NGÔI MỘ TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM . BÀI 4. .
( Tư liệu nghiên cứu ).
1.Tìm thấy mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: Vì sao dân, xã hoài nghi?
Thông tin tìm được mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, các nhà khoa học cho rằng đây chính xác là mộ Nguyễn Bỉnh Khiêm nhưng chính quyền địa phương, người dân hoài nghi chờ quyết định của Nhà nước.
Lý giải của những người trong cuộc
Vừa qua một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người ( Viện NC&UDTNCN - thuộc Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam), Hội Khảo cổ học Việt Nam (Hội KCHVN) và Trung tâm Thư pháp câu đối và Hán Nôm học Hải Phòng công bố một thông tin chấn động: đã tìm thấy mộ của danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Mộ cổ quách bằng gỗ ngọc am sau khi khai quật
PV báo Người Đưa Tin đã tìm gặp nhà thư pháp Lê Thiên Lý – Giám đốc Trung tâm Thư pháp câu đối và Hán Nôm học Hải Phòng để trao đổi về vấn đề này. Ông Lý là một trong những người tiên phong trong việc nghiên cứu Hán Nôm, dịch thuật, cụ thể là đưa ra những căn cứ để chứng minh việc tìm ra mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là có thật.
Nhà thư pháp Lê Thiên Lý dịch các chữ Nho trên quách .
Theo ông Lý, vào tháng 5/2014, ông có nhận được thông tin một hộ dân ở thôn Hạ Đồng, xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng có khai quật được một ngôi mộ cổ, trên ván của ngôi mộ này có nhiều chữ bằng tiếng Hán. Sau một thời gian nghiên cứu những chữ này được ông Lý phiên âm tiếng Việt như sau:
Giá độc tất đạt
Trạng trình khiếu phong
Tâm dĩ nhật chính
Tầm tự quang long
Trùng mộc chủ tông
Trung sinh Nam cự
Nghĩa của các từ được phiên âm này như sau: “ Một người có tên là Đạt, gọi ra được tên Trạng Trình, người có tâm sáng như mặt trời giữa trưa. Tìm trong chữ sẽ thấy ánh sáng của rồng (tức Long). Tìm trong lớp gỗ sẽ thấy tông tích của chủ nhân là một con người lớn lao của nước Nam”.
Căn cứ vào những dòng chữ được dịch thuật, ông Lý đánh giá nhiều khả năng ngôi mộ này thuộc về một danh nhân, cụ thể là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Thẻ tre được lấy ra từ quách và được dịch thuật .
Tiếp đó, theo đề nghị của Viện NC&UDTNCN và Hội KCHVN về việc giúp đỡ đọc và xác định chữ Nho trên chiếc thẻ tre lấy từ quách lưu giữ tại Bảo tàng Hải Phòng, thì một nhóm 8 nhà nghiên cứu Hán Nôm các tỉnh thành: Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội đã tiến hành nghiên cứu và đọc các chữ Hán trên chiếc thẻ tre. Do thời gian đã lâu, chữ trên thẻ tre lại nhỏ nên các nhà Hán học chỉ đọc được các chữ này gồm 2 phần. Phần thứ nhất: Mạc triều Trạng nguyên… tại (phần 3 chấm nét chữ bị mờ chưa đọc được). Phần thứ hai: Cù xuyên.
Từ những chữ Hán trên quách và thẻ tre đã được dịch thuật, ông Lý khẳng định ngôi mộ cổ kể trên thuộc về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Lý giải việc tại sao quê hương của Trạng Trình ở xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo mà ngôi mộ này lại được an táng tại xã Cộng Hiền, ông Lý cho biết Cộng Hiền là quê của vợ cả và cũng là thầy dạy học của Trạng Trình nên nếu Trạng Trình được an táng tại xã Cộng Hiền thì cũng không có vấn đề gì.
“Chúng tôi đang soạn thảo văn bản đệ trình Thủ tướng Chính phủ để Thủ tướng xem xét, giao cho các cơ quan chuyên môn khác như Bộ VH-TT&DL. Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công An để làm rõ thêm về vấn đề này, Từ đó, có cơ sở kỹ lưỡng, chuẩn xác để xác nhận đây là mộ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm” - ông Lý nói.
Trong khi đó, Phó GS.TS Nguyễn Lân Cường – Tổng thư ký Hội KCHVN thể hiện quan điểm: “Mẫu vật là chiếc quách đã được tôi đưa đi xác định niên đại, sau giám định chiếc quách này bằng gỗ ngọc am, có tuổi đời đến nay trên 1.700 năm. Là người làm công tác khảo cổ học đã lâu, tôi chắc chắn đến 95% đây chính là mộ của Trạng Trình”.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường cùng các nhà khảo cổ đang tiến hành lấy thẻ tre từ quách .
Dư luận đặt ra câu hỏi liệu có phải mộ gió hay không thì việc này ông Cường phủ nhận. Bởi lẽ, ngôi mộ này vẫn còn phần cốt, nếu là mộ gió, mộ giả thì sẽ không bao giờ có cốt. Ông Cường cho rằng, nếu được chứng nhận đây chính xác là mộ Trạng Trình thì sẽ là một thông tin khảo cổ học gây chấn động dư luận. Về việc Hội KCHVN có đệ trình Thủ tướng về thông tin khảo cổ học tìm được mộ nghi của của Trạng Trình hay không thì ông Cường nói việc này ông Lý sẽ làm. Đơn vị của ông chỉ làm công tác khảo cổ học.
Ngay sau thông tin tìm thấy mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sau 429 năm ngày mất tại huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng mà các nhà khoa học đưa ra trong cuộc Hội thảo mới đây, sáng 18/1, PV báo Người Đưa tin về địa phương để tìm hiểu thực hư sự việc này.
Dư luận, chính quyền nói gì?
9h sáng ngày 18/1, khi phóng viên hỏi về thông tin tìm thấy mộ cụ Trạng, nhiều người dân không hứng thú với thông tin này vì theo họ điều này đã được nghe từ mấy hôm trước. Ông Đ.V.B, 65 tuổi, người trong thôn Hạ Đồng cho biết: “Vào năm 2014, tôi nghe mọi người đồn là nhà bà Hiền đào được mộ cổ. Thời điểm đó có nhiều người qua lại nhà bà ấy tìm hiểu, đưa tấm gỗ lên tận Hà Nội nghiên cứu gì đó. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn tôi không nghe thấy tin gì về ngôi mộ này”.
Không chỉ ông B., nhiều người khi được phóng viên hỏi đều khẳng định không biết gì về thông tin tìm được mộ Trạng Trình mà chỉ nghe đồn như vậy chứ không biết thực hư thế nào.
Tại vị trí đào mộ cổ, gia đình bà Hiền đã an táng phần cốt .
Có mặt tại khu vực nhà bà Hiền, ở thôn Hạ Đồng, xã Cộng Hiền – nơi tìm thấy ngôi mộ cổ phát tích, bà Hiền xác nhận với phóng viên là năm 2014, gia đình bà có đào được một chiếc quách gỗ sơn màu đỏ ở độ sâu 2m ngay tại vườn nhà. Khi bật nắp, ở bên trong quách vẫn còn nguyên bộ hài cốt. Tuy nhiên, khi di chuyển bộ hài cốt sang chiếc tiểu sành mới, nhiều xương tự vụn ra, còn lại xương đầu và một ít xương chân không bị nát vụn. Bà Hiền cho biết: “Gia đình bà an táng bộ hài cốt ngay tại vị trí đào được quách gỗ nhưng điều chỉnh hướng cho hợp phong thủy và xây thành mộ phần để thờ cúng. Còn lại chiếc quách gỗ được mấy người bạn của bà đưa lên Hà Nội nghiên cứu vì nghi là mộ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm”.
Trao đổi với PV, ông Đoàn Văn Chung - Chủ tịch UBND xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo cho rằng, chính quyền địa phương không nắm được việc một số người dân đào được mộ tại nhà bà Hiền ở thôn Hạ Đồng. Hơn nữa, việc họ làm cũng không thông báo với địa phương. Thông tin tìm được mộ cụ Trạng chỉ là đồn thổi, chúng tôi mới được xem trên mạng. Mình là người nhà nước mình phải tin vào khoa học, khi nào có kết luận chính xác của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì chúng tôi mới tin đó là mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Cùng quan điểm với ông Chung, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND xã Lý Học- địa phương quê nhà của Trạng Trình khẳng định: “Thông tin tìm thấy mộ cụ Trạng là không có căn cứ. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng làm rõ thông tin này để tránh gây hoang mang trong dư luận địa phương”.
Tại đền thờ của Trạng Trình, ông Lê Văn Kiều - Trưởng ban Quản lý khu di tích đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, việc các nhà nghiên cứu đưa tấm quách đào được đi phân tích chúng tôi không được biết, không được tham gia nên chúng tôi không nắm được gì. Mọi thông tin chính xác phải chờ phía cơ quan Nhà nước.
Minh Sơn – Lã Tiến ( http://www.baomoi.com/).
2.Tìm thấy mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sau 529 năm ở Hải Phòng?
Tìm thấy mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sau 529 năm ngày mất tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng là những gì các nhà khoa học đưa ra trong cuộc Hội thảo mới đây, song người dân địa phương còn nhiều nghi vấn.
Hội thảo thu hút đông đảo giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học, sử học, nhà ngoại cảm.
Ảnh: N.V.H cung cấp.
Cuộc hội thảo về ngôi mộ cổ mới phát tích tại huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng được tổ chức tại Hà Nội vừa qua, do Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng của con người và Hội Khảo cổ học Việt Nam tổ chức thu hút sự tham gia của đông đảo giáo sư, tiến sĩ khoa học đầu ngành, các nhà sử học, hán học và nhà ngoại cảm trong nước.
Trước đó, vào tháng 4/2014, người dân thôn Hạ Đồng, xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo đào được một chiếc quách gỗ sơn màu đỏ tại vườn nhà bà Bùi Thị Hiền. Sau khi an táng bộ hài cốt trong chiếc quách, người dân thấy đã giữ lại chiếc quách gỗ.
Các nhà nghiên cứu tìm tấm thẻ tre trong tấm ván địa của chiếc quách .
Ảnh: N.V.H cung cấp .
Nghi tấm quách có liên quan đến phần mộ Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, một số người dân ở huyện Vĩnh Bảo mang chiếc quách gỗ tìm đến các nhà nghiên cứu khoa học, nhà thư pháp, nhà hán nôm để tìm lời giải đáp.
Sau gần 2 năm nghiên cứu tấm quách này, các nhà khoa học tìm thấy nhiều tài liệu cho rằng liên quan đến thân thế, sự nghiệp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm như: Bài thơ bằng chữ Hán, Nôm được khắc trên tấm quách; tấm quách được làm bằng gỗ ngọc am, có niên đại khoảng 1.700 năm vào thời nhà Mạc...Đặc biệt, sau khi mở ván địa của chiếc quách, các nhà nghiên cứu tìm thấy chiếc thẻ tre bằng tre ngà có nhiều chữ nghi liên quan đến Trạng Trình.
Tấm thẻ tre được giấu trong tấm ván địa .
Ảnh: N.V.H cung cấp .
Với những dữ liệu như vậy, các nhà nghiên cứu đã tổ chức hội thảo khoa học về ngôi mộ cổ này. Tại cuộc hội thảo, nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà sử học, nhà ngoại cảm đưa ra những lý luận cho thấy khả năng đây là ngôi mộ của Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Là một trong hàng trăm người tham dự hội thảo, anh N.V.H ở huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng cho biết, anh được tận mắt chứng kiến các nhà nghiên cứu tách lấy tấm thẻ tre bằng tre ngà từ trong chiếc quách. "Ở cái thẻ tre viết đầy đủ tên, tuổi của Cụ (Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - PV), tên bố Cụ. 500 năm rồi, tấm thẻ tre tưởng hỏng mà không hỏng, Cụ giỏi thật".
Tấm thẻ tre sau khi được lấy ra, bên trên khắc nhiều chữ Hán.
Ảnh: N.V.H cung cấp.
Việc đưa ra nhận định ban đầu sau khi nghiên cứu chiếc quách trong ngôi mộ cổ tại làng Hạ Đồng, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng khả năng là của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm khiến dư luận cả nước, đặc biệt là người dân thành phố Cảng xôn xao và đặt ra nhiều nghi vấn về việc sau 529 năm đã tìm được mộ Trạng Trình?
Theo tài liệu lịch sử, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), có tên khai sinh là Nguyễn Văn Đạt, sinh năm Tân Hợi, niên hiệu Hồng Đức thứ 22 dưới triều Lê Thánh Tông (1491). Ông sinh tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng).
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm từ nhỏ ông rất tài học, thông minh, đĩnh ngộ, thuộc nhiều thơ ca quốc âm do mẹ dạy truyền khẩu. Lớn lên lại càng học rộng tài cao, tiếng tăm vang dội, như thấy các tập đoàn phong kiến lúc ấy tranh giành quyền lợi gây nhiều tang tóc cho nhân dân, ông không chịu ra làm quan, chỉ ở nhà dạy học. Sau khi Mạc Đăng Doanh lên ngôi vua, thi hành một số chính lệnh tốt, ông mới quyết ra thi khoa thi Hương năm Giáp Ngọ (1534) và đã đỗ đầu. Khoa thi hội và thi đình năm Ất Mùi (1535) ông lại tiếp đỗ đầu. Đặc biệt cả 4 môn thi hội và bài đình đối của ông đều đạt điểm cao nhất, giành học vị trạng nguyên. Đây là hiện tượng hiếm trong lịch sử thi cử Hán học ở nước ta. Lôi kéo được Nguyễn Bỉnh Khiêm ra phục vụ triều đình mình, Mạc Đăng Doanh rất mừng, bổ nhiệm ông chức Đông các hiệu tư, sau lại cử giữ chức Tả thị lang bộ hình, rồi chuyển qua Bộ Lại với chức Tả thị lang kiêm Đông các Đại học sĩ. Ông giữ chức này cho đến khi dâng sớ xin chém 18 tên quyền thần, không được vua xét, bèn xin về quê, mở Am Bạch Vân, dựng Quán Trung Tân, tuyên truyền và đào tạo nhân tài cho đất nước...
Sau khi Nguyễn Bỉnh Khiêm mất, dân làng lập đền thờ ngay tại quê nhà để tưởng nhớ cụ. Năm 2016, khu di tích đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được Nhà nước cấp bằng xếp hạng di tích đặc biệt cấp quốc gia. Phần mộ của Trạng Trình đến nay chưa được tìm thấy, vẫn còn là một bí ẩn.
Báo Người Đưa tin sẽ tiếp tục thông tin về việc này.
Lã Tiến ( http://www.baomoi.com/).
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét