6/ MỘ CHA VÀ MỘ VỢ CẢ CỦA CỤ VI VĂN ĐỊNH TẠI NÀ KHƯA - KHUẤT XÁ - LỘC BÌNH .
Chúng tôi ghé thăm mộ của cụ VI VĂN LÝ ( 1830 - 1905 - Là cha của VI VĂN ĐỊNH ) , nằm cạnh còn có mộ bà HÀ THỊ BẠCH ( là chính thất của cụ ĐỊNH ) . Hai ngôi mộ này nằm theo hướng Tọa Thân - Hướng Dần tại khu vực Nà Khưa - Xã Khuất xá - Lộc bình . Đây là hai ngôi mộ có kết cấu kiểu Pháp có pha thêm bản sắc miền sơn cước rất đẹp . Đầu hai ngôi mộ đều xây thành những vòm cuốn cao , bên trong có chứa Bia mộ . Đằng sau là thấn mộ , xung quanh từng mộ có hàng tường gạch xây bao bọc cuốn theo kiểu túi đựng tiền . Hướng mộ trước kia khi chưa có con đường chạy qua trước mặt , nhìn xuống một bãi trống , có con sông Kỳ cùng uốn lượn qua . Đằng sau mộ phía xa xa là một dãy núi cao vút , mây vắt ngang triền núi . Nếu không có con đường và cây cầu gần đó án hướng mộ thì đây cũng là một kiểu đặt mộ điển hình của người Hoa ngày trước . Người viết còn có một điều chưa ưng ý và đã trao đổi với dòng họ Vi là nên đưa mộ Vi Văn Định tập kết về nơi này vì thực ra chỉ có bố chồng và nàng dâu nằm cùng chỗ như vậy cũng thật bất tiện .
Tổng đốc Lạng Sơn - Vi Văn Lý (1830-1905).
Truyền thống đánh giặc Phương Bắc của Gia tộc Họ Vi được ghi trong cuốn Quan và lại ở miền Bắc Việt Nam - Một bộ máy hành chính trước thử thách (1820-1918), tác giả Emmanuel Poisson (Phó giáo sư Đại học Paris VII - Denis Diderot), Người dịch: Đào Hùng và Nguyễn Văn Sự -Nhà Xuất bản Đà Nẵng năm 2006, được biết như sau:
“…có 3 quan người Tày thuộc về một dòng họ đã bám rễ rất lâu đời trong các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn. Nghiên cứu ba dòng họ cho thấy họ đã thường xuyên có vai trò lớn trong bộ máy phòng thủ biên giới với Trung Hoa sau những thời kỳ đoạn tuyệt liên tiếp về chính trị.
Nông Hùng Tân, tri phủ Tương Uyên sinh ra ở xã Gia Lạc, tổng Nam Quang, phủ Tương Yên, tỉnh Cao Bằng vốn là dòng dõi các thổ ty đã cai quản châu Bảo Lạc ít nhất là từ thế kỷ XI…
Một dòng họ Tày khác, Ma Doãn quê ở tổng Thổ Bình, châu Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang cũng có người làm trong bộ máy cai trị…
Dòng họ Vi cũng đưa ra thí dụ cuối cùng về những gia đình có công giữ gìn biên cương. Vi Văn Lý, tuần phủ Lạng Bằng năm 1896 quê thôn Lộc Mã, xã Khuất Xá tổng Khuất Xá, châu Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, xuất thân từ một trong 7 họ lớn (gọi là Thất tộc) Tày, làm thổ ty từ nhiều đời. Đó là những đại địa chủ rất có ảnh hưởng và rất đoàn kết với nhau trong vùng.
…cha Vi Văn Lý là Vi Thế Tuân đã được bổ làm tri châu Lộc Bình tỉnh Lạng Sơn, ông giữ chức này đến 1854. Con trai là Vi Văn Lý được 7 họ tộc ở Lạng Sơn bầu làm thiên hộ, hẳn đã giữ một vai trò quyết định trong việc phòng thủ biên cương chống lại những xâm nhập của Trung Hoa. Ông không những phòng thủ địa giới tỉnh mình (châu Lộc Bình, huyện Yên Bác), mà còn đem quân giúp Cao Bằng (châu Thoát Lãng và Văn Uyên), Quảng Yên và Thái Nguyên.
Ảnh hưởng của Vi Văn Lý và công trạng đánh lui giặc giã Trung Hoa trong những năm 1853, 1854, và 1859 đã khiến các quan tỉnh phải dựa vào ông để cai trị yên ổn trong vùng. Chúng ta hãy vẽ lại các giai đoạn của việc thu phục các thủ lĩnh người dân tộc ở vùng biên giới. Tuần phủ Lạng Bằng là Bùi Huy Phan lo lắng thấy công sự phòng thủ biên giới ở các phủ Trường Định, Trường Khánh (Lộc Bình trực thuộc Trường Khánh) không bảo đảm như không có thành lũy đồn binh nên năm 1860 đã đề nghị Triều đình chọn thiên hộ, bá hộ, cai và phó tổng trong phủ, sức cho họ mộ dân tráng mỗi phủ 50 người, và cấp bằng cho họ làm đội trưởng, đốc suất lính mộ đóng giữ thành phủ. Nhà Vua chuẩn y và Vi Văn Lý đã được ân hưởng chính sách khen thưởng này. Tỉnh thần Lạng Bằng cấp bằng “quyền sung chánh đội trưởng suất đội” cho ông. Năm đó ông mộ quân đóng giữ đồn Chi Ma. Hai năm sau, trong việc lấy thành Cao Bằng, ông tập hợp được 500 quân góp phần chiếm lại pháo đài dưới quyền của tuần phủ Lạng Bằng. Năm 1863 ông được phong đại chánh đội trưởng suất đội thực thụ. Một dịp biểu lộ sức mạnh của ông là năm 1876 ông quyên cho quân đội của tỉnh 200 hộc thóc tương đương với 560 quan tiền.
Chắc là công sức đóng góp quân sự nhiều mặt của Vi Văn Lý đã đưa đến hai đạo chỉ dụ của Triều đình năm 1880, khuyến khích toàn thể các thổ ty, các tỉnh Hưng Hoá, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng mộ thêm quân lính. Vi Văn Lý được ban thưởng rất hậu, hai mươi bốn mề đay trên khắc những dòng chữ đề cao lòng can đảm của ông giữa 1853 và 1862: 15 ngân tiền trên khắc chữ “Sử dân phú thọ”, 8 phi long đại hạng ngân tiền, 1 ngân bài trên khắc chữ “Thưởng công”. Ông được bổ tri huyện Yên Bác (1865), tri phủ Trường Khánh (1869) rồi trở lại Yên Bác làm tri huyện (6-11/1874), tri huyện Văn Quan (tháng 11/1874) rồi tri phủ Trường Khánh lần thứ hai (1-6/1878). Tháng giêng năm 1879 ông được bổ bang tá tỉnh vụ và năm 1883 được ban tước hàm thị giảng học sĩ tòng tứ phẩm.
…Nghiên cứu trường hợp của Vi Văn Lý thấy rõ vai trò bảo vệ biên cương của dòng họ ông dưới triều Nguyễn vào đầu thời kỳ thuộc địa, tuy nhiên cũng cần bổ sung thêm. Nếu muốn hiểu rõ thêm thẩm quyền của ưu thế họ Vi thì phải đẩy cuộc nghiên cứu xa hơn về tình hình trước đó…
…Thành phần hợp thành của dòng họ lớn nhất trong 7 thổ ty chắc chắn là đã biến dạng với thời gian và tùy thuộc vào ảnh hưởng qua lại của họ. Giữa thế kỷ XIX đó là những người đứng đầu 7 dòng họ lớn nhất đã có vai trò nổi trội nhất. Chúng ta nhớ lại rằng họ đã bầu Vi Văn Lý.
Rõ ràng việc hình thành 7 họ lớn ở Lạng Sơn đã bắt đầu từ giữa thế kỷ XV. Phần lớn họ xuất thân ở Nghệ An, tổ tiên của họ đã có vai trò chủ yếu trong việc lập nên nhà Hậu Lê. Họ đã ủng hộ nghĩa quân Lê Lợi từ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn năm 1418 và cung cấp lực lượng cho quân khởi nghĩa. Phụ trách tác chiến trong các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, họ được Vua đầu Triều ban thưởng như phong cấp đất đai, ban chức tước phẩm hàm cha truyền con nối. Sự liên minh với Lê Lợi xác nhận mối quan hệ xa xưa với chính quyền vương triều trung ương: một đại thần - chi thứ 2 có một vị thượng thư đầu tiên dưới đời Trần Thái Tông (1251-1258), vua khai sáng triều Trần - nhiều quan võ đi đánh Chiêm Thành dưới đời Lý (chi thứ 8) hay đời Trần (Vi Kim Kính chi thứ nhất), các sứ thần tham gia các sứ bộ đi Trung Hoa (chi thứ 8)..”
(Theo Gia phả họ Vi: cụ Tổ Vi Văn Lý là đời thứ 12).
Mộ Tọa Thân - Hướng Dần - Thuộc cung Cấn - Đông Bắc - Phân kim : Mậu Thân - Nhâm Dần là huyệt khí bảo châu . Nhâm Dần khí ở chính long Dần, thì phú quý, phúc trạch dồi dào, lắm ruộng nhiều vườn, sẽ ứng vào các năm Tị, Dậu, Sửu. Nếu thấy thủy ở phương Ngọ xung thì quan tài có bùn là hỏng.
7/ KHU MIẾU THỜ NƠI ÔNG VI VĂN LÊ CHẾT DƯỚI SÔNG KỲ CÙNG TẠI BẢN TẤU - TÚ ĐOẠN - LỘC BÌNH .
NHỮNG NGHI ÁN PHONG THỦY TRONG DÒNG HỌ CỤ VI VĂN ĐỊNH .
Trong dòng họ cụ VI VĂN ĐỊNH có nhiều nghi án liên quan đến Phong thủy mộ phần . Người viết xin được điểm lại như sau :
* VI VĂN LÊ : Là con trai cụ Định đi ngựa qua sông Kỳ cùng , bị ngưa vướng rễ cây chồm lên , hắt ông Lê xuống và bị ngựa dẫm chết tại khúc sông ở Bản tấu - Xã Tú đoạn - Huyện Lộc bình . Ở nơi này còn có miếu thờ của ông .
* Bà VI THỊ TƯ ( Là em của cụ Định ) , khi đi ngựa ở Từ Liêm - Hà nội bây giờ , ngựa vướng vào rễ bèo Nhật bản chồm lên xô bà xuống ao chết đuối .
* Bà HÀ THỊ BẠCH ( Là chính thất của cụ Định ), trong khi cưỡi ngựa thăm con gái , ngựa vấp ngã làm bà tử thương tại xã Ứng hoà - Hà tây bây giờ . Mộ bà hiện nay được táng tại khu đất Nà Khưa - Xã Khuất xá - Lộc bình - Lạng sơn .
* Con trai cụ Định là VI VĂN HUYỀN yêu một bà đầm người Pháp. Vì gia đình hai bên cấm cản sao đó mà đã dùng súng lục bắn tự vẫn làm cả hai người bị chết tại Hải phòng .
Có một điều hết sức kinh ngạc là Cha cụ Định mang linh khí của Bạch hổ thì các con , cháu lại hay phải chết vì ngựa ???
Khu miếu thờ tại BẢN TẤU - TÚ ĐOẠN - LỘC BÌNH .
8.TRÍCH LỤC CUỐN : THẤT TỘC THỔ TY Ở LẠNG SƠN .
(Tác giả LÃ VĂN LÔ sưu tầm và dịch từ bản chữ Hán , có tham khảo bản dịch của cụ ĐỖ MỘNG KHƯƠNG .)
Lời tựa : Mới đây , người viết may mắn có trong tay bản dịch trên của tác giả là nhà Dân tộc học LÃ VĂN LÔ ( 1973 ) . Trong bản THẤT TỘC THỔ TY này có phần viết về dòng họ VI ở Lạng sơn rất hay . Người viết xin trích đăng để các bạn có tài liệu tham khảo . dienbatn .
HỌ VI
Xét gia phả họ Vi , nguyên tổ tiên là họ Hàn tên là Nhân , dòng dõi của Hoài Âm hầu Hàn Tín . Lã Hậu nghi Hàn Tín mật thông với Trần Hy làm phản , nên cùng lập mưu với Tiêu Hà diệt trừ Hàn Tín . ( Khoảng năm 110 trước CN ) . Lúc bấy giờ một người thiếp của Hàn Tín có thai, Tiêu Hà mật gửi cho Triệu úy Đà ở Lĩnh Nam nhận nuôi . Đà làm Long châu lệnh ( Long châu nguyên là đất Việt ta , thời Tần Vua sai Triệu Đà theo Nhâm Thao sang chia cai trị , đất ấy đến bây giờ thuộc Hán ) , nuôi nhận ( tức là con người thiếp của Hàn Tín ) rất chu đáo . Khi Nhân trưởng thành , giúp Đà làm việc , Đà chia đất cho từ Thượng Thạch trở đi , lấy phía Đông làm giới hạn . Đà sai Nhân bỏ nửa chữ Hàn đi trở thành họ Vi từ đó ( để tránh chu di Tam tộc ) . Từ khi Nhân ở đất Long châu , từ Thượng Thạch về phía Đông , Cổ Lân , Tư lãng về phía Bắc đều giao cho Nhân quản trị . Đến lúc họ Triệu suy , Nhân chiếm ức đất Long châu , sai con thứ chín là VI TIẾT NGHIÊM , giúp cai trị . Sau Nghiêm kiêu ngạo làm bậy bị Hồ giết chết ( Hồ là cháu Triệu Đà , con Trọng Thủy lấy Mỵ nương nước Việt sinh ra ) . Họ hàng con cháu lánh nạn về đất Nhật nam , trở thành một dòng họ quý tộc ở đất này . Như thế đủ thấy Phúc trạch họ Vi đầy đặn và lấu dài . Đến đời Trần , khoảng năm HƯNG LONG ( 1293 - 1314 ) , có VI KIM TÔN , xuất thân từ một người lính , làm Quan đến chức Đông dinh Đô Đốc phủ , tước phong Vạn Quận công , truyền cho con tên là KIM ĐỈNH , làm quan ở đất Hoan châu ( Tức Nghệ an bây giờ - NV ) , kiêm chức trưởng hải liên . ( Lúc bấy giờ Triều đình sai ông đào sông để chở lương thực đánh Chiêm thành ) . Ông làm nhà ở chỗ Châu Lỵ ( Nghệ an - NV ) , phía Đông Thành ( trên đất xã Vạn Phần ) . Vì có công làm đường thủy thuận tiện cho việc chở lương , nên được phong Cận Quận công . Đến đời cháu là KIM THẮNG , lấy chân Ấm tự , được bổ vào Trực Diện Kim đao Ty , trẻ tuổi , giỏi giang được Vua yêu quý . Đến đời Vua hiện ??? năm Xương Phù ( 1377 - 1388 ) , lại được giữ chức Kim Ngô . Từ khi HỒ QUÝ LY cướp ngôi , ông giận việc thoán nghịch không theo , liền vượt mọi khó khăn , ngầm sang Trung quốc cầu cứu để khôi phục lại nhà Trần . Vì không thỏa mãn được chí hướng của mình , Ông ẩn náu ở vùng biên giới . Người nhà Minh mời ra làm quan , Ông cũng không ra . Được tin Vua LÊ THÁI TỔ khởi binh ở Lam sơn , để đánh đổ chính sách đô hộ tàn bạo của nhà Minh , Ông lập tức chiệu tập dân binh trong các động , sách đi theo giúp Vua đánh giặc . Giặc bình xong , khi luận công , ông được liệt vào hàng Khai Quốc Công Thần , được phong chức Trụ Quốc tước thảo lễ Đô đốc mật Quận công , được dự vào việc Khu cơ ( tức là việc mật của Triều đình ) . Thời bấy giờ , họ Hồ chiếm cứ vùng Lạng sơn ( Tức HỒ KIM KHUÊ ) , có tên Mao Quốc công làm Nguyên soái . Năm Thuận Thiên thứ tư ( 1431 ) , Vua sai con trưởng của Ông là VI PHÚC HÂN , giữ chức Đô Đốc đồng tri Hoàn Quận công , cầm một đạo quân đông tới ba vạn người và Voi lên Lạng sơn tiễu phỉ , chiêu dân ( lúc đó dân siêu tán để tránh loạn lạc ) . Ông cai quản xứ Quảng Yên , sau làm Trấn thủ biên thùy , Triều đình cho lấy châu Lộc Bình làm quê quán , đời đời làm Phiên thần , không cho về quê nữa . Ông sinh được 5 người con trai , con trưởng là THẾ THẬN , con thứ là THẾ HUỆ chia nhau cai quản châu Lộc bình . Con thứ ba là THẾ KỲ ở An châu - Huyện AN BẢO . Con thứ tư là THẾ TẰNG ,ở Ôn châu . Con thứ năm là THẾ TRẠCH châu Bình Tây ( Xã Xuân Lễ - Châu Cao Lộc ngày nay ) , đều được phong làm Kinh Lược sứ ( Theo quan chế triều Lê là tước quan Chánh Ngũ phẩm được phong tước hầu ) . Sau THẾ THẬN được phong tước Công , truyền 2 đời đến DIÊN ĐÌNH , ba đời đến HOÀNG HOÃN ( ? ) , bốn đời đến HÂN ĐƯỜNG , gặp lúc nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê , con HÂN ĐƯỜNG là NHỮ DIỆC hầu Đức Thứ ( ? ) , cháu Trúc Quận công Đức Quảng không chịu theo nhà Mạc . Còn chi thứ hai là con cháu THẾ HUỆ là VI ĐỨC SỸ , đem dân thuộc hương động của mình phụ thuộc vào triều nhà Minh . Từ đấy , châu Lộc bình mất đi một nửa phần thượng du ( tức là từ đất Tư Long thuộc tỉnh Quảng tây bây giờ ) . NHƯ DIỆC cho con là ĐỨC TỰ cố giữ trại sách ( sau Tự có công được phong Thọ Quận công ) . Tự đem đồ đảng đi vào Nghệ an theo Vua Lê . Lúc bấy giờ Vua nhà Minh tha tội cho họ Mạc , con cháu MẠC ĐĂNG DUNG là Phúc Hải làm An Nam Đô thống , lấy vùng Thanh - Nghệ giao cho Vua Lê để thờ cúng Tổ tiên , tức LÊ TRANG TÔNG trung hưng , hiệu là Nguyên Hoà ( 1533 - 1548 ) . Còn Vua Lê húy là Minh thì biệt phong là Thống sử Ty . Thời đó họ Mạc lên chiếm cứ vùng Lạng sơn , có Ngụy Đôn hậu Vương Mạc Kính Cung chiếm cứ châu Văn Lan , lên ngôi Vua ở xã An Bài ( Ngụy Thái bảo Nguyễn Dự làm mưu chủ , ở Lạng sơn có hào tướng họ Nông , họ Hà đi theo nhà mạc ) . Mạc Kính Cung tiếm xưng hiệu là Càn Thống ( 1593 - 1635 ) , đắp thành Khánh Dương ( bây giờ ở núi Vệ sơn , Đông Kinh , nền Thành cũ vẫn còn ) ... duy có Thọ Quận công bày mưu đánh giặc , bảo toàn được Tỉnh Lạng sơn , đánh giết được Vương Mạc Đôn hậu ở An Bác , đuổi Kính Cung về Cao Bằng . Dến khi nhà Lê trung hưng lên , Triều đình cho làm Tam Đô Ty quản binh để chống lại nhà Mạc . Đây là việc thưởng công cho cha con Thọ quân mà Tỉnh Lạng sơn đặt chức quan Ty từ đó . Triều đình lại cho con cả Thọ Quận công là ĐỨC KHÁNH làm Tam Ty trưởng , được phong Lại Quận công , truyền đến cháu là ĐỨC THẮNG , tước vị càng cao đã từng phụng mệnh đi khắp xứ Bắc quốc , được thưởng hai Huyện BẢO LỘC và LỤC NGẠN làm Thái Đô để lấy binh , lương . Lúc bấy giờ , họ Vi có người con nuôi là HÀ ĐÔN , là con thứ của Tây sơn hầu HÀ ĐIỀM . Lại Quận công lấy em gái Đôn làm vợ lẽ , được ông yêu quý hơn các vợ khác . Đôn học nhiều mà tinh ranh , vũ dũng hơn người , đi đánh giặc ở Cao bằng xung phong vào trận bắt giặc ( bắt được ngay tướng MẠC KHÁNH SỬ ) , đánh bại TRẦN SÙNG VĂN , được phong Lục Quận công , đổi lấy họ Vi tên là ĐỨC ĐÌNH . Vua lại sai đi Cao Bằng hòa giải với Mạc Long Thái Vương . Vương lấy hai tôn nữ là hai nàng Đông Hoa và Quế Hoa , gả cho Đôn và cho về quê . Lại Quận công không về , Đôn lấy con gái họ Mạc mà nghi ngờ . Đôn ngấm ngầm muốn chiếm đoạt dòng họ Vi . Nhưng Kiêm Nghĩa hầu ( tên là ĐỨC THỤ ) , vẫn bao dung không chống cự . May mà lòng Trời giúp họ Vi , Hà Đôn chết mà ĐỨC THẮNG ( Vũ Quận công ) mới đi xứ Trung quốc về ( Ông có bài kể về Hà Đôn rất thâm chép ở tập Văn học ) . Được lần lượt an ủi , vỗ về , họ hàng nói ( Gia phả họ Vi thì thấy chép : Tháng 2 năm Phúc Thái ( 1647 ) , Lục Quận công là HÀ ĐÌNH MÚC giết Sóc Nghĩa hầu VI KHAO . Em là ĐỨC THỤ thế cô bèn ngầm mang cháu là PHÚC AN đương đêm chạy sang Bảo Lộc , nâng tựa Lại Quận công . Lúc bấy giờ ĐỨC ĐÌNH xưng Phò mã Quốc công , sắp làm việc trái phép ( Triều đình cũng không làm gì được ) . Đến đời Khuê Quận công PHÚC VỊNH mới dời chỗ từ Dinh Chùa ( Xã Tú đoạn - Huyện Lộc bình ) đến ở núi Lục Mã ( Xã Khuất xá , Lộc bình ) . Nguyên xứ này núi sông quanh co , đất từ dãy núi Côn Sơn , Mẫu Sơn chạy sang , hai sông gặp nhau thật là một thắng cảnh của cả Tỉnh Lạng sơn , không riêng chỉ là nơi núi non của một khu .
Nguồn gốc Gia thế bảy họ Thổ Ty thì họ Vi là dòng họ trâm anh hơn cả . Trải qua 22 đời nhờ ơn nước , các đời nối tiếp nhau cai quản dân làm đến Khanh Tướng , có hơn 100 người làm Công , Hầu , Bá không thể đếm xiết .Chỉ có Thọ Quận công , Lục Quận công , Vũ Quận công , Khuê Quận công , bốn ông trong số 10 Quận công giữ chức kiêm cai quản tỉnh đến sông Bồ đề , uy trấn biên thùy , tiếng vang trong Nam ngoài Bắc , được Triều đình ban thưởng Huân công , công lao bậc nhất , cấp thêm cho hai Huyện Trung châu làm ngụ lộc . Tướng bày tôi được ân vinh đến như thế là tột bậc . Năm Chiêu Thống thứ 2 ( 1789 ) , Mẫn ?? để tránh sự uy hiếp của Tây sơn - Nguyễn Huệ , chạy từ Gia Bình đến Hữu Lũng , đóng ở Cần Dinh , sai quan Nội hàn là Ngô Trí đem chiếu chỉ triệu tập các phiên thần vùng Cao Lạng sơn đến giúp Vua . Lúc bấy giờ họ Vi có Hiền xuân hầu PHÚC KIÊN , họ Nguyễn có Nhuệ Trung hầu ĐÌNH THÁI , đem nghĩa binh hơn 1000 người đi theo Vua . Lưu Việt trung hầu Phúc Bảo giữ Lạng sơn . Năm sau quân Thanh đến cứu viện thua chạy về , Vua chạy đến 10 ngày , bảy họ Phiên thần toan xin Vua tạm lánh ở Cao Bằng để dần dần mưu đồ việc khôi phục . Vua lại nghe TÔN CHẾ HUÂN ( Tức TÔN SĨ NGHỊ ) cùng ra Nam quan rồi sang Trung quốc . Vua ra sắc phong cho Xưởng Quận công HÀ QUỐC KỲ hợp lực với Vi hầu Phúc Kiên ở lại chống quân Tây sơn - Việt Trung hầu Phúc Bảo mang gia quyến và đồ đảng ( tham trần HOÀNG ĐÌNH CẦU , phòng ngữ NGUYỄN ĐÌNH CHẤT ) , theo Vua sang Quảng tây . Sau nghe bản triều CAO HOÀNG ĐẾ khởi binh ở cõi Nam , Phúc , Bảo , và Đình Chất lại xin theo Vua về và được Vua cho y như chức cũ làm Thế Thần đời đời kế tục cai trị Hạt mình . Vụ khởi loạn năm Quý Tỵ ( Ngụy Khôi ) , , họ Vi không có ai liên quan . Gần đây có XUÂN PHƯƠNG công làm đến Hiệp Biện Đại Học sĩ , mở phủ bản hạt , tước phong trường phái Nam . Sau này còn nhiều người tài giỏi kế tục không dứt .
HỌ VI Ở LẠNG SƠN VÀ CÔNG LAO CỦA ĐÔ ĐỐC VI ĐỨC THẮNG ĐỐI VỚI XỨ LẠNG .
(Bài của HOÀNG GIÁP - Viện nghiên cứu Hán - Nôm ).
Lạng sơn xưa là Lạng châu ở nơi địa đầu Tổ quốc . Nhìn lên bản đồ , Lạng sơn như một con diều sải cánh không bết mỏi mệt . cánh bên trái là Lộc bình , Đình lập ; Cánh bên phải là Văn quang , Văn lãng , Tràng định . Trục đối xứng là Đồng đăng , Cao lộc , Thị xã . Đồng Mỏ và Hữu lũng .
Lạng sơn trải qua bao thăng trầm sóng gió biến thiên lịch sừ mà lúc nào cũng ngẩng cao đầu ở vị thế tiền tiêu . Hôm nay lạng sơn vất cánh bay cao hơn , bay xa hơn , xứng đáng là một trung tâm Kinh tế , văn hóa của một nút giao lưu hội tụ Quốc tế . Sở dĩ lạng sơn có được điều đó vì Lạng sơn có sức mạnh của 7 họ Thổ ty và của Nhân dân các dân tộc tày , Nùng , Dao , Kinh , Hoa ...ngàn đời sinh sống tại đây .
Trong bài này tôi xin được nêu kiến giải bước đầu của mình về họ Vi , một trong 7 họ Thổ ty ở lạng sơn và con người tiêu biểu của họ là VI ĐỨC THẮNG .
DÒNG HỌ VI Ở LẠNG SƠN
Đến nay có rất nhiều giả thiết về nguồn gốc họ Vi ở lạng sơn . Để có một kết luận xác thực về nguồn gốc họ Vi âu cũng lắm công phu . Thuyết thứ nhất cho rằng họ Vi là con cháu Hàn Tín . Chữ Hàn 韓 , một bên là chữ Trác 卓 , một bên là chữ Vi 葦. Truyền rằng hàn Tín bị ghép vào tội phản nghịch chu di Tam tộc thì một số người họ Hàn , trong đó có vợ bé hàn Tín đang mang thai chạy trốn sang Giao chỉ , cư trú tại Tổng vạn phần xứ Nghệ an , sau đổi làm họ Vi. Đến thời Lý , Trần , ông cha họ đã từng làm quan có công . Khi đó họ lại chuyển đến cư ngụ tại phía Tây núi Huyền đình - Lục ngạn - Bắc giang . Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh , họ lại giúp lê Lợi , có công nên được phong Đô đốc Đồng tri ( Phó Đốc trấn ) , trấn giữ Lạng sơn , đời đời con cháu được phân phong ở Lộc bình . Đất Bắc ninh , Bắc giang , Lạng sơn trong Lịch sử gắn chặt với nhau , lúc thì gọi là Lạng giang , khi thì gọi là Đạo Kinh bắc , nên họ Vi ở Lục ngạn được coi là " bản xứ " tức người Lạng sơn .
Nguyễn Đình tộc phả ( Hiện anh Nguyễn đình Bao ở Thị trấn Na sầm - Văn lãng cất giữ ) chép : " Con trai thứ 8 Vũ Nghĩa tướng quân Đô đốc Thiêm sự Nghi Quận công Nguyễn Cẩm Miên đem binh mã 15.000 người đến lạng sơn làm Chánh Tuần phủ . Người bản xứ lạng sơn , Đô đốc Đồng tri Hoàn Quận công VI ĐÌNH HÂN cũng đem 15.000 tướng sĩ , binh mã lên Lạng sơn làm Phó Tuần phủ đóng tại Đoàn Thành cùng chế ngự biên cương . Chia giữ các Quan ải Nam quan , Bình nhi , Bạc khư, Bình lăng , Lân quan , Phân quan , Kết quan . Mỗi Quan ải đều 2.000 người chốt giữ . Bấy giờ chiến sự vẫn xảy ra , Triều đình ra lệnh chỉ buộc hai họ Nguyễn và Vi ở lại giữ Lạng sơn , không được về quê , thế tập cha truyền con nối làm Phiên Thần " .
Thuyết thứ hai cũng thừa nhận Tổ tiên của họ Vi sống ở Nghệ an , nhưng không phải ở Tổng vạn phần mà là ở xã Phát xá - Huyện Thiên lộc ( Can lộc ) . Người được cử lên trấn giữ lạng sơn không phải là VI BÌNH HÂN mà là VI THẾ ĐỨC .Thuyết này không hề nói đến họ Vi chuyển từ Nghệ an đến cư trú tại núi Huyền đình - Lục ngạn - Bắc giang .
Trong bảng kê khai Gia phả của Tuân Vũ bá Vi Đình Trinh ( bản sao năm Khải định thứ 4 - 1919 ) có chép : " Thủy tổ Tuyền Quận công VI THẾ ĐỨC quê ở xã Phát xá - Huyện Thiên lộc xứ Nghệ an . Bấy giờ theo khởi nghĩa ( Lam sơn ) , có công được Vua ghi nhớ công lao cho làm Phiên Thần xứ Lạng sơn , hưởng lộc nước , đời đời kế tập , cư trú tại xã Suất Lễ - Châu Lộc bình " .
Hai thuyết trên có khác biệt , nhưng có nhiều điểm chung :
1/ Tổ tiên họ Vi ở Lạng sơn trước đây có cư trú tại Nghệ an , đã có công với nước được phong tước .
2/ Họ Vi được phong đất ở châu Lộc bình - Tỉnh Lạng sơn .
Họ Vi được kế tập làm Phiên Thần ở Lạng sơn để bảo vệ biên cương Tổ quốc .
CÔNG LAO CỦA ĐÔ ĐỐC VI ĐỨC THẮNG ĐỐI VỚI XỨ LẠNG .
VI ĐỨC THẮNG người xã Khuất xá - Châu Lộc bình - Phủ Trường kháng xứ Lạng sơn - Đạo Kinh Bắc nước An Nam . Vào những năm Vĩnh Trị ( 1676 - 1680 ) được Trịnh phong là Đô tống binh sứ ty Đô Tổng binh sứ , Bắc quân Đô đốc Thiên sư , Vĩ Quận công ( Chức này sau gọi là Đốc trấn hay Tổng trấn ) .Những năm này VI ĐỨC THẮNG là vị Quan cao nhất trông coi xứ lạng .
Từ khi VI ĐỨC THẮNG được phong là Đố đốc Thiêm sự , ông đã có nhiều cống hiến đối với mảnh đất biên cương này . Điều đầu tiên phải nói đến là VI ĐỨC THẮNG cùng hai phó tướng là NGUYỄN ĐÌNH LỘC , THÂN ĐỨC TÀI đã giữ yên biên giới , làm tốt việc bang giao để dân 7 Châu xứ Lạng an cư lạc nghiệp .
Sắc chỉ ngày 16/10 năm Vĩnh Trị thứ nhất 1676 , khẳng định : " Đại nguyên soái Trưởng Quốc chính Thượng sư Tây vương ( TRỊNH TẠC ) lệnh chí : Đô đốc Tổng binh sứ Đô đốc Thiêm sự Vĩ Quận công VI ĐỨC THẮNG , Tổng binh Đô đốc đồng tri Thao Quận công NGUYỄN ĐÌNH LỘC , Tổng binh Thiêm sự Đề đốc Vinh Quận công HOÀNG CÔNG BÌNH , Quảng úy Đại sư Vi đường hầu HÀ ĐỨC TUẤN , Đề đốc Cường Quận công NGUYỄN ĐÌNH KẾ , Đề đốc kiêm Thọ hầu VI PHÚC QUỐC , Tham đốc kiêm Tài hầu HOÀNG CÔNG HIỀN , Hào xuyên hầu VI ĐÌNH BÌNH xứ Lạng sơn ...Nếu được tin của Tuyền Quận công ( NGUYỄN KHẮC TUY ) thì phải đem quân đến tiếp viện , hiệp lực vây đánh cốt giết sạch lũ giặc . Ai chém được đầu giặc , hay bắt sống được chúng , thu được ngựa , vũ khí , có công phải được đối chiếu hậu thưởng để động viên khuyến khích . Đồng thời phải lập nhiều đồn , tăng thêm quân để tiệu trừ tiêu diệt bọn phản loạn . Chế độ rõ ràng , kẻ nài vi phạm sẽ có Quốc pháp . Nay ra lệnh " .
ƯỚC VỌNG CỦA DÒNG HỌ VI HIỆN NAY .
" Chúng tôi gồm đại diện các hậu duệ của dòng họ Vi , dân tộc Tày tại Bản Chu , xã Khuất xá , Huyện Lộc bình , Tỉnh lạng sơn , xin trình bày với ... như sau .
Theo Gia phả của họ Vi , cũng như trong Địa chí của Tỉnh Lạng sơn , do NXB Chính trị Quốc gia xuất bản năm 1999 , và theo tư liệu sưu tầm và dịch từ bản chữ Hán của nhà Dân tộc học Lã Văn Lô ( Viện dân tộc học Việt Nam ) , họ Vi là một trong 7 dòng họ lớn ở Lạng sơn . Cụ Thủy Tổ là VI KIM THẮNG ( ở Nghệ an ) , đem quân theo Vua LÊ THÁI TỔ khởi nghĩa ở vùng Lam sơn , góp phần đánh đuổi quân Minh . Giặc bình xong , khi luận công , ông được liệt vào hàng Khai Quốc Công Thần , được phong chức trụ Quốc tước thảo lễ Đô đốc Mật Quận công , được dự vào việc khu cơ . Năm 1431 , Vua sai con trưởng của ông là VI PHÚC HÂN giữ chức đồng tri Hoàn Quận công , cầm một đạo quân đông tới ba vạn người và voi lên Lạng sơn tiễu phỉ , chiêu dân ( lúc đó dân siêu tán để tránh loạn lạc ) . Ông kiêm cai quản xứ Quảng yên , sau trấn thủ biên thùy , triều đình cho lấy châu Lộc bình làm quê quán , đời đời làm Phiên Thần không cho về quê nữa . " Chế độ Thổ Ty hay chế độ thế tập phiên thần là chính sách cai trị chính của triều đại Phong kiến Việt nam ở các dân tộc vùng thiểu số , chủ yếu ở vùng Tày , Nùng là địa bàn chống xâm lăng của Phong kiến phương Bắc dưới nhiều triều đại . Triều đình phải phong những công thần hoặc con cháu của họ , cho phép họ lấy vài thôn hay vài xã làm Thái ấp , đời đời kế tục cai trị địa phương . Những lưu quan ấy và con cháu của họ trở thành một thứ Quý tộc của địa phương , thường gọi là 7 họ Phiên thần hay Thất tộc Thổ Ty . Họ dần dần đồng hóa với người Tày . các Phiên Thần hay Thổ ty rất mực trung thành với triều đình , làm nhiệm vụ chiêu dân lập ấp , cai trị nhân dân , trấn thủ biên thùy và khi có giặc thì đem quân bản bộ đến giúp triều đình đánh giặc " .
Và từ đó dòng họ Vi làm Thổ ty và tồn tại 13 Thế hệ tại Lộc bình , Lạng sơn . Ban đầu dòng họ Vi tại Lộc bình lập Thái ấp tại Dinh Chùa ( Xã Tú đoạn ) . Đến đời Khuê Quận công VI PHÚC VĨNH ( Đời thứ 8 ) , mới dời chỗ đến chân núi Lộc Mã ( nay là bản Chu , xã Khuất xá , Huyện Lộc bình ) . " Nguyên xứ này sông núi quanh co , đất từ dãy núi Côn sơn , Mẫu sơn chạy sang , hai sông gặp nhau thật là một thắng cảnh của cả lạng sơn , không riêng chỉ là nơi núi non hùng vĩ của một khu ...Nguồn gốc , gia thế bảy họ Thổ ty thì họ Vi là dòng họ trâm anh hơn cả . Trải qua 22 đời nhờ ơn nước , các đời nối tiếp nhau cai quản quân dân làm đến Khanh , Tướng ...giữ chức kiêm cai quản Tỉnh đến sông Bồ Đề , uy trấn biên thùy , tiếng vọng trong Nam ngoài bắc , được Triều đình ban thưởng Huân công , công lao bậc nhất , cấp thêm cho hai Huyện trung châu làm ngụ lộc ( tức là để thu thêm thuế má nuôi quân ) , Tướng bày tôi được ân vinh đến thế là tột bậc " .
Đó là các tư liệu về nghiên cứu mối quan hệ khăng khít về Lịch sử và Văn hóa vốn có giữa các thành phần dân tộc trong Đại gia đình Tổ quốc Việt Nam , trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước . Hiện nay họ Vi ở bản Chu đã phát triển đến Thế hệ thứ 17 . Hiện tại họ Vi chúng tôi còn tồn tại hệ thống mồ mả Tổ tiên nhiều đời tại Khau loáng, Nậm nè , Nà Khưa , Phiêng Phai và một số di tích khu thờ Họ đã bị tàn phá nghiêm trọng sau chiến tranh biên giới 1979 tại bản Chu . Hiện tại khu đất của nhà thờ họ đã có một số hộ dân vào làm nhà ở và Xã đã xây dựng nhà trẻ tại đây , nhưng phần lớn còn để hoang hóa chưa sử dụng . Do trải qua 3 cuộc Chiến tranh kéo dài , chúng tôi không có điều kiện về quê sinh sống và trông nom mồ mả , bảo quản Nhà Thờ Dòng Họ tại Bản Chu . Từ cuối những năm 1980 và đầu những năm 90 , hàng năm chúng tôi đều về quê để trông nom tu tạo mồ mả của Tổ tiên và đã có những mối quan hệ gắn bó với Chính quyền địa phương và nhân dân Bản Chu . Nhưng khi về đến quê hương , chúng tôi không còn Nhà Thờ Họ để thắp nén hương tưởng nhớ đến Tổ tiên theo truyền thống đời đời của dân tộc Việt nam ta .
Với những tư liệu về Văn hóa , Lịch sử của 7 họ Thổ ty tại Lạng sơn , cũng như của riêng dòng họ Vi chúng tôi đã nêu , thì khu đất của Thái ấp họ Vi tại Bản Chu là mảnh đất vô cùng linh thiêng đối với hậu duệ họ Vi chúng tôi , đồng thời cũng là chứng tích Lịch sử về Trấn ải biên thùy của nhân dân địa phương bao nhiêu đời nay , tất cả chúng ta phải có nhiệm vụ gìn giữ , bảo tồn . Chính vì vậy chúng tôi đề nghị ...xem xét phần đất còn lại trong khu Thái ấp họ Vi cũ , để giao lại cho con cháu họ Vi có nguồn gốc tại Bản Chu , xây dựng nhà thờ họ Vi , để chúng tôi có nơi thắp nén hương thờ cúng Tổ tiên và xin Tổ tiên cho phép con cháu họ Vi cùng nhân dân xã Khuất xá được tiến hành sửa chữa , bảo tồn khu di tích một thời là Thái ấp của họ Vi tại Bản Chu . Với mục đích lưu giữ lại một trong những di tích Lịch sử , Văn hóa tại tỉnh nhà .....
THAY MẶT GIA TỘC HỌ VI TẠI BẢN CHU - TRƯỞNG BAN ĐẠI DIỆN .VI VĂN ĐÀI .
Lời kết : Mong muốn của dòng họ Vi là hoàn toàn chính đáng . Người viết xin ghi lại và mong được sự trợ giúp của các cấp Chính quyền địa phương , nhằm bảo tồn một khu di tích Lịch sử - Văn hóa có một không hai của Thành phố Lạng sơn .
Khau loáng cuối năm Bính Tuất - 2006 - dienbatn .
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét