Bá Nha và Tử Kỳ đã trở thành đôi bạn "tri âm" được xem là sáng giá và mẫu mực nhất trong lịch sử xưa nay.
Tình bạn tri âm này luôn là tấm gương để biết bao thế hệ noi theo để lấy đó làm hãnh diện. Là câu nói cửa miệng của mọi tầng lớp cũng như lĩnh vực trong xã hội, xuyên suốt mọi giai đoạn bất kỳ. Trên đỉnh cao, giàu tư duy của bậc thức giả, danh giá. Trong tầng giữa, đủ ý thức của gã phong trần, lang bạt. Dưới gầm thấp, vắng nhận thức của kẻ cơ nhỡ, hèn kém. Thậm chí kể cả những bợm nhậu nơi đầu rừng xó núi. Tất cả những họ, đều chực chờ để thốt ra cửa miệng hai tiếng tri âm. Dành cho kẻ nào mà họ cảm thấy xứng đáng nhận, từ họ. Và kẻ được rót vào tai hai câu đó sau liên tiếp vài ba cái vỗ vai, càng lấy làm đắc chí với sự đời lắm thay.
Ngàn năm qua, thiên hạ dưới gầm trời cứ một mực đinh ninh như thế. Họ say đến đỗi từng không thiếu kẻ nghi ngờ: Có khi hai ta chính là bản sao tái sinh từ Bá Nha và Tử Kỳ chăng?!
Quả thật; Bá Nha và Tử Kỳ là một giấc mộng dài, khiến đời say mãi ngàn năm.
Thuận theo quy luật của tự nhiên là không có điều gì tồn tại mãi cùng thời gian được. Và thời gian cũng có trách nhiệm là đào thải hoặc chọn lọc những gì được gọi là sự thật vào thời điểm nhất định mà thời gian buộc phải trả lời. Thời điểm đó chính là thời điểm mà nhân loại chúng ta chuẩn bị bước qua ngưỡng cửa của kỷ nguyên mới. Và hai tiếng "tri âm" đó, sẽ được thời gian hôm nay "phát âm" có "âm vang" như:
Hồi ức đưa ta trở về với tấn tuồng Bá Nha khóc Tử Kỳ ở cảnh mở màn, khi Bá Nha cắm sào trên bến Hàm Dương (không phải Hán Dương) thuở ấy. Phải biết nhân vật Bá Nha khi đắc thời thường đắc cả chí với ngón đàn mà mình đang sở hữu. Một truyền cầm trác tuyệt có thể giữ được gió, cầm cả trăng. Mỗi khi Bá Nha thả hồn lướt phím rung dây.
Tuy nhiên Bá Nha cũng luôn cho rằng; Thiên hạ không ai đủ để thưởng thức được tiếng đàn của mình cả. Bá Nha thường đơn lẻ trải lòng phiêu lãng cùng đất trời ở những nơi dòng uẩn, khúc vắng. Như bến Hàm Dương theo như tích cũ đã kể chẳng hạn.
Ở đây, tôi chỉ nói đến những sự cố xảy ra trong câu chuyện chứ không nhắc đến toàn bộ cốt truyện được mệnh danh là Tri Âm này. Vì thế nên ta xem xét vào thời điểm cây đàn bị đứt dây!?
Vậy khi sự cố đó xảy ra. Căn cứ vào đâu để Bá Nha biết được là có kẻ nào đó đang lén nghe đàn? Chẳng lẽ những người bạn trước đó từng đã nghe Bá Nha đàn trong quang minh chính đại thì không đứt dây hay sao? Thế nhưng có chắc gì những lúc đó ngoài những bạn bè đang nghe lại không bất chợt có ai lén nghe bên ngoài thì sao? Có uẩn khúc gì bị che giấu sau ngón đàn của Bá Nha ngày đó hay không?
Vấn đề ở đây lại không phải là nghe lén hay nghe minh bạch gì cả, mà chính là biết nghe (tri âm) tiếng đàn, và không biết nghe (vô tri âm) tiếng đàn! Như thế cũng có nghĩa là: Vô tri thì không xảy ra cớ sự gì. Bằng như gặp được kẻ hữu tri thì đàn sẽ có hiện tượng đứt dây! Tại sao lại có sự cố quái dị như thế đối với những ai được liệt vào hạng được gọi là tri âm? Tình tiết này sẽ được làm rõ chân tướng khi ta xét xem những sự cố gì xảy ra trong suốt câu chuyện của đôi bạn tri âm này.
Khi Tử Kỳ được viên quan "mời" xuống thuyền để đối chất. Ta thấy bối cảnh lúc đó như hai diễn viên bất đắt dĩ, diễn vai "Ngư Tiều Dao Cầm Vấn Đáp" vậy.
Theo như chỗ biết hạn hẹp của tôi thì nguồn gốc của cây Dao Cầm này không như những gì mà Tử Kỳ đã diễn tả cùng Bá Nha ngày đó. Không hề bởi do Phục Hy thấy 5 ngôi sao sa xuống cây ngô đồng cũng như chim phụng đáp trên đó. Bèn dùng gỗ ngô đồng mà làm ra cây đàn Dao Cầm này.
Thật sự cây đàn này được thiết kế từ một loại gỗ của cây Xích Tùng ngàn năm trên cung Dao Trì của Tây Vương mẫu, nên mới có tên là Dao Cầm (Đàn của cung Dao Trì). Nó vốn được tạo ra là để mô phỏng nhịp điệu và âm thanh của vũ trụ trích từ sao Bắc Đẩu. Đó là Sao Tiêu (Tiêu Khúc) và Sao Dao (Dao Cầm) trong bộ Tiêu - Dao - Du của tòa Bắc Đẩu mà ra. Tử Kỳ không đủ để biết tới căn nguyên nguồn cội đó cho được. Tóm lại: Đó vốn là "nhạc trời", chỉ dành riêng cho "Hóa Công" nơi Tiên cõi. Không phải là nơi để thế nhân học đòi mà làm loạn theo thói phong lưu.
Chúng ta cứ tạm biết như thế đã. Mọi sự sẽ hạ hồi phân giải, khi tất cả đã dần minh bạch.
Tiếp diễn câu chuyện Tử Kỳ nhắc đến đoạn: Khi Bá Nha đàn khúc "Khổng Tử Khóc Nhan Hồi". Đến câu thứ 3 trong 4 câu thì đàn bị đứt dây bất chợt. Từ đó dẫn đến việc phát hiện "kẻ nghe lén" Tử Kỳ. Và rồi đôi bạn tri âm cùng ngồi mà đàm đạo rất tâm đắc. Khiến cho bao kẻ ngàn đời sau, rất lấy làm ngưỡng mộ.
Tôi cũng đi thẳng vào ý của của bài này như sau:
Thật ra có một sự thật lấy làm kinh hoàng tất cả mọi tư duy suốt bao ngàn năm qua là: Tiếng đàn của Bá Nha ngày đó đã vô tình hại chết Tử Kỳ! Không như những gì mà người đời vẫn ca tụng là đôi bạn tri âm. Một nỗi oan khốc phải ngậm ngùi nghìn thu.
Bởi tiếng đàn đầu tiên mà Bá Nha "đã gẩy" trong sự thiếu hiểu biết ngày đó trên bến Hàm Dương, chính là "Khúc Đoạt Mạng". Tử Kỳ nghe được (tri âm) nên ắt phải chết sau 100 ngày! Cho nên chúng ta thấy Tử Kỳ đã vội vã về nhà: Bỏ cả việc đốn cũi hằng ngày mà chỉ lo tìm mua sách đọc cho tới chết (tiền từ 2 lượng vàng của Bá Nha tặng!?). Bởi Tử Kỳ biết mình sẽ chết sau 100 ngày nữa. Cha Mẹ già không có ai phụng dưỡng. Từ đó Tử Kỳ mới ra sức "chạy" mua sách về đọc cả ngày lẫn đêm để mà tìm thuốc "chữa". Tuy nhiên, cuối cùng thì Tử Kỳ cũng không thể vượt qua được "kỳ tử" sau kỳ hạn 100 ngày.
Về sự kiện này thì chỉ còn có mỗi Bá Nha biết được mà thôi. Bởi Bá Nha đã thấu cũng như hiểu được ngón đàn giết người mà mình đang sở hữu suốt bấy lâu trong vô tri. Nay chẳng qua nhờ duyên kỳ ngộ, khéo sắp đặt cho gặp được Tử Kỳ, mới có thể liễu ngộ. Đồng thời chính điều đó cũng ngay lập tức đã đoạt mạng Tử Kỳ. Nỗi lòng này, Bá Nha biết không thể giải bày cùng ai được cả. Bá Nha thể hiện điều đó qua câu thơ "Lịch tận thiên nhai vô túc ngữ" của mình trong ngày đó rồi vậy. Còn kẻ thứ hai có thể gọi được là "tri âm" để chia sẻ thì... Đã hóa nấm mồ bên bến Hàm Dương mất rồi.
Như tôi đã diễn tả khi Bá Nha liễu ngộ thiên cơ thì hỡi ôi! Và điệu đàn thứ hai mà Bá Nha đàn bên mộ của Tử Kỳ là "Điệu Truy Hồn". Cho nên ta thấy mây đen vần vũ, ai oán, như hồn của Tử Kỳ kéo về... bên mộ. Bá Nha thành tâm tạ tội trước mộ của kẻ Tri Âm.
Và sau đó việc phải làm của Bá Nha chính là ngay lập tức đập bỏ cây đàn này. Bởi Bá Nha không muốn thấy; Rồi sẽ lại một ngày nào đó. Bất chợt trên một uẩn khúc của dòng đời nào đó. Bá Nha lại thêm một lần nữa bị đứt dây đàn.
Bởi có một kẻ ẩn sĩ bất đắc dĩ nào đó nữa, phải "bị nghe trộm" tiếng đàn.
-------------
Ức tích khứ niên thu
Giang biên tằng hội quân
Kim nhật trùng lai phỏng
Bất kiến tri âm nhân
Đãn kiến nhất bôi thổ
Thảm nhiên thương ngã tâm
Thương tâm thương tâm phục
Bất nhẫn lệ phân phân
Lai hoan khứ hà khổ
Giang bạn khởi sầu vân
Tử kỳ tử kỳ hề
Nhĩ ngã thiên kim nghĩa
Lịch tận thiên nhai vô túc ngữ
Thử khúc chung hề bất phúc đàn
Tam xích dao cầm vị quân tử.
Và...
Suất toái dao cầm phượng vĩ hàn
Tử Kỳ bất tại đối thùy đàm
Đại thiên thế giới giai bằng hữu
Dục mịch tri âm nan thượng nan!
BẢN DỊCH
Nhớ đến mùa thu năm trước
Từng gặp bạn bên bờ sông
Hôm nay trở lại tìm
Không thấy người tri âm
Chỉ thấy một nấm mộ đất
Thảm thiết đau thương lòng ta
Ôi thương tâm! Lại thương tâm!
Không cầm được nước mắt ròng ròng
Vui đến rồi đi, còn lại đau khổ
Mây sầu trổi lên bên ven sông
Tử Kỳ hỡi! Tử Kỳ ơi!
Em và anh có nghĩa ngàn vàng
Dù có đến tận vô bến bờ cũng không nói hết lời
Vậy khúc nhạc này cũng dứt không đàn nữa
Dao cầm ba thước chết luôn theo em.
(Như bài dịch nghĩa trên có đúng hay không? Tự mỗi chúng ta cảm nhận).
---
VÀ ĐÂY LÀ Ý CỦA BÀI THƠ NÀY
Cho dù hàng tỷ năm sau nữa
Cuộc gặp gỡ hội tụ trên sông
Có lập lại giống như hôm nay không
Không thấy có người nào hiểu thấu
Chỉ thấy có một nấm mồ mà thôi
Tự nhiên thảm thương trong tâm ta
Ôi thương tâm! Phục trong tâm!
Không nhẫn tâm được, nước mắt cứ phân trần
Vui đi rồi, đau khổ tới sao
Hồn bạn theo mây gieo sầu trên sông
Tử Kỳ hởi! Tử Kỳ ơi!
Ta nghe câu tình nghĩa tựa thiên kim
Lịch đếm tận chân trời cũng không nói được
Khúc Thử vĩnh viễn không đủ phúc để đàn nữa
BA THƯỚC DAO CẦM VỐN CỦA NGƯỜI QUÂN TỬ.
3 - KHỔNG TỬ KHÓC NHAN HỒI!
(Dấu chân mà Bá Nha dẫm phải)
Sau khi biết được nỗi oan khốc ngàn năm của tiếng đàn "đôi bạn tri âm". Giấc định mộng viễn khứ tri âm đó, khó có thể lay tỉnh trong một sớm một chiều cho được.
Bởi sự thật sao mà trần trụi, nghẹn đắng, đau thương, và khó nuốt trôi là vậy. Hoảng nhiên, ta ước thà làm thân dã tràng trước cơn dâu bể. Hơn là nhìn mọi giá trị văn hóa lịch sử, cùng những danh nhân kiệt tác, phải mang gông đọa đầy tư duy khổ sai miên viễn... trong kỷ nguyên mới này.
Ôi! Vốn tri âm; " Lịch tận thiên nhai vô túc ngữ", quả là thế!.
Cái giá của sự tiến hóa lại gọt dũa một cách thảm nhiên đến thế sao?!
Không! Ý thức chung của thế nhân chúng ta, dĩ nhiên là kháng án trước bản án định giá phải trả quá đắt này. Để công bình, tôi tiếp tục đưa chúng ta lục soát lại những giá trị tiềm ẩn nào còn tồn đọng trong nỗi oan khốc nghìn thu. Vọng tín vào một khả dĩ cứu cánh nào đó mà tòa kiến trúc "tri âm" có thể nương tựa trong hồi nghiêng đổ?
Nếu thế; Ta phải quay trở lại với nỗi oan nghìn thu của Bá Nha và Tử Kỳ vậy. Ta biết Bá Nha vốn là một bậc quân tử mẫn thế đương thời trong giai đoạn đấy. Dĩ nhiên quan niệm sống mà Bá Nha tôn thờ là Nhân - Nghĩa - Lễ ... của Khổng giáo. Khiến nên khi chợt "ngộ thiên cơ". Bá Nha đã chấp nhận ôm Trung - Hiếu mà chịu tuẫn tiết, do cái vòng Lễ Giáo mà Khổng Tử đã đặt định.
Bởi vì ngoài những lễ giáo mà Bá Nha được giáo huấn từ Khổng Tử, còn có "ngón đàn", kể cả thậm chí điệu đàn của Khổng Tử nữa kia! Ta thấy Tử Kỳ đã "tố cáo" rõ ràng là: Bá Nha đã tấu khúc "Khổng Tử Khóc Nhan Hồi"! Đến đoạn thứ 3 là đứt dây. Và Bá Nha cũng tô đậm cho oan khúc đó thêm ở đoạn cuối với điệu "Bá Nha Khóc Tử Kỳ" !.
Như thế; Ta buộc phải đi ngược dòng lịch sử đôi chút, và dừng lại ở giai đoạn Khổng Tử mà bóc lớp tuần phủ lâu năm xem sao?.
Chúng ta biết Khổng Tử đã từng đi học đàn từ Tương Tử. Dõi theo hành tung của Khổng Tử... suốt những tháng ngày bôn ba khắp thiên hạ. Ta không thấy có điều gì bất thường nổi lên ngoài những học thuyết Nhân Đạo mà ông đang thi thố. Với hy vọng mong được trọng dụng trong các chư hầu lúc đấy.
Tuy nhiên; Trong một khúc ngoặc ở đoạn cuối của cuộc trường hành thuyết giáo. Vào lúc Khổng Tử bị vây hãm ở đất Khuông. Mọi người hết lương thực, đói dậy không nổi nữa. Ta thấy có một sự kiện dị hoặc là Khổng Tử khi ấy đã tỏ ra rất điềm đạm trong cơn khốn cùng. Người không ngừng đánh đàn, cứ mải mê ca hát suốt cả ngày như thế! Tuy nhiên cuối cùng rồi Khổng Tử cũng phải buông đàn và thốt lên:
“Từ ngày vua Văn mất đi, chẳng phải tất cả văn hóa của nhân loại đang nằm ở ta cả hay sao? Nếu quả thật như thế, thì bọn giặc này có thể làm gì được ta?”.
Xét câu ta thán đấy, chúng ta thấy rằng; Khổng Tử đã nghi ngờ về học thuyết Nhân Đạo cũng như khả năng của chính mình. Vì chứng tỏ là nếu Rợ Địch ở đất Khuông ngày đó không tha cho thì phải bỏ mạng mất rồi. Ngay sau khi thoát nạn đấy. Khổng Tử tức tốc đến yết kiến Lão Tử. Bởi Khổng Tử biết Lão Tử đang là ngôi sao sáng nhất trong nhóm Bách Gia đương thời.
Chúng ta thấy lịch sử còn chép lại cuộc hội kiến này qua câu chuyện “Hỏi Lễ” giữa Khổng Tử và Lão Tử. Vừa gặp mặt, Lão Tử đã mắng Khổng Tử tối tăm cả mặt mũi:
- Tôi sở dĩ nhắc cho ông biết lời của những kẻ mà nay đã xương tàn cốt rụi hết cả rồi; "Người ta nghèo thì khoác áo tơi, đi chân đất. Giàu thì cũng tập đòi đi xe che lọng". Tôi khuyên ông nên bỏ cái dâm chí của ông đi.
Nói rồi, Lão Tử xua ra và đóng sập cổng trước sự ngơ ngác của Khổng Tử cùng học trò!?
Ra ngồi ngoài nhà nghỉ mát, Khổng Tử vẫn ngờ ngợ chưa tỉnh. Học trò thấy sự việc rất quái dị, không hiểu bèn hỏi Thầy. Khổng Tử đáp:
- Chim bay trên trời, ta lấy tên mà bắn. Cá lội dưới nước, ta lấy lưới mà giăng. Thú đi trong rừng, ta lấy bẫy mà dò. Nay ta thấy Lão Tử như con rồng! thoắt ẩn, thoắt hiện, không biết nẻo nào mà lần.
Đang còn mơ mơ hồ hồ... chưa rõ. Bất chợt có kẻ cuồng nước Sở là Tiếp Dư đi ngang. Vừa đi, Tiếp Dư vừa hát ngô nghê vài câu. Ngay lập tức Khổng Tử tỉnh hẳn mê lầm. Vội về nhà mở trường dạy học và không đi khắp nơi để mong thiên hạ trọng dụng nữa. Vào thời điểm này Khổng Tử đã 63 tuổi rồi. Kể như trót một đời người, bôn ba khắp nơi mà vẫn không ai trọng dụng cả. Khi tỉnh ngộ thì cũng đã về cuối đời. Cũng kể từ lúc này, Khổng Tử lại tiếp tục nghiên cứu Kinh Dịch một cách nghiêm túc nhất. Với tất cả hy vọng có một thực tại chân lý còn tiềm ẩn trong Kinh Dịch.
Cũng tính từ giai đoạn này. Chúng ta thấy Khổng Tử đã nghiền ngẫm tất cả những gì thuộc di chỉ của Văn Vương ngày xưa còn để lại. Chẳng hạn như phép bói Dịch, kể cả cây đàn Dao Cầm được truyền lại Nhà Chu từ Hoàng Đế ngày trước!
Lưu ý chung: Ở đây tôi chỉ xem xét những gì có liên can tới tiếng đàn mà thôi. Cho nên phạm vi chỉ giới hạn trong Kinh Nhạc. Riêng Kinh Dịch thì sẽ được xem xét ở chủ đề khác. Chắc chắn sẽ còn tiềm ẩn nhiều oan tình hơn nữa. Mọi sự để hạ hồi phân giải.
Ta chưa quên Khổng Tử đã từng phát biểu về nhạc là:
"Ai biết được bí quyết của âm nhạc tức là biết được cái bí quyết làm giao động lòng người. Ai biết được bí quyết làm giao động lòng người tức là biết được bí quyết dẫn dắt con người. Ai biết được bí quyết dẫn dắt con người tức là biết được bí quyết cai trị con người".
Vậy là đã rõ việc Khổng Tử cứ đánh đàn cả ngày trong cơn nguy khốn ở đất Khuông là cớ gì rồi vậy. Và câu ta thán ngay sau khi buông đàn, càng có vẻ như đóng ngoặc kép thêm cho nhận định này.
Và ta sẽ hiểu tại sao Khổng Tử thường nói chỉ thích "Cổ nhạc" chứ không thích "Kim nhạc"!. Kim nhạc là tính từ giai đoạn Tây Chu cho tới Đông Chu. Là thời điểm Khổng Tử đang sống. Còn Cổ nhạc là tính từ thời Vua Thuấn.
Cho nên tôi không ngần ngại chỉ ra rằng: Trong một lần Khổng Tử (mày mò nguyên cứu) đánh đàn, Nhan Hồi bất chợt đi vào và... "Đàn Bị Đứt Dây" !?.
Và Khổng Tử đã thảm thốt; "Trời hại ta! Trời hại ta!". Đối với cái chết sau 100 ngày của Nhan Hồi khi bị lỡ "lén nghe tiếng đàn" này! Và hiển nhiên khúc nhạc sau đó phải có tên: "Khổng Tử Khóc Nhan Hồi" là tất yếu. Dĩ nhiên Bá Nha uất nghẹn vì đã bước dẫm đúng vào dấu chân mà vị "Vạn Thế Sư Biểu" đã từng in hằn trước đấy. Vì thế bản photocoppy phải có tên là: "Bá Nha Khóc Tử Kỳ" mới đúng nguyên bản gốc của tôn sư để lại.
Từ đây; Chúng ta biết hệ thống Lục Kinh tất nhiên phải còn lại Ngũ Kinh mà thôi. Bởi đối với Kinh Nhạc; Khổng Tử phải có trách nhiệm khai tử nó bằng mọi giá.
Thật Kinh hoàng!
Bởi vì nền móng của văn hóa thật sự đã bị lung lay tận gốc rễ. Điều này nếu là sự thật; Thì cũng có nghĩa là đã đến thời điểm của ngày tận thế rồi vậy.
Sự việc đã thật sự trở nên nghiêm trọng một cách trầm trọng vô cùng.
Như thế, ta xét thấy kể cả Khổng Tử lẫn Bá Nha đều cùng tấu một "điệp khúc" oan khốc như nhau mà thôi! Vấn đề được đặt ra là đòi hỏi: Vì đâu nên nỗi thành ra nông nỗi dường ấy, đối với một người như Khổng Tử?!
Để minh bạch mọi sự, ta xét ở tầng sâu hơn của tư duy thì: Mọi sự đều bởi nguyên nhân từ tiếng đàn mà ra cả! Vì mỗi khi có ai biết nghe là ngay lập tức dây đàn có biểu hiện "sát" ngay tức khắc! Ta nhận định cây đàn mà Khổng Tử hay Bá Nha sử dụng đều chính là cây Dao Cầm. Cây đàn này còn được gọi là Thất Huyền Cầm. Do lúc Bá Nha và Khổng Tử sử dụng đều là 7 dây cả thảy. Vậy truy nguyên nguồn gốc, lai lịch của cây đàn này dần trở về quá khứ thì:
Do trước đấy Cơ Phát phạt Trụ đã thêm dây "Vũ" là dây thứ 7. Điều này cũng có nghĩa là trước khi Cơ Phát thêm vào thì đó là Lục Huyền Cầm. Thế thì trước Cơ Phát, Bá Ấp Khảo đã thêm dây thứ 6 gọi là dây "Văn" rồi!
Tôi kết luận:
Cây đàn Dao Cầm này, nguồn gốc ban đầu vốn có 5 dây mà thôi. Đó là Ngũ Huyền Cầm.
Tạm thời trở về quá khứ xa hơn nữa. Trong giới hạn phạm vi mà Khổng Tử có thể nhìn tới được như: Thời Nhà Ngu. Do Khổng Tử có thường nói chuộng nhạc cổ hơn kim. Tôi khẳng định điều ám chỉ của Khổng Tử chính là Khúc Nam Phong mà Vua Thuấn thường hay đàn.
Ở trong nẻo khuất xa của sử sách có rơi rớt đoạn:
Khi Vua Nghiêu thử Thuấn, có gả 2 em gái là Nga Hoàng và Nữ Anh cho Thuấn. Kèm theo của hồi môn là cây Dao Cầm có 5 dây! Và Vua Thuấn đã đánh đàn với khúc Nam Phong để trị nước. Kết quả thì như chúng ta cũng đã từng được sử sách mô tả lại rồi vậy, không nhất thiết phải chép lại ra đây làm gì.
Tôi tạm giới hạn phạm vi quá khứ xem xét từ giai đoạn này trở lại. Sau khi phân tích và làm rõ mọi sự thấu đáo. Tôi sẽ xét và trình bày đến tận cội nguồn, lai lịch của cây đàn Dao Cầm này sau. Thậm chí kể cả phục hồi lại giá trị nguyên vẹn, vốn đã thất lạc từ thuở dấu chim xưa lạc chốn mây ngàn.
Trên đây là những gì liên can đến cây đàn Dao Cầm chứa đầy oan khúc này. Đó là ta xét từ giai đoạn của Bá Nha trở về quá khứ, giới hạn trong phạm vi hoài vọng của Khổng Tử. Riêng dò về tương lai gần thì sao?
Ta lại bắt gặp dấu tích cây đàn này thêm một lần nữa. Dao Cầm chính là gói hành trang được mang trên vai của kẻ lang bạt Cao Tiệm Ly! Như thế; Tiếng đàn của Cao Tiệm Ly sẽ được tôi mô tả tường tận trong bài viết tiếp theo sau hai oan khúc vừa qua. Vì cớ gì mà một danh cầm nơi cung Dao Trì của Tiên cõi lại trở thành một "Oan Khúc Cầm Ma" như thế? Khiến đến nỗi một con người như Khổng Tử, vẫn bị mắc sai lầm "chết người" như bỡn?!
Những oan khốc này nhất định sẽ được làm sáng tỏ. Sau khi tôi trình bày qua 3 điển hình minh chứng làm cáo chứng. Đó là tiếng đàn của Cao Tiệm Ly và những oan khốc vẫn còn chôn vùi trong sự hãnh diện tai hại chung xưa nay.
Quả thật: "... Chặt hết trúc lam sơn, khó ghi đầy... oan khốc".
4 - CAO TIỆM LY VÀ UẤT KHÚC DAO CẦM!
"Phong tiêu tiêu hề Dịch thủy hàn,
Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn".
Đó là lời bài thơ ca ngày trước, khi Kinh Kha đứng bên bờ sông Dịch đã cảm khí cất lên, trước lúc vượt biên sang Tần thực thi "nhiệm vụ bất khả thi"..., dài tập.
Như ta đã biết; Nhiệm vụ bất khả thi diễn ra thời Tần vốn rất nhiều tập. Trong đó nổi trội trên hết là tập mô tả điệp vụ mà Kinh Kha phải thủ vai chính. Trong đó, tính bi tráng cùng những tình tiết của sự kiện này. Đã đi thẳng vào lịch sử và cắm sâu cội rễ vào lòng người, suốt hàng ngàn năm qua. Như mọi tác phẩm điện ảnh thường xem, người ta luôn nhớ đến nhân vật chính và luôn luôn quên mất đạo diễn!
Và bài viết này có chủ đích là phân tích sự việc qua góc nhìn của một giám khảo. Thậm chí cũng có thể xem là một quan án. Xem xét lại những tiềm án lịch sử này! Bởi lịch sử có quá nhiều những oan khốc, còn bị chôn vùi nhiều cách rất oan uổng. Khiến cho thần phải sầu, quỷ bật khóc, trước sự nhởn nhơ của nhân thế suốt ngàn năm qua.
Và:
Cận cảnh của quá khứ xa, đưa ta trở về với bài bi ca trên bờ sông Dịch thủy ngày ấy...
Trước lúc không gian khoác chiếc áo bóng đêm lên vạn vật, che dấu tung tích Kinh Kha vượt biên trên dòng Dịch thủy, để đột nhập sang Tần. Có người bạn "tri âm" đã tiễn Kinh Kha một điệu Dao Cầm trước lúc sang sông!
Ôi, Trời!... Độc giả hiểu ý tác giả đang muốn diễn đạt đến điều gì rồi chứ? (Nếu chúng ta đã từng thưởng thức qua hai tiếng đàn của Khổng Tử và Bá Nha mà tôi đã trình bày vừa qua).
Kẻ "tri âm" của Kinh Kha đã tiễn "bằng hữu" ngày đó trên bờ Dịch thủy chính là Cao Tiệm Ly! Một kẻ lãng du đúng nghĩa, đúng như yêu cầu... không mong muốn "!?".
Điều diễn đạt ở dòng trên, có nghĩa là: Khúc đàn tiễn đưa Kinh Kha trong ngày đó của Cao Tiệm Ly, đã có xảy ra tình tiết "đứt dây đàn"!!...
Kinh Kha hốt nhiên có cảm giác khí lạnh của gió hoàn hôn trên dòng Dịch thủy phủ trùm toàn thân. (Phong tiêu tiêu hề Dịch thủy hàn). Dĩ nhiên cảm giác đó đã thoát ra thành lời như: ... "Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn"!
Chỉ có riêng Kinh Kha và "tiềm ẩn thủ" Cao Tiệm Ly, hiểu được tương lai gần trong giới hạn của 100 ngày nữa, sẽ có kết quả ra sao trong ngày Kinh Kha ca khúc khải hoàn nếu có. Kinh Kha không nhận nhiệm vụ bất khả thi ngày đó là không được rồi vậy.
Ta phải thấy hành động của hai con người này ngày ấy, quả thật rất đáng để những thế hệ mai sau phải ngưỡng mộ. Tuy nhiên trong đó, lịch sử đang còn tiềm ẩn những giá trị bị vùi lấp một cách rất oan uổng. Bởi như những gì vừa nêu. Cho dù Kinh Kha có đi hay không. Cái chết ắt phải đến sau trăm ngày (âm bản cái chết của Tử Kỳ). Vấn đề là Kinh Kha chọn cái chết nào, để còn lưu danh sử sách ngàn sau.
Kể cũng đáng ngậm ngùi thay cho Kinh Kha ngày đó. Một kẻ lang bạt, thất chí, lỡ vận trong thế cuộc đương thời khi ấy. Dẫu sao, Kinh Kha cũng đã kịp lưu danh trong trang sử ngàn thu ở đắc thời tương lai sau.
Thời gian tiếp diễn, được biểu thị như dòng gạch nối xuống dòng như đoạn sau.
Kịch bản mà đạo diễn Cao Tiệm Ly âm thầm hy sinh người bạn tri kỷ của mình cùng với cái hộp lễ vật có dán mác "Phàn Ô Kỳ". Đã hoàn toàn phá sản trước thời hạn 100 ngày.
Cao Tiệm Ly đã uất ức dốc túi, lập "Dự Án" tiếp tục đầu tư với canh bạc cuối cùng bao gồm... cả tính mạng của chính mình với kế hoạch như sau:
Cao Tiệm Ly dùng thuốc tự xông cho mù đôi mắt của chính mình. Với chủ ý không để cho chức năng của thị giác gây phân tâm. Bởi theo lẽ thường thì người mù sẽ có được sự tập trung cao hơn cho thính giác. Chính vì thế nên Cao Tiệm Ly tập trung hết khả năng vào âm thanh của cây Dao Cầm. Mong sẽ dùng khả năng cảm nhận âm thanh tinh túy nhất mà phát huy toàn bộ tuyệt kỹ của ngón đàn còn tiềm ẩn trong đó. Khi Cao Tiệm Ly cảm nhận được âm thanh của tiếng đàn đủ gây chấn động cả Quỷ Thần mới tính kế mưu thích Tần Thủy Hoàng tập 2.
Sau đó, Cao Tiệm Ly mới lần mò, giả dạng, thành kẻ ăn mày với đôi mắt mù lòa. Hằng ngày vào lúc hoàng hôn hoặc những đêm trăng lạnh. Thường đến ngồi dưới chân tường phía bên ngoài thành dạo khúc Dao Cầm ai oán.
Tiếng đàn đã lay động cả quỷ thần, muôn trùng, thậm chí cả cỏ cây, đến cảnh vật nhất loạt ra vẻ thê lương. Tiếng đàn đó rồi trong một ngày, cũng len lỏi đến tai Tần Thủy Hoàng tận chốn thâm cung!
Tần Thủy Hoàng bị âm thanh của cây Dao Cầm làm cho say mê. Bèn cho người gọi Cao Tiệm Ly vào cung để hầu đàn cho Tần Thủy Hoàng nghe. Ban đầu, Cao Tiệm Ly phải ngồi xa xa phía dưới để đánh đàn. Về lâu, Tần Thủy Hoàng dần "nhiễm âm", dẫn đến giao động ý thức. Vả lại, do thấy Cao Tiệm Ly chỉ là một gã mù nên cho lại ngồi gần mà đánh đàn.
Cơ hội ngàn năm đã đến. Cao Tiệm Ly mới dùng tất cả ngón đàn ra để mà thích khách Tần Thủy Hoàng... Tần Thủy Hoàng tuy say tiếng đàn như muốn lạc cả hồn, lìa cả phách. Tuy nhiên ngón đàn của Cao Tiệm Ly cũng chỉ có thể gây dật dờ, cuồng quay, nghiêng ngã, ra chiều ngồi không vững cho Tần Thủy Hoàng mà thôi!
Tất cả tuyệt kỹ của Dao Cầm đã được tuôn hết ra trên các ngón đàn ngày đó. Cao Tiệm Ly cũng không thể nào rung nổi dây "Sát" của Dao Cầm, để phát huy "Thử Khúc" mà ngày xưa; Bá Nha lẫn Khổng Tử từng dạo phải trong cảnh giới vô tình lạc khúc !? (Điều oái oăm này, tôi sẽ lý giải sau khi đã đưa ra ánh sáng toàn bộ sự thật).
Và kế hoạch phát triển Dự Án của Cao Tiệm Ly ngày đó hoàn toàn phá sản. Thế rồi, mọi năng lượng uất ức hờn căm ngày đó. Cao Tiệm Ly đã dồn nén vào phía bên trong của cây Dao Cầm đạt đến 50 cân trọng lượng. Để rồi trong một ngày, Cao Tiệm Ly đã giải phóng năng lượng toàn phần, tiềm ẩn bên trong cây Dao Cầm này vào thời điểm; Tần Thủy Hoàng đang say nghiêng ngã cùng tiếng đàn... Thần thức dần lạc vào cõi mộng muội...
Thật không may, Cao Tiệm Ly đã phải vấp ngã 3 lần liên tiếp trên cùng một lối mòn. Chúng ta nói chung, không đủ để thấy được ngày đó: Thích Khách có hành tung Xuất Quỷ, Nhập Thần. Hành thích không để lại dấu vết, che mắt tất cả thiên hạ suốt hàng ngàn năm qua chính là Cao Tiệm Ly.
Xét lịch sử xưa nay trên bình diện địa cầu. Kẻ mà lên kế hoạch "Thích Vương" 3 lần mà vẫn chưa bị bại lộ tung tích thì quả thật chỉ có mỗi Cao Tiệm Ly mà thôi.
Kịch bản thứ nhất: Đạo Diễn phải hy sinh Diễn Viên Chính vốn là bạn tri âm của mình là Kinh Kha cùng với hai Vai Phụ: Phàn Ô Kỳ lẫn Tần Vũ Dương.
Kịch bản thứ hai: Đạo Diễn kiêm luôn vai Diễn Viên Chính và phải hy sinh đôi mắt của mình.
Kịch bản thứ ba: Đạo Diễn hy sinh luôn cả Diễn Viên Chính do mình thủ vai.
Chúng ta thấy: Lần mưu thích thứ nhất tuy thất bại. Hành tung của Cao Tiệm Ly vẫn chưa bại lộ! Đến kế hoạch thứ hai phá sản. Ma không biết, Quỷ không hay!! Nhiệm vụ cuối cùng cũng bất khả thi trong vô tăm sủi...
Hành tung tuy có bại lộ. Nhưng "hành tích" của Cao Tiệm Ly, đã tuyệt đối sánh cùng thiên cơ suốt hàng ngàn năm qua!
Tôi khẳng định:
Đôi bạn xứng nghĩa với hai tiếng "Tri âm" chính là Cao Tiệm Ly và Kinh Kha chứ không phải bất kỳ ai khác. Cho dù có hiểu theo bất kể giá trị tiềm ẩn nào có trong đó, hoặc không.
Nhân đây! Tôi không ngại soi rọi một tia sáng trong kỷ nguyên mới. Làm tan áng mây mù thiên cơ ngàn năm che phủ. Hầu chuyện chúng ta một vài trống canh, sau một ngày dài... Lăn lộn cùng cái nợ áo cơm ngày thường như sau:
Để tô đậm thêm cho những giá trị tiềm ẩn mà đôi bạn này ngày đó còn lưu lại làm minh chứng: Họ đã khắc lên "bia miệng" truyền đời mà tôi lại chép lại từ đầu của bài viết này:
"Phong tiêu tiêu hề Dịch thủy hàn,
Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn".
Tán Dịch...:
Thiên Thư mặc khải rằng:
Kẻ hành thích thiên kỷ Cao Tiệm Ly. Vốn đã được mặc định "tên tuổi" vào Dịch Lý với hai Quẻ: Tiệm và Ly!
Tiệm từ Quẻ: Phong Sơn Tiệm, thuộc cung Cấn của dương Thổ.
Ly từ Quẻ : Bát Thuần Ly, thuộc cung Ly của Hỏa.
Hội lý thiên cơ diễn ra trên địa phương của dòng sông Dịch của Kinh Dịch bao gồm:
Câu thơ ca: "Phong tiêu tiêu hề, Dịch thủy hàn. Thể hiện Dịch Lý thuộc Thủy. Từ đó câu đầu sử dụng lý của Quẻ: Phong + Thủy = Hoán!
Quẻ Phong Thủy Hoán vốn thuộc Quẻ được sinh ra từ Bát Thuần Ly (Cha đẻ là Cao Tiệm Ly). Hoán cũng có nghĩa là hoán đổi tính mạng của Kinh Kha cho kế hoạch thích khách Tần Thủy Hoàng ngày ấy.
Câu thứ hai: "Tráng sĩ khứ hề, bất phục hoàn".
Tiềm ẩn Quẻ Tráng thuộc: Lôi Thiên Đại Tráng. Bất phục hoàn thuộc quẻ: Địa Lôi Phục. Vốn thuộc ở chung cung Khôn của Thổ. Đó là Cửa Tử, trong Tám Cửa. Vốn là Mộ của vạn vật.
Phàm cung Khôn đã trãi qua quẻ Phục thì mới tới Đại Tráng. Cho nên Tráng không thể tiếp tới Phục được. Đó là ý của câu "bất phục hoàn" nếu một khi Tráng đã khứ.
Có nghĩa là đôi bạn "Tri Âm" này đã thống nhất kế hoạch hành thích ví ngang cùng Quỷ Thần ngày đó rồi. Thế nhưng có điều gì mà phải cam chịu thất bại?
Tuy mặc dù sở học ngày đó của quái kiệt Cao Tiệm Ly hiểu thấu rằng:
Tần Thủy Hoàng rất cao siêu về dụng Dịch. Ví như Tần Thủy Hoàng biết Thời - Vận - Mệnh vốn thuộc Thủy Cuộc. Từ đó mới lấy hiệu là Thủy Hoàng Đế. Vả lại, Thủy là màu đen, nên Cờ, Giáp, Màn, Trướng đều thể hiện màu Đen. Lại nữa; Thủy vốn là số 6. Từ đó Thủy Hoàng Đế luôn đi xe 6 ngựa kéo. Ở 6 cung. Sau này vì do thích khách quá nhiều nên đã dụng: 6x6 = 36. Ta thấy Tần Thủy Hoàng đã ở theo 36 cung, và đi 36 xe mới khiến nên Trương Lương; Một lần nữa phải chịu cảnh lưu vong nước người mà mượn đầu heo nấu cháo.
Có một điều mà Cao Tiệm Ly cùng Kinh Kha tính không ra là; Đại Tượng đã ứng hiện thiên cơ ngay trên bờ sông Dịch Thủy ngày đó, trước lúc sang Tần rồi. Bởi Cao Tiệm Ly thuộc Hỏa. Kế hoạch Phong Thủy hoán cũng thuộc Hỏa.
Vậy mà khởi sự tại đất của Dịch thủy! Xuất phát tại Cửa Tử. Thời, Thế, Vận, Mệnh đều thuộc Thủy. Cao Tiệm Ly đã mang lửa đuốc ra đầu ngọn thác rồi vậy.
Âu! Cũng là định mệnh mà phận số đã an bài.
Dẫu sao đôi bạn tri âm Cao Tiệm Ly cùng Kinh Kha ngày đó, đã đi thẳng vào một trang trong Thiên Thư cho tới tận ngày hôm nay. Và chỉ chịu chấp nhận đứng trước "vành móng..." của vó ngựa Tiêu Sương mà thôi.
Để kết thúc bài viết kỳ này:
Ở đây tôi chưa bàn đến độ quán triệt. Ta thấy chí ít, Cao Tiệm Ly mới thật sự sở hữu ngón đàn có thể miêu tả là Tuyệt Kỹ Dao Cầm này. Còn Khổng Tử lẫn Bá nha trước đó chưa có thể chạm tới ngưỡng này cho được. Bởi điệp khúc "Khóc Tri Âm" trước đó, vốn tại vô tri âm mà gây ra cớ sự cả thôi. Riêng khúc "Cao Tiệm Ly Khóc Kinh kha" mới thật sự là Tri Âm một cách có chủ ý.
Như thế; Qua đơn cử 3 lần khóc tri âm trong quá khứ của lịch sử. Ta nhận định được giá trị đích thực của cây Dao Cầm là không thể chối bỏ. Tuy nhiên, vết hằn dấu chân của Khổng Tử trước đó đã khiến cho Bá Nha về sau dẫm phải một cách rất bi thương. Vậy dấu chân của Cao Tiệm Ly có gây vấp ngã cho hậu thế nào không? Điều này khiến ta phải soi tư duy vào góc khuất kho tàng thư của sử xanh... xem sao?
Bởi vết dấu của Cao Tiệm Ly và Kinh Kha xứng đáng là một thiên anh hùng ca đầy bi tráng. Trong chừng mực của một tương lai gần của lịch sử đã qua. Ánh hào quang đó, dễ khiến cho một kẻ sĩ nào đó. Trong một sự kiện nào đó nữa;
Nguyện được làm kiếp... "thiêu thân".
Điều tôi muốn diễn đạt là: Tiếng đàn Sĩ Nhiếp cùng Kê Khang qua Khúc Quảng Lăng Tán!
Và đó: Cũng là đề tài của bài viết có tính móc xích tiếp đến...
dienbatn giới thiệu. Xin theo dõi tiếp bài 4.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét