GIẢI MÃ NHỮNG BÍ ẨN VỀ KINH THÀNH HUẾ VÀ LĂNG MỘ CÁC VUA NGUYỄN. BÀI 18.
I.NGUỒN GỐC VÀ QUÁ TRÌNH KHỞI PHÁT CỦA 9 ĐỜI CHÚA VÀ 13 ĐỜI VUA NHÀ NGUYỄN.
II.LĂNG MỘ CỦA CÁC VUA NGUYỄN TẠI HUẾ.
1.LĂNG THIÊN THỌ CỦA VUA GIA LONG.
2. HIẾU LĂNG CỦA VUA MINH MẠNG.
3. XƯƠNG LĂNG(昌陵) - LĂNG CỦA VUA THIỆU TRỊ.
4. KHIÊM LĂNG – Lăng Tự Đức (chữ Hán: 嗣德陵)
5. LĂNG VUA KHẢI ĐỊNH.
6.CUỘC CHIẾN TÂM LINH RÙNG RỢN GIỮA NHÀ NGUYỄN GIA LONG VÀ NGUYỄN HUỆ - TÂY SƠN.
7. NHỮNG CUỘC TÀN PHÁ VÀ THẢM SÁT CỦA NHÀ TÂY SƠN. ( Bài đọc thêm phần tư liệu ).
8.ĐƯỜNG TOẠI ĐẠO Ở LĂNG VUA CHÚA TRIỀU NGUYỄN.
Lăng tẩm các bậc tôn quí thời phong kiến ở nước ta ngoài những cấu kiện trên mặt đất như bửu thành với cổng lăng, bi đình,…còn có cấu kiện ngầm là quan tài, kim tỉnh, quách, và đặc biệt là đường toại đạo. Bài nghiên cứu này khảo sát những đặc trưng của đường toại đạo nói chung, minh họa qua những lăng tẩm vua chúa triều Nguyễn ở Thừa Thiên Huế, sau đó chúng tôi vận dụng để khảo sát lăng BaVành và lăng Thủy Tiên ở vùng đồi Thiên An, sát chân núi Kim Sơn (Núi Châu Chữ) thuộc vùng đồi núi như cái bướu của dãy núi Hương Uyển. Đầu núi Hương Uyển là núi Ngọc Trản (Hòn Chén), bướu và núi Ngọc Trản cách nhau bởi một đoạn sông Hương. Ngô Thì Hoàng trong bài thơ Vịnh sử gọi núi và đồi ấy là “Ngọc Trản phong đầu”.
Đường toại đạo ở lăng tẩm vua chúa .
Đường toại đạo ở lăng tẩm vua chúa, thân vương, hoàng tử, quận công, công chúa, đại quan,…là đường hầm được đào sâu dưới đất, nối nơi thấp đến nơi cao có huyệt mộ, nhằm đưa quan tài của bậc tôn quí vào đúng huyệt mộ chính thức, giữ bí mật nơi táng hài cốt, thoát nước để làm ráo khô huyệt mộ.
Dân thường khi qua đời, chỉ vài ngày là đã khai huyệt, có điều kiện thì xây “kim tỉnh”, chỉ là bốn thành gạch, sau khi hạ huyệt, người ta đắp nấm tạm bằng cát, đất sau đó vài ngày có thể tiến hành xây cất, hoặc đợi vài năm có điều kiện vật chất và “coi ngày giờ” tốt mới xây lăng. Trong quá trình an táng, xây dựng thì âm công, thợ nề,… phải đi lại trên nấm mộ, người thân biết như thế là “thất lễ”đối với “hương linh” nhưng đành chịu. Ở đời “phú quí sinh lễ nghĩa”, thân nhân của những bậc “tôn quí” sẵn tiền bạc, sau khi khâm liệm người chết, quàng linh cửu ở nhà tang lễ, cho xây trước mọi thứ như kim tỉnh, quách, nấm mộ, nhà bia, uynh thành,…xong các thứ mới đưa linh cửu vào táng để tránh việc “thất lễ” nêu trên; thế thì việc kiến tạo “đường toại đạo” cho lăng tẩm là tất yếu. Do đó thời gian từ khi người quá cố mất đến khi ninh lăng (táng) khá dài, dài khoảng 7,8 tháng, ngắn khoảng 3 tháng.
Ngoài ra có loại “đường toại đạo” do những kẻ gian thực hiện, nhằm trộm cắp đồ tùy táng của chủ nhân tôn quí như vua, hoàng hậu, công chúa,…
Tài liệu về đường toại đạo ở các lăng mộ vua chúa thời phong kiến ở nước ta quá hiếm, không khảo được. Tuy nhiên chắc chắn khi an táng và tạo tác lăng mộ vua chúa các thời đều có đường toại đạo. Thật vậy trên vnespress, 12-6-2012, tác giả Xuân Hoa viết bài “Lăng mộ vua Trần bị đào trộm” cho biết: “Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành – Viện Khoa học Xã hội Việt Nam vừa hoàn thành khai quật khảo cổ Phụ Sơn lăng – lăng tẩm của vua Trần Dụ Tông (1336 – 1369) và Nguyên lăng – lăng tẩm vua Trần Nghệ Tông ở Quảng Ninh”. Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện đường toại đạo ở lăng vua dài 4,5m, rộng 3,1m ở phía Nam của lăng. Căn cứ vào ảnh vệ tinh chụp cuộc đất có lăng vua Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông có thể biết các lăng này “tọa cấn hướng khôn”, nghĩa là “đầu” dựa vào đồi núi Đông-Bắc và “chân” tựa hướng Tây- Nam. Đường toại đạo ở phía Nam của khu lăng nên nó ở bên trái của các lăng vậy.
Ảnh chụp vệ tinh Phụ Sơn lăng và Nguyên lăng của vua Trần Dụ Tông và Trần Nghệ Tông.
Hiện trường khảo sát khảo cổ học Phụ Sơn lăng năm 2012(ng. vnespress)
Đường toại đạo ở lăng chúa Nguyễn và lăng chánh thất của chúa Nguyễn:
Lăng của chúa Nguyễn và bà chánh thất có danh xưng gồm hai từ, lăng chúa với danh xưng có từ đầu là Trường, lăng bà chánh thất của chúa có danh xưng với từ đầu là Vĩnh. Từ thứ hai của danh xưng lăng chúa và bà chánh thất là giống nhau.
Lăng chúa Nguyễn Hoàng và bà chánh thất là Trường Cơ, Vĩnh Cơ [1]
Lăng chúa Nguyễn Phúc Nguyên và bà chánh thất là Trường Diễn,Vĩnh Diễn [2]
Lăng chúa Nguyễn Phúc Lan và bà chánh thất là Trường Diên, Vĩnh Diên [3]
Lăng chúa Nguyễn Phúc Tần và bà chánh thất là Trường Hưng, Vĩnh Hưng [4]
Lăng chúa Nguyễn Phúc Thái và bà chánh thất là Trường Mậu, Vĩnh Mậu [5]
Lăng chúa Nguyễn Phúc Chu và bà chánh thất là Trường Thanh, Vĩnh Thanh [6]
Lăng chúa Nguyễn Phúc Thụ và bà chánh thất là Trường Phong, Vĩnh Phong [7]
Lăng chúa Nguyễn Phúc Khoát và bà chánh thất là Trường Thái, Vĩnh Thái [8]
Lăng chúa Nguyễn Phúc Thuần làTrường Thiệu [9]
Nhóm lăng [1], [4],[5], [6],[7],[8], lăng Trường Diễn, Trường Diên ở vùng núi phía Tây hoặc Tây Nam phòng thành Huế. Lăng Vĩnh Diễn, Vĩnh Diên ở Duy Xuyên, Quảng Nam. Lăng [9] cải táng từ Gia Định về Huế thời Gia Long.
Theo chính sử thì các lăng nói trên đều bị Tây Sơn xâm hại vào năm 1791. Chính sử chỉ ghi chép Tây Sơn đến các lăng nói trên lấy hài cốt ném xuống sông nhưng không nói rõ lấy bằng cách nào. Khoảng năm 1980 đến năm 2013, những vụ đào trộm mộ cổ, trong đó có một số mộ chúa Nguyễn, kẻ đào trộm thường đào bên trái của mộ (khi đứng nhìn từ nấm ra cửa mộ) thì gặp đường toại đạo. Đường toại đạo không thẳng, uốn cong theo bình đồ và có đoạn sâu hơn nơi xây kim tỉnh. Một vị thuộc Nguyễn Phước Tộc (yêu cầu giấu tên) sau vụ đào trộm lăng Trường Thanh của chúa Nguyễn Phúc Chu, được tin liền lên hiện trường và đã từng theo đường toại đạo để tiếp cận kim tỉnh.Vị ấy đã nhờ đèn pin, thấy “cốt dâu bện rơm” chứ không có hài cốt. Do sự kiện này có thể biết Tây Sơn tra khảo những người trong gia đình chúa Nguyễn, tìm đường toại đạo, theo đường ấy vào đúng nơi đặt quan tài chủ nhân ngôi lăng để lấy hài cốt…Và khi Nguyễn vương trở lại kinh thành Phú Xuân, nhờ các pháp sư, bằng thuật “chiêu hồn nhập cốt” vào “cốt dâu bện rơm”, sau đó cũng bằng “đường toại đạo” để đưa “hài cốt” (biểu tượng) vào táng lại trong các lăng nói trên.
Lăng Trường Thanh của Hiển Tôn Nguyễn Phúc Chu (ng. KTNN).
Nhân nói về những vụ đào phá, đào trộm lăng mộ ở Thừa Thiên Huế, chúng tôi nêu một sự kiện huyền bí, liên quan đến chúa Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu. Sinh thời vị chúa này rất mộ Phật, từng mời Thạch Liêm hòa thượng Thích Đại Sán ở Trung Hoa sang Phú Xuân để chấn hưng Phật giáo Đàng Trong. Bản thân nhà chúa cũng qui y Phật, thọ Bồ Tát giới, pháp danh Hưng Long, hiệu Thiên Túng đạo nhân. Tương truyền sau khi ngài băng, năm 1725, thường hiển linh, báo mộng cho người thân hoặc kẻ thù dưới dạng “ông lão râu tóc bạc phơ, mặc áo trắng hoặc áo đỏ, tay cầm gậy sắt”. Đại Nam thực lục chính biên từng chép, năm 1791 bà Tả cung hoàng hậu của vua Quang Trung băng, Tây Sơn tìm được cuộc đất gần lăng Trường Mậu (lăng thân phụ của Nguyễn Phúc Chu), cho quân lính khai huyệt, thì ngài Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu hiển linh, đã xua vài con cọp dữ nhảy ra vồ đuổi quân lính Tây Sơn; cuối cùng Tây Sơn phải đi tìm cuộc đất khác. Khi vua Quang Trung cuồng đau do bà Tả cung hoàng hậu băng, lại gặp trở ngại trong việc khai huyệt để táng vợ, cận thần có kẻ tâu đất tây nam Phú Xuân là đất kết phát cho họ Nguyễn nên Nguyễn Ánh nhiều lần suýt bị Tây Sơn bắt đều thoát…làm vua Quang Trung cuồng nộ, ra lệnh quân tướng lên các lăng chúa Nguyễn lấy hài cốt ném xuống sông Hương. Người chỉ huy đang thi hành lệnh vua thì nhà của y bị cháy. Riêng vua Quang Trung vào năm sau 1792, bệnh đột ngột hơn một tháng thì băng hà. Đại Nam chính biên liệt truyện chép: “Huệ….lúc mới chiếm cứ được đô thành xâm phạm vào tất cả các lăng liệt thánh. Một hôm về buổi chiều Huệ đương ngồi bỗng nhiên tối mắt, thấy một ông bạc đầu từ trên trời xuống, mặc áo trắng, cầm gậy sắt, mắng rằng: cha mày sinh ra ở đất nhà vua, đời đời làm dân nhà vua, mày sao dám phạm đến lăng tẩm, rồi lấy gậy đánh vào trán. Huệ tối sầm mắt ngã vật ra một lúc lâu mới tĩnh. Huệ đem lời ấy nói với Trung thư Trần Văn Kỷ. Từ ấy bệnh chuyển nặng lên…” (sđd,tr.560). Người Huế không tin sự hiển linh của Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu, đặt vấn đề: “Nếu ngài hiển linh thì tại sao để kẻ trộm theo đường toại đạo vào lấy đồ tùy táng ở lăng ngài?” Người tin có hiển linh lại giải thích: “ Ngài để kẻ trộm tìm ra đường toại đạo, nhờ thế hậu duệ ngài mới theo đường toại đạo vào huyệt mộ ngài mới biết được sự kiện Tây Sơn lấy hài cốt ra khỏi lăng là có thật và vua Gia Long đã tạo hài cốt giả bằng “cốt dâu bện rơm” để táng lại”. Kẻ gian nhiều lần tiến hành đào trộm lăng Trường Mậu, chủ nhân lăng là Anh Tông Nguyễn Phúc Thái, thân phụ của Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu nhưng phải bỏ dở. Lần nào ngài cũng báo mộng cho ông cụ Nguyễn Lô, người tự nguyện hộ lăng Trường Mậu, biết và tìm cách xua đuổi bọn trộm. Tác giả bài viết “Giấc mộng kỳ lạ của ông lão canh lăng chúa Nguyễn”, đăng ở báo Pháp luật Việt Nam viết: “Ông Lô tiết lộ rằng, đã có nhiều kẻ đào trộm mộ đã đến lăng Ngài hoàng đào 2-3 lần nhưng không thành vì có người báo mộng cho ông biết để cản trở hành động của chúng. Không chỉ mơ thấy người đó báo mộng một lần mà nhiều lần, mà đặc biệt lần nào cũng chính xác…Ông không tin vào chuyện ma quỷ hay báo mộng là gì. Tuy nhiên, khi đến sống và bảo vệ ở Lăng này ông mới cảm thấy không có chuyện gì là không xảy ra cả.
Ông kể: “Một đêm cách đây đã lâu, lúc đó chừng 2h sáng, tui đang nằm ngủ mê man thì trong giấc mơ bỗng hiện lên một ông lão vận đồ hoàng tộc ngày xưa bằng màu đỏ, râu tóc bạc phơ đến đánh thức tui, bảo có kẻ đang đào trộm lăng. Tĩnh dậy, đến gần lăng tui nghe có tiếng đào bới, biết là bọn trộm nên giả vờ đánh tiếng, bọn chúng biết bị lộ nên bỏ đi, không đào nữa.”
Ông Nguyễn Lô, người tự nguyện bảo vệ lăng Trường Mậu(ng.KTNN).
Lăng mộ Trường Mậu của Anh Tông Nguyễn Phúc Thái (ng.KTNN)
Một số người Huế, tin thuyết “Trường sinh học” của môn Lý Sinh hiện đại hoặc đang nghiên cứu “cận tâm lý” thì ghi nhận sự hiển linh của ngài Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu, hiệu Thiên Túng đạo nhân, người từng trùng tu chùa Thiên Mụ, đúc đại hồng chung chùa Thiên Mụ và đặc biệt đúc ấn: ” Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bảo”. Ấn này nhiều lần thất lạc nhưng vẫn trở về hậu duệ chúa Nguyễn, cho đến khi dòng họ Nguyễn làm nên nghiệp đế.Ở làng Bác Vọng Tây có chùa Thiên Khánh, tọa lạc trước phủ chúa Bác Vọng, do chúa Nguyễn Phúc Chu xây dựng từ năm 1712, tọa càn hướng tốn, trước có sông Bồ. Thiên Túng đạo nhân tu tập hạnh bồ tát ở chùa này khi ra phủ Bác Vọng. Gần đây, có nhà sư Thích Nguyên Pháp, gốc họ Trần làng Bác Vọng Tây, từng tu ở Di Linh, Lâm Đồng. Vị sư này về quê, trên vườn cũ nhà ông nội của sư, dựng thất để tu. Sư có đặc điểm thi thoảng nói những câu nói khác thường, người ta thu băng, xử lý, chắt lọc, ráp nối…thì thành những lời “khuyên răn”, “tư vấn” của một vị bồ tát cho một số “đại quan”, “đại gia”. Các vị này làm theo và “đạt vạn sự như ý”. Các vị ấy đã quyên góp một số tiền, vàng rất lớn cúng dường các đồ tự khí, phục chế các tượng Phật, bồ tát, la hán, …để sư lập chùa tạm gọi chùa “Chúa Nguyễn”, ở phía trái chùa Thiện Khách và lên kế hoạch lập một đền thờ để thờ vua chúa Nguyễn. Thiện nam tín nữ đã phục chế 13 ấn tín của vua chúa triều Nguyễn bằng đồng, mạ vàng và hiện đang tôn trí ở chùa “Chúa Nguyễn”, có người bảo vệ cẩn mật.
Đường toại đạo ở lăng các vua Nguyễn:
Lăng vua Gia Long và Thừa Thiên cao hoàng hậu là song táng, với hai nấm mộ được tạo tác treo lối “trúc cách”. Hoàng hậu băng trước (22-2-1814) và vua Gia Long băng sau (3-2-1820). Không có tư liệu ghi chép đường toại đạo để đưa quan tài các ngài khi ninh lăng. Chúng tôi đoán, đường toại đạo ở lăng này, ngắn, ở dưới sâu trong khuôn viên bửu thành. Tại sao? Năm 1814, khi hoàng hậu băng, vua Gia Long cho xây lăng, đã dựng luôn hai nấm trúc cách, bên dưới có thể có kim tỉnh thông với đường toại đạo. Khi táng xong hoàng hậu, người ta đã đóng cửa toại đạo và lấp hố có cửa xong dùng hồ vữa xưa tráng bằng. Sáu năm sau nhà vua băng hà, người ta lại đục lớp vữa, mở cửa đương toại đạo, đưa quan tài vua vào kim tỉnh, đúng hướng thầy địa phân kim, đóng cửa toại đạo, lấp hố có cửa này và dùng vữa láng bằng. Độc giả xem ảnh chụp có thể thấy dấu vết của lớp vữa ở góc ảnh, khác hoàn toàn lớp vữa nơi khác trong khuôn viên bửu thành ngôi lăng.
Hiếu lăng của vua Minh Mạng, Xương lăng của vua Thiệu Trị, Khiêm lăng của vua Tự Đức,…đều có đường toại đạo và cách kiến tạo cơ bản giống nhau. Đỗ Phước Tiến viết bài “Miếng ăn để đời”, có đoạn: “Và chuyện này do người thuyết minh di tích Hiếu lăng kể: ngày 20-8-1841, quan tài của vua Minh Mạng được đưa vào chôn ở Bửu thành bằng đường toại đạo (đường hầm đưa quan tài vào huyệt mộ). Đường hầm kéo dài từ Đại Hồng môn đến điểm tận cùng của La thành cách nhau đến 700 mét…Theo lời dặn của vua cha Thiệu Trị, khi xây Xương lăng vua Tự Đức căn dặn Đổng lý Vũ Văn Giai phải bắt chước cách làm toại đạo của Hiếu lăng. Nghĩa là truyền thống vẫn tiếp tục.” Vua Thiệu Trị lâm bệnh mất ngày 4 tháng 11 năm 1847, lúc mới 41 tuổi. Khi hấp hối, nhà vua còn dặn Hồng Nhậm: “Chỗ đất làm Sơn lăng nên chọn chỗ bãi cao chân núi cận tiện, để dân binh dễ làm công việc. Còn đường ngầm đưa quan tài đến huyệt, bắt đầu từ Hiếu lăng, nên bắt chước mà làm. Còn điện vũ liệu lượng mà xây cho kiệm ước, không nên làm nhiều đền đài, lao phí đến tài lực của binh dân”. Vua Tự Đức dặn Vũ Văn Giai phải bắt chước cách làm “toại đạo” giống như Hiếu lăng. Toại đạo được xây vào ngày 24 tháng 3 năm 1848. Khi xây dựng các công trình như điện, đình, các, viện thì bắt chước quy chế của lăng Gia Long, và tùy theo địa hình để châm chước định liệu mà làm.
Lê Nguyễn trong bài “Sự thật về chuyện đào mả vua Tự Đức năm 1912”(KTNN) có trích Điều 1815 của Đệ lục kỷ Phụ biên :“…Khâm sứ đại thần Mahé hội thương nói nghe báo ở gian giữa điện Hòa Khiêm vốn có chôn nhiều vàng bạc, nên bàn ủy Hữu Tôn khanh Phủ Tôn nhân Ưng Hào, Tả Tham tri bộ Lễ Mai Hữu Dực, Phụng hộ Phó sứ Tùng Lễ hội đồng với hai viên Hội biện Lại Hộ lập tức tới nơi đào lên lấy số vàng bạc ấy giao cho Phủ Nội vụ để làm việc có ích. Bề tôi Phủ Phụ chính kính chiểu tôn điện là nơi trang trọng, ai báo tin ấy hư thực chưa rõ nhưng thế khó bàn bạc cản trở nên bàn định chờ xem khám nghiệm thế nào sẽ có thưởng phạt để tỏ rõ sự khuyến khích trừng phạt. Bèn ghi lại biên bản tâu lên để vua rõ. Sau đó hội đồng đào lên, qua hơn 10 ngày không có gì cả, kế quý tòa nói đã có lời Toàn quyền đại thần bàn dừng lại để khỏi ngờ vực náo động. … Khâm sứ Mahé cũng vì việc ấy không có hiệu quả nên tháng 3 năm sau về nước” (tltk 1, trang 569)”.
Qua những tư liệu trên có thể đoán định đường toại đạo ở Hiếu lăng, Xương lăng, Khiêm lăng nằm ở đường thần đạo (trục đối xứng hình học của lăng). Riêng Khiêm lăng, có khả năng cửa đường toại đạo nằm sâu dưới Hòa Khiêm điện. Đồ tùy táng vàng bạc, châu báu có thể ở sát kim tỉnh, gần cuối toại đạo. Khi người ta đào ở Hòa Khiêm điện thì không thể gặp đồ tùy táng, chỉ quanh nơi cửa đường toại đạo, lại thêm có sự phản kháng của Nam triều, sự bất bình của dân chúng nên người Pháp phải ra lệnh ngưng đào.
dienbatn bổ xung : Để chuẩn bị kháng chiến, hồi mùa hè năm 1885, trước khi ra Tân Sở, triều đình Huế đã chon một số vàng bạc trong Đại nội. Sau này khi chiếm được Hoàng thành Huế, bọn thực dân Pháp đã đào bới được một số của cải quý. Mahé vốn là một tên thực dân tham lam, khi được cử làm khâm sứ Huế, y đã sai thuộc hạ là De La Suisse – Hộ lý bộ Lại và bộ Học – lập kế hoạch đào lăng vua Tự Đức để tìm vàng.
Phủ phụ chánh triều vua Duy Tân. Từ trái sang phải: Tôn Thất Hân (thượng thư bộ hình), Nguyễn Hữu Bài (thượng thư bộ lại), Huỳnh Côn (thượng thư bộ lễ), Hoàng thân Miên Lịch, Lê Trinh (thượng thư bộ công), Cao Xuân Dục (thượng thư bộ học)
Việc đào lăng tìm vàng liên quan đến tài sản nên hắn đã phải bàn với Thượng thư bộ Công Nguyễn Hữu Bài, ông Bài phản đối. Ngày 17/01/1913, De La Suisse lừa đưa Thượng thư bộ Lễ Huỳnh Côn lên lăng vua Tự Đức và buộc ông Côn phải chỉ huy đào lăng tìm vàng. Ông Côn bị bắt bí đành phải nhúng tay vào việc vi phạm đạo đức ấy.
Quân của De La Suisse ra sức đào ba ngày nhưng không có kết quả đành bỏ cuộc[1]. Ngày 4/2/1913, nhân khi vào Huế họp hội đồng Chính phủ, Albert Saraut nghe có chuyện đào lăng vua Tự Đức, Saraut hỏi, lúc đó Mahé mới báo cáo và cho biết chưa có gì. Ba ngày sau, 7/2/1913, Saraut ra lệnh cho Mahe phải lập tức dừng ngay việc tìm vàng và tu sửa lại Khiêm lăng. Nhưng vì đang dịp nghỉ Tết Quý Sửu (1913), các đại thần Việt Nam hứa ra đầu tháng Giêng sẽ lấp lại các hố đào. Sự chậm trễ ấy đã giúp cho báo chí có dịp tiếp cận.
Hạ tuần tháng 12/1913, báo Le Courrier d’Haiphong công khai chỉ trích việc làm của Mahe. Toàn quyền, A.Sarraut và các quan lại triều đình Huế nhận được nhiều thư trách móc, nguyền rủa. Việt Nam quang phục quân nhân dịp đó, “mượn tạc đạn” để bày tỏ sự bất mãn của mình. Toàn quyền A.Sarraut lại yêu cầu Mahé báo cáo việc tu sửa lăng Tự Đức nhưng cho đến lúc đó vẫn chưa hoàn tất[2].
Tin lăng vua Tự Đức bị đào bay sang Châu Âu. Cụ phó bảng Phan Châu Trinh nghe tin rất phẫn nộ. Ngày 2/4/1913, nhân dịp ông Roux được thăng cấp thiếu tá, cụ Phan gửi cho Roux một lá thư dài bày tỏ sự bất mãn về việc đào mả Tự Đức và phản đối chính sách cai trị của thực dân Pháp ở Đông Dương.
Vua Duy Tân hết sức giận dữ chê trách nặng nề các Thượng thư dưới quyền. Hai cụ Trần Cao Vân và Thái Phiên đã nắm lấy sự phẫn nộ của vua Duy Tân tìm cách liên lạc với nhà vua, mời nhà vua làm minh chủ cho cuộc khởi nghĩa chống Pháp hồi tháng 5/1916. Vua Duy Tân đã đồng ý. Cuộc khởi nghĩa chống Pháp năm 1916 đã diễn ra nhưng tiếc thay nó đã bị thất bại ngay sau khi vua Duy Tân vừa rời khỏi Hoàng Cung."(Nguồn lichsuvietnam)
Lại có đường toại đạo do kẻ gian bí mật đào để tiếp cận quách, kim tỉnh, quan tài nhằm trộm cắp đồ tùy táng. Phần lớn tẩm mộ cỡ vừa ở vùng hẻo lánh thì kẻ gian đào đường toại đạo ngắn, dài trên dưới vài mét. Riêng ở Thừa Thiên Huế, xảy ra vụ đào trộm Xương Thọ lăng, kẻ gian đã nghiên cứu đào đường toại đạo từ bờ sông, dài vài trăm mét, tránh bị phát hiện và chúng đã “đạt mục đích”. Ngày 3/11/2013, Đỗ Nguyễn trên báo ANTĐ viết bài “Cổ vật có ma ở Kinh thành Huế” có đoạn: “Cách đây đã gần 30 năm, một vụ đào mộ động trời đã khiến dư luận xôn xao khi 6 tên trộm mộ đào một đường hầm dài dẫn từ sông Hương vào khu lăng mộ của Hoàng Thái hậu Từ Dũ (Từ Dụ). Khi sự vụ bị phát hiện, lăng bà Từ Dũ đã bị kẻ gian lấy đi nhiều hiện vật quý hiếm. Dù đã tóm gọn cả 6 tên trộm mộ, nhưng phải mất nhiều năm sau cơ quan công an mới tìm lại được 18 hiện vật. Dư luận cho rằng số hiện vật bị lấy mất còn gấp nhiều lần như thế. Thực tế, các cán bộ văn hóa ở Huế thời điểm đó đều khẳng định con số có thể lớn hơn nhiều số hiện vật mà cơ quan chức năng tìm lại được… Theo một cán bộ Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cho biết: “Sau khi mãn hạn tù do hành vi trộm cắp của mình, 3 trong số 6 tên trộm mộ đã chết bất đắc kỳ tử. 2 người thì bỏ đi lang thang biệt xứ. Một người thì phát điên lảm nhảm linh tinh suốt ngày đêm…”
Đường toại đạo ở lăng Ba Vành và lăng Thủy Tiên:
Chúng tôi đến khảo sát lăng Ba Vành vào năm 1986, thấy nấm hình mai rùa bị bạt góc chéo, mất khoảng 1/5.Hỏi dân sở tại cho biết thời chiến tranh, có người từng đào, lấy đất để làm hầm trú ẩn. Nhờ vậy chúng tôi mới dễ phát hiện bên dưới nấm mai rùa, tạo bằng lớp bê tông dày, lại có một tấm đoang làm bằng vữa cổ khá dày. Trần nấm mai rùa và tấm đoang này cách nhau chưa tới 1mét, không có dấu vết quách mộ, như thế không thể đặt quan tài trên tấm đoang. Vậy kim tỉnh phải ở dưới tấm đoang và chắc chắn việc đưa quan tài vào kim tỉnh (khi hung táng) hoặc lấy quan tài ra (khi đào phá) phải nhờ đường toại đạo.
Chúng tôi đã nhờ người phát quang, làm cỏ mới phát hiện nhiều mảnh gạch bìa màu đỏ và một số gạch lát nền màu xám; đặc biệt có một viên gạch độc đáo, tìm thấy ở hầm chứa đồ tùy táng của lăng Ba Vành, được nung rất kỹ, hình hộp (trông như cái bánh chưng), kích thước 15cmx15cmx4cm. Trên một mặt vuông của viên gạch, người xưa đã vẽ phác thảo ngọn đồi, ở đỉnh đồi có mộ, và một đường toại đạo từ dưới chân đồi lên mộ.
Hình vẽ viên gạch nung, trên một mặt có vẽ đường toại đạo kép của lăng Ba Vành và lăng Thủy Tiên (Bảo tàng VHDG Huế hiện giữ viên gạch này)
Điều chúng tôi thắc mắc là tại sao hình vẽ đường toại đạo trên viên gạch nung lại có hai nhánh ngắn, nhập lại thành một, rồi dẫn tới huyệt mộ lăng Ba Vành? Cửa vào đường toại đạo ở đâu?
Năm 2007, nhóm chúng tôi gồm có Trần Viết Điền, Trần Viết Hòa đã gặp thầy Phan Quang Hoành của Đan viện Thiên An đang đi dạo bên hồ Thủy Tiên, gần Đan viện. Chúng tôi được thầy Phan Quang Hoành tiếp chuyện và thầy đã nhiệt tình cho phép chúng tôi vào nhà quản vụ để nói chuyện khi biết chúng tôi từng lên lăng Ba Vành nghiên cứu trong 21 năm. Trong câu chuyện, biết chúng tôi đến đây với mục đích nghiên cứu, không liên quan những việc thương thảo về đất đai giữa xã Thủy Bằng với Đan Viện Thiên An, nên quản vụ vườn cam Đoàn Tiến An và thầy Phan Quang Hoành vui vẻ trả lời những thắc mắc của chúng tôi quanh lịch sử Đan Viện Thiên An. Các thầy xác nhận “Tháng 3 năm 1939, cha Romain Guillauma, một đan sĩ người Pháp, quyết định lập dòng tại Huế, và vẫn duy trì sở Miévelle làm nơi nghỉ chân (sở đất này sẽ bán lại cho các nữ tu Phan sinh vào năm 1954). Ngày 10-6-1940, thánh lễ đầu tiên được cha Romain cử hành trong ngôi nhà tranh vừa dựng xong gần chân đồi Ðức Mẹ, đánh dấu ngày thành lập Ðan viện Thiên An, trước sự hiện diện của cha Corentin”.Các bô lão làng Kim Sơn có truyền ức thời vua Nguyễn cấm đạo,từng có một vị giáo sĩ phương Tây xuống hang đá (nay là nhà nguyện, thư viện, dưới lòng đất của Đan Viện Thiên An), xong vào một đường hầm để trốn, sau đó ngài cũng bị bắt và bị hành quyết. Một vị tiến sĩ, giảng viên của Đại học khoa học, viện đại học Huế (yêu cầu giấu tên), có thân phụ là người chuyên lo việc tạo tác của Đan Viện khoảng từ 1950 đến 1975, cho biết ở nhà nguyện dưới đất của Đan viện có một “sập đá” phẳng, tạo bởi đá granit, …và ở tường nhà nguyện có cửa hang(?)
Ngày 1/1/2011, trên Vietsciences, chúng tôi đăng bài “Lăng Chính cung Hoàng hậu, vợ vua Quang Trung ở đâu?”, nhằm chứng minh lăng Chính cung hoàng hậu triều Tây Sơn không ở núi Kim Phụng (Thương Sơn) mà ở vùng núi Kim Sơn (Ngọc Trản phong đầu) và chúng tôi tạm gọi “Lăng ThủyTiên”.Từ ấy chúng tôi kiến giải hình vẽ đường toại đạo trên viên gạch nói trên như sau:
Năm 1791 khi táng bà Chánh cung hoàng hậu, triều Tây Sơn đã đưa quan tài vào lăng Thủy Tiên bằng đường toại đạo, có cửa ở dưới chân đồi (Thiên An),ở khuôn viên của nhà hộ lăng(nay là nhà quản vụ vườn cam thuộc Đan viện Thiên An). Đường toại đạo này ở bên trái của lăng Thủy Tiên. Năm sau, vua Quang Trung băng hà, để giữ bí mật, triều Tây Sơn đã đào một hang sâu trên đồi Thiên An, tạo tác thành một nhà quàng linh cửu vua Quang Trung, đặt linh cửu trên một bệ đá granit. Từ hang có nhà quàng linh cửu, triều Tây Sơn bí mật đào đường toại đạo đến nhà hộ lăng, có cửa đường toại đạo lăng bà Chính cung hoàng hậu, xong tiếp tục đào tiếp đến lăng Ba Vành. Tính từ nhà hộ lăng đến lăng Ba Vành thì đường toại đạo của lăng này cũng ở bên trái. Như vậy cửa hai đường toại đạo của hai lăng đều ở khuôn viên(dưới sâu) của nhà hộ lăng vậy. Rất tiện lợi!
Thay lời kết:
Trong công trình “ Đi tìm dấu tích CUNG ĐIỆN ĐAN DƯƠNG sơn lăng của hoàng đế Quang Trung”(nxb Thuận Hóa, Huế, 2007), nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân công bố : “Ngày 17-12-1988, chúng tôi…đã tiến hành khai quật để thăm dò ở đầu hè phía tây ngôi nhà 63/13/12 Điện Biên Phủ (nay là số 10/17 kiệt 120 Điện Biên Phủ, phường Trường An, Thành phố Huế). (Xem A.076).
Chúng tôi đào xuống sâu 0,5m gặp một lớp thành dày chạy dọc theo hiên phía tây nhà bà Liên. Mặt trong của thành nằm sâu dưới nền nhà. Chúng tôi đào sâu thêm 1,50m vẫn chưa đến chân thành, đào dọc theo bức thành 3m vẫn chưa giáp với hai đầu bức thành (Xem A. 077). Bà Liên xác nhận “Cái đường hầm nằm dưới nền nhà bà không thể đào sâu thêm được nữa, đào thêm nữa sẽ sập nhà bà !”.
Những người có mặt đều rất vui mừng.Chúng tôi tạm dừng công việc khai quật thám sát ở đó.
Chúng tôi tạm kết luận: tấm đá lớn còn giữ được và đang làm mặt bàn trong nhà bếp chùa Vạn Phước và bức thành bên ngoài đường hầm (được xem là kim tỉnh hay khuôn tỉnh) ở phía tây nhà bà Nguyễn Thị Liên là những dấu hiệu của cái huyệt mộ đã bị quật phá. Đó là những dấu hiệu còn chờ khai quật khảo cổ học chính thức của các cơ quan chức năng mới có thể có kết luận cuối cùng” (sđd, tr. 124, 125,126).
Chúng tôi nghĩ rằng nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã tiếp cận đường toại đạo và kim tỉnh của lăng mộ bậc tôn quí, có khả năng là lăng vua Quang Trung. Rất tiếc trong cuộc khảo sát khảo cổ học ở gò Bình An,từ 6 đến 15-10-2016, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân không yêu cầu viện khảo cổ tiếp tục thám sát đường toại đạo ở khuôn viên nhà bà Liên, lấy mẩu đường toại đạo và kim tỉnh nói trên, đo tuổi bằng phương pháp nhiệt huỳnh quang , để sớm kết luận cuối cùng về công trình dày công của mình.
Huế, ngày 1-11-2017 - Trần Viết Điền.
ĐỌC THÊM TƯ LIỆU :
Bí ẩn mới hé lộ sau những cuộc khai quật lăng mộ tại Huế.
Những câu chuyện kỳ bí trong quá trình khai quật cố đô Huế đã được hé lộ qua lời kể của chuyên gia khảo cổ học Nguyễn Tuấn Lâm – người chịu trách nhiệm khai quật các di chỉ khảo khổ tại Huế. Ông Nguyễn Tuấn Lâm cũng là một trong 2 chuyên gia khảo cổ học Việt Nam được cử đi đào tạo tại Úc về khảo cổ học dưới nước. Suốt 10 năm trời lăn lộn với những cuộc khai quật khảo cổ tại cố đô Huế, ông Lâm đã gặp những câu chuyện kỳ bí, những sự trùng hợp kỳ lạ không thể giải thích nổi. Chuyên gia khảo cổ này đã kể lại những câu chuyện đó với An ninh Thủ đô cuối tuần…
Đó là những sự trùng hợp đến kỳ lạ mà cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp. Như cái chết của người quản tượng; Hòn đá bất thường trong Điện thờ lăng Gia Long; Tiếng gọi bí ẩn dẫn nhà khảo cổ học tìm ra cột thiêng cùng tấm địa đồ tại Lăng Thiệu Trị, và cả những cái chết bất ngờ…
Lăng Vua Gia Long
Tấm bia đàn xã tắc và 2 đám tang.
Trong 10 năm thực hiện Dự án khai quật khảo cổ học 17 di tích tại Huế, Trưởng đoàn khảo cổ học tại Huế của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, chuyên gia khảo cổ học Nguyễn Tuấn Lâm đã ghi nhận lại rất nhiều chuyện thần bí, kỳ lạ đã xảy ra. Trong suốt nhiều năm qua ông Lâm vẫn ám ảnh về những câu chuyện bí ẩn đó mà chưa từng hé lộ. Ông Tuân kể lại:
Cuối tháng 7-2007, Bộ VH-TT&DL ra quyết định thực hiện Dự án khai quật khảo cổ học Đàn Xã tắc phục vụ công tác trùng tu trước thềm Festival Huế 2008. Ngày động thổ được chọn là 1-1-2008, nhưng ngay khi lễ động thổ vừa diễn ra, tôi nhận được tin báo, nhạc phụ qua đời do đột tử tại TP.HCM. Sau 3 ngày tổ chức tang lễ, lo hậu sự cho bố, tôi tiếp tục quay trở lại thực hiện dự án còn dang dở thì nhiều sự kiện kỳ lạ lại liên tiếp diễn ra. Đó là chuyện công nhân làm việc tại đây cùng người dân trong khu vực bàn tán xôn xao về việc nhiều người cùng mơ thấy một giấc mộng. Trong đó, hàng đêm có một cụ ông râu dài, tóc bạc phơ chỉ mặc một bộ quần áo trắng tha thẩn trong khu khảo cổ. Sau nhiều lần đắn đo, tôi quyết định mở hố thăm dò tại đúng vị trí đó thì bất ngờ một tấm bia lớn được phát lộ. Đó chính là tấm bia “Xã tắc chi thần” mà các nhà khoa học vẫn tranh luận lâu nay để tìm ra vị trí đặt bia nhưng chưa có kết quả. Ngay sau đó, tấm bia được dựng lại và cũng từ đó, các vị trí cột mốc, chỉ giới dần dần lộ ra đầy đủ và hoàn chỉnh. Sự việc nếu chỉ có thế thì chắc cũng không có gì lạ, nhưng đến đúng ngày nộp báo cáo kết quả khảo cổ học, kết thúc dự án thì tôi tiếp tục nhận được tin thân phụ mình qua đời tại Hà Nội. Từ đó, những sự việc kỳ lạ kiểu như thế được tôi để ý đến nhiều hơn và xâu chuỗi lại.
Sự cố ám ảnh
Nhắc lại những chuyện kỳ lạ chuyên gia Nguyễn Tuấn Lâm cho biết ông bị ám ảnh nhất là những cái chết và hiện tượng bất thường xảy ra đúng vào kỳ Festival Huế năm 2006. Để phục dựng lại Lễ tế đàn Nam Giao trong Festival Huế 2006, chính quyền Huế đã quyết định mua từ Đắk-Lắk 2 con voi và thuê 2 người quản tượng. Theo kế hoạch 2 con voi này sẽ đi đầu đoàn ngự đạo dẫn theo đội ngũ quan binh chỉnh tề tiến về nơi hành lễ. Song, ngay trước buổi lễ, một người quản tượng trong lúc cho voi ăn đã bất ngờ bị voi dùng ngà xuyên thẳng bụng, quăng lên trời quật chết. Ông Nguyễn Tuấn Lâm chia sẻ: “Mãi cho tới bây giờ, cái chết của người quản tượng vẫn còn ám ảnh tôi bởi cảnh tượng kinh hoàng đó. Thêm vào đó, cùng kỳ Festival còn xảy ra một sự cố đau buồn khác. Ngay trong buổi lễ khai mạc Festival, trời bỗng nổi cuồng phong dữ dội làm đắm một chiếc thuyền đang ngoạn cảnh trên sông Hương đoạn qua gần điện Hòn Chén. Theo tôi nhớ có tới 3, 4 người đã bỏ mạng trong tai nạn này”.
Không chỉ những tai nạn bất ngờ, tại đây cũng luôn xảy ra các sự trùng hợp, kỳ bí đến nay vẫn chưa có lời giải thích. Như lần đoàn kiểm tra của các nhà lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế cùng các nhà nghiên cứu văn hóa, sử học có tên tuổi và khách thăm quan đến thăm khu khai quật lăng Gia Long (Thiên Thọ lăng). Chuyến thăm của đoàn từ lúc xuống xe cho tới khi vào điện làm lễ, thắp hương đều được nhà khảo cổ học Nguyễn Tuấn Lâm dùng máy quay ghi lại. Tuy nhiên, đến khi xem lại thì toàn bộ đoạn ghi hình đoàn tiến vào điện chính dâng lễ, thắp hương trong điện đã trở thành một khoảng đen khó hiểu.
Cũng tại khu vực điện chính, chỉ trước đó vài ngày, một vụ tai nạn kỳ lạ đã xảy ra. Trong lúc kiểm tra, chụp ảnh tư liệu hiện trường, một cán bộ Ban quản lý dự án Cố đô Huế lúc đó phát hiện ra một tảng đá lạ thường rất đẹp ở trong điện. Để tiện việc nghiên cứu, ông đã yêu cầu bảo vệ nhấc tảng đá ra khỏi điện để chụp ảnh nhưng lại quên bê hòn đá trả lại vị trí cũ. Và khi ông cán bộ này vừa đến cổng thì bị va chạm xe máy. Sau nửa tiếng tìm kiếm, mọi người mới phát hiện ra ông đang nằm bất động trong một bụi tre gần đó. “Đến giờ chúng tôi vẫn chưa thể lý giải được nguyên do nào cán bộ đó bắn vào trong bụi tre có chiều cao quá đầu người mà chỉ bị xây xát ngoài da. Để đưa ông ra, người ta đã phải chặt bụi tre. Chiếc xe của ông chỉ khởi động được khi hòn đá được đem trả vào vị trí cũ trong điện”…
Tiếng gọi lạ và bức địa đồ
Là một nhà khoa học, không bao giờ tin vào những chuyện ma mị, kỳ quái, nhưng đến tận bây giờ tôi vẫn chưa thể tìm ra những bí ẩn đằng sau các câu chuyện kỳ lạ trong quá trình khai quật lăng Thiệu Trị (Xương Lăng). Những ngày đầu mở hố thám sát khai quật khảo cổ học, tôi cùng các đồng nghiệp nghe thấy đâu đó có tiếng lảng bảng vọng lại. Đến nửa đêm, tôi lại nằm mơ có người chỉ dẫn mình đến một di chỉ vô cùng quan trọng tại khu vực lăng Thiệu Trị. Quyết định thử vận may tại địa điểm vừa được báo, ông cho tổ chức đào ngay tại đó. Chỉ qua lớp đất mặt, một bức tranh được xếp bằng gạch đá được phát lộ. Ông tự tay tỉ mẩn làm sạch từng góc cạnh và phát hiện đây là một bức địa đồ với trung tâm ở giữa là dòng sông Hương uốn lượn. Điểm đặc biệt ở chỗ, những viên gạch dùng để xếp bức địa đồ đều là loại gạch có từ thời Gia Long. Nhưng địa điểm phát hiện lại nằm trong quần thể khu di tích lăng Thiệu Trị. Biết tin, các nhà nghiên cứu về cố đô Huế đã có mặt với rất nhiều giả thuyết đã được đưa ra. Trong đó, chủ yếu tập trung ý kiến cho rằng bức địa đồ thể hiện lại những thế đất đẹp ở Huế với hai bên tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ xoay quanh trục chính là sông Hương. Tại thời điểm ấy, mọi người đều muốn tổ chức một cuộc hội thảo để luận bàn tấm địa đồ kia thể hiện những gì và tại sao lại xuất hiện ở khu vực lăng Thiệu Trị. Nhưng sau nhiều biến động, cho đến nay, hội thảo vẫn chưa được diễn ra. Ý nghĩa thật sự của bức địa đồ vẫn là một bí ẩn.
Những ngày tiếp sau, tiếng gọi lạ lại xuất hiện đưa ông ra xa khỏi khu vực khảo cổ, lần tìm đến sát bờ sông Hương. Tại đây, ông và một người đồng nghiệp đã phát hiện ra một di tích, đó chính là cột chỉ giới quan trọng của lăng Thiệu Trị. Sử sách có ghi lại, cây cột thiêng được dựng để nhắc nhở người dân là khu vực linh thiêng, ai đi ngựa qua phải xuống ngựa, ai đi bộ phải ngả nón cúi đầu mà đi, người trên thuyền không được khua mái, cấm những lời bông đùa, cợt nhả. Cây cột cao tới 4m với nhiều hoa văn lạ mắt trạm trổ trên chất liệu gạch được gắn bởi loại vữa đặc biệt. Do tối trời, ông chỉ kịp cùng người đồng nghiệp chụp lại vài tấm hình làm tư liệu. Sáng sớm hôm sau, khi trở lại nghiên cứu thì cây cột đã bị đập phá tan tành, toàn bộ phần thân của cây cột chỉ còn 1m, xung quanh là đống gạch đá kéo dài ra bờ sông Hương. Cây cột bị chủ mảnh đất đập đi để xây khu nghỉ dưỡng. Sau này, chính người chủ nhà đã phải thừa nhận và phục dựng lại cây cột theo các hình ảnh chụp được trước đó. Nhưng, chắc chắn một điều nếu không có sự dẫn dắt kỳ lạ kia, thì sẽ chẳng còn dấu tích của cây cột thiêng.
Nhà khảo cổ học Nguyễn Tuấn Lâm chia sẻ cố đô Huế – đất văn hiến vẫn còn muôn vàn những chuyện kỳ bí chưa tìm được lời giải đáp. Những chuyện mà ông kể có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên được nhiều người chú ý. Đến nay những câu chuyện kỳ bí như vậy vẫn được người dân Huế truyền tai nhau thu hút sự quan tâm của tất cả các du khách mỗi khi đặt chân đến nơi đây.
Theo An ninh Thủ đô.
dienbatn giớithiệu.Xin theo dõi tiếp BÀI 19.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét