( https://vi.wikipedia.org/wiki).
Đọc thêm .
NGÔ THÌ NHẬM VỚI ĐỜI THƯỜNG -LÂM GIANG
Mỗi khi nhắc đến Ngô Thì Nhậm, người đời sau thường nói đến “Nước cờ Tam Điệp” một cống hiến to lớn của Ngô Thì Nhậm, giúp vua Quang Trung hành quân thần tốc từ Phú Xuân ra Thăng Long đánh tan bọn xâm lược nhà Thanh vào mồng Năm tết Kỷ Dậu (1789). Nói đến Ngô Thì Nhậm, người đời sau không thể nào quên vụ án năm Canh Tý về việc phế trưởng lập thứ của phủ chúa Trịnh mà Ngô Thì Nhậm có chút dính líu và tiếp theo đó là cái chết đột ngột của cha (Ngô Thì Sỹ) tại nhậm sở Đoàn Thành (Lạng Sơn). Bài viết này xin đề cập lại nỗi oan về vụ án năm Canh Tý và một số chi tiết liên quan tới đời thường của ông qua các tác phẩm: Hào mân ai lục, Kim mã hành dư và một số tác phẩm khác của Ngô Thì Nhậm.
1. Nỗi oan về vụ án năm Canh Tý
khi nghiên cứu Thiền học lấy đạo hiệu Hải Lượng. Ông đỗ Tiến sĩ năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775), làm quan tới Đốc đồng Kinh Bắc, thăng Công bộ Hữu thị lang. Năm 1788, Ngô Thì Nhậm ra với nhà Tây Sơn và được Nguyễn Huệ trọng dụng, trao cho chức Thị lang Bộ Công, tước Tình Phái hầu, sau thăng Thượng thư Bộ Binh. Ông mất ngày 16 tháng 2 năm Quý Hợi (9-3-1803).Ngô Thì Nhậm sinh ngày 11 tháng 9 năm Bính Dần, tức ngày 25 tháng 10 năm 1746, tại làng Tả Thanh Oai, tục gọi là làng Tó, trấn Sơn Nam, nay thuộc huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội, thuở nhỏ tên là Phó, sau đổi Nhậm, tự Hy Doãn, hiệu Đạt Hiên,
Ngô Thì Nhậm để lại những sáng tác với số lượng rất lớn, hiện còn các tập văn: Kim mã hành dư, Hào mân ai lục, Xuân thu quản kiến, Hàn các anh hoa, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh và các tập thơ: Bút hải tùng đàm, Thủy vân nhàn vịnh, Ngọc đường xuân khiếu, Hoàng hoa đồ phả, Cúc hoa thi trận, Thu cận dương ngôn. Trong số thơ văn hiện còn có 5 tác phẩm viết thời Lê Trịnh: Bút hải tùng đàm, Thủy vân nhàn vịnh, Kim mã hành dư, Hào mân ai lục, Xuân thu quản kiến, số còn lại đều được viết dưới thời Tây Sơn.
Dòng họ Ngô đến lập nghiệp tại Tả Thanh Oai đã nhiều đời, nhưngNgô gia thế phả cũng chỉ coi từ đời cụ Phúc Cơ (khoảng đầu thế kỉ XVI) là người mở đầu cho dòng họ Ngô tại Tả Thanh Oai. Tên thuỵ hiệu của cụ tổ đều không rõ, năm Giáp Ngọ, cháu đời thứ 12 là Ngọ Phong, họp họ, xin đặt thuỵ hiệu, tôn làm Triệu tổ (Ngô gia thế phả).
Đời thứ hai là cụ Mỹ Đức, giữ chức Cao Sơn cục chính trưởng.
Đời thứ ba là cụ Hoằng Nghị, tự Minh Dực tướng quân.
Đời thư tư là cụ Cẩn Tiết, Nho sinh trúng thức.
Bắt đầu từ đây dòng họ Ngô chia ra làm hai chi Giáp và chi ất. Ngô Thì Nhậm thuộc chi Giáp, và kể từ đời cụ Phúc Cơ thì ông thuộc đời thứ 13 của dòng họ.
Ngô Thì Nhậm là con trưởng của Ngô Thì Sỹ (1726-1780), Ngô Thì Sỹ thuộc đời thứ 12, tên tự Thế Lộc, hiệu Ngọ Phong, biệt hiệu Nhị Thanh cư sĩ. Ngô Thì Sỹ có tài, từ chương nổi tiếng, nhưng nhiều năm liền thi không đỗ, gia cảnh nghèo túng. Đến khoa Nhâm Thân, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 12 (1752), ông thi lại trượt, nhưng được Minh Đô Vương Trịnh Doanh mến tài cho làm một chức nhỏ Thiêm sai tri Công phiên ở Phủ Chúa.
Năm Quý Mùi (1763), Ngô Thì Nhậm 18 tuổi, người cha là Ngô Thì Sỹ được chúa Ân Vương Trịnh Doanh, đặc cách cho tiến triều, trao cho chức Cấp sự trung Bộ Công, năm sau Giáp Thân (1764) trao chức Giám sát Ngự sử đạo Sơn Tây, không đầy vài tháng thăng làm Đốc đồng xứ Thái Nguyên (Hào mân ai lục).
Năm Bính Tuất (1766), Ngô Thì Nhậm đã 20 tuổi, ông cùng với Lưu Hi Trí (người cùng ấp, đỗ đầu thi Hương khoa ất Dậu) đến theo học thầy Đan Sỹ, là Tham chính Thanh Hoa, và cũng năm đó Ngô Thì Sỹ thi đậu Hoàng giáp (khoa Bính Tuất, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 26 - 1766).
Năm Mậu Tý (1768), Ngô Thì Nhậm 23 tuổi, thi Hương đậu Giải nguyên và năm sau (1769), ông đỗ khoa Sỹ vọng, được bổ chức Hiến sát phó sứ Hải Dương (hàm Chánh thất phẩm).
Năm Tân Mão (1771), Ngô Thì Sỹ làm Tham chính Nghệ An. Tư đồ Hoàng Ngũ Phúc ghen ghét, ghép ông vào tội gian lận ở trường thi Hương. Khi ông bị cách tuột chức tước, thì Ngô Thì Nhậm cũng xin cáo quan về nhà, với lý do sớm hôm phụng dưỡng cha, năm đó ông 26 tuổi.
Năm Ất Mùi (1775), Ngô Thì Nhậm tròn 30 tuổi mới thi đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân và đứng hàng thứ 5. Sau khi thi đỗ ông được bổ làm Hộ bộ Đô cấp sự trung. Năm sau lại thăng Giám sát Ngự sử đạo Sơn Nam, lại được bổ làm quan Giám khảo trường thi Hương ở Hải Dương.
Năm Mậu Tuất (1778), Ngô Thì Nhậm được thăng chức Đốc đồng Kinh Bắc. Năm ấy, Ngô Thì Sỹ cũng nhậm chức Đốc trấn Lạng Sơn. Hai cha con cùng đi nhận chức một ngày (Kim mã hành dư, Ngô gia thế phả). Năm ấy, Ngô Thì Nhậm còn kiêm giữ chức Đốc đồng Thái Nguyên. ở đây ông đã từng cùng cha phối hợp với Trấn thủ Tuân Vãng hầu đánh dẹp loạn tại vùng Vũ Nhai và năm đó ông soạn xong tập Công vụ thành thư. Năm Kỷ Hợi (1779), Ngô Thì Nhậm thăng chức Đông các hiệu thư, phụng mệnh hiệp đồng với Trấn thủ Tuyên, Thái đánh dẹp cuộc nổi dậy của Hoàng Văn Đồng ở Tuyên Quang. ít lâu sau ông lại được sai đi kinh lược ở mỏ bạc Tống Tinh. Năm Canh Tý (1780) trở về, dâng sớ về phương sách thu thuế ở xưởng bạc, được chúa Trịnh Sâm khen ngợi, ban thưởng trọng hậu. Gần cuối năm ấy xảy ra vụ án tranh đoạt ngôi chúa, người đời sau thường gọi “Vụ án năm Canh Tý.”
Nguyên Trịnh Tông con trưởng của Trịnh Sâm, vì là con của một phi tần và không vừa ý chúa, nên đã 18 tuổi mà vẫn chưa được lập làm thế tử. Con thứ của nhà chúa là Trịnh Cán do Tuyên phi Đặng Thị Huệ sinh ra, được chúa rất yêu mến. Nhân lúc chúa Trịnh Sâm ốm nặng, Trịnh Tông bèn cùng tôi tớ trong nhà, sửa soạn khí giới, đợi khi chúa mất, đóng cửa thành lại, bắt trói Đặng Thị Huệ, giết phe cánh là quyền thần Quận Huy Hoàng Tố Lý, rồi báo cho hai trấn Sơn Tây và Kinh Bắc đem quân về hộ vệ đưa Trịnh Tông lên ngôi. Nhưng vừa lúc đó thì bệnh của Trịnh Sâm khỏi, sự việc bị phát giác. Trịnh Sâm sai Quận Huy Hoàng Tố Lý triệu Trấn thủ Sơn Tây là Nguyễn Khản và Trấn thủ Kinh Bắc là Nguyễn Khắc Tuân về, bắt trói giam trong phủ. Hai vị Trấn thủ cầu cứu Ngô Thì Nhậm thanh minh với nhà chúa. Chúa Trịnh Sâm càng tức giận, giao cho Ngô Thì Nhậm xét xử, giữa lúc ấy Ngô Thì Sỹ qua đời tại Lạng Sơn, Ngô Thì Nhậm dâng khải xin về chịu tang. Chúa bèn giao vụ án cho Lê Quý Đôn xử trí.
Về sự kiện này, các sử gia triều Nguyễn, trong Việt sử thông giám cương mục viết rằng, chính Ngô Thì Nhậm cùng với Nguyễn Huy Bá đã cáo giác vụ án; rằng Ngô Thì Nhậm khi đó là thày dạy (nhật giảng) của Trịnh Tông, rất rõ vụ việc, nhân cáo giác để nhận chức Công bộ Hữu thị lang; rằng Ngô Thì Sỹ vì can ngăn con mình không được, dẫn đến cái chết của bạn mình là Nguyễn Khắc Tuân, Nguyễn Phương Đĩnh, Chu Xuân Hán... buồn dầu uống thuốc độc chết tại Lạng Sơn. Cho nên đương thời truyền tụng câu: Sát tứ phụ nhi đắc Thị lang(Giết bốn cha để được làm chức Thị lang).
Đây là cách đánh giá không thiện ý của triều đình nhà Nguyễn, vốn thù địch với nhà Tây Sơn, không ưa gì những người đi theo phong trào Tây Sơn mà Ngô Thì Nhậm là một trong những người tích cực nhất.
Sách Hoàng Lê nhất thống chí, cho biết: Tên giữ sổ sách Hà Như Sơn, là học trò Ngô Thì Nhậm biết việc đó, báo cho ông biết, ông đã nói rằng: “Thế tử là người thay thế chúa nắm quyền hành. Nước là nước của Thế tử, lo gì mất ngôi mà làm chuyện ấy...” Rồi lập tức báo cho Trấn thủ Nguyễn Khắc Tuân đình chỉ ngay, nhưng không kịp. Vụ án xử xong, khi xét công phát giác, quyền thần Hoàng Tố Lý vốn ghét Ngô Thì Nhậm, muốn nhân chuyện này tìm cách dè bỉu, nên ra sức xin thăng cho ông chức Công bộ Tả thị lang. Ngô Thì Nhậm giận lắm, lấy cớ có tang cha, không dâng biểu tạ ơn. Sách Hậu Lê thời kỉ lược, bộ sử có những quan điểm độc lập, và Ngô gia thế phả do Ngô Giáp Đậu viết cuối đời Nguyễn cũng cùng quan điểm trên.
Sự thực bốn người cha bị giết đó là những ai, chưa rõ lắm. Có thuyết cho rằng bốn người cha đó là: Trịnh Tông (quân phụ), Ngô Thì Sỹ (thân phụ), Nguyễn Khắc Tuân, Chu Xuân Hán (phụ chấp - bạn của cha). ở đây, Trịnh Tông chỉ bị truất xuống làm con thứ, chưa bị giết, thuyết này chưa thuyết phục. Lại có thuyết cho rằng, bốn người cha đó là: Ngô Thì Sỹ, Nguyễn Khản, Nguyễn Phương Đĩnh, Nguyễn Khắc Tuân, nhưng sự thật thì có Ngô Thì Sỹ bị bệnh chết, chỉ có Nguyễn Khắc Tuân, Chu Xuân Hán ép phải uống thuốc độc chết (Hoàng Lê nhất thống chí).
Vụ án xảy ra khoảng cuối tháng 7, đến cuối tháng 9, Ngô Thì Sĩ bị cảm tại động Nhị Thanh, rồi ít ngày sau thì qua đời. Trong bài Tiên công hạnh trạng (Hạnh trạng Ngô Thì Sỹ) do Ngô Thì Nhậm viết, cho biết: “Ngày 17 tháng 9 năm Canh Tý (1780), có việc công ở cửa Nam Quan về, đi qua núi, dừng cờ quạt mà vào trong động, gục trước tượng mà chợp ngủ, ước hơn nửa trống canh. Thân thể thấy không được khỏe liền trở về trấn, đóng cửa lại không tiếp khách, mà cũng không làm việc nữa. Ngày 25 bệnh hơi đỡ, lại dựa gối xem sách, bạn bè hầu tiếp, cười nói tự nhiên, tới nửa đêm, lên giường nằm tắt thở. Tin cáo phó tới kinh thành, chúa rất thương xót, trao cho chức Thừa chánh sứ xứ Tuyên Quang, tặng hàm Hữu thị lang Bộ Hộ, cho tên thụy là Ôn Bác...” (Hào mân ai lục).
Lời vè Sát tứ phụ nhi đắc Thị lang là của những người không cùng chính kiến, ghen ghét Ngô Thì Nhậm đặt ra sau đó ít lâu. Sự thực không phải do Ngô Thì Nhậm vì cáo giác vụ án mà được thăng chức. Như đã biết, năm đó trước khi vụ án xảy ra, Ngô Thì Nhậm cũng đã có công lao về việc xử trí xưởng đúc bạc ở mỏ Tống Tinh, sau khi trở về Trịnh Sâm mới chỉ khen ngợi, chưa thưởng chức. Khi vụ án xảy ra, ông được giao cho xử trí, nhưng công việc chưa tiến hành thì Ngô Thì Sỹ đột ngột qua đời tại Lạng Sơn. Có thể để thưởng công cho những việc đã làm trước đây, an ủi phần nào trước nỗi đau mất cha của Ngô Thì Nhậm mà Trịnh Sâm đã thăng chức cho ông. Việc làm ngẫu nhiên mà trở thành hữu ý. Chính Ngô Thì Nhậm cũng không ngờ rằng sự việc lại dẫn đến nông nỗi ấy, ông từng tâm sự: “Thật khó hiểu, mầm họa lại do cái phúc gây ra, Bỗng xui nên tội trạng chính vì cái công dắt rủ đến...”(Hoản nhĩ ngâm - Thủy vân nhàn vịnh).
Sự ưu ái của Trịnh Sâm đối với Ngô Thì Nhậm được ông thể hiện trong bài Trần tình cáo Tĩnh vương văn, viết khi lánh nạn tại Sơn Nam, rằng: “Thần được Chúa thượng quá lòng chú ý tới... Không cho thần là ngu vụng mà dạy dỗ, vun vén, mong cho làm nên nghiệp lớn... Chính vì có sự ưu ái ấy mà thần ở vào cái thế qua ruộng dưa sửa dép, qua gốc mận sửa mũ” (Kim mã hành dư). Một việc làm ngay thẳng, nhưng ở vào thế bị hiềm nghi.
Đoạn văn ấy như sau:
庚 子 密 案 事 發 , 臣 處 瓜 李 之 地 , 有 所 聞 知 , 暴 白 冒 陳 。 聖 人 深 惟 春 秋 大 義 , 不 容 己 於 家 庭 之 訓 , 以 臣 不 敢 隱 情 於 君 父 , 故 吝 重 賞 以 明 示 天 下 。 臣 亦 不 敢 以 惡 居 下 蓅 之 情 , 施 於 事 君 , 故 寧 受 重 賞 , 以 尸 眾 謗 。 然 天 下 之 不 知 者 , 皆 曰: 聖 上 之 所 以 福 臣 者 , 乃 所 以 禍 臣 也 , 臣 之 中 聖 上 者 , 乃 所 誤 聖 上 也 。
“Canh Tí mật án sự phát, thần xử qua lý chi địa, hữu sở văn tri, bạo bạch mạo trần. Thánh nhân thâm duy Xuân thu đại nghĩa, bất dung kỷ ư gia đình chi huấn, dĩ thần bất cảm ẩn tình ư quân phụ, cố lận trọng thưởng dĩ minh thị thiên hạ. Thần diệc bất cảm dĩ ố cư hạ lưu chi tình, thí ư sự quân, cố ninh thụ trọng thưởng, dĩ thi chúng báng. Nhiên thiên hạ chi bất tri giả, giai viết: “Thánh thượng chi sở dĩ phúc thần giả, nãi sở dĩ hoạ thần dã, thần chi trung thánh thượng giả, nãi sở dĩ ngộ Thánh thượng dã”. (Mật án năm Canh Tý (1780) vỡ lở, thần ở vào thế bị hiềm nghi, hễ nghe biết được gì, đều đánh bạo bộc bạch hết. Thánh thượng hiểu sâu nghĩa lớn của sách Xuân thu, không dừng lại ở sự giáo huấn trong nhà, vì vậy thần không ẩn tình với quân phụ, không tiếc trọng thưởng để bảo rõ cho thiên hạ biết sự thật. Thần cũng không dám lấy cái tình ghét ở chỗ thấp để thờ vua, hoặc thà nhận trọng thưởng mà làm bung xung cho người phỉ báng. Nhưng kẻ không biết trong thiên hạ, đều bảo rằng: “Thánh thượng làm phúc cho thần mà gây hoạ cho thần, thần thì trung với Thánh thượng mà làm cho Thánh thượng sai lầm.” (Trần tình cáo Tĩnh vương văn - Kim mã hành dư).
Bài trần tình này, Ngô Thì Nhậm làm sau Trịnh Sâm mất đã ba năm, chắc lời nói với người đã khuất là lời nói thật. Tình cảm của ông đối Trịnh Sâm cũng là tình cảm thật:
Đức chí hiếu của Tiên Vương, sánh ngang Ngu Thuấn,
Ai ngăn được tiếng khóc kêu trời sau trận mưa thu.
Một bữa cơm tế xã, chén uất sưởng nẫu lòng;
Muôn dặm non Kiều, cây tùng cành thu nhỏ lệ.
(Vãn Tiên thánh vương - Thủy vân nhàn vịnh)
Lại trong khi lánh nạn bị một trận ốm nặng, Ngô Thì Nhậm làm bài Mật đảo văn (Bài văn bí mật cầu được bình yên), đã nói thẳng ra rằng, mình nhận chức Thị lang khi mất cha là chuốc lấy tai vạ, không chỉ cho riêng bản thân mình phải long đong lẩn tránh, mà còn khổ đến gia đình, vợ con: “Tự mình sơ hở mà liên lụy cả nhà. Mất cha mà được chức, đắn đo sự được mất, tiểu nhân này quả là có tội nặng.” Nhận chức trước tình cảnh bị mất cha, nên bị đặt điều Sát tứ phụ nhi đắc Thị lang, dẫn đến việc “vơi người” mà “đầy mình” ấy, ông chỉ biết kêu lên: “Con tạo hỡi sao mà khéo tá!” Ông tỏ ra ân hận: “Tự xét: Ngay từ nhỏ đã hanh thông, nên không thấu lẽ rủi may tốt xấu, thành thử ở chỗ tối tăm mà chuốc lấy thất bại, vì mau chóng mà chịu tai ương; ngửa mong đức lớn hiếu sinh, mở ra lối sửa chữa lỗi lầm, khiến cho lúc cùng mà biết đến sai lầm, khi khốn mà nghĩ đến điều thiện.” (Mật đảo văn - Kim mã hành dư). Lời bộc bạch trên ông viết trong hai bài văn mật đảo, dưới đây xin dẫn bài thứ hai:
又 密 禱 天 地 文
臣: 忝 以 庸 常 , 幸 蒙 培 壅 。
國 澤 濫 叨 溫 寵, 負 乘 皆 非 分 之 恩 ; 身 謀 徒 巧 應 酬 , 操 履 少 澄 心 之 事 。
釁 實 招 自 己 ; 禍 延 及 所 親 。
關 山 萬 里 奔 喪 , 父 子 不 相 聞 , 契 闊 實 無 窮 之 悔 ; 雨 露 九 天 沛 澤 , 君 王 新 有 命 , 傴 僂 增 非 據 之 慚 。
深 惟 倚 伏 之 機 關, 莫 測 幹 旋 之 樞 紐。
失 父 而 得 官 , 權 衡 於 失 得 , 小 人 罪 惡 之 太 深 ; 虧 人 而 盈 己 , 推 測 於 盈 虧 , 大 造 飄 陶 之 更 巧 。
撫 躬 而 增 懼 ; 仰 隆 鋻 之 無 私 。
伏 願: 不 遠 監 觀 曲 加 矜 閔 。
恢 浩 浩 好 生 之 德 , 卑 聽 孔 昭 ; 佑 敻 敻 在 疚 之 兒 , 可 貞 獲 吉 。
Phiên âm:
HỰU MẬT ĐÁO THIÊN ĐỊA VĂN
Thần: Thiệm dĩ dung thường, hạnh mông bội ủng.
Quốc trạch lạm thao ôn sủng, phụ thừa giai phi phận chi ân; thân mưu đồ xảo ứng thù, thao lý thiếu trừng tâm chi sự.
Hấn thực chiêu tự kỷ, hoạ diên cập sở thân.
Quan san vạn lý bôn tang, phụ tử bất tương văn, khế khoát thực vô cùng chi hối; vũ lộ cửu thiên bái trạch, quân vương tân hữu mệnh, khu lũ tăng phi cứ chi tàm.
Thâm duy ỷ phục chi cơ quan; mạc trắc cán tuyền chi khu nữu.
Thất phụ nhi đắc quan, quyền hành ư thất đắc, tiểu nhân tội ác chi thái thâm; khuy nhân nhi doanh kỷ, suy trắc ư doanh khuy, đại tạo phiêu đào chi cánh xảo.
Phủ cung nhi tăng cụ; ngưỡng long giám chi vô tư.
Phục nguyện: Bất viễn giám quan, khúc gia căng mẫn.
Khôi hạo hạo hiếu sinh chi đức, ty thính khổng chiêu; hựu quỳnh quỳnh tại cữu chi nhi, khả trinh hoạch cát.
Dịch nghĩa:
LẠI VĂN MẬT CÁO VỚI TRỜI ĐẤT:
Thần, hổ phận tầm thường, nhờ ơn vun đắp.
Giúp nước những lạm nhờ vinh sủng, việc gánh vác đều do ơn phi phận thấm nhuần; xuất thân chỉ khéo ở ứng thù, sự dày đạp ít, hẳn lặng lòng suy nghĩ.
Tự mình khơi ra hiềm khích; cả nhà liên luỵ tới tai ương.
Đường chạy tang muôn dặm non sông, cha con vắng tin nhau, nỗi xa cách thật vô cùng hối hận; ơn tưới mát chín tầng mưa móc, mệnh Chúa ban khen vừa tới, bước lom khom không được đáng thẹn thùng.
Cơ quan dựa dẫm nghĩ cho sâu; bộ máy chuyển vần khôn đo được.
Mất cha mà được chức quan, đắn đo sự được mất, tiểu nhân này tội quá sâu dầy; vơi người mà đầy mình, suy xét việc đầy vơi, đại tạo hỡi nặn vo sao khéo tá?
Ngẫm thân hèn thêm sợ sệt; nhờ gương sáng chẳng riêng tây.
Cúi mong: soi xét không xa, rủ lòng thương tới.
Mở đức hiếu sinh rộng lớn, để nghe được rõ ràng; thương con côi vò võ cư tang, được ban điều tốt đẹp.
Đây cũng là những điều khấn trước thần minh, chắc là lời nói thật, để mong cho được phù trợ, mau tai qua nạn khỏi. Trong bài có nói “Tự mình khơi ra hiềm khích” tức là nói việc ông nhận thưởng chức và nhận cả việc đứng ra xét xử vụ án là không đúng lúc.
Còn như Ngô gia thế phả hay Hoàng Lê nhất thống chí và một số sách khác nói rằng, Hoàng Tố Lý vốn ghen ghét Ngô Thì Nhậm, nên cố xin thăng chức cho ông, để xỉ nhục ông. Có lẽ mối quan hệ giữa hai người không đến nỗi thế, mà ngược lại. Chẳng thế sau khi chạy thoát xuống Bách Tính, Sơn Nam, Ngô Thì Nhậm mới kịp làm bài văn điếu Quận Huy. Trong lời điếu tỏ rõ nỗi thương xót thực sự:
“Sinh ra, khí phách anh hùng đã tự gửi vào thân xác,
Chết đi, tinh thần còn lưu trong vũ trụ mênh mông...”
Và viếng:
“Xin nhờ ngòi bút viếng hồn người trung nghĩa,
Ngàn năm nơi chín suối người vẫn có thể vùng đứng lên...”
(Điếu Huy Quận công - Thủy vân nhàn vịnh).
Như vậy, nếu có sự ghen ghét nhau chắc không có được những lời như thế.
Những lời tâm sự trên đây cho thấy Ngô Thì Nhậm có nhiều công lao với triều đình, được Trịnh Sâm tin tưởng và ưu ái, ban thưởng trọng hậu. Ngô Thì Nhậm cho rằng việc nhận thưởng là chính đáng, chỉ có điều lần lĩnh thưởng chức Tả thị lang đồng thời nhận việc đứng ra xử lý vụ án, sau đó thì Ngô Thì Sỹ qua đời đột ngột, dẫn đến lời đồn đại Sát tứ phụ nhi Thị lang khiến ông băn khoăn, cho rằng lần nhận thưởng này là chưa đúng lúc! Thực ra đúng như lời Hoàng Lê nhất chí nhận xét, Ngô Thì Nhậm nhận đứng ra xét xử vụ án là muốn gỡ tội cho những người bạn của cha mình, như Trấn thủ Sơn Tây Nguyễn Khản và Trấn thủ Kinh Bắc Nguyễn Khắc Tuân... Những chi tiết trên đây cho thấy Ngô Thì Nhậm không phải cố tình cáo giác vụ án để lĩnh thưởng!
2. Ngô Thì Nhậm với đời thường
Ngô Thì Nhậm thuở nhỏ cũng như những trẻ nhỏ khác, phải lo toan học hành, trau dồi kiến thức, thi cử..., nhưng nhà ông nghèo, nhiều năm người cha thi không đỗ, nên cuộc sống gia đình càng thêm khó khăn. Nhưng có lẽ, cả cuộc đời ông xảy ra mấy việc, khiến ông đau lòng nhất, ngoài nỗi oan về vụ án năm Canh Tý:
Năm Ngô Thì Nhậm 17 tuổi thì mẹ qua đời để lại 5 người con: Ngô Thì Nhậm con cả, con thứ hai Ngô Thị Thục, sau lấy Tiến sĩ Phan Huy Ích, con thứ ba Ngô Thì Chí, con thứ tư Ngô Thị Viêm, con thứ năm Ngô Thì Điện.
Năm 1763, Ngô Thì Sỹ được chúa Ân Vương Trịnh Doanh mến tài, đặc cách cho tiến triều, trao cho chức Cấp sự trung bộ Công, năm sau Giáp Thân (1764) trao chức Giám Ngự sử đạo Sơn Tây, không đầy vài tháng thăng làm Đốc đồng xứ Thái Nguyên (Hào mân ai lục). Từ đây gia đình Ngô Thì Sỹ mới dần dần thoát khỏi cảnh nghèo khó. Năm 1764 Ngô Thì Sỹ lấy vợ kế họ Nguyễn, bà cùng 4 người con chồng đến nhậm sở tại Sơn Tây ở với ông; chỉ còn Ngô Thì Nhậm ở nhà với người vợ mới cưới là Ngô Thị Anh, người Bách Tính, Sơn Nam Hạ (Kim mã hành dư).
Năm Tân Mão (1771), Ngô Thì Sỹ làm Tham chính Nghệ An, Tư đồ Hoàng Ngũ Phúc ghép ông vào tội gian lận trường thi Hương, bị cách tuột chức tước. Cũng năm đó, bà vợ kế của Ngô Thì Sỹ mất, khi ấy Ngô Thì Sỹ còn đang ở Nghệ An. Mọi việc thuốc thang, rồi tang ma đều do Ngô Thì Nhậm lo toan. Bà sống với Ngô Thì Sỹ được 7 năm, để lại hai người con (Ngô Thì Trí, Ngô Thì Hoàng). Trước cái chết của mẹ kế, Ngô Thì Nhậm rất đau xót:
“Than ôi, thương thay ! vào tuần tháng 6, thứ mẫu mắc bệnh ở trong Kinh, cha ta thì ở châu Hoan chưa nhận được tin. Ta ở xứ Hải Dương bắt được thư của em gái và em trai Diễm gửi tới, đêm mưa dấn thân mà về, thì bệnh đã hấp hối rồi, đương muốn viết thư báo cấp cho vợ và em ta về Kinh hỏi thăm, thì bà gạt đi, vì không muốn làm phiền đến con bà đích. Đến như rước thày lang và trông coi thuốc thang, chỉ có tin tưởng ở ta. Hỏi bà muốn trối lại điều gì, thì ngoài việc nhớ cha ta ra, không có lời gì khác. Với tấm lòng cẩn thận chu đáo của thứ mẫu như thế thì người thường không thể sánh kịp. Ta thật lòng mong bệnh của thứ mẫu có thể chỉ trong tuần nhật sẽ khỏi. Than ôi, thương thay! thứ mẫu ra đời 29 năm, giúp cha ta tới nay vừa 7 năm, tuy ở vào cảnh thuận, nhưng đủ mùi cay đắng, những việc chưa được như ý chiếm tới tám chín phần mười. Hốt nhiên hoá đi như là thánh cõi trần, khiến cho cha ta vừa nhớ vừa buồn, hai em ta mất chốn nương cậy. Các con bà đích cũng bàng hoàng chưa chút đáp đền, đau thương này có thể nguôi được ư?...” (Tế thứ mẫu Thuận Nhân văn – Kim mã hành dư). Bà mất tặng Thuận Nhân hiệu Trang Chính (Ngô gia thế phả).
Năm 1780 xảy ra vụ án Canh Tý. Vụ án xảy ra khoảng cuối tháng 7, đến cuối tháng 9, Ngô Thì Sỹ bị cảm tại động Nhị Thanh, rồi ít ngày sau thì qua đời. Ngô Thì Nhậm dâng biểu xin với Chúa đưa thi hài cha về quê. Trịnh Sâm liền cấp ngay cho tiền bạc và 20 tên lính đi áp tải quan tài. Đoàn người vội vã lên đường, đến nơi lập tức trở về ngay. Ngày Canh Dần, tháng 10 năm Canh Tý khởi hành, mười chín ngày sau vào ngày Nhâm Thân, tháng mười thì đưa quan tài về tới quê Tả Thanh Oai. Công việc đưa linh cữu về quê chậm trễ, dài ngày vì ngoài việc khiêng vác vất vả, hàng ngày dừng đợi cúng cơm ra; còn xảy ra một việc rất đau lòng là: Người vợ thứ tư của Ngô Thì Sỹ họ Hoàng, hiệu Tuệ Trang, theo ông lên Lạng Sơn, sinh được một trai nhưng không nuôi được, sau mới sinh được bé gái còn nhỏ thì Ngô Thì Sỹ qua đời. Lúc đưa linh cữu về quê, bà quá đau xót mà sinh bệnh, không thể đi cùng. Linh cữu đi được vài ngày, có tín báo bà đã mất. Ngô Thì Nhậm phải dừng linh cữu giữa đường, quay lại Đoàn Thành lo tang ma cho người mẹ kế, chôn cất tại đó, hẹn ba năm sau cải táng đưa về quê, cái thế lúc này không thể đưa linh cữu mẹ kế về cùng. Ngô Thì Nhậm, kể: “Mệnh của Cơ sao quá mỏng, sinh một trai thì không nuôi được, một gái thì còn nhỏ. Tiên quân ta lại bỏ mà đi, đàn con côi không nơi nương tựa, Cơ cũng chẳng được trông cậy, trăm cảnh khổ cực, lòng sợ mắt buồn. Gần đây chạy tang ở dinh thự Đoàn Thành, thấy Cơ bị bệnh rên rỉ, xin theo tiên quân. Lòng ta thương buồn, vì Cơ lễ bái thuốc thang nhưng không kiến hiệu. Ngày trở về đã tới, không thể săn sóc. Ngày 12 đưa tang ra khỏi thành, để Cơ ở lại dinh, còn mong cho khỏi, nhưng vào ngày 14 Cơ bèn theo tiên quân mà lìa cõi trần. ở giữa đường nghe được tin, rất lấy làm buồn. Cơ sống hay chết đều theo tiên quân ta, có thể coi là bậc trinh thuận thành thực, còn bọn ta thờ phụng đấng thân, không có công trạng gì, không những đắc tội với cha, mà cũng thẹn với Cơ nữa. Nay linh cữu ở dọc đường, tính đường đất đến cuối tháng mới tới quê nhà. Tang sự là việc lớn, chính đương lúc chật vật nơi núi cao khe thẳm, đường đi xa xăm này, thế không thể cho phép mang cả di hài của Cơ cùng đi theo mà về. Vậy xin chọn ngày tốt, tạm chôn ở cánh đồng Vĩnh Trại, ấp này phụng thờ đền tiên quân, có động Truyền thần ở đó. Khí thiêng chung đúc, um tùm âm u, Cơ có thể lại nương tựa, để phụng thờ tiên quân. Đặt hai khoảnh ruộng để hàng năm tuần tiết thờ cúng Cơ, đều khắc vào mặt sau bia, truyền lại lâu dài. Cơ có con dại, lũ tôi xin vì Cơ nuôi dạy, Cơ có mẹ già, lũ tôi xin vì Cơ thăm hỏi, Cơ ở dưới chín suối, sẽ không để lòng lo buồn. Ba năm đã sạch sẽ rồi, sẽ cải cát đưa hài cốt về để hầu hạ mồ mả tiên quân, sẽ yên ủi lòng mong mỏi của Cơ” (Tế thứ mẫu Hoàng Thị văn - Kim mã hành dư).
Khi linh cữu về gần đến kinh thành Thăng Long, vì tang đại thần, không được đi qua kinh đô, Ngô Thì Nhậm phải đưa đi đường vòng xuống phía hạ lưu sông Hồng, vượt sông về đến đầu làng Tả Thanh Oai, dựng rạp bên bờ sông Nhuệ, làm ma. Lại cũng vì lệ người chết nơi tha hương không được đem linh cữu về nhà mình ! Tại nhà tế này Ngô Thì Nhậm đề đôi câu đối, bao quát cả cuộc đời hoạt động của người cha:
Tam đô xuất trấn kiêm văn vũ;
Lưỡng tiến đăng triều sáng cổ kim.
(Hào mân ai lục).
(Ba lần ra trấn thủ xứ ngoài, tài kiêm văn võ;
Hai lượt được tiến triều, là dịp hiếm có xưa nay).D
Năm Nhâm Dần (1782), trong kinh có biến. Trịnh Sâm qua đời, nhân ngày cúng cơm, kiêu binh nổi loạn, giết Quận Huy, phế Trịnh Cán, lập Trịnh Tông. Những người có liên quan ít nhiều đến vụ án năm Canh Tý hoặc bị giết, hoặc bị bắt giam, tịch thu gia sản. Ngô Thì Nhậm vì trước đây bị dư luận ghép cho là người cáo giác vụ án, phải lánh về quê vợ cả ở am Lệ Trạch, xã Đội Trạch, trấn Sơn Nam (Vũ Thư, Thái Bình). ở đây ông nương nhờ tại nhà người em vợ là Đồng Lạc thị.
Năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc diệt chúa họ Trịnh, giao quyền cho Lê Hiển Tông, rồi lại trở về Nam. Em ông là Ngô Thì Chí về am Lệ Trạch, nơi ông đang lánh mình đón về kinh, nhận chức Hộ bộ Đô cấp sự trung, thăng Hiệu thảo kiêm Toản tu của triều đình Lê Chiêu Thống.
Năm Đinh Mùi (1787), Vua Lê Chiêu Thống được Nguyễn Hữu Chỉnh giúp, chống lại nhà Tây Sơn. Nguyễn Huệ cho Vũ Văn Nhậm ra đánh. Chiêu Thống chạy về vùng núi Bảo Lộc (nay Lục Nam, tỉnh Bắc Giang), sai người sang nhà Thanh xin cầu viện, còn Ngô Thì Nhậm ẩn náu tại làng Kim Lan, huyện Thạch Thất (nay thuộc tỉnh Hà Tây).
Năm Mậu Thân (1788), Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai, xuống lệnh tìm kiếm quan lại cũ của triều đình nhà Lê -Trịnh ra giúp việc nước. Ngô Thì Nhậm được Nguyễn Huệ trao cho chức Hữu thị lang bộ Công, tước Tình Phái hầu, cùng với Võ Văn Ước coi tất cả các quan văn võ của nhà Lê. Nguyễn Huệ lại trở về Phú Xuân.
Tháng 10 năm Mậu Thân (1788), Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị đem 29 vạn quân, cùng hàng chục vạn dân phu phục dịch, vượt biên giới, tiến sâu vào nội địa nước ta, với dã tâm xâm lược. Ngô Thì Nhậm cùng tướng của Tây Sơn là Ngô Văn Sở bàn tính kế lui giặc. Một cống hiến to lớn của Ngô Thì Nhậm là “Nước cờ Tam Điệp” giúp cho Quang Trung hành quân thần tốc ra Thăng Long lập nên chiến thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) lừng lẫy.
Năm Nhâm Tý (1792), Ngô Thì Nhậm kiêm chức Quốc sử thự Tổng tài. Giữa lúc vua sáng tôi hiền gặp gỡ thì vua Quang Trung lâm bệnh đột ngột qua đời vào ngày 29 tháng 7 (nhuận), năm ấy.
Tháng 2 năm sau (1793), Ngô Thì Nhậm lãnh chức Chánh sứ sang Thanh (Trung Quốc) báo tang và cầu phong cho vua mới Quang Toản.
Đi sứ là việc hết sức hệ trọng, không những đối với quốc gia đại sự mà ngay bản thân người đi sứ cũng lo lắng đến cả tính mạng của mình, e rằng lần đi sứ này khó có thể sống xót trở về, nên trước khi lên đường Ngô Thì Nhậm đã viết lời dặn lại con cháu rất cặn kẽ:
“Học Tốn công em ta (tức Ngô Thì Chí), đã quy tiên trước ta rồi, cháu Phẩm (tức con Ngô Thì Chí) nên lập từ đường ở bản ấp để thờ cúng em ta. Từ đường đó cứ theo như nhà cũ, sau này cháu, rồi con trưởng của cháu nối tiếp phụng thờ. Sủng là em cháu, sau khi khôn lớn, nên làm nhà ở làng Bảo Triện cùng nương tựa vào cậu là Hoàng giáp công (Định Lĩnh hầu), đợi khi nào mẹ cháu tuổi già, rước về Bảo Triện, lúc trăm tuổi hợp táng với cha cháu. Nay mẹ cháu tuổi chưa tới 50, ta chưa cho về.
Em thứ ta là Quảng Nghiệp quân, không có con, nay giao cho em Thiệm, (Thiệm là con ông chú: Ngô Tưởng Đạo) sau này thờ chú ta (Ngô Tưởng Đạo, bố của Thiệm) làm hàng chiêu, thờ Quảng Nghiệp quân ở hàng mục. Em (tức Thiệm) là người có tài, không phải tục tằn, ta đâu phải nhiều lời.
Em thứ nữa là Trí, ở chi ta là ngành thứ, song đối với bà thứ mẫu Thuận Nhân lại là ngành trưởng (Ngô Thì Chí là em thứ ba của Ngô Thì Nhậm, nhưng là con đầu của bà mẹ kế (thứ mẫu) là Thuận Nhân sinh ra), đã thờ thần chủ bà thứ mẫu Thuận Nhân phối hưởng với Tiên công, đó là lòng hiếu kính của ta theo chí hướng của các cụ trước, đời đời không dám vượt quá. Trí, em nên cùng với Thân con cả ta ở chung (trong Ngô gia văn phái và Ngô gia thế phả chép Ngô Thì Điển, chữ Điển 典 và Thân 伸 tự dạng gần giống nhau, có lẽ ở đây chép lầm chữ “Điển” ra chữ “Thân”?. Chú cháu phụng thờ tư tết phải kính cẩn, không được trái cái ý hiếu thuận của ta. Em [Trí] nên ở một khu đất phía trước, bên phải nhà của cháu Thân. Đất đó do Tiên công ta cho, lại một chiếc ao nữa, ta thu lại làm ao hương hỏa, sẽ lấy một chiếc ao đào cũ, sào thước cũng đúng bằng ấy để đổi.
Em thứ thứ nữa là Hoàng, vợ em có công nhưng không may không có con, cho em được ở quê vợ, cùng nương tựa với anh em họ ngoại. Em nên lấy vợ lẽ, người trong họ của vợ em, để kế về sau. Hàng năm lễ tết giỗ chạp thì về quê quán cùng anh em tôn tộc hội họp yến ẩm, là được.
Em thứ thứ nữa là Hương, mẹ em đã cải giá, vợ em cũng mất sớm, cảnh ngộ em rất lận đận, ta thương lắm. Nhưng sau em cưới vợ nữa, đó là điều không chỉ nói về đạo làm người, mà là theo đạo trời đấy. Vì ngay từ khi còn nhỏ đã phải đơn côi khổ cực, đạo trời thì thêm bớt, ắt trưởng thành hanh thông. Sau này để tang sinh mẫu và giá mẫu. Hiện tại không được gặp mặt em. Vợ em hiện không có con, cho phép em lấy em gái vợ làm kế thất. Em nên làm nhà ở xã Cao Xá, nhập tịch xã đó. Còn như thổ cư ở thôn Đức Lâm, nay chị dâu thứ nhì tạm ở, sau này lấy nhà đó làm nơi thờ vợ (cả) của em. Bố mẹ vợ em đem con gái thứ hai gả cho em, con rể cũng như con đẻ, sau này, theo lễ thì để tang 1 năm, theo tình thì để tang 3 năm, không được làm trái lời ta.
Con trưởng Thân ! Con là con cả, ở quê cha mẹ, phụng thờ tổ tông, con cùng chú Trí ở chung, phải lấy hiếu thuận khuyên bảo, lấy thành thực đối xử, chớ phá hoại nền nếp ông cha. Con giữ một khu ao hương hỏa và các thửa ruộng tế của đàn Truy Viễn, siêng năng sản nghiệp, để đủ dưa muối, không được khiếm khuyết.
Con thứ Nghi ! năm Nhâm Dần (1782) lúc ta phải trốn tránh, cùng bàn với mẹ con, cho con ở quê ngoại xã Bách Tính, để phụng thờ những giỗ chạp về họ ngoại. Con nên cùng cậu Đồng Lạc thị nhập tịch làng đó. Nay cho con một ngôi nhà ở bên phải nhà anh Thân con, đó là một khu đất đằng sau suốt mãi tới phần đất của chi trưởng, để khi tuần tiết hàng năm, trở về ở đó mà cúng tế cho tiện.
Con thứ thứ nữa Quán ! Đã cho làm thừa tự em gái ta là Cung Hòa huy nhân, vợ Trác Lĩnh hầu, cho con làm nhà ở xã Bằng Liệt để thờ tự bố mẹ nuôi. Còn mẹ đẻ con, cho một ngôi nhà ở bên trái nhà anh Thân con, đằng sau suốt mãi tới vườn sau từ đường, cho có nơi dựa dẫm, ăn ở được yên.
Ngoài ra, con trai, con gái còn nhỏ, phó cho mệnh trời, không dám mong ước nhiều.
Lại ông anh họ là Hựu, được nhờ cha ta xưa nuôi làm con, kể tuổi thì phải làm em ta, nay ta đã xây dựng gia đình cho em để giữ hương khói ngành trưởng, em phải cùng anh Trí và cháu Thân ở chung, phải một nhà hòa thuận yêu mến, có thủy có chung, nhất là chia rẽ người này người nọ, phải cấm hẳn. Nếu trái lời ta, tổ tiên chứng giám !
Này, ta là người ứng phó với việc đời, từng làm bài phú Mộng Thiên Thai, có câu rằng:
“Lấy cả vũ trụ làm lều chừ,
Ôi sao buộc được cánh chim hồng đây?”
Con đường dong ruổi chạy vạy của ta, tương lai chưa thể đoán được. Ngửa trông phúc lớn, việc đi sứ xong, khi cưỡi ngựa nhìn thấy cái vui của gia đình, nào cha con, nào anh em, nào ông cháu, càng có nhiều truyện lý thú.
Một thiên nghị luận về việc họ này, chỉ là sơ lược mà thôi”.
Trên đường đi sứ, đi đến Nam Ninh, được tin quê nhà mở khoa thi, ông lại viết thư về dặn dò con cháu:
“Năm nay mở khoa thi, lấy học trò đỗ bằng những bài Kinh nghĩa và văn sách. Khi thi tuyển, quan hữu ty dẫn dắt, cất nhắc vào kinh. Bước đường mây xanh dài rộng, người học giỏi mới được nộp danh sách.
Xem ra, lũ chúng mày học thì đểnh đoảng, cần nên sửa chữa, đừng có chơi đùa, để đợi khoa sau sẽ gặp dịp tốt. Là con em nhà thế gia, đứng trong hàng đai mũ, không thể ví với con em nhà thường dân, gặp bước tiến mau, sức học thì không đủ, nhưng mong muốn những việc ngoài bổn phận, để nhục tới danh tiếng gia đình. Chú cháu chúng mày ở nhà, càng nên bảo nhau cố gắng, chăm đọc sử sách, vì ở đời người có văn chương là quý. Đến như việc khoa cử, phận trời đã định. Truyện nhà Đào Bính, để lại trò cười cho các nhà đại gia, phải răn cấm, phải răn cấm! Chớ cho lời ta nói là viển vông không thiết thực. Nếu nhà chức trách cho việc không nộp danh sách ứng cử mà trách móc, thì khi ra ứng khảo hạch ở huyện, nếu có mỗ mãng mà bị đánh hỏng, cũng không hại gì. Cần nhất là không nên “vẽ rắn trổ chim,” tài sức không đủ mà cứ miễn cưỡng làm, đến lúc thi lại, bị trượt, rất là hổ thẹn.
Đường xá xa xôi, trong lòng nhớ nhung, nghĩ tới các ngươi, mượn bút gửi lời, ghi lòng chớ trái.
Cuối tháng trọng Xuân, viết ở nhà trọ Nam Kinh, và để báo tin bình an mà mừng.”
(Giới đệ tử điệt thư)
Lần đi sứ này Ngô Thì Nhậm trở về bình yên. Về đến Thăng Long, ông chỉ kịp ghé qua nhà viếng mộ con trai Văn Trang vương vừa mất trước khi đi sứ ít ngày, rồi vào Phú Xuân ngay, mãi đến cuối năm Giáp Dần (1794) mới trở lại quê nhà.
Vua Quang Trung mất, Ngô Thì Nhậm mất đi người hiểu mình, biết đến tài năng và tin dùng mình. Quang Toản mới 15 tuổi lên nối ngôi, nội bộ triều đình dần dần bị chia rẽ sâu sắc, rồi lâm vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, bởi người cậu Bùi Đắc Tuyên lợi dụng vua Quang Toản còn nhỏ tuổi, chuyên quyền, lộng hành, vơ vét của cải cho bản thân, gây ra năm bè bảy mối, gạt bỏ dần những bầy tôi giỏi, trung thành của vua Quang Trung. Rồi việc gì sẽ đến cũng đã đến. Triều đình Quang Toản sụp đổ. Nhà Nguyễn lên thay, Ngô Thì Nhậm bị đưa ra Văn Miếu đánh đòn. Trận đòn thù làm cho ông uất ức mà qua đời. L.G
VĂN BẢN HÀO MÂN AI LỤC CỦA NGÔ THÌ NHẬM -PHẠM THỊ THOA.
Hào Mân ai lục (HMAL) là tác phẩm được chép trong tùng thư Ngô gia văn phái của dòng họ Ngô Thì làng Tả Thanh Oai. Song hầu như chưa được giới thiệu và khai thác. Sách gồm các bài cáo văn, tế văn, hành trạng Ngô Thì Sĩ do Ngô Thì Nhậm soạn sau khi cha ông qua đời; ngoài ra HMAL còn tập hợp các câu đối mà Ngô Thì Nhậm đã đề ở đình chùa, nhà thờ họ, nhà tế cha... Nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất của ông, chúng tôi giới thiệu đôi nét về tác phẩm này.
1. Câu đối:
Số câu đối ở đây gồm cả câu đối trong Kim mã hành dư, cùng nằm trong quyển 7).
Cụ thể là câu đối ở Từ đường Ngô Thì Sỹ 83 đôi, đền Sùng Đức 7, nhà bia 2, nhà thờ Vĩnh Tư 3, điện tế vua Lê Hiển Tông 43, trai đường Thái Phi 47, phủ chúa Trịnh 10, nhà giải nhiệt 7, Khôn Hậu đường 11, Vương phủ đường 4, công phủ 10, lầu Minh Ngự ở đình bản xã 10, từ vũ bản huyện 9, miếu Chử Đồng Tử 3, chùa Linh Am 1, điện tế mẹ vợ 3, đền Hoàn Tiết 1, đền Sài Sơn 1, đền Tượng Hiền 2, đền Tiên Căn 7, Tam tự 1, nhà tế 19, câu đối mừng quan về hưu 18, đàn Truy Viễn 1, Tư Sảnh 8, nhà ở Kinh 2, chùa Trúc Lâm 6, ở sảnh đường 2 đôi.
Như vậy tất cả có 321 đôi câu đối, được chép ở 28 nơi khác nhau, từ đền chùa miếu mạo, đến nhà tế Ngô Thì Sỹ. Trong số câu đối trên, có câu ngắn gọn, dễ hiểu, nhưng cũng có câu được dùng điển tích điển cố, khiến người đọc phải tinh thông kim cổ mới có thể hiểu được. Điều này thể hiện sự thông minh lỗi lạc, học rộng hiểu nhiều của Ngô Thì Nhậm. Nội dung các câu đối cũng đa dạng theo địa điểm thờ cúng. Chẳng hạn ở nhà thờ Ngô Thì Sỹ câu đối ca ngợi văn chương đạo đức của cha:
師 世 文 章 奎 璧 燦
宗 儒 道 德 斗 山 高
Sư thế văn chương Khuê Bích xán;
Tông nho đạo đức Đẩu Sơn cao.
(Văn chương bậc thầy sáng ngời như sao Khuê sao Bích;
Đạo đức đại nho cao ngất tựa Bắc Đẩu, Thái Sơn)
Chỉ một đôi câu đối ông cũng nêu hết công danh sự nghiệp của cha mình:
三 都 出 鎮 兼 文 武
兩 進 登 朝 創 古 今
Tam đô xuất trấn kiêm văn võ;
Lưỡng tiến đăng triều sáng cổ kim.
(Ba lần ra trấn thủ xứ ngoài tài kiêm văn võ;
Hai lượt được tiến triều gây sự nghiệp xưa nay).
Câu đối ở điện tế vua Lê Hiển Tông Dụ Hoàng đế thì ca ngợi đức cao vọng trọng của nhà vua:
深 仁 厚 澤 久 涵 濡 如 化 日 光 天 所 在 尊 親 冒 怙
盛 德 茂 功 齊 溥 博 雖 深 山 窮 谷 罔 不 奔 走 悲 號
Thâm nhân hậu trạch cửu hàm nhu, như hóa nhật quang thiên, sở tại tôn thân mạo hỗ;
Thịnh đức mậu công tề phổ bác, tuy thâm sơn cùng cốc, võng bất bôn tẩu bi hào.
(Nhân sâu ơn hậu, thấm nhuần đã lâu, như bóng mặt trời tỏa khắp, bầu trời sáng trưng, mọi nơi được thương yêu nương tựa;
Đức thịnh công cao, rộng che hết thảy, dù trên núi xa xăm, hang cùng ngõ tối, không đâu phải chạy vạy kêu gào).
Đền Sài Sơn ông chỉ còn để lại một đôi câu đối, song nó đã nêu được đầy đủ triết lý về nhân sinh, về đạo lý:
道 則 無 始 終 可 能 始 盡 制 終 盡 倫 昭 焄 豈 在 地
人 皆 有 生 死 惟 有 生 完 美 死 完 局 壽 天 不 爭 天
Đạo tắc vô thủy chung, khả năng thủy tận chế, chung tận luân, chiêu huân khởi tại địa;
Nhân giai hữu sinh tử, duy hữu sinh hoàn mỹ, tử hoàn cục, thọ thiên bất tranh thiên.
(Đạo thì không có đầu không có cuối, sao cho đầu thì làm hết chế độ, cuối thì hết luân thường, sáng soi rực rỡ đâu phải tại đất;
Người đều có sống có chết, miễn sao sống cho hoàn mỹ, chết cho vẹn toàn, tuổi thọ không ganh đua được với trời).
( http://hannom.org.vn/ ).
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét