Vị trí của Đường Lâm : Trước mặt là sông Hồng quanh năm nặng đỏ phù sa với con sông Tích uốn quanh từ chân núi Ba Vì đổ xuống lượn vòng êm ả quanh làng rồi lững lờ chảy về xuôi nhập vào sông Hát. Khắp nơi những quả đồi nối tiếp nhau như bát úp với những cái tên truyền thống đầy tinh thần thượng võ của vùng đất có hai anh hùng dân tộc. Nào là đồi Gầm, trước lăng Ngô Quyền như một con beo nằm phủ phục. Nào là gò Núm Chiêng, Yên Ngựa, đồi Gậy, Mũi Giáo, đồi Gươm, Đầu Trâu, Áng Độ… cùng với hàng chục cái rộc sâu như Vũng Hùm, Cổ Giải… chen lẫn nhau, càng tạo cho Đường Lâm vốn hùng vĩ nay lại có thêm cái thế của một vùng trung du vừa đẹp mắt, vừa hiểm trở.
Tấm bia đá làng Cam Lâm dựng ngày 8 tháng 10 năm Quang Thái thứ ba (1390) đời Trần Thuận Tông còn ghi rõ: “Nguyên xưa kia đất đai xứ này là núi rừng trùng điệp, gọi là Đường Lâm…”.
Đường Lâm còn giữ được nhiều di tích lịch sử và công trình văn hóa cổ đáng quý. Thôn Cam Lâm có đền thờ và bia Phùng Hưng, đền thờ và lăng Ngô Quyền. Mỗi khi tới đây, thế nào khách cũng được nhân dân say sưa kể lại cho nghe những truyền thuyết lý thú về sức khỏe, tài trí và lòng dũng cảm của Phùng Hưng và Ngô Quyền, hoặc tài khéo léo của những nghệ nhân dân gian như Mộc Tôm, Cố Nháy, Ấm Thái…
Đường Lâm, nhất là Mông Phụ, xưa có rất nhiều người học hành đỗ đạt, có nhà cha con nối tiếp nhau đỗ đạt cao và làm quan to dưới thời phong kiến. Bởi vậy, Mông Phụ có 5 quả gò thì cả 5 đều được nhân dân tưởng tượng nên những cái tàn che, những yên ngựa, vòi voi, những rặng duối buộc voi ngoài cổng làng… hình ảnh tượng trưng cho quyền cao chức trọng của thời phong kiến xưa kia. Trong những người hiển đạt, có những người khí tiết khảng khái, như cụ Phan Khắc Dị làm quan đời Hậu Lê (cuối thế kỷ 18) cho đến thời nhà Nguyễn bán nước thì bỏ về chiêu dân lập ấp, mà ngày nay nhân dân làng Phụ Khang còn thờ làm thành hoàng để ghi nhớ công ơn. Như cụ án Nguyễn, làm quan tới chức Hình bộ Thượng thư bộ Hình thời Tự Đức (1848-1883) đã từng vạch mặt bọn quan lại tham nhũng, dâm ô. Nhưng vinh hiển và lẫy lừng hơn cả là cụ Thám hoa họ Giang, mà ngày nay ngôi nhà thờ “Giang Thám Hoa công từ” ở ngay sát đình làng Mông Phụ, còn có bia đá ghi những nét cụ thể về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Nhà thờ họ bằng gạch, mái lợp ngói cổ, tuy không to lắm nhưng vẫn giữ dáng dấp của ngôi nhà cổ chồng diềm 4 mái. Trong nhà câu đối hoành phi treo la liệt, nhưng đáng chú ý là câu đối treo giữa nhà:
Lễ nghĩa bách niên Mông Phụ ấp
Phong thanh thiên cổ Thám hoa môn
Tạm dịch:
Trăm năm lễ nghĩa làng Mông Phụ
Nghìn thuở thanh danh, cửa Thám hoa
Ngọc phả họ Giang và tấm bia đá “Thám Hoa công truy trạng bia” và tấm bia đá “Bản xã tiên hiền bi ký” khắc năm Vĩnh Thọ thứ 1 (1658) đời Lê Thần Tông và những câu chuyện truyền khẩu của bà con trong xã còn kể:
Ông Giang Văn Minh, tự Quốc Hoa, hiệu Văn Chung tiên sinh, sinh ngày mồng 6 tháng 9 năm Nhâm Ngọ (1582) tại làng Mông Phụ, ấp Đường Lâm, huyện Phúc Lộc (nay thuộc huyện Ba Vì), tỉnh Sơn Tây, đời trước tằng tổ, hiệu Đức Biền đã từng làm quan giữ chức Thần vũ vệ úy nhà Lê.
Từ thuở nhỏ, ông tuấn tú, thông minh, học đâu nhớ đấy, văn thơ lưu loát, ứng đối lanh lợi, tiếng tăm lừng lẫy khắp vùng. Ông thường đi lại chơi bời, vịnh thơ, xướng họa cùng với ông Phùng Công Thế, người thôn Kim Bí, huyện Tiên Phong và ông Lã Công Thời người làng Cam Đà, huyện Minh Nghĩa (nay đều thuộc huyện Ba Vì).
Năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) đời Lê Thần Tông,` cả ba ông cùng đi dự khoa thi đình. Ông Minh đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ tam danh, còn hai ông Thời và Thế cũng đều đậu tiến sĩ.
Ông được bổ ra làm quan, năm Đức Long thứ ba (1631) ông được phong chức Thái bộc tự hương tước Phúc Lộc bá. Đến năm Dương Hòa thứ 4 (1638) ông lại được Thanh đô vương Trịnh Tráng phong cho chức Tả phủ tây quốc công và mùa đông năm ấy, Thanh đô vương Trịnh Tráng cử ông đi trấn thủ Nghệ An.
Cuối thế kỷ thứ 16 sang đầu thế kỷ thứ 17, triều đại phong kiến nhà Minh bước sang thời kỳ suy vong đến cực độ. Những cuộc khởi nghĩa của nông dân đã nổ ra rầm rộ khắp nơi, lôi cuốn hàng triệu nông dân nghèo khổ vào những cuộc đấu tranh mãnh liệt.
Tình hình khủng hoảng và suy yếu cực độ ấy không cho phép nhà Minh trở lại xâm lược nước ta. Tuy vậy, nhà Minh vẫn tận dụng mọi thời cơ để uy hiếp và hạch sách nhũng nhiễu những triều đại phong kiến thống trị bạc nhược của nước ta. Dùng uy thế “Thiên triều”, nhà Minh buộc họ Trịnh phải cắt đất Cao Bằng nhường cho họ Mạc để âm mưu nuôi dưỡng hai thế lực phong kiến thù địch trên đất nước ta. Trước sự o ép của nhà Minh, họ Trịnh phải xin cầu hoà và xin phong cho vua Lê để có đủ danh nghĩa thống trị. Nhà Minh bắt vua Lê hai lần phải lên tận trấn Nam Quan để xét hỏi, nhận mặt và còn sách nhiễu đòi lễ vật và cống nạp người bằng vàng mà nhân dân ta thời đó thường gọi là trả “nợ Liễu Thăng”. Sau nhiều lần cầu phong và xin xỏ, vua Lê mới được nhà Minh phong cho làm An Nam đô thống sứ và ban cho một chiếc ấn bạc (tỏ ý không công nhận nền độc lập của nước ta và chỉ coi nước ta như là một thuộc quốc).
Nhưng chẳng bao lâu, phong trào nông dân khởi nghĩa nổi dậy khắp nơi và nhà Minh đang có nguy cơ bị sụp đổ. Trong lúc đó, vua Lê, chúa Trịnh vẫn một lòng thần phục nhà Minh và vẫn mê muội thi hành chính sách ươn hèn bạc nhược, không còn giữ nổi thể thống của một quốc gia phong kiến độc lập nữa.
Được thể, nhà Minh ngày càng lấn áp và sách nhiễu vua Lê. Sau nhiều năm đã bãi bỏ lệ cống người bằng vàng mà thay bằng đồ cống nạp khác, lúc này nhà Minh lại yêu sách bắt vua Lê mỗi năm phải đích thân lên tận thành Lạng Sơn để “hộ khám” và dâng đồ cống lễ gồm 2 người bằng vàng và bạc, mỗi người đều cao 1 thước 2 tấc và nặng 10 cân cùng nhiều đồ cống vật khác. Có lần chúng không thèm đến nhận lễ, vua Lê phải lủi thủi trở về kinh.
Mùa đông năm Dương Hoà thứ ba (1637), tức là năm Sùng Trinh, thứ 10 của nhà Minh, vua Lê Thần Tông cử một phái bộ do ông Giang Văn Minh làm chánh sứ cùng với các ông Nguyễn Duy Hiếu, Nguyễn Quang Minh, Trần Nghị… đi sứ sang “Thiên triều” để xin cầu phong cho nhà vua.
Khi phái bộ của Giang Văn Minh sang đến Yên Kinh (nay là Bắc Kinh) gặp lúc sắp đến tiết khánh thọ nên không được vào bệ kiến ngay, mà phải ăn chờ nằm chực ngoài dịch xá. Bọn đại thần nhà Minh có ý khinh thường sứ thần An Nam nên không thèm tiếp và vin cớ là trong bộ bản không có lệ cũ để tra, nên không phong vương, mà chỉ ban sắc khen thưởng khuyến khích (Lịch triều hiến chương lại chí tập III, trang 150) và chỉ nhận dâng lễ cống. Chúng hạch sách phái bộ đủ điều và đòi bằng được người cống bằng vàng, đòi trả “nợ Liễu Thăng” như đời Mạc đã làm. Chúng còn cho người bao vây theo dõi, thăm dò mọi hoạt động của sứ bộ ngoài dịch xá.
Trước thái độ khinh miệt và coi thường phái bộ An Nam của vua Minh, Giang Văn Minh hết sức căm giận và phẫn uất, ông luôn luôn suy nghĩ cách đối phó với nhà Minh để làm tròn sứ mệnh của vua Lê giao cho.
Cuốn ngọc phả “Giang Thám Hoa phả tộc” và câu chuyện của các cụ già họ Giang còn kể rõ giai thoại thời cụ Thám Hoa đi sứ sau đây:
Một hôm, nhân ngày tiết khánh thọ của vua Minh, tất cả sứ thần các nước có mặt tại dịch xá đều mũ áo chỉnh tề, mang theo lễ vật vào triều kiến “Thiên triều”. Riêng ông Minh không chịu đi và nằm lăn ra mà khóc lóc thảm thiết, cố ý làm sao việc này lọt được đến tai vua Minh.
Được tin báo, vua Minh vừa tức giận, vừa sửng sốt, cho rằng đây là việc không bình thường, bèn cho sứ ra gọi ông Minh vào chầu để xem thực hư ra sao? Được lệnh triệu vào chầu, ông Giang Văn Minh mũ áo chỉnh tề, đàng hoàng tiến vào sân rồng yết kiến vua Minh. Thấy ông Minh có dáng người đi đứng uy nghi lẫm liệt, tài trí thông minh lanh lợi, nói năng hoạt bát, vua Minh liền phán rằng: “Hôm nay là ngày khánh thọ của Thiên triều, cả nước vui mừng, các sứ thần đều phấn khởi vui mừng yến tiệc, cớ sao một mình sứ thần lại không vui mà lăn ra khóc lóc thảm thiết như vậy, là có ý gì? Ông Minh liền dõng dạc tâu rằng: “Theo lệnh vua Lê, sứ thần được sang triều cống quý quốc thấm thoát đã hàng năm lưu lạc trên đất khách quê người nhưng vẫn chưa làm tròn trọng trách, còn lòng dạ đâu mà vui được. Nay đã đến ngày giỗ vị tằng tổ của thần mà thần vẫn chưa được về quê hương đèn hương tưởng niệm, như vậy chẳng là đắc tội với tiên tổ hay sao?”, rồi ông lại ôm mặt mà khóc. Nghe rõ sự tình, vua Minh liền cả cười mà phán rằng: “Nhà ngươi quả là một người trung hiếu vẹn toàn, thật là chí lý. Nhưng tưởng chuyện gì chứ việc ông tổ đã ba đời rồi đến nay còn gì là giàng buộc tình cảm nữa mà phải lo mang tiếng với người đời chỉ vì không về được quê hương tưởng niệm”. Nghe xong vua Minh phán, ông thoáng thấy một ý hay, có thể nhân cơ hội này mà giúp cho nước nhà một việc lớn, ông liền tâu rằng: “Thần cũng nghĩ vậy, nhưng khốn nỗi, người đời có nghĩ thế đâu! Ngay như việc Thiên triều bắt dân tôi năm nay lại phải cống người vàng để trả “nợ Liễu Thăng” mà Liễu Thăng thì đã chết cách hơn 200 năm rồi. Chuyện cũ đã mờ, mà dân tôi hàng năm cũng vẫn còn chưa được Thiên triều xoá bỏ lệ cũ. Hơn nữa vua tôi nhà Lê có tội gì đâu mà hàng năm Thiên triều vẫn đòi lễ cống! Đó chẳng phải là một việc vô lý, trái với đạo lý và thể diện của Quốc vương tôi sao? Ngày nay, Thiên triều khuyên thần đừng thương nhớ người đã quá cố, thì thần cũng xin Thiên triều noi theo mệnh lớn mà từ nay miễn cho nước tôi lệ đúc người vàng để tiến cống nữa. Đó chẳng phải là một việc tốt để gây lại mối giao hảo bền vững giữa hai nước láng giềng đó sao?”.
Trước lời tâu chân tình, lý lẽ đanh thép và đầy sức thuyết phục đó, vua Minh cũng tự thấy việc bắt dân An Nam hàng năm vẫn phải dâng lệ cống người vàng để trả “nợ Liễu Thăng” là vô lý, nên đã ra lệnh bãi bỏ lệ cống người vàng, và cũng từ đây hàng năm dân ta chấm dứt được cái việc “trả nợ Liễu Thăng” kéo dài từ thế kỷ thứ 15 đến lúc bấy giờ.
Thế rồi, thời gian trôi đi, thấm thoát đã được gần một năm nằm ở dịch xá, nhưng vẫn chưa được “Thiên triều” gọi vào yết kiến.
Một hôm, sau những ngày mưa rơi tầm tã, khí hậu ẩm thấp và rét buốt, nhân được buổi nắng ráo, ông Minh liền đem mũ áo và đồ văn thư nghiên bút ra phơi nắng. Tiện thể ông cởi áo, phanh ngực và bụng ra để sưởi nắng. Bọn cận thần của vua Minh thấy sứ giả An Nam có hành động lạ thường, bèn vào tâu với vua Minh, Minh Tông liền cho mời ông vào chầu và hỏi: “Sau những ngày mưa rét hôm nay trời nắng ấm, theo lệ thường là ngày vui vẻ của toàn dân, mọi người rủ nhau đi chơi ngắm cảnh, thưởng thức những ngày ấm áp trên đất Yên Kinh, sao sứ thần không đi đâu mà lại nằm phanh bụng ra phơi nắng là ngụ ý thế nào?”.
Ông Minh liền tâu: “Chẳng giấu gì Thiên triều, thần từ nhỏ vốn người ham đọc sách thánh hiền, học đâu nhớ đấy nên bao nhiêu bồ chữ trong thiên hạ, thần đã thu về để nằm im trong bụng. Từ ngày sang quý quốc, khí hậu ẩm thấp, thần sợ chữ sách thánh hiền lâu ngày không dùng đến sẽ bị mốc nên nhân ngày nắng ấm, thần vạch bụng ra phơi cho khỏi mốc chữ đó mà thôi!”.
Thấy tài ứng đối lanh lợi lại thông minh và thấy có nhiều điều lạ, biết ông Minh không phải là người thường nhưng để thử tài cao học rộng và trí thông minh của ông đến đâu, vua Minh liền phán: “Đã lâu nay Thiên triều được nghe tin khanh là bậc thông minh, tài giỏi, nhưng trẫm chưa có dịp tiếp kiến. Nay nhân ngày vui vẻ trẫm ra một vế câu đối, khanh thử đối lại xem sao. Rồi vua Minh liền đọc:
Đồng trụ chí kim dài dĩ lục
(Cột đồng trụ tới nay rêu đã xanh).
Trong vế ra, vua Minh cố ý nhắc lại chuyện Mã Viện nhà Đông Hán xưa kia sang đánh nước ta đã dựng một cột đồng trụ để bêu xấu, khinh miệt nhân dân ta.
Nghe xong, căm giận trước sự xúc phạm tới danh dự của dân tộc mình, không cần suy nghĩ lâu, ông kiêu hãnh và dõng dạc đọc luôn vế đối:
Đằng giang tự cổ huyết do hồng
(Sông Bạch Đằng từ xưa máu còn đỏ)
Vế đối thật hoàn chỉnh, lời lẽ đanh thép và đầy khí phách anh hùng của người chiến thắng, cố ý muốn nhắc lại chuyện Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán (938), Lê Hoàn đánh tan quân Tống (981) và Trần Hưng Đạo đánh tan quân Nguyên Mông (1288) trên sông Bạch Đằng, để nhắc lại cái nhục của những quân xâm lược phương Bắc đã bao lần cướp nước Nam ta nhưng đều bị đánh cho tơi bời, tan tác.
Khiếp phục trước tài ứng đối, trí thông minh và lòng tự hào dân tộc của ông Minh, một phần uất ức trước việc sứ thần An Nam dám ngạo mạn nhắc lại cái nhục đi cướp nước của “Thiên triều”, bất chấp cả luật lệ bang giao, vua Minh liền nổi trận lôi đình hầm hầm nét mặt, quát tháo inh ỏi: “Sứ thần An Nam cố ý làm nhục Thiên triều, tội đáng xử trảm”, liền ra lệnh cho quân sĩ lấy trám đường gắn vào hai mắt và bịt miệng ông lại rồi cho mổ bụng ông xem “sứ thần An Nam to gan lớn mật đến chừng nào?”. Ngày ấy là ngày 2 tháng 6 năm Kỷ Mão (1639). Ông Giang Văn Minh bị giết chết năm 57 tuổi.
Sau khi giết hại ông Minh, vua Minh liền sai người lấy thủy ngân hãm vết mổ, cho ông ngậm nhân sâm rồi cho vào quan tài đóng kín có hai lớp gỗ dày (trong quan ngoài quách) rồi trao trả cho sứ bộ mang thi hài ông về nước an táng.
Thế là phái bộ chưa hoàn thành được nhiệm vụ vua giao đã phải lên đường về nước. Sau gần 6 tháng ròng, phái bộ đã phải vượt qua bao nhiêu chặng đường vất vả mới mang được linh cữu ông Giang Văn Minh về đến quê hương và đợi tại quán Đồng Dưa (nay ở gần thôn Phụ Khang) chờ vua Lê và chúa Trịnh về làm lễ an táng.
Được tin sứ thần Giang Văn Minh đã chết một cách anh hùng, vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng vô cùng thương tiếc. Đích thân vua Lê và chúa Trịnh đã về tận quê hương để dự lễ an táng ông. Đứng trước linh cữu vị sứ thần dũng cảm và thông minh, không chịu khuất phục trước uy vũ của quân thù để bảo vệ danh dự của Tổ quốc, vua Lê Thần Tông than rằng: “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” (Tạm dịch: đi sứ không trái mệnh vua, không để nhục nước, xứng đáng anh hùng thiên cổ) và truy tặng ông “Công bộ tả thị lang Minh quận công”. Trong lời văn truy điệu ông, có đoạn viết:
“Thục bất hữu sinh
Sinh như công gia
Sinh ư khoa giáp
Kỳ sinh gia vinh
Thục bất hữu tử
Tử như công gia
Tử ư quốc sự
Kỳ tử do sinh”…
Tạm dịch:
Ai chẳng có sống
Sống mà như ông
Sống nơi khoa giáp
Sống là hiển vinh
Ai chẳng có chết
Chết mà như ông
Chết vì việc nước
Mất cũng như còn…
Lễ an táng ông thật là trọng thể. Thi hài ông được bà con mai táng tại xứ Gò Đõng, trước mặt khu đồi Văn miếu của tỉnh.
Hiện nay, ngôi mộ của ông vẫn còn và được bà con họ Giang xây bệ gạch tay ngai, xung quanh có tường hoa để bảo vệ. Còn ngôi quán, nơi làm lễ an táng ông, được nhân dân địa phương gọi là quán Giang để ghi nhớ sự tích của vị sứ thần khảng khái đã làm vẻ vang cho đất nước.
"18 đạo sắc phong và một số cổ vật tại đình Mông Phụ (xã Đường Lâm - Sơn Tây - Hà Tây) vừa bị mất cắp. Trong khi người ta ca tụng làng Việt cổ đá ong Đường Lâm và sự ca tụng đó được "hiện thực hóa" bằng một dự án 300 tỉ thì cái quý giá bậc nhất, thường được cảnh báo là dễ mất nhất, lại bị mất cứ như chuyện đùa...
Kẻ trộm đã lấy đi thứ quý nhất của các cụ là 18 đạo sắc phong (chỉ phần lại cho các cụ cái hộp rỗng). Theo tài liệu duy nhất mà ông Nguyễn Tùng và bà K. Nelly ghi lại trong cuốn Mông Phụ - một làng ở đồng bằng sông Hồng thì các đạo sắc phong này ca tụng công đức của thánh Tản Viên, mỗi sắc phong chỉ khác nhau một số chữ được thêm bớt. Tước "dực vấn tán trị thành hoàng" (ghi trong đó) thường được nhắc tới khi cúng tế". Cũng theo tài liệu này thì bản sắc phong cổ nhất có niên đại 1651. Nhưng chưa hết, khi đạo chích trở ra, thấy đôi kỳ lân sơn son thếp vàng nằm chầu trước thượng điện, chúng cũng bóc nốt. Đây là hai con linh vật mặt sư tử, vảy rồng, đuôi quặp như đuôi chó được làm bằng gỗ rất tinh xảo. Trong khi mọi người còn chưa hết tiếc nuối thì ai đó chợt phát hiện cả chiếc trúc bản cũng không cánh mà bay. Đó là chiếc giá đỡ để đặt bài văn tế lên khi hành lễ - bị lấy đi vì chân đế của nó được tạo tác hình đôi kỳ lân rất đẹp.
Khi cổ vật ở đình đã không còn nữa, người ta mới nhớ thêm thứ này thứ nọ bình thường vẫn ở đấy bây giờ đi đâu? Chiếc đỉnh đốt trầm bằng đồng, người thì bảo cả chiếc lư hương nhỏ nữa cũng trước có mà nay không có. May mắn nhất là đôi câu đối. Có người bảo chúng đã dỡ một đôi xuống chở ra ngoài, nhưng thấy cồng kềnh quá lại thôi. Và khi treo trả, bọn "vô đạo", và... vô học ấy đã treo ngược đôi câu đối, vế bên trái sang bên phải và ngược lại." (http://maivang.nld.com.vn/).
"Mông Phụ là một làng nông nghiệp thuần túy. Nguồn sống chính của dân làng vẫn là từ nghề làm ruộng. Mông Phụ và Phụ Khang là hai làng chủ yếu của HTX Nông nghiệp Đường Lâm. Làng cổ, nghề xưa truyền đời nên người dân Mông Phụ có trình độ canh tác, kinh nghiệm cao. Họ thật sự là những lão nông tri điền. Họ có thể giảng giải cho chúng ta một cách tường tận về những trải nghiệm và hiểu biết của mình về đất, nước, cây con và thời tiết, mùa vụ như một chuyên gia thực thụ.
Xưa, ở đây có nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng đã trở thành phương ngôn:
Dưa hấu, dưa gang là làng Mông Phụ
Nước giếng Giang, khoai lang Đồng Bường.
Đàn bà con gái Mông Phụ không có vẻ đẹp thanh thoát của phụ nữ liễu yếu đào tơ mà họ có khuôn hình chắc khỏe của người con gái trong tranh Tố nữ và trong tác phẩm điêu khắc cổ dân gian. Mặt to, đầy đặn, lông mày dày, ánh mắt hiền hậu, vai rộng, ngực nở và tiếng nói ấm trầm. Đấy là những gì có thể nói về người con gái làng Mông Phụ. Những bà già Mông Phụ mặt vuông chữ điền, mũi to và cao, khiến người ta phải nghĩ rằng đây chắc là vợ hay con gái một ông quan nào đó.
Hy sinh và chịu đựng, chịu thương, chịu khó, nhưng người đàn bà thôn quê này rất hiền hậu, thương chồng yêu con rất mực. Và mỗi người đều mang sẵn trong mình cái mơ ước được “võng anh đi trước, võng nàng đi sau” trở thành bà Thám, bà Nghè, bà Cử. Nhiều người trong số họ được đáp đền xứng đáng.
Đặc biệt làng Mông Phụ có một người phụ nữ được tôn vinh là Hậu thần, được phối thờ cùng Thành hoàng. Đó là bà Giang Thị Thắng, chị gái của sứ thần Giang Văn Minh, một người phụ nữ thông minh, tài đức đã từng được vua vời vào kinh để làm Nhũ mẫu. Bà cùng với chồng là Phù Việt hầu Cao Phúc Diễn (người làng Cam Thịnh) được tôn vinh là Thánh ông và Thánh bà ở đình làng Cam Thịnh, cùng xã. Hiện nay, ở trong đình làng Cam Thịnh còn giữ được một tấm bia lớn “Hậu thần bi ký” dựng năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1712) đời Lê Dụ Tông để ghi nhớ việc ông bà đã cúng 400 quan tiền và 2 mẫu ruộng “thượng đẳng điền” cho làng.
Bà Phan Thị Biên là cháu dâu và các bà Giang Thị Phương, Giang Thị Thưởng là chắt của Thám hoa Giang Văn Minh là những người hưng công và có đóng góp lớn trong việc xây dựng giếng làng được ghi tên trong bia “Tu lý bi ký”.
Ai có về Mông Phụ hôm nay hẳn sẽ cảm thấy rất sung sướng vì được sống trong một không gian Việt trong lành, thuần phác. Không gian ấy là không gian hòa quyện giữa núi xa và đồi gần, giữa ruộng lúa nước và nương khoai đồi, giữa cái bình thản của thế đất và cái san sát của xóm làng, sự hòa quyện của cổ và kim trong kiến trúc, quy hoạch và lối sống cộng đồng. Không gian ấy đích thực là một không gian văn hóa nhiều chiều. Chúng ta sẽ gặp ở đây nét văn hóa của làng xưa chuộng lễ nghĩa, trọng học và sự tiến bộ. Từ xa xưa đến nay, Mông Phụ vẫn cứ là đất mến khách. Đến đây, bạn sẽ được thỏa ước nguyện tìm hiểu, nghiên cứu, khám phá cho dù bạn là người khó tính hoặc cầu toàn nhất. Văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của làng Mông Phụ như mách bảo cho bạn biết rằng bạn đã đến một làng văn hóa thực thụ. Làng văn hóa này không phải của riêng Sơn Tây, hay tỉnh Hà Tây mà là của cả nước.
Về với Mông Phụ, cho dù bạn không phải là người con của quê hương ấy thì khi cất bước chân đi bạn cũng sẽ thấy đây là một quê hương của bạn rồi. Vì rằng Mông Phụ có tất cả vẻ đẹp cổ truyền và vẹn nguyên của một làng văn hiến mà hồn của muôn xưa vẫn còn hiện diện đâu đây, trong giọng nói tiếng cười, trong nếp sinh hoạt của người dân hôm nay." ( tusach.thuvienkhoahoc.com).
"Đến Đường Lâm vào thăm làng Việt cổ đá ong, một mình mình nghe tiếng bước châm mình rộn lên trong từng ngõ nhỏ, chắc bạn cũng cảm thấy hình như có một điều kỳ diệu còn tiềm ẩn dưới lớp đá dày trầm mặc đã tích tụ tự bao đời. Ra khỏi cổng làng Mông Phụ (Chiếc cổng duy nhất còn xót lại) mấy chữ đại tự còn in đậm trong lòng: "Thế hữu hưng ngơi đại" (thời nào cũng có người tài giỏi). Phải chăng đó là lời động viên, nhắn nhủ của tiền nhân với chúng ta hôm nay. Vì vậy, chúng ta những thế hệ con cháu đi sau phải cố gắng tiếp bước những dấu chân của ông cha ta đi trước để lại, để cho một Đường Lâm không bao giờ mục nát mà nó sẽ trường tồn cùng thời gian."
Xin theo dõi tiếp bài 9. dienbatn.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét