II - NGỰA TIÊU SƯƠNG.
Ngựa Tiêu Sương đã từng bị dứt cương và mất dấu một cách tuyệt bí, trong một chừng mực của quá khứ lâu.
Và Tiêu Sương Mã thật sự đã đi vào huyền thoại cùng thần thoại tự bao giờ rồi. Trong những huyền thoại chung mà thế hệ hôm nay từng được biết. Bất chợt có khi nào hồi vọng về một ký ức xa. Cương giới ký ức có nguy cơ chập chờn mất dấu nơi cận vó của Thiên Lý Mã!
Truyền thuyết có từng kể lại rằng:
Sở dĩ có tên gọi Thiên Lý Mã? Là bởi loài ngựa này, có khả năng đi ngàn dặm (thiên lý) đường, chỉ gói gọn trong một ngày! Nơi xuất xứ truyền thuyết của Thiên Lý Mã, là ở vào thời loạn liệt quốc xuân thu. Thế nhưng, nghe đâu thiên hạ vẫn truyền tai nhau; Còn có một loài ngựa khác hơn Thiên Lý Mã nữa!
Nguồn năng lượng tiềm ẩn của loài ngựa này, nếu xét và lấy theo khả năng của Thiên Lý Mã để so sánh thì:
Chúng ta cứ xem thời khắc hạt sương tan trên đầu ngọn cỏ của buổi sớm mai làm thước đo. Loài ngựa ấy, có thể đi ngàn dặm, khi hạt sương buổi sớm chưa kịp tan trên đầu ngọn cỏ! Vì thế nên mới có tên là Tiêu Sương Mã. Một giống ngựa của huyền thoại. Tả cách khác, gần đúng hơn nữa: Là chủng ngựa của Dòng Thần Tiên nơi đầu nguồn quá khứ. Đó là những gì trích ngang, đã được ghi trong lý lịch của Ngựa Tiêu Sương huyền thoại.
Và huyền thoại đó, có toàn cảnh như sau:
Thuở hồng hoang… Hỗn mang cỡ; Thần thánh, ma quỷ, và con người, còn chung sống lẫn lộn với nhau! Ví như tiều phu đi vào rừng, lắm lúc vì nợ, có thể gặp Quỷ Núi! Kẻ chán đời đi lang thang, thoảng khi tại duyên, ắt được ngộ Tiên sa!! (tôi kể, có điển tích Từ Thức làm chứng).
Huyền thoại về chốn Thiên Bồng lúc bấy giờ từ bởi: Nguyên do khả năng của Ngựa Tiêu Sương vốn có nước đại như thế. Nên Trời ấn định chức Nguyên Soái của chốn Thiên Bồng, sẽ cưỡi Ngựa Tiêu Sương, để đi tuần khắp vòng Trời, vào thời khắc Trời mở cửa và Đất đóng cửa hằng ngày. Chúng ta phải biết; Duy nhất chỉ có Ngựa Tiêu Sương, mới đủ “mã lực” để đi tuần định kỳ, 4 cửa Trời trong ngày mà thôi. Một vòng Trời còn được gọi là một độ “Mông Hạn Ảnh”! Và Tiêu Sương Mã Đáo ở tại cửa mà ta quen nghe gọi, là Ngọ Môn Quan (Nam Thiên Môn).
Trong sự hời hợt chung của tư duy thế nhân chúng ta. Khó có ai có thể hình dung được sự uy lẫm của một vị Nguyên Soái của chốn Thiên Bồng là như thế nào cả. Chúng ta đã tích lũy kiến thức về vị Thiên Bồng Nguyên Soái này qua tác phẩm Tây Du Ký của tác giả Ngô Thừa Ân. Từ đó, hình ảnh của vị Thiên Bồng Nguyên Soái này, được hình dung qua sự lôi thôi, nhố nhăng, của một nhân vật trừu tượng Trư Bát Giới! Sản phẩm tư duy đó, được hình thành từ vốn vay “ân sủng”, từ nguồn tư duy rơi vãi “thừa”, của “Ngô Thừa” Ân mà thôi. Một tai hại đong đầy cho định kiến chung hiện nay.
Thế rồi, ngày lại ngày. Tháng tiếp tháng. Năm nối năm; Vị Nguyên Soái của chốn Thiên Bồng cùng Tiêu Sương Mã tung vó tuần hành, viễn du khắp cả vòng trời suốt cả 2 lượt, sớm tối đi về. Phàm mệnh đề vốn đã là tính viễn du của những lãng tử, ắt sẽ hấp thụ khí phiêu bồng khắp nơi, mà sinh ra chất lang bạt là tất định.
Và tất nhiên định mệnh đó, đã khiến cho tính lãng du khắp thiên nhai ngày ấy, phải vương hạt bụi trần sau gót giầy. Trong một trớ trêu của Tạo Hóa mà vị Nguyên Soái cùng Ngựa Tiêu Sương phải Tuần Hành trước Ngọn Gió Đông, ngang qua một Tiểu Tiết… Cái khí se lạnh lúc hoàng hôn sau Tiết Lập Đông, khiến kẻ lãng tử lỏng nhẹ cương. Ngựa Tiêu Sương lơi vó nhạc Tuần, từ Mạnh… Hành sang thận Trọng… lúc qua cuối ngõ khi Đất đóng cửa.
Bất chợt ai đó! Sớm hé cửa Cung Hàn, cuối nẻo hoàng hôn… (Chỉ chừng đó thôi…)*.
Thôi, Chết! Bước chân kẻ lãng tử, khéo vướng phải sợi tóc của Tiên Nga, lơ đễnh giăng ngang lối nguyệt mất rồi.
Kể từ thời điểm đó. Sợi tóc tơ của Tiên Tử nơi Cung Hàn đã khéo vướng chân, khiến cho kẻ lang bạt… lỡ vương, rồi tự vấn vào bước chân hoang: Và rồi sau Tuần Hành từ thận Trọng nối đến Quý...! Mặc cho Vũ Điệu Nghê Thường, luân khúc cùng nhịp Vó Nhạc Tiêu Sương. Khiến cho Nguyên Soái chốn Thiên Bồng, quên lối về Nam Thiên Môn đúng thời khắc. Nguyên do mải mê mà quên lưu ý từ Tiểu Tiết đến Đại Tiết. Bởi mùa đông nên khí đất trời cũng khiến cho Tuyết pha Sương. Bởi cớ đó nên Hạt Sương chiều hôm, lâu tan hơn thường lệ. Kẻ lang bạt ỷ lại vào vó Ngựa Tiêu Sương. Ngỡ rằng dáng sương còn mọng chưa phai, lướt qua Tiểu Tiết… mà chuốc lấy đọa đày.
Kể từ thời điểm của sự kiện đó xảy ra. Ngựa Tiêu Sương đã trở thành Ngựa Hoang, tung vó đi vào huyền thoại chốn viễn xứ thiên nhai…
Thời gian thắm thoắt... Trải qua một Hội Đất Trời vừa đủ.
Chính vì thế:
Đại Hội Long Hoa mở ra chính là để tìm cho được kẻ đủ sức Thuần Tiêu Sương Mã. Xét lược thao tam thế. Nhân loại chúng ta cũng đang sống trong Hội Ngọ của đất trời. Vận, Thế, Chu, Kỳ, Tuần… đều là Ngọ! Tất cả vạn sự trong tam lý Trời – Đất – Người, đều đã tụ hội. Hiện tại, chúng ta chỉ còn mỗi một việc là chờ đến Thời, Khắc nữa mà thôi.
Điểm qua huyền thoại của Tiêu Sương Mã vừa nêu như trên. Chúng ta đủ hình dung được; Tại sao lại phải có Đại Hội với tên gọi Hội Long Hoa. Đồng thời cũng ý thức tầm vóc của Đại Hội đối với khả năng của mỗi cá nhân chúng ta mà quy tâm kiến tánh thực tại bản thân.
Thiết nghĩ… Tôi nhất định cũng cần phải lưu ý thêm. Để cho đa số trong chúng ta cứ lầm tưởng về vị giám khảo, chủ trì đại hội này:
Cuộc Thế hôm nay tuy là Hội Ngọ nhưng Vận, Hành, vốn lại là Kim Cuộc! Cái lý ở chỗ âm bồng dương, dương cõng âm. Rất khó để xem xét thấu đáo cho dễ dàng được. Để dễ hiểu hơn với quan điểm hiện nay; Ví như Hội Ngọ là một dự án cần khai thác. Thế nhưng để Vận Hành được thì; Nguồn vốn đầu tư phải là Kim Cuộc. Đó là trình tự.
Cho nên chúng ta nhất định phải nhận và xác định được; Thế cuộc này là Kim Cuộc. Kim Cuộc với họ tên đầy đủ theo khai sinh là: Kim Môn Đại Cuộc! Là cuộc cuối. Đồng thời Kim cuộc cũng là “Tàn Cuộc”! Bởi tự tính của Kim Cuộc vốn là như thế. Nên vị Chủ Trì Đại Hội Long Hoa, không thể có ai khác hơn ngoài: Tây Vương Mẫu.
“Sau ba hồi trống khai hội vừa dứt từ hướng đông bắc của thiên trường. Âm ba tiếng trống như sấm rền vọng thinh không, lan tỏa chưa dứt thì:
Từ Nam Thiên Môn. Cửa "cảnh" trời vừa mở, tất cả các chư vị thần tiên hốt thấy bóng Tiêu Sương Mã phóng ra giữa sân thiên trường như tia chớp. Bốn vó vừa chạm mặt đất. Ngựa Tiêu Sương tung hai vó trước, chồm lên đá liên hoàn cước vào không trung và đình trong mã bộ: Vó trái điểm đất, vó phải chỉ trời cùng với tiếng hí lộng, vang rền một tràng dài, đinh tai khắp đại hội. Lấp lóa cùng nắng mai; Bờm và tóc rối mềm sương sớm, lòa xòa phủ trước trán Tiêu Sương, tung bay hoang dại cùng gió lộng giữa sân thiên hội.
Ngay tức khắc, từ phía đông của thiên trường. Nhóm Bát Tiên bước ra với Lý Thiết Quải dẫn đầu. Thoáng ngạc nhiên, tôi nghĩ trộm: Có lẽ Lão Tiên này đã quá chán với cái nạng sắt, dò từng bước trong bộ dạng ăn mày cả nghìn năm rồi. Nên nóng nảy muốn tiên phong mà ra bắt Ngựa Tiêu Sương trước chăng?!
Tuy với bộ dạng như thế, thoắt một phát. Lý Thiết Quải đã chộp được bờm Tiêu Sương và tung mình nhảy lên lưng nó một cách gọn gàng. Không để cho Lão Tiên kịp yên vị. Ngựa Tiêu Sương búng vó lao vào trời xanh như một mũi tên. Ngay lập tức, nhóm Thất tiên lướt theo hỗ trợ…
Thú thật. Với đôi mắt thịt, trần tục như tôi. Không thể nào quan sát cũng như theo dõi kịp những tình huống nào diễn biến lúc đấy cả. Chỉ có thể mô tả lại được là: Sau khi bụi của cơn cuồng phong lắng xuống sau sải vó của Ngựa Tiêu Sương mất hút vào thiên nhai. Nhóm Bát Tiên với người nào người nấy trong bộ dạng thiểu não, đầu cổ đầy bụi sương, khập khiểng dìu nhau trở lại sân thiên trường…!? Nhóm Bát Tiên có tới những 8 mạng, liên hoàn thay nhau cũng chỉ có thể cầm cự được đôi ba khắc...
Sau một nước đại ra oai. Ngựa Tiêu Sương lại về đến sân thiên trường trong đại hội. Chờ xem, kẻ Thần Tiên nào tiếp theo, muốn nếm mùi sương tuyết khắp cõi thiên bồng.
Tiếp theo sau nhóm Bát Tiên là Thần Na Tra. Na Tra lướt bánh xe lửa, chống ngược hỏa kích, nhún mình phi lên lưng ngựa. Nhanh hơn gió, Ngựa Tiêu Sương lại vút vào trời xanh. Với 36 phép thần thông luân chuyển hóa thân trên lưng Tiêu Sương. Thần Na Tra cũng chỉ có thể trụ được tới cửa Bắc là ngộp nước. Có lẻ do Na Tra đã dùng gân rồng làm cương chế ngự Tiêu Sương hay sao mà...? Khiến Ngao Thuận ( như ngẫu nhiên) dùng nước biển Bắc, nổi mưa dập tắt hỏa xa và hỏa kích của Na Tra khi qua ngang cửa này? Dĩ nhiên Na Tra "tắt lửa", đành thúc thủ. Tính từ Cảnh giới của Nam Thiên Môn. Na Tra Đành về Hưu non tại nơi giác hải của Ngao Thuận vậy.
Cứ thế, hết lượt này đến lượt khác. Hết nhóm này tới nhóm khác mà vẫn chưa có thể cưỡi được Ngựa Tiêu Sương trong vòng một nước đại. Tôi cần diễn tả rõ hơn là: Một nước đại của Ngựa Tiêu Sương là qua một cửa trời. Giáp một vòng trời phải qua 4 nước đại. Mỗi lần Ngựa phi nước đại, tiếng vó ngựa nghe tựa như hàng vạn vó ngựa nện móng chứ không phải một con. Bụi lốc cuốn theo vó chân như cuồng phong, bão lốc mù trời. Cây cối, núi rừng bị cuốn ngã rạp mỗi khi vó ngựa vút ngang qua. Những tràng hí dài của Tiêu Sương hòa cùng tiếng gió mưa, sấm chớp gây rúng động cả một góc trời tây thuở ấy. Hễ cứ mỗi lần tung vó là Tiêu Sương nhất thiết chạy giáp một vòng trời rồi mới chịu quay trở lại giữa sân đại hội. Ngạo nghễ mài móng tung bụi gió, lắc bờm rải khí sương, thách thức kẻ tiếp theo.
Cứ thế, đại hội diễn ra suốt cả mùa Thu mà vẫn chưa một ai theo nổi Tiêu Sương một vòng Trời cả. Quy định; Nếu cưỡi được Tiêu Sương lần lượt qua tất cả 4 vòng trời (không phải là 4 cửa đâu đấy), mới có thể khẳng định là thuần phục được nó. Ngựa Tiêu Sương càng chạy, càng hăng. Thời gian về cuối Thu, núi rừng xơ xác cành dưới vó ngựa. Lá vàng cuốn theo bụi lốc đuổi theo sau vó, trông cảnh tượng thật vô cùng hùng vĩ. Cho dù có là một đạo diễn giàu óc tưởng tượng đến mấy, cũng không thể dựng cảnh để mô tả lại cho được. Đó là một thiệt thòi cho nền nghệ thuật thứ Bảy của nhân loại chúng ta nói chung.
Đã tận mắt chứng kiến cảnh tranh tài thuần Tiêu Sương Mã suốt mùa Thu của các bậc Thần Tiên. Tôi gần như chết khiếp. Bởi tôi từng đã biết qua tiếng tăm cũng như tài nghệ của từng vị trong quá khứ lịch sử rồi. Đêm về mệt mỏi (chỉ đứng theo dõi thôi cũng đắm đuối hết cả rồi), tranh thủ ngả lưng, chợp mắt lấy sức để ngày mai... xem tiếp. Đêm nằm trong Động Thiên Thai. Tai vẫn nghe muôn vàn tiếng vó ngựa sải vó ầm ầm khắp trời. Tiếng gió mưa rít theo tiếng sấm chớp, cuồng phong, hòa cùng tiếng hí vang rền của Tiêu Sương mà khiếp đảm. Thỉnh thoảng, lại có một vài cành cây rừng. Bị lốc vó của Tiêu Sương cuốn thốc, đập vào tận vách trong động, lôi kẻ lạc khách đang lạc trong mộng trở ra khảo thí!
...Tiết trời đã giao mùa sang đông. Vậy mà mồ hôi trên mình Tiêu Sương ướt đẫm. Hai cánh mũi nở to, hơi thở hồng hộc, cuộn hơi khói xộc thẳng ra theo hai hốc mũi. Những vị Thần Tiên càng về sau, càng cao pháp thuật hơn. Càng nuôi hy vọng Ngựa Tiêu Sương đã thấm mệt, nên dễ thuần phục được. Với tâm trạng vừa mừng vừa lo, họ tranh nhau thi thố mỗi khi Ngựa Tiêu Sương về đến. Trước đó, nơi tôi đã mô tả ở những dòng vừa qua...
...Nhìn lại mình thì... ! Tự nhủ; Được có mặt ở bên trong cảnh giới của không gian này để chứng kiến diễn biến của Hội Long Hoa là cả một kỳ duyên đắt giá vô cùng rồi. Và tôi cũng (không dám nói là lượng sức) tự biết loại mình đứng ra ngoài cuộc thi Thuần Tiêu Sương từ bao giờ rồi.
Đến khi thấy Ngựa Tiêu Sương nhễ nhại mồ hôi, thở hồng hộc sau mỗi vòng trời về đến. Tôi động lòng trắc ẩn, bèn xách một thùng nước, mang đến cho Tiêu Sương uống đỡ khát. Ngựa Tiêu Sương nhìn thấy, không ngần ngại vục mõm uống một hơi cạn sạch! Tiện tay, tôi vơ vội vài nắm cỏ chìa ra trước mắt Tiêu Sương. Cũng tiện mõm, Ngựa ta thè lưỡi, cuốn gọn nắm cỏ vào mồm, nhai vội cho kịp quần hội đang chực chờ cương chế.
Và cũng kể từ thời điểm đó. Cứ mỗi lần Tiêu Sương Mã tung vó vào thiên nhai. Tôi lại chạy tới sơn khê, lo việc sách nước và cắt cỏ chờ sẵn. Khi về đến, Ngựa Tiêu sương lại chạy tới chỗ tôi nhai vội vài miệng cỏ và vục nhanh thùng nước lấy sức. Chờ để tiếp tục cho kẻ tiếp theo đo vó ở đâu đó dọc lối gió, đường mây nơi thiên nhai hải giác. Có kẻ cảm thông nên Ngựa Tiêu Sương dường như lên tinh thần. Ra chiều có vẻ dũng mãnh hơn nữa. Sau một vòng trời, Ngựa Tiêu Sương lại tức tốc chạy đến bên tôi để nạp năng lượng. Không hẹn, chúng tôi đã trở thành đôi bạn từ lúc nào không biết. Cùng nhau hỉ hả mỗi lần có một ai đó?. Ngã lăn quay sau vó ngựa Tiêu Sương.
Và rồi cũng đến lúc tàn Đông. Điều này cũng có nghĩa là Tàn Hội. Thái Ất, kể cả Tam Thanh cũng ra tay rồi. Thậm chí kể cả những vị tự lượng sức bỏ cuộc cũng phải buộc cưỡi thử luôn cả rồi. Thế mà vẫn không thể thuần được Ngựa Tiêu Sương! Nguy cơ bế mạc đại hội trong cảnh ngơ ngác của cõi Thần Tiên nói chung, dần hiển hiện trước mắt.
Để độc giả chớ nghi ngờ tôi nói quá quắt; Chẳng hạn như Thái Ất Chân Nhân (thầy của Na Tra), cũng chỉ có thể theo được Tiêu Sương Mã chưa đủ đến "giáp" vòng của thiên nhai. Bởi tài nghệ cũng như phép thuật của Thái Ất phải "đổ" lại "cận cảnh" giới... Giáp Ngọ Môn mà thôi. Tóm lại: Thái Ất không thể hiển hiện nơi Giáp Ngọ Môn cho được!
Đó đây, đã có từng nhóm các vị Thần Tiên trong bộ dạng tiu nghỉu. Lục đục theo nhau trong lẳng lặng bước ra cửa đại hội ra về. Tôi cũng hòa vào dòng Thần Tiên đó mà đi ra cửa đại hội để về...
Bất chợt có một vị Thần hay Tiên nào đó trong đám đông, chỉ vào tôi và nói to lên: Còn vị này vẫn chưa cưỡi Ngựa Tiêu Sương! Tất cả đại hội đều quay lại nhìn tôi ngạc nhiên! Và họ nhất loạt ồ lên. Phải rồi! Vẫn còn một thí sinh chưa thi. Đang trong sự thất vọng bởi nguy cơ phải chờ đến Đại Hội lần sau. Điều này có nghĩa là 12 ngàn năm sau nữa, mới đến kỳ mở hội theo quy luật định kỳ của trời đất được. Các chư vị vây lấy tôi thúc giục.
Tôi hoảng quá, gãi đầu, gãi cổ... phân trần: Tôi chỉ là một kẻ tục nhân lạc lõng duy nhất ở đây. Không biết vì duyên cớ gì, gì... nào đó, mà lại được đi lạc vào chốn này? Chẳng có tài nghệ gì cả. Lấy đâu mà dám cả gan "múa rìu qua mắt... quần Tiên" cho được. Tóm lại, tôi diễn tả một cách rất thói tục là: Xin các vị bỏ qua cho.
Lại bất chợt có một vị nào đó "nhiều chuyện". Cắt xen ngang vào: Tôi thấy nãy giờ " tục huynh đệ " đi tới đâu, Ngựa Tiêu Sương cũng lẽo đẽo đi theo tới đó kia kìa?! Tôi lúc này mới nhìn lại đầy bất ngờ, khi thấy Ngựa Tiêu Sương đang đứng phía sau lưng mình!. Vội phân bua: Không đâu. Tại vì tôi lấy nước và cỏ cho Tiêu Sương. Nên có lẽ nó mến, mới có vẻ như thế thôi. Lại một giọng nào đó cất lên từ trong quần Tiên: Không cần biết bởi bất kể kỳ duyên nào. Phàm đã có mặt tại đại hội là đủ tiêu chuẩn và buộc phải dự thi. Có như thế mới gọi là "tàn hội" được.
Chỉ chực có thế. Cả đại hội nhao nhao cả lên: Phải rồi! Phải rồi! Đã có mặt là nhất định phải thi. Ngay lập tức, tất cả chư vị Thần Tiên dạt ra và quây thành vòng tròn, khiến tôi ngơ ngác lẫn Ngựa Tiêu Sương, trở thành đứng giữa sân đại hội. Âm thanh của tất cả Thần Tiên nhất loạt reo hò:
Phải cưỡi!... Phải cưỡi!... Phải cưỡi!...
Tôi e dè nhìn Ngựa Tiêu Sương? Nó không có vẻ gì là nghi ngại tôi cả. Trái lại, nó khịt khịt mũi và dụi đầu với chòm tóc rối, phủ đầy bụi gió sương vào tay tôi! Bấc giác tôi đưa tay cào cào, vuốt bờm tóc rối nùi trên cổ của nó. Ngựa Tiêu Sương vẫn đứng im! Tôi vổ vổ lên trán nó. Nói khẽ, thoáng nhanh qua tai nó: Các vị đó ép quá, tao thử một chút cho họ im đi nhé? Nói rồi tôi nắm bờm Tiêu Sương và phốc lên lưng nó...
Lạ thay! Ngựa Tiêu Sương vẫn đứng im!! Cả đại hội chợt im vắng đến lặng cả không gian của cảnh giới đó. Bất chợt Ngựa Tiêu Sương gõ móng vài nhịp rồi phi nước kiệu... vòng quang đại hội. Sau đó, cũng không đổi nước vó. Ngựa Tiêu Sương phi lên thinh không và đưa tôi dạo quang vòng trời hết một lượt trước sự ngơ ngác của quần Tiên. Như để cho tôi dần quen với cảm giác. Vòng thứ hai, Ngựa Tiêu Sương chuyển vó dần ra nước đại. Và rồi Ngựa Tiêu Sương đã đưa tôi đi vòng quanh cõi thiên bồng suốt cả 3 lượt nữa bằng nước đại.
Cuối cùng, sau khi qua 4 lượt khắp cõi thiên bồng. Tôi và Ngựa Tiêu Sương về đến sân đại hội trước sự ngơ ngác còn hiện rõ trong ánh mắt mọi vị Thần Tiên lúc bấy giờ. Bất chợt (tôi mượn ngôn ngữ của Nhà Phật làm phương tiện là); Trong một sát na - toàn hội chợt đồng nhất với tinh thần tham thông hốt ngộ:
Thì ra... Thuần Tiêu Sương Mã chính là ở cái Nhân - Nghĩa, chứ không phải tài nghệ hay pháp thuật của Thần Tiên hay Ma Quỷ gì cả! Ngựa Tiêu Sương từ ngàn xưa kia, vốn đã là Thần Mã của cõi Thần Tiên rồi. Cái cương - chế - ngự Tiêu Sương phải xuất phát từ sự chân thành của cái Đức. Từ đó có thể cảm - thông - hóa - ứng, đối với Ngựa Tiêu Sương mà nó thuận cho cưỡi.
Cho dù khắp trong lục cõi, bất kể là trần tục. Nếu một khi có tính chân thành xuất phát từ sự cảm thông chia sẻ, ắt sẽ cảm hóa. Và vạn vật, kể cả Thần Tiên, Ma Quỷ, tất cảm ứng mà thành vạn sự. Toàn đại hội Thần Tiên lúc đó hoàn toàn bị thuyết phục trong một điều mà ta quen gọi là 'Đạo Lý" tiềm ẩn bất ngờ này.
Cuối cùng Đại Hội Long Hoa cũng đã bế mạc trong sự chờ đợi chung suốt bao ngàn năm nay là thuần cho được Tiêu Sương Mã. Trong Đại Hội ngày đó. Có một điều rõ ràng mà trong lịch sử của Thiên Thư đã ghi rằng: Tôi chính là người đã thuần được Ngựa Tiêu Sương trong Hội Long Hoa.
Sau ngày đó; Sáng hôm sau... Lạ thay! Không gian và cảnh vật của ngày hôm qua đã đi vào hư không, phía bên kia cánh cửa của không gian chiều thứ tư mất rồi! Gió sương đã đóng cánh cửa (then tạo hóa) đó, đối với mọi kẻ trần tục, đều bất khả xâm phạm. Đó là điều mà chúng ta quen gọi một cách vô thức là "Phong Tỏa" (gió khóa) hoặc "Niêm Phong" (gió đóng), một cách lạ lùng không có thể hiểu được đối với tư duy đương đại.
Kỷ niệm về cuộc thi của Đại Hội Long Hoa. Cứ khiến tôi bâng khuâng một cách lạ thường trong suốt khoảng thời gian sau đó cho tận mãi đến ngày hôm nay. Đêm đêm, thỉnh thoảng trong giấc ngủ chập chờn giữa chốn núi rừng cô quạnh. Tôi vẫn thường vẳng nghe tiếng hí của Ngựa Tiêu Sương, chen lẫn tiếng vó ngựa là cuồng phong vang vọng tìm về...
Tôi biết, và đồng thời cũng nhận được thông báo qua Thiên Thư: Hội Long Hoa chỉ là kỳ thi Thứ Nhất! Còn hai kỳ thi nữa, nhất định phải ứng thí cho kịp kỳ, theo luật định của Tạo Hóa !!.
Điều này hiển nhiên như câu: "Thiên - Địa - Nhân gian đồng nhất lý". Vì thế nhất thiết phải qua đủ 3 kỳ thi!!! Đại loại như Cá Vượt Vũ Môn ắt phải qua 3 đợt sóng. Từ khi trở về không gian 3 chiều sau cánh cổng của không gian chiều thứ tư. Tư duy cũng như quan điểm của tôi có nhiều biến đổi lạ thường! Tôi ý thức được rằng: Những điều đó, chỉ có thể chôn chặt trong tâm tư của riêng tôi mà thôi. Tuyệt đối không có thể giải bày cũng như chia sẻ cùng bất kỳ ai cho được. Bởi đó là những điều chỉ xảy ra ở nơi mà Nhà Phật có từng mô tả: "Phi tưởng xứ địa phương". Tôi có thể mô tả cụ thể và ngắn gọn hơn với hai chữ: "Mặc Khải"!
Tôi biết được: Hai kỳ thi sắp đến, càng phức tạp gấp bội phần, so với Hội Long Hoa. Trong khi tôi thuần được Ngựa Tiêu Sương trong Hội Long Hoa? Chẳng qua do xuất phát từ đáy lòng là một tâm tư hoàn toàn cách vô khởi, rất vô tư. Tư tưởng không gợn bọt bụi nào, cho dù đó là bụi của cõi Thần Tiên hay Trần Tục. Một thành quả may phước, bởi nguyên nhân tự tính của bản thân, đã vốn như thế. Tôi tin và hiểu rõ chính mình.
Cũng sau sự kiện Hội Long Hoa. Tôi suy gẫm rất nhiều và rất nhiều điều đã thấy được ở không gian phía bên kia. Cuối cùng tôi tự nhủ: Càng cao danh vọng, chỉ càng dày gian nan thêm thôi. Tôi lại vốn không màng những điều như thế. (vốn đã bỏ lại chốn xa hoa của Sài Gòn sau lưng, và tìm về nơi biển xa, đảo vắng). Ai muốn cứu nhân độ thế? Cứ tiếp tục tìm dự kỳ Hội sắp đến. Tôi chỉ muốn có một cuộc sống bình dị, đơn giản như mọi người dân tầm thường nhất, sau những tháng ngày đã trãi qua. Tôi chỉ muốn được quay trở về với cuộc sống đời thường như đã từng... thường sống.
Bỏ mặc kỳ hai lại nơi giác hải mà Trời đã khải thị: Pháp Hoa Hội!
.
*( Chỉ chừng đó thôi.... Phạm Duy)
dienbatn giới thiệu. Xin xem bài tiếp.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét