Thiệu Trị-Nguyễn Hiến Tổ (chữ Hán: 阮憲祖 16 tháng 6 năm 1807 – 4 tháng 10 năm 1847), tên thật là Nguyễn Phúc Miên Tông (阮福綿宗), là vị hoàng đế thứ ba của triều Nguyễn nước Đại Nam. Ông kế vị vua cha là Minh Mạng, trị vì từ năm 1841 đến khi qua đời, tổng cộng 7 năm, được truy tôn miếu hiệu là Nguyễn Hiến Tổ (阮憲祖), thuỵ hiệu Hiến Tổ Chương Hoàng Đế (憲祖章皇帝). Trong thời gian trị vì ông chỉ sử dụng một niên hiệu là Thiệu Trị (紹治) nên thường được gọi là Thiệu Trị Đế (紹治帝).
Thiệu Trị được sử sách mô tả là một hoàng đế thông minh, tận tụy chăm lo việc nước, uyên bác Nho học, yêu thích thơ ca. Nhưng Thiệu Trị không đưa ra cải cách gì mới, chỉ duy trì các chính sách hành chính, kinh tế, giáo dục, luật pháp, quân sự... từ thời Minh Mạng. Khi Thiệu Trị lên ngôi, chính sách bành trướng của Minh Mạng đã khiến lãnh thổ Đại Nam đạt đến mức rộng nhất trong lịch sử của nó. Đại Nam đô hộ vùng đông nam Chân Lạp, đặt ra Trấn Tây Thành nhưng sự hà khắc của quan quân Việt đã gây nên sự căm phẫn và nổi dậy liên miên của người Chân Lạp. Thiệu Trị bèn xuống lệnh rút quân khỏi Trấn Tây Thành. Liên quân Xiêm La-Chân Lạp nhân đó đánh phá biên giới Tây Nam, Thiệu Trị sai nhiều tướng giỏi như Lê Văn Đức, Nguyễn Tri Phương, Doãn Uẩn,... mang quân chống lại. Quân Đại Nam đánh bại Xiêm La rồi truy kích vào đất Chân Lạp. Năm 1845, Đại Nam và Xiêm La ký hòa ước chia nhau quyền bảo hộ Chân Lạp, vùng biên phía Tây cuối cùng đã được tạm yên, nhưng cũng từ đây quá trình mở đất về phương Nam của người Việt bị khựng lại.
Sau khi kết thúc chiến tranh với Xiêm La, Thiệu Trị phải đương đầu với mối đe dọa xâm lược càng lúc càng gia tăng từ Pháp. Đỉnh điểm là trận cửa biển Đà Nẵng (1847) khi quân thuyền Pháp bắn chìm 5 chiếc thuyền đồng của thủy quân Đại Nam. Thất bại này khiến hoàng đế hết sức tức giận và lo lắng, nhưng cho đến khi chết, Thiệu Trị và quần thần vẫn không thể tìm ra phương sách hợp lý để đối phó. 10 năm sau cái chết của Thiệu Trị (1858), Pháp nổ súng xâm lược Đại Nam, mở đầu thời kỳ Việt Nam bị Pháp đô hộ.
Trong số rất nhiều vợ của Minh Mệnh, có bà vợ cả họ Hồ, con gái lớn của công thần Hồ Văn Bôi, quê huyện Bình An, tỉnh Biên Hòa. Hồ Văn Bôi đã có công theo giúp vua Gia Long từ buổi đầu. Gia Long và bà Nhị phi đã chọn kỹ và cưới cô gái họ Hồ về làm vợ Hoàng tử Đởm. Là người trang kính, chín chắn, thận trọng, hiền hòa, trinh nhất... được Minh Mệnh hết lòng yêu kính, phong là Thuận đức Thần phi. Bà sinh Hoàng thái tử Dong được 13 ngày thì mất. Hoàng tử Dong được các cung nữ khác nuôi nấng. Năm Quí Mùi (1832), theo phép đặt tên của đế hệ. Hoàng tử Dong có tên mới là Miên Tông. Miên Tông là con trưởng trong số 78 hoàng tử của Minh Mệnh nên được nối ngôi. Tháng giêng năm Tân Sửu (1841) Miên Tông lên ngôi ở điện Thái Hòa, đặt niên hiệu là Thiệu Trị, vừa đúng 34 tuổi.
Thiệu Trị hiền hòa, không hay bày việc. Vả chăng, mọi quy chế đã được sắp đặt khá quy củ từ thời Minh Mệnh, Thiệu Trị giữ nếp cũ, chỉ răm rắp làm theo lời di huấn của cha thôi. Bầy tôi cũ từng giúp Minh Mệnh nay vẫn là vây cánh, chân tay của Thiệu Trị như Trương Đăng Quế, Lê Văn Đức, Doãn Uốn, Võ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương, Lâm Duy Tiếp... Thời kỳ cầm quyền ngắn ngủi của Thiệu Trị chỉ đủ để giải quyết một số hậu quả để lại từ thời Minh Mệnh.
Thứ nhất là khắc phục hậu quả của giải pháp bỏ đê ở Bắc Bộ. Vào năm Quí Mùi (1883), sau nhiều cố gắng củng cố và hoàn thiện hệ thống đê điều ở Bắc Bộ mà vẫn lụt lội, Minh Mệnh mạnh dạn áp dụng giải pháp "đào sông thay đê". Vua cho phá bỏ đê điều vùng trũng phía nam Hà Nội, khơi đào sông thoát lũ vùng Hải Dương, Hưng Yên nhưng vô hiệu. Theo ý nguyện thần dân địa phương, Thiệu Trị lại cho đắp đê, đập chắn ngang cửa sông Cửu An. Việc thứ hai là giải quyết vấn đề Chân Lạp. Cuối đời Minh Mệnh, thành Trấn Tây là mối lo cần giải quyết. Trương Minh Giảng, Nguyễn Tiến Lâm, Lê Văn Đức, Nguyễn Công Trứ... Đem quân đánh dẹp mãi không yên. Vì thế ngay năm đầu lên ngôi, triều quan như Tạ Quang Cự tâu xin bỏ đất Chân Lạp, rút quân về giữ An Giang. Vua nghe theo, xuống chiếu bãi binh. Trương Minh Giảng về đến An Giang thì mất. Tháng 6 năm ất Tỵ (1845), Chân Lạp bị Xiêm chiếm đóng, đáp lời cầu viện của Chân Lạp, triều đình lại cử binh sang buộc tướng Xiêm là Chất Tri ký hòa ước rồi hai nước cùng bãi binh. Nguyễn Tri Phương, Doãn Uốn rút quân về đóng ở Trấn Tây. Năm Bính Ngọ (1846), Nặc Ông Đơn sai sứ sang dâng biểu và cống phẩm. Tháng Hai Đinh Mùi (1847) triều đình Nguyễn phong Nặc Ông Đơn là Cao Miên quốc vương và Mỹ Lâm quận chúa, Cao miên quận chúa. Lại xuống chiếu cho quân thứ ở Trấn Tây rút về An Giang. Từ đó, Chân Lạp lại có vua và phía Tây Nam bắt đầu yên dần.
Vấn đề thứ ba là quan hệ với phương Tây. Khi Thiệu Trị lên cầm quyền thì việc cấm đạo có nguôi đi ít nhiều. Một số giáo sĩ bị bắt giam từ trước tại Huế, bị kết án tử hình nay được tự do nhờ sự can thiệp của hải quân Pháp. Năm Đinh Mùi (1847) Pháp sai một đại tá, một trung tá và cho tự do tín ngưỡng. Đang trên bàn thương lượng thì Pháp dùng đại bác bắn đắm tàu thuyền của Việt Nam neo đỗ bên cạnh rồi chạy ra bể. Trước sự kiện đó, Thiệu Trị vô cùng tức giận, ban thêm sắc dụ cấm người ngoại quốc giảng đạo và trị tội người trong nước đi dạo. Sau đó, tháng 9 năm Đinh Mùi (1847), Thiệu Trị bị bệnh rồi mất, ở ngôi được 7 năm, thọ 41 tuổi, miếu hiệu là Hiếu tổ chương hoàng đế, có 54 người con (29 hoàng tử và 25 hoàng nữ).
Lễ đăng quang của vua Thiệu Tri.
Vua Thiệu Trị lên ngôi ở điện Thái Hòa, ngày 20 tháng giêng năm Tân Sửu, tức ngày 11 tháng 2 năm 1841.
Vua Thiệu Trị có tên là Nguyễn Phúc Miên Tông, ngoài ra còn có tên là Tuyền và Dung. Ông là con trưởng của vua Minh Mạng và bà Hồ Thị Hoa (Tá Thiên Nhân Hoàng hậu), sinh ngày 11 tháng 5 năm Đinh Mão (16-6-1807) tại ấp Xuân Lộc, phía Đông Kinh Thành Huế .
Ngày 20 tháng giêng năm Tân Sửu (1841), vua Thiệu Trị chính thức lên ngôi.
Ngay từ hôm trước, Bộ Lễ đã cho đặt tại gian giữa điện Thái Hòa, gần ngai vàng dành cho vua, hai hoàng án quay mặt về hướng nam. Hai châu án cũng được đặt ở giữa gian bên trái. Cuối cùng, ở tả, hữu bệ rồng xếp hai đội tiểu nhạc còn hai đội đại nhạc đặt ngoài thềm điện.
Hôm sau, ngay từ tờ mờ sáng, vào quãng canh năm, sau ba hồi trống, người ta cắm cờ trên cột cờ để báo hiệu một sự kiện trọng đại. Ngai vàng được đặt gần điện Thái Hòa còn binh lính xếp đặt mọi phụ kiện xuất hiện trong đám rước như tàn, lọng, cờ xí màu sắc rực rỡ ở phía nam cầu Kim Thủy. Ngoài cổng Ngọ môn, xếp hai hàng tàn lọng, người ta dựng một long đình trên đặt khay lớn hình tròn.
Lúc này, ngày mới vừa bắt đầu. Một đại thần Nội Các có mặt tại điện Cần Chánh để lĩnh hòm ấn ngọc cùng hộp son và ống kim phụng đựng chiếu lên ngôi.
Sau đó, vị đại thần đi về phía điện Thái Hòa, được đoàn tùy tùng che tán và lọng. Ông đặt lên hoàng án hòm ấn ngọc và ống kim phụng; và đặt lên châu án hộp mực son.
Về phần mình, một viên quan Bộ Lễ đặt tiếp lên châu án hòm kim sách, hòm biểu mừng và hòm lễ mừng sẽ dâng lên vua. Một vị quan đọc to kim sách, người khác đọc biểu mừng. Hai đại thần Nội Các mặc phẩm phục đại triều đứng ở chái đông điện Thái Hòa: các hoàng tử, hoàng thân và hoàng đệ cùng quan lại văn võ mặc trang phục đẹp nhất lần lượt đứng vào vị trí dành cho mình. Sau những quan chức đương nhiệm là các vị quan đã về hưu mặc lễ phục. Ở hai phía bờ nam của cầu Kim Thủy và cổng Ngọ Môn là vị trí của các quan viên chưa có phẩm phục đại triều, họ hàng xa của nhà vua, các công tử, quan lại, giám sinh Quốc tử giám. Cuối cùng, dưới sự điều hành của quan Phủ Doãn và Phủ Thừa (préfet et sous-préfet), các kì mục lão niên ở sáu huyện trong kinh đô xếp thành hai hàng tại sân Phu Văn Lâu.
Chuẩn bị xong, Bộ Lễ và Thị vệ đại thần báo cho vua biết việc chuẩn bị đã nghiêm chỉnh. Sau đó, nhà vua tiến vào điện Cần Chánh và ngự trên ngai vàng. Nhà vua đội mũ đại triều 9 rồng, mặc đại lễ phục bằng lụa vàng, đeo thắt lưng nạm đá quý và cầm bài vị bằng ngọc hình chữ nhật.
Lát sau, chỉ huy đội ngự giá xuất hiện và mời vua lên ngự giá vừa sửa soạn xong. Cùng lúc đó, tại cổng Ngọ Môn, chiêng trống nổi lên, trước sau ngự giá là các đoàn tùy tùng có vũ khí hướng về điện Thái Hòa.
Tới thềm điện, nhà vua bước xuống từ ngự giá. Tiếng chuông ở lầu Canh Môn và Ngọ Môn im bặt, trống nổi lên. Đại bác phát 9 tiếng súng lệnh và nhà vua bước lên ngai vàng. Giữa làn khói hương nghi ngút, quan lại đồng loạt lạy 5 lạy.
Nghi thức bắt đầu bằng việc trao kim sách.
Trước sự chứng kiến của bách quan đang quỳ gối, một đại thần Nội Các kính cẩn bưng hòm kim sách đặt lên hoàng án tại gian giữa. Rồi ông trở ra. Quan đọc kim sách bước đến thềm điện tại gian giữa, mặt quay về hướng bắc. Ông quỳ xuống nhận kim sách, đọc to một lượt rồi trả về vị trí cũ.
Nghi thức tiến hành xong, hai vị quan rời đi.
Bắt đầu nghi thức thứ hai, lễ Khánh hạ.
Hai viên quan ở Nội Các cùng tiến lên nhận hòm biểu mừng và hòm lễ mừng từ châu án đặt lên hoàng án. Nghi thức hoàn thành, hai vị quan rút lui sau khi lạy năm lạy.
Cuối cùng là nghi thức thứ ba, lễ dùng ấn ngọc. Một đại thần Bộ Lại quỳ trước mặt nhà vua tâu vua dùng ấn ngọc truyền quốc. Sau đó, hai đại thần Nội Các tiến về phía hoàng án. Một người nhận hòm ấn ngọc, người kia nhận chiếu lên ngôi vừa lấy ra từ ống kim phụng. Đến trước hoàng án, người thứ nhất đóng ấn ngọc lên chiếu lên ngôi do người thứ hai lấy ra rồi cả hai để ấn và chiếu về lại chỗ cũ.
Vậy là buổi lễ hoàn tất, một đại thần Bộ Lễ quỳ trước Hoàng thượng để tâu trình với người.
Đại bác phát 9 tiếng súng lệnh. Nhà vua đứng dậy và tiến về phía điện Cần Chánh. Tại đó, các hoàng tử nhỏ tuổi, hoàng đệ, công tử vào làm lễ năm lạy.
Hai viên quan Nội Các giao hòm biểu mừng và hòm lễ mừng cho thái giám mang vào điện Cần Chánh, trong khi hai vị quan khác đặt ấn ngọc truyền quốc và hộp son vào điện.
Về phần mình, Bộ Lại đề nghị Nội Các đóng ấn truyền quốc lên các bản sao chiếu lên ngôi. Bản sao được gửi đi các tỉnh còn ấn truyền quốc sẽ được cất vào tráp có khóa và được một thái giám đưa về điện Cần Chánh ngay khi xong việc.
Quan tuyên chiếu tiến lên. Ba đại thần Bộ Lại, Bộ Hộ và Bộ Lễ cùng các thành viên Nội Các đi cùng. Trước mặt, sau lưng và hai bên có nhiều tùy tùng cầm lọng, tán và cờ xí. Đoàn tùy tùng tiến lên, băng qua cầu Trung Đạo và dừng lại ở phía đông cổng Ngọ Môn; chiếu lên ngôi lúc này vẫn nằm trong ống kim phụng, được đặt lên một án thờ lớn bằng vàng. Tại sân trước cổng Ngọ Môn, các hoàng tử, hoàng thân và hoàng đệ cùng quan văn võ tam phẩm đều có mặt. Phía nam cầu Kim Thủy là vị trí của quan văn và quan võ cấp dưới. Cuối cùng, phía sau quan lại cửu phẩm đương nhiệm là quan lại không mặc phẩm phục đại triều, thành viên hoàng tộc có hàm quan lại, các tôn sinh, học sinh, quan sinh, ấm sinh từng học tại Quốc tử giám.
Quan tuyên chiếu đứng trên lầu Ngũ Phụng, mặt quay về hướng Nam. Bách tính quỳ xuống nghe chiếu. Tuyên chiếu xong, hai đại thần Nội Các lạy năm lạy và cất chiếu vào ống.
Tiếp đó, họ ra lệnh cho Hữu thừa ty ban bố chiếu lên ngôi khắp thiên hạ. Hai thành viên Bộ Lại và Bộ Hộ lạy năm lạy trước quan tuyên chiếu. Quan tuyên chiếu cất chiếu vào ống kim phụng; sau đó, các thành viên Bộ Lễ đặt ống vào khay tròn trên long đình dựng đối diện cửa chính Ngọ Môn. Khay được buộc chặt vào long đình bằng một tấm vải gấm sang trọng.
Lính tráng khiêng long đình trên vai, theo sau là hai viên quan ở Bộ Lại và Bộ Hộ. Đoàn tùy tùng tiến dần về Phu Văn Lâu, với sự hộ tống của lính tráng cầm tán, lọng hoặc cờ xí.
Tới Phu Văn Lâu, đoàn tùy tùng dừng lại và niêm yết chiếu lên ngôi.
Sau đó, Bộ Lại và Bộ Hộ gửi bản sao chiếu lên ngôi đi khắp các tỉnh An Nam.
Bùi Thị Hệ - TTLTQG I
Theo A.Bouchet, Cérémonies qui accompagnèrent l’avènement de l’empereur Thiêu Tri, Revue indochinoise, số ra ngày 15 tháng 8 năm 1904.
Lăng Thiệu Trị : Có tên chữ là Xương Lăng(昌陵) là nơi chôn cất hoàng đế Thiệu Trị. Đây là một di tích trong Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới ngày 11 tháng 12 năm 1993.
Lăng Thiệu Trị nằm dựa lưng vào núi Thuận Đạo, ở địa phận làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, cách Kinh thành Huế chừng 8 km. So với lăng tẩm các vua tiền nhiệm và kế vị, lăng Thiệu Trị có những nét riêng. Đây là lăng duy nhất quay mặt về hướng Tây Bắc, một hướng ít được dùng trong kiến trúc cung điện và lăng tẩm thời Nguyễn. Cách lăng 8 km về phía trước, ngọn núi Chằm sừng sững được chọn làm tiền án. Dòng sông Hương chảy qua trước mặt làm yếu tố minh đường. Ngay cách chọn "Tả thanh long" và "Hữu bạch hổ" cũng có những nét khác thường: đồi Vọng Cảnh ở bên này sông được chọn làm "rồng chầu", nhưng "hổ phục" lại là ngọn Ngọc Trản ở bên kia sông. Đằng sau, núi Kim Ngọc xa mờ trong mây được chọn làm hậu chẩm; đồng thời, những người kiến trúc lăng còn đắp thêm một mô đất cao lớn ở ngay sau lăng để làm hậu chẩm thứ hai. Một nét riêng khác là lăng không có La thành bao quanh. Nếu ở lăng Gia Long, La thành bằng gạch được thay thế bởi vô số núi đồi bao quanh như một vành đai tự nhiên, hùng tráng bảo vệ giấc ngủ cho vị tiên đế triều Nguyễn thì ở lăng Thiệu Trị, những cánh đồng lúa, những vườn cây xanh rờn ở chung quanh được xem là La thành. Chính vòng La thành thiên nhiên đó tạo cho cảnh quan lăng Thiệu Trị sự thanh thoát và yên bình.
Sau khi ở trên ngai vàng được 7 năm, vua Thiệu Trị lâm bệnh qua đời ngày 4 tháng 11 năm 1847, giữa lúc mới 41 tuổi. Trong khi hấp hối, nhà vua đã dặn người con trai sắp lên nối ngôi rằng: "Chỗ đất làm Sơn lăng nên chọn chỗ bãi cao chân núi cận tiện, để dân binh dễ làm công việc. Còn đường ngầm đưa quan tài đến huyệt, bắt đầu từ Hiếu lăng, nên bắt chước mà làm. Còn điện vũ liệu lượng mà xây cho kiêm ước, không nên làm nhiều đền đài, lao phí đến tài lực của binh dân".
Vua Tự Đức lên nối ngôi đã lệnh cho các thầy địa lý tìm đất để xây lăng cho vua cha. Họ tìm được địa cuộc tốt tại chân một dãy núi thấp thuộc làng Cư Chánh, huyện Hương Thủy, cách Kinh thành không xa như hai lăng vua tiền nhiệm. Sau đó núi ấy được đặt là núi Thuận Đạo còn lăng được gọi là Xương Lăng.
Vào ngày 11 tháng 2 năm 1848, vua Tự Đức sai đại thần Vũ Văn Giai, sung chức Đổng lý, đứng ra trông coi công việc xây dựng lăng. Nhà vua dặn cứ 10 ngày một lần phải báo cáo cho vua biết tiến độ xây dựng lăng.
Theo lời dặn của vua cha, vua Tự Đức căn dặn Vũ Văn Giai phải bắt chước cách làm "toại đạo" giống như trên lăng Minh Mạng, công việc xây dựng các công trình mang tính thờ phụng ở lăng như điện, đình, các, viện... thì phải bắt chước theo quy chế của lăng Gia Long, và tùy theo địa thế tại chỗ để châm chước định liệu mà làm. Toại đạo, tức là đường hầm đưa quan tài nhà vua vào huyệt mộ, được xây vào ngày 24 tháng 3 năm 1848.
Quá trình xây cất Xương Lăng diễn ra nhanh chóng và gấp rút, nên chỉ sau ba tháng thi công, các công trình chủ yếu đã hoàn thành. Ngày 14 tháng 6 năm 1848, vua Tự Đức thân hành lên Xương Lăng kiểm tra lần cuối. Mười ngày sau, thi hài vua Thiệu Trị được đưa vào an táng trong lăng sau 8 tháng quàn tại điện Long An ở cung Bảo Định. Vua Tự Đức viết bài văn bia dài trên 2.500 chữ, cho khắc lên tấm bia "Thánh đức thần công", dựng vào ngày 19 tháng 11 năm 1848 để ca ngợi công đức của vua cha.
Trong một bài dụ của vua Tự Đức viết vào tháng 5 năm 1848, có đoạn nói: "Nay mọi việc đã đâu vào đấy, sớm báo cáo hoàn thành". Ngày 14 tháng 6 năm 1848, tức là 10 ngày trước khi làm lễ an táng vua cha, vua Tự Đức thân hành lên lăng để kiểm tra công việc một lần cuối. Mặc dù vua Thiệu Trị đã căn dặn là phải làm lăng như thế nào cho "kiệm ước", không nên quá tốn kém tiền của và sức dân, sức binh. Và trong bài văn bia ở Xương Lăng, vua Tự Đức đã nhắc lại điều đó và nói thêm rằng: "Lời vàng ngọc văng vẳng bên tai, con nhỏ này đâu dám trái chí"; nhưng hôm ấy khi lên xem công trình lăng, thấy "công trình có phần phiền phức to lớn", nhà vua vẫn tỏ ra thỏa mãn.
Riêng tấm bia "Thánh đức thần công" với bài bi ký dài hơn 2.500 chữ do vua Tự Đức viết, thì mãi đến 5 tháng sau, tức là ngày 19 tháng 11 năm 1848 mới dựng được.
Như vậy, tính từ ngày bắt đầu xây dựng (11 tháng 2 năm 1848) đến ngày hoàn tất, lăng Thiệu Trị đã được thi công trong vòng chưa đầy 10 tháng.
Ngoài ra, ở gần lăng Thiệu Trị còn có 3 ngôi lăng mộ khác của những người trong gia đình vua. Nằm chếch phía trước là Lăng Hiếu Đông của mẹ vua - bà Hồ Thị Hoa; gần phía sau bên trái là Lăng Xương Thọ của vợ vua - bà Từ Dụ; phía trước bên trái là khu lăng "Tảo thương" là những ngôi mộ của con vua Thiệu Trị chết lúc còn nhỏ.
Vua Tự Đức đã cho xây dựng lăng vua Thiệu Trị theo mô thức kiến trúc và phần lớn ý đồ do vua cha để lại. Trước thời điểm khởi công xây dựng lăng này, ở Huế chỉ mới có hai lăng là lăng Gia Long và Minh Mạng. Khi còn sống vua Thiệu Trị đã tham khảo nghệ thuật kiến trúc lăng tẩm của hai vua tiền nhiệm để đưa ra đồ án xây dựng ngôi nhà vĩnh cửu, nơi mình sẽ an giấc ngàn thu.
So với hai lăng Gia Long và Minh Mạng, lăng vua Thiệu Trị gần Kinh thành hơn, là sự dung hòa hai mô thức kiến trúc của hai lăng vua tiền nhiệm bằng cách thiết kế thành hai trục: trục lăng nằm bên phải và trục tẩm - khu vực điện thờ nằm bên trái. Hai trục cách nhau khoảng 100 mét. Nói cách khác, các nhà kiến trúc lăng Thiệu Trị đã cắt phần giữ của lăng Minh Mạng - điện thờ đặt riêng ra một bên và nối hai phần trước và sau của lăng ấy lại với nhau làm một. Dĩ nhiên, về các đơn vị công trình kiến trúc riêng lẻ thì có thêm bớt, đổi thay đôi chút, nhưng cách xây Bửu thành, Toại đạo, các cầu bằng đá, nghi môn, nghê đồng và các hồ bán nguyệt thì giống lăng Minh Mạng.
Lăng Thiệu Trị khác lăng Minh Mạng là không xây La thành, nhưng giống lăng Gia Long là lợi dụng những dãy núi đồi chung quanh để làm nên một vòng La thành thiên nhiên rộng lớn. Trong vòng La thành hùng vĩ đó, lăng Thiệu Trị dựa lưng vào chân núi Thuận Đạo, gần trước mặt lăng là một vùng đất bằng phẳng cỏ cây xanh tươi, ruộng đồng mơn mởn trải dài từ bờ sông Hương đến tận cầu Lim. Xét về phong thủy, lăng Thiệu Trị ở vào vị thế "sơn chỉ thủy giao". Lăng quay mặt về hướng tây bắc, một hướng chưa bao giờ được dùng trong các công trình kiến trúc lớn ở Huế bấy giờ. Phía trước, cách lăng khoảng 1 km có đồi Vọng Cảnh, bên trái có núi Ngọc Trản chầu về trước lăng theo vị thế "tả long hữu hổ". Ngọn núi Chằm cách đó khoảng 8 km đứng làm "tiền án" cho khu vực lăng, động Bàu Hồ ở gần hơn làm bình phong thiên nhiên cho khu vực tẩm. Ở đằng sau, ngoài ngọn núi Kim Ngọc ở xa, người xưa đã đắp một mô đất cao lớn làm "hậu chẩm" cho lăng. Trong phạm vi lăng có ba hồ bán nguyệt là hồ điện, hồ Nhuận Trạch, và hồ Ngưng Thúy cùng dòng khe từ hồ Thủy Tiên chảy ra bên phải, giao lưu với nhau bằng những đường cống xây ngầm dưới các lối đi.
Tổng thể kiến trúc của lăng Thiệu Trị là sự kết hợp và chọn lọc từ mô thức kiến trúc của lăng Gia Long và lăng Minh Mạng. Xương Lăng giống với Thiên Thọ Lăng ở chỗ đều không có La thành, khu vực lăng mộ và tẩm điện biệt lập, song song với nhau. Xương Lăng lại giống Hiếu Lăng ở cách thức mai táng và xây dựng Toại đạo, Bửu thành hình tròn với hồ Ngưng Thúy hình bán nguyệt bao bọc ở phía trước. Lăng gồm hai khu vực: lăng và tẩm. Phần lăng nằm ở bên phải, phía trước có hồ Nhuận Trạch thông với hồ điện ở trước khu tẩm qua một hệ thống cống ngầm và nối với hồ Ngưng Thúy ở trước Bửu thành, tạo thế "chi huyền thủy" chảy quanh co trong lăng. Ngay sau hồ Nhuận Trạch là nghi môn bằng đồng đúc theo kiểu "long vân đồng trụ" dẫn vào Bái Đình rộng lớn. Hai hàng tượng đá ở hai bên tả, hữu của sân là tiêu biểu của nghệ thuật tạc tượng đầu thế kỷ XIX ở Huế. Tiếp theo Bi Đình dạng phương đình là lầu Đức Hinh ngự trên một quả đồi thấp hình mai rùa. Các nhà thiết kế lăng Thiệu Trị đã tách riêng khu vực tẩm điện trong lăng Minh Mạng rồi cải tiến, sửa đổi cho phù hợp với cảnh quan của Xương Lăng để tạo ra đồ án thiết kế lăng này. Chính vì thế mà Bi Đình và lầu Đức Hinh ở Xương Lăng mang dáng vóc của Bi Đình và Minh Lâu ở lăng Minh Mạng. Đứng trên lầu Đức Hinh, phóng tầm mắt ra phía sau sẽ thấy một cảnh quan trác tuyệt. Hồ Ngưng Thúy như vầng trăng xẻ nửa án ngữ trước Bửu thành. Bên trên hồ có 3 chiếc cầu: Đông Hòa (phải), Chánh Trung (giữa) và Tây Định (trái), dẫn đến bậc tam cấp vào Bửu thành - nơi đặt thi hài của nhà vua. Xa hơn về phía phải của lăng có gác Hiển Quang - nơi nghỉ ngơi, suy tưởng của nhà vua ở cả cõi âm lẫn cõi dương.
Có lẽ do yếu tố địa lý không cho phép kiến tạo Xương Lăng theo một trục dọc như Hiếu Lăng nên khu vực điện thờ được xây dựng riêng, cách lầu Đức Hinh 100m về phía trái. Ngay sau hồ điện có một nghi môn bằng đá cẩm thạch, bên trên là những liên ba và một bầu Thái cực hình nậm rượu bằng pháp lam, trang trí hoa lá vui mắt và sinh động. Bức hoành phi nằm giữa những hoa văn trang trí với 4 chữ Hán: "Minh đức viễn hỷ" (Đức sáng cao xa vậy!) như muốn ghi mãi vào không trung tài đức của nhà vua. Bước lên tam cấp dẫn vào khu vực điện Biểu Đức, sẽ đi qua Hồng Trạch Môn nhìn về phía Bắc, một dạng vọng lâu như Hiển Đức Môn (ở lăng Minh Mạng) và Khiêm Cung Môn (ở lăng Tự Đức sau này). Chính giữa là điện Biểu Đức, nơi thờ cúng bài vị của vua và Hoàng hậu Từ Dụ. Trong chính điện, trên những cổ diêm ở bộ mái và ở cửa Hồng Trạch, có hơn 450 ô chữ chạm khắc các bài thơ có giá trị về văn học và giáo dục. Các công trình phụ thuộc như Tả, Hữu Phối Điện (trước), Tả, Hữu Tùng Viện (sau) quây quần chung quanh điện Biểu Đức càng tôn thêm vẻ cao quý của chính điện. Bên kia hồ điện, hòn Bàu Hồ làm bình phong cho khu vực điện thờ, rừng thông xanh mướt làm La thành cho khu vực lăng.
Lăng vua Thiệu Trị nằm gần với cùng với lăng mộ của dòng họ, chếch về phía trước lăng là lăng Hiếu Đông của bà Hồ Thị Hoa (mẹ vua). Bên trái phía sau là Xương Thọ Lăng của bà Từ Dụ (vợ vua) và không xa phía trước là khu mộ "tảo thương" - nơi có nhiều ngôi mộ của các ông hoàng, bà chúa nhỏ bé, con vua Thiệu Trị.
Trong quá trình thám sát mở rộng xung quanh quần thể lăng Thiệu Trị, đoàn khảo sát các công trình di tích cố đô Huế đã phát hiện một cụm di tích quan trọng liên quan đến lăng thuộc thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Cụm di tích gồm 2 khu mộ Tảo Thương - mộ những người con của vua Thiệu Trị, Bến Ngự (nằm bên bờ sông Hương), các trụ biểu, Hành Cung Cư Chánh, Trại Bảy (nơi ở của lính bảo vệ lăng Hiếu Đông), đặc biệt là con "đường ngự" dẫn vào lăng vua Thiệu Trị, xuất phát từ bờ sông Hương. Đường ngự ngày xưa là con đường dùng để đưa thi hài vua Thiệu Trị vào an táng trong lăng, sau đó các vua đời sau dùng để đi vào lăng trong các dịp tế lễ hằng năm.
" Cái quy mô , thể chế Xương Lăng Đại Đế cũng phỏng theo như Hiếu lăng . Chỗ khác Tẩm Điện không ở chính giữa mà ở về bên Tả. . Điện gọi là Biểu Đức Điện . Đối với Điện , ở bên hữu thì có Đức Hinh lâu . Lại về đằng sau một ít thì có Hiển Quang Các . Trước có cái hồ gọi là Ngưng Thủy Trì , trên bắc 3 nhịp cầu đá. Ngoài Đức Hinh lâu là Bi Đình , dựng bia “ Thánh Đức thần công “ . Chính Lăng thì y như Hiếu Lăng , không khác tí gì ; ngoài thành tròn bao kín mít , trong cây cỏ mọc um tùm như rừng . Phong cảnh ở đấy lại tiêu sắt hơn Hiếu Lăng nhiều. Bấy giờ Giời đã về chiều , mưa vẫn không dứt , đứng trong ấy buồn không biết chừng nào . Tưởng cái hồn đức Thiệu Trị còn phảng phất ở đâu đây , hồn đa sầu , khi sinh thời dễ đã biết chắc rằng trị vì không được mấy lâu mà buồn , nên trong phong cảnh này còn như ngậm ngùi , ai oán. Cảnh tiêu sắt mà thi vị vô cùng." ( Phạm Quỳnh ).
Dù có nhiều điểm tương đồng với lăng Gia Long và lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị vẫn có những nét rất riêng, có thể coi là độc nhất vô nhị.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét