Năm Ngô Thì Nhậm 17 tuổi thì mẹ qua đời để lại 5 người con: Ngô Thì Nhậm con cả, con thứ hai Ngô Thị Thục, sau lấy Tiến sĩ Phan Huy Ích, con thứ ba Ngô Thì Chí, con thứ tư Ngô Thị Viêm, con thứ năm Ngô Thì Điện.
Năm 1763, Ngô Thì Sỹ được chúa Ân Vương Trịnh Doanh mến tài, đặc cách cho tiến triều, trao cho chức Cấp sự trung bộ Công, năm sau Giáp Thân (1764) trao chức Giám Ngự sử đạo Sơn Tây, không đầy vài tháng thăng làm Đốc đồng xứ Thái Nguyên (Hào mân ai lục). Từ đây gia đình Ngô Thì Sỹ mới dần dần thoát khỏi cảnh nghèo khó. Năm 1764 Ngô Thì Sỹ lấy vợ kế họ Nguyễn, bà cùng 4 người con chồng đến nhậm sở tại Sơn Tây ở với ông; chỉ còn Ngô Thì Nhậm ở nhà với người vợ mới cưới là Ngô Thị Anh, người Bách Tính, Sơn Nam Hạ (Kim mã hành dư).
Năm Tân Mão (1771), Ngô Thì Sỹ làm Tham chính Nghệ An, Tư đồ Hoàng Ngũ Phúc ghép ông vào tội gian lận trường thi Hương, bị cách tuột chức tước. Cũng năm đó, bà vợ kế của Ngô Thì Sỹ mất, khi ấy Ngô Thì Sỹ còn đang ở Nghệ An. Mọi việc thuốc thang, rồi tang ma đều do Ngô Thì Nhậm lo toan. Bà sống với Ngô Thì Sỹ được 7 năm, để lại hai người con (Ngô Thì Trí, Ngô Thì Hoàng).
Năm 1780 xảy ra vụ án Canh Tý. Vụ án xảy ra khoảng cuối tháng 7, đến cuối tháng 9, Ngô Thì Sỹ bị cảm tại động Nhị Thanh, rồi ít ngày sau thì qua đời. Ngô Thì Nhậm dâng biểu xin với Chúa đưa thi hài cha về quê. Trịnh Sâm liền cấp ngay cho tiền bạc và 20 tên lính đi áp tải quan tài. Đoàn người vội vã lên đường, đến nơi lập tức trở về ngay. Ngày Canh Dần, tháng 10 năm Canh Tý khởi hành, mười chín ngày sau vào ngày Nhâm Thân, tháng mười thì đưa quan tài về tới quê Tả Thanh Oai. Công việc đưa linh cữu về quê chậm trễ, dài ngày vì ngoài việc khiêng vác vất vả, hàng ngày dừng đợi cúng cơm ra; còn xảy ra một việc rất đau lòng là: Người vợ thứ tư của Ngô Thì Sỹ họ Hoàng, hiệu Tuệ Trang, theo ông lên Lạng Sơn, sinh được một trai nhưng không nuôi được, sau mới sinh được bé gái còn nhỏ thì Ngô Thì Sỹ qua đời. Lúc đưa linh cữu về quê, bà quá đau xót mà sinh bệnh, không thể đi cùng. Linh cữu đi được vài ngày, có tín báo bà đã mất. Ngô Thì Nhậm phải dừng linh cữu giữa đường, quay lại Đoàn Thành lo tang ma cho người mẹ kế, chôn cất tại đó, hẹn ba năm sau cải táng đưa về quê, cái thế lúc này không thể đưa linh cữu mẹ kế về cùng. Ngô Thì Nhậm, kể: “Mệnh của Cơ sao quá mỏng, sinh một trai thì không nuôi được, một gái thì còn nhỏ. Tiên quân ta lại bỏ mà đi, đàn con côi không nơi nương tựa, Cơ cũng chẳng được trông cậy, trăm cảnh khổ cực, lòng sợ mắt buồn. Gần đây chạy tang ở dinh thự Đoàn Thành, thấy Cơ bị bệnh rên rỉ, xin theo tiên quân. Lòng ta thương buồn, vì Cơ lễ bái thuốc thang nhưng không kiến hiệu. Ngày trở về đã tới, không thể săn sóc. Ngày 12 đưa tang ra khỏi thành, để Cơ ở lại dinh, còn mong cho khỏi, nhưng vào ngày 14 Cơ bèn theo tiên quân mà lìa cõi trần. ở giữa đường nghe được tin, rất lấy làm buồn. Cơ sống hay chết đều theo tiên quân ta, có thể coi là bậc trinh thuận thành thực, còn bọn ta thờ phụng đấng thân, không có công trạng gì, không những đắc tội với cha, mà cũng thẹn với Cơ nữa. Nay linh cữu ở dọc đường, tính đường đất đến cuối tháng mới tới quê nhà. Tang sự là việc lớn, chính đương lúc chật vật nơi núi cao khe thẳm, đường đi xa xăm này, thế không thể cho phép mang cả di hài của Cơ cùng đi theo mà về. Vậy xin chọn ngày tốt, tạm chôn ở cánh đồng Vĩnh Trại, ấp này phụng thờ đền tiên quân, có động Truyền thần ở đó. Khí thiêng chung đúc, um tùm âm u, Cơ có thể lại nương tựa, để phụng thờ tiên quân. Đặt hai khoảnh ruộng để hàng năm tuần tiết thờ cúng Cơ, đều khắc vào mặt sau bia, truyền lại lâu dài. Cơ có con dại, lũ tôi xin vì Cơ nuôi dạy, Cơ có mẹ già, lũ tôi xin vì Cơ thăm hỏi, Cơ ở dưới chín suối, sẽ không để lòng lo buồn. Ba năm đã sạch sẽ rồi, sẽ cải cát đưa hài cốt về để hầu hạ mồ mả tiên quân, sẽ yên ủi lòng mong mỏi của Cơ” (Tế thứ mẫu Hoàng Thị văn - Kim mã hành dư).
Khi linh cữu về gần đến kinh thành Thăng Long, vì tang đại thần, không được đi qua kinh đô, Ngô Thì Nhậm phải đưa đi đường vòng xuống phía hạ lưu sông Hồng, vượt sông về đến đầu làng Tả Thanh Oai, dựng rạp bên bờ sông Nhuệ, làm ma. Lại cũng vì lệ người chết nơi tha hương không được đem linh cữu về nhà mình ! Tại nhà tế này Ngô Thì Nhậm đề đôi câu đối, bao quát cả cuộc đời hoạt động của người cha:
Tam đô xuất trấn kiêm văn vũ;
Lưỡng tiến đăng triều sáng cổ kim.
(Hào mân ai lục).
(Ba lần ra trấn thủ xứ ngoài, tài kiêm văn võ;
Năm Nhâm Tý (1792), Ngô Thì Nhậm kiêm chức Quốc sử thự Tổng tài. Giữa lúc vua sáng tôi hiền gặp gỡ thì vua Quang Trung lâm bệnh đột ngột qua đời vào ngày 29 tháng 7 (nhuận), năm ấy.
Tháng 2 năm sau (1793), Ngô Thì Nhậm lãnh chức Chánh sứ sang Thanh (Trung Quốc) báo tang và cầu phong cho vua mới Quang Toản.
Đi sứ là việc hết sức hệ trọng, không những đối với quốc gia đại sự mà ngay bản thân người đi sứ cũng lo lắng đến cả tính mạng của mình, e rằng lần đi sứ này khó có thể sống xót trở về, nên trước khi lên đường Ngô Thì Nhậm đã viết lời dặn lại con cháu rất cặn kẽ:
“Học Tốn công em ta (tức Ngô Thì Chí), đã quy tiên trước ta rồi, cháu Phẩm (tức con Ngô Thì Chí) nên lập từ đường ở bản ấp để thờ cúng em ta. Từ đường đó cứ theo như nhà cũ, sau này cháu, rồi con trưởng của cháu nối tiếp phụng thờ. Sủng là em cháu, sau khi khôn lớn, nên làm nhà ở làng Bảo Triện cùng nương tựa vào cậu là Hoàng giáp công (Định Lĩnh hầu), đợi khi nào mẹ cháu tuổi già, rước về Bảo Triện, lúc trăm tuổi hợp táng với cha cháu. Nay mẹ cháu tuổi chưa tới 50, ta chưa cho về.
Em thứ ta là Quảng Nghiệp quân, không có con, nay giao cho em Thiệm, (Thiệm là con ông chú: Ngô Tưởng Đạo) sau này thờ chú ta (Ngô Tưởng Đạo, bố của Thiệm) làm hàng chiêu, thờ Quảng Nghiệp quân ở hàng mục. Em (tức Thiệm) là người có tài, không phải tục tằn, ta đâu phải nhiều lời.
Em thứ nữa là Trí, ở chi ta là ngành thứ, song đối với bà thứ mẫu Thuận Nhân lại là ngành trưởng (Ngô Thì Chí là em thứ ba của Ngô Thì Nhậm, nhưng là con đầu của bà mẹ kế (thứ mẫu) là Thuận Nhân sinh ra), đã thờ thần chủ bà thứ mẫu Thuận Nhân phối hưởng với Tiên công, đó là lòng hiếu kính của ta theo chí hướng của các cụ trước, đời đời không dám vượt quá. Trí, em nên cùng với Thân con cả ta ở chung (trong Ngô gia văn phái và Ngô gia thế phả chép Ngô Thì Điển, chữ Điển 典 và Thân 伸 tự dạng gần giống nhau, có lẽ ở đây chép lầm chữ “Điển” ra chữ “Thân”?. Chú cháu phụng thờ tư tết phải kính cẩn, không được trái cái ý hiếu thuận của ta. Em [Trí] nên ở một khu đất phía trước, bên phải nhà của cháu Thân. Đất đó do Tiên công ta cho, lại một chiếc ao nữa, ta thu lại làm ao hương hỏa, sẽ lấy một chiếc ao đào cũ, sào thước cũng đúng bằng ấy để đổi.
Em thứ thứ nữa là Hoàng, vợ em có công nhưng không may không có con, cho em được ở quê vợ, cùng nương tựa với anh em họ ngoại. Em nên lấy vợ lẽ, người trong họ của vợ em, để kế về sau. Hàng năm lễ tết giỗ chạp thì về quê quán cùng anh em tôn tộc hội họp yến ẩm, là được.
Em thứ thứ nữa là Hương, mẹ em đã cải giá, vợ em cũng mất sớm, cảnh ngộ em rất lận đận, ta thương lắm. Nhưng sau em cưới vợ nữa, đó là điều không chỉ nói về đạo làm người, mà là theo đạo trời đấy. Vì ngay từ khi còn nhỏ đã phải đơn côi khổ cực, đạo trời thì thêm bớt, ắt trưởng thành hanh thông. Sau này để tang sinh mẫu và giá mẫu. Hiện tại không được gặp mặt em. Vợ em hiện không có con, cho phép em lấy em gái vợ làm kế thất. Em nên làm nhà ở xã Cao Xá, nhập tịch xã đó. Còn như thổ cư ở thôn Đức Lâm, nay chị dâu thứ nhì tạm ở, sau này lấy nhà đó làm nơi thờ vợ (cả) của em. Bố mẹ vợ em đem con gái thứ hai gả cho em, con rể cũng như con đẻ, sau này, theo lễ thì để tang 1 năm, theo tình thì để tang 3 năm, không được làm trái lời ta.
Con trưởng Thân ! Con là con cả, ở quê cha mẹ, phụng thờ tổ tông, con cùng chú Trí ở chung, phải lấy hiếu thuận khuyên bảo, lấy thành thực đối xử, chớ phá hoại nền nếp ông cha. Con giữ một khu ao hương hỏa và các thửa ruộng tế của đàn Truy Viễn, siêng năng sản nghiệp, để đủ dưa muối, không được khiếm khuyết.
Con thứ Nghi ! năm Nhâm Dần (1782) lúc ta phải trốn tránh, cùng bàn với mẹ con, cho con ở quê ngoại xã Bách Tính, để phụng thờ những giỗ chạp về họ ngoại. Con nên cùng cậu Đồng Lạc thị nhập tịch làng đó. Nay cho con một ngôi nhà ở bên phải nhà anh Thân con, đó là một khu đất đằng sau suốt mãi tới phần đất của chi trưởng, để khi tuần tiết hàng năm, trở về ở đó mà cúng tế cho tiện.
Con thứ thứ nữa Quán ! Đã cho làm thừa tự em gái ta là Cung Hòa huy nhân, vợ Trác Lĩnh hầu, cho con làm nhà ở xã Bằng Liệt để thờ tự bố mẹ nuôi. Còn mẹ đẻ con, cho một ngôi nhà ở bên trái nhà anh Thân con, đằng sau suốt mãi tới vườn sau từ đường, cho có nơi dựa dẫm, ăn ở được yên.
Ngoài ra, con trai, con gái còn nhỏ, phó cho mệnh trời, không dám mong ước nhiều.
Lại ông anh họ là Hựu, được nhờ cha ta xưa nuôi làm con, kể tuổi thì phải làm em ta, nay ta đã xây dựng gia đình cho em để giữ hương khói ngành trưởng, em phải cùng anh Trí và cháu Thân ở chung, phải một nhà hòa thuận yêu mến, có thủy có chung, nhất là chia rẽ người này người nọ, phải cấm hẳn. Nếu trái lời ta, tổ tiên chứng giám !
Này, ta là người ứng phó với việc đời, từng làm bài phú Mộng Thiên Thai, có câu rằng:
“Lấy cả vũ trụ làm lều chừ,
Ôi sao buộc được cánh chim hồng đây?”
Con đường dong ruổi chạy vạy của ta, tương lai chưa thể đoán được. Ngửa trông phúc lớn, việc đi sứ xong, khi cưỡi ngựa nhìn thấy cái vui của gia đình, nào cha con, nào anh em, nào ông cháu, càng có nhiều truyện lý thú.
Một thiên nghị luận về việc họ này, chỉ là sơ lược mà thôi”.
Trên đường đi sứ, đi đến Nam Ninh, được tin quê nhà mở khoa thi, ông lại viết thư về dặn dò con cháu:
“Năm nay mở khoa thi, lấy học trò đỗ bằng những bài Kinh nghĩa và văn sách. Khi thi tuyển, quan hữu ty dẫn dắt, cất nhắc vào kinh. Bước đường mây xanh dài rộng, người học giỏi mới được nộp danh sách.
Xem ra, lũ chúng mày học thì đểnh đoảng, cần nên sửa chữa, đừng có chơi đùa, để đợi khoa sau sẽ gặp dịp tốt. Là con em nhà thế gia, đứng trong hàng đai mũ, không thể ví với con em nhà thường dân, gặp bước tiến mau, sức học thì không đủ, nhưng mong muốn những việc ngoài bổn phận, để nhục tới danh tiếng gia đình. Chú cháu chúng mày ở nhà, càng nên bảo nhau cố gắng, chăm đọc sử sách, vì ở đời người có văn chương là quý. Đến như việc khoa cử, phận trời đã định. Truyện nhà Đào Bính, để lại trò cười cho các nhà đại gia, phải răn cấm, phải răn cấm! Chớ cho lời ta nói là viển vông không thiết thực. Nếu nhà chức trách cho việc không nộp danh sách ứng cử mà trách móc, thì khi ra ứng khảo hạch ở huyện, nếu có mỗ mãng mà bị đánh hỏng, cũng không hại gì. Cần nhất là không nên “vẽ rắn trổ chim,” tài sức không đủ mà cứ miễn cưỡng làm, đến lúc thi lại, bị trượt, rất là hổ thẹn.
Đường xá xa xôi, trong lòng nhớ nhung, nghĩ tới các ngươi, mượn bút gửi lời, ghi lòng chớ trái.
Cuối tháng trọng Xuân, viết ở nhà trọ Nam Kinh, và để báo tin bình an mà mừng.”
(Giới đệ tử điệt thư)
Lần đi sứ này Ngô Thì Nhậm trở về bình yên. Về đến Thăng Long, ông chỉ kịp ghé qua nhà viếng mộ con trai Văn Trang vương vừa mất trước khi đi sứ ít ngày, rồi vào Phú Xuân ngay, mãi đến cuối năm Giáp Dần (1794) mới trở lại quê nhà.
Hai lượt được tiến triều, là dịp hiếm có xưa nay). "
(NGÔ THÌ NHẬM VỚI ĐỜI THƯỜNG- LÂM GIANG ( http://hannom.org.vn/ ).
LƯỢC PHẢ DÒNG HỌ NGÔ THỜI .
Dòng họ Ngô đến lập nghiệp tại Tả Thanh Oai đã nhiều đời, nhưng Ngô gia thế phả cũng chỉ coi từ đời cụ Phúc Cơ (khoảng đầu thế kỉ XVI) là người mở đầu cho dòng họ Ngô tại Tả Thanh Oai. Tên thuỵ hiệu của cụ tổ đều không rõ, năm Giáp Ngọ, cháu đời thứ 12 là Ngọ Phong, họp họ, xin đặt thuỵ hiệu, tôn làm Triệu tổ (Ngô gia thế phả).
Đời thứ hai là cụ Mỹ Đức, giữ chức Cao Sơn cục chính trưởng.
Đời thứ ba là cụ Hoằng Nghị, tự Minh Dực tướng quân.
Đời thư tư là cụ Cẩn Tiết, Nho sinh trúng thức.
Bắt đầu từ đây dòng họ Ngô chia ra làm hai chi Giáp và chi Ất. Ngô Thì Nhậm thuộc chi Giáp, và kể từ đời cụ Phúc Cơ thì ông thuộc đời thứ 13 của dòng họ.
I/ NGÔ THỜI SĨ .
Bố: NGÔ THỜI ỨC
Mẹ: Bà Tiết Ý họ Tưởng.
Ngô Thời Sĩ có 4 bà vợ.
* Vợ đầu :Bà Trinh Từ họ Nguyễn .
Sinh được các con :
1. NGÔ THỜI NHẬM ( cả ).
2. NGÔ THỊ THỤC – Là vợ Phan Huy ích.
3. NGÔ THỜI CHÍ. ( Học Tốn ốm chết năm 1788.)
4. NGÔ THỊ VIÊM.
5. NGÔ THÌ ĐIỆN.
6. Một cho em trai làm con nuôi không rõ tên.
* Vợ thứ 2 năm 1764 Ngô Thì Sỹ lấy vợ kế họ Nguyễn sinh ra : Hiệu Thuận Nhân.
1. NGÔ THỜI TRÍ.
2. NGÔ THỜI HOÀNG
* Vợ thứ 3 : Sinh ra : NGÔ THỜI HƯƠNG. Bà này đã cải giá với người khác
* Vợ thứ 4 :Người vợ thứ tư của Ngô Thì Sỹ họ Hoàng, hiệu Tuệ Trang, theo ông lên Lạng Sơn, sinh được một trai nhưng không nuôi được, sau mới sinh được bé gái còn nhỏ thì Ngô Thì Sỹ qua đời. Lúc đưa linh cữu về quê, bà quá đau xót mà sinh bệnh, không thể đi cùng. Linh cữu đi được vài ngày, có tín báo bà đã mất. Ngô Thì Nhậm phải dừng linh cữu giữa đường, quay lại Đoàn Thành lo tang ma cho người mẹ kế, chôn cất tại đó, hẹn ba năm sau cải táng đưa về quê, cái thế lúc này không thể đưa linh cữu mẹ kế về cùng.
II/ NGÔ THỜI NHẬM
Bố: NGÔ THỜI SĨ
Mẹ: Bà Trinh Từ họ Nguyễn
Vợ Ngô Thị Anh, người quê Bách Tính, Sơn Nam Hạ (Kim mã hành dư). Quê vợ cả ở am Lệ Trạch, xã Đội Trạch, trấn Sơn Nam (Vũ Thư, Thái Bình).
CON.
1. NGÔ THỜI THÂN – CON TRƯƠNG .
2. NGÔ THỜI NGHI (ms) 1776
3. NGÔ THỜI QUÁN 1782
4. NGÔ THỜI HIỆU 1792
5. NGÔ THỜI THẬP.
Ngô Thời Nhậm còn có những bà vợ khác , dienbatn chưa có tư liệu.
( dienbatn tổng hợp từ các tư liệu ).
Vậy hai vị phu nhân ở trong hai ngôi mộ hợp táng nói trên là những vị nào , dienbatn chưa có tư liệu về việc này.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét