Blog chuyên nghiên cứu và chia sẻ văn hóa phương Đông - phong thủy - tâm linh - đạo pháp - kinh dịch...
EMAIL : dienbatn@gmail.com
TEL : 0942627277 - 0904392219.PHÁC THẢO PHONG THỦY HÀ TĨNH. BÀI 11.
PHẦN I. PHÁC HỌA CHÂN DUNG MỘT VÙNG ĐẤT.
PHẦN II. LONG MẠCH CỦA HÀ TĨNH. ( Tiếp theo bài 10 ).
1. ĐỊA HÌNH.
2. LONG MẠCH VÀ DANH NHÂN HUYỆN ĐỨC THỌ. ( Thuộc Giai đoạn 4 ).
1/PHONG THỦY XÃ ĐỨC VỊNH – ĐỨC THỌ - HÀ TĨNH.
2/PHỐ CỔ PHÙ THẠCH .
"Từ cuối đời Trần qua
đời Lê đến đầu đời Tây Sơn, ly sở Nghệ An (Nghệ Tĩnh) đặt ở núi Lam Thành (tức
Hùng Sơn), địa phận các xã Nghĩa Liệt và Triều Khẩu, nên sử sách
chép nhiều tên: thành Nghệ An, thành Lam, thành Hùng Sơn, thành Nghĩa Liệt,
thành Triều Khẩu, lại có tên thành Phù Thạch.Trong tờ chiếu năm 1788, Nguyễn
Huệ truyền cho Nguyễn Thiếp tìm đất đặt kinh đô, có câu: “tướng địa tác đô tại
Phù Thạch” (xem đất lập đô tại Phù Thạch).Thật ra, Phù Thạch thuộc đất làng
Vĩnh Đại, huyện La Sơn (nay là xã Đức Vịnh, huyện Đức Thọ) ở bờ Nam sông Lam, đối ngạn chợ Tràng, xã
Triều Khẩu (nay thuộc huyện Hưng Nguyên, Tỉnh Nghệ An), ở bờ Bắc. Mé sông có tảng đá lớn lúc thủy triều
xuống thì nổi lên mặt nước, nên có tên Phù Thạch (Đá Nổi). Gần gành đá là vực, một trong ba nơi
nước sâu nhất sông Lam, thời trước.
Đá đâu lấp ló giữa dòng,
Như bay hoa sóng, như chồng gương
nga.
(Nguyễn Huy Hổ - Mai
đình mộng ký) .
Sách Nghệ An ký của Bùi
Dương Lịch (1757-1827) chép: “ Trước, đất mé sông Lam rất rộng, sông La ở La
Sơn, sông Minh Lương ở Thiên Lộc chảy vào chỗ ấy. Chỗ sông Minh chảy vào có đá
nổi, bên đông đã có đò, gọi là bến đò Phù Thạch. Trên bến đò có phố buồn của
Khách trú. Nhà cửa san sát, thuyền mành tấp nập. Tên phố là Phù Thạch phố..”.
Sách Đại Nam nhất thống
chí cũng chép: “.. Đến đây có sông Phù Thạch, phía đông có bến đò là chỗ cư trú
của khách buôn phương Bắc, nhà cửa, thuyền bè tấp nập, gọi là phố Phù
Thạch...”.
Theo tài liệu khảo sát
của PGS Trần Bá Chí (Khảo tả về phố cổ Phù Thạch, bản in rộnêộ) thì giữa thế kỷ
XVII, xã Vĩnh Đại cắt ra phần đất sát bờ sông Lam “thượng tự bến Trùm, hạ chí
Ấn Quang tự” (trên từ bến Trùm, dưới đến chùa Ấn Quang, tức chùa Gành) bán cho
kiều dân người Hoa gốc Quảng Đông, Phúc Kiến. Họ không chịu sống dưới chính
quyền Mãn Thanh, nên chạy sang Việt Nam lập nghiệp, đến đây tạo đất dựng lên
làng Minh Hương.
Lúc thịnh nhất, làng
Minh Hương có khoảng một trăm hộ thuộc 12 dòng họ Quan, Quách, Đàm, Thái, Lý,
Ngô, Mạnh,
(1) Dải đá ngầm từ núi
Hồng Lĩnh kéo lên, qua xã Ngũ Khố (sau là Ngũ Lộc) đến Vĩnh Đại thì nổi lên
giữa sông nên gọi “Phù Thạch” - đá nổi.
Trần, Trương, Hồng, Lương. Đến sớm nhất là người các
họ Thái, Quan, Quách, Đàm, Lâm vào khoảng đầu đời Thanh (sau 1622).
Người Minh Hương lập
phố xá buôn bán và sản xuất hàng miến, bánh, gia vị cung cấp cho dân trong
vùng...
Trước khi có làng Minh
Hương, từ thế kỷ XIII, XIV, đời Trần, Phù Thạch đã là thắng địa, có tiếng ở xứ
Nghệ. Bài thơ Qua đò Phù Thạch, Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) mô tả
(Thanh Minh dịch):
“ Triều lên triều xuống dòng xuôi ngược,
Mây hợp mây tan núi nổi chìm.
Nốc cá thấp nhoi làn sóng tỏa,
Chùa sư thấp thoáng bức độ in...”
- Chùa sư ở đây là
chùa Gành Ân Quang tự, một thiền viện lớn ở châu Hoan, dựng từ đời Trần bên
gánh Phù Thạch.
Cuối đời Lê, đầu đời
Nguyễn, phố Phù Thạch càng phát triển mạnh mẽ, thành nơi đô hội, thu hút khách
thương, khách du. Năm 1777, Hoàng giáp Bùi Huy Bích (1744-1818) vào làm Đốc
đồng Nghệ An qua đây đã viết (TKĐ dịch):
Lô nhô phố Khách hương trà thoảng,
Thấp thoáng nhà chùa bóng trúc che.
Vào dịp rằm tháng
giêng năm Kỷ Tỵ (1809), Nguyễn Huy Hổ (1783-1841), nhân nghỉ lại phố Phù Thạch,
xem hội đèn, đã viết lại trong Mai đình mộng ký cảnh đêm trăng, và xác nhận:
Phồn hoa nổi tiếng thị thành,
Này Phù Thạch phố là danh lịch triều.
Trên phố, dưới sông,
bến Phù Thạch luôn tấp nập, tàu thuyền ra vào buôn bán. Nhiều thuyền buôn nước
ngoài cũng tới đây đổ hàng, cất hàng. Tương truyền, một chiếc tàu Nhật Bản bị
bão lật đắm ở vũng tàu gần ghềnh đá.
Đối diện Phù Thạch, ở
bờ Bắc, theo một tài liệu tiếng Nhật (TBC
dịch và dẫn trong bài khảo sát) thì từ năm 1608, Hoa Viên, Phục Lễ (Triều
Khẩu) có phố người Nhật, có chợ Tràng buôn bán đủ mặt hàng xứ Nghệ và của cả
Đàng Ngoài, Đàng Trong, của nước ngoài (thuốc bắc, lụa, gấm Tàu, bút mực sách
Tàu, cúc mã não, chè Ô long, sâm Cao Ly).
Chợ Tràng tháng hâm bảy nhiên,
Ai đi bộ cứ bước, ai đi thuyền cứ đi.
(Ca dao)
Ngoài ngôi chùa Gành –
Ấn Quang tự, ở Phù Thạch còn hai ngôi đền do người Minh Hương xây dựng từ lúc
mới lập làng, dựng phố. Đó là đền Nhà Ông thờ Quan Vân Trường, dựng năm Bính
dần niên hiệu Chính Hòa đời Lê Hy Tông (1686) và đền Nhà Bà thờ Thiên Hậu thánh
mẫu, hải thần họ Lâm, người Phúc Kiến, được phong thần từ đời Tống, và quý phi
nhà Tống họ Dương.
Người Minh Hương còn
đóng góp cùng người sở tại sửa sang ngôi chùa cổ Ấn Quang ngày càng to đẹp.
Khi vua Quang Trung
Nguyễn Huệ ra Bắc năm 1786, đến trấn lỵ Lam Thành, người Minh Hương đã cung
tiến nhiều tiền bạc giúp quân lương.
Từ năm Gia Long thứ ba
(1804), trấn lỵ Nghệ An chính thức dời ra Vĩnh Yên (Vinh). Đời Minh Mệnh, Hoa
kiều ở Phù Thạch được lệnh chuyển ra tỉnh Nghệ. Người các họ Quan, Quách, Đàm
chuyển hết ra đợt đầu, dựng đền Quan Thánh ở phía Nam thành vào năm Đinh Dậu (1837).
Người chín họ khác thì một phần chuyển ra tỉnh Nghệ (Vinh), khoảng một nửa vẫn
ở lại Phù Thạch tiếp tục buôn bán, làm bánh, làm miến... hoặc chuyển nghề khác.
Có những gia đình trở thành giàu có như Thái Trọng Thân, Ngô Cần... Triện làng
Minh Hương đến năm 1937 vẫn còn, nhưng số dân chỉ còn vài ba chục hộ, hòa nhập
vào làng Vĩnh Đại...
Vào đầu thập kỷ thứ
hai của Thế kỷ XX, dưới thời thuộc Pháp, đường thuộc địa số 8 Vinh Na-pê (Lào)
đi qua Chợ Tràng sang Phù Thạch, Vĩnh Đại lên Yên Hồ, Linh Cảm, phố Phù Thạch
tuy không được như xưa, vẫn trên quan dưới thuyền vui vẻ. Nhưng hơn nửa Thế kỷ
nay, đoạn đường này bị bãi bỏ. Vĩnh Đại - Phù Thạch không còn nằm trên trục
đường giao thông quan trọng, trở thành vùng nông thôn hẻo lánh.
Qua hai cuộc kháng
chiến, ngôi chùa Gành cổ kính cùng hai ngôi đền Quán Thánh và Thiên Hậu của
người Hoa đều bị tàn phá, rồi bị dỡ đi. Hiện nay, đoạn sông Lam qua đây đã bị
lấp. Trước bến Phù Thạch xưa, chỉ còn một con lạch nhỏ, bên kia là bãi cát bồi,
cây cối xanh tốt. Bờ sông Lam đã chuyển ra phía ngoài bãi, cách bến cũ hàng nửa
cây số. Dấu vết còn lại là những mỏm “đá nổi”, nền chùa Gành, và mé Bắc bên kia
con sông nhỏ là “ụ tàu”, tương truyền là nơi chiếc tàu buôn nước ngoài chìm, bị
lấp ở đây. Còn từ nền đền Thiên Hậu trở lên Bến Trùm – “Phố cổ”, thì nay là xóm
cư dân đông đúc, cửa làng Vĩnh Đại cũ (xã Đức Vĩnh).
Nhưng “Phố cổ Phù
Thạch” – một đô thị ven sông Lam xuất hiện đồng thời với Đà Nẵng - từng có một
lịch sử ngót 150 năm, thì vẫn không phai mờ trong ký ức của nhân dân và được
ghi chép trong sử sách."
" Phù Thạch thuộc đất làng Vĩnh Đại, huyện La Sơn (nay là xã Đức Vịnh, Đức Thọ), ở bờ Nam sông Lam, đối diện với chợ Tràng, xã Triều Khẩu, phía dưới Lam Thành (nay thuộc huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An ở bờ Bắc). Mé sông có tảng đá lớn, lúc thủy triều xuống thì nổi lên mặt nước nên có tên Phù Thạch.
Sách Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch (1757-1828) chép: “Chỗ sông Minh chảy vào có đá nổi, bên đông đá có đò, gọi là bến đò Phù Thạch. Trên bến đò có phố buôn của khách trú. Nhà cửa san sát, thuyền bè tấp nập”. Sách Đại Nam nhất thống chí cũng chép: “Đến đây có sông Phù Thạch, phía Đông có bến đò là chỗ cư trú của khách buôn phương Bắc, nhà cửa, thuyền bè tấp nập gọi là phố Phù Thạch”.
Thế kỷ thứ XIII, XIV, đời Trần, Phù Thạch đã là một thắng địa có tiếng ở Xứ Nghệ. Hoàng Giáp Nguyễn Trung Ngạn miêu tả trong bài thơ: Qua đò Phù Thạch: “Triều lên triều xuống dòng xuôi ngược,
Mây hợp, mây tan núi nổi chìm.
Nốc cá nhấp nhoi làn sóng tỏa,
Chùa sư thấp tháng bức đồ in”.
Nguyễn Huy Hổ (1783-1841) thì viết, trong Mai đình mộng ký:
“Phồn hoa nổi tiếng thị thành,
Nay Phù Thạch phố là danh lịch triều”.
Trên phố, dưới sông, bến Phù Thạch luôn tấp nập tàu thuyền ra vào buôn bán. Nhiều thuyền buôn nước ngoài theo con đường tơ lụa tới đây đổ hàng, cất hàng. Ở Hoa Viên, Phục Lễ (Triều Khẩu) có phố người Nhật, có chợ Tràng buôn bán đủ các mặt hàng Xứ Nghệ, của Đàng Trong, Đàng Ngoài, của nước ngoài như thuốc bắc, lụa, gấm tàu, bút mực, sách tàu, cúc mã não, chè ô long, sâm cao ly, gốm Itxlam, Ấn Độ, Trung Quốc.
Từ năm Gia Long thứ 3 (1804), trấn lỵ Nghệ An chính thức dời ra Vĩnh Yên (Vinh), người Hoa chuyển ra tỉnh Nghệ. Tiếp đó, bờ sông Lam bị xói lở, một phần đất phố Khách bị đổ xuống sông. Những ngôi chùa “thấp thoáng, bóng trúc che (thơ - Bùi Huy Bích) cũng không còn. Thương cảng Cửa Hội và phố Phù Thạch có lịch sử 150 năm chỉ còn trong ký ức của nhiều người. Nó là bóng dáng một thời vàng son của thương nghiệp giao lưu quốc tế trên đất Hà Tĩnh hàng trăm năm trước." ( Đức Ban).
3/MỘT VÀI NÉT VỀ LỊCH SỬ CHÙA GHỀNH.
Từ đời Trần, chùa Ân
Quang (chùa Ghềnh) đã là một danh lam xứ Nghệ, được cả nước biết đến. Du khách
thường qua lại, viếng thăm và nhiều tao nhân mộ khách đã để lại nhiều tác phẩm
thơ ca nổi tiếng như nhà thờ Phạm Ngộ (nguyên tên Chúc Kiên, người Hương Kính
Chủ, nay thuộc Hải Dương)làm quan dưới triều Trần Minh Tông (1314-1329), trong
bài thơ làm khi ngồi thuyền đi chơi Phù Thạch cho biết tiên tổ của ông từng tu
hành ở đây và lúc nhỏ ông cũng đã theo cha đến đây:
Năm nay Phù Thạch giong đò
Non sông như cũ đầu phơ bạc rồi
Còn đâu năm tháng mảng vui
Khói mây ngàn dặm chơi vơi tức lòng
Cuộc chơi duyên nợ đèo bồng
Ngày nào trở lại đường phong bụi trần
Tựa ngồi thoáng chuyện trăm năm
Cánh buồm xa vút theo tầm cánh chim
(Trích bản dịch của
Thanh Minh)
Cùng thời nhà thơ Phạm Ngộ - Hoàng giáp Nguyễn
Trung Ngạn (1289-1368) người lộ Khoái Châu (nay thuộc Hưng Yên) từng qua Phù
Thạch cũng có bài thơ nhắc đến chùa Gành “Chùa sư thấp thoáng bức tranh in”.
Thời Lê Sơ, sự kiện
lịch sử đất nước liên quan đến vùng đất này được sử sách, bi ký ghi chép là
việc Vua Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành qua đây năm 1470-1471. Trên đoạn đường
nhà Vua đi qua bến Phù Thạch, Vua có làm bài thơ Quá Phù Thạch độ (Qua bến Phù
Thạch). Dưới đây là bài thứ nhất, Thái Kim Đỉnh phỏng dịch:
“Sóng lạnh, triều xô ra biển xa
Nhấp nhô gành đá, ánh dương tà.
Đầu non, mũ trắng, chùm mây vấn.
Đáy nước, the hồng, sợi ráng sa.
Lửa đã bốc theo vừng nhật đó,
Rồng còn luyến mãi vực sâu a?
Sửa văn, xếp võ, nay là lúc.
Ban bố đức âm khắp mọi nhà”.
(Trích địa chí Đức
Thọ, xuất bản năm 2004- trang178)
Đời Lê Nguyễn, phố Phù Thạch càng đông vui thì
chùa Ghềnh càng nhiều người viếng. Năm 1777, Hoàng giáp Bùi Huy Bích
(1744-1818) vào làm đốc đồng Nghệ An đã làm bài thơ về phố Phù Thạch, có câu:
Lô nhô phố khách hương trà ngát
Thấp thoáng nhà chùa bóng trúc che
Và Phu Tử đất La Sơn Nguyễn Thiếp là khách quen của nhà chùa, chẳng những đi về luôn
mà “Ba năm làm quan nhỏ; Mấy lần trọ chùa này”. Về sau, ông lại “Gặp ông chài
già ở Phù Thạch” và tỏ rõ vị trí của
ngôi chùa:
Bên trái chùa Ân Quang là phố khách
Bên phải chùa Ân Quang là bến đò sông Lam
Đến Thế kỷ thứ XVII
chùa đã được sữa chữa nhiều lần. Lần trùng tu cuối cùng vào năm Giáp Tý đời Tự
Đức (năm 1864), người ta đúc thêm 1 quả chuông đồng nặng 51kg và tậu sắm thêm
nhiều tự khí.
Trên bảy Thế kỷ chùa Ân Quang (chùa Ghềnh)
vẫn được bảo vệ, được tôn tạo ngày càng to lớn hơn. Nhân dân xã Đức Vĩnh nói
chung, nhân dân thôn Vĩnh Đại nói riêng luôn luôn tự hào về thiền viện này:
Ai vô Hà Tĩnh coi voi,
Ai về Phù Thạch mà coi chùa Ghềnh." (St).
4/ PHONG THỦY YÊN HỒ - ĐỨC THỌ - HÀ TĨNH.
Yên Hồ là một xã thuộc
huyện Đức Thọ, Tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam.
“Xã Yên Hồ đời Trần
gọi là Bà Hồ, sang đời Lê gọi là Bình Hồ. Tên Yên Hồ có từ đời Tây Sơn khi
Quang Trung lên ngôi (1789) để tránh tên húy của Người, nên đổi Bình Hồ thành
Yên Hồ. Xưa xã Yên Hồ có 9 thôn: Diên
Hoà, Tiền Tiến, Trung Hậu, Quy Vượng, Tiến Lộc,, Phúc Thọ, Trung Thượng Đình,
Nam Hồng và Văn Minh.
Xã Yên Hồ: Bắc giáp xã Đức Vịnh ngăn cách
bởi con sông La ; Đông giáp các xã Đức Thuận và Trung Lương bởi con sông Minh, Nam
giáp các xã Đức Nhân, Đức Thịnh, Đức Thuỷ; Tây giáp các xã Đức La, Đức Quang.
Diện tích tự nhiên: 703,36 ha, có dân số: 5.250 người.
Một thầy địa lí người Trung Quốc cho rằng
Yên Hồ có thế đất Điểu linh (Con chim linh thiêng) hai cánh là hai làng Nội
Diên và Yên Phúc, Diên Vượng là cái đầu đang uống nước sông La. Con sông La
trong xanh vòng quanh nối với sông Minh thơ mộng, ôm hai làng Nội Diên và Yên
Phúc phía trong, cùng xóm Đồng Dâu phía ngoài lại tạo nên thế chữ TÂM, đây là
cái thế bền vững muôn đời.
Đất đai do phù sa hai con sông này bồi đắp
nên nông nghiệp Yên Hồ ngày càng phát triển, làng xóm trù phú, cuộc sống nhân
dân ngày càng ấm no hạnh phúc. Cùng với nghề nông, Yên Hồ xưa còn là làng rèn
lâu đời. Khác với làng nghề Trung Lương, thợ rèn Yên Hồ chủ yếu đi làm nghề ở
các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Nam Đàn, Yên Thành và một số địa phương khác.
Yên Hồ nổi tiếng về nghề dệt vải, trồng dâu, nuôi tằm. Do nghề nghiệp, con gái
Yên Hồ rất đẹp. Những câu “Muốn ăn xôi nếp độ chà - Muốn xem gái đẹp thì ra Yên
Hồ”, hoặc “ Trai Đông Thái, gái Yên Hồ”. Nhiều câu chuyện còn lưu truyền nói về
sự đoan trang, chung thuỷ, đảm đang của các cô gái Yên Hồ.
Ngoài tuyến đường sông La, sông Minh
Giang, ngày trước, Yên Hồ nằm trên trục đường số 8 (quốc lộ 8 A) - Con đường từ
Phù Thạch - Vịnh Đại lên Ngã tư Trổ, nay là tỉnh lộ 19. Đê La Giang, đường 8A,
tỉnh lộ 19 hiện được dự án nâng cấp của nhà nước đang thi công.
Yên Hồ là đất học.
Từ Thế kỷ XIV đã có Đào Tiêu đậu Trạng
nguyên năm Ất Hợi (1275) đời Trần Thánh Tông. Ông là người khai khoa cho đất Nam
Châu Hoan suốt 200 năm vắng bóng người đậu đại khoa kể từ khoa thi Tam trường
đầu tiên dưới triều vua Lý Nhân Tông ( 1075). Đoàn Xuân Lôi đậu Khôi nguyên năm
Giáp Tý (1384), đời Trần Phế Đế. Tiếp đến có Nguyễn Biểu đậu Thái học sinh vào
cuối thế kỷ XIV.( Nhà thờ đã được công nhận Di tích lịch sử Quốc gia 2001) Thời
Lê - Nguyễn, Yên Hồ lại có nhiều người đậu đại khoa Tiến sỹ như Nguyễn Tắc
Trung ( ? ) Phạm Nại (1427- ?), Tiến sỹ Nguyễn Phong (1559-?); Tiến sỹ Lê Đắc Toàn (1621- ?).
Thời tân học, Yên Hồ cũng có nhiều người đi
học sớm và nhiều người thành đạt, trong đó có các giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1908-
1996), Hoàng Xuân Nhị (1914- 1990), Hoàng Xuân Chinh, Võ Quý, Trần Văn Bính,
Trần Đức Thiệp, Trần Đức Lịch, Nguyễn Văn Đính, Hoàng Quốc Kỷ, Võ Thanh Sơn…là
những trí thức tiêu biểu.
Thế hệ đây con em trẻ Yên Hồ cũng nối tiếp
được truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước. Lãnh đạo trường ĐH Hà Tĩnh
cả HT và PHTđều là con em Yên Hồ. Trong 12 Bí thư Huyện uỷ của Hà Tĩnh hiện nay
có 2 con em quê Yên Hồ. Có nhiều em thi đại học 29 điểm trở lên như Trần Quốc
Minh, Lương Xuân Tiến. Em Nguyễn Thành Lợi liên tục đạt giải nhất môn toán
10,11 cấp Tỉnh. Em Trần Đức Khôi đạt giải toán qua mạng cấp Quốc gia và là thủ
khoa vào năng khiếu Tỉnh. Em Trần Minh Đức Huy chượng vàng giải toán bằng máy
tính miền Trung; Em Trần Như ý huy chương vàng cờ vua mở rộng miền Trung tại
Thừa Thiên Huế ( 2011). Em Bùi Thanh Phong giải Nhất sinh viên thanh lịch ĐH
khoa học tự nhiên. Em Võ Quang Phát ( ĐH điện lực) giải nhất Rung chuông vàng
chung kết Sinh viên toàn Quốc...
Yên Hồ là xã thanh toán nạn mù chữ sớm và
các ngành học, cấp học đều phát triển. Năm 1949, trường Trung học Liên Việt mở
tại Yên Hồ, sau này trường cấp 2 Yên Hồ, THCS Nguyễn Biểu. Toàn xã Yên Hồ hiện
có trên 70 Giáo sư, phó Giáo sư, Tiến sỹ, Thạc sỹ; nhiều nhiều người là nhà
lãnh đạo, doanh nhân, nhà khoa học có tên tuổi. Trường THCS Nguyễn Biểu vừa kỉ
niệm 60 năm ngày thành lập (1949-2009) và đón nhận Huân chương lao động hạng Ba
của Chủ tịch nước.
Yên Hồ đất lành chim đậu.
Một thời Bình Hồ ( 1409-1413) là Thủ đô
kháng chiến thời Hậu Trần, phủ lị Đức Thọ (1865) đóng tại đây. Những năm 1949
cơ quan cấp tỉnh trú tại đây một thời gian.Rồi trường Liên Việt Hà Tĩnh ra đời
(1949) trong chiến tranh các đơn vị bộ đội, kho vũ khí, hậu cần, trạm trung
chuyển, kho nông sản, đơn vị xăng dầu đều đóng nơi đây. Đại hội điểm Yên Hồ là
1 trong 11 xã được TW chọn tổ chức đại hội trên toàn quốc. Yên Hồ cũng là 1/5
xã được chỉ định xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 của Huyện Đức Thọ.
Gia đình Tổng bí thư Lê Duẩn chọn Yên Hồ là
chổ thông gia, nguyên Tổng thanh tra Nguyễn Kì Cẩm và nhiều nhà khoa học, trí
thức chọn đất Yên Hồ làm con rể.
Nhiều người con quê hương Yên Hồ qua bao năm
công tác xa quê nay thiết tha muốn về quê để an dưỡng những ngày cuối đời, để
sống với biết bao kỉ niệm một thời.
Nhà thờ Nguyễn Biểu đã
được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia 1991.
( Hiện đã được đại trùng tu sắp khánh
thành với kinh phí 7,6 tỉ VND).
Nhà thờ Đào Tiêu đã
được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh 2007.
Nhà thờ họ Hoàng Xuân
đã được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh 2011.
Nhà thờ Tiến sỹ Phạm
Nại được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh 2011.
Nhà thờ TS Lê Đắc Toàn
được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh 2010.
Yên Hồ là vùng đất lịch sử.
Yên Hồ từng là nơi vua Trùng Quang lên ngôi
xây dựng căn cứ Bình Hồ để chống giặc Minh xâm lược, tính đến nay là 600 năm
(1409-2009). Ngoài đền, chùa ở đây còn có nhiều dấu tích về cuộc kháng chiến
của Vua Trùng Quang đời Hậu Trần với luỹ đất, các dấu tích địa danh như: Làng
Dài, Cồn Án, Bến Xưỏng, Cồn Kho, Dăm Đồng Ràng, dăm Sát, ghi dấu một thời bi
hùng của dân tộc. Các nhà khoa học cần
tiến hành nghiên cứu, tìm hiểu về một thời nơi đây chính là Thủ đô kháng chiến
của thời Hậu Trần.
Các tên gọi, di chỉ như: Đăm Đục, Cồn
Trong; Dăm Lành, Dăm Ác; Dăm Bút, Đài Nghiên, cùng với sự tích Ruộng tiền đò …
là biểu tượng cho tinh thần hiếu học và sống có nghĩa tình của người dân Yên
Hồ.
(
Trần Quốc Thường - biên soạn) @yenhoductho
“Xưa kia, làng Yên Hồ nổi tiếng trong tổng, trong huyện với 2
biểu tượng Dăm Bút và Dăm Nghiên. Mặc dù ngày nay không còn nữa nhưng theo sử
sách chép lại thì Dăm Bút dài 90m, hai đầu nhọn hình bút lông, ở giữa phình ra
rộng 6m, phía trước Dăm Bút là Dăm Nghiên hình lòng chảo, mỗi khi trời mưa,
nước đọng ở giữa, trông như cái nghiên mực. Đây chính là biểu tượng cho tinh
thần hiếu học của người dân Yên Hồ, nơi học hành, thi cử đỗ đạt bậc nhất châu
Hoan xưa.
Kể từ đời nhà Trần, việc học
hành ở La Sơn bắt đầu khởi sắc, Yên Hồ với truyền thống học hành cũng có nhiều
người đỗ đạt. Đời Trần Thánh Tông có Đào Tiêu đậu Trạng nguyên năm Ất Hợi
(1275), đời Trần Phế Đế có Đoàn Xuân Lôi đậu Khôi nguyên năm Giáp Tý (1384).
Tiếp đến có Nguyễn Biểu đậu Thái học sinh vào cuối Thế kỷ XIV. Thời Lê -
Nguyễn, Yên Hồ lại có nhiều người đậu đại khoa Tiến sỹ như Nguyễn Tắc Trung,
Phạm Nại, Tiến sỹ Nguyễn Phong, Nguyễn Doãn Huy, Lê Đắc Toàn… Thời tân học, Yên
Hồ cũng có nhiều người đi học sớm và nhiều người thành đạt, trong đó, có các
giáo sư: Hoàng Xuân Hãn (1908-1996), Hoàng Xuân Nhị (1914-1990), Hoàng Xuân
Chinh, Võ Quý, Trần Văn Bính, Trần Đức Thiệp, Trần Đức Lịch, Nguyễn Văn Đính,
Hoàng Quốc Kỷ, Võ Thanh Sơn… là những trí thức tiêu biểu. Thế hệ trẻ Yên Hồ
cũng tiếp nối truyền thống cha anh đi trước với những thành tích đáng nể: trên
80 giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ... qua các thời kỳ.
Làm rạng danh quê hương Yên Hồ
nhất trong lịch sử phải kể đến Nghĩa vương Nguyễn Biểu. Nguyễn Biểu quê ở làng
Bình Hồ, đỗ Thái học sinh (Tiến sỹ) thời Trần, phò vua Trần Trùng Quang chống
giặc Minh, từng làm quan Điện tiền Thái Sử (Ngự sử ). Ông là người cương trực,
gặp việc không ngại can gián. Trong tình thế đất nước nguy cấp, vì việc nước,
ông lĩnh mệnh vua đi sứ sang đại bản doanh của quân Minh do Trương Phụ chỉ huy
để thực hiện kế cầu phong. Biết vào nơi hang hùm, nọc rắn, đi dễ khó về, nhưng
ông không từ nan.
Để uy hiếp ông, Tướng Trương Phụ
bày “bữa tiệc đầu người” nhưng ông không hề run sợ mà bình tĩnh ngồi vào bàn
móc đôi mắt ăn. Thu phục không được, chúng bèn ra tay sát hại ông. Sau khi ông
mất, nhà sư chùa Yên Quốc có làm bài cầu siêu, vua Trần Trùng Quang làm bài văn
dụ để tỏ lòng thương tiếc người sứ thần anh dũng không làm nhục quân mệnh và
biết làm rạng danh Quốc thể. Nhân dân lập miếu thờ, suy tôn ông là Nghĩa vương.
Các triều đại sau cũng đều truy phong ông làm Phúc Thần. Vua Lê Thái Tổ sau khi
chiến thắng quân Minh đã cho lập đền thờ ông ở Nội Diên, phong là Nghĩa Liệt
Hiển ứng Uy linh Trợ thuận đại vương (tức Nghĩa sỹ Đại Vương). Năm 2001, đền
được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2011, được đầu tư
7,5 tỷ đồng trùng tu, tôn tạo nhiều hạng mục, công trình. Đến nay, đền thờ
Nguyễn Biểu là một công trình kiến trúc độc đáo của xã Yên Hồ và cứ đến ngày
1/7 âm lịch hàng năm, chính quyền, ngành văn hóa, dòng tộc và nhân dân làm lễ
tưởng niệm, rước kiệu.( Anh Hoài).
Đền thờ
Nguyễn Biểu - công trình kiến trúc độc đáo tưởng nhớ công ơn người anh hùng cứu
nước, một trong những địa chỉ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Tại đây có một dòng họ
nổi danh nhiều đời. Đó là họ Hoàng tại Bình Lỗ.
5/ HỌ HOÀNG BÌNH LỖ - YÊN HỒ - ĐỨC THỌ - HÀ TĨNH.
" Bình Lỗ là tên đời Lê của đơn vị cư dân - hành
chính Ba Lỗ đời Trần, tục gọi Kẻ Trổ (Blỗ), kề với Bà Hồ - Bình Hồ, phía Đông Bắc huyện
Chi La La Giang - La Sơn Phủ Đức Giang. Đời Nguyễn, Bình Lỗ chia làm hai thôn
Yên Thọ, Nhân Thọ; Bình Lỗ đổi thành xã Yên Hồ, cũng có hai thôn, Nội Diên, Yên
Phúc, đều thuộc tổng Yên Hồ, Huyện La Sơn Phủ Đức Thọ, nay là các xã Đức Nhân
và Yên Hồ, Huyện Đức Thọ, Tỉnh Hà Tĩnh.
Theo “Bình Lỗ Hoàng
tộc phố” (Gia phố họ Hoàng Kẻ Trổ) - “Hoàng Xuân Hãn toát yếu” (bản chép tay)
thì vị tố đầu tiên Hoàng Viết Nghiêu từng dự Tú lâm cục vốn người Thanh Hoa và
là con trưởng gia đình, thấy đất Kẻ Trộ thuộc Chi La có thể đẹp nên đã chuyển
cư về đây vào cuối đời Trần (trước 1400).
Vị tổ đời thứ hai,
không chép tên, “là người khảng khái hiếu nghĩa, mắng thẳng quân Minh, lòng
muốn giữ nhà Trần” nên bị chúng giết hại. Con trai ông, tổ đời thứ ba, cũng
không chép tên, phải bỏ làng chạy vào núi trốn tránh cho đến lúc quân Minh bị
đánh đuổi khỏi đất nước ta. Có thể ông là lớp bày vai với nghĩa sĩ Nguyễn Biểu
(?-1413) ở xã Yên Hồ. Như vậy, từ nhiều đời, họ Hoàng đã là một dòng họ thư
hương.
Đời thứ tư có Hoàng Kỳ
Giang, đỗ Hương cống, thi Hội vào tam trường, Hoàng Trừng, tên tự Nhất Thanh,
hiệu Lỗ Hiên, tổ đời thứ năm, là cháu ngoại Thái học sinh Nguyễn Biểu. Ông học
giỏi nổi tiếng văn hay, ở Thăng Long có câu truyền “Bánh dẻo như văn Hoàng
Trừng”. Khoa Kỷ Mùi năm Cảnh Thống thứ 2 đời Lê Hiến Tông (1499), ông đỗ Nhị
giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp), làm quan đến Đông các, Lễ bộ Tả thị lang, rồi xin về
nghỉ ở quê nhà, phụng dưỡng mẹ già. Là một người có văn tài, nhưng nay tác phẩm của ông chỉ còn hai bài thơ
“Đề Nghĩa sĩ từ đường”, “Trí thức thứ thuật ý, tăng hữu nhân” chép trong sách
“Hoàng Việt thi tuyển” (Hoàng giáp Bùi Huy Bích biên soạn) và “Nghĩa sĩ truyện”
(Truyện Nghĩa sĩ Nguyễn Biểu), một bài văn có giá trị lịch sử cao, mà những bài
viết về Nguyễn Biểu sau đó đều lấy làm tài liệu gốc.
Họ Hoàng chỉ có Hoàng Trừng đỗ đại khoa nhưng rất nhiều người đỗ Hương khoa. Ngoài Hoàng Kỳ Giang (đời thứ 4) đã nói trên, còn có Hoàng Hậu Đức (đời thứ 9) đỗ đầu thi Hương, trung tam trường thi Hội nhiều lần, làm quan phủ chúa Trịnh, “tiến kế hoạch lạ tuyệt nên được ban ơn cực hậu”. Hoàng Thủy Hạo (đời thứ 10) đỗ Tam trường thi Hội lại đỗ khoa Hoành từ. Hoàng Dư Dụ tức Hoành Dệt (đời thứ 11) cũng đỗ tam trường thi Hội rồi đỗ khoa Hoành từ, làm Tri huyện Thanh Giang (Thanh Chương, Nghệ An). Tính tình phóng khoáng, ông từ quan về ẩn tại làng Bào Khê, huyện Thiên Lộc (sau là làng Gia Hanh, nay là xã Nhân Lộc, huyện Can Lộc) mở trại ở núi Canh Sơn, “dạy học trò có trăm người, nhiều người thành tựu” (“La Sơn phu tử” - NXB Minh Tân, Paris). Ông hay chữ, “sách gì cũng đọc, thuật gì cũng hay” (SĐD). Lúc thi Hoành từ, có bài phú “Hoa điểu tranh kỳ” nổi tiếng, được lấy đỗ đầu. Lúc về ở ẩn lại có bài phú “Sơn cư tự tự” hay “Tịch cư ninh thể”. Tiếc rằng tác phẩm của ông đều thất truyền. Về sau, khoảng năm Ất Sửu (1745) La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp qua sơn trại của ông có bài thơ hoài cảm với câu kết:
“Khả liên Thành viên kinh tàn hậu,
Đa thiểu tài hoa lão cức trường”
(Thương thay, sau khi Thánh khuất, sách
tàn,
Bao bậc tài hoa chết già trong đám gai gốc).
Ngoài ra còn có Hoàng Nhân Xuyên (đời thứ 10), Hoàng Viết Thụy (đời thứ 12)
đỗ thi hương, và Hoàng Minh Động (đời thứ 11) thi hương vào tâm trường.
Đời Nguyễn, họ Hoàng có hai người đỗ cử nhân: “Hoàng Xuân Phong (Đời thứ
16) đỗ khoa Mậu ngọ, năm Tự Đức thứ 11 (1858) làm Tri phủ Kiến Thụy, thắng Án
sát rồi Tuần phủ”.
Hoàng Xuân Viên (các sách đều phiên là Hoàng Xuân Quyên) đỗ khoa Ất Mão,
năm Duy Tân thứ 9 (1915) tại trường Bình Định, lúc 22 tuổi, bổ Bát phẩm ở Nghệ
An, thăng đến Bố chánh. Sau cách mạng tháng tám 1945, ông tham gia kháng chiến,
được cử làm ủy viên UBHC huyện Đức Thọ, Ủy viên UBHC tỉnh Hà Tĩnh.
Bên những nhà khoa bảng, dưới triều Lê-Trịnh, họ Hoàng còn có nhiều võ
tướng. Người mở đầu võ nghiệp là Hoàng Xuân Phái (đời thứ 7). Ông ứng nghĩa đầu
quân, theo Nguyễn Kim phò Lê Trang Tông đánh nhà Mạc.
Con trai thứ hai ông Phái là Hoàng Thiên Phúc có tài bắn giỏi, được
phong Thụ quốc thượng tướng quân. Con trai Thiện Phúc là Hoàng Hậu Đức, theo
nghiệp văn, làm quan phủ chúa Trịnh, sau sang võ ban, được cử giữ chức Tổng
binh thiêm sự ở ty Đô tổng binh Nghệ An.
Làm thuốc và dạy học cũng là những nghề mà họ Hoàng có nhiều người giỏi.
Hoàng Nhân Xuyên, làm Huấn đạo, xin từ chức về hầu mẹ già, làm thuốc. Ông còn
thích cả nghề phù thủy, âm nhạc. Nhà giáo nổi tiếng có Hoàng Dư Du, tức Hoàng Dật
(đời thứ 11). Đời thứ 11 còn có Hoàng Minh Động, nhiều lần trung tam trường thi
hương, chuyên làm thuốc. Con trai ông, Hoàng Viết Thụy, đỗ thi hương, ở nhà dạy
học và làm thuốc, nổi tiếng trong vùng. Hoàng Tiến hiệu Khoan Nha (đời thứ 13,
chi C) học nho, làm Huyện thặng (thường gọi Huyền thừa) cũng xin nghỉ và làm
thuốc, Đời thứ 18 còn có Cử nhân Hoàng Xuân Viên, lúc về hưu, trở thành thầy
thuốc có tiếng ở Thành phố Vinh,
Trên đây là những con người tiêu biểu của họ Hoàng từ khởi thủy đến cuối
đời Hán học (TK XV - đầu TK XX).
Cuối Thế kỷ XIX và đầu Thế kỷ XX thời Hán học chỉ Yên Hồ có hai Cử nhân
(Hoàng Xuân Phong, Hoàng Xuân Viên) và một tú tài (Hoàng Xuân Úc).
Từ thế hệ thứ XVIII trở xuống, chuyển sang Tây học, tân học, chi họ này càng nhiều người thành đạt, có nhiều người nổi tiếng trong, ngoài nước. Đặc biệt, phần lớn trí thức trong chi họ này đều là nhà khoa học: Về y học, hóa học có GSTS y khoa Hoàng Xuân Mãn, giám đốc chuyên môn bệnh viện nhãn khoa hàng đầu của Pháp ở Paris. Ông cũng là Chủ tịch đầu tiên của Hội Việt kiều ở Pháp (1946). Các lớp sau có nhiều giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ khác. Về văn hóa, giáo dục có: GS. Hoàng Xuân Nhị (1914-1990) tốt nghiệp Đại học Sorbonne và khoa Trung Văn, Viện ngôn ngữ và văn minh phương Đông, Paris, về nước năm 1946, làm Giám đốc Viện Văn hóa kháng chiến và Sở Giáo dục Nam bộ, Ủy viên UBKC - HC Nam bộ; sau 1954 dạy tại Trường Đại học tổng hợp Hà Nội. Ông để lại nhiều công trình nghiên cứu, biên soạn về văn học cổ kim Việt Nam, lịch sử văn học Nga, Liên Xô và nhiều giáo trình văn học); PGS Hoàng Xuân Chinh (Tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội, và khoa Khảo cổ học Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, làm Phó Viện trưởng rồi quyền Viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam, có nhiều công trình nghiên cứu khảo cổ học) vv... Và tiêu biểu nhất là nhà bác học, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1908-1996). Du học Pháp, học ở các Trường Lớn (Grandes Ecoles), ông đỗ kỹ sự cầu cống và Thạc sĩ toán học. Năm 1936 ông về nước, dạy Toán học ở Trường Bưởi và dạy Cơ học tại Đại học khoa học Hà Nội; năm 1945 tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim, làm Bộ trưởng Giáo dục - Mỹ thuật; năm 1946 là thành viên của Chính phủ VNDCCH, tham dự hội nghị Đà Lạt. Năm 1951, ông trở sang Pháp học tiếp và lại tốt nghiệp kỹ sư năng lượng nguyên tử tại Học viện Quốc gia khoa học và kỹ thuật hạt nhân Pháp rồi định cư ở đây cho đến lúc mất. Bà Hoàng Xuân Hãn, nhũ danh Nguyễn Thị Bính, tốt nghiệp dược sĩ ở Pháp về mở hiệu thuốc ở phố Tràng Tiền, là nơi đi lại của cán bộ kháng chiến. Là Nhà giáo dục, nhà văn hóa lớn, Hoàng Xuân Hãn để lại một khối lượng công trình nghiên cứu đồ sộ, trong đó có bộ “Danh từ khoa học” (bắt đầu soạn từ khi còn học ở Pháp, xuất bản 1942), “Lý Thường Kiệt” (1949), “La Sơn phu tử” (1952), “Chinh phụ ngâm bị khảo” (1953-1955), “Lịch Đà Lịch Việt Nam”... và rất nhiều công trình khảo cứu khoa học, lịch sử, văn học khác. “Phương pháp mới dạy chữ Quốc ngữ” (lúc tham gia Hội truyền bá Quốc ngữ - 1936-1939) và “Chương trình Trung học” (lúc làm Bộ trưởng GD-MT, 1945) cũng như “Danh từ khoa học”, là những sáng tạo mà lịch sử Văn hóa - Giáo dục nước nhà phải ghi nhận. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn được Nhà nước Việt Nam tặng Huân chương Độc lập." ( Theo cuốn Hà Tĩnh đất văn vật Hồng Lam - Thái Kim Đỉnh ).
Xin theo dõi tiếp BÀI 12. Thân ái, dienbatn.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét