GIẢI MÃ NHỮNG BÍ ẨN VỀ KINH THÀNH HUẾ VÀ LĂNG MỘ CÁC VUA NGUYỄN. BÀI 25.
Thứ Hai, 20 tháng 7, 2020
GIẢI MÃ NHỮNG BÍ ẨN VỀ KINH THÀNH HUẾ VÀ LĂNG MỘ CÁC VUA NGUYỄN. BÀI 25.
I.NGUỒN GỐC VÀ QUÁ TRÌNH KHỞI PHÁT CỦA 9 ĐỜI CHÚA VÀ 13 ĐỜI VUA NHÀ NGUYỄN. II.LĂNG MỘ CỦA CÁC VUA NGUYỄN TẠI HUẾ. 1.LĂNG THIÊN THỌ CỦA VUA GIA LONG. 2. HIẾU LĂNG CỦA VUA MINH MẠNG. 3. XƯƠNG LĂNG(昌陵) - LĂNG CỦA VUA THIỆU TRỊ. 4. KHIÊM LĂNG – Lăng Tự Đức (chữ Hán: 嗣德陵) 5. LĂNG VUA KHẢI ĐỊNH. 6.CUỘC CHIẾN TÂM LINH RÙNG RỢN GIỮA NHÀ NGUYỄN GIA LONG VÀ NGUYỄN HUỆ - TÂY SƠN. 7. NHỮNG CUỘC TÀN PHÁ VÀ THẢM SÁT CỦA NHÀ TÂY SƠN. ( Bài đọc thêm phần tư liệu ). 8.ĐƯỜNG TOẠI ĐẠO Ở LĂNG VUA CHÚA TRIỀU NGUYỄN. 9.ĐÀN NAM GIAO TẠI VIỆT NAM . I.ĐÀN NAM GIAO Ở THĂNG LONG. 1. Đàn Nam Giao Thăng Long Thời Lý - Trần- Lê: 2.ĐÀN NAM GIAO TẠI THÀNH NHÀ HỒ - THANH HÓA. 3. ĐÀN NAM GIAO TẠI THỌ XUÂN - THANH HÓA. 4. ĐÀN TẾ NAM GIAO CỦA TÂY SƠN Ở BÌNH ĐỊNH. 5. ĐÀN TẾ NAM GIAO TẠI HUẾ. 1/ ĐÀN TẾ NAM GIAO CỦA TÂY SƠN TẠI NÚI BÂN – HUẾ. 2/ ĐÀN NAM GIAO NHÀ NGUYỄN TẠI PHỦ DƯƠNG XUÂN THỜI CÁC CHÚA NGUYỄN: 3/ ĐÀN NAM GIAO NHÀ NGUYỄN TẠI KINH THÀNH HUẾ.( Tiếp theo ). TƯ LIỆU 1 : LỄ TẾ ĐÀN NAM GIAO TẠI HUẾ NĂM 1935. Những hình ảnh về lễ tế Đàn Nam Giao được diễn ra vào năm 1935 cho chính vua Bảo Đại đích thân chủ trì. TƯ LIỆU 2 : LỄ TẾ ĐÀN NAM GIAO TẠI HUẾ NĂM 1924. Ảnh quý về Lễ tế đàn Nam Giao của vua Khải Đinh năm 1924 tại Huế. 10.ĐÀN XÃ TẮC Ở VIỆT NAM. 11.THÀNH PHỐ MA AN BẰNG – VĨNH AN – PHÚ VANG – HUẾ. 12.TỤC LỆ CÚNG ÂM HỒN NHỮNG NGƯỜI CHẾT NGÀY KINH THÀNH THẤT THỦ 23/5 NĂM ẤT DẬU TẠI HUẾ. TỤC LỆ CÚNG ÂM HỒN NHỮNG NGƯỜI CHẾT NGÀY KINH THÀNH THẤT THỦ 23/5 NĂM ẤT DẬU TẠI HUẾ. Cách đây tròn 133 năm, 23/5 Ất Dậu, một đợt chết chóc đẫm máu chưa từng có đã xảy ra tại Huế. Hàng nghìn người dân và binh lính triều đình đã ngã xuống vì bị trúng đạn của Pháp, hay một số do chen lấn, giẫm đạp lên nhau khi cố vượt ra khỏi kinh thành. Từ đó, ngày 23/5 Âm lịch trở thành ngày “giỗ chung” của người dân xứ Huế. Họ cúng cho những người xấu số đã tử nạn: Những quân sĩ, quan lại, dân chúng trong đêm rạng sáng 23/5 Ất Dậu. Hằng năm cứ đến dịp 23/5 âm lịch, người dân ở Huế lại long trọng tổ chức ngày lễ cúng âm hồn. Đây là một nghi lễ vừa mang tính chất gia đình lại vừa có tính chất cộng đồng trong một đoàn thể, tổ chức hay trong một tập thể dân cư ở cùng tổ, phường,.. Việc lễ cúng âm hồn ở Huế được tổ chức một cách trang trọng như vậy liên quan đến sự kiện thất thủ kinh đô năm 1885. Giai đoạn 1883 – 1885 là giai đoạn nhạy cảm nhất trong lịch sử Việt vào triều Nguyễn. Năm 1883, sau khi Pháp nã đại bác vào Thuận An, Kinh thành Huế rơi vào thế lâm nguy, triều đình hoang mang lo sợ. Lúc này chỉ có Tôn Thất Thuyết vẫn cương quyết giữ vững lập trường đánh Pháp. Triều đình bấy giờ hình thành phái chủ chiến bao gồm những người không tán thành đường lối chống Pháp của vua Tự Đức đứng đầu là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết. Dưới sự lãnh đạo của vua Hàm Nghi và chỉ huy của thượng thư bộ binh Tôn Thất Thuyết, đêm ngày 4 rạng 5-7-1885, quân đội triều đình nhà Nguyễn đã tấn công vào quân đội thực dân Pháp tại hai mục tiêu chính là tòa khâm sứ và đồn Mang Cá. Đêm 4 tháng 7, ở sân toà Sứ, De Courcy vẫn thản nhiên cho tổ chức dạ tiệc với sự có mặt đầy đủ các sĩ quan và quan chức đóng ở Huế, đến 23 giờ tiệc tan, mọi người ra về, thời gian vẫn yên tĩnh trôi qua. Khoảng 1 giờ sáng ngày 5 tháng 7 năm 1885 (23 tháng 5 năm Ất Dậu), Tôn Thất Thuyết phát lệnh tấn công. Quân Pháp ở Mang Cá, toà Sứ và trại thuỷ quân ở Nam sông Hương bất ngờ bị tấn công dồn dập, các doanh trại và quân Pháp bị thiệt hại nặng. Khoảng 4 giờ sáng, quân Pháp bắt đầu phản công, chúng phá huỷ các công sự chiến đấu và dập tắt hoả lực của quân đội triều đình trong và ngoài kinh thành. Rạng sáng, quân Pháp bắt đầu phản công dưới sự chỉ huy của Pernot. Pháp đã chia quân làm ba ngã để tiến vào kinh thành. Từng đợt xung phong chiếm lĩnh các vị trí cửa chắn then chốt để tràn vào các cửa Đông Ba, Thuợng Tứ, Chánh Đông, Chánh Tây, An Hòa. Toán từ Cửa Trài, phá cầu Thanh Long, vượt sông Ngự Hà, tiến vào Lục Bộ, cố tấn công cửa Hiển Nhơn để mở đường vào Hoàng Cung. Toán quân thứ hai vượt Cầu Kho tấn công quân triều đình đang tử thủ vườn Ngự Uyển để tiếp ứng toán quân đang cố phá đổ một cách vô hiệu quả cửa Hiển Nhơn vẫn đứng trơ gan trong khói lửa. Quân triều đình không giữ nổi thành phải tháo chạy về phía Lục Bộ và tràn ra cửa Đông Ba đã bị toán quân Pháp từ phía Cửa Trài tiến lên bao vây. Quân ta chiến đấu gan dạ nhưng vì khí giới thô sơ nên bị thua trận. Quân địch tổ chức phản công, chiếm thành, giết chóc không chừa một ai. Một cuộc chạy loạn hết sức đau thương và bi thảm của người dân xứ Huế đã diễn ra. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là người dân trong kinh thành Huế. Đến 9 giờ, Kinh đô thất thủ, quân Pháp tràn vào Đại Nội bắn giết, cướp của, hãm hiếp, đốt phá vô cùng man rợ suốt 2 ngày đêm. Binh lính chạy tán loạn, dân chúng dắt dìu nhau trốn thoát, người chết, lửa cháy, tiếng khóc la vang dậy khắp nơi. Phía triều đình có chừng 1.500 quân bị thương vong và khoảng 7.800 người dân vô tội bị chết và bị thương. Lửa đạn chiến tranh đã tiêu huỷ tất cả, Huế trở nên hoang tàn, đổ nát, tràn ngập cảnh chết chóc, tang thương. Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi ra Tân Sở. Tại đây, vào ngày 13 tháng 7 năm 1885, vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương, dấy lên phong trào chống Pháp của nhân dân trên cả ba miền đất nước. Theo một số ghi chép, dường như không có gia đình nào là không chịu mất mát sau biến cố. Khoảng 9300 binh lính và thường dân bị thương vong. Họ là những quân sĩ, dân chúng, quan lại, thợ thầy,… tử nạn vì nhiều nguyên do. Hoặc là chết vì súng đạn giặc Pháp, hoặc do chen lấn, dày đạp nhau mà chết. Cũng có thể bị ngã khi tìm cách leo ra khỏi thành hoặc sẩy chân xuống các ao hồ dày đặc trong thành, nhất là hồ Tịnh Tâm,.. Cuộc giết chóc tàn bạo chưa từng có đã xảy ra: hơn 1.500 người dân và binh lính triều đình đã ngã xuống trong đêm hôm đó vì bị trúng đạn của Pháp, hay một số do chen lấn, giẫm đạp lên nhau khi cố vượt ra khỏi Kinh thành. Hầu như không có gia đình nào không có người bị tử nạn trong đêm binh biến này , quân sĩ, dân chúng, quan lại, thợ thầy, do nhiều nguyên nhân dày đạp, chen lấn nhau mà chết, hoặc bị đạn Pháp hoặc bị ngã xuống thành khi tìm cách leo ra khỏi thành, hoặc sẩy chân rơi xuống hồ ao dày đặc trong thành, nhất là hồ Tịnh Tâm. Năm 1884, Pháp đã chiếm trọn hai miền Nam Bắc. Huế, trái tim của đất nước, trong cơn nguy biến mà mọi người dân Việt Nam đang lâm vòng nô lệ nhìn về.
Sơ đồ các mũi tiến quân của giặc Pháp trong trận Kinh thành Huế 1885.
Trấn Bình Đài ( Đồn Mang Cá) nơi quân Pháp đồn trú và diễn ra trận đánh.
Trường ĐH Sư Phạm xưa kia là Trung học Kiễu Mẫu. Trước đó nữa là tòa khâm sứ Trung Kì. Một trong hai nơi đóng quân của Pháp và diễn ra trận đánh.
Hồ Tịnh Tâm nơi nhiều người bị ngã xuống khi tháo chạy.
Cửa Đông Ba vào năm 1885 đã diễn ra sự kiện đau thương với hơn 1.500 người con Huế ngã xuống.
Tin những người phu lục lộ nạo vét các ao, mương, cống rãnh trong Thành nội phát hiện nhiều hài cốt bị vùi lấp được cấp báo lên bộ Lễ. Rồi hơn 40 thùng sắt tây được chuyển tới để thu gom các bộ xương tàn, cốt lạnh đặt tạm tại khu đất góc ngã tư để lo việc tang chay, kinh kệ theo nghi lễ Phật giáo. Những thùng hài cốt đó sau đó được đưa đi an táng tại các nghĩa trang dọc chân núi Ngự Bình như khu vực chùa Trà Am, chùa Ba Đồn… ( Ảnh khi điền dã của dienbatn ).
Ngày 23 tháng 5 âm lịch (05.7.1885) từ đó về sau đã biến thành ngày giỗ lớn, ngày "quầy cơm chung" hàng năm của cả thành phố Huế. Họ cúng cho tất cả những người tử nạn: quân sĩ, dân chúng, quan lại, thợ thầy, do nhiều nguyên do: hoặc dày đạp, chen lấn nhau mà chết, hoặc bị đạn Pháp hoặc bị ngã xuống thành khi tìm cách leo ra khỏi thành, hoặc sẩy chân rơi xuống hồ ao dày đặc trong thành, nhất là hồ Tịnh Tâm… trong khoảng từ 02g đến 04g sáng 23.5 năm Ất Dậu.
Theo những ghi chép truyền lại, sau sự biến đầy bi thương này, thi thể người chết nằm la liệt rất nhiều nơi, nhất là khu vực kinh thành Huế. Rất nhiều trong số đó vô chủ, được người dân đào hố chôn ngay tại chỗ. Sau một thời gian khi người ta đào mở rộng đường, rất nhiều hài cốt được tìm thấy. Người ta tập trung đến nhiều điểm lân cận thành phố Huế và chôn thành những khu mộ tập thể. Đồng thời nhiều đàn, miếu, am tiếp tục lập ra để thờ những vong hồn oan khuất không nơi nương tựa ấy.
Những người sống sót sau biến cố bàng hoàng, tiếc thương cho những người bị chết một cách oan uổng nên đã lập đàn cúng bái.
Từ đó trở đi, ngày 23/5 âm lịch hàng năm cũng trở thành ngày “giỗ chung” của cả kinh thành Huế. Vào ngày này, người dân ở Huế lại làm lễ cúng cho những người tử nạn, không kể người đó có phải là người thân trong gia đình hay không.
Ngày “kỵ chung .
Có một lễ cúng rất Huế - Cúng “Thất thủ Kinh đô 23 tháng Năm” (âm lịch) mà trước đây người Huế xem là ngày “kỵ chung”, ngày giỗ của cả kinh thành, kéo dài từ đầu cho đến hết tháng Năm. Từng gia đình cúng, cả xóm cúng, cả chợ cúng... và cả triều đình cũng cúng. Cúng trong nhà, trong vườn, trước ngõ, đầu xóm, trong chợ, ở bến đò, bến sông, ở các miếu âm hồn. Cúng 23 tháng Năm đã trở thành một phần của tâm thức Huế, không nơi nào có được.
Lễ cúng bắt nguồn từ một sự kiện lịch sử đặc biệt của kinh thành Huế. Sự kiện thất thủ kinh đô vào đêm 22 rạng 23 tháng Năm năm Ất Dậu 1885. Vè “Thất thủ Kinh đô” đã miêu tả:
“Trách lòng quan tướng không toàn
Hai bên thiên hạ chết oan rất nhiều
Súng mình nó bắn phiêu phiêu
Súng Tây nó bắn chết nhiều người ta...”
Một số tư liệu trên BAVH
Tài liệu trên BAVH ghi là ngày 24 tháng 5 thay vì 23/5.
Orband trong “Lịch biến cố An Nam” ghi: “Ngày 6 tháng 7 năm 1915 (ngày 24 tháng 5 niên hiệu 9 Duy Tân): lễ cúng tưởng niệm u hồn (cô hồn). Bài viết cho biết: “Sau những trận đánh ở Huế thời Hàm Nghi nguyên niên (1885), những người chết trận - theo lời của người dân Kinh Thành than oán – là ma đã gây ra nhiều đám cháy. Tháng 6 năm 1894 (tháng 5 niên hiệu 6 Thành Thái) Thựơng thư Bộ Lễ xin phép được dựng trong Kinh thành gần cửa Quảng Đức và gần Ly Thiên (bếp) một đàn để hàng năm đến ngày cúng (24 tháng 5 nghĩa là vào khoảng 5 tháng 7 dương lịch); nhiều bàn thờ để đặt các lễ vật cúng cho những nạn nhân chiến tranh (trang 312, BAVH tập 3 (1916), Nxb Thuận Hoá, 1997).
A. Orband trong “Lễ hội ở Huế” ghi nhận: “Ngày 24 tháng 5, ở Kinh thành có một đợt cúng cô hồn đơn giản nhưng rất cảm động. Sau các trận đánh ở Huế năm 1885, ngày mồng năm tháng bảy, vong linh người chết, theo lời kể của dân ở thành, đã trở thành nhiều hồn ma gây nhiều hoả hoạn. Vì người dân không cúng cho họ. Vì vậy đến năm 1894, Bộ Lễ có đặt ở cửa Quảng Đức một bãi đất, mà hàng năm vào ngày kỵ, người ta dựng các bàn thờ để cúng các vong linh bị chết trong chiến tranh. Vị đề đốc hộ thành đứng chủ lễ và trong buổi lễ có đọc sớ” (Trang 199, BAVH tập 3 (1916), Nxb Thuận Hoá, 1997).
Orband trong “Lịch biến cố An Nam” cho biết: “Lễ vật gồm có: một con bò, một con dê, một con lợn, xôi, thức ăn chín, nước chè, rượu, gạo, vàng bạc, đèn hương…
Một vị quan võ cao cấp được cử theo chiếu vua để điều khiển cúng bái; một quan vệ và hai ông đội hành lễ. Bài vị của Thành Hoàng (vị thần bảo vệ Kinh Thành) được đặt trên bàn thờ chính, bài vị của quan viên thương vong (các quan văn, võ tử trận) được đặt bàn thờ giữa (trung án), bài vị các lại binh (quan nhỏ và lính tử trận) trên bàn thờ bên trái (tả án), sau cùng là của nam, phụ, lão, ấu (đàn ông, đàn bàm công già, trẻ con) đặt bên phải (hữu án).
Buổi lễ có 3 tuần rượu và đọc sớ do một tuyên tế văn ở hàm bát phẩm hay thất phẩm cầu khấn như sau: “Ngày 24 tháng 5 niên hiệu 9 Duy Tân, thừa lệnh nhà vua, vị đề đốc hộ thành, Võ… xin trân trọng kính vái các vong linh của quan vị, nhân viên, quân lính nam phụ lão ấu hy sinh trong trận vào tháng 5 Ất Dậu (1885, các lễ vật tế đầy đủ như trên, kính mong quý vị vui vẻ chấp nhận cho…”
Dưới thời đại quân chủ, vào ngày tế lễ, bà Từ Cung cho lính gánh lễ vật ra cúng tại miếu. Giờ hành lễ, quan lại các bộ trong Thành Nội cũng đến hành lễ. Năm nào phẩm vật và tiền bạc cúng phong phú thì ban tổ chức cho hạ bò, lợn để cúng tế.
Dân gian và lễ cúng 23/5.
Cụ Phan Bội Châu trong những năm ở Huế đã để lại bài “Văn tế cô hồn ngày 23 tháng Năm ở Kinh thành Huế” với những lời thống thiết:
“Thống duy!
Âm hồn các vị bà con ta xưa!
Xứ Huế riêng nhà,
Trời chung bóng....
Này hương hoa vàng giấy xôi rượu chuối chè, chút gọi rằng nếm lấy hơi xin nếm lấy lòng, nghĩa đồng chủng đồng bào thác xem như sống…
Hỡi anh linh các đấng, phù trì cho Tổ quốc trường tồn...”
Một câu văn tế tại lễ cúng ở Miếu Âm Hồn năm nay kể rõ sự đau thương: “Lô nhô trẻ dìu già, ông dắt cháu, chân còn đi đầu gục lìa vai/ Lao nhỏ con khóc mẹ, vợ kêu chồng, tiếng chưa ngớt xương đã chất đống”.
Nghi thức dân gian truyền tụng nghi lễ cúng 23/5 như sau: Bàn thượng, sắp xếp nến đèn bát nhang, bông ba hoa quả, cau trầu rượu sao cho đăng đối. Bỏ chén chè, dĩa xôi cho đúng vị trí, nghiêm túc mà nhìn lại đẹp, lại có tâm. Bàn thượng là bàn các quan. Các quan chỉ yêu cầu ngần ấy.
Bàn hạ tức bàn dưới, cũng đủ đầy các lễ phẩm ấy, nhưng thiết thêm các món Huế cúng kiếng truyền thống, như bánh ram, canh mướp đắng, ba chỉ kho tôm, đậu cô ve xào, miến trộn lòng gà vịt, canh kim châm, dĩa cơm trắng. Ngoài ra phải có mâm tạp bí lù, đủ loại củ quả trộn với nhau gồm mít, dâu truồi, bắp, đậu luộc, dưa hấu, khoai lang, củ dong, củ sắn… Rồi bắt buộc phải có nắm cơm vắt. Những món ăn chơi dân dã hằng ngày mà người Huế rất thích ăn vào những ngày hè đổ lửa. Trước cúng, sau còn cấp cho cô hồn sống. Ngày xưa, dân còn đói khổ, người ăn xin còn đầy đường. Mùa hai ba cũng là mùa họ được những bữa no.
Tập tục cúng âm hồn bắt đầu từ những năm sau biến cố thất thủ kinh đô và kéo dài cho đến bây giờ. Trải qua hơn 130 năm, dù Huế có nhiều sự biến đổi nhưng tập tục này vẫn được gìn giữ và chưa bao giờ bị gián đoạn. Tuy quy mô và hình thức tổ chức có chút khác nhau so với từng thời điểm lịch sử song ý nghĩa của nó vẫn được giữ nguyên.
Việc tổ chức nghi lễ cúng âm hồn theo hình thức cá nhân hay tập thể không có một quy định cụ thể nào. Chủ yếu là dựa vào sự thành tâm và tấm lòng của mỗi người. Thông thường, việc tổ chức lễ cúng âm hồn được tổ chức vào ngày chính lễ 23/5 âm lịch, nhưng cũng có thể kéo dài cho đến hết tháng 5 tùy vào mỗi gia đình.
Mâm cúng lễ thường được bày biện giữa trời, thường là trước cổng hoặc sân nhà với hai mâm thượng và hạ. Tùy vào điều kiện của mỗi gia đình, mỗi khu phố mà lễ vật cũng khác nhau. Tuy nhiên trong số các lễ vật không thể thiếu: hương đèn, trầu cau, rượu trắng, cháo trắng, muối, gạo, hạt nổ, xôi, chè, khoai sắn, hoa quả, giấy tờ vàng mã,..
Đặc biệt trong nghi lễ luôn có một bình nước lớn và một bếp lửa được đốt ngay bên cạnh bàn thờ cúng. Nhiều người tin rằng những vong linh bị chết oan uổng vì đói khát, chết lạnh lẽo dưới ao hồ,.. không ai thờ tự có thể đến uống nước, sưởi ấm vào ngày này.
Nghi thức tổ chức lễ cúng âm hồn trang trọng nhất vẫn được tổ chức ở các am miếu trong khắp thành phố Huế. Hiện nay nằm ở đường Mai Thúc Loan (TP. Huế) vẫn còn Miếu Âm Hồn là ngôi miếu có lịch sử lâu đời nhất gắn liền với ngày lễ này. Miếu được xây dựng vào năm 1895, hằng năm vẫn tổ chức lễ cúng âm hồn tưởng nhớ những người tử nạn sau biến cố thất thủ Kinh đô.
Ông Trần Văn Vinh (người dân TP. Huế) cho biết: “Ngày này người dân Huế vẫn gọi là ngày “quẩy cơm chung”. Vào ngày đó nếu là khách vãng lai thì dù bất cứ nơi nào mình nghỉ chân vẫn thường được gia chủ mời cùng với gia đình dùng chung bữa giỗ đó”.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Huế, lễ cúng âm hồn là một cuộc tưởng niệm tập thể của cộng đồng dân chúng Huế. Nó ghi lại một sự kiện bi hùng xảy ra trên đất Cố đô vào ngày 23/5 Ất Dậu khi có hàng nghìn người đã chết sau biến cố đau thương này.
Không chỉ cúng cho những vong linh không biết tên tuổi để tưởng nhớ họ đã có công chống thực dân để đấu tranh vì độc lập tự chủ của nước nhà. Tập tục còn thể hiện tính văn, nhân đạo rộng lớn và nghĩa cử hết sức cao đẹp của người dân Huế nói riêng và người Việt Nam nói chung.
Để tưởng nhớ những người đã chết vì vận nước, tại ngã tư này, ban đầu đồng bào đã dựng tạm 3 bệ thờ bằng những viên gạch vồ, trên là một tấm đá thanh nguyên quay mặt về hướng Đông. Sau đó nhân dân đã quyên góp tiền của xây dựng một thảo am gồm 3 ngôi miếu: miếu ở giữa lớn hơn để thờ các quan binh, miếu bên phải thờ các hương linh phái nữ, miếu bên trái thờ các hương linh phái nam bị chết trong biến cố 23 tháng 5, gọi chung là miếu Âm Hồn. Và từ đó, con đường trước mặt miếu (chạy từ thượng thành ở gần cửa Thượng Tứ đến giáp đường Lê Văn Hưu (đê Kim Oanh phân 2 phần hồ Tịnh Tâm) cũng được người dân gọi tên là đường Âm Hồn. Sau này, khoảng năm 1956, đường được đặt tên là đường Nguyễn Hiệu và sau 1975 thì đổi thành tên đường Lê Thánh Tôn, nhưng các thế hệ người Huế lớn tuổi vẫn quen gọi là đường Âm Hồn.
Dù dưới đời vua Thành Thái, một vị vua có tinh thần yêu nước và kháng Pháp, triều đình Huế đã chính thức lập Đàn Âm Hồn trên một diện tích gần 1500m2 ở phường Huệ An, (nguyên là trại lính Thần cơ) gần cửa Nhà Đồ (cửa Chính Nam) để tế lễ như là Quốc tế hằng năm nhưng người dân Huế vẫn tổ chức lễ cúng âm hồn chu đáo theo nghi thức thờ cúng tín ngưỡng cổ truyền, với những bài văn tế thống thiết, ai oán. Nhiều miếu Âm Hồn được dựng lên trên khắp thành phố để thờ cúng đồng bào và chiến sĩ trận vong, nhưng lễ tế vong hồn chiến sĩ và đồng bào trận vong ngày 23 tháng 5 hàng năm tại ngã tư Âm Hồn vẫn là bi tráng nhất.
Chùa Ba Đồn ở phía đông nam đàn Nam Giao, nằm giữa ba bãi cỏ xanh rờn, bằng phẳng, xung quanh có nhiều lăng mộ.
Năm 1803, khi xây dựng kinh thành Huế, vua Gia Long cho giải tỏa 8 ngôi làng ở bờ bắc sông Hương. Những mồ mả vô chủ của tám làng được triều đình cho di dời lên khu vực này và dựng bia đề Ân Tứ Hiệp Táng Vô Tự Chi Mộ (Vua cho hợp táng những người không người thờ tự).
Sau biến cố thất thủ kinh đô người Pháp bắt dân chúng phải cất bốc hết các mồ mả chôn trong và ngoài kinh thành đưa lên đây hợp táng, hình thành thêm một số cồn mồ nữa.
Từ thời Gia Long, một cái miếu nhỏ được dựng lên để hương khói quanh năm. Năm 1835, vua Minh Mạng cho lập một bàn thờ ở giữa trời (đàn) tại cồn mồ 8 làng để hằng năm nhà nước tổ chức cúng tế những cô hồn.
Tin những người phu lục lộ nạo vét các ao, mương, cống rãnh trong Thành nội phát hiện nhiều hài cốt bị vùi lấp được cấp báo lên bộ Lễ. Rồi hơn 40 thùng sắt tây được chuyển tới để thu gom các bộ xương tàn, cốt lạnh đặt tạm tại khu đất góc ngã tư để lo việc tang chay, kinh kệ theo nghi lễ Phật giáo. Những thùng hài cốt đó sau đó được đưa đi an táng tại các nghĩa trang dọc chân núi Ngự Bình như khu vực chùa Trà Am, chùa Ba Đồn…
Về sau cho dựng thêm hai đàn nữa để cúng tế những cô hồn của cồn mồ thứ hai và thứ ba. Dân chúng gọi ba cồn mồ có ba đàn hằng năm tế lễ đó là Cồn mồ Ba Đàn (Ba Đồn).
Đàn tế ở nghĩa trủng thứ hai. Ảnh: Thanh Tùng.
Chín năm sau ngày kinh đô thất thủ (1894), đàn Âm Hồn được triều đình cho thiết lập ở gần cửa Quảng Đức và cửa Nhà Đồ. Đến ngày 23-5 dựng các bàn thờ cúng các vong linh bị chết trong chiến tranh.
Lúc đầu đàn lộ thiên, về sau triều đình cho xây một ngôi nhà ba gian để thờ và cất giữ đồ tự khí. Sau năm 1945 một tổ chức ngoài nhà nước được hình thành để lo việc cúng tế cho các anh linh, tử sĩ trận vong là Phổ Phước Lợi.
Từ đó đến nay Phổ Phước Lợi duy trì liên tục, bảo tồn được nét văn hoá tâm linh đặc trưng của người Huế. Ngoài đàn Âm Hồn do triều đình thành lập còn miếu Âm Hồn do nhân dân lập nên ở đường Mai Thúc Loan, cách cửa Đông Ba vài trăm mét.
TÌM HIỂU VỀ MIẾU ÂM HỒN TẠI HUẾ.
Miếu Âm Hồn là ngôi miếu có lịch sử lâu đời nhất, hằng năm vẫn tổ chức lễ cúng âm hồn tưởng nhớ những người tử nạn sau biến cố thất thủ Kinh đô.
Miếu Âm Hồn sau khi được trùng tu năm 2013.
Toàn cảnh đại lễ xá tội vong linh tại miếu Âm hồn ở ngã ba Mai Thúc Loan - Lê Thánh Tôn.
Một số đồ cũng trong lễ tế âm hồn.
Hành lễ.
Trong không khí của những ngày cuối tháng 5 (âm lịch) linh thiêng này, khi trên khắp mọi nẻo đường Cố đô Huế, đi đâu cũng bắt gặp những mâm lễ cúng giữa trời do người dân thực hiện, nhằm tưởng niệm những người đã tử vong trong sự biến thất thủ Kinh đô đúng 132 năm trước, chúng tôi muốn viết một bài tìm hiểu về miếu Âm Hồn và tục cúng âm hồn ở Huế.
Ở Huế có khá nhiều đàn miếu do triều đình và người dân xây dựng, nhằm thờ phụng tổ tiên nhà Nguyễn, công thần các đời, linh khí núi sông, thờ thần…, trong đó có một ngôi cổ miếu có tên là miếu Âm Hồn được người dân thành phố Huế xây dựng từ năm 1895 để thờ các nạn nhân chết trong cuộc binh biến thất thủ Kinh đô năm 1885.
Miếu Âm Hồn tọa lạc tại góc tây bắc ngã tư hai đường Mai Thúc Loan - Lê Thánh Tông, khuôn viên chỉ khoảng 20m2, giữa khu dân cư. Kết cấu đơn giản, bình thường kiểu cô đàn, ngang 3,5m, sâu 4m (diện tích nền 14m2). Nội thất gồm 3 án: chính trung, tả ban, hữu ban. Trụ án khắc hai câu đối khá hay: “Nhất nhật phong trần vô hạn cảm, Bách niên hương tỏa bất thăng bi”, tạm dịch là “Một buổi phong trần thương xót nhẽ, Trăm năm hương tỏa ngậm ngùi thay” và “Âm dương đồng nhất lý, Hồn phách hiển thiên thu”, tạm dịch là “Âm dương cùng một lẽ, Hồn phách hiển thiên thu”.
Di tích này có ý nghĩa lịch sử, nhân đạo, ghi lại dấu ấn một sự kiện lịch sử bi tráng thời phong kiến nhà Nguyễn, mở đầu cuộc đô hộ của thực dân Pháp trên đất Huế, tức là cuộc binh biến thất thủ Kinh đô xẩy ra tối ngày 22 rạng sáng ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu, tức năm 1885.
Ngày 23 tháng 5 âm lịch từ đó trở về sau đã trở thành ngày giỗ lớn của cả thành phố Huế. Ngoài hầu hết các nhà dân, nhiều nhóm cộng đồng sống gần các đàn miếu âm hồn tập trung lại, gọi là “phổ”, chuyên lo coi sóc đàn miếu và tổ chức cúng tế tại đàn trong ngày lễ này. Đó là lễ cúng tại đàn Âm hồn trên đường Ông Ích Khiêm, tại miếu Âm hồn ở ngã ba Mai Thúc Loan – Lê Thánh Tôn, tại miếu Âm hồn ở Cống Chém và nghĩa trang tập thể tại chùa Ba Đồn… Nhiều cụm xóm dân cư hay những nhóm bán hàng ở chợ cũng tổ chức lễ giỗ chung.Nhiều cơ quan cũng tham gia cúng tế bài bản trong những ngày này…
Và có lẽ không nơi nào ở Việt Nam và trên thế giới có một lễ cúng tế mà quy mô tổ chức lại có tính toàn dân trong một thành phố như ở Huế trong ngày lễ cúng âm hồn 23 tháng 5 âm lịch. Đây là một hình thức cúng tế mà đơn vị tổ chức nghi lễ vừa có tính chất đơn lẻ trong từng gia đình, lại vừa có tính chất cộng đồng trong từng đoàn thể, tổ chức, tập thể những người cùng chung một ngành nghề, cùng ở trong một thôn, xóm, phường. Ngày 23 tháng 5 âm lịch hằng năm là ngày chính của nghi lễ cúng âm hồn, nhưng tùy theo từng gia đình, tập thể, xóm, phường mà tổ chức từ ngày 23 tháng 5 đến 30 tháng 5 âm lịch. Nghi thức cúng âm hồn trang trọng nhất được tổ chức tại miếu âm hồn vào đúng ngày 23 tháng 5 âm lịch. Lễ vật cúng thì ít nhiều tùy gia cảnh, tùy điều kiện nhưng tối thiểu phải có chè, cháo, gạo muối, bông ba hoa quả, hương, nhang trầm, hột nổ, áo binh, giấy ngũ sắc, cau trầu rượu. Đặc biệt, từ gia đình cho đến tập thể, phải nhớ có một bình nước lớn hoặc một thùng nước chè và một đống lửa đốt bên cạnh bàn thờ cúng. Người ta tin rằng các âm hồn sẽ đến uống nước và sưởi ấm bên đống lửa, vì nhiều người trong biến cố đã chết khát, và chết lạnh lẽo dưới ao, hồ, sông trong rạng ngày 23 tháng 5.
Tiến trình nghi lễ cúng tại miếu âm hồn hằng năm như sau:
- Ngày 22 tháng 5, dựng rạp ngoài trời, trang hoàng khu vực cúng tế ở miếu và bàn cúng lễ ở ngoài trời. Có năm lại thiết lập đài chiến sĩ trận vong trước miếu.
- Sáng 23 tháng 5, khoảng 7 giờ sáng làm lễ khai kinh, tụng kinh.
- Trưa 23 tháng 5, cúng ngọ theo nghi thức tôn giáo.
- Chiều 23 tháng 5, lúc 14 giờ làm lễ tế cúng âm hồn theo nghi thức tế lễ của Khổng giáo. Quan trọng nhất là ông chủ tế và ông xướng lễ. Tại đài chiến sĩ trận vong thì làm lễ truy điệu.
Các người đảm nhiệm việc cúng lễ y phục chỉnh tề theo quy định. Phường bát âm được mời đến để cử nhạc trong buổi lễ.
Buổi lễ kéo dài suốt cả buổi chiều. Phần chính trong buổi lễ là đọc văn tế.
Qua nhiều bản văn tế sưu tầm được, chúng ta thấy người viết văn đã truyền một niềm xúc động vô biên cho người dự lễ:
“Lô nhô trẻ dìu già, ông dắt cháu, chân còn đi đầu gục lìa vai.
Lao nhỏ con khóc mẹ, vợ kêu chồng, tiếng chưa ngớt xương đã chất đống.
Oan uổng quá mấy ông trên võng, thình lình sét đánh, sống chẳng trọn đời.
Tội tình thay lũ trẻ trong nôi, cắt cớ sao sa, chết đờ trắng bụng.
Thương mấy cụ khiêng sơn nón đấu, nặng nợ cơm vua áo chúa, được da ngựa bọc thây mới sướng, tức vì sao "tử bất thành danh"
Trước một trận mưa đen mịt tối, tất thảy người mà tự thảy quỷ, một vùng chôn kẻ cực người sang. Sau ba hồi trống dục loa dồn, biết phận là biết đâu duyên, ba thước lấp anh hay chú vụng".
Người gây ra thảm cảnh đó là quân đội xâm lược Pháp:
“Ai ngờ vận trời năm Ất Dậu, tiết tháng năm còn dưới tuần trăng.
Ghê thay luồng sóng ở Tây phương, quân đội Pháp kéo lên bắn tóe.
Trận khói lửa đưa người chín suối, mất xác mất thây.
Nào sang hèn rồi kiếp ba sinh, hết hồn hết vía”
Trước thảm cảnh đó, cầu mong cho các hồn chóng siêu thoát, xin tinh linh các đấng phò trì cho Tổ quốc trường tồn. Đó là ý nghĩa mà bài văn tế muốn truyền đạt:
“Nào hồn đông hồn tây, hồn nam hồn bắc, chẳng đâu không gọi hồn về.
Hỡi cô phu, cô phụ, cô tử, cô thần, may hãy còn mình, mình cúng
Cúng cha anh chú bác, thím mợ cô dì ta cả thảy, đau đoàn sau cùng đau đoàn trước, tình nhất sinh nhất tử sơ khác gì thân.
- Này hương hoa vàng giấy, xôi rượu muối trà, chút gọi rằng nếm lấy hơi, xin nếm lấy lòng, nghĩa đồng chủng đồng bào, thác xem như sống.
Hỡi tinh linh các đấng, phòng trì cho Tổ quốc trường tồn
Này quốc ngữ đôi hàng, ao ước những chí thành năng động. Thương ôi! Xin hưởng"
Buổi tối là lễ đăng đàn chẩn tế do các nhà sư đảm nhiệm. Chủ lễ là một vị hòa thượng, tuổi cao đức trọng, đứng dọc hai bên là sáu vị kinh sư. Ý nghĩa của lễ đăng đàn này là cầu nguyện cho các hương linh được siêu thoát.
Sau cuộc lễ là hình thức phóng sinh: chim, lươn, cá v.v…
Trong lễ “đăng đàn chẩn tế”, vị hòa thượng chủ lễ thỉnh thoảng lấy tay vốc từng nắm xôi và đồng tiền kẽm đặt sẵn trong một cái khay lớn vất ra sân. Đám trẻ con chen chúc nhau lượm các đồng tiền trên lấy đây đeo cổ để trừ yêu ma quỷ quái.
Sau kỳ lễ tế, vào ngày 12 tháng 6 âm lịch có tục đi chạp mộ tập thể những người tử nạn trong ngày thất thủ kinh đô (địa điểm gần lăng cụ Kinh Tế, trên đường vào chùa Trà Am, có hai đám mộ tập thể chôn người tử nạn trong biến cố 23/5) tại núi Ngự Bình (những người này được vùi sơ sải, đến khi dọn tử thi trong thành nội, người ta nhận thấy khu vực có nhiều tử thi nhất là vùng sát với miếu âm hồn hiện tại. Có lẽ con đường dẫn đến cửa Chính Đông là con đường dân chúng ào ào chạy loạn, quân Pháp vào thành cũng theo cửa Chính Đông nên sự sát hại thật thảm khốc. Khi đào mộ cải táng, người ta thấy có mũ mang, bài ngà quan lại lân xác ngựa).
Tập tục cúng âm hồn bắt đầu những năm từ sau biến cố, kéo dài cho đến bây giờ, không năm nào gián đoạn, dù hơn trăm năm qua, Huế đã trải qua bao biến cố, chịu bao mất mát đau thương. Tuy nhiên, quy mô và hình thức cúng tế tùy theo từng giai đoạn lịch sử mà có sự chuyển đổi.
Dưới thời đại quân chủ, vào ngày tế lễ, bà Từ Cung cho lính gánh lễ vật ra cúng tại miếu. Giờ hành lễ, quan lại các bộ trong Thành Nội cũng đến hành lễ. Năm nào phẩm vật và tiền bạc cúng phong phú thì ban tổ chức cho hạ bò, lợn để cúng tế.
Sau lễ tế, bài vè "Thất thủ kinh đô" được Lão Mới, một nghệ nhân lão thành, kể vài đoạn gợi nhớ lại cảnh hãi hùng chạy loạn năm 1885 (gồm 80 câu, từ 391 đến câu 470). (Vè “Thất thủ kinh đô” do Lê Văn Hoàng sưu tầm, bản thảo do Lão Mới kể)
Trong những năm cách mạng thành công, tập tục cúng âm hồn vẫn được duy trì. Trong những năm này, kết hợp cúng âm hồn với sự cứu giúp những người nghèo khó đang còn sống, Ban tổ chức quy góp tiền mua vải cắt cho người nghèo, tỏ tình đùm bọc người đồng loại “lá lành đùm lá rách” thật đầy ý nghĩa nhân văn.
Tập tục cúng âm hồn là một mỹ tục thắm đượm tình nhân đạo, nghĩa đồng bào, đồng chủng, nó có đầy đủ ý nghĩa của một lễ hội dân gian mang màu sắc dân tộc đậm nét, tiêu biểu cho một vùng đất văn vật.
Ảnh: Duy Phúc,Phan Đình Vũ. Tư liệu dienbatn lấy trong các bài viết của Thế Trung - Đức Hoàng. Hồ Hoàng Thảo. Thanh Nhàn,Chu Thị Hưng (Bảo tàng Văn hóa Huế),THANH TÙNG,Nguyễn Đính.
Loạt bài viết GIẢI MÃ NHỮNG BÍ ẨN VỀ KINH THÀNH HUẾ VÀ LĂNG MỘ CÁC VUA NGUYỄN của dienbatn đến đây tạm thời kết thúc tuy còn khá nhiều tư liệu có được trong đợt điền dã vừa qua. Trong chuyến bay từ Huế về Hà Nội , dienbatn có duyên gặp nhà nghiên cứu Trần Đình Hằng là một người rất trăn trở với việc trùng tu tôn tạo những di tích của cố đô Huế. Nhà nghiên cứu Trần Đình Hằng cho biết hiện nay tại Huế , những nhà nghiên cứu về cố đô Huế còn khá nhiều và đa phần là ẩn dật. Công việc trùng tu những di tích của cố đô Huế còn rất nhiều bất cập, chủ yếu là về chủ trương , đường lối trong việc trùng tu di tích.Người ta lúng túng giữa việc cấp danh hiệu Di tích Quốc gia và việc Xã hội hóa việc trùng tu và bảo vệ di tích. Tương tự như tại Làng cổ Đường Lâm : : "78 người của gần 60 hộ dân ở làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội đồng loạt ký tên vào một lá đơn gửi đến UBND thị xã Sơn Tây, UBND TP Hà Nội và Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) xin trả lại danh hiệu (di tích Quốc gia) làng cổ Đường Lâm cho Nhà nước. Lý do các hộ dân đưa ra là, sau gần 10 năm được Nhà nước công nhận là di tích Quốc gia, nhưng việc quy hoạch khu mới cho người dân ở làng cổ vẫn chưa có ". Tuy nhà nước đã bỏ ra một số tiền rất lớn để trùng tu các di tích , nhưng với hệ thống di tích dày đặc còn khá rõ nét ( một thuận lợi của cố đô Huế so với Hà Nội ), thì số tiền đó chẳng thấm tháp vào đâu , chưa nói đến việc thất thoát do tham nhũng , ăn chặn của các quan hiện thời. Nhà nghiên cứu Trần Đình Hằng cho biết hiện nay có rất nhiều cá nhân , dòng họ , nhất là dòng họ Nguyễn trong và ngoài nước có mong muốn được bỏ tiền ra trùng tu và bảo vệ các di tích đang bị xuống cấp , nhưng họ gặp vô vàn khó khăn trong công việc cấp phép , thậm chí có dự án đã có sẵn tiền vì lý do cấp phép qua khó khăn , nhũng nhiễu đành phải hủy bỏ.
Những người yêu Huế và hiểu biết sâu về Huế hiện nay đã khá nhiều tuổi. Chỉ ít năm nữa họ ra đi thì chúng ta mất đi những kiến thức vô cùng quan trọng và quý báu về việc trùng tu di tích ở cố cô Huế. Hiện nay do chán nản với những gì đang diễn ra , Những người yêu Huế và hiểu biết sâu về Huế thường ẩn cư và không hoạt động.
Những người yêu Huế , một Thành phố đầy ắp những di chỉ Kiến trúc mong rằng Đảng và Chính phủ sẽ sớm có giải pháp đúng đắn trong việc trùng tu , bảo vệ những di tích của cố đô Huế.
Qua hiện tượng mà dienbatn viết trong bài trước về THÀNH PHỐ MA AN BẰNG – VĨNH AN – PHÚ VANG – HUẾ , nơi hàng ngàn , thậm chí chục ngàn tỷ đồng được thân nhân chỉ của 1 làng nhỏ đầu tư xây dựng , chắc chúng ta cũng nhận thấy điều gì ???
Để khôi phục Lăng mộ nhà Nguyễn và các di tích trong cố đô Huế , chúng ta rất cần những bàn tay vàng của những người thợ xây lăng mộ làng Vinh Thanh này.
dienbatn tháng 5 năm Canh Tý 2020.
Xem thêm tư liệu do Nhà nghiên cứu Trần Đình Hằng gửi cho dienbatn.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét