kiến trúc nghệ thuật tôn giáo thế kỉ 17, thờ Đức Hoàng Mười, Liễu Hạnh công chúa.
Nhà thờ Nguyễn Công Trứ tại xã Xuân Giang: Nhà thờ Danh nhân văn hóa thế kỉ 19.
Khu lưu niệm Nguyễn Du tại xã Tiên Điền: Khu lưu niệm danh nhân văn hóa thế kỉ 19.
Đình Hội Thống tại xã Xuân Hội: Kiến trúc nghệ thuật thế kỉ 17.
Nhà thờ Thiếu bảo Liêu Quận công Đặng Sĩ Vinh - di tích lịch sử văn hóa từ năm 2003, được xây dựng từ năm 1770 thời Vua Lê Hiển Tông.
Nhà thờ và mộ Trịnh Khắc Lập tại xã Xuân Thành: Danh nhân lịch sử năm 1912.
Đình Hoa Vân Hải tại làng Vân Hải - xã Cổ Đạm: Di tích cách mạng giai đoạn 1930-1931.
Đền thờ Nguyễn Ngọc Huấn ở xã Xuân Yên
Đền Cả ở xã Xuân Hội
Đền làng Cam Lâm ở xã Xuân Liên
Nhà thờ Phạm Ngự ở xã Xuân Mỹ
Nhà thờ Hoàng giáp Phan Chính Nghị tại thôn Vinh mỹ xã Xuân Mỹ
Nhà thờ và mộ Bảng nhãn Trần Bảo Tín ở Thị trấn Xuân An.
Bãi biển Xuân Thành thuộc xã Xuân Thành
Đền Thánh Mẫu ở xã Xuân Lam
Trúc Lâm đại giác - Việt Nam Trần triều điện tọa lạc trên khu đắc địa rộng 5000 m2 tại làng Kiều Lĩnh, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, có kiến trúc đặc biệt độc đáo, vừa hiện đại vừa cổ kính. Ba tòa nhà chính là 3 cung điện thờ, được xây dựng 2 tầng, tầng một bằng bê tông cốt thép, tầng 2 bằng gỗ quý nhập khẩu từ nước CHDCND Lào,thờ các vị vua nhà Trần"
Nơi đây còn có khá nhiều làng nghề truyền thống như :
Làng nón Tiên Điền: thuộc xã Tiên Điền.
Làng nước mắm Cương Gián: nay là xã Cương Gián.
Làng làm nồi đất Cổ Đạm : thuộc xã Cổ Đạm.,
Làng làm mộc: thuộc xã Xuân phổ.
Làng làm trống: thuộc xã Xuân Hội.
XÉT VỀ PHONG THỦY.
1. NÚI HỒNG LĨNH :
Tên chính thức: Hồng Lĩnh (洪嶺),Tên Nôm: Ngàn Hống . Tên dân gian: Krung, Rú Hôống, cũng đọc là Hống .Tên chữ là Hồng Sơn (洪山) .Biệt hiệu: Hoan Châu Đệ Nhất Danh Thắng .Là dãy núi núi nổi tiếng nhất Hà Tĩnh. Cùng với sông Lam, núi Hồng Lĩnh được xem là biểu tượng hồn thiêng sông núi của xứ Nghệ.
Truyền thuyết kể rằng núi Hồng Lĩnh có 99 đỉnh. Tương truyền, Núi Hồng Lĩnh do một ông khổng lồ không rõ tên tuổi (dân gian Hà Tĩnh gọi là ông Đùng) đã gom nhặt những quả núi mọc lẻ tẻ ở vùng châu thổ Lam giang và La giang đem về đây xếp thành dãy Hồng Lĩnh. Xếp được 99 hòn núi, còn một hòn cuối cùng thì ông Đùng đánh rơi sang phía bờ bắc sông Lam mà thành rú Rum. Ở một số nơi thuộc vùng núi Hồng Lĩnh lại lưu truyền truyền thuyết rằng: Ngày xưa, thủa khai thiên lập địa, vùng đất Nghệ An Hà Tĩnh này núi non mọc ngổn ngang, ngăn cách vùng này vùng kia. Thủa ấy, có hai người khổng lồ là Ông Đùng, Bà Đùng nhiều lần giúp đỡ dân trong vùng. Ông Đùng rất thích bà Đùng nên một hôm sớm tinh mơ đến ngỏ ý. Bà Đùng nói trước khi gà gáy ngày mai ông Đùng phải xếp được 100 ngọn núi thì bà Đùng đồng ý làm vợ. Vậy là ông Đùng một mình cặm cụi kéo núi xếp lại, ông làm việc quên cả ăn. Lúc xếp được 99 ngọn núi thì cũng lúc bà Đùng tỉnh dậy, thấy ông Đùng đang xếp núi nên đùa cho vui bằng việc giả tiếng gà gáy. Ông Đùng đang di chuyển một ngọn núi về cho tròn 100 ngọn, đến bên bờ bắc sông Lam nghe thấy gà gáy tưởng thật, nên đứng dậy phủi tay mà đi. Do đó mà núi Hồng Lĩnh có 99 ngọn, còn một ngọn bị ông Đùng bỏ lại chính là núi Quyết ở bờ bắc sông Lam. Cũng chính ông Đùng đã đào quặng sắt ở trong các ngọn núi đem đến làng Vân Chàng và Trung ương dạy cho dân làm nghề rèn - một nghề truyền thống vẫn còn lại đến ngày nay.
Cũng có một truyền thuyết khác kể rằng: Thủa xưa, khi vùng Hà Tĩnh là đất của nước Văn Lang, vua Hùng Vương đi tìm nơi định đô mới, vua đi khắp đất nước nhằm tìm vùng đất thích hợp đóng đô. Vua nghe tin vùng Việt Thường thủa xưa đặt kinh đô ở Ngàn Hống. Hùng Vương đích thân dẫn đoàn tùy tùng đến xem. Lúc Hùng Vương đến nơi, bỗng thấy trên trời có 100 con Phượng Hoàng đang bay lượn, trông rất đẹp. Hùng Vương mừng lắm, cho rằng đất đóng đô đây rồi. Ngờ đâu 100 con Phượng Hoàng bay về núi đậu trên 99 đỉnh Ngàn Hống, còn một con đầu đàn không có chỗ đậu nên bay đi, thấy vậy cả đàn Phượng Hoàng cũng bay theo. Hùng Vương nhìn thấy liền cho rằng là điều không may, nói nơi này không thể làm kinh đô.
Núi Hồng Lĩnh còn gắn liền với truyền thuyết công chúa Diệu Thiện tu hành, tạo nên chùa Hương Tích Hà Tĩnh .
Mạch núi chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam chiều dài hơn 30 km, từ nam bến thuỷ vào đến bắc Cửa Sót. Chia làm 3 nhóm núi: Nhóm Thiên Tượng và nhóm Đụn ngăn cách nhau bởi tuông Eo Bầu. Hồng Lĩnh là đợt cuối chót của dãy núi Pu Lai Leng (tây bắc Nghệ An), có kiến tạo từ 200 triệu năm trước, với độ cao 2711m (Rào Cỏ).
Hồng Lĩnh có 60 đỉnh nhô cao lên từ mấy chục mét và cao nhất là 676m. Tính từ Tây Bắc xuống có các đỉnh: Nam Bàn, Yên Xuân, Đà Hồng, Cột Cờ, Thiên Tượng, Mồng Già (có 2 ngọn), Bạch Tỵ, Hương Tích, Tai Voi, Mũi Rồng, Ông, Tháp Cờ, Chân Tiên Nhiều ngọn được mang tên kỳ thú do người đời đặt và lưu truyền.
Có 8 cửa truông thuận tiện cho đi lại qua Hồng Lĩnh từ tây sang đông và từ bắc xuống nam, như truông: Cộng Khánh, Vắn (Cố Ghép)... Trong núi có nhiều hang động như: động 12 cửa, động Chẻ Hai, động Đá Hang, động Hàm Rồng... Có đến 26 khe suối chảy từ trong núi ra và ngày nay có hàng mấy chục đập nước ở chân núi Hồng Lĩnh, một số ao hồ ở lưng núi và chân núi như Bàu Tiên, Vực Nguyệt, Ao Núi Lân, Bàu Mỹ Dương.
Nổi tiếng của Hồng Lĩnh là bề dày của các di sản văn hoá- lịch sử, từ các di tích như:
Đỉnh Tháp Cờ, nơi hoàng tử, con Mai Thúc Loan xây căn cứ,
Núi Lầu có hành cung của Lý Thánh Tông,
Luỹ Đá của Ngô Quảng nổi lên chống Pháp
và nhiều huyền thoại, truyền thuyết liên quan đến núi Hồng như: Ông Đùng xếp núi, truyền thuyết về kinh đô của Vua Hùng.... và với 7 sắc phong và 1 công lệnh thời Lê, Cùng với biết bao nhiêu giai thoại, thần thoại khác.
Nơi đây có khoảng 100 ngôi chùa và đền miếu. Có ngôi rất cổ như:
chùa Hương Tích , chùa Chân Tiên, nơi vẫn còn dấu chân người và chân ngựa trên tảng đá (gắn với truyền thuyết Tiên giáng trần).
Cụm Quần thể di tích lịch sử văn hóa Tiên Sơn đã được nhà nước xếp hạng di tích cấp tỉnh vào đầu năm 2012 và đang hoàn tất hồ sơ kiến trúc nghệ thuật đề nghị bộ VHTT DL xếp hạng cấp Quốc gia năm 2013 [Rú Tiên] Chùa Tiên Sơn,Đền Thánh, Miếu Bà Chúa kho, Đền Tiên,Tứ phủ Trần Triều,Tam tòa thánh mẫu, Theo đó hàng Năm lễ hội Tiên Sơn khai hội vào ngày 15/tháng giêng âm lịch, Quy mô lớn trang nghiêm trịnh trọng hoành tráng để phục vụ du khách du xuân đi hội Tiên Sơn .
Theo cuốn : " Hà Tĩnh - Đất văn vật Hồng Lam " Núi Hồng - Hồng sơn , Hồng lĩnh , có nghĩa là núi lớn , cũng được gọi là núi Cao , núi Ông , xưa kia bao phủ một thảm rừng dày nên tục gọi là Ngàn Hống. Núi trải rộng khoảng 30 km2 từ bờ Nam sông cả - Lam giang đến cửa Gián , trên đất hai huyện Nghi Xuân , Can Lộc và Thị xã Hồng lĩnh bây giờ .
Là núi lẻ ở đồng bằng ven biển , trên mười vạn năm trước , Hồng Lĩnh là một dải đảo giữa bốn bề sóng nước , và ngày nay là một " quần đảo " trên mặt đất .Phần núi phía Tây Bắc gồm những ngọn dưới 400 m, trong đó Thiên Tượng ( 337 m) là ngọn tiêu biểu , trên sách cổ ghi là " Nhóm Thiên Tượng " . Phần núi chủ yếu nhô cao dần về hướng Đông nam , kéo ra tận bờ biển . Đây là một khối núi liền mạch , nhưng sách cổ cũng lấy Eo Bù làm dải phân cách để chia thành hai nhóm : “ Nhóm núi Đụn” ( Độn Phong ) , lấy Núi Đụn ( 499m )là ngọn cao nhất làm tiêu biểu và “ Nhóm Hương Tích “ lấy động Hương Tích làm tiêu biểu dù chỉ có 297 m . Trong khi ngọn Tháp Cờ , còn gọi là Rú Ông ( 676 m ) là đỉnh cao nhất của dãy Hồng Lĩnh . Từ đó núi chia làm 2 chi : Chi Đông kết thúc ở ngọn Gâm ( Kim Sơn , xã Cổ Đạm ); chi Đông Nam có 2 ngọn cao là Sư Tử ( 630 m) và Động dang ( Đông Dương – còn gọi là ngọn Bòng Bong ). Đến đây , núi hạ thấp xuống dần , đi về nhiều hướng . Ngọn Tiên Am ( xã Thịnh Lộc ) là mút cuối dãy Hồng Lĩnh .
“ Cửu thập cửu phong thứ đệ bài – Chín mươi chín ngọn núi giang bày “ ( Thơ Vua Thiệu Trị ) .
Với con mắt nhậy cảm của người xưa , nhìn mỗi ngọn núi, hình dung ra dáng riêng và gọi theo tên gọi của hình dạng ấy . Chùm Ngũ Mã là “ Đàn ngựa phóng qua sông “ vừa đặt chân xuống bờ Nam . Hòn “ Cô Độc “ như “ chú nghé đang trầm xuống nước “ ; ngọn “ Thiên Tượng “ có hòn đá giống voi ; ngọn “ Bàn Thạch “ có tảng đá lớn , bằng phẳng như chiếc mâm , ngọn “ Khê Quang “ đá chất chồng đứng như mào gà ; ngọn “ Phượng Hoàng “ đứng xa trông lên như cặp mào đầu chim Phượng ; ngọn “ Quan Áp “ trông như chiếc mão ( mũ ) ; ngọn Lịp ( Lạp Phong ) , từ biển nhìn vào giống chiếc nón , rồi ngọn “ Cổ Chùy “ ( Dùi trống ) , ngọn “ Hàm Rồng “ ( Long Hãm ) , ngọn “ Yên NGựa “ ( Mã Yên ), ngọn “ Đầu Voi “ ( Tượng Đầu ), ngọn “ Đầu Ngựa “ ( Mã Đầu ) , ngọn “ Kim Quy “ ( Rùa Vàng ) , ngọn “ Sư Tử “ , ngọn “ Đoạn Đầu “ ( người cụt đầu ) .
Những tên gọi khác được gọi theo truyền thuyết , di tích lịch sử , văn hóa . Ngọn “ Đùm Cơm “ ( Phong Phạn ) mé bắc , là gói cơm của Ông Đùng để lại , và ngọn “ Tiên Tích “ , mé Nam ( trên đá có dấu chân Tiên , “ Rú Ông “ hay “ Tháo Cờ “ – Ngọn cao nhất trong dãy Ngàn Hống , tương truyền là nơi Chú hai , con Vua Mai Hắc Đế cắm cờ khi ông xây dựng căn cứ chống quân nhà Đường ở đây .
“ Từ Cơn Vạng đến Bằng Vai ,
Cụp Cờ còn đó , nhới ai cắm cờ “.
Rú lầu cao lớn , bề thế là nơi vua Lý Thánh Tông dựng hành cung để du ngoạn . Ngọn “ Rú Tháp “ – Tương truyền xưa kia người Tàu xây tháp trên đỉnh . Và ngọn “ Hương Tích “ có ngôi chùa cổ Hương Tích đời Trần . “ Rú Lần “ ( Lân hay Lận sơn , Cù sơn ) , nơi bảng nhãn Trần Bảo Tín ở ẩn dưới triều Mạc , được gọi là Trấn Sơn ( Rú Ông Trần hay Rú Ông Bảng ) .Hoàng giáp Phan Chính Nghị , một trung thần thời nhà Lê khác , cùng thời thì lấy tên Núi Sét ( Liệt Sơn ) , nơi mình ẩn làm hiệu “ Liệt Sơn tử “ . Còn Rú Mã ở quê Hoàng giáp Phan Đình Tá thì bị đổi thành Mại Quốc Sơn ( núi bán nước ) , vì ông là người bỏ Lê , phò Mạc . Ngọn núi nơi đốt lửa làm hiệu thời chiến tranh Trịnh – Nguyễn , gọi là Rú Hỏa Hiệu .
Lại có những ngọn núi được dân gian gọi theo tên loại cây cỏ mọc nhiều ở đó : rú Lách , rú Vọt , rú Bòng Bong hay động Dang , rú Trúc , rú Thông .
Sách cổ chép trên Hồng Lĩng có 26 dòng nước khe suối là “ Danh Tuyền “ , trong đó có Hương Tuyền ở động Hương Tích , Hoa Khê ở Hoa Viên , Tượng Khê ở Tượng Phong , Hoàng Ngưu Khê ở Yên Trừng, Độ Liêu Khê ở Độ Liêu . Có những khe lớn người ta đắp đập ngăn lấy nước tưới ruộng như đập Khe Vẹt ( tức khe Độ Liêu, khe Nhà Trò ) , tương truyền do Ngự sử Bùi Cầm Hổ đắp ngày xưa , và các đập Cù Lây – Trường Lão , Cồn Tranh , Khe Hao…ngày nay . Nhiều khe suối có dòng chẩy đặc biệt : suối Hương Tích từ kẽ hốc trên vách đá dựng đứng vọt ngang ra “ nước trong và thơm “ ; Khe Vành Khăn ở ngọn Sư Tử , khe Nước Nhỏ ở mỏm núi Thung Ao …nước từ đỉnh thành đá cao bốn , năm chục mét đổ xuống thẳng đứng thành ngọn thác ; Khe Mưa Dông ở ngọn Hàm Rồng , nước phun từ vòm trần của một hang lớn , tạo ra “ Cơn mưa dông “ , liên tục suốt tháng , suốt năm . Lại có khe chẩy ngầm dưới Truông Trâu ở Rú Lân ra sông Lách ( sông Lam ở Kẻ Lách ) .
Trên núi có nhiều vũng trũng đọng thành ao , thành đầm gọi là “ Ao Trời “ ( Thiên Trì ) , hoặc thành vực sâu như Vực Nguyệt ở Rú Đụn , tương truyền sâu không đáy .
Dưới núi lại có nhiều bàu nước lớn : bàu Kim Cương nằm giữa lũng núi rộng tới 30 mẫu ; đầm Hồ Lô là nơi Tiên tắm , nên thường gọi là Bàu Tiên ; bàu Mỹ Dương , uốn lượn như dải lụa , dài tới 10 cây số.
Trong núi có 8 dải đường truông dài ngắn , thông từ Tây sang Đông , từ Bắc tới Nam . Truông Trâu , truông Màn Trường ở Bắc và Nam ngọn Rú Lần. Truông Cọng Khánh từ Kẻ Lách vào Kẻ Treo , xưa là tượng lộ ( đường voi chiến đi để tránh cầu ), nay là đường tỉnh lộ 18 . Đây chính là con đường Truông Hống – Đò Cài mà Nguyễn Du thường đi từ Tiên Điền sang Tràng Lưu gặp gỡ bạn bầu .Mé Nam Hồng Lĩnh có 2 đường truông ăn thông giữa Nghi Xuân và Thiên / Can Lộc : Một truông toàn đá đen ( chứ quặng sắt ) , chắn gió bấc gọi là Truông Gió , một truông toàn đá son , ngắn , gọi là Truông Vắn . Tương truyền , triều đình phái Hầu Thượng Ngật ( Nguyễn Văn Giai ) về khảo sát . Sợ nếu khai thác mỏ sắt thì dân quê ông phải chịu phu đài , hoặc phải đóng thuế sản vật quặng sắt , ông bèn đổi tên gọi cho 2 dải truông cho nhau rồi tâu lên ở truông Gió ( tức truông Vắn ) chỉ có đá son đỏ …sách “ Non nước Hồng Lam “ của Võ Hồng Huy miêu tả về truông Vắn : “ Đường truông uốn hình chữ V , góc khuỷu nằm giữa đỉnh eo , cao khoảng 120 m so với mặt biển . Dọc giữa tâm đường truông được lát ghép cả thảy 1645 bậc đá , nối tiếp từng bậc theo độ dài bước chân và tầm lài của mái núi . Đoạn được ghép bằng đá dài khoảng 800 m nằm giữa truông có tổng chiều dài 1300 m đường núi. Sách xưa chép khác nhau về thời gian và người ghép đá đường truông , còn dân gian thì cho là con đường do “ Cố Ghép “ , người địa phương làm , và gọi truông Vắn là truông “ Cố Ghép “ hay truông “ Ghép “ ( Nguyễn Đổng Chi – Kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam ) . Gia phả họ Ngô ở làng Động Gián , Nghi Xuân chép vị Tổ đời Lê là Ngô Trát giữ chức Thập lý hầu ( Lý trường ) ..từng đem hết sức lực làm xong con đường truông Vắn .
Trong núi còn có các đường hẻm như hẻm Đá Ma dưới ngọn Thiên Tượng , mà có lần quân Trịnh thua ở bãi Vọt phải luồn qua sang Hồng Thôn , thoát ra được sự truy đuổi của quân Nguyễn.
Khắp nơi trên mái núi , dưới chân núi có những khối đá hình thù kì lạ : Đá Voi Trời , đá Hàm Rồng , đá Lưỡi Cày , đá Mũi Thuyền , đá Cổng , đá Nón , đá Chân Tiên , đá Ông Bà . Đá Ông Bà hay đá Vợ Chồng ( Phu Phụ Thạch ) là một trong 10 cảnh đẹp của ngọn Vân Am ( Vân Am thập cảnh ) .
Trên núi lại có nhiều động , nhiều hang kỳ vĩ : Động 12 cửa, động Chẻ Hai , động Đá Hangtrên ngọn Đụn rộng có thể chứa hàng trăm người , được coi là cung điện trong truyền thuyết “ Cố đô Việt Thường “ ở Ngàn Hống . Động Hàm Rồng ở trên ngọn Hương Tích được truyền là nơi hóa thân của Phật bà Quán âm Nam Hải . Lại còn Chọ Hang với những cảnh trí kì ảo , lạ lùng những triền dài Chọ đá hiểm hóc chất chồng trong lòng núi , bằng nhiều động tác luồn lách , cúi , bò , trườn , trượt khác nhau mới có thể vượt qua . Qua hàng chặng phải làm dấu để nhớ lối khi trở ra .
Cố Bu – Phan Bô ( đầu thế kỷ XIX ) và Cố Thần – Ngô Quảng thời Cần Vương – Duy Tân ( cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX ) đều lấy nơi này làm căn cứ ….
…Điểm xuyết cho cảnh trí thiên nhiên còn có các công trình nhân tạo – những di tích lịch sử , văn hóa vô giá . Đó là các phế tích lũy Ông Ninh ở Rú lần , Tháp Người Tàu ở Rú Tháp , nền Trang Vương ở động Hương Tích , đường đá Vắn , Đó là đền Lý Uy Minh Vương ở ngọn Bàn Thạch , đền Đô nam nhạc Ô Trà Sơn ở Kẻ Sóc, đền Đô đài Ngự sử ở ngọn Bạch Tị, đền Lý nguyên phi ở Rú Nưa , đền Liễu Hạnh công chú ở núi Tam Kỳ , đền Khuông quận công ở Trung Lao , đền Cương Khấu và đền Bạch Thạch ở Động Gián . Đó là hệ thống chùa Phật dày đặc của trung tâm Phật giáo phía Nam Đại Việt thời Lý – Trần với những chùa cổ mà sách xưa từng chép .
Hồng Lĩnh – Lam Giang xưa nay là danh thắng bậc nhất Châu Hoan , là biểu tượng của xứ Nghệ . “ Hồng Lĩnh tú khí “ “ Hồng Lĩnh văn vật “ là nói về linh khí của núi sông , về tinh hoa của con người . “ Hồng Sơn liệt chương “ không chỉ đứng đầu “ Nghi Xuân bát cảnh “ , mà từ xa xưa , người Tàu đã coi là 1 trong 21 danh sơn nước Việt , và có họa sĩ đã sang vẽ cảnh núi về dâng Minh Thái Tổ .
Năm Minh Mệnh thứ 17 ( 1836 ) , khắc hình tượng Hồng Lĩnh lên “ Anh đỉnh “ ở Thái miếu Huế . Năm 1842 , vua Thiệu Trị Bắc tuần , có làm bài thơ khắc lên bia đá , dựng dưới núi . Năm Tự Đức thứ 3 ( 1850 ) nhận Hồng Lĩnh là danh sơn ở Hà Tĩnh và ghi vào điển thờ .
2/ SÔNG LAM.
( Xin theo dõi tiếp BÀI 2 - dienbatn ).
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét