Đứng bên bờ đê Dũng Quyết của Nghệ An , nhìn sang bên kia sông Lam , đất Hà Tĩnh ta thấy một khung cảnh thật tuyệt vời , trong trời Nam khó nơi nào sánh kịp. Một vùng trời nước bao la được bao bọc đằng sau bởi một dãy núi đẹp như một bức tranh sơn thủy . Cửa sông Lam đổ ra biển ( phía bên Nghệ An ) là cửa Hội . Dặng núi phía bên kia sông Lam ( đất Hà Tĩnh ) là dãy Hồng Lĩnh . Vùng đất ven sông Lam bên Hà Tĩnh có một nơi gọi là Huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh , ngày trước được gọi là huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang trấn Nghệ An . Sông nước hữu tình , địa linh sinh nhân kiệt , chúng ta thử tìm hiểu khu vực này bằng kiến thức Phong thủy xem như thế nào nhé.
2. VÙNG ĐẤT NGHĨA KHÍ VÀ TÀI NĂNG.
Một ngôi mộ tại Thạch Sót .
“ Dưới các triều Lý – Trần là thời kỳ phát triển rực rỡ của nền văn hóa Đại Việt . Năm 1070 , vua Lý Thánh Tông lập Văn miếu thờ thánh Khổng phu tử . Năm 1075 vua Lý Nhân Tông mở khoa thi Nho học đầu tiên gọi là khoa “ Tam trường “ , cũng gọi là khoa “ Minh Kinh “ . Năm 1076 Vua mở trường Quốc tử Giám ở Thăng Long cho con em quý tộc và quan chức .
Nếu lấy khoa bảng làm mốc thì đất Diễn , Hoan chậm hơn Thăng Long và phụ cận tới 200 năm . ( Người đỗ đại khoa đầu tiên ở châu Diễn là Trạng nguyên Bạch Liêu ( 1263 – 1315 , người làng Nguyễn Xã , châu Diễn . Sau khi đỗ không làm quan , chỉ làm môn khách của thượng tướng Trần Quang Khải . Sau này ông sống và dạy học ở Nghĩa Lư – Hải Đông – Hải Dương . Mộ ông táng ở chân núi Hồng Lĩnh địa phận xã Thiên Lộc – Can Lộc – Nghệ An ). Người đầu tiên đỗ Trạng nguyên ở châu Hoan là Đào Tiêu , khoa Ất Hợi , đời Trần Thánh Tông ( 1275 ), và Trạng nguyên Sử Hy Nhan , đỗ khoa Quý Mão đời vua Trần Dụ Tông ( 1363 ) . Như vậy , cuối đời Trần ở vùng bắc Hà Tĩnh bậy giờ , chủ yếu ở hai huyện Chi La và Phi Lộc , việc học hành đã khá thịnh…..
" Vùng đất Hồng – Lam quả là “ non xanh nước biếc như tranh họa đồ “ , nhưng từ nghìn xưa vốn vô cùng hiểm trở và khắc nghiệt . Suốt trường kì lịch sử , dân bản địa và những người di cư từ Bắc vào , từ Nam ra …với bàn tay khối óc và sức hợp quần vô địch đã thích nghi với hoàn cảnh , chế ngự được rừng rậm , bãi hoang , núi cao, biển cả , gió lào , bão bấc , hạn hán , lụt lội , mãnh thú , giao long…để sinh tồn , mở ra những cánh đồng bát ngát , dựng lên những làng xóm đông vui…mặt khác , cư dân ở đây phải trải qua những biến cố xã hội nghiêm trọng : giặc giã, loạn lạc , trộm cướp , đói kém , dịch tễ …Cuối cùng con người đều vượt qua mọi thử thách đứng vững , xây dựng vùng đất này thành bàn đạp chắc chắn cho công cuộc mở nước , và chỗ dực vững chãi cho sự nghiệp giữ nước .
Môi trường tự nghiên nghiệt ngã đến mức giọng nói cũng không thể nhẹ nhàng , trong trẻo . “ Em thường chê giọng nói quê anh – Cứ nặng trịch như là đá ấy ! Thử nghĩ xem , nếu không là vậy – Thì làm sao dằn được ngọn gió Lào “ ( Thơ TKĐ ). Hoàn cảnh xã hội nhiều lúc cũng hết sức thảm khốc . Theo cuốn “ Tên làng xã Việt nam đầu thế kỷ XIX “ thì chỉ trong 2 huyền Kỳ Hoa, Thiên Lộc hồi đó đã có 10 xã , thôn trang phiêu bạt vì loạn lạc , đói kém, bệnh tật .
Cửa biển Thạch Sót.
Sống trong một điều kiện tự nhiên và xã hội như vậy , đời này qua đời khác , con người giữ được bản tính chất phác , nhẫn nại , cần cù , tằn tiện , lạc quan , thẳng thắn và trở nên gan dạ , cứng cỏi , tháo vát , khắc khổ mà trượng nghĩa, chung tình . Có điều là cái hay , cái dở đều đậm nét hơn bình thường , đều có phần thái quá , cực đoan . Nhiều khi nhẫn nhục đến tự tin , tằn tiện đến keo kiệt , thẳng thắn đến bốp chát , gan dạ đến liều lĩnh , trung thành đến mù quáng …Không ít những trường hợp biểu hiện thái độ cực đoan ấy . Ví như có vị Cử nhân ghét Tây đến mức không dùng dầu tây ( dầu hỏa ) , giấy Tây , không cho con em đi học chữ Tây , không gả con gái cho người học trường Tây! Nhiều nhà Nho không thừa nhận Vua Đồng Khánh , có người cho đến đời Duy Tân vẫn chỉ dùng niên hiệu Hàm Nghi . Trong ứng xử với người ở đây , cái gì cũng phải minh bạch . Phải trái rõ ràng, yêu ghét rõ ràng . Đã nói là nói thẳng , đã làm là làm đến cùng . Tuy nhiên tất cả những ưu nhược điểm trong tính cách con người cùng Hồng – Lam này đã tạo nên nét nổi bật là đất nghĩa khí và tài năng .
Đền Lê Khôi.
Nghĩa khí trước hết được biểu hiện qua các việc làm trượng nghĩa bình thường của nhân dân .Đã có 1 thư sinh Bùi Cầm Hổ ra du học ở Thăng Long , đến cửa Bộ Hình minh oan cho một người đàn bà bị kết án tử hình vì tội giết chồng . Đã có 1 Ngô Trát thấy dân vất vả khi đi qua núi , bỏ công ghép lát 1645 bậc đá trên 1.300 m đường Truông Vắn , núi Hồng Lĩnh. Một Cố Bá lúc về già , dốc hết của nhà bắc chiếc cầu qua Hói cho dân qua lại . Ngày nay người ta vẫn gọi hai công trình của lòng nghĩa cử ấy là “ Truông Cố Ghép “ , là “ Cầu Cố bá “ . lại có một cố Bu làm giặc chống lại triều đình , nhưng rất thương và hay giúp đỡ dân nghèo . Một Lý trưởng Nguyễn Văn Hiền , giúp cho một toán nghĩa quân thoát khỏi vòng vây của quân triều đình , rồi ra nhận chết chém thay dân làng …” Trại Cố Bu “ ở Hồng Lĩnh và “ Thành Cố Bu “ ở Hương Khê , “ Đền ông Văn Hiền “ ở Nhượng Bạn là 2 chứng tích về 2 con người ấy .
Còn những bậc hào kiệt , anh hùng , đại diện ưu tú nhất của nhân dân thì đời nào cũng có , nhất là trong sự nghiệp chống kẻ thù xâm lược và đô hộ .
Vị anh hùng vùng quê Hoan châu ( nay thuộc Hà Tĩnh ) đầu tiên mà sử sách Trung Hoa , Việt Nam ghi chép là Mai Thúc Loan . Theo Đường thư thì cuộc khởi nghĩa của vua Mai , chống đô hộ nhà Đường xảy ra khoảng năm Khai Nguyên đời Đường Huyền Tông ( 713-741 ) . Ông tự xưng là Hắc Đế , chiêu tập quân 32 châu, ngoài liên kết với các nước Lâm Ấp , Chân Lạp và Kim Lân , giữ vững biển Nam , quân số có đế 40 vạn .Còn Đại Việt sử ký toàn thư và Việt sử thông cương giám mục chép cụ thể là vào tháng 7 mùa thu năm Nhâm Tuất (722 ) , ở Hoan châu , Mai Thúc Loan xưng là Hắc Đế, bên ngoài liên kết với người Lâm Ấp , Chân Lạp , quân số nói là 30 vạn người . Vua nhà Đường phải sai Dương Tư Húc và Quang Sở Khách đem 10 vạn quân sang đánh mới dẹp yên được …
Thời tự chủ , trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc , đời nào cũng có người ở vùng quê Hồng Lam tham dự .
Tấm bia làng Bình Hà , Huyện Nam Thanh – Hải Dương còn ghi công trạng của một vị tướng được phong Thần , thờ ở đây là Cao Minh Hựu , người huyện Phi Lộc ( Can Lộc ) , đã tham gia cuộc kháng chiến chống quân Tống do vua Lê Đại H2nh lãnh đạo , trên sông Hương Đại , Tây nam sông Bạch Đằng.
Thần tích đền An Tân , huyện Gia Phúc , nay thuộc tỉnh Bắc Ninh , chép về 2 vị Thần là “ Trường Tân nhị tướng quân “ , mà sách Việt điện u linh chép lại như sau : Lê Thạch tự Phúc Sơn , quê La Sơn , và Hà Anh tự Quang Hoa , quê châu Diễn , khoảng niên hiệu Thiệu Hưng đời Trần Nhân Tông ( Đúng ra là niên hiệu Thiệu bảo ( 1279-1284 ) và Trùng Hưng ( 1285- 1292 ) , phụng thị ở trong cung Thái tử lâu ngày , được phong là Chánh , Phó thị đô lang tướng . Năm Nhâm Thân ( 1272 ) , muốn kiếm cớ sang đánh nước ta . Nhà Nguyên sai Ngột Lương ( Uriyang ), sang hỏi về dấu vết cột đồng Mã Viện . Vua Trần cho Hàn lâm hiệu thảo Lê Kính Phu đi hội khám . Hai tướng Lê , Hà cũng được sai đem 2000 quân đao phủ đi cùng. Ngột Lương ngạo mạn , hạch sách đủ điều Lê , Hà nói với Kính Phu : Chúng ta vâng mệnh Vua , không được làm nhục Quốc thể . Việc dùng lý lẽ là do tiên sinh , chúng tôi là con nhà võ , như mũi tên đã để sẵn trên dây cung , giữ lại hay phóng đi chỉ tách một cái là xong .Hôm sau , ba người cùng gặp Ngột Lương , Kính Phu biện bác qua loa rằng : Cột đồng lâu ngày đã không còn dấu vết , còn 2 tướng thì quắc mắt tỏ ý phẫn nộ , làm cho Ngột Lương sợ hãi , đành phủ dụ vài câu rồi về .Khi quân Nguyên sang đánh nước ta ( 1285) , hai người xin đi đánh giặc . Lê Thạch được phong là “ Uy linh thượng tướng quân “ đóng đồn ở Hải Ải Điểm khẩu. Hà Anh được phong là “ Đông lãm đại tướng quân “ , đóng đồn ở Cao lâu khẩu . Trong trận An Bác châu , hai ông chém được tướng Nguyễn Triệu Tộ và Giải Ninh . Nhưng trong trận Phượng Nhãn hai ông bị quân Trương Hằng phục kích vây bắt . Tướng Toa Đô dụ dỗ , nhưng 2 ông không chịu khuất phục , đều bị giặc chém vứt xác xuống sông Nguyệt Đức ( Đoạn chảy qua làng Nguyệt Đức ,Bắc Ninh ).Thi thể 2 người trôi về bến Trường Tân , được nhân dân vớt lên chôn ven sông và lập miếu thờ. Về sau Triều đình ban sắc phong cho Lê Thạch là “Chính trực đại vương “ và Hà Anh là “ Cương đoán đại vương “.
Nhiều người cũng đã tham gia vào các cuộc chiến với nước Chiêm Thành ở phía Nam . Ở làng Yên Trí ( Kẻ Sóc ) , xã Nội Thiên Lộc nay thuộc xã Thuận Thiện trước có 2 ngôi đền xây cạnh nhau. Một ngôi thờ vị Thần “ Đô nam nhạc Ô Trà sơn “ , một vị tướng thời Lý . Theo Thần phả thì vị tướng này ( không rõ họ tên ) sinh vào đời Lý , mới 8 tuổi đã giỏi văn chương , lớn lên theo nghiệp võ. . 18 tuổi làm tướng dưới thời Lý Nhân Tông ( 1072- 1127 ) , đến chức Thượng Quốc công , vâng mệnh đi đánh giặc . Khi vượt sông Hà ( Hoàng ) đến núi Hồng Lĩnh , đến xứ Đồng Vị Tất thì mất , nhân dân lập đền thờ. Trước đền còn có vế đối “ Linh phong nậm trứ , Lý triều nhất thống dĩ lai “ . Các triều Lê , Nguyễn đều có sắc phong . Ngôi đền bên cạnh thờ 2 vị tướng Nguyễn Cả, Nguyễn Hai , tương truyền là con ông Nguyễn Phán , người làng Kẻ Sóc , theo vua Lê Thánh Tông đi đánh giặc Chiêm Thành ( 1470-1471), sau được giao trấn thủ biên giới Việt – Trung và mất ở đó .
Đầu thế kỷ XV , nhà Minh mượn tiếng sang giúp nhà Trần đánh lại nhà Hồ để cướp nước ta . Vùng đất Hồng – Lam trở thành điểm quy tụ lực lượng kháng chiến . Những Bà Hồ , Động Choác , Tiên Hoa , Lục Niên …trở thành địa danh lịch sử gắn với tên tuổi của những anh hùng , nghĩa sĩ .
Đặng Tất ( ?- 1409 ) là cháu nội Thám Hoa Đặng Bá Tĩnh đời Trần, quê làng Đông Rạng , xã Tả Thiên Lộc ( nay là xã Tùng Lộc – Thiên Lộc ) . Gia phả chép ông là Cống sĩ , làm quan dưới triều Trần Thuận Tông ( 1388- 1398 ) , Trần Thiếu Đế ( 1389 – 1400) , đến chức Tri châu Thanh Hóa . Ông đứng về phe ủng hộ Hồ Quý Ly , nên dưới triều Hồ , được cử làm Đại tri châu Hóa Châu . Nhà Hồ mất , ông trá hàng nhà Minh để giữ binh quyền Hóa Châu . Tháng 10/1407 , vua Giản Định khởi binh chống giặc Minh ở Mộ Độ ( Ninh Bình ) . Ông giết quan lại nhà Minh , đưa quân ra hợp , gả con gái cho Vua , được phong Quốc công , cùng với Đồng tri khu mật viện Nguyễn Cảnh Chân ra sức giúp rập Giản Định . Nghĩa quân càng ngày càng lớn mạnh , như sau chiến thắng Bô Cô ( Nam Định ) Vua tôi có sự bất đồng . Vốn hẹp hòi , đa nghi Vua Giản Định nghe lời ghèm pha đã giết 2 công thân Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân.
Đặng Dung ( ? – 1414 ) : là con trưởng của Đặng Tất và 2 em là Đặng Doãn , Đặng Thiết đang giữ Hóa Châu , được tin cha bị giết oan , bèn cùng Nguyễn Cảnh Dị , con của Nguyễn Cảnh Chân , đem quân ra Thanh Hóa đón Trần Quý Khoáng ( cháu vua Trần Nghệ Tông , gọi vua Giản Định bằng chú ) , về Nghê An và tôn lên làm Vua . Ngày 17 tháng 3 năm Kỷ Sửu (7/4/1409 ) , Trần Quý Khoáng lên ngôi ở bà Hồ , huyện Chi La ( nay là xã Yên Hồ - Huyện Đức Thọ ) , lấy hiệu Trùng Quang , phong Nguyễn Cảnh Dị làm Thái bảo , Đặng Dung làm Đồng bình chương sự . Sau đó vua Trùng Quang tôn vua Giản Định làm Thái thượng hoàng đế , thống nhất lực lượng kháng chiến .Từ căn cứ Bà Hồ , nghĩa quân tiến ra đánh giặc Minh ở Bình Than, hàm Tử rồi rút về Nghệ An củng cố lực lượng . Giữa năm 1410, Vua cùng Nguyễn Cảnh Dị , Đặng Dung lại đưa quân ra Hạ Hồng , phá được quân của Đô đốc Giang Hạo rồi thùa thắng đuổi giặc đến bến Bình Than . Hào kiệt nhiều nơi nổi dậy hưởng ứng . Đến giữa năm 1412, Trương Phụ , Mộc Thạnh tiến đánh Nghệ An. Lực lượng nghĩa quân yếu dần tiến ra Bắc , bị thất bại lại phải về Nghệ An . năm 1413 lùi vào Hóa Châu .Đặng Dung và Nguyễn Súy đóng giữ kênh Thái Hà , đánh úp giặc suýt giết được Trương Phụ . Nhưng khi giặc phản công thì nghĩa quân tan rã , Vua tôi đều bị giặc bắt đưa về Đông Quan . Dọc đường vua Trùng Quang , Đặng Dung và Nguyễn Súy cùng nhảy xuống sông tự tận ( 1414 )….
" ( Trích trong Hà Tĩnh đất văn vật Hồng Lam " - Thái Kim Đính.
MỘT CHÚT TƯỞNG NHỚ VỀ TÁC GIẢ THÁI KIM ĐỈNH.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét