CHUYỆN XƯA TÍCH CŨ . VŨ
ĐIỆU TỐI CỔ . TÁC GIẢ - DAI HONG CAT.
LỜI NGỎ : dienbatn sẽ đăng lại một số bài viết hay của các ACE thế hệ trước từng làm mưa làm gió trên các diễn đàn Huyền thuật. Việc này nhằm ôn lại những kỷ niệm xưa cũ , và cũng thầm nhớ lại và tri ân những đóng góp của họ vào tri thức Huyền thuật của nước nhà. dienbatn chỉ chỉnh sửa một số lỗi chính tả ,còn để nguyên chất giọng vùng miền của họ.Xin chân thành cảm ơn các tác giả.
GIỚI THIỆU : ĐẠI HỒNG CÁT là một người khá hiểu biết về Huyền môn, nhất là về các chuyện về mộ cổ . Trong trang Thegioibuangai.com ( Sau này là Thegioivo hinh.com ) do anh Hùng Sơn chủ xướng khoảng gần 20 năm trước , thì tác giả ĐẠI HỒNG CÁT có nhiều đóng góp quan trọng về những kiến thức Huyền môn . dienbatn ngày xưa cũng có quan hệ thân thiết với tác giả ĐẠI HỒNG CÁT từ đầu những năm 2000. Thấm thoắt đã gần 20 năm. Xin tri ân những đóng góp trong Huyền môn của tác giả ĐẠI HỒNG CÁT.
Đại huynh Bá Bá là đạo hữu của Bửu Sơn Kỳ Hương.
VŨ ĐIỆU TỐI CỔ
Chiều hôm đó bỗng nhiên Lý Thông ghé ngang qua nhà, y nói “anh Tư có việc cần
chú đi gấp” – “không lẽ đi ngay?” – “đi ngay kẻo không kịp”.
Leo lên chiếc Toyota camry đời 96 của Lý Thông thì đã thấy Tư Hường ngồi sẵn ở
băng ghế sau, xem ra chắc là có chuyện quan trọng thật.
Chiếc Toyota camry đời 96 của Lý Thông là chiếc xe mang về từ bên Miên, có một
đường dây chuyên phù phép biến hóa những chiếc xe mang lậu từ Miên về thành xe
hợp pháp. Khoảng hơn chục chiếc xe giống y như của Lý Thông cùng nhong nhong
chạy trên đường, tất cả cùng chung một hồ sơ gốc, khi nào bị “xộ” thì sẽ có một
người “phù phép biến hóa” “biến cái không thể thành có thể” là mọi việc đều tốt
đẹp.
“Đi đâu mà gấp vậy anh Tư?” – “Tám Nghĩa nhắn xuống gặp y gấp lắm”.
Tám Nghĩa hiện ở Mỹ Tho, vậy là phải xuống Mỹ Tho rồi.
Trong đầu ĐHC tự nhiên hiện ra một bóng người cao gầy, gương mặt khó đăm đăm,
luân quách đều trễ xuống.
Trời tự nhiên đổ mưa, xe đến cầu Bình Điền thì có một người đã chờ sẵn, người
này mở cửa xe leo tót lên ngồi cạnh Tư Hường. Y mặc áo mưa, che mặt kín mít nên
chẳng biết là ai, còn Tư Hường thì dường như đã ngủ.
Đến ngã ba Trung Lương thì đã hơn bảy giờ tối, trời vẫn mưa như trút, trong xe
hoàn toàn yên lặng bỗng người mới lên cất tiếng ca nho nhỏ :
“Đời còn gì vui hơn trong phút giây được yêu.
Đời còn gì đau thương khi lắng nghe tình vỡ.
Người tôi yêu đâu rồi, người yêu tôi đâu rồi…
Tình tôi đã chết rồi… “
Lý Thông phá lên cười khùng khục “ Bộ bị vợ bỏ hay sao mà ca bài này vậy
cha?” –“Vợ bỏ rồi…bỏ thật rồi…” – người mới lên cất tiếng rất thẫn thờ, thẫn
thờ…
Tư Hường đang ngủ say thốt nhiên thở dài “đời là bể khổ, chú theo anh đi tu
luôn đi”.
ĐHC đã nhận ra người này, chắc là chuyện quan trọng lắm nên Tư Hường mới huy
động lực lượng hùng hậu thế.
Trời mưa to quá nên xe chạy như rùa bò, đến thành phố Mỹ Tho, chạy dọc theo con
lộ 4000 thì đã hơn tám giờ tối. Đến được nhà Tám Nghĩa thì thấy người đông kìn
kịt, một cái hòm to tổ bố đặt ngay ngoài sân.
Không lẽ Tám Nghĩa chết rồi ?
Như vậy là không kịp gặp rồi ?
Đúng là Tám Nghĩa chết thật, xác còn chưa liệm nên không thể vào được,
đành phải chạy xe tuốt lên nhà của bà BN thuộc xã ĐHP nghỉ tạm.
Căn nhà này là một căn nhà cổ, to vào bậc nhất xã, bề ngang khoảng hơn bốn chục
thước, sâu cả trăm thước, cả hàng chục phòng, rộng mênh mông. Những cánh cửa,
hoành phi, kèo cột đều làm bằng gỗ quý cả trăm năm mà không hề bị mối mọt, được
chạm khắc rất tinh xảo. Hình chim sẻ đậu nhành mai, hoa cúc, dơi hay mây bay
tầng tầng lớp lớp, kỹ lưỡng đến từng chi tiết mà thợ bây giờ e rằng khó có thể
làm nổi. Nền nhà lót gạch tàu cỡ đại mà những viên gạch tới giờ này còn đỏ au,
thẳng tắp, chưa bị lún. Giữa nhà còn có một cái hồ bán nguyệt ghép sành sứ nhìn
lên xung quanh là những bức tranh tường vẽ theo lối “công bút” rất tỉ mỉ, những
con cá chép rõ đến từng cái vảy, lá sen thì thấy cả những giọt sương long lanh…
Tòa nhà này quả thật là một di tích cổ quý giá.
Phía sau nhà là cái sân rộng, sát ngay bờ sông, một cái nhà máy xay xát gạo
đang xay tấp nập. Bà chủ nhà tỏ ra khá thân với Tư Hường, bà ta đúng là thuộc
típ “đỏ da thắm thịt”, cao to, mập mạp, tính tình sởi lởi. Tin truyền miệng ở
vùng quê phải nói là nhanh hơn tên lửa, chẳng cần phải hỏi, bà ta cũng kể
chuyện “Tám Nghĩa chắc biết mình chết nên trưa hôm nay ổng mặc bộ bà ba trắng mới
tinh, kêu cô con gái út nấu nồi cơm gạo thơm ăn với cá rô đồng kho tộ, canh bí.
Sau đó ổng trải tấm chiếu mới lên tấm ván ngựa rồi nằm ngủ, đến chiều đứa cháu
vào gọi mãi không tỉnh, lúc đó mới hay là ổng chết rồi”.
Tám Nghĩa có cả thảy bốn người con, vợ chết đã lâu, hai người con đầu đã ra
riêng, ông ta sống với người con trai bị tật cà nhắc và con gái út là cô giáo
tiểu học. Có một thời Tám Nghĩa cũng rong ruổi khắp miền Tây với Tư Hường, sau
này tự nhiên ông ta chán đời, về nhà sống ẩn dật.
Mưa kéo dài mãi đến tận nửa đêm, đến khi vơi bớt hạt thì mới có người qua, đây
chính là người sáng sớm hôm nay đã lên báo cho Tư Hường về gặp Tám Nghĩa gấp,
chính là người con trai có tật cà nhắc. Sau vài câu thăm hỏi, anh ta đưa cho Tư
Hường một cái bọc giấy “ba cháu dặn không được mở ra mà phải đưa tận tay bác” –
Chờ cậu con ra về rồi, xung quanh không có ai, Tư Hường mới từ từ mở cái bọc
giấy…
Chắc phải là vật gì quý lắm Tám Nghĩa mới bọc kỹ như thế, dễ phải đến hàng chục
lớp giấy, cuối cùng thì cũng đến cái vật ấy… dưới ánh đèn vàng trong căn phòng
nhỏ chỉ có bốn người, hiện ra một pho tượng vũ nữ bằng đất nung màu đỏ quạch
thật tinh xảo, tầm cỡ này thì chỉ có ở những pho tượng cổ cực quý… chỉ đáng
tiếc là nó lại là một pho tượng vũ nữ không đầu… Một vũ nữ bị cụt đầu…
Vũ nữ đang múa một vũ điệu gì đó, hai chân cô ta dang rộng ra, gối khụy
xuống nhưng hai gót chân lại bắt chéo. Một tay uốn cong như con rắn còn tay kia
giơ lên trên, hai bầu ngực tròn vo, cái bụng cũng no tròn, rốn sâu thăm thẳm,
eo lưng ưỡn ra phía trước còn mông thì lại vểnh ra phía sau… Tư Hường cứ cầm
pho tượng ngắm nghía mãi làm Ba Cao sốt ruột quá nói “Anh nói đại đi, có cái gì
bí mật mà Tám Nghĩa trước khi chết lại gửi cái của nợ này chứ?”
Ba Cao chính là người mới bị vợ bỏ, y ốm nhom, nhỏ thó nhưng lại có biệt danh
là Ba Cao vì y có một cái tài rất đặc biệt, đó là cái tài leo trèo nhanh như
khỉ. Những cái cây cao chót vót, những vách đá dựng đứng, nhà lầu cao tầng,
núi, đồi… trên những độ cao mà người khác nhìn xuống thấy chới với, thấy chóng
mặt thì Ba Cao lại tỉnh bơ như không có gì. Những chuyện nguy hiểm, phức tạp,
sinh tử thì Ba Cao coi như đồ bỏ, nhưng những chuyện tưởng như bình thường nhất
thì lắm khi y lại rất vụng về, lúc Tư Hường xem bức tượng thì y cứ nhấp nha
nhấp nhổm như là bị kiến cắn vậy.
Tư Hường nhìn mãi rồi y cũng đặt pho tượng lên bàn, Ba Cao liền chụp lấy gí sát
mặt vào ngắm nghía, có điều cái cách y xem pho tượng khác hẳn Tư Hường, y xoay
tới xoay lui, lắc lên lắc xuống, nhìn chắm chú vào cái cổ gãy của pho tượng,
sau đó y đặt lại lên bàn, thở phì phì…
Vũ nữ có thân hình đẹp tuyệt vời, đường nét thật là khêu gợi, thật tiếc là lại
không có cái đầu… một thân hình như vậy thì chắc gương mặt cũng phải tuyệt đẹp.
Đường nét, vũ điệu hao hao giống như tượng trong các đền thờ của Ấn Độ, đền thờ
của người Chăm, nhưng cũng không thật giống hẳn, vẫn có một cái gì đó khác biệt
mà chưa xác định được là cái gì.
Pho tượng này dường như có một ma lực gì đó, nó làm cho không khí trở nên nghèn
nghẹt rất khó chịu, Tư Hường bỗng vuột miệng nói sảng “các chú có bao giờ nghe
kể về chủ nhân của ngôi nhà này không?” – Không đợi ai trả lời, y lẩm bẩm nói
tiếp “ông ta cũng bị VM xử chém đầu, ở nơi đây có rất nhiều câu chuyện về ma
không đầu…”.
Bây giờ đã hơn nửa đêm, trời lại đổ mưa ào ào, pho tượng vũ nữ càng trở nên
lung linh, bí ẩn. Ngôi nhà cổ toát lên một mùi ẩm mốc và lạnh lẽo, một cơn gió
lạnh từ đâu thổi luồn vào như chập chờn bóng hình của ai đó…
Cuối cùng thì Lý Thông cũng phá vỡ sự im lặng : “ Pho tượng không có đầu
biết đâu lại đẹp hơn là khi có cái đầu “ – “ Có thể đúng, ví như pho tượng
Venus de Milo, nếu gắn tay vào sẽ là thừa”.
Ông LS bị xử chém đầu, đầu một nơi, thân một nẻo – Khi gia đình mang về mai
táng thì phải dùng một cái đầu bằng gỗ thế vào. Sau lần ấy căn nhà này trở nên
hoang tàn và cô quạnh. Ông ta có cả thảy mười tám người con, trong đó lại có
tới ba người là theo VM, sau năm 75 họ cũng không quay về căn nhà cũ. Còn có
mấy người con khác thì đi vượt biên qua Mỹ, chẳng còn ai quan tâm săn sóc đến
cái nhà của tổ phụ, bà BN lại là người con dâu. Bi kịch của những gia đình
người Việt có lẽ chỉ những người Việt mới có thể hiểu được, những ám ảnh của
quá khứ sẽ còn tồn đọng mãi trong tâm trí, phải qua nhiều thế hệ may ra mới
lãng quên được.
Sáng hôm sau phải đánh xe ra tận thị xã mua một cái vòng hoa tang để viếng ông
Tám Nghĩa, trên đường về thấy còn sớm, e gia đình chưa liệm xác xong nên cả
đoàn ghé vào thăm chùa Vĩnh Tràng. Đây là một ngôi chùa cổ nổi tiếng nhất Nam
bộ “Vĩnh cửu đối sơn hà, Trường tồn tề thiên địa”, hôm đó các sư đang họp trong
chánh điện để tụng kinh, nên được nghe tiếng kinh vang vọng, ngân nga cả không
gian.
Mặt trời gần đứng bóng thì cả đoàn mới tới nhà Tám Nghĩa, ông ta đứng tới thứ
tám trong nhà, hiển nhiên còn có nhiều người nữa : Hai Hiền, Ba Thiện, Tư Tốt,
Năm Lành, Sáu Trung, Bảy Hiếu… rồi Chín Lễ, Mười Trí, cuối cùng là Út Tín.
Tuy gia đình thì đông như vậy, nhưng trong số anh chị em chỉ có mỗi bà Chín Lễ.
Bà ta thật giống Tám Nghĩa, cũng gương mặt đăm đăm như vậy, cũng có bộ luân
quách trễ xuống y như vậy, bà ta nom thật già nua và xấu xí.
Ngày xưa Năm Lành cũng theo VM, ông ta bị thực dân Pháp bắt tra tấn dã man,
không chịu nổi đòn thù, cuối cùng ông đã khai ra những người đồng đội. Bốn
người VM bị Pháp bắt ra xử chém, trong đó có Tư Tốt và Bảy Hiếu.
Đây là xứ sở của những linh hồn không có cái đầu.
Năm Lành sau vụ đó bị VM tuyên án tử hình, ông ta trốn biệt về SG, vĩnh viễn
không bao giờ xuống Mỹ Tho nữa, đám tang Tám Nghĩa lần này ông ta cũng không
về.
Con cháu cũng còn khá đông, bà con láng giềng qua viếng cũng nhiều, so với anh
em trong nhà thì Tám Nghĩa chết như thế là êm đềm nhất.
Đến hôm sau thì động quan, một hàng Đạo tỳ áo đen quần đen viền vải trắng, đội
kết trắng viền đen và mang giày bố đen đi theo hàng đôi từ từ tiến vào đến
trước Bàn vong. Sau đó thì dàn kèn và trống nổi lên, Đạo tỳ bái quan, lạy 4 lạy
sau đó đứng hai bên quan tài.
Chấp sự cầm cặp đèn cầy giơ trước trán, ông ta lạy bốn lạy trước quan tài, sau
đó lạy bốn phương tám hướng, múa cặp đèn cầy tới lui nom thật điệu nghệ. Điệu
nhạc Nam ai bắt đầu nổi lên, Đạo tỳ sắp hai bên bắt đầu khiêng bổng chiếc quan
tài lên, ra đến bên ngoài họ quay quan tài lạy về nhà cũ bốn lạy, lạy tứ phương
bốn lạy, sau đó tay chấp sự rót một chung rượu trắng đặt lên trên nóc quan tài,
việc khiêng chiếc quan tài này dù qua những đoạn đường khó khăn cỡ nào tuyệt
nhiên cũng không được để đổ ly rượu. Việc khiêng quan tài ra tuốt ngoài ruộng
khá gian nan, phải nói Đạo tỳ dưới vùng quê làm việc này thật hay, ly rượu
không sánh ra lấy một giọt, đến chỗ hạ huyệt thì tay chấp sự lại nhảy múa một
bài xung quanh ngôi mộ rất chi cầu kỳ, phức tạp.
Phút cuối thì hai thầy chùa tụng Kinh Hạ Huyệt 3 lần, tụng Vãng Sanh Thần Chú 3
lần, chiếc quan tài trong đó có Tám Nghĩa từ từ đưa xuống đất. Đến lúc này thì
đám thợ khóc mướn mới trổ tài khóc như mưa sa bão táp, họ vừa khóc vừa kể làm
náo loạn cả lên. Đám này hẳn là do bà Chín Lễ mướn tới, bà ta cũng cố gắng lắm
mà không rặn ra được giọt nước mắt nào. Khóc đâu phải chuyện dễ, đó là cả một
nghệ thuật, ngày xưa Lưu Bị nhờ có tài khóc đúng lúc mà lấy được cả thiên hạ,
hay Đắc Kỷ chỉ cần mắt long lanh ngấn lệ là biết bao anh hùng hào kiệt đành
buông kiếm?
Chỉ sợ đám thợ khóc này khóc lóc quá mức làm Tám Nghĩa đội mồ chui lên thì
khốn, nhưng điều đó không xảy ra, ông ta yên lặng ra đi mà chẳng nhắn gửi một
lời gì cả?
Tối hôm đó không ở nhà bà BN nữa mà qua bên nhà ông Sáu Nhẫn, một ông
già trên tám mươi với bộ râu bạc trắng, đôi mắt sáng ngời, hình dung quắc
thước. Căn nhà của ông cũng cổ không kém gì căn nhà của bà BN, hoàn toàn bằng
gỗ, và ông đang dần biến nó thành một ngôi chùa. Trong chính điện treo một tấm
tranh giấy dó viết chữ “Nhẫn” thật to, ông nói chính là nhờ tuân theo chữ
“nhẫn” này nên đã sống được qua bao thời kỳ, bao chế độ. Ông Sáu Nhẫn đúng là
một trí thức xưa điển hình còn sót lại, hồi trẻ ông từng theo học “école de
garcon”, rồi sau đó là “Collège de Mytho”, đi học mặc bộ bà ba trắng, chân đi
đôi guốc mộc.
khi gia đình lên SG ông mới chuyển đến học “PetrusKý”, tốt nghiệp
“L’enseignement supérieux”. Ông từng chơi bóng đá với ông hoàng Xihanuk lúc đó
đang theo học “Chasseloup - Lauba”. Ông còn có cô em gái học “Collège des
jeunes filles” còn gọi là trường “nữ sinh áo tím”, cô này sau lấy chồng Tây và
đã theo chồng về Pháp trước năm 54. Ba ngôi trường PetrusKý, Collège des jeunes
filles và Chasseloup - Lauba là ba ngôi trường danh tiếng vào bậc nhất Đông Nam
Á thời đó.
Ấy là nói về cái nghiệp văn, còn nghiệp võ của ông Sáu Nhẫn cũng dầy dạn lắm,
đang ngồi uống trà nói chuyện là ông hứng chí ra sân múa biểu diễn một bài
“Phật gia quyền” dài dằng dặc. Ở cái tuổi tám mươi mà bộ pháp của ông Sáu Nhẫn
lúc thì trầm, lúc thì khinh, lúc thì triển, lúc thì hoạt liên tu bất tận chảy
như nước sông vậy. Để trả lễ, ĐHC cũng đành đứng dậy múa bài quyền NahaKata của
hệ phái “Thần đạo”, múa xong thì chân run lập cập, hơi thở hồng hộc làm ông Sáu
cười khà khà, ông rót một chung trà nóng đưa cho ĐHC rồi nói “tại chú tinh thần
không tập trung, lại thức khuya, dậy sớm, uống bia uống rượu nên khí lực không
đầy đủ…”.
Buổi sáng hôm sau ông Sáu nấu một nồi cơm gạo trắng đãi cả nhóm ăn với mắm sống
và thịt heo quay, còn ông thì lại ăn chay. Trong cái thời buổi nhiễu nhương này
thì những con người cổ xưa như ông thật là vô cùng hiếm. Ăn uống xong ông Sáu
Nhẫn mới dẫn tất cả ra ngoài ruộng, nơi đây có một khu mộ của dòng họ. Ông than
thở “con cháu bây giờ bận rộn quá, chẳng còn đứa nào quan tâm nhiều đến mồ mả
ông bà” – Ông chỉ một ngôi mộ nhỏ, với tấm bia trống trơn rồi nói “hồi xưa
người này lưu lạc đến đây, không tên tuổi , không nhân thân, VM nghi ông ta là
Việt gian nên xử tử. Khi ông ta chết rồi thì một vài người trong đó có ông Sáu
thương tình quá mới gom xác và đầu của ông ta lại quấn vào một manh chiếu chôn
ở đây”. Con người vô danh này chết oan nên không siêu thoát, thỉnh thoảng ông
ta lại nhập vào một vài người đàn bà trong xã, quậy tưng bừng.
VM nghi con người vô danh này là Việt gian nên mang ra chém quách, thời đó việc
chém đầu một người là một chuyện dễ dàng không cần phải suy nghĩ nhiều. Bây giờ
thì con người không cần phải chặt đầu nhau nữa vì có còn đầu đâu để chặt? cứ
thử nhìn quanh xem, biết bao kẻ đâu cần dùng tới cái đầu mà vẫn sống nhăn đấy
thôi. Không cần phải suy nghĩ vì có người khác nghĩ thay rồi, cũng không cần
phải nói vì có người khác nói thay rồi, hoặc có nói có nghĩ đi nữa thì cũng là
nói bằng ngôn ngữ của người khác, nghĩ bằng suy nghĩ của người khác, cái đầu
đâm ra không còn là một bộ phận thiết yếu nữa thì biết đâu theo quy luật “chọn
lọc tự nhiên” nó sẽ dần dần bị đào thải?
Có lần một người đàn bà trong xã bị nhập, gọi là bà chứ cô ta cũng chỉ
khoảng hàng băm. Đang ngồi gói bánh tét, cô ta bỗng đứng lên vò đầu bứt tóc,
nhảy cà tưng, nói lảm nhảm. Cũng đã quen với việc này, những người khác vội
chạy đi gọi ông Sáu, khi ông tới thì Vong trở nên rất ngoan ngoãn. Cũng như mọi
lần, vong tự nhận là người bị chết oan đã mấy chục năm nay, “sống vất vưởng
không đầu thai được, nơi Thành Uổng Tử bây giờ đông đúc lắm…” - Ông Sáu không
phải là thầy bùa hay thầy pháp, ông chỉ là một Phật tử tu tại gia, nên ông vỗ
về “ Nếu không có nơi nương tựa thì hãy theo ta về chùa, nương náu một thời
gian, bao giờ trả hết căn quả thì mới đi đầu thai được” – “Thế vong hồn ông ta
có nói mình tên là gì không?” – “Vong nói lí nhí rất khó nghe, lúc thì xưng tên
là Tám Ngời, lúc thì là Hai Liên…, nói chung những linh hồn chết oan rất hoảng
loạn, họ không thể nói rõ ràng được gì”.
Có điều xác thực là từ khi rước oan hồn về chùa thì nó ít còn nhập xác và quậy
nữa.
Nơi đây còn có một địa danh gọi là “Đồng Mả Ngựa”.
Thời kháng chiến chống Pháp, từng có một người võ quan của nghĩa quân đánh nhau
bị chết, khi chạy về đến xã ĐHP này mới chịu ngã ngựa… điều kỳ lạ là lúc đó
người nghĩa quân này đã bị chém mất đầu. Vĩnh viễn không ai có thể biết được
cái đầu của ông ta đã lưu lạc ở đâu, dân trong xã kính cẩn gọi người chết không
đầu là “Ông Quan”, gom xác ông ta và xác con ngựa chôn chung một chỗ, mộ được
lấp bằng những tảng đá ong. Ngôi mộ này linh thiêng đến mức hằng đêm mọi người
đều nghe tiếng vó ngựa chạy rầm rập, tiếng ngựa hí vang… có người còn kể là đã
thấy vị quan không đầu cưỡi ngựa chạy ngờ ngờ.
Hằng đêm “Ông Quan” đều hiện về, không đầu cưỡi ngựa để chiến đấu tiếp… làm dân
làng trở nên hoảng sợ, cuối cùng họ phải tìm mướn thầy pháp về trấn yểm.
Tuy nhiên thỉnh thoảng vẫn có người còn nghe tiếng ngựa hý.
Nơi chôn Võ Quan và con ngựa được gọi là “Mả Ngựa”, cánh đồng có ngôi mả gọi là
“Đồng Mả Ngựa”, hồi xưa nó là một cánh đồng mênh mông, bây giờ thì khá nhiều
người du cư đã đến cất nhà ở san sát, gần “Mả Ngựa” mọc lên mấy bụi tre um tùm,
con nít hay tụ tập chơi ở đó, sự tích ly kỳ về “Mả Ngựa” vẫn còn được truyền
khẩu bao thế hệ.
Thời xưa, khi Mỹ Tho còn là trung tâm kinh tế sầm uất bậc nhất Nam bộ, hàng
ngày ghe thuyền từ khắp nơi tụ về đậu kín, trên bờ thì ngựa xe , người đi san
sát, khung cảnh phồn vinh không gì tả nổi. Nơi đây người Tiều làm ăn rất phát
đạt, trở thành những người giàu bậc nhất thị xã. Họ cho xây một ngôi chùa để
thờ “Đức Thánh Quan”, còn gọi là “Chùa Ông”. Trong những năm chiến tranh biên
giới phía bắc, ngôi chùa cổ bị đập bỏ, kể từ đó những người Tiều ở khu vực này
làm ăn trở nên lụn bại, một số phải bỏ xứ ra đi, những ngôi nhà cổ cũng xuống
cấp, sập xệ và u ám.
Sáng hôm sau Tư Hường ngao ngán nói “đã đến lúc phải về rồi”, chắc y
nghĩ mãi cũng chưa hiểu Tám Nghĩa gửi pho tượng vũ nữ không đầu để làm gì. Y
mang pho tượng ra, đặt nó lên trên bàn, ngay cạnh cửa sổ, pho tượng bằng đất
nung đỏ chóe, chớp lung linh khi ánh nắng hắt từ ngoài vào. Ba Cao ngồi nhìn
pho tượng chằm chằm, đôi mắt của y thật đờ đẫn, dáng vẻ thật thẫn thờ, có lẽ y
đang nghĩ về cô vợ trẻ và đẹp, cô ta cũng đã từng là một vũ nữ, một vũ nữ khá
là kiêu bạc.
“Người vũ nữ, người xưa mến thương ơi
Nhớ tới hương đêm kinh đô chưa qua đời
Nhớ tới đôi môi nụ cười
Nhớ tới xa xôi, nay đã xa rồi.”
Trong lúc mọi người đã đi ra ngoài hết thì Ba Cao ngồi nhìn pho tượng thật lâu,
y nhìn mãi, nhìn mãi… đột nhiên y trở nên rúm ró lại, một kẻ can đảm và liều
lĩnh như Ba Cao mà lại có thái độ như thế thì thật là kỳ lạ, nhưng lúc đó chẳng
có ai nhìn thấy điều ấy, mãi sau này thì Ba Cao mới kể là y đã thấy cái gì ?
Y đã thấy cái gì ?
Có những điều mà không phải ai nhìn cũng thấy, mà cần phải có một sự tương tác,
một sự đồng cảm nào đó, thì lúc đó con người mới “thấy” được những điều mà bình
thường dường như là vô hình. Vì thế mà khi Tư Hường, Lý Thông hay ĐHC cũng ngồi
nhìn thật lâu vào pho tượng như Ba Cao mà chẳng thấy có sự khác lạ nào.
Chắc là Tám Nghĩa cũng nhìn thấy cái gì đó nên ông ta mới gửi pho tượng này
lại, nhưng chắc gì cái điều mà ông ta nhìn thấy giống như cái mà Ba Cao đã nhìn
thấy hay sau này nhiều người cũng đã nhìn thấy ?
Pho tượng vũ nữ không đầu lấp lánh trong ánh nắng, thon thả và cong dài, hai
cánh tay thật uyển chuyển nhưng không che khuất bầu vú căng tròn, biểu tượng
của nguồn sống đã từng xuyên qua hàng ngàn năm buổi sáng, hàng ngàn năm buổi
chiều, hàng ngàn năm buổi tối, hàng ngàn ngàn vì sao lấp lánh hay hàng ngàn tia
nắng chói.
Lý Thông thì thầm “tôi biết vì sao Tám Nghĩa gửi pho tượng này cho Tư Hường
rồi” – không đợi trả lời, y nói tiếp “vì Tám Nghĩa cho rằng Tư Hường là kẻ…
không có cái đầu” – nói đến đó Lý Thông cười lên khùng khục, xem ra cái thời
buổi “Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều” này, cái cách nghĩ của y cũng đầy
chất Lý Thông thật. Nhưng nếu Tám Nghĩa thật sự có ý nghĩ đó, thì đâu phải ông
ta gửi riêng gì cho Tư Hường ? Mà có lẽ gửi chung cho tất cả chúng ta, chưa bao
giờ ở thời đại nào, trên xứ sở này người đàn ông lại trở nên kém cỏi và ti tiện
như thế… người đàn ông đã trở nên khiếp nhược như thế và những người đàn bà của
họ đành phải đi tha phương cầu thực … Suy cho cùng một người đàn ông đã bị chặt
đứt đầu thì có thể làm được gì ngoài cái việc đi lang thang để tìm cho mình một
cái đầu khác? Ở bất cứ đâu, khi con người buộc phải nói những điều họ không tin
để có thể tồn tại thì những lời nói đó dần dần sẽ trở thành một thứ đạo đức của
họ, nhưng là một thứ đạo đức giả, một sự dối trá dẫn họ đi đến sự suy đồi và
đánh mất chính mình.
Tư Hường đưa cặp mắt ti hí nhìn Ba Cao, y có gươngg mặt giống hệt Tăng
Quốc Phiên, hai mép miệng trễ sâu xuống. Nếu có cái gì thoát khỏi cặp mắt của
Tư Hường thì cái đó nhất định không phải thuộc về thế giới này. Chắc là y sẽ
hỏi Ba Cao nhìn thấy cái gì ? – Nhưng y lại không hề hỏi điều đó, y móc điếu
thuốc ra châm hút, liên tục châm vào điếu thuốc đang hút dở…
Ba Cao đã từng trải qua thời kỳ hoàng kim, đó là lúc y đi buôn đá quý. Thời VN
mới mở cửa biên giới với TQ, vùng biên Lạng Sơn cũng còn hoang sơ chứ chưa sầm
uất như bây giờ, lúc đó kẻ nào nhanh chân thì kẻ đó thắng lớn, mà về khoản
nhanh nhẹn thì Ba Cao luôn là số một. Y đi buôn đá cẩm thạch, qua tận bên Côn
Minh, nơi có những núi đá cẩm thạch nguy nga. Có vô số cách để vượt biên giới,
đi lậu theo đường cửu vạn, đi đường bộ qua cửa khẩu với tấm hộ chiếu hẳn hòi,
đi đường không qua HK rồi từ đó bay sang Côn Minh, đường nào cũng được nhưng
chắc chắn về phải là đường bộ, mà là con đường vận chuyển lậu hàng tấn đá bằng
sức người. Những tảng đá cẩm thạch nặng cả tấn được xả nhỏ ra thành từng phiến
như những viên gạch thẻ, sau đó đám cửu vạn sẽ cõng qua biên giới. Tất nhiên cả
đoàn người đi nườm nượp như vậy thì làm sao mà qua khỏi BP được, chẳng qua là
đều có sự sắp đặt cả, mỗi người một ít, “đời thì phải biết nương nhau mà sống
chứ !”. Những chuyện liều mạng như vậy rất hợp với Ba Cao, và y còn làm một
chuyện liều mạng hơn nữa, đó là dám lấy một vũ nữ kiêu sa về làm vợ. Cô vũ nữ
thật là đẹp, chắc là đẹp hơn pho tượng rồi vì pho tượng thì đỏ quạch, không
đầu, còn cô vũ nữ thì trắng muốt với đôi môi tươi mọng. Từ những tấn đá cẩm
thạch mang về, Ba Cao biến thành những viên kim cương nho nhỏ, xinh xinh trang
điểm thêm cho cô vũ nữ vạn phần tươi đẹp. Khi ở TQ, Tiền ND tệ nhiều đến mức y
phải gói lại thành một tấm nệm để nằm ngủ - “ngủ trên tấm nệm tiền là đã nhất,
lúc đó ngay của trong giấc mơ cũng thấy toàn là tiền” - Tuy nhiên ở Côn Minh
thường gặp phải đá giả nên lần cuối cùng Ba Cao muốn đánh một quả lớn, với kinh
nghiệm chiến trường dày dạn, y gom hơn trăm ngàn đô lận trong người, đi đường
bộ qua tận đảo Hải Nam mua một tảng đá cẩm thạch nặng hai tấn chở từ Côn Minh
về, có bảo chứng hẳn hòi. Nhưng đúng là số trời, ở đường cưa đầu tiên xả đôi
tảng đá, những vết nứt của nó nhiều còn hơn rễ cây đước ở rừng U Minh vậy.
Lần đó khi về lại SG, trên người Ba Cao chỉ còn lại mỗi bộ đồ, nhưng lúc đó y
vẫn còn có một cô vợ… còn bây giờ thì đến cả cô vợ cũng không còn.
Tư Hường vẫn chưa nói gì, y chỉ phì phà hút thuốc. Còn Lý Thông thì lại cầm lấy
pho tượng mân mê và ngắm nghía, pho tượng vũ nữ cổ này dư sức biến chiếc Toyota
Camry đời 96 của y thành chiếc Lexus ES sang trọng và cáu cạnh. Nhưng Lý Thông
mà không có Thạch Sanh thì có thể làm được gì ?
Cuối cùng thì Tư Hường cũng nói, nhưng mà lại nói một câu chẳng ăn nhập gì
“ngày mai mấy chú về lại SG, tìm đến nhà người này…”
Chưa “làm ăn” được gì thì lại phải quay về SG làm Ba Cao bực dọc văng tiếng
chửi thề, y vẫn không bỏ được tính nóng nảy, có lẽ y sốt lên vì phải xa pho
tượng vũ nữ ?
Cuối cùng thì Ba Cao cũng kể y đã nhìn thấy cái gì.
“Tôi nhìn một lúc thì giống như bị ảo giác, đột nhiên thấy pho tượng vũ nữ từ
từ lay động, sau đó nó bắt đầu múa một vũ điệu thật kỳ ảo… phía xa xa là một
đền thờ chìm trong sương mù. Nhưng kinh khủng nhất là khi từ cái cổ vũ nữ bắt
đầu phụt ra những tia máu đỏ lòe, những tia máu đó bắn vào mặt cho cảm giác
nóng hôi hổi, chưa bao giờ có cái cảm giác ghê sợ như thế” - “đó là một pho
tượng ma - Ba Cao nói – Tám Nghĩa tự nhiên bị đột tử biết đâu cũng là do pho
tượng, bây giờ anh Tư giữ nó thì phải coi chừng.”
Lý Thông lại cười khùng khục, họ Lý có vẻ không tin lắm vào chuyện Ba Cao kể.
Đây là một pho tượng cổ có một giá trị kim tiền đích thực, vì thế những người
trong cuộc bắt đầu nghi ngờ lẫn nhau... Một pho tượng có giá như thế mà Tám
Nghĩa để lại cho người ngoài thì cũng lạ? – Hay nó là một pho tượng ma ? Tám
Nghĩa muốn trút gánh nặng đó cho Tư Hường ?
Xứ Mỹ Tho có một vùng đất gọi là Gò Thành, là một giồng đất sét pha cát nhân
tạo rộng hơn 1 mẫu, cao ba mét so với mặt nước. Khi người Pháp phát hiện và
khai quật nơi này họ đã mang về xứ tất cả những gì tìm được. Sau này có vài
đoàn khảo cổ của VN tiếp tục đào bới nữa, cũng thu hoạch được chút ít những gì
còn sót lại mà người Pháp không kịp vét hết do chiến tranh. Suốt mấy chục năm,
dân sống ở gần đây vào những dịp mưa lớn cũng tình cờ lượm được những mảnh vàng
hay một vài cái bình cổ, đĩa cổ, vài mảnh tượng vỡ, nhiều viên đá cuội… nhưng
có người lại mang đập cái bình ra để tìm vàng trong đó, thế là đi đứt. Di chỉ
này là của một vương quốc cổ xưa, có một thời rất huy hoàng gọi là Vương Quốc
Phù Nam. Vương quốc này trải dài từ đông sang tây Nam Bộ, đến tận Campuchia và Thái
Lan. Thời đó, Phù Nam là vương quốc hùng mạnh nhất ở Đông Nam Á, họ rất sùng
bái thần linh, người Phù Nam cho mình là con của thần Mặt Trăng và Mặt Trời.
Qua những gì còn lại của họ có thể thấy đời sống tâm linh của người Phù Nam rất
phong phú, họ coi trọng sự thờ cúng, hiến tế, xây dựng các đền đài rất nguy
nga, đồ sộ, hao phí sức người, tiền của… phải chăng dân tộc của họ bị tuyệt
diệt là do điều này?
Chưa xác định được pho tượng vũ nữ cổ có phải là Phù Nam hay không, nhưng nếu
đúng đi nữa thì cái khả năng Tám Nghĩa tìm được ở Gò Thành cũng không chắc lắm
vì nơi này hầu như đã bị đào tung, không còn gì nữa.
Biết đâu Mỹ Tho ngoài Gò Thành ra có thể còn những nơi khác?
Bỗng nhiên Ba Cao tự sỉ vả “mình không thể quên được, mình đúng là thằng ngu,
là thằng không ra gì, tình nghĩa ở đâu mà nặng, mà nhiều thế ?”.
Ai là người có đủ ý chí để có thể quên đi được những điều cần phải quên, nhớ
được những điều cần phải nhớ ? – Tư Hường nói “có một người – chúng ta hãy đến
tìm người đó”.
Đi từ sáng sớm mà tận xế chiều mới tìm được nhà của ông Năm Lành, không
biết nên gọi là nhà hay là chùa nữa. Ở xứ sở này có cả hàng ngàn cái chùa tự
tạo như vậy, và vì thế cũng có cả hàng ngàn thầy chùa, thầy pháp như thế. Đó là
những điện thờ nhỏ bé để nhà tu hành sống một cuộc sống ẩn dật, trong số họ
cũng có những bậc chân tu và cũng đầy những người trần tục.
Ông Năm tuy gầy gò nhưng thật là đẹp lão, mái tóc trắng bạc phơ, ánh mắt của
ông thật hiền và nụ cười nhân ái, nhất là hai hàng lông mày thật là dài, biểu
hiện của sự trường thọ, đúng là một tiên ông giữa đời thường. Cả ĐHC lẫn Lý
Thông, Ba Cao đều ngưỡng mộ nhìn cái đầu của ông, chẳng phải là để có được cái
đầu này ung dung trên cổ thì đã từng phải có tới bốn cái đầu khác rơi xuống hay
sao?
Tự nhiên có ba người lạ hoắc tới tìm, ông Năm không hề tỏ ra ngạc nhiên, có lẽ
vì những người xa lạ đến tìm ông cũng nhiều. Có người đến để thờ cúng, đến để
đàm đạo, đến để học tập kinh sách… nhưng chủ yếu là đến để hốt thuốc vì ông Năm
bây giờ vừa là thầy tu vừa là thầy thuốc nam. Trong nhà ông , trừ điện thờ ra
chỗ nào cũng chất đầy các loại rễ cây, vỏ, lá… mùi đủ loại cây thuốc thơm sực
nức. Có cả chục người đang ở trong nhà, họ đều bỏ ra ngoài khi thấy bọn ĐHC
tiến vào, có lẽ họ nghĩ đám này là CA cũng nên. Sau những câu chào hỏi, trong
lúc uống ly trà nhài thơm phức, Lý Thông mới thăm dò “bọn tôi tới để xin lại Món
Đồ mà lúc trước ông Tám có gởi lên cho thầy…”
Tư Hường đã suy luận như vậy - Y thật là tài tình, linh cảm là một món quà mà
Thượng Đế ban cho con người, nhưng không phải ai cũng được hưởng.
Nghe nói thế ông Năm gật đầu, ông cũng đang chờ con cháu ông Tám lên để đưa lại
mà mãi không thấy ai đến. Tám Nghĩa đã gửi cái bọc giấy này lên khá lâu rồi,
cái bọc vẫn còn y nguyên, ông Năm chưa hề mở ra xem.
Cái bọc giấy này y hệt cái bọc giấy mà Tám Nghĩa gửi cho Tư Hường.
Năm Lành đã tìm đến đạo Phật như một sự giải thoát khỏi cái quá khứ đau buồn,
nhưng ông càng muốn quên đi cái quá khứ ấy thì Tám Nghĩa lại càng muốn khơi lên
điều đó. Ông Năm đã tìm được một con đường mới cho chính cuộc đời của mình, một
con đường đòi hỏi phải đặt vào đó tất cả niềm tin và ý chí, còn Tám Nghĩa thì
vẫn lầy lội trong cái quá khứ bi kịch vừa có dáng vẻ đau thương vừa có dáng vẻ
hào hùng mà chính ông ta cũng không thể tự lý giải được. Còn Ông Năm từ lâu lắm
rồi đã giải thoát khỏi quá khứ, đã tìm cho mình một con đường mà với ông, đó
chính là sự quên mình.
Chẳng biết giữa Tám Nghĩa và Năm Lành ai đúng ai sai, nhưng sớm muộn gì thì họ
cũng mang cái quá khứ ấy trở về với cát bụi… đám con cháu với những nỗi lo
“cơm, áo, gạo, tiền” đâu có rỗi hơi mà nghĩ đến.
Khi tất cả đi hết rồi, chỉ còn một mình Tư Hường trong căn nhà trống
trải. Ông Sáu cũng đã đi đâu đó, thực ra tuốt phía sau nhà bếp cũng có vài
người đàn bà và mấy đứa con nít, những người sống nương tựa vào ông Sáu, họ
quét dọn và nấu nướng, thỉnh thoảng hái trái cây mang ra chợ bán.
Pho tượng vũ nữ không đầu vẫn đang múa trên bàn.
Tư Hường lại châm thuốc hút, dù là chỗ đông người hay một mình, lúc nào y cũng
hút thuốc, một loại thuốc rẻ tiền…
Y đâm ra sợ pho tượng, bởi vì Ba Cao đã nhìn thấy những điều kinh khủng từ pho
tượng, Ba Cao đã nhìn thấy thì tất nhiên Tư Hường cũng nhìn thấy. Nhưng y không
hề nói ra – Đâu có gì bắt buộc con người phải nói ra tất cả những điều mà họ
nhìn thấy ?
Cảm thấy sợ khi phải ở một mình với pho tượng, y đứng dậy thong thả đi ra
ngoài, theo con đường nhỏ đi hơn nửa tiếng thì ra đến chợ.
Tư Hường thích ngắm nhìn những người đàn bà ngoài chợ, dân gian từng có câu
“trai khôn tìm vợ chợ đông”, Tư Hường không đi tìm vợ, nhưng y tìm được rất
nhiều điều từ những ngôi chợ làng quê này.
Đây là một ngôi chợ cổ xưa có tuổi cỡ trăm năm rồi.
Chỉ cần nhìn sơ qua khu chợ, nhất là những cái thúng cái mẹt của những người
“buôn gánh bán bưng” là có thể hiểu cuộc sống của “người Việt”, chẳng phải là ở
cái chợ nhỏ bé này, nơi kinh thành sầm uất cũng vậy thôi.
Đây là một đất nước thuộc sở hữu của các Vua Chúa, của các Vị Tướng đã từ hàng
ngàn năm rồi, và các Vua Chúa, các Vị Tướng phi thường đó vẫn hàng ngày mỉm
cười độ lượng nhìn các thần dân của mình, việc chăn dắt cả một bầy cừu hiển
nhiên là không dễ dàng.
Tư Hường thong thả đi qua cầu, y đi bộ tà tà theo những con đường ruộng, nhiều
năm trước y đã cùng với Tám Nghĩa đi như thế này, bây giờ thì chỉ còn một mình.
Lúa đã bắt đầu ngậm sữa, tỏa ra một mùi thơm phảng phất.
Nơi y đến là một ngôi chùa, thực ra đó là một ngôi nhà nhưng đã biến thành chùa
từ hàng chục năm nay rồi, bên trong chính điện thờ tượng Phật Thích Ca, bên
ngoài là tượng Quan Âm cầm tịnh bình, trên đầu có che lọng. Đây là nơi tu hành
của các sư nữ.
Những nơi như thế này không thuộc quyền quản lý của giáo hội, vì họ không đề
tên chùa… cuộc sống ở nơi này là cả một sự thanh bình. Họ sống hoàn toàn tự
cung tự cấp, chùa có mấy mẫu ruộng, các sư cô tự cày, cấy, gieo trồng và gặt
lúa, những công việc nào cực nhọc quá thì họ thuê thêm người ngoài làm. Lúa
trồng để chùa dùng, họ còn bán bớt để mua thêm quần áo, dầu, nhang đèn..., xung
quanh chùa trồng đủ loại cây ăn trái, đủ các loại rau cải, trồng đậu nành để
làm đậu hủ, các sư nữ còn tự làm chao để ăn, món chao của họ có thể nói là ngon
tuyệt vời, hơn chao đỏ HK nhiều.
Tư Hường ngồi đàm đạo với bà Chín, một ni sư già nhất ở đây… có lần y hỏi sao
chùa không đặt tên, sư bà nói “nêu đặt tên thì phải vào giáo hội, lúc đó nhiều
khi họ cử người khác đến để trụ trì ngôi chùa… mà ở nơi đây họ sống như vậy đã
hàng chục năm nay rồi. Mỗi người một hoàn cảnh, có người tu từ tấm bé, có người
gặp hoàn cảnh éo le xuống tóc đi tu… lâu ngày họ đều có gương mặt hao hao giống
nhau, một gương mặt hiền hiền như mặt Phật.
Nơi đây không cần phải có phật tử cúng dường, của cải họ tự làm ra nhiều khi
còn dư để giúp những người cơ nhỡ. Các ni sư sống một cuộc sống tự cung tự cấp,
bình yên và trong lành, nơi này có khác gì Niết Bàn ?
Niết Bàn có gì khác nơi này ?
Từ giã ngôi chùa của các Ni sư, Tư Hường lại đi lang thang theo những bờ
ruộng, đến một bờ kinh có cái chòi nhỏ, y leo lên đó ngồi. Nắng trưa như đổ
lửa, cái nắng này sẽ báo hiệu một cơn mưa lớn sẽ kéo đến, ba bốn đứa trẻ đang
bơi lội dưới dòng, chúng hò hét ầm ĩ…
Ngồi trên chòi nhìn ra cánh đồng mênh mông trước mặt, bất giác Tư Hường lại
chìm vào dĩ vãng, đó là cái thời ở “Đồng Tháp Mười”, còn gọi là khu tám.
Làm sao có thể quên được những cánh rừng tràm bạt ngàn, những cánh đầm mênh
mông với muôn vàn đoá sen rực rỡ của mùa nước nổi… Lúc đó Pháp càn dữ dội, Tám
Nghĩa lại phải đi Gò Công, mà đi Gò Công lúc đó là “không có đường về”, trước
khi đi y đã gửi gắm một việc…
Vợ Tám Nghĩa lúc đó còn trẻ lắm, đẹp lắm, mới ngoài hai mươi, đang mang cái bầu
đứa con đầu lòng chang bang, ở một mình trong cái chòi bên kinh Dương Văn
Dương. Cứ khoảng vài ngày Tư Hường lại chèo tam bản ra tiếp tế lương thực cho
chị Tám.
Lần đó y chèo qua Vàm Cỏ Đông để đón Sáu Trung, lúc này muốn ghé thăm chị dâu
trước khi về khu chín. Chiếc tam bản đi ra tới giữa dòng Vàm Cỏ thì nghe tiếng
phạch phạch của trực thăng, lúc đó đâu còn tấp vào bờ kịp nên mạnh ai nấy nhảy,
Tư Hường nổi tiếng bơi như rái, y còn ráng cắp theo cả cái nón lá, sợ trôi mất,
Sáu Trung bám vào cái tam bản, nên bị dính một loạt đạn, chìm mất tích.
Tư Hường ráng bơi mãi, bỏ mất luôn cái nón lá, đến xế chiều y tìm được chiếc
ghe khác, chèo đi tìm Sáu Trung thì không thấy, sau đó quay lại kinh Dương Văn
Dương, đến chòi chị Tám thì đã thấy tan hoang cả, vợ Tám Nghĩa bị đạn bắn từ
trên cao, rơi xuống kinh, xác trôi cầu cả mấy cây số… bà vợ sau này là bà thứ
hai của y.
“Bác mua cá hông bác” – Tư Hường bất giác giật mình, y nhìn thấy một đứa trẻ
đứng trước mặt, một đứa bé đen nhem nhẻm.
“Bác mua cá hông bác – bộ bác ngủ quên hả ?” đứa bé hỏi lần nữa.
Tư Hường dụi mắt, buổi trưa làm y cảm thấy mệt mỏi, y rít một hơi thuốc, chăm
chú nhìn đứa bé. Đứa nhỏ khoảng mười ba mười bốn tuổi, trên tay cầm một con cá
lóc to xù, chắc có lẽ nó mới câu được.
Tư Hường nói “phải nhóc con Hai Ngang?” – “phải” chú bé ngần ngừ đáp.
“Vậy chú mày tên gì” – “tui tên Mương” – ngừng một lát ,chú bé nói tiếp “hồi
nhỏ ba tui lượm được tui dưới mương nên đặt tên là Mương.” Tư Hường cười khì
khì, chắc có nhiều người thắc mắc về cái tên “Mương” nên chưa hỏi chú bé đã tự
giải thích - “thế ba mày dạo này sao rồi, ổng còn nhậu dữ không?” – “ổng hết
nhậu nổi rồi, nếu không thì tui mang con cá này về cho ổng, đâu bán làm gì”.
Tư Hường bỗng thèm món cá lóc nướng trui nên mua con cá, y cũng muốn giúp đứa
bé.
Y bỗng nhớ đến lần đào ngôi cổ mộ ngay ruộng nhà Hai Ngang, ngôi mộ này bị bỏ
hoang cả mấy chục năm rồi, sau này con cháu trong dòng họ truy lại gia phả mới
tìm lại được. Ngôi mộ bị bỏ hoang lâu năm nên đã lún hầu như tất cả, chỉ còn ló
bốn cái trụ bằng đá ong lên phía trên, lâu nay bọn trẻ chăn trâu hay dắt trâu
về nghỉ ở chỗ này. Dòng họ này về sau đàn ông bị chết đột tử, bị tù đày rất
nhiều nên con cháu coi thầy thì được phán rằng do mồ mả ông bà tổ tiên bị lún
nên xảy ra cớ sự, khi họ tìm lại được mộ của cụ tổ thì thấy đúng như vậy nên
muốn cải táng lại.
Lần đó Tư Hường đào được một ít xương mục còn sót lại và một chiếc vòng đen
tuyền bằng ngọc huyền. Chiếc vòng này người ta gọi là “Vòng yểm tâm”, được đặt
trên ngực một người chết trẻ hay chết bất đắc kỳ tử, người này chắc chết vào
giờ rất xấu, mộ lại bị bỏ hoang phế, trâu bò leo lên dẫm đạp nên dòng họ sau
này bị nhiều chia ly, con cháu lụn bại… Chiếc “Vòng yểm tâm” cổ này rất quý,
Pháp sư dùng để mài cho người bị vong nhập, ma nhập hay người bị động kinh uống
sẽ hoàn hồn lại.
Thế mà Tám Nghĩa vẫn cho Tư Hường là kẻ “không có cái đầu”, chính là từ cái hôm
Mười Trí tìm đến…
Mười Trí đúng là dân làm ăn chuyên nghiệp, y chẳng rào đón gì, vào đề
liền “Bọn ngoài Bắc đang chào bán một đôi hươu cổ nghe đồn bằng đồng đen, nên
tôi muốn nhờ hai anh lên xem, xác định giúp là thật hay giả” – “Hươu hay là tỳ
hươu ?” – “tôi cũng chẳng rõ là hươu gì nữa, bọn nó ra giá ba mươi cây vàng,
nếu đúng là tượng cổ bằng đồng đen thì giá này khá mềm nên tôi đã cọc trước ba
cây để cho tụi nó mang vào trong này”
Mười Trí là tay tổ trong chuyện “đánh quả”, nếu không ngửi thấy ngon ăn thì đâu
chịu bỏ ra ba cây cọc trước. Y nói tiếp “Bọn nó sợ bị cướp nên không chịu giao
ở SG mà đòi hẹn gặp ở… Plâyku, có cơ sở của tụi nó trên đó” – “hẹn gặp chỗ lạ,
tụi nó cướp vàng thì sao ?” – “Chính vì thế tôi phải nhờ hai anh và thêm mấy
thằng đàn em nữa, tổng cộng là sáu người” - “Thực ra vụ này tôi cũng không bỏ
vốn hết, đã có một thằng đại gia chuyên đánh hàng từ đây đi Thái Lan, sau đó
qua Âu chịu giá với tôi là bảy chục cây rồi, nếu chuyện này mà thành công sau
khi trừ vốn, tôi sẵn sàng chia 1/3” – Y năn nỉ “ Đôi hươu này nghe nói được lấy
ở một ngôi chùa cổ từ cái thời cải cách ruộng đất, bọn họ chôn giấu mãi đến bây
giờ… chuyện này chắc ăn quá mà hai anh chỉ phải đi một lần duy nhất thôi”.
Trong mấy anh em nhà Tám Nghĩa thì Mười Trí tuy sinh sau đẻ muộn nhưng tỏ ra có
tư chất đặc biệt hơn hết thảy, y không chịu đi theo nếp nhà, đó là trở thành
những nông dân cần cù, chân chất, cam chịu cái kiếp nghèo. Ngay từ cái thời
mông muội lẽo đẽo theo mấy thằng anh đi mò cua bắt cá ngoài ruộng, Mười Trí đã
tỏ ra thích tách một mình riêng biệt… Lớn lên y chọn cho mình một con đường
khác hẳn, đó là đi buôn gỗ. Thuở đầu y cũng chỉ là làm công, đi theo ghe buôn
của ông LS… Do thông minh, nhanh nhẹn, lại chịu khó, Mười Trí dần dần trở thành
cánh tay đắc lực, khi ông LS bị VM chặt đầu, y nhân cơ hội đó vươn lên làm
“thầu khoán”. Trong lúc đám con cái LS run sợ hoang mang, bỏ của chạy lấy
người, thì Mười Trí lúc đó mới hơn hai mươi tuổi, bỗng chốc có trong tay số gỗ
quý mà LS vì rơi đầu đã bỏ lại, cộng với bản tính dám xông pha vào những nơi
nguy hiểm mà kẻ khác không dám vào nên y giàu lên rất nhanh. Nghe đồn sau này y
lại làm “ Chef section plantation de suzannah” trên Dầu Dây, có mấy đồn điền
cao su rộng mênh mông.
Mười Trí giàu suốt mấy thời kỳ, lên tận khu Bàn Cờ ở SG xây biệt thự, y chỉ tạm
lao đao vào cái thời cải tạo tư sản, tuy nhiên trong lúc mọi người sống dở chết
dở thì Mười Trí nhanh chân phóng ngay vào chùa, biến hóa thành một thầy chùa
tối ngày tụng kinh gõ mõ, mở miệng ra là niệm phật nên “trăm họa cũng đều qua
khỏi”. Nhờ tài phép thần thông như vậy, nên bây giờ tuy đã đứng tuổi, thời thế
vừa thay đổi y lại nhảy ngay vào những cuộc chơi vô tiền khoáng hậu.
Lần đi mua “hươu” ấy Tám Nghĩa viện cớ không hạp với Mười Trí nên không chịu
tham gia, nhưng lại là chuyện của thằng em ruột nên không bỏ được, đành phải
nhờ Tư Hường và ĐHC. Sáng hôm ấy cả bọn sáu người lên một chiếc Cá Mập thẳng
tiến Plâyku, dọc đường Mười Trí còn rước thêm hai người lạ hoắc nữa. Một người
bụng to, vai xệ, dáng khá sang trọng, người còn lại thì giống như vệ sĩ – Mười
Trí giới thiệu cả hai là “đối tác”, bọn ĐHC cũng không tò mò dò hỏi làm gì. Xe
đi đến Plâyku thì vừa chạng vạng tối, trời bắt đầu se lạnh, một bầy két xanh dễ
cả ngàn con bay rợp trời, kêu vang inh ỏi, chẳng biết là điềm gì nữa…
Xứ Plâyku này cũng thật lạ kỳ, ở trên cao chót vót như vậy mà lại có một
cái hồ nước mênh mông, về chiều nhuộm một màu xanh biếc. Mới xẩm tối mà thành
phố đã có vẻ yên tĩnh, đám giang hồ đất Bắc quả là sáng suốt khi xây dựng căn
cứ trên đây, một bên là núi rừng hùng vĩ, linh thiêng và bí ẩn, một bên là cái
thị trấn cao nguyên nhỏ bé với vài con đường độc đạo, kẻ lạ mặt nào xuất hiện
cũng dễ bề bị phát hiện.
Điểm hẹn là một biệt thự vùng ven, trên lưng chừng một con đường dốc, một quán
bar hẳn hòi, từ đây có thể nhìn xuống thành phố với nhưng ngọn đèn lung linh
trong màn đêm huyền bí. Quán bar được thiết kế đúng chất Tây nguyên với những
pho tượng nhà mồ ngồi trơ trụi, những gương mặt dân tộc ngơ ngác… Mười Trí tỏ
ra quen thuộc với nơi này, y dẫn bọn ĐHC và hai tay “đối tác” lên thẳng tầng
trên cùng, nơi đây có một căn phòng gỗ nhỏ và một cái bàn bida cực đẹp, một em
“dân tộc” nhưng trắng nõn đang đứng bên bàn nở nụ cười xinh như mộng.
Mười Trí nói “bọn nó hẹn mười giờ tối nay lận, hãy còn sớm chán, anh em có thể
nhâm nhi chút rượu và làm vài món đặc sản Tây Nguyên”.
Đây chính là cái đỉnh của “Les Hauts Plateaux du Sud”, chủ nhân của biệt thự
này hẳn cũng là một tay trùm cỡ bự. Đặc sản TN thì có đủ kiểu, nhưng Mười Trí
cho kêu món “mắm bồ-hóc” đựng trong ống tre mới thật là kỳ lạ. ĐHC đã từng được
nếm món này của người M-nông, nó thật kinh khủng, đó là thịt còn sống, trộn với
tiết, gan, ruột non, ruột già và muối ớt, nguyên một con nhái được “tái chín”,
lần ấy vẫn phải cố gắng trợn mắt để nuốt và khen ngon… nhưng món của Mười Trí
kêu lại là món “mắm Bồ-hóc Hoàng gia” của giới quý tộc thật sự. Khi cái ống
lồ-ồ được mở ra, một mùi thơm ngào ngạt, nồng đậm khắp căn phòng nhỏ, không thể
tưởng được trên đời này có một món ăn thơm ngon như thế… Mười Trí lại không
uống rượu cần, y kêu một chai “Claude Chatelier” to đùng mà chủ nhân của ngôi
biệt thự đã dành sẵn, uống bằng những cái ché Tuk đen sì, bóng lưỡng.
Đến giờ này thì Mười Trí mới chịu giới thiệu hai “đối tác”, tay đầu sói bóng,
lùn lùn bụng phệ, có hàng lông mày dài thượt, nhìn cứ như tài phiệt Nhật Bổn
chính là đại gia chuyên đánh hàng xuyên Việt, xuyên biên giới. Còn tay nhìn cứ
như lính hầu lại còn ghê gớm hơn nữa, một tay tổ trong ngành khai thác mỏ
quặng, y đang có tham vọng thâu tóm mấy mỏ quặng thiếc ở cái xứ “rừng vàng núi
cũng vàng” này. Riêng Tư Hường thì được trân trọng giới thiệu là một chuyên gia
bậc thầy về các loại đồ “tối cổ”.
Thời gian trên cao nguyên trôi thật chậm, rượu được vài tuần tay “chủ mỏ” bỗng
nhiên nổi hứng rủ ĐHC đánh một cơ bida trong lúc chờ đợi. Có lẽ y bắt đầu thấy
thích em dân tộc da trắng, môi đỏ, chân dài, zíp ngắn đang đứng mòn mỏi bên bàn
nãy giờ. Tay “chủ mỏ” xem ra cũng là một tay cơ lão luyện, đường cơ của y “mướt
rượt”, muốn gom là gom, muốn tan là tan, y còn rủ ĐHC đánh độ “chuyến này ra
quân thắng lợi, về lại SG, ai thua độ này sẽ phải đãi một chầu từ A đến Z” –
ĐHC cũng mong đánh thắng để về SG được y đãi một chầu xem thử cái Z của giới
Đại gia có khác cái Z của giới Dân đen thế nào ? Có điều phen này chắc là đại
bại rồi, tay “chủ mỏ” xuất thân là “dân chơi Hải Phòng” thứ thiệt hay sao mà y
càng uống càng tỉnh, càng đánh càng hay… đang lúc căng thẳng thì bỗng có một
bàn tay vỗ lên vai ĐHC “để anh đánh giúp chú cơ này, trời đang lạnh mà sao chú
đổ mồ hôi ghê thế ?” bất giác nhìn lên thì mới biết chính là tay chủ quán bar
đã ra chơi, nói chuyện với Mười Trí và Tư Hường nãy giờ. Y nhìn ĐHC chằm chằm,
trên cái bản mặt lỳ lỳ lại nở ra một nụ cười tươi tắn… ôi chao, chính là đàn
anh Sáu Đá đây mà…
Sáu Đá vốn là một tay cơ “có tiếng”, nhưng có nhiều chuyện y còn có
tiếng hơn nữa như “buôn ma túy, bảo kê, cờ bạc…”. Tuy nhiên tầm cỡ y không thể
nắm một cơ ngơi cỡ này, hẳn sau lưng còn có một “ông kẹ” nữa. Sáu Đá thuộc loại
“nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi”, chỉ thích tiền và mê gái nhưng y cư xử với
đàn em cũng rất sòng phẳng nên đám “giang hồ mồ côi” theo về rất nhiều, có lẽ
vì điều này mà một “ông kẹ” nào đó đã cho y trông coi chỗ này. Sáu Đá ở đây thì
chắc Hanh Già cũng đang ở đâu đó, hai tên vốn dĩ là một cặp bài trùng trong
nghề cờ bạc, hiển nhiên trong các căn phòng của ngôi biệt thự này phải có một
sòng bạc cỡ lớn và Hanh Già đang trực chiến ở đó.
ĐHC biết Hanh Già đã lâu lắm rồi, đã là cái quá khứ cũ ca cũ kỹ, y nhìn già như
người tiền sử, được cái mày râu nhẵn nhụi, quần áo lúc nào cũng bảnh bao. Lần
gặp sau cùng cách đây khá lâu, lúc đó Hanh Già đang trụ ở đường HP, nơi có khá
nhiều sòng bạc, y ăn ngủ hầu như suốt ngày trên chiếu bạc, vừa chơi vừa cho
vay, cầm đồ, còn phần bảo kê và thu xâu là Sáu Đá.
Sòng bạc nằm trong một con hẻm sâu tít, trong đó có mấy tụ đang đánh sập xám,
một tụ đánh tứ sắc của mấy em ca-ve. Hanh Già cũng mê gái không khác gì Sáu Đá,
đâu phải ngẫu nhiên mà y ham thích cờ bạc, nơi đây hầu như là đầy gái đẹp, mà
các em này khi máu cờ bạc nổi lên, đánh thua rồi thì…muốn gì cũng được.
Hanh Già nói “dạo này thua quá xá, hay ông kiếm việc gì cho tui làm, như đi
giao hàng hay nhận hàng chẳng hạn” – Hanh Già có vẻ muốn thăm dò nhiều chuyện,
có khi y cũng là ăng-ten không chừng - “tôi đâu có việc gì mà giao hàng nhận
hàng? Đang tính nhờ ông truy dùm cái xế của một người bạn mới bị mất ở khu này”
– “bây giờ vụ này khó tìm lắm, con girl của tui đang thua cháy túi, hay ông cho
nó ít tiền chơi tiếp đã”.
Đó hẳn là một điều kiện của sự nhờ vả… một điều kiện của bạn bè trong chốn
giang hồ.
Con girl của Hanh Già nhìn mặt mũi trắng trẻo, bàn tay thon thả, chắc xuất thân
cũng con nhà đàng hoàng nhưng đua đòi ăn chơi mà vào chốn này cho thỏa sức
quậy, đó là do mấy em tự nguyện chứ mấy khi có ai ép buộc ? Mỗi khi xong một
“chến bạc” là mấy em thua chửi thề tá lả, một em văng miệng “đ..má, nãy giờ
quên mất để bài ngay l… nên xui xẻo quá…”.
Giang hồ là nơi hiểm ác, không có tình người, chớ dại dột mà bước chân vào chốn
này.
Sáu Đá đứng ngay cạnh cô bé dân tộc trắng nõn, lúc đó nom y thật giống con đười
ươi hơn cả. Con đười ươi cầm cây cơ nom thật lão luyện, y mà đánh cơ này thì
tay “chủ mỏ” thua là cái chắc rồi… có điều tay này sao không có ý kiến ý cò gì,
y còn rót một ly “Claude Chatelier” đỏ quạch nốc cạn ?
Hiển nhiên bọn này biết nhau rồi.
Cái món “Billard France” này có nhiều chiêu rất khó, Sáu Đá nổi tiếng là tay
“cơ kéo”, khi hai trái bi nằm ở sát hai góc bàn, trái bi còn lại nằm tuốt ở
phía bên này, thay vì phải đánh cú “a-bank” thì mới có thể trúng thì y lại đánh
cú “dètro” kéo giựt cả ba trái bi gom về một tụ, cái chiêu tuyệt kỹ này không
phải ai cũng có thể làm được.
ĐHC bất giác nghĩ về tay “chủ mỏ”, tay mafia Hải Phòng thuộc vào loại cộm cán
này đâu phải ngẫu nhiên lại có mặt ở đây ? hơn nữa vài chục cây vàng cũng còn
bọt bèo lắm, chưa đủ mãnh lực để Mười Trí phải quy tụ một bọn đông đảo như thế
lên tận nơi này, hẳn đằng sau phải có thêm chuyện gì nữa…
Quả nhiên khi con đười ươi nhẹ nhàng để tay đánh một đường tuyệt kỹ thì cửa
phòng bỗng bật mở, phía dưới đi lên hai con người.
Là hai người đàn bà.
Thời buổi bây giờ những người đàn bà phải bươn chải làm ăn như đàn ông
có vẻ hơi bị nhiều, họ là những “business woman” của thời đại mới. Công việc
tạo cho họ cái phong cách tự tin và đĩnh đạc, nhưng không phải ai cũng giữ được
cái nữ tính thiên phú. Thoáng nhìn cũng có thể nhận biết hai người mới vào
không phải tầm thường, một người mặc cái đầm màu đỏ, cái áo khoác ngoài cũng
màu đỏ, nom rực rỡ như đóa hoa Hải Đường, người kia lại mặc nguyên bộ đồ màu
đen, cổ choàng một cái khăn trắng tạo nên một sự tương phản rất đặc biệt.
Sự xuất hiện của hai người này tạo cho căn phòng có vẻ trở nên trang trọng. Sáu
Đá vội đánh nốt cơ cuối cùng, khi hai mệnh phụ này xuất hiện thì tay “chủ mỏ”
đâu còn quan tâm đến ván đấu và ĐHC nữa, y tỏ vẻ khá săn đón hai người đàn bà
này.
Bọn họ vội rủ nhau đi, kéo theo cả Mười Trí, ở cái xứ sở này làm ăn lớn thì tất
phải mafia, chẳng có doanh nghiệp nào dám vỗ ngực xưng tên là mình trong sạch,
tất cả bọn họ đều biết nhau quá rõ. Điều này cũng phải thôi, sống trong môi
trường nước mặn thì cá bắt buộc phải là loài cá nước mặn. Hiển nhiên bọn Mười
Trí đang cần huy động nhiều tỷ để củng cố thêm thực lực và để thâu gom các khu
mỏ. Mối duyên giữa Quyền lực và Tiền bạc là một cần thiết hàng đầu của những
thương vụ lớn.
ĐHC thong thả rửa tay ở cái bồn rửa cổ điển tuyệt đẹp, tấm gương được chiếu đèn
sáng ngời ngời, dòng chữ “pour l’amour de moi” được trang trọng khắc theo kiểu
chữ gothic, mạ vàng óng ánh – chủ nhân nơi này tỏ ra tinh tế trong từng chi
tiết kiến trúc nhỏ, những nhà tư bản mặc áo khoác đỏ này bắt đầu tập tành
thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao, bắt đầu đặt bàn chân nông dân sần sùi, thô ráp
vào tấm thảm của sự quý phái.
Khoảng hơn mười giờ thì Mười Trí quay lại, y nói “bọn ngoài Bắc bị “chèo” theo
dữ quá nên đổi địa điểm gặp ở Tây Ninh, bây giờ ta phải xuống đó trước, đến nơi
thì bọn nó sẽ hẹn cụ thể sau”. Việc hẹn đi tới đi lui này làm Tư Hường có vẻ
bực dọc, nhưng đã lỡ hứa giúp rồi thì cũng không bỏ được. Y tuy tài thật đấy
nhưng trong thương trường thì cũng chỉ là con gà con so với con diều hâu Mười
Trí.
Xe khởi hành ngay trong đêm cao nguyên giá lạnh và sao trời lấp lánh. Đường
xuống dốc thật quanh co, một bên là vách núi sừng sững, một bên là vực núi sâu
hun hút, băng đèo giờ này thật nguy hiểm nhưng thời gian đòi hỏi phải như vậy.
Đến Tây Ninh thì mới hơn tám giờ, xe tạm ghé vào một quán ven đường để ăn sáng,
nơi đây có một món ăn khá nổi tiếng là “bánh canh trảng bàng”, là món bánh canh
giò heo ăn với nước mắm nhỉ có thêm chanh, ớt…
Ngày xửa ngày xưa, cái vùng đất “Pare aux éléphants” này chỉ có rừng rậm và thú
dữ, những trảng bàng lác mênh mông, thủ phủ của một vương quốc đã bị tiêu diệt
là Thủy Chân Lạp, bây giờ thì nơi đây đã trở thành những đường phố sầm uất,
Thánh địa của đạo Cao Đài. Đó là một tôn giáo dung nạp nhiều nguồn tư tưởng với
ý định tối cao là “hòa đồng tôn giáo”. Đối với con người, chấp nhận một cái gì
đó giống mình thì quả là một điều dễ dàng, chấp nhận một cái gì khác hẳn mình
thì mới là điều vô cùng khó, đúng ra chính điều đó mới thực sự gọi là “Sự Chấp
Nhận”. Vì thế cuối cùng thì “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ” cũng bị chia rẽ không kém
gì các tôn giáo khác. Ai là người đam mê cầu cơ thì cũng biết Đạo Cao Đài được
khai sinh bởi Cơ Bút và giảng truyền chân đạo, những kinh điển, nghi thức cúng
kiến, những áng thi văn dạy Đạo được lưu truyền qua nhiều thế hệ, từ đông sang
tây cũng đều qua Cơ Bút. Tòa Thánh Tây Ninh là một nơi rộng mênh mông, tôn
nghiêm và ít người lạ lảng vảng ,ngay cả đám hình sự cũng ít bén mảng nên bọn
bán đồ cổ quyết định dùng nơi đây để làm chỗ gặp mặt.
Bọn giang hồ đất Bắc này rất nguy hiểm, nhất là đám nhỏ tuổi, sẵn sàng “nổ” vì bất
cứ chuyện gì. Nhiều thằng miệng búng ra sữa nhưng tuyên bố xanh rờn “Đời dân
chơi không cần sai hay đúng, chỉ cần biết dùng...súng là Ok”
Mỗi con người được sinh ra ở một miền nào đó, dù muốn hay không họ cũng
mang dấu ấn đậm nét của xứ sở đó. Nếu nói về sự liều lĩnh và tàn bạo thì không
đâu bằng đám giang hồ xứ Nghệ, có điều trong bọn này ai cũng muốn xưng hùng
xưng bá nên ít kết với nhau mà thường hoạt động lẻ tẻ nên không thể mạnh được.
Thế nên các băng đảng cộm cán nhất bao giờ cũng thuộc về hai vùng đất Cảng và
đất Mỏ, họ hành sự có tổ chức và quy củ hơn nhiều, đặc biệt là trong đó còn có
cả những thành phần được cho là “cao” trong xã hội. Mười Trí muốn vươn cái vòi
bạch tuộc về đất Bắc thì không thể không quan hệ với bọn này, hơn nữa bây giờ
giàu nhất, quyền lực nhất chính là các nhà tư bản áo đỏ, không làm ăn với họ
thì làm ăn với “thằng đếch” nào nữa ?
Ba thằng đi theo Mười Trí tuy thuộc vào loại “gà đá không chạy” nhưng đều dốt
đặc cán mai, nói năng, cư xử bát nháo chẳng ra làm sao cả… phen này mà lỡ có
đụng độ thì thua là cái chắc. Tuy vậy chứ trong bọn cộm nhất vẫn là Tư Hổ, y
từng đâm chết một tay cớm chìm nên bị truy nã, trốn qua TQ. Một thân bơ vơ,
không hề biết tiếng bản địa mà vẫn sống sót được cả chục năm, thậm chí trở
thành dân anh chị luôn, sau này trở về VN bị “tó” lại, vừa mới bóc xong hơn
chục cuốn, bây giờ trở thành đàn em tin cẩn của Mười Trí.
Chờ đợi, căng thẳng và phòng thủ như vậy, có điều làm gì có cuộc đụng độ nào ?
bởi vì tất cả đều cùng một phe cả, đó là phe Mười Trí.
Cái xảo thuật dàn cảnh công phu như vậy của y cũng chưa phải là lần đầu, nhưng
vẫn thành công vì lòng tham của con người là vô bờ bến. Sau này Tư Hường mới
thố lộ một điều, đó là khi nhìn thấy cặp “Tỳ hươu” y đã vô cùng kinh ngạc – Bởi
vì trong một cuộc triển lãm ở Paris đã từng thấy một cặp tương tự - Y cũng
không thể đoán được đâu là thật đâu là giả nữa. Ngay cả đối với “Truyền Quốc
Ngọc Tỷ” cũng vậy, nghe đồn là của Thái Hậu Dương Vân Nga dâng cho Lê Hoàn, một
viên ngọc Lưu Ly bảy màu sáng chói trong đêm, viên này cũng từng được trưng bày
tại Paris, thế thì cái viên còn được lưu giữ ở làng “Ngọc Lạc” đó là viên gì ?
Thôi thì suy nghĩ nhiều mà làm gì, bởi vì cuối cùng thì ai cũng thắng cả - Mười
Trí bán được cặp “Tỳ hươu”, một món đồ cướp được từ trong chùa của một thời
mông muội – Tay “đối tác” nhìn cứ như tài phiệt Nhật Bổn rồi cũng sẽ thắng lớn,
Tư Hường, ĐHC, đám giang hồ đất Cảng… tất cả cũng đều có phần cả, thế thì còn
suy tư làm gì nữa ? thời buổi này phải biết bắt tay nhau mà sống chứ ?
Ấy thế mà vì việc này Tám Nghĩa lại đánh giá Tư Hường là “không có cái đầu” ? –
Y đúng là kẻ bảo thủ thật.
Tây Ninh là nơi có rất
nhiều cao nhân ẩn sĩ, họ tu luyện trong các hang động trên núi Bà Đen (Điện Bà)
hoặc những ngọn núi khác như núi Cậu, núi Phụng… Họ thờ “Mẹ Linh Sơn Thánh Mẫu”
– Bà Chúa Núi, Thần Hoàn Bổn… Họ sống một cuộc đời thanh hàn, những cao nhân
này có khả năng đoán được quá khứ vị lai… Họ cũng có luyện bùa phép để cứu nhân
độ thế.
Đây
là hình thầy Hai Ngự, thọ 94 tuổi
Có
một câu chuyện kể là khi Sư phụ của thầy Hai mất (Thầy Sáng), người có ngôi mộ
ở phía sau chùa Ông trên núi Cậu, có để lại cho một đệ tử là Cô Tư Châu một
chiếc khăn phép và một tấm hình dặn là ông còn một người đệ tử thứ 9 nữa, nhưng
chưa từng gặp mặt.
Mấy chục năm sau, trong một lần tình cờ Bà Tư Châu gặp một bà bạn thân thường
kể chuyện không hiểu sao hay nằm mơ thấy một ông già mặc áo đen đưa cho mình
một tấm hình và một chiếc khăn phép, Bà Tư Châu mới nhớ lại chuyện cũ và lấy
chiếc khăn và tấm hình đưa cho người này – Như vậy thầy Sáng đã tìm được người
đệ tử cuối cùng, đó là Bà Chín , nay cũng đã già lắm.
Thầy Sáng có xây một ngôi chùa ở Giồng Ông Tố, cách đây hơn 60 năm vùng này còn
rất nghèo và ít người. Lúc đó ông đã nói sau này, nơi đây sẽ rất sầm uất, bây
giờ thì nơi này đã là quận 2 của SG và đang là khu đô thị mới phát triển mạnh
mẽ
Hình Thầy Hai Ngự và Thầy Sáu Biên Hòa lúc còn trẻ(người mặc áo trắng).
Thầy Sáu Biên Hòa hiện đã trên bảy mươi, đang tu ở Tây Ninh.
Tám Nghĩa đã trải qua biết bao đau khổ, thành công và thất bại… nên y
đâu có suy nghĩ đơn giản, một người như Tư Hường đến con ruồi bay ngang còn
biết là đực cái nữa là, vì thế cái sự chân giả nếu bảo là y không biết thì cũng
khó có thể tin được. Suy cho cùng thì trong cuộc chiến này tất cả đều là giả
hết, chỉ có vàng là thật. Vàng lúc nào cũng thế, cũng dễ thương và đẹp đẽ, có
nhiều món đồ chôn dưới đất cả ngàn năm mà khi mang lên vẫn vàng chói lọi, đúng
là một thứ kim loại đặc biệt, mê hoặc con người.
Tư Hường nói “anh có người bạn cũ thời kháng chiến, tên Bảy Quyền, tiện thể ghé
thăm nó luôn”.
Muốn gặp được bạn, Tư Hường phải nhắn tin để xe ra đón vì họ ở sâu tận trong
rừng. Đường khá khó khăn, ngồi trên chiếc xe zeep mà cứ nhảy giựt cà tưng suốt,
lắm khi đi qua những hố bom còn to như cái ao. Vào sâu bên trong, tán cây rừng
rậm rạp che khuất hẳn phía trên đầu, không khí âm u và ẩm ướt, chỗ này chắc là
đã sát với biên giới tỉnh Kampong Cham rồi. Rừng Tây Ninh trải rộng qua tận
CPC, có rất nhiều cây gỗ quý như căm xe, trắc, sao, dầu, giáng hương…Xung quanh
muỗi bay vù vù, muỗi ở đây to như con ruồi, ruồi ở đây to như con ong… còn rắn
ba sọc thì nhiều vô kể, nghe đồn vùng này có cả rắn hổ mang chúa dài hàng năm
sáu mét.
Xe dừng lại trong tiếng tiếng chó sủa hỗn loạn, cả chục con chó, con nào con
nấy trụi lủi, to đùng, nhe nanh rất dữ tợn, cũng may là chúng đều bị xích.
Giữa rừng già bỗng có một căn nhà gỗ to rất hoành tráng, có cả mấy chiếc xe
zeep lùn nữa chứng tỏ nơi đây cũng khá đông người. Luật pháp VN cấm súng mà ở
đây súng để lủ khủ trong góc nhà mấy khẩu, băng đạn sáng ngời ngời.
Bảy Quyền tóc dài đến vai, bộ râu quai nón rậm rạp, thân thể lực lưỡng, ông ta
đúng là con hổ xám của rừng già. Cái ông ta mặc trên người không biết là cái gì
nữa, nửa thì giống cái khố, nửa thì giống cái váy. Bên cạnh ông ta lại có hai
người dân tộc đen thủi đen thui, cũng mặc đồ y như vậy.
“Tối hôm nay đốt đuốc lên để uống rượu, bạn cũ lâu ngày gặp lại phải uống cho
thật say” – Bảy Quyền nói, giọng ông ta ồ ồ như tiếng gầm của gấu rừng.
Ông ta là gì nhỉ ? Biên phòng, Kiểm lâm ? Vua rừng, Chúa núi… cũng chẳng biết
là gì nữa, có điều đây mới chính là những chủ nhân thực sự của núi rừng, của
đất nước này, tài sản của họ không thể tính bằng tiền được, nó là cả những cánh
rừng bạt ngàn, cả hàng hàng con người sinh sống trên đó. Có thể xem họ như là
những lãnh chúa, là những kẻ hùng mạnh nhất trên thế giới này.
Bảy Quyền ngày xưa cũng ở Đồng Tháp Mười, ông ta biết Mười Trí khá rõ, có thể
họ cũng làm ăn với nhau không chừng.
Rùa, rắn, thằn lằn núi được mang ra ê hề, rượu của Bảy Quyền là thứ rượu “Tam
xà – Bìm bịp” chỉ cần ngửi hơi là đã muốn say rồi, vì thế nên chỉ sau vài tuần
rượu là ai nấy đều ngà ngà cả, ông ta còn kêu mấy em dân tộc nhìn rất mặn mòi
ngồi uống trong ánh đuốc bập bùng.
Bỗng Bảy Quyền đứng dậy, đã đứng tuổi mà bắp thịt ông ta vẫn còn cuồn cuộn săn
chắc, nhìn kỹ thì thấy ngang lưng ông ta có đeo một sợi cà tha nhỏ. Bảy Quyền
múa máy những động tác rất kỳ lạ, chắc là một thứ võ Miên gì đó… một trong hai
tay dân tộc cũng đứng lên uốn éo múa theo, cảnh tượng nom thật ma quái. Mặt của
tay dân tộc đỏ lừ như đang lên đồng, hai vai không ngừng lắc lư như nhịp sóng,
eo hông đung đưa, đây hẳn là một thứ võ thần bí truyền hiếm thấy trên đời. Bảy
Quyền còn kêu tay dân tộc lấy cái mác ra chém vài nhát vào lưng, tay, vai nghe
chan chát như chém vào kim loại vậy, đây hẳn là thuật “vô kim” nổi tiếng của
người Thổ, cái xứ “Rồng ẩn Cọp nấp” này quả là nhiều chuyện lạ.
Có điều mấy màn đó chỉ là khởi động cho vui thôi, khi xung quanh đã trở
nên tối mịt mùng, đóm đóm bắt đầu bay lập lòe, người cũng đông hơn và rượu cũng
nồng hơn thì mấy tay người Thổ mới khiêng ra một bộ trống gồm một cái trống lớn
và ba cái trống nhỏ có chạm hình những vũ nữ ở bên hông nom rất kỳ ảo. Một
người đen trùi trũi, râu nhọn lưa thưa bắt đầu dùng tay đánh trống dồn dập,
nhìn anh ta xuất thần giống như người đang lên đồng vậy. Những âm điệu cổ xưa
vang vọng trong màn đêm đen thẫm. Lúc đó thì mấy em gái cũng đứng lên biểu diễn
những vũ điệu tuyệt vời chỉ thấy ở trong cung đình, đôi bàn tay của người vũ nữ
uốn cong vun vút, bước chân uyển chuyển theo từng nhịp vỗ.
Không hiểu sao Bảy Quyền lại có được dàn trống Tapon này, đây là dàn trống Vua,
dàn trống ra trận của đế chế Ăngko cổ, hẳn ông ta dùng dàn trống này để chinh
phục những người Thổ, khiến họ trung thành theo ông vì sợ hãi những lời nguyền
của bộ tộc?
Cuộc chơi đến hơn nửa đêm mới chấm dứt, mọi người đắm chìm vào giấc ngủ với
những mộng mị đầy hư ảo, để rồi sáng hôm sau bừng tỉnh trong tiếng chó sủa inh
tai. Bảy Quyền chỉnh tề trong bộ đồ “Tây” từ lúc nào, ông ta chẳng có còn cái
vẻ “đường Thổ” gì nữa mà trở thành một người đàn ông lịch lãm, đầy bản lĩnh với
quyền uy thực sự, ngay cả đến Tư Hường cũng phải dụi mắt ba bốn lần để nhìn cho
rõ.
Đó là cái chuyện đã qua lâu rồi, còn bây giờ Tám Nghĩa đã ra người thiên cổ, đã
về sum họp với ông bà ở đâu đó. Y hẳn đã bị ám ảnh nhiều về cái chết, có lần y
đã kể về người mẹ già, bà đã khóc mù một mắt khi nghe tin về cái chết của những
đứa con, và con mắt còn lại cũng tiếp tục mù nốt khi nghe tin Tám Nghĩa ra đi.
Tám Nghĩa ra đi vì lời kêu gọi xếp bút nghiên tìm đường cứu nước. “chàng trai
trẻ vốn dòng hào kiệt, xếp bút nghiên theo việc đao cung”
Y không bao giờ còn gặp lại người mẹ già nữa, sau này y chỉ nghe mọi người kể
lại câu nói phều phào cuối cùng của người mẹ trước khi chết là câu hỏi “Thằng
Tám nó về chưa ?”. Chắc hẳn trước khi chết y cũng có nhớ về người mẹ già, và
còn có thể nhớ về người vợ trẻ đã bỏ mạng ở Đồng Tháp Mười…
“…Ai về ngang, ai về ngang mảnh đất mến thân
Cho gửi lời về nơi ấy tình thương nhớ, nhớ thương không nhòa,
Ai về ngang Thiên Hộ Dương những đêm trời sáng
Đến nơi ấy mái tranh ấy
Lấp lánh đôi mắt trong xanh của nàng…”
Tám Nghĩa hẳn hiểu rằng cho đến tận cuối đời y chỉ là một dân đen không hơn
không kém, một thứ dân đen “trên răng dưới giái”. Đất nước này đâu phải là của
y, mặc dù y đã từng hy sinh vì nó, y không phải là kẻ mơ mộng, cái luận điệu
bịp bợm gì đó để đưa cái mác dân đen lên thành “nhân dân” đâu có thể lừa được
Tám Nghĩa, một kẻ từng sống qua bao thời kỳ loạn lạc. Y đã từ bỏ tất cả, chẳng
cần gì hết ngoài chén cơm, cái tộ cá rô kho mặn… ăn trước khi chết để khỏi trở
thành con ma đói, một bộ bà ba trắng mặc trước khi chết để khỏi trở thành con
ma trần truồng. Cái quan trọng là y vẫn giữ được cái đầu, cái xứ sở này có quá
nhiều con ma không đầu đi lang thang rồi, Tám Nghĩa hẳn là tự hào rằng mình là
một con ma có đầu hẳn hòi, một cái đầu do người mẹ rặn ra trong cơn đau vật vã…
Cuối cùng thì cũng trở về mảnh đất ngàn đời, có khác là lần này lại có
thêm một cái bọc giấy nữa. Bốn con người lại cùng ngồi vào cái bàn gỗ đơn sơ,
Tư Hường thong thả mở cái bọc, có lẽ y đã đoán biết bên trong đó là cái gì.
Đó là một cái đầu, chính là cái đầu của pho tượng, hẳn là Tám Nghĩa muốn nhắc
Năm Lành rằng ông ta vẫn còn thiếu nợ một cái đầu trên cổ, có điều y đâu có ngờ
là ông ta chưa bao giờ mở cái bọc, không bao giờ mở cái bọc giấy đó.
Trong mớ giấy nhàu nát hiện ra một gương mặt tròn bầu, một gương mặt đàn bà
tuyệt đẹp với đôi môi dầy gợi cảm, không phải là gương mặt vuông vuông của vũ
nữ Apsara mà là một gương mặt khác hẳn – Một gương mặt của Phù Nam cổ.
Khi cái đầu được gắn lên thì vũ nữ đã hiện hình trong ánh nắng vàng hắt hiu của
buổi chiều tà, cái ánh nắng lung linh dường như đã làm cho Vũ nữ Phù Nam sống
lại… Tất cả, tất cả giờ đây chỉ còn là những đền tháp rệu rã, những pho tượng
mất đầu, những chân tường sụp đổ, những bụi cỏ gai ngập tràn, xơ xác, hoang vu.
Vương quốc đã sụp đổ, dân tộc đã tuyệt diệt, chỉ còn để lại cái điệu múa cổ
trên những pho tượng nhỏ bé. Trong cái buổi chiều hôm ấy dường như tất cả cùng
bị ảo giác, một dân tộc đang hồi sinh trở lại… Những kinh thành tráng lệ, những
đền đài nguy nga lộng lẫy, những con đường ngựa xe tấp nập, những buổi lễ hiến
tế uy nghi và rùng rợn… như hiển hiện ra trước mắt.
Rồi bỗng nhiên tất cả như ngập chìm trong biển lửa, ngập chìm trong những xác
người. Những cuộc chém giết tàn bạo đã có từ ngàn xưa rồi, đó là vì trong con
người luôn tồn tại cái bản năng hoang dại của loài động vật, cái bản năng cắn
xé của sự sinh tồn. Chính vì thế có thể nói các tên độc tài không hề đào tạo ra
các đao phủ, họ chỉ làm một việc đơn giản là trao cho chúng một lá cờ và một
thanh mã tấu, để cho chúng tự phất lên và tha hồ đập phá, chém giết. Chiến
tranh dường như là nguyên lý của sự sinh tồn, và máu luôn không ngừng chảy, máu
phun lên từ những pho tượng cụt đầu, máu chảy thành sông, thành suối, thật là
một ảo ảnh khủng khiếp trong tiếng kêu gào đòi nợ của những linh hồn…
Vũ nữ đã bắt đầu nhảy múa, đã bắt đầu uốn éo, hai chân dang rộng ra và lắc lư
theo một nhịp điệu dồn dập, hai bên hông lúc thì nâng lên lúc thì hạ xuống,
bụng lúc thì ưỡn ra trước lúc thì thót lại, hai tay dập dờn như sóng lượn, hiển
nhiên đây không phải là vũ điệu của đế chế Ăngko rồi, một vũ điệu hoàn toàn
khác.
Cái Vũ điệu tối cổ có sự khêu gợi đặc biệt, đánh thức cái bản năng gốc hoang
dại, đánh thức cái hoài niệm anh hùng trong tiềm thức sâu thẳm của người đàn
ông… Và Ba Cao cũng đã đứng lên rồi, y luôn mang trong người một hoài niệm tình
yêu cháy bỏng, có thể vì thế mà y bị ma nhập trước nhất. Chắc là y đang nhớ về
cô vợ vũ nữ, cái cô vợ đã bỏ y vĩnh viễn để theo một kẻ nào đó. Mặt Ba Cao đỏ
rực, hai con mắt của y còn rực đỏ hơn thế, cái thân hình gày gò của y bắt đầu
giựt giựt, chắc y nhìn thấy máu chảy hay sao mà bắt đầu rống lên, không phải y
khóc mà là hát, một thứ giọng hát nghèn nghẹn của một dân tộc đau khổ và mất
mát:
“…Ôi, bao năm rồi cách biệt…
anh ra đi vì đất Việt !
Thì dù xa xôi em nhớ rằng đừng tủi sầu,
Làng quê êm ấm đón anh về mình cùng nhau…“…/.
dienbatn giới thiệu.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét