CUỘC CHIẾN GIỮA CÁC PHÁP SƯ VÀ HAI CÕI ÂM DƯƠNG. BÀI 30.
NHỮNG NĂM THÁNG HỌC HUYỀN MÔN.
Từ phần này trở đi có tên gọi là NHỮNG NĂM THÁNG HỌC HUYỀN MÔN. Đó là những tháng ngày vô cùng vất vả, trải nghiêm đủ Hỉ- Nộ- Ái - Ố của dienbatn . Cũng đã qua từ lâu rồi , xin kể lại để các bạn cùng chiêm nghiệm . Thân ái. dienbatn.
PHẦN 3 : NHỮNG CUỘC LỮ HÀNH.
Hai hôm sau , Thầy trò tôi đã có mặt tại Sài Gòn . Thày Chàm dẫn tôi đi thăm những người bạn già của Thày tại đây . Tại Sài Gòn có rất nhiều cao thủ Huyền môn đang sinh sống và tu luyện . Thông thường các Thày sau khi tu luyện trên núi , khi Hạ sơn thường chọn Sài Gòn làm nơi hành nghề và đón tiếp , giao lưu với các cao thủ của môn phái khác . Chúng tôi đến một quán Càfe tại Xóm Củi quận 4. Nơi đây là nơi tụ tập của các “ Linh Căn – Linh cẳng” của cả Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Ông chủ quán cũng là người trong Huyền môn. Quán này chỉ có Càfe và mì chay nhưng ngày nào cũng có vài chục vị “ Linh Căn – Linh cẳng” ngồi đồng. Các vị “ Linh Căn – Linh cẳng” này rất lạ, thường thì ngồi im , ngó mông lung người qua người lại , hoặc trò chuyện những chuyện chẳng ăn nhập gì đến Huyền môn cả. Tuy nhiên , những người trong Huyền môn sẽ biết rõ họ là ai ,có thể tìm ở đâu ? và họ có thể làm gì. Hai Thày trò chúng tôi chọn một bàn nơi góc khuất và kêu 2 cái Bạc sửu . Vừa ngồi xuống ghế , tôi bất chợt thấy Thày Chàm cười nhạt một tiếng và giơ ngón tay trỏ vẽ một vòng tròn trước mặt rồi thản nhiên bê ly Bạc sửu nhấp một hụm. Cũng gần như ngay lập tức , tôi thấy những làn sóng xung kích ào ạt tràn tới khiến như muốn ngộp thở.Nhớ lời Thày dạy, tôi cung tay lẩm bẩm câu Chú tấn công địch thủ có Bùa : “ Ý sơn nhơn ý thá má tế ma tha hét thét gần măng lầy căn hăng á “ . Hàng loạt tiếng cười ầm ĩ nổi lên khắp quán. Nhướng mắt nhìn xung quanh, tôi thấy một vị còn khá trẻ ngồi ngay cửa quán mắt trợn ngược , xùi bọt mép ra. Thày Chàm chạy lại vỗ lên đỉnh đầu anh ta mấy cái , lập tức anh ta tỉnh lại. Lúc này , mọi người mới xích ghế ngồi quanh bàn càfe chúng tôi ngồi , cười nói vui vẻ, hỏi chuyện Thày Chàm. Chuyện thường ngày ở Huyện. Tuy hình dong , bộ dạng và hành động của họ có vẻ cổ quái , nhưng khi tiếp xúc nói chuyện với họ , dienbatn thấy họ vô cùng dễ mến và đáng tin cậy.Trong số những người này , đa phần là những vị hành nghề , soi căn , coi bói , giải thư ếm , chữa bệnh bằng bùa phép , Thày Ngải , làm phong thủy nhà cửa , đất cát ….Trong buổi sáng hôm đó , Thày Chàm giới thiệu cho dienbatn làm quen và kết giao được với một số đồng Đạo mà về sau này , trên con đường Thiên lý của mình , dienbatn được họ trợ duyên hết sức hiệu quả .
Chiều đó, chúng tôi đến thăm các vị tu tại ĐIỆN ĐÀI THÁI BẠCH . Đây là nơi thờ tự và tu luyện của các vị bên phái Thiên Khai Huỳnh Đạo của Đạo Cao Đài. Theo lời dạy của các vị tu tại đây thì Thiên Khai Huỳnh Đạo Theo chu kỳ của Tạo hóa, nay buổi tàn ngươn mạt pháp, Tam giáo thất chơn truyền, nhân tâm ly tán, Tam ngươn một thuở Thượng đế ban truyền Huỳnh Đạo để mở lại một cuộc tuần hoàn dài 12 vạn 9 ngàn 6 trăm năm.Thượng đế thương xót nhân loài trong cơn điên đảo vì văn minh vật chất và dục vọng đa đoan, nên Đức Thượng Đế ban truyền đây là thời kỳ Đại xá và độ tận chúng sanh (nghĩa là chọn lọc bậc hiền nhân đức độ, phân tà lọc chánh để phán xét Đại đồng ở ngày Long Hoa đại hội, đại xá nghĩa là tất cả tội lỗi xưa kia đều xóa bỏ, không phân biệt kẻ hiền, kẻ dữ, ai cũng có thể được nghe những chơn lý đạo đức hầu hướng về con đường thiện).
Đạo Cao Đài được Đức Ngọc hoàng Thượng Đế khai sáng từ năm Bính Dần (1926) với lời tiên tri 36 năm thành Đạo. Nhưng đến 36 năm (1962), vì cảnh khảo đảo của Ma Vương, Đạo Cao Đài chỉ thành về mặt vô vi với Huỳnh Đạo ra đời tiếp nối.
Vì kỷ nguyên Đạo Vàng đệ nhứt,
Nối Cao Đài lãnh vực phổ hoằng,
Tam kỳ chiếu diệu hạ tầng,
Thiên Khai Huỳnh Đạo chuẩn thằng Ngũ châu.
Sau đó do lời cầu xin của Đức Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Đại Từ Tôn ban hồng ân cho “Tam niên đại xá”.
Vì thế tuy đã ban sơ từ Hội Thánh Cao Đài Nhị Giang 1959 rồi về Long Vân Đại Pháp Nam Thành Thánh Thất ( Đường Nguyễn Cư Trinh Quận 1 ) và Long Vân Đại Đàn cuối năm 1961 nhưng mới được Đức Thượng Đế chánh thức ban truyền bắt đầu từ năm Nhâm Dần (1962).
Do Thiên cơ biến chuyển, từ năm Nhâm Dần đến nay là 11 năm, Huỳnh Đạo gồm có nhiều giai đoạn như sau:
1/ Tam niên Đại xá:
Đó là bắt đầu năm 1962, Đức Diêu Trì Kim Mẫu khải tấu với Đức Thượng Đế xin “Tam niên ân thọ” để cho các nguyên căn linh vị trường chay, luyện pháp hầu trở về ngôi vị ngàn xưa khỏi sống lộn với thú cầm.
Lòng từ bi của Đức Mẹ đã thể hiện:
“Ba sáu năm khai tuồng Đại Đạo,
Để ngày nay hoài bão nhuyên nhân,
Hai phen nhập hóa thức thần,
Thiên Khai Huỳnh Đạo chuyển trần Tam Niên”
2/ Ngũ niên Chuyển xá:
Bắt đầu từ tháng 8 năm Giáp Thìn (1964). Vì chánh pháp chưa minh, Đức Thượng Đế và Đức Diêu Trì Kim Mẫu gia ân thêm “Ngũ niên chuyển xá” do sự cầu nguyện của chúng sanh và Thánh Thần Tiên Phật khải tấu. Và kể từ đó Đức Di Lặc được sắc chỉ lâm phàm tái tạo Thượng ngươn.
Những phần minh chứng điều này như sau:
“Từng cao vòi vọi lưới Trời,
Thầy minh còn rõ những lời Phật Tiên.
Ân từ Điệp sắc “Ngũ niên”
Là phần Di Lặc quản quyền mà thôi”
Như vậy, Ngũ niên chuyển xá là hồng ân đại xá và quản quyền của vị Đương lai Giáo chủ Long Hoa Hội Thượng là Di Lặc Phật Vương Thiên Tôn vậy.
3/ Tứ niên tuyển pháp:
Sau 5 năm ân xá là “Tứ niên tuyển pháp” mà Đức A Di Đà Phật đã hội chung Tam giáo cầu xin Thượng Đế gia giảm nhân loài để tuyển quy hàng Tam công hầu dự hội Long Hoa.
4/ Tứ niên hậu xá:
Lòng từ bi vô lượng, trước Tòa Tam giáo, kể từ năm Nhâm Tý (1972) Đức Hồng Quân Thượng Tổ ban ân cho “Tứ niên hậu xá” hầu kết thúc cơ Long Hoa diễn biến.
Thầy đã dạy rằng:
“Truyền Tam giáo ân hồng Nhâm Tý
Kể từ nay là kỷ nguyên hòa,
‘Tứ niên hậu xá’ Long Hoa
Của Thầy lập pháp gọi là cho chung”
1/ Căn bản:
Thiên Khai Huỳnh Đạo đặt trên căn bản “Nhân, Nghĩa, Thành, Tín”
a) Nhân: là tình thương, lòng từ ái không giới hạn trong không gian và thời gian.
- Đối nội: (với mình) tự mình phải rèn luyện một tinh thần đạo đức nghĩa là phải có lòng khoan hồng, bác ái, việc gì cũng thuận theo lẽphải.
- Đối ngoại: có lòng nhân đối với người nghĩa là cái gì mà bản thân mình mong muốn thì đem ra thi hành cùng với mọi người và không bao giờ bị tư ý ràng buộc.
b) Nghĩa: là định rõ các phận cho điều hòa để xử sự bất kỳ trong mọi trường hợp cho phải lẽ và hợp lý. Nghĩa với gia đình, nghĩa với xã hội nước non, thấy điều bất công mà ra tay tế độ là người thi nghĩa vậy.
c) Thành: là sự thành thật không sai ngoa, dốc lòng tin tưởng vào một việc gì. Có câu rằng: “Đạo gốc bởi lòng thành, tín hiệp” nghĩa là Đạo, cái bổn gốc của nó là do tâm thành khẩn và lòng tin tưởng mới có mà thôi.
d) Tín: là do sự tin tưởng mà người khác đặt vào mình. Tín là điều kiện thiết yếu để thắt chặt tình bằng hữu và có sự tin cậy lẫn nhau.
2/ Tôn chỉ: Trên mọi phương diện hành Đạo, Huỳnh Đạo đặt tôn chỉ là “Từ bi, Bác ái, Công bình”
- Từ bi: thấy sự khổ đem lòng nhân, lòng hiền mà thương xót.
- Bác ái: lòng thương vô cùng rộng lớn.
- Công bình: không vị nể, thiên lệch.
Phải thể hiện đức từ bi rồi đi lần đến bác ái, công bình, vì có từ bi rồi mới thương chung muôn loài vạn vật thực hiện đức bác ái, và từ đó mới rõ lẽ công bình.
3/ Mục đích:
a) Cứu thế lập đời: Trong thời mạt pháp, Huỳnh Đạo có sứ mạng độ dẫn nhân sanh hướng thiện hầu lập lại đời Thánh Đức thượng ngươn.
b) Thống Ngũ chi, Quy Tam giáo: Nghĩa là Huỳnh Đạo sẽ quy Ngũ chi và Tam giáo gom về một mối là Trung ương, vì Huỳnh Đạo chính là Vô vi Đại đạo dùng sắc Huỳnh nơi Trung ương Mồ Kỷ Thổ.
c) Đoạt cơ siêu thoát: Những Thiên phong Huỳnh Đạo sẽ dùng Tam Thiên Bí Pháp (nam) và Di Đà Mật Chỉ (nữ) rèn luyện thành Kim Thân Thánh Thể giải thoát trở về nguyên vị và ứng trợ cơ Long Hoa` “đại vận sát”.
Chơn truyền của Huỳnh Đạo là chơn truyền của Tam giáo, đầy đủ và trọn vẹn hơn gồm ba đặc điểm về Sự, Lý, Pháp.
a) Về Sự: Huỳnh Đạo hiểu theo lẽ cao nhiên chứ không tầm thường như thế nhân thường hiểu.
- Như về hiếu, không phải chỉ chăm nom phụng dưỡng mà phải trọn dạ thương yêu khi sanh tiền cũng như lúc quá vãng, nghĩa là cứu vớt linh hồn Cửu Huyền Thất Tổ bằng cách lập công bồi đức vẹn vẽ tu hành.
- Như tín, giữ chữ tín vì do lòng thương yêu sợ người khác đợi chờ, nghĩa là vì người chứ không vì bản ngã cá nhân.
b) Về Lý: Với lý siêu từa, Huỳnh Đạo quan niệm cái lý trường miên thoát tục chớ không ngắn ngủi trong vòng trăm tuổi. Quan niệm về thân tứ đại, không phải quá vì thân này mà cũng không ép mình khổ hạnh thân xác. Đó là lú siêu nhiên của Huỳnh Đạo: “chơn và giả phải đi đôi với nhau”.
c) Về Pháp: Huỳnh Đạo không chấp ở hữu hay vô mà cả hữu vô trọn vẹn, gồm Tiên Thiên và Hậu Thiên ứng hóa, không nhắm vào một sự ứng nghiệm, một huyền linh nhất thời nào về hữu hình hay vô hình mà Huỳnh Đạo chỉ nhắm vào cái lẽ miên trường, vĩnh cửu nơi cõi Thượng Thiên an nhàn tự toại.
Tóm lại, với tôn chỉ và mục đích rõ ràng, Huỳnh Đạo không những là cơ Đạo thuần túy dân tộc, lấy đức từ bi chan rãi cho tất cả nhân loài, dụng lòng vị tha và xả kỷ để độ khắp trần ai lánh mê giải khổ (tìm về con đường giải thoát siêu linh), mà Huỳnh Đạo còn là cơ duyên đại kiếp, là cơ sảy sàng tuyển trạch những nguyên căn linh vị. Ai hữu phước, hữu duyên nhứt lòng vì Thầy, vì Đạo thì sẽ được ân hồng trong kỳ ba mạt pháp, lãnh bí truyền do chính ơn trên truyền dạy để hiển đoạt thần thông hầu quy hồi cựu vị. Còn người vì chốn mê đồ, danh bả thì ngày phán xét cuối cùng sẽ tường minh phận số.
Thời kỳ này là thời mạt pháp, bao cảnh tang thương bao hồi ly tán, Đức Thượng Đế vì lòng hiếu sinh ban rãi cho nhân sanh mối Đạo Vàng thâm diệu, thì nhân sanh sau khi đã am tường thấu đáo những yếu lý cao siêu của Huỳnh Đạo hãy cố gắng hồi đầu hướng thiện học chữ tu hành, trước là tự cứu bản thân, sau là độ rỗi linh hồn Cửu Huyền Thất Tổ được siêu thăng tịnh độ.
Nam mô Huỳnh Đạo cứu đời,
Thuấn Nghiêu tái lập ơn Trời nhuận ban.
Trong Thiên Khai Huỳnh Đạo , khi đặt Pháp danh , đàn ông lấy chữ Thiên , Đàn bà lấy chữ Diệu làm tên đầu Pháp danh .
Tại đây , dienbatn làm quen và rất mến với hai huynh Thiên Bảo và Thiên Nhiên Kỷ . Huynh Thiên Bảo trạc ngoài 70 tuổi , trông mình mai xương hạc , Phong Tiên Đạo cốt . Huynh Thiên Nhiên Kỷ khi viết bài trên Tuvilyso lấy bút hiệu DaoKy. Sự hiểu biết và kiến thức về Huyền môn , về các tông phái Đạo giáo của hai Huynh hết sức sâu rộng . dienbatn gặp được hai Huynh Thiên Bảo và Thiên Nhiên Kỷ thật vui và học thêm được rất nhiều kiến thức mà mình còn khiếm khuyết.
Thày Chàm cũng dẫn tôi về thăm Tổ Đình Quốc Tổ Lạc Hồng tại Nguyễn Thái Sơn – Gò Vấp.
Tổ Đình Quốc Tổ Lạc Hồng tọa lạc tại số 94 đường Nguyễn Thái Sơn Quận Gò Vấp Thành Phố Hồ Chí Minh đã được xây dựng từ năm 1962 (lúc này tên đường là Phan Thanh Giản) là nơi để người Việt tưởng nhớ Tổ Tiên, nguồn cội.
Vào năm 1962, ông kiến trúc sư Võ Văn Tần đã hiến 600m2 đất tọa lạc trên gò mả đường Phan Thanh Giản (nay là đường Nguyễn Thái Sơn) cho ông Phan Công Khâm dùng để làm nơi thờ tự dưới danh nghĩa Hội Thánh Thiên Khai Huỳnh Đạo.
Đầu năm 1963, ông Phan Công Khâm, pháp danh Sơn Hồng Đăng (Pháp chủ Huỳnh Đạo lúc bấy giờ), cùng với ông Ngô Hoàng Dư (Chưởng giáo Huỳnh Đạo) đã qui tụ số đông bô lão trí thức yêu nước thành lập ngôi thờ tự dưới tên gọi Bửu Tòa Di Lạc. Thành phần ban phụng tự lúc này do ông Ngô Hoàng Dư làm trưởng ban cùng với một số tri thức cùng nhau cai quản ngôi thờ tự.
Ngôi Bửu tòa Di Lạc được hoàn thành vào năm 1964 thờ phật Di Lạc trên tầng gác, chánh điện thờ Vua Hùng Vương, bên trái chánh điện thờ Lạc Long Quân Phụ, còn bên phải thì thờ Hồng Bàng Tiên Mẫu. Vào mùng 10 tháng 3 âm lịch – ngày giổ tổ Hùng Vương và mùng 5 tháng 5 âm lịch – lễ Hồng Bàng Tiên Mẫu có đông đảo đồng bào qui tụ về lễ bái trang trọng. Ngoài những ngày lễ thì ngày rằm và mùng một hàng tháng cũng thường xuyên có khách thập phương về đây dâng hương.
Đến năm 1969, ông Ngô Hoàng Dư qui liễu. Ông Sơn Hồng Đăng và các bô lão vẫn tiếp tục thờ cúng, tu bổ ngôi Bửu Tòa.
Đến năm 1975, ông Sơn Hồng Đăng về sinh sống ở Cần Thơ và gửi cho ông Nguyễn Văn Bửu pháp danh Thiên Án làm trụ trì, trông coi hương hỏa. Đây là thời gian mà Thiên Khai Huỳnh Đạo hoạt động rất rầm rộ.
Đến năm 1993, ông Thiên Án qua đời, ông Sơn Hồng Đăng trở lại tiếp tục tiếp quản Bửu Tòa, giải tán Hội Thánh Thiên Khai Huỳnh Đạo, và dẹp bỏ những lễ nghi không phù hợp với việc thờ Quốc Tổ. Theo lời di huấn của các bậc tiền nhân gửi gắm, ông Sơn Hồng Đăng đã chính thức chuyển đổi ngôi Bửu Tòa Di Lạc thành Tổ Đình Quốc Tổ Lạc Hồng, hướng về nguồn cội, thờ phụng tổ tiên theo nguồn gốc lịch sử dân tộc. Thời gian này , việc thờ cúng Quốc Tổ Hùng Vương chưa được công nhận nên mọi hoạt động còn bị ngăn cản rất nhiều từ phía chính quyền.
Như vậy, qua bao thăng trầm đổi thay của thời cuộc, vào đầu thập niên cuối thế kỷ XX, Tổ Đình Quốc Tổ Lạc Hồng đã chính thức ra đời ở ngay trung tâm phía Nam của tổ quốc.
Từ ngã năm công viên Gia Định đi theo đường Nguyễn Thái Sơn không xa, một ngôi Tổ Đình trang nghiêm mang tên “Quốc Tổ Lạc Hồng”. Cửa chính đi vào là điện thờ Quốc Mẫu Âu Cơ, trên bệ cao tượng Mẹ Âu Cơ, được đúc bằng đồng từ những năm 70 của thế kỷ trước theo hình vẽ của họa sỹ Thụy Lam, dáng đứng thẳng, mắt nhìn về phương Nam. Tay phải, Mẹ cầm bó lúa, tay trái vuốt nhẹ đầu rồng, hai bên có cặp hạc đứng trên lưng rùa chầu Quốc Mẫu. Hai bên vách trước điện có đôi câu đối “Trông biển nhớ ơn Cha”, “Nhìn non thương nghĩa Mẹ” như nói hộ tấm lòng của hàng triệu đồng bào tri ân Quốc Mẫu.
Tầng gác phía trên điện Quốc Mẫu là nơi thờ Quốc Phụ Lạc Long Quân, sừng sững ngay chánh điện là pho tượng Cha Lạc khoát áo Long Mã Phù Đồ tay trái cầm khúc tre, tay phải cầm bụi lúa, ngồi xếp chân, cặp mắt to nhìn thẳng có thần sắc uy nghi mà ai mới nhìn lần đầu cũng khép mình tôn kính.
Đi vào bên trong là Hùng Vương Bửu Điện thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Pho tượng Vua Hùng, từ trước tới nay không thay đổi, uy nghi đứng trên quả địa cầu có năm rồng chầu. trên tay trái của Vua cầm kim ấn thể hiện vương quyền và trên tay phải cầm thánh chỉ như răn dạy cháu con noi theo di huấn.
Phía trước Vua Hùng là cặp hạc đứng trên lưng rùa ngẩng cao đầu chầu Quốc Tổ, được đặt giữa chánh điện là phiên bản trống đồng ngọc lũ, một trong những quốc bảo của nhà nước Văn Lang, để khách viếng thăm chiêm ngưỡng.
Trong các bức tường phía ngoài cổng đi vào , treo các tranh đề thơ của nhiều ẩn sĩ viết tặng Tổ Đình.
Chối từ trung hiếu với Trời xanh.
Còn kiếp nào đâu để tựu thành.
Sự sống thời gian là hiện tượng.
Giác là vô diệt – Ngô vô sanh.
THRT.
THỜI GIAN CÓ TRƯỚC CÓ SAU.
GIÁC NGỘ KHÔNG SAU , KHÔNG TRƯỚC.
Có những niềm vui rất lạ thường,
Chìm trong ý niệm , niệm không vương.
Biến thành năng lực vô sanh , diệt.
Mở khiếu Đồ thơ , xóa ngục đường.
THRT.
Một dân tộc mất đi nền Văn minh mẹ đẻ thì sớm bị nô lệ, muộn sẽ đồng hóa tiêu vong.
Hãy nhớ tương lai nhiều biến đổi ,
Nhưng không đổi biến được hồn thiêng.
LẠC LONG QUÂN PHỤ -ÂU CƠ MẸ,
Chờ đợi vung tay Quốc lệnh truyền.
THRT.
Muốn thoát ra ngoài phải vào trong,
Chưa thành Tiên , Phật chớ quên lòng.
Hạt sen chẳng bám nơi bùn , bụi.
Thì đến muôn đời chẳng trổ bông.
Công Hầu Khanh Tướng thủa nào đây ?
Cùng một lần qua ở lối này.
Thế hệ đổi thay người cũ mới,
Mà mây còn trắng vẫn còn bay.
………………………………..
Có phải Hồn thiêng của núi sông,
Mất đi từ thủa mất cha ông ?
Nay ta dựng dậy Hồn sông núi,
Để trả Hồn thiêng lại núi sông.
THRT.
Một cuộc chia tay rất diệu huyền,
Của Cha và mẹ rất thiêng liêng.
Vì con trăm trứng thời gian biến,
Quên cả tư tình , hạnh phúc riêng.
………………………………….
Trải bao thế hệ vẫn oai cường,
Dựng nước Vua Hùng mở sử cương.
Hào kiệt , Anh thư thề nối nghiệp,
Từ trong bọc trứng nở yêu thương.
Vì Thày Chàm có việc phải về ngoài miền Trung nên dienbatn ở lại Thành phố Sài Gòn tranh thủ thăm hỏi và giao lưu với các Huynh đệ , tỉ muội ở đây .
Hai huynh Thiên Bảo và Thiên Nhiên Kỷ trong thời gian này giành rất nhiều thời gian và công sức , truyền đạt lại những hiểu biết về Thiên Khai Huỳnh Đạo cho dienbatn . Vào một ngày đẹp trời , tại Liên Hoa Cửu Cung Thủ Đức , hai huynh Thiên Bảo và Thiên Nhiên Kỷ làm lễ Quán đảnh và nhập môn phái Thiên Khai Huỳnh Đạo cho dienbatn. Từ nay trong Thiên Khai Huỳnh Đạo , dienbatn có Pháp danh là Thiên Hùng.
Cũng cần nói thêm một chút về Thiên Khai Huỳnh Đạo . Lịch sử của đạo Cao Đài gắn liền với sự phổ biến Cơ bút tại Việt Nam đầu thế kỷ XX. Có thể nói, Cơ bút là nền tảng căn bản cũng như mọi yếu tố liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của tôn giáo Cao Đài từ quá khứ đến hiện tại, từ việc thu nhận tín đồ, phong chức sắc, ban hành luật đạo, các nghi thức cúng tế, phẩm phục, kinh điển, thậm chí đến các thiết kế cơ sở thờ tự cũng được thông qua bởi hình thức Cơ bút.
Hai hình thức Cơ bút ảnh hưởng đến sự ra đời của tôn giáo Cao Đài là thuật Xây (xoay) Bàn (la table tournante) theo thuyết Thông linh học (Spiritisme) của Allan Kardec đến từ Pháp, và Đại ngọc cơ (大玉機) xuất xứ từ Trung Quốc.
Thiên Khai Huỳnh Đạo là một nhánh của cao Đài cũng sử dụng Cơ bút là chính . Nhánh này có nhiều đóng góp trong việc giải khai những Huyệt Đạo bị Trấn Ếm trên toàn cõi Việt Nam .
Bát quái Thiên đồ trận tại Liên Hoa Cửu cung – Thủ Đức .
Từ ngày nhập môn theo phái Thiên Khai Huỳnh Đạo , dienbatn được các huynh Thiên Bảo và Thiên Nhiên Kỷ dẫn đi hành lễ nhiều nơi , nhưng chủ yếu tại Liên Hoa Cửu cung – Thủ Đức và tại ĐIỆN ĐÀI THÁI BẠCH Phú Nhuận . Biết rằng các Huynh Đệ, Tỷ Muội của phái Thiên Khai Huỳnh Đạo thường đi giải khai Huyệt Đạo bị Trấn Ếm trên toàn cõi Việt Nam , một bữa , dienbatn hỏi Huynh Thiên Nhiên Kỷ : Anh có rành về thuật Phong thủy – Địa lý không ? Rất ngạc nhiên , Huynh Thiên Nhiên Kỷ hỏi lại : Thế đệ cũng biết về Phong thủy – Địa lý hay sao ? dienbatn liền kể về gia đình mình đã mấy đời làm Địa lý ở Hà Nội và đã được ông nội và cha dạy cho môn này từ hồi còn rất nhỏ . Tuy nhiên vì trình độ rất hạn hẹp nên còn vô số những yếu quyết được truyền dạy mà không hiểu được . Suy nghĩ một lúc Huynh Thiên Nhiên Kỷ nói : Để ngày mai Huynh sẽ dùng Cơ bút chép lại cho đệ một số kiến thức cơ bản về thuật Phong thủy – Địa lý nhé.
Quả nhiên , chỉ 2 ngày sau , Huynh Thiên Nhiên Kỷ đưa cho dienbatn một sấp giấy dày ghi dày đặc chữ . Huynh nói : Đệ về xem và chịu khó suy nghĩ nhé.
Ngay đêm đó , dienbatn đọc ngấu nghiến những trang giấy mà Huynh Thiên Nhiên Kỷ đưa cho . Quả thật là một chân Trời mới rộng mở trước mặt . Nhân đây cũng xin chia sẻ với các bạn một chút hiểu biết về Phong thủy - Địa Lý mà Huynh Thiên Nhiên Kỷ nhận Điển giao cho. Cũng xin đốt một nén Tâm hương tưởng nhớ về một người anh lớn đã đưa dienbatn những bước chân đầu tiên vào Thiên Khai Huỳnh Đạo .
Xin theo dõi tiếp bài 31. dienbatn.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét