GIẢI MÃ NHỮNG BÍ ẨN VỀ KINH THÀNH HUẾ
VÀ LĂNG MỘ CÁC VUA NGUYỄN. BÀI 27.
SAI LẦM CỦA DIENBATN KHI TÍNH THEO THỦY
PHÁP LĂNG THIÊN THỌ CỦA VUA GIA LONG. BÀI 2.
4/ SẮP XẾP VÀ PHÂN TÍCH TÀI LIỆU. ( Tài liệu rất nhiều , dienbatn đã lược bớt )
Trước hết ta
phải khẳng định , người chọn địa điểm xây dựng Lăng mộ Gia Long, Phân kim , Điểm
hướng và là người trong suốt thời gian xây dựng lăng đã sâu sát chỉ đạo thực hiện
chính là vua Gia Long chứ không phải nhà Địa lý Phong thủy nào khác. Qua đó ta thấy được sự hiểu biết và
quyết đoán của Vua Gia Long mạnh mẽ biết nhường nào.( dienbatn sẽ phân tích về
thiên tài về Địa lý Phong thủy của vua Gia Long trong bài sau ).
Cũng vì quá
sâu sắc với công trình xây cất "ngôi nhà vĩnh cửu" của mình mà có lần
suýt nữa, Gia Long đã thiệt mạng trong một tai nạn ở công trường. Một trận gió
làm sập ngôi nhà mà Vua đang trú ngụ, vua Gia Long tuy đã ẩn trong một cái hố
nhưng vẫn bị thương ở trán, mí mắt và bị dập chân do một thanh xà rơi trúng.
Hai Hoàng tử thứ bảy và thứ tám là Tấn và Phổ bị trọng thương, nhiều người khác
bị chết. Gia Long không trừng phạt các quan lại thi công, ngược lại đã cấp thuốc
men để chạy chữa cho họ, cấp phát 500 quan tiền và 500 tiêu chuẩn gạo cho dân
làng Định Môn, gần nơi xây dựng lăng.
· - “
Giáp tý, Gia Long năm thứ 3 [1804], Định điều lệ hương đảng cho các xã dân ở Bắc
Hà. Chiếu rằng :….” Tế táng điếu phúng, hết thảy theo như Gia lễ của Chu Văn
Công, khiến kẻ giàu biết có phận hạn, không quá xa hoa, kẻ nghèo tùy lực có
không, không gắng theo tục ; còn cỗ bàn ăn uống nhiều ít thì tùy ở nhà tang,
không được vin lệ đòi hỏi. Đến như chọn đất chôn cất là việc quan trọng trong sự
báo hiếu của người làm con, làm bền quan quách, để ấm đất đai, là trước sau đều
cẩn thận, mồ mả cho yên người chết, há nên coi thường ? Nhưng chẳng qua chọn lấy
nơi cao ráo, lánh năm mối lo là những nơi đầu non, đuôi nước, chùa miếu, binh lửa,
thị thành, để được yên tĩnh cho yên lòng người làm con thôi. Gần đây có kẻ tính
việc kết phát, nhẹ dạ nghe lời thầy địa lý, sáng chôn chiều bới, di cải không
thường, tấm lòng thương xót không còn gì nữa. Chẳng nghĩ tới đạo làm người duy
trung với hiếu, mà phận sự của người con trai đều nên yên nghiệp để định chí,
giàu khó sang hèn đều do trời định, người ta không thể cưỡng được. Thử xem các
thầy địa lý có học thuật gì mà sự ăn mặc trong nhà cũng vẫn thiếu thốn. Tức là Quách Phác(1. Quách Phác
: Người đời Tấn, là tổ địa lý và bói
toán ; bấy giờ có Vương Đôn sắp làm loạn, gọi Quách Phác đến để bói, Quách Phác
nói : “Minh công làm việc ấy họa không xa đâu”. Vương Đôn hỏi : “Số mệnh nhà
ngươi thế nào?”. Đáp : “Số tôi chết ngày nay”. Quả nhiên đến nửa ngày, Vương
Đôn đem chém Quách Phác.
1) mà bị
hình thương, Quỷ Linh
(2. Quỷ Linh
: Có lẽ cũng là thầy địa lý, nhưng chưa biết rõ sự tích.
2) mà bị chết
yểu, thì các phép thu sa nạp thủy(3. Thu sa nạp thủy : Phép địa lý lấy gò đất ở
bên tả, bên hữu làm thu sa, lấy dòng nước chảy lại gọi là nạp thủy.
3) lại có ích gì ? Huống chi lại lấy lòng bất
hiếu mà mưu cầu cái Phước không đâu, trong hạn ba năm, Phước còn chưa đến, nghĩ
ác một chút, vạ đã theo liền. Thói tệ ấy cần phải răn đổi. Từ nay về sau nhà
dân như có chôn, thì chỗ đất để mồ không cần phải tìm long mạch để cấu kết
phát. Như có gặp phải năm điều lo đó thì trước làm đơn trình quan sở tại, xét
đúng, mới cho cải táng. Lại gần đây nhiều người đặt ra câu sấm, tạo ra lời phao
để cổ hoặc dân ngu, bàn nhảm lành dữ, đến nỗi có kẻ bỏ cả nghề nghiệp sinh sống,
mưu toan những việc trái phép rồi mắc họa. Nay nên nghiêm cấm, phàm có kẻ truyền
đọc sách sấm và soạn bậy câu vè thì phải tội nặng.”( Đại Nam thực lục – Tập 1).
· - “Nhâm
thân, Gia Long năm thứ 11 [1812]. Ngày Tân mão, xây lăng ở Định Môn. (ở phía tả
bảo thành dựng tẩm điện, nhà chính và nhà trước đều một; ở tả hữu phối điện đều
một; một nghi môn đằng trước: chu vi xây tường gạch; các núi trồng thông khắp).
Sai Sơn lăng sứ là Tống Phước Lương và Lê Quang Định trông coi công việc, Trần
Quang Thái làm Giám tu, thưởng cho các quân 3.000 quan tiền. Vua nhiều lần đến
xem. Gặp một hôm gió tây hơi mạnh, trên lăng có chiếc nhà tranh đổ, vua lánh xuống
chỗ lõm, bị thương ở chân. Quan quân không ai là không sợ hãi tái mặt. Hoàng tư
và các đại thần tranh nhau dắt đỡ. Vua yên ủi nói: “Không can gì. Quan quân được
vô sự chứ? Hoàng bảy Tấn, hoàng tám Phổ, hoàng chín Chẩn đều bị thương nặng.
Quân nhân có người chết. Bầy tôi đều nói Quang Thái vâng làm sơ suất, xin trị tội
đại bất kính. Vua nói: “Đó là tình cờ thôi. Quang Thái làm thế nào với gió được?
Miễn tội cho”. Một lát vua cho vời những cụ già ở Định Môn hỏi thăm đời sống của
dân, các cụ nói dân ít ruộng. Ra lệnh cho dân 500 quan tiền, 500 phương gạo, lại
sắc cho các quân không được đi riêng xuống làng. Có ai đau ốm thì quan cho thuốc
chữa.” .( Đại Nam thực lục
– Tập 1).
· - “Vua
đi thăm sơn lăng. Hoàng tư cùng các đại thần đều theo hầu. Đến khi đào huyệt,
thấy có đất ngũ sắc, lòng vua mừng lấy làm điềm tốt. Bầy tôi đều khen mừng, duy
Nguyễn Văn Thành không hưởng ứng. Vua hỏi vì sao? Thành vội thưa rằng: “Đất ấy
chưa đủ làm tốt. Mộ mẹ thần cũng có đất ngũ sắc, mà sắc coi còn tươi nhuần, có
thể tốt hơn đất này”. Vua lặng yên. Bầy tôi đều bất bình. Rồi Văn Thành lại
nói: “Gần đây xứ Châu Ê có một kiểu đất rất tốt”. Bọn đại thần Phạm Văn Nhân đều
nói: “Đã biết đấy có đất tốt, sao không tâu cho vua nghe?”. Văn Thành nói: “Đất
ấy tuy tốt nhưng không thể táng được, táng đấy hẳn bị sét đánh”. Vua nghe không
đẹp lòng. Hoàng tư quay bảo rằng: “Tây Sơn là bọn tiếm ngụy, tất gặp vạ sét
đánh, còn nay là đời thánh minh, được trời giúp đỡ. Đứng trước mặt vua, khanh
sao vội nói những câu như thế?”. Văn Thành tự biết mình nói sai rồi, xấu hổ sợ
hãi, lùi đi nơi khác.” ( dienbatn : Đây
cũng chính là những mầm mấm đầu tiên khiến Nguyễn Văn Thành thất sủng về sau
này ).( Đại Nam thực lục – Tập 1).
· - “
Giáp tuất, Gia Long năm thứ 13 [1814]. Ngày Quý sửu, dựng Thọ lăng ở Thụ Sơn xã
Định Môn. Trước đây, Đại hành hoàng hậu băng, vua cùng đại thần bàn muốn phỏng
theo lễ hợp lăng(1. Hợp lăng: Táng 2 ông bà vào một lăng, cũng gọi là song
táng 1) của người xưa, sai Tống Phước
Lương và Phạm Như Đăng lãnh chức Sơn lăng sứ, khiến cùng Lê Duy Thanh đi xem
các núi. Bảy lần bói, chỉ có núi Thụ Sơn là tốt. Vua đến xem đất ấy vượng khí
chung đúc, các núi quanh chầu bầy tôi đều cho là đất tốt vạn niên. Vua sai
hoàng tử thứ tư bói. Bói được quẻ Dự. Nguyễn Hữu Thận xem quẻ rồi nói: “Tốt lắm”.
Bèn lấy quân dân để làm lăng, mặt trước rộng 150 trượng, 3 mặt tả hữu hậu đều rộng
100 trượng. Bốn mặt thành chính đều dài hơn 10 trượng. Chỗ chính huyệt đặt 2
cái quách đá. Cửa trước xây bực đá. Mấy tháng làm xong, gọi tên là lăng Thiên
Thụ, phong cho núi là núi Thiên Thụ. (Bên tả là Thanh Sơn, bên hữu là Bạch Sơn,
trước mặt là Thủy Sơn, núi thứ nhất là Tiểu Thiên Thụ, núi thứ nhì, thứ ba, thứ
tư là núi Trung Thiên Thụ, núi thứ năm là Đại Thiên Thụ, thứ sáu là Diên Sơn,
thứ bảy là Bính Sơn, thứ tám là An Sơn, thứ chín là Hưng Sơn, thứ mười là Hòa
Sơn, thứ mười một là Xuân Sơn, thứ mười hai là Hoa Sơn, thứ mười ba là Cẩm Sơn,
thứ mười bốn là Bình Sơn, thứ mười lăm là Bảo Sơn, thứ mười sáu là Hùng Sơn, thứ
mười bảy là Chinh Trung Sơn, thứ mười tám là Trang Sơn, thứ mười chín là Hương
Sơn, thứ hai mươi là Nhân Sơn, thứ hăm mốt là Cận Nhân Sơn, thứ hăm hai là Tiểu
Tượng Sơn, thứ hăm ba là Cận Tượng Sơn, thứ hăm bốn là Quý Sơn, thứ hăm lăm là
Mậu Sơn, thứ hăm sáu là Thuận Sơn, thứ hăm bảy là Mỹ Sơn, thứ hăm tám là Đoài
Sơn, thứ hăm chín là Trần Sơn, thứ ba mươi là Kim Sơn, thứ băm mốt là Trinh
Sơn, thứ băm hai là Bích Sơn, thứ băm ba là Cận Bích Sơn, thứ băm tư là Tam Bút
Sơn; lại có Đại Tượng Sơn, ất Sơn, Thạch Bàn Sơn, Ngọc Đường Sơn, Thịnh Sơn, Kim
Sơn, Lẫm Sơn, Thành Sơn).Bên hữu lăng dựng tẩm điện gọi là điện Minh Thành. (Điện
này không sơn đỏ, gỗ mộc làm giản dị giống như có thể ngày mai làm xong cho nên
đặt tên như thế, cũng theo ý như miếu Cố Thành của nhà Hán). Những người ứng dịch
được hậu cấp tiền gạo, số thưởng thêm kể hàng nghìn. Có mở vào ruộng đất phần mộ
của dân thì đều trả tiền hậu. (Ruộng nhất đẳng 1 mẫu cấp 200 quan, nhị đẳng150
quan, tam đẳng 100 quan, mồ mả mỗi nấm cấp 3 quan). ( Đại Nam thực lục – Tập 1).
- Phần này dienbatn mạo muội dịch ra chữ Hán nôm để tiện
việc đọc bản đồ sau này : Bên tả là 青山 THANH SƠN, bên hữu là 白山 BẠCH SƠN, trước mặt là 水山 THỦY SƠN, núi thứ nhất là 小天陵 TIỂU THIÊN THỤ, núi thứ nhì, thứ ba, thứ tư
là núi 中天陵 TRUNG
THIÊN THỤ, núi thứ năm là 大天陵 ĐẠI THIÊN THỤ, thứ sáu là 衍山 DIÊN SƠN, thứ bảy là 丙山 BÍNH SƠN, thứ tám là 安山 AN SƠN, thứ chín là 興山 HƯNG SƠN, thứ mười là 和山 HÒA SƠN, thứ mười một là 春山 XUÂN SƠN, thứ mười hai là 花山 HOA SƠN, thứ mười ba là 錦山 CẨM SƠN, thứ mười bốn là 平山 BÌNH SƠN, thứ mười lăm là 寶山 BẢO SƠN, thứ mười sáu là 熊山 HÙNG SƠN, thứ mười bảy là 正中山 CHINH TRUNG SƠN, thứ mười
tám là 裝山 TRANG
SƠN, thứ mười chín là 香山 – HƯƠNG SƠN, thứ hai mươi là 人山 NHÂN SƠN, thứ hăm mốt là 近人山 CẬN NHÂN SƠN, thứ hăm hai là 小象山 TIỂU TƯỢNG SƠN, thứ hăm ba
là 近象山 CẬN
TƯỢNG SƠN, thứ hăm bốn là 癸山 QUÝ SƠN, thứ hăm lăm là 戊山 MẬU SƠN, thứ hăm sáu là 順山 THUẬN SƠN, thứ hăm bảy là 美山 MỸ SƠN, thứ hăm tám là 兑山 ĐOÀI SƠN, thứ hăm chín là 陳山 TRẦN SƠN, thứ ba mươi là 金山 KIM SƠN, thứ băm mốt là 貞山 TRINH SƠN, thứ băm hai là 壁山 BÍCH SƠN, thứ băm ba là近壁山 CẬN BÍCH SƠN, thứ băm tư
là 三筆山 TAM
BÚT SƠN; lại có 大象山 ĐẠI TƯỢNG SƠN, 乙山 ẤT SƠN, 磐石 山 THẠCH BÀN SƠN, 玉堂山 NGỌC ĐƯỜNG SƠN, 晟山 THỊNH SƠN, 金山 KIM SƠN, 廩山 LẪM SƠN, 城山 THÀNH SƠN.
· - “ Tháng 5, tiết Đoan dương, miễn chầu mừng
cho các quan.Định phẩm trật cho quan hộ lăng. Việc hộ lăng, trước đặt chức cai
đội, trật tòng ngũ phẩm, đội trưởng, trật tòng lục phẩm. Đến nay mới đặt chức
giám sơn lăng chánh phó sứ, chánh sứ trật tòng tam phẩm, phó sứ trật tòng tứ
phẩm, đội trưởng trật chánh ngũ phẩm, theo chánh phó sứ theo dõi các tôn lăng.
Sai Tôn Thất Thăng chọn bổ. Bèn lấy Tôn Thất Đạo làm Chánh sứ, Tôn Thất Thuận
làm Phó sứ, Tôn Thất Ngũ, Tôn Thất Quảng làm Cai đội, Tôn Thất Thịnh, Tôn Thất
Trinh, Tôn Thất Chử, Tôn Thất Thái, Tôn Thất Lộc, Tôn Thất Tự, Tôn Thất Trang,
Tôn Thất Tại, Tôn Thất Chiến làm đội trưởng mà chia giữ. Lính giữ lăng 103
người chia làm 2 ban, dân 384 người chia làm ba ban.” ( Đại Nam thực lục – Tập 1).
天授陵 THIÊN
THỤ LĂNG và 天壽陵 THIÊN THỌ LĂNG. Người ta hay nói sai hai chữ
Thiên Thụ (授
Thụ - Cho, trao cho.Truyền thụ. Như thụ khóa 授課 dạy học.Trao ngôi
quan.Thiên Thụ hiểu nôm na là Trời cho ). 天壽(壽 Thọ. Lâu dài. Có tuổi
gọi là thọ. Trăm tuổi là thượng thọ 上壽. Tám mươi gọi là trung thọ 中壽.Ngày sinh nhật cũng
gọi là thọ.Chúc, đời xưa đem vàng lụa tặng cho người tôn kính hay lấy rượu mà
chuốc cũng gọi là thọ.Thiên Thọ nôm na là sống thọ.) Trong các văn bản cổ người
ta dùng chữ 天授
THIÊN THỤ. ( dienbatn ).
· - Trong năm 1808, vua Nguyễn đã cho xây dựng
lại 17 lăng mộ của các chúa và phi. Năm 1812, lại cho xây dựng lăng Thoại Thánh
và lăng Vĩnh Diên đồng thời cho sửa lại lăng Cơ Thánh (lăng mộ cha ruột vua Gia
Long). Thời vua Minh Mạng và Thiệu Trị, lại cho sửa sang thêm vào các năm 1840
và 1841. Xem Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bộ Công, quyến 216. 7 Quần thể 7
khu lăng này gồm: Lăng Quang Hưng 光興陵 của
bà Thái Tông Hiếu Triết Hoàng hậu Tống Thị Đôi, vợ thứ hai của chúa Hiền Vương
Nguyễn Phúc Tần (1620-1687), thân mẫu của chúa Nguyễn Phúc Thái (Trăn). Lăng
được xây khoảng năm 1680.Lăng Vĩnh Mậu 永茂陵 của
bà Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng hậu Tống Thị Lãnh, vợ chúa Nghĩa Vương Nguyễn Phúc
Thái (Trăn) (1650-1725). Lăng được xây năm 1696, sau khi bà mất.Lăng Trường
Phong 長豐陵 của Túc Tông Hiếu Ninh
Hoàng đế Nguyễn Phúc Thụ (Trú) (1697-1738). Lăng được xây cũng trong năm 1738.Lăng
Thoại Thánh 瑞聖陵 của
bà Hưng Tổ Hiếu Khương Hoàng hậu (1738-1811), vợ thứ hai của Nguyễn Phúc Côn
(Luân) và là thân mẫu của vua Gia Long. Lăng được xây năm 1812.Lăng Hoàng Cô 皇姑陵 của Thái Trưởng Công chúa Long Thành, chị
ruột vua Gia Long. Lăng được xây khoảng năm 1825, sau khi bà mất.Lăng Thiên Thọ
天授陵 của vua Gia Long và vợ
ông, xây lần đầu năm 1814, sau xây bổ sung năm 1820.Lăng Thiên Thọ Hữu 天授右 của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, vợ thứ hai
của vua Gia Long, mẹ vua Minh Mạng. Lăng
được xây năm 1847.
· - Bản đồ lăng tẩm hoàng gia triều Nguyễn, trích
từ “Les Tombeaux de Hue: Cia-Long” của Charles Patris và L. Cadiere.Đó là bản
đồ vẽ lại sơ đồ các lăng tẩm của nhà Nguyễn. Nó được vẽ với nét vẽ của Âu hóa,
nhưng các đặc tính bên trong thì lại đậm chất Á Đông, họ đã vẽ nổi bật núi và
nước, phản ánh ảnh hưởng vẫn còn rất mạnh mẽ của văn hóa Á Đông vào thời Nguyễn.
Nhà nghiên cứu Rolf Stein trong cuốn “The World in Miniature” đã chỉ ra sự liên
quan mật thiết giữa các lăng mộ này với các mô hình giả sơn cổ, vì chúng đều
tuân theo quy luật phong thủy, các dấu hiệu tín ngưỡng, tôn giáo.Đối với việc
kiến trúc lăng mộ, sau khi cho xây dựng lại hệ thống lăng các chúa và phi bị
tàn phá trong thời Tây Sơn , vua Gia Long đã tự chọn đất để xây dựng cho mình
một “ngôi nhà vĩnh cửu” ở trong khu vực mà tổ tiên ông đã chọn làm nơi yên nghỉ
cho họ Nguyễn, gọi là Thiên Thọ lăng 天授陵, bắt
đầu từ năm 1814 và hoàn thành năm 1820.Khu lăng này về sau phát triển rộng ra,
trở thành một quần thể với 7 khu lăng mộ khác nhau , rộng đến 2.875ha, chủ yếu
thuộc đất làng Định Môn, huyện Hương Trà, cách trung tâm Kinh thành gần 16 km.
Đây cũng là vị trí xa nhất, vị trí tận cùng ở phía tây nam Kinh thành. Các vua
Nguyễn về sau đều chọn các địa điểm gần Kinh thành hơn và đều nằm hai bên bờ
sông Hương. Có thể nói rằng, vua Gia Long là người sáng lập ra triều Nguyễn, là
người cho xây dựng Kinh thành Huế và đặt một số cơ sở đầu tiên cho các quy thức
về kiến trúc lăng mộ.
Về quy trình xây dựng các lăng tẩm, do thiếu tư liệu nên
chưa rõ thời chúa Nguyễn
được tiến hành ra sao, còn quy trình xây dựng lăng tẩm
thời Nguyễn thì khá đồng nhất,bao gồm các công đoạn sau:
- Tìm đất: Đây là công việc hết sức hệ trọng, tư liệu cho
thấy hầu hết các lăng đều
được chọn lựa vị trí rất công phu. Triều Nguyễn gọi đây
là cuộc đất Vạn niên cát địa 萬年吉地, nên
dốc rất nhiều sức lực để kiếm tìm. Các thầy địa lý, quan lại đại thần giỏi về
phong thủy đều được huy động tham gia công việc này. Lăng vua Gia Long do Lê
Duy Thanh黎維清, con
trai của Lê Quý Đôn 黎貴惇tìm
ra; lăng vua Minh Mạng thì do đại thần Lê Văn Đức 黎文德tìm ra sau 14 năm tìm kiếm! Qúa trình tìm
kiếm khu đất Vạn niên cát địa đều được tường thuật rõ trong văn bia Thánh đức
thần công 聖德神功碑 dựng
tại các lăng. Sau khi chọn được đất quý, đích thân hoàng đế sẽ xem xét, quyết
định phê duyệt, đổi tên đất, tên núi cho phù hợp.
- Vẽ bản đồ địa cuộc, xác định vị trí đặt huyệt, quy
hoạch các khu vực. Công việc
này phần lớn do đích thân hoàng đế quyết định và bộ Công
là cơ quan triển khai (trừ lăng vua Thiệu Trị, Dục Đức và Đồng Khánh do họ đột
ngột băng hà).
- Tiến hành xây dựng, bao gồm cả khâu chuẩn bị và chuyên
chở vật liệu xây cất.
Các vật liệu chính là gỗ, tre, gạch đá, ngói lợp, gốm sứ…
Và chủ yếu được vận chuyển theo đường sông Hương để lên các khu lăng. Việc xây
lăng bao giờ cũng huy động tài lực của cả quốc gia, tập trung các vật liệu tốt,
thợ khéo từ các địa phương (như đá Thanh Hóa,gạch Bát Tràng, gỗ lim Thanh-Nghệ…
Thời Khải Định, triều đình còn nhập khẩu gốm sứ,ngói lợp từ châu Âu về). Lễ
khởi công được xem là thời điểm xây dựng lăng.
Người ta thường xây khu tẩm điện (phục vụ nghỉ ngơi, thờ
cúng) trước, sau khi
nhà vua băng hà mới xây Huyền cung, an táng và hoàn chỉnh
các công trình ở khu vực lăng như nhà bia, tượng người, voi, ngựa. Tuy nhiên,
cũng có trường hợp nhà vua băng hà đột ngột thì triều đình cho xây phần Huyền
cung trước, sau đó mới hoàn chỉnh các phần khác.
- Sau khi hoàn thành, triều đình tổ chức lễ tạ Sơn thần/Thổ
thần (mỗi khu lăng đều
có miếu thờ Sơn thần, vị thần được giao nhiệm vụ trông
giữ khu vực lăng tẩm)
Nhìn chung các khu lăng tẩm thời Nguyễn đều được xây dựng
trong thời gian khá
dài, lăng Gia Long 6 năm (1814-1820), lăng Minh Mạng 4
năm (1840-1843), lăng Tự Đức 4 năm (1864-1867), lăng Khải Định 11 năm
(1920-1931)... và còn được bổ sung, tu bổ trong nhiều giai đoạn khác nhau.
Như vậy, các lăng tẩm của triều Nguyễn tại Huế được xây
dựng trong hơn 100 năm, chủ yếu từ đầu thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 (chưa kể
các lăng tẩm của chúa Nguyễn được xây dựng từ thế kỷ 18). Đây là giai đoạn đỉnh
cao cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam, cũng là giai đoạn tiếp thu mạnh mẽ
những yếu tố văn minh bên ngoài, nhất là văn minh phương Tây. Chính vì vậy, quy
thức lăng mộ cũng mang nhiều đặc điểm
độc đáo, vừa kế thừa những yếu tố truyền thống, vừa có những điểm mới lạ do tiếp thu các yếu tố văn
hóa ngoại lai.
Chẳng hạn sau khi tìm được khu đất xây lăng ở núi Định
Môn 定門山, vua Gia Long cho đổi tên
thành Thiên Thọ Sơn 天授山; khi
tìm được đất ở núi Cẩm Kê錦雞山, vua
Minh Mạng đổi tên thành Hiếu Sơn 孝山; vua
Tự Đức thì đổi tên núi Cư Chánh 居政山 thành
Thuận Đạo Sơn 順道山sau
khi chọn được đất để xây Xương lăng cho cha mình;núi Dương Xuân 楊春山thì được đổi tên thành Khiêm Sơn 謙山.vv..
- Danh xưng chung: Có một chi tiết lịch sử thời Nguyễn mà
một số nhà nghiên cứu
thường nhắc tới, khi luận tội Lê Văn Duyệt, quần thần
triều Minh Mạng đã gán cho ông tội “khi quân” vì đã dám “tiếm gọi mộ mẹ là
lăng”. Điều đó chứng tỏ quy chế về cách dùng danh xưng chung chỉ lăng mộ thời
kỳ này đã rất chặt chẽ. Chỉ có mộ của hoàng đế,hoàng hậu mới được gọi là lăng 陵hay sơn lăng山陵. Mộ
của thân vương, phi, tần chỉ được gọi là tẩm 寢, còn
của thần dân, không phân biệt giàu nghèo đều gọi là mộ墓. Xem sách Đại Nam nhất thống chí, có thể
thấy rõ, toàn bộ phần viết về lăng mộ các hoàng đế,hoàng hậu triều Nguyễn đều
xếp chung trong phần Sơn lăng 山陵. Còn
bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ thì dành hẳn một quyển Lăng tẩm陵寢 (quyển 216) với 5 nội dung : Quy Chế, Lệnh
Cấm, Xây Dựng, Quy Thức Viên Tẩm và Cây Trồng, để bàn về vấn đề này. Thời Tự
Đức trở về sau, bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, có bổ sung thêm
các quy định về viên tẩm, sinh phần, mộ cho các đối tượng là thân vương, quan
lại.
Ngày nay chúng ta vẫn quen gọi lăng mộ vua chúa, hậu phi
thời Nguyễn kèm theo
niên hiệu, miếu hiệu, thậm chí cả theo tên huý của họ,
như lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Thuận Thiên, lăng Từ Dũ,
lăng Nguyễn Hoàng .vv.. . Thực ra,hầu hết các lăng này đều được đặt tên. Sách
Đại Nam nhất thống chí (bản Duy Tân năm thứ 9) kê ra đến 30 lăng có tên gọi
riêng. Thời chúa Nguyễn có 19 lăng là các lăng :
Trường Cơ 長基, Vĩnh
Cơ永基 của chúa Nguyễn Hoàng và
Hoàng hậu ; Trường Diễn長衍, Vĩnh
Diễn永衍 của chúa Nguyễn Phúc
Nguyên và Hoàng hậu; Trường Diên長延,Vĩnh
Diên 永延của chúa Nguyễn Phúc Lan và
Hoàng hậu; Trường Hưng長興, Vĩnh
Hưng永興, Quang Hưng 光興của chúa Nguyễn Phúc Tần và hai Hoàng hậu;
Trường Mậu 長茂, Vĩnh
Mậu 永茂của chúa Nguyễn Phúc Thái
và Hoàng hậu; Trường Thanh長清,Vĩnh
Thanh 永清của chúa Nguyễn Phúc Chu và
Hoàng hậu; Trường Phong長豐, Vĩnh
Phong 永豐của chúa Nguyễn Phúc Thụ
(Trú) và Hoàng hậu; Trường Thái長泰, Vĩnh
Thái 永泰của chúa Nguyễn Phúc Khoát
và Hoàng hậu; Trường Thiệu長紹 của
chúa Nguyễn Phúc Thuần và lăng Cơ Thánh 基聖của thân sinh vua Gia Long - ông Nguyễn Phúc
Luân (Côn).
Thời vua Nguyễn có 15 lăng có tên gọi riêng là : lăng
Thoại (Thụy) Thánh 瑞聖陵
của thân mẫu vua Gia Long; lăng Thiên Thọ (Thụ) 天授陵của vua Gia Long và bà Thừa Thiên Cao hoàng
hậu; lăng Thiên Thọ Hữu天授右 của
bà Thuận Thiên Cao hoàng hậu;lăng Hiếu 孝陵của
vua Minh Mạng; lăng Hiếu Đông 孝東陵của bà
Tá Thiên Nhân hoàng hậu; lăng Xương 昌陵của
vua Thiệu Trị; lăng Xương Thọ昌壽陵 của
bà Nghi Thiên Chương hoàng hậu; lăng Khiêm 謙陵của
vua Tự Đức; lăng Khiêm Thọ 謙壽陵của bà
Lệ Thiên Anh hoàng hậu; lăng An 安陵của
vua Dục Đức; lăng Bồi 培陵của
vua Kiến Phúc;lăng Tư 思陵của
vua Đồng Khánh; lăng Tư Minh 思明陵của bà
Phụ Thiên Thuần hoàng hậu (tức bà Thánh Cung Nguyễn Thị Nhàn); lăng Tư Thông 思聰陵của bà Hựu Thiên Thuần Hoàng hậu (tức bà Tiên
Cung Dương Thị Thục) và lăng Ứng 應陵của
vua Khải Định.
Về cách đặt tên riêng cho từng lăng của thời Nguyễn cũng
thể hiện rất phức tạp.
Các lăng thời chúa Nguyễn đều bắt đầu bằng chữ TRƯỜNG 長- dành cho chúa và chữ VĨNH 永- dành cho bà phi vợ chúa. Đây là cách thức
đặt tên khá phổ biến của lăng mộ đế vương Trung Hoa. Nhưng từ các hoàng đế
triều Nguyễn thì dường như không hoàn toàn theo một quy tắc chung nào cả, dù
thực chất tên các lăng thời chúa đều được đặt dưới thời vua Nguyễn (năm Gia
Long thứ 7-1808).
Triều Nguyễn, sau Thiên Thọ lăng mới đến Hiếu lăng, rồi
các lăng Xương, Khiêm,
Bồi, Tư, An, Ứng. Từ tên gọi đến thứ tự cách đặt tên đều
không rập khuôn bất cứ triều đại nào của Trung Hoa. Sự khác nhau nổi bật về tên
gọi các lăng hoàng đế Nguyễn từ thời Gia Long trở về trước và từ thời Minh Mạng
trở về sau là tên kép (Trường Cơ, Trường Thanh, Thiên Thọ...) và tên đơn (Hiếu,
Xương, Khiêm, Bồi..), còn về tên lăng hoàng hậu thì không có gì khác biệt, đều
dùng tên kép (Vĩnh Cơ, Vĩnh Thanh, Thiên Thọ Hữu, Hiếu Đông...). Tuy nhiên về
cách bố trí và đặt tên lăng các hoàng hậu triều Nguyễn, từ Gia Long trở về sau
cũng có sự thay đổi đáng chú ý: Nếu lăng vua Gia Long gọi là Thiên Thọ Lăng và
lăng Hoàng hậu Thuận Thiên được đặt ở bên hữu (phía tây) lăng này, gọi là Thiên
Thọ Hữu Lăng thì lăng Hoàng hậu của vua Minh Mạng lại được đặt ở bên tả (phía đông,
dù ở cách khá xa) của Hiếu Lăng và được gọi là Hiếu Đông Lăng. Việc thay đổi
này là sự điều chỉnh theo quy chế lăng thời Thanh.
Về thời gian đặt tên, trừ trường hợp lăng các chúa và phi
mãi đến thời Gia Long
mới được truy tôn, còn hầu hết các lăng hoàng đế, hoàng
hậu triều Nguyễn, ngay sau khi lăng được xây dựng, triều thần sẽ họp bàn và
dâng tên hiệu để vua chọn. Tuy nhiên, cũng có trường hợp đặc biệt như Khiêm
lăng của vua Tự Đức, sau khi xây dựng gần 16 năm vẫn mang tên là Khiêm cung do
chủ nhân của nó vẫn còn tại thế.
Mộ các chúa Nguyễn và các phi cũng được tôn xưng là Lăng,
vì họ đều được triều Nguyễn truy tôn là Hoàng đế,hoàng hậu. Có một trường hợp
tuy không phải là lăng Hoàng đế, hoàng hậu nhưng vẫn được sách Đại Nam nhất
thống chí liệt kê trong phần Sơn lăng là “Sơn phần Tuệ Tĩnh Thánh Mẫu Nguyên
Suý tại vùng núi xã An Cựu huyện Hương Trà”, nhưng bà này cũng vốn là một công
chúa. 10 Khi chép về lăng tẩm các chúa, sách Đại Nam nhất thống chí đều đã gọi
các chúa và Phu nhân theo miếu hiệu của họ sau khi đã được triều Nguyễn truy
tôn, như Thái tổ Gia dụ Hoàng đế (Nguyễn Hoàng)... Sách Khâm định Đại Nam hội
điển sự lệ, quyến 96, phần bộ Lễ cũng có phần chép tên gọi các lăng tẩm tương
tự.
Nhận xét
- Nhìn chung về mặt quy mô và kiểu thức xây dựng, hệ thống
lăng mộ các chúa
Nguyễn đều tương tự như nhau. Mỗi lăng mộ đều có hai vòng
thành hình chữ nhật bao bọc, vòng ngoài xây bằng đá bazan nhưng phần mũ thành
xây bằng gạch vồ, vòng trong xây hoàn toàn bằng gạch (trừ lăng Trường Diễn).
Chiều cao của các vòng thành tương ứng đều như nhau (dù hiện tại trên thực tế
không hẳn như vậy). Phần mộ đều xây thấp,phẳng với 2 tầng, xây theo lối giật
cấp. Trước mộ có hương án, sau cổng có bình phong trang trí long mã và rồng.
Sau lưng mộ cũng có bình phong trang trí rồng cùng kiểu, ghép nổi mành sành sứ
hoặc đắp nổi vôi vữa. Sự giống nhau này cũng rất dễ hiểu vì tất cả các lăng
trên đều được tái xây dựng và tu bổ trong các thời điểm gần tương tự như nhau
(Trùng kiến đầu thời Gia Long [trong 2 năm 1808-1809], tu sửa năm Minh Mạng
[1840] và đầu thời Thiệu Trị [1841]).
- Tuy quy mô nhỏ hơn, cách thức xây dựng cũng đơn giản
hơn nhiều so với lăng các vua Nguyễn về sau, nhưng lăng mộ các chúa đều có vị
trí rất lý tưởng và hoàn toàn tuân thủ các quy tắc về phong thủy địa lý. Chúng
ta có thể thấy rõ điều này qua những đặc điểm chung của chúng dưới đây:
+Các lăng mộ đều tọa lạc trên đồi cao, có núi dựa lưng,
trước mặt đều có hồ nước, khe suối hoặc đồng ruộng làm “tụ thủy”. “Minh đường” của
lăng thoáng rộng và có bình phong là núi tự nhiên che chắn. Hai bên đều có núi
chầu về làm thế “tay ngai” (Tả Long,Hữu Hổ)…
+Các lăng chúa ở vị trí tương đối xa nhau và đều cách
trung tâm Huế khá xa. Điều
này chứng tỏ người xưa đã bỏ rất nhiều công sức cho việc
tìm kiếm mảnh đất làm “Sinh phần” cho các chúa Nguyễn.
+Hướng của các lăng rất phong phú chứ không chỉ tuân theo
nguyên tắc “Nam diện” (xoay mặt về hướng nam) của đại đa số các công
trình kiến trúc (cả kiến trúc nhà cửa lẫn kiến trúc lăng mộ) thời vua Nguyễn về
sau. Đây là điều hết sức lý thú đối với những ai muốn tìm hiểu phong thủy thời Nguyễn.
Lăng vua Gia Long và Thừa Thiên Cao hoàng hậu, tức lăng
Thiên Thọ, nằm ở vị trí trung tâm, bố cục chia thành 3 phần: Tẩm điện-lăng
mộ-nhà bia, dàn hàng ngang, đặt trên 3 ngọn núi thấp (giữa là núi Chánh Trung 正中山, bên tả là Thanh Sơn 青山, bên hữu là Bạch Sơn 白山), trước mặt có hồ nước hình mặt trăng 月湖, tiếp là núi hình bán nguyệt, tiếp là ngọn
núi chủ Đại Thiên Thọ Sơn 大天授山,
chung quanh có 36 ngọn núi chầu vào, đều được đặt tên. Phần trung tâm của khu
đất này 3 mặt tả, hữu, hậu rộng 100 trượng (424m), mặt tiền rộng 150 trượng
(636m). Lăng vua và hoàng hậu đặt trong 3 lớp bảo thành xây gạch, vòng trong
30m, rộng 24m, cao 4,16m; vòng ngoài rộng 31m, dài 70m, cao 3,56m, dày 1m. Bảo
phong xây kiểu 2 ngôi nhà đá 石室 có
mái kề nhau kiểu “càn khôn hiệp đức” 乾坤協德,
trước bảo phong có 2 hương án xây đá. Mặt trước và sau lưng đều có bình phong,
cửa ngoài làm bằng đồng. Trước mặt là 7 tầng sân chầu lát gạch,lối thần đạo lát đá Thanh. Ở tầng sân cuối hai bên dựng
tượng thị vệ, voi, ngựa (10 người, 2 voi, 2 ngựa), đều bằng đá Thanh.
Lăng Gia Long: Tên chữ là Thiên Thọ Lăng 天授陵, thực ra là cả một quần thể gồm 7 khu lăng
tẩm của vua Gia Long, 2 vị hoàng hậu và 4 thành viên khác thuộc hoàng gia
Nguyễn nằm trong một khu vực rộng đến 2.875ha. Tuy nhiên, chỉ có lăng vua Gia
Long, 2 vị hoàng hậu và thân mẫu của vua là được xây dựng theo quy chế lăng
hoàng đế, có tẩm thờ riêng.
- Lăng vua Gia
Long và Thừa Thiên Cao hoàng hậu, tức lăng Thiên Thọ, nằm ở vị trí trung tâm, bố cục chia thành 3 phần: Tẩm điện-lăng
mộ-nhà bia, dàn hàng ngang, đặt trên 3 ngọn núi thấp (giữa là núi Chánh Trung 正中山, bên tả là Thanh Sơn 青山, bên hữu là Bạch Sơn 白山), trước mặt có hồ nước hình mặt trăng 月湖, tiếp là núi hình bán nguyệt, tiếp là ngọn
núi chủ Đại Thiên Thọ Sơn 大天授山,
chung quanh có 36 ngọn núi chầu vào, đều được đặt tên. Phần trung tâm của khu
đất này 3 mặt tả, hữu, hậu rộng 100 trượng (424m), mặt tiền rộng 150 trượng
(636m). Lăng vua và hoàng hậu đặt trong 3 lớp bảo thành xây gạch, vòng trong
30m, rộng 24m, cao 4,16m; vòng ngoài rộng 31m, dài 70m, cao 3,56m, dày 1m. Bảo
phong xây kiểu 2 ngôi nhà đá 石室 có
mái kề nhau kiểu “càn khôn hiệp đức” 乾坤協德,
trước bảo phong có 2 hương án xây đá. Mặt trước và sau lưng đều có bình phong,
cửa ngoài làm bằng đồng. Trước mặt là 7 tầng sân chầu lát gạch, lối thần đạo
lát đá Thanh. Ở tầng sân cuối hai bên dựng tượng thị vệ, voi, ngựa (10 người, 2
voi, 2 ngựa), đều bằng đá Thanh.
Nhà bia nằm bên tả, trên núi Thanh Sơn, đó là một
"phương đình" dạng cổ lầu với hai tầng mái, nằm trên một nền cao. Mặt bằng của ngôi nhà
là 8,75m x 8,80m. Bốn mặt xây tường gạch chịu lực. Mỗi mặt trổ một cửa ở giữa,
để trống. Khu vực tầng sân xây nhà bia rộng 30m, dài 42m, chung quanh có xây
tường thấp bao bọc. Bi đình được xây để bảo vệ cho tấm bia đá ghi khắc bài văn
bia Thánh Đức Thần công do vua Minh Mạng soạn để nói về tiểu sử và công đức của
vua cha. Bia cao 2,96m, rộng 1m, dày 0,32m, dựng trên một cái bệ cũng bằng đá
dài 1,95m, rộng 1,55m. Bia và đế làm bằng đá Thanh đều được chạm trổ rất tinh
xảo. Trán bia trang trí mặt rồng ngang miệng ngậm chữ "thọ". Tai
trên,tai dưới và hai diềm bên chạm hình rồng mây. Ở diềm trên, giữa trang trí
hình mặt trời,hai bên là vân xoắn. Diềm dưới chạm hình thủy ba và vân xoắn.
Ngày xưa, tất cả những chữ khắc trong lòng bia đều thếp vàng. Gần đó là nơi thờ
“Hậu Thổ Chi Thần”, một tấm bia nhỏ đặt trên bệ đá 2 cấp, cao hơn 1,2m.
Khu tẩm thờ nằm
bên hữu khu lăng, trên núi Bạch Sơn, được bao bọc bởi tường thành hình chữ nhật (dài 102m, rộng 19m, cao 2,5m). Trước
là Nghi Môn, hai bên là Tả hữu tòng viện, chính giữa là điện Minh Thành, kiểu
nhà kép 5 gian 2 chái, mặt nền 17,6m x 19,6m, bên trong thờ Long vị của vua Gia
Long và Thừa Thiên cao Hoàng hậu. Phía sau điện Minh thành xưa có Bảo Y Khố,
nơi đặt áo quần thờ tự bà Thừa thiên Cao hoàng hậu.
- Lăng Thiên Thọ
Hữu 天授右陵, nằm bên hữu lăng Thiên
Thọ, trên núi Thuận Sơn 順山, chia
thành 2 khu vực: lăng và tẩm, cách nhau 50m. Khu lăng có 2 lớp tường thành bao
bọc, tường ngoài chu vi 130m, cao 2,9m; tường trong chu vi 82m, cao 2,3m.Bảo
phong xây bằng đá; bình phong trước và hương án cũng xây bằng đá Thanh. Khu
điện thờ có công trình kiến trúc chính là điện Gia Thành 嘉成殿, làm nơi thờ bà Thuận Thiên Cao hoàng hậu,
kiến trúc nhà kép, nay đã bị đổ nát.
Lăng Thoại Thánh 瑞聖陵 có bố cục và cấu trúc gần giống lăng Thiên
Thọ Hữu,gồm 2 phần: khu lăng và khu tẩm thờ. Đây là lăng hoàng
thái hậu đầu tiên của triều Nguyễn. Khu lăng phía trước có hồ gần vuông (88m x 77m),
bảo phong làm bằng đá Thanh, ngoài có 2 vòng tường thành bảo vệ, vòng trong chu
vi 89m, cao 3,4m, vòng ngoài chu vi 138m, cao 3,6m; cửa ngoài kiểu cổng vòm;
trước sau đều có bình phong xây gạch che chắn. Phần tẩm điện nằm trong một vòng
thành dài 108m, rộng 63m, cao 3,7m. Điện chính vốn gần giống điện Minh Thành, kiểu nhà kép,
mặt nền 25m x 19,5m, trước sau còn có tả hữu tòng viện, tả hữu tòng tự, nhưng
tất cả đã đổ nát.( TS. Phan Thanh Hải).
· - Bản
đồ lăng tẩm hoàng gia triều Nguyễn, trích từ “Les Tombeaux de Hue: Cia-Long” của
Charles Patris và L. Cadiere.
Bản
đồ tổng thể khu vực lăng Gia Long.
·
Bản đồ lăng tẩm hoàng gia triều Nguyễn, trích
từ “Les Tombeaux de Hue: Cia-Long” của Charles Patris và L. Cadiere. Bản để tại
Huế.
Trong vùng có 2 con suối chính đưa nước từ cao xuống.
Theo mô tả của học giả Cadìere cách đây gần một thế kỷ thì con suối thứ nhất tập hợp các dòng nước chảy xuống phía bên trái của lăng, vòng qua trước mộ và trước điện Minh Thành rồi chảy ngược lại trước mộ Gia Long để “tiếp tục chảy cho đến chiếc hồ vuông nằm trước mộ mẹ Gia Long, chảy tiếp trước mộ tháp của người chị và như thế con suối liên kết hết các thành viên của gia tộc trước khi đổ đến Môi Khê nhập lại với con suối thứ hai. Nó được gọi là Hồ Dài”.
Con suối thứ hai có tên Trường Phong dẫn nước từ núi Nhuệ về Thiên Thọ, chảy dọc theo mộ Trường Phong thành hình vòng cung, nhập với Hồ Dài để “cả hai con suối đều không chảy thẳng trực diện đến mộ, mà lại thoải mái chảy vòng vòng tạo thành những hình cát triệu – chúng kéo đi xa những ảnh hưởng xấu có thể phương hại đến sự yên tĩnh của những người quá cố”
Bản đồ lăng tẩm hoàng gia triều Nguyễn, trích từ “Les Tombeaux de Hue: Cia-Long” của Charles Patris và L. Cadiere. Bản để tại Huế. dienbatn mạo muội dịch chữ Hán nôm. Tuy nhiên có nhiều chữ mờ và không rõ nét nên dịch chưa chính xác .
Bản vẽ trùng tu lăng vua Gia Long.
Trong bài sau , dienbatn sẽ viết rõ về SAI LẦM CỦA DIENBATN KHI TÍNH THEO THỦY PHÁP LĂNG THIÊN THỌ CỦA VUA GIA LONG.
Thân ái. dienbatn.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét