NHỮNG ÔNG ĐẠO VÀ SỰ HÌNH THÀNH ĐẠO MỚI Ở VIỆT NAM
NHỮNG ĐỆ TỬ CỦA PHẬT THÀY TÂY AN. (tiếp theo)
3/ Ông Đạo Lập (Phạm Thái Chung)
A. Lai LịchTên thật là Phạm-thái Chung, pháp danh Sùng-đức-Võ, danh từ Ông Đạo Lập mà người ta quen gọi, là ông có đứng ra thành lập một ngôi chùa mang tên Bồng-Lai tại Bài-Bài, thuộc xã Nhơn-Hưng, quận Tịnh-Biên (Châu-Đốc).
Trong một bài-vị để thờ tại chùa Bồng-Lai, còn ghi thêm, ông Đạo-Lập có một biệt hiệu nữa là Bồng-Lai La-Hồng.
Sinh quán của ông Đạo Lập tại xã Đa-Phước, bên kia thành phố Châu-Đốc, một nơi có phong cảnh nên thơ còn mang một danh xưng khác là Cồn-Tiên.
Khi Đức Phật Thầy Tây-An bị nhà đương cuộc thời Tự-Đức dời về tỉnh lỵ An-Giang, ông Đạo lập đã tìm đến thăm viếng và sau đó, ông quy-y với Đức Phật-Thầy.
Trong số các đại-tử của Đức Phật Thầy, phả nói ông Đạo Lập là một danh-nhân quan-trọng, có tài-ba, huyền-thuật dị-kỳ. Ông có thể đi mây về gió, làm lắm điều khác lạ với thế nhân mà ở quanh vùng Thất-Sơn không mấy ai là không biết danh.
Bóng dáng của ông, từ Hà-Tiên đến Châu-Đốc, từ núi Tà-Lơn đến niềm Đồng-Tháp, thoạt đó thoạt đây, thường xuyên không vắng suốt một thời gian vài mươi năm, khoảng từ 1856 đến 1877.
Đi trên bộ ông đội nóng to vành, phất-phơ đôi tay áo rộng. Đi qua sông, ông thả nón làm thuyền, lấy gậy làm chèo hoặc xăn tay áo mà bơi qua.
Phật-pháp của ông cao thâm. Tín-đồ của ông đông-đảo. Tất cả giáo-điều tu-nhân, học Phật mà ông lãnh-giáo được nơi Phật-Thầy, ông đều đem đi hoằng-dương khắp nơi. Trong những lúc đi vân du hóa chúng, truyền rằng có không biết bao nhiêu huyền-sử kinh-dị bao trùm chung quanh ông. Chúng tôi chỉ xin chọn lọc và kể lại với tất-cả sự e-dè.
B.Ông Đạo Lập canh-bốiBối là bọn kẻ trộm, thường cỡi xuồng nhẹ, chuyên ăn cắp của ghe thương-hồ đỗ nghỉ vào các bến sông về đêm. Trong các dịp vân-du, ông Đạo Lập thỉnh-thoảng cũng có giang trên một thương thuyền để nghỉ chân trên một vài chặn đường. Theo lời thuật của Mộng-Tuyết Thất Tiểu Muội, thì có một bận, ông Đạo Lập lãnh phần canh bối cho « bạn » ngủ. Có kẻ trộm mò vào, ông cứ để cho chúng cứ tự nhiên. Ông tựa mình vào cửa mui ngồi yên, lim-dim như ngủ. Thấy ông không động đậy, kẻ trộm tự-nhiên dọn đồ qua thuyền. Khi chúng dọn được một mớ và toan lấy thêm, bây giờ ông Đạo mới tằng-hắng, lên tiếng bảo:
-Thôi chớ ! bấy nhiêu đã đủ cho « ở nhà » đền cho chủ ghe rồi !
Kẻ trộm hoảng-kinh, nhè-nhẹ chèo lui mất.
Sáng ra ông kể chuyện cho bạn chèo ghe nghe ai nấy đều hậm-hực, tức vì không bắt được bối, để cho chúng một trận đòn. Nhưng ông đạo cười bảo:
-Các người chớ nóng. Tuy vậy mà từ đây các người sẽ được ngủ yên, khỏi phải thức mà canh chừng bối nữa.
Ai nấy đều tức mình, nhưng không dám cải và cũng chưa biết tại sao từ nay lại khỏi sợ bối !
Nhưng rồi đúng như lời của ông Đạo, không rõ ông đã làm gì mà từ đó lại sau, tuyệt-nhiên trên chiếc ghe nầy không hề bị bối, dù rằng chủ ghe hay bạn ghe đều không có một ai thức canh.
C. Ông Đạo Lập luyện phép và làm phépTrong lúc vân-du, ông Đạo thường dẫn theo một người đệ-tử tên là Huỳnh-văn-Thiện. Mỗi lần lên núi, ông Đạo kiếm chỗ cho đệ-tử tạm ngụ rồi tự mình tìm chỗ u-tịch ngồi thiền hoặc luyện phép.
Theo lời ông Huỳnh-văn-Thiện thường kể thì có ông Trương-hồ-Ngạc, cũng là một đệ - tử của ông Đạo, có tính hiếu kỳ, nên một lần lén thầy, rình xem coi thầy đã làm gì ở nơi thanh vắng. Ông Ngạc đã trông thấy ông Đạo làm một chiếc tàu nhỏ thả trên mặt nước rồi niệm chú. Ông Đạo có diệu thuật khiến chiếc tàu ấy chạy tới chạy lui theo ý muốn của mình.
Biết được cách đó và học lén được những câu chú của thầy, ông Ngạc mới bắt chước làm theo. Kết quả ông đã thành công. Nhưng liền sau đó ông Ngạc ngã lăn ra chết. Ông Huỳnh-văn-Thiện được chứng kiến cảnh ấy, đau khổ vô cùng vì lúc đó vắng Thầy. Ông phải ngồi thâu canh bên xác ông Ngạc để chờ Thầy về liệu tính xem sao !
Sáng ra ông Đạo về một tay xách gói và một tay xách chiếc đệm bàng. Ông Đạo không chờ ông Thiện trình bày tự-sự đã nói ngay trước:
- Thì ta đã lo sẵn đồ vật, để xem về đây chôn nó !
Những câu chuyện như thế được truyền ra, danh của ông Đạo Lập càng lớn. Người ta đến nhờ ông cứu bịnh và lãnh phái quy-y cùng lúc càng đông. Nên để có chỗ nơi an-trụ và quy ngưỡng, các đệ-tử của ông hợp nhau dựng lên một ngôi chùa. Người ta đến làm công-quả thật đông và nhất là ngày khánh-thành, ghe xuồng đậu chật cả một khúc sông trên kinh Vĩnh-Tế.
Cũng bằng những diệu thuật như trên, ông Đạo từng lấy một cây ếm tại Ton-hon do người Tàu chôn. Cây ếm bằng đá trên mặt có khắc chữ: « Càng-Long, ngũ thất niên trọng thu, cốc dán ». Người ta đã nghĩ rằng cây ếm ấy do họ Mạc đã ếm với mục-đích bí ẩn ! cây ếm ấy bây giờ vẫn còn lại Bài-Bài, miền biên-giới xa-xôi.
D.Ông Đạo Lập qua hảiTheo một bài nhan-đề ông Đạo Lập, tác giả là bà Mộng-Tuyết Thất Tiểu Muội, đã thuật lại một cách tin-tưởng và cho rằng bác của tác-giả, người thường kể lại chuyện ông Đạo-Lập, vốn là người có học, không hề chịu tin những chuyện quàng-xiên, thì ông Đạo đã qua biển một cách dễ-dàng Đầu đuôi câu chuyện được chúng tôi rút gọn như sau:
-Ông cố của tác-giả vốn là nhà hàng-hải, từng đi buôn sang Xiêm. Ông vừa đống xong một chiếc thuyền buôn đặt tên « Minh-Thuận ». và định cho xuất-cảng với những hồ-tiêu, sáp ong, hải sâm, đồi-mồi thì vừa đúng vào lúc ông Đạo Lập ghé chơi nhà. Sau lễ cúng kiếng, ông cố tác giả hỏi xin ông Đạo một điềm may-mắn, một phép bình-an cho chuyến khai-trương đặc-biệt đó.
Ông Đạo Lập đưa ra cho ba lá bùa, nói:
- Chuyến đi nầy rồi cũng may-nắm phát-tài. Duy có vướng chút lo sợ. Nhưng cũng sẽ bình-an vô sự. Vậy bùa nầy, khi ra khỏi cửa Hà-Tiên đốt đi một lá, lá thứ nhì để lúc nào có một con cá to định làm hại thì đốt. Còn là thứ ba dành đốt khi vào cửa sông Bắc Nam.
Tất cả trên thuyền có mười người phần đông là Minh-Hương. Khi thuyền ra giữa vời, thình lình ở trước mũi thuyền sóng chỉ bắn lên cao. Một con cá to nhảy bổng lên khỏi mặt nước bằng một tầm người đứng. Vị thuyền trưởng nhớ lời dặn của ông Đạo Lập, đem lá bùa thứ hai thả tàn xuống biển. Thuyền bình yên, lại vượt khơi trên biển.
Một buổi chiều trước mũi thuyền bổng vụt hiện một vật gì to như hòn đảo. Cả thuyền kinh ngạc tưởng chừng tàu bị lạc vào một đảo hoang nào. Nhưng không, hòn đảo ấy biết cử-động và khi đến gần, mới rõ đó là một cái kỳ của một con kinh-ngư khổng-lồ đang đùng đùng lướt sóng chận đầu thuyền. Khi biết rõ đó là một vật ăn thịt người thì cả thuyền hoảng-kinh bối-rối. Vị thuyền trưởng bây giờ mới sực nhớ lại lá bùa thứ nhì đã đốt là lầm. Chắc-chắn nó phải được đốt vào lúc nầy để ngăn chận con kình ngư sát nhân mới đúng. Lúc túng-cùng, vị thuyền trưởng đành phải đem đốt lá bùa thứ ba và nó hoàn toàn vô hiệu. Cá lướt tới càng nhanh hơn, dễ thường cái quẩy nhẹ của-nó cũng đủ làm thuyền lật úp được. Mọi người trên thuyền đều trông rõ được từng cạnh khía của cánh vi cá khổng lồ. Vị thuyền trưởng ra lịnh cho thuyền đảo trịt một bên để tránh vật dữ, nhưng sóng bủa trùng trùng, tràn lên ngập cả sàn thuyền. Cánh vi và cánh buồm thuyền đã song song ngang nhau, cách khoảng không hơn mười thước. Lưng cá cọ và sườn thuyền, mình thuyền nghiêng về một bên. Phút nguy ngập đã tới.
Tuy-nhiên con cá không hành-hung. Đợi khi thuyền qua vừa khỏi, nó quạt đuôi một cái thôi thuyền quay tròn mấy vòng và mọi vật trong thuyền xô đổ. Rồi thuyền mới từ từ yên lại.
Từ hôm ấy cho đến khi trở về, thuyền được bình-yên không có gì trở ngại nữa. Nhưng khi thuyền về tới Mũi-Nai, thuyền trưởng lên bờ, thì đã thấy có ông Đạo-Lập đứng sẵn dưới đám dừa bên mé nước.
Ông Đạo Lập cười nói:
-Ở nhà đoán biết ữa nay cậu thuyền trưởng về, nên ghé lại đón mừng… Chà ! bữa chiều hôm đó, ở ngoài vời Thổ-Châu, cậu thuyền thường sợ đã xanh mặt. Khi đó ở nhà ở trên chót cột buồm chớ đâu! Nếu ở nhà không giữ cho thuyền vững lại và không đuổi con quái-ngư đi, nó sẽ cấn đến và đột lật cho thuyền chìm, thì các người tất đều vào bụng nó rồi ! Các người đã chẳng thấy từ xa nói hướng thẳng về mũi thuyền đó hay sao !
Thuyền trưởng nghe nói thì hoảng-hốt trở lại như hồi đang lâm nguy giữa biển. Còn ông Đạo Lập thì nói tiếp:
- Chỉ tội nghiệp cho con cá bè bỗng dưng chịu chết oan ! Vì lá bùa thứ hai của ở nhà cho, đáng lẽ phải để mà diệt con quái ngư ấy !
Nghe qua tự-sự ai nấy thảy kinh hồn.
E. Ông Đạo Lập ném daoVì thích sống giang-hồ, ông Đạo thường không ở nơi nào lâu. Do đó mà ông hay có giang trên các ghe buôn cho đỡ chân. Một lần ông Đạo Lập có giang trên một ghe bán mía. Ngồi buồn trên ghe, ông lấy dao ra róc mía thì gặp phải cây dao lụt quá, róc không sạch vỏ mía. Ông Đạo liền vứt cây dao xuống sông và phàn nàn:
Dao lụt thế nầy không bỏ còn để làm gì !
Người chủ nghe thấy thế không được bằng lòng nhưng làm thinh không nói
Sáng hôm sau, ghe đến một chợ nhỏ. Bạn ghe lên bờ đi chợ mua về một rỗ cá. Bấy giờ chủ ghe mới có dịp lên tiếng hờn mát.
- Mua cá làm chi? Có dao rựa đâu mà làm cá !
Bấy giờ ông Đạo Lập ngồi trong khoang ghe, lên tiếng :
-Liệng xuống hôm qua chỗ nào thì hãy lặn chỗ đó mà mò lên. Đã mất mát đi đâu !
Nói rồi ông bước ra, chỉ mặt nước, chỗ cách mũi ghe một sãi, bảo người bạn ghe lặn xuống đó mà lấy dao lên. Quả nhiên cây dao yếm mà ông Đạo Lập liệng xuống nước bữa trước được lấy lại. Cần để ý rằng chiếc ghe mía mà ông Đạo Lập có giang, từ chỗ ném dao cho đến chỗ mò dao, cách xa một ngày rưỡi đường, thế mà cứ chỗ đánh dấu của ông Đạo Lập, lại tìm lại được một cách dễ-dàng.
Càng lạ lùng hơn cây dao lụt trước, nay được sáng trưng, bén ngót như có ai mài sẵn.
F. Ông Đạo Lập tàng-hìnhTrong buổi đầu thuộc Pháp, không rõ ông Đạo Lập đã góp tay vào các nghĩa đảng thế nào, mà thực dân thường theo dõi tìm bắt ông luôn. Trong các đệ-tử Đức Phật-Thầy Tây-An, ngoài Cố-Quản Trần-văn-Thành chắc-chắn có ông Đạo Lập là người có đứng hoạt-động cứu quốc.
Một lần ông Đạo Lập đến Hà-Tiên, vào thăm nhà quen thì cũng đúng là khi thực dân dò ra tung tích ông Đạo Lập nên tìm đến vây bắt.
Ông Đạo đang ngồi uống trà tại một vườn cam với chủ nhân, chợt nghe có tiếng động, ông liền đứng lên cắp nón, cầm gậy, xô cửa tầu khận - một cái nhà ngoài dùng chứa hàng-hóa - bước vào rồi bảo chủ nhân khóa chặt lại.
Chủ nhân trở vào nhà trên thì một bọn người Pháp đang lục soát kiếm tìm ông Đạo-Lập. Sau khi tìm khắp nơi, họ bắt phải mở tầu khậu cho xem. Và kết-quả là ông Đạo-Lập đã đi đâu mất, không hề một ai trông thấy bóng dáng gì !
Thêm một câu chuyện tàng-hình khác: Trong đảng Cần – Vương, có ông Học-Sanh-Thái người Châu-Đốc. Ông Thái về sau kết thông-gia với nhà Cách-Mạng Nguyễn-Thần-Hiến ở Hà-Tiên. Ông Thái lại cũng có kể một câu chuyện tàng-hình về ông Đạo-Lập như sau:
Khi đảng Cần-Vương còn hoạt-động, ông Thái vốn được trong đãng tín-nhiệm, ông giữ một tờ mật chiếu của Triều-đình. Ông Thái lấy làm lo sợ bại lộ tờ mật chiếu là một tang chứng thật nguy, nên ông mới đem giấu tại một cái miểu thờ Thần Nông bí mật, không một người thứ hai hay biết.
Nhưng ít lâu sau, tờ chiếu mật mất. Một điều lạ là ông Thái rất thận trọng ông đã nhét mật chiếu vào sau tờ giấy đỏ có viết chữ thần to tướng lại bàn chánh rồi dán kỹ lại thì ai biết và ai mà dám động tới chỗ tốn-nghiêm kia ! Ông Học-Sanh Thái rất lo sợ bại lộ cơ-mưu. Nhưng thời-gian qua, vẫn bình-yên không có gì lạ. Một hôm ông gặp ông Đạo Lập. Ông Đạo Lập hỏi ngay
- Chú có làm mất cái gì không?
- Không ! Tôi chẳng có gì mà mất. Ông Đạo Lập nói:
-Thử nhớ lại xem, vật không quý, bỏ thì thương, vương thì tội !
Bấy giờ ông Thái mới nhớ ra và nói rõ nỗi lo âu của mình bấy lâu nay. Ông Đạo Lập cười:
-Ở nhà đốt đi rồi chớ mất đi đâu ! Chúng ta mưu đồ là vì đại nghĩa chứ đâu phải vì bổng lộc !
Bây giờ ông Thái mới tỉnh-ngộ và hỏi:
- Thế sau ông biết tôi giấu ở miễu mà hủy bỏ ?
Ông Đạo Lập không đáp thẳng câu hỏi mà bảo ông Thái cố nhớ lại xem có gì lạ khí đem giấu tờ mật chiếu trong miễu. Ông Thái liền thuật lại là khi giấu xong đi ra, nghe tiếng động dưới cỏ, ông giật mình ngó xuống thì thấy con rắn bò sát bên chân. Ông Đạo Lập cười bảo:
-Ở nhà đó chớ rắn-rít gì. Không hóa rắn, làm sao theo dõi để biết rõ chuyện bí mật của chú được !
Khi trở về già, ông Đạo Lập về Bài-Bài cư-ngụ và tịch-diệt tại đây. Không thấy bài-vị ghi rõ ông mất năm nào. Chỉ biết được ngày 29 tháng 9 hằng năm là ngày cúng vía của ông.
Mộ ông được chôn cất tại xã Vĩnh-Ngương, cũng theo căn-tích của Đức-Phật Thầy, không có đắp nắm.
Theo www.hoahao.org.
4/Ông Nguyễn Văn Xuyến (1834-1914) :
Còn gọi là Đạo Xuyến, quê ở Ba Giác, Mõ Cày tỉnh Bến Tre, quy y với đức Phật Thầy khi ông lên 17 tuổi, cách đi giảng đạo của ông là đi ghe giăng buồm chạy trên sông, khi hết gió ngừng lại chỗ nào thì giảng đạo chỗ đó, ông đi quanh vùng Long Xuyên, Rạch Giá, Hà Tiên giảng đạo. Ông có dựng chùa Châu Long Thới ở Cái Dầu, Châu Đốc.
Ông Nguyễn văn Xuyến mà người đời thường gọi là ông Đạo Xuyến, sanh năm Giáp ngọ (1833) ở làng Bình long, tỉnh Châu đốc, trong một gia đình lễ giáo nho phong.
Trong hàng đệ tử của Đức Phật Thầy, có thể kể là người trẻ nhứt, vì khi Đức Phật Thầy ra đời độ thế vào năm Kỷ dậu (1819), ông đến qui y thọ phái thì lúc đó ông mới có 17 tuổi.
Ông bỏ gia đình mà theo Đức Phật Thầy từ ngày ra mở Đạo cho đến khi tịch diệt. Như các môn đệ khác, ông được liệt vào hạng Đạo, nghĩa là hàng đệ tử được truyền nhiều diệu pháp.
Cứ theo lời những người được ông bà kể lại cho nghe thì khi được Đức Phật Thầy truyền pháp, ông thường lên núi tự tu luyện lấy. Ông đạt được phép thần thông có thể sai binh khiển tướng, thuần phục các thú dữ. Bởi thế người đời không lấy làm lạ mà thấy ông thường cỡi bạch hổ hạ san.
Như có một lần nọ ông xuống núi gặp lúc người Cao miên ken, nghĩa là hợp nhau ruồng bắt người Việt theo cần vương. Họ vây ông mà hỏi: Anh là người Việt, anh định vào sóc Thổ để làm gì? Ông trả lời là lên núi để học đạo.
Họ nói: Nếu anh là người học đạo phải đi qua cái cầu này. Nói rồi, họ bắc một cái cầu bằng một cây sậy ngang qua một cái lạch nước rồi bảo ông đi. Hễ ông đi được thì thôi, còn bằng đi không được thì ông sẽ chung một số phận với cái cầu sậy ấy.
Thế mà ông vẫn đi qua cầu ậy không gẩy. Thấy vậy, đám người Miên kia đều mọp xuống bái phục.
Nhận thấy ông đạt nhiều phép thần thông, Đức Phật Thầy giao cho ông cái nhiệm vụ vân du đi cứu dân độ thế, khuyến giáo người đời. Ông đi gần khắp miền Nam nước Việt, cứ đi trong một hai tháng là về thăm Thầy, lãnh giáo một lần.
Có một lần nọ, ông đi ba tháng mà không thấy về. Đức Phật Thầy có ý trông đợi, nhắc nhở đến luôn. Lúc đó ông đương hóa độ ở Bà Rịa. Ông vụt thu xếp hành trang ra về, mặc dù tín đồ của ông khẩn khoản thế nào cũng không được. Khi về tới chùa Tây An ở núi Sam, gặp lúc Đức Phật Thầy bận việc hốt thuốc phát phù cho bá tánh, ông khép mình đứng ở phía xa, thế mà Đức Phật Thầy đã biết ông về nên xây lại nói: Ông Đạo Xuyến về đó hả? Thầy chào ông!
Khi phát thuốc xong, Đức Phật Thầy dắt ông vào liêu, khuyến giáo trong năm sáu tiếng đồng hồ.
Về sau ông thuật lại cho biết Đức Phật Thầy không bằng lòng cho ông tu hạnh ly gia cắt ái ấy, vì như thế ông sẽ tuyệt tự, không người nối nghiệp mà truyền lại giáo pháp, trong lúc còn lâu lắm mới tới đời.
Về điều này, người không hiểu pháp môn của Ngài không khỏi băn khoăn, vì nó trái với giới luật của nhà thiền.
Nhưng một khi hiểu được pháp môn hành đạo của Ngài, người ta mới không còn phải lấy làm lạ. Ngài là bực đẳng giác, thấu rõ cơ huyền và căn tánh của chúng sanh. Trong thời kỳ Hạ Nguơn sắp mãn để lập lên đời Thượng Nguơn, muốn cứu vớt chúng sanh cho kịp kỳ Long Hoa Đại Hội, Ngài chỉ dụng có phương pháp thức tỉnh cho họ cải ác tùng lương, trở nên con người hiền đức, nghĩa là khuyến giáo cho họ làm tròn nhơn đạo. (1)
Bởi thế, đạo của Đức Phật Thầy có thể hiểu là đạo: Tu nhân học Phật.
Ông Ba Thới đã khéo tóm lược ý nghĩa phép tu ấy trong hai câu:
Tu quốc vương có vợ có chồng,
Có con có cháu nối dòng an bang.
Về sau, ông Đạo Xuyến, vưng theo lời Thầy trở về quê lập gia thất, sanh đặng sáu người con:
Ba trai, ba gái. Ông dựng lên ở làng Bình Long, phía trên chợ Cái dầu, ngôi chùa Long Châu Thới để thờ Phật và làm nơi cứu dân độ thế bằng phù phép và pháp thuật của ông. Dân trong vùng đến nhờ ông cứu độ và qui y rất đông. Nhứt là những bịnh điên tà đều được ông chữa trị rất thần diệu. Ngoài cách chữa trị bịnh nhơn, ông còn lãnh nuôi con nít. Ai sanh con khó nuôi đều đem đến ký bán cho ông nuôi. Ông lên núi luyện được nhiều vị sơn thần đem về chùa. Mỗi vị được ông tượng cho một cái cốt. Ông khiển các vị tướng ấy lên, hễ vị nào chịu nuôi thì thân chủ rước về mà thờ.
Khi ông cả Tồn, người con trai thứ ba của ông lớn lên, ông giao lại ngôi chùa ấy.
Ông tịch ngày mồng bốn tháng tám năm giáp dần (1914) hưởng thọ 82 tuổi.
Nối nghiệp cha, ông cả Tồn cũng dùng một ít pháp thuật. Ông chấn chỉnh chùa Long Châu Thới và tiếp tục trị bịnh cho tới ngày ông mất, nhằm ngày 12 tháng 9 năm Bính Thìn (1916).
Chùa Châu Long Thới kể ra cũng là một ngôi chùa cổ, dựng lên có gần một trăm năm. Ban sơ chùa cất bằng tre lợp lá, sau nhiều lần tu bổ, cho đến năm Nhâm thìn (1952) Đức ông, thân sinh của Đức Huỳnh Giáo chủ và ông Lâm Thành Nguyên đứng ra chủ xướng việc sùng tu. Chùa cất lại bằng gạch ngói, có hậu tổ, đông lan, tây lan, phong cảnh đẹp đẽ như ngày nay
Sau khi tu chỉnh, nghi thức thờ phượng trong chùa đã được sửa đổi thờ trần đỏ theo chơn truyền của Đức Phật Thầy.
( http://www.hoahao.org)
5/Ông Đạo Ngoạn (1820-1890) :
Tên thật là Đặng Văn Ngoạn, người làng Nhị Mỹ, Cao lãnh tỉnh Đồng Tháp. Ông có lập chùa ở Trà Bông (Cao Lãnh) và có nhiều đệ tử ở đây.
A. Thân-ThếÔng Đạo Ngoạn nguyên danh là Đặng-Văn-Ngoạn, sanh năm Canh-thìn (1802) nhằm Minh-Mạng nguyên niên. Theo quyển « Đạo-Ông giảng-tập » bằng văn nôm, chép theo thể thượng-lục hạ-bát, lời lẽ thận-trọng đáng tin cậy nhưng không rõ tác-giả là ai, thì ông Ngoạn là một trong « thập-nhị hiền-thủ » của Đức Phật-Thầy Tây-An ngày xưa. Chính thế mà thời nhân quen gọi ông là ông Đạo-Ngoạn.
Sinh quán ông tại làng Nhị-Mỹ, tổng Phong-Thạnh, quận cao-Lãnh, tỉnh Định-Tường (nay là tỉnh Kiến-Phong). Trong lòng sông Cần-Lố, thuộc xẻo rạch Trà-Bông (Đồng Tháp-Mười).
Ông có ba đời vợ. Vợ đầu tiên tên Thị-Nhị, vợ giữa là Thị-Thu, vợ sau tên Nguyễn-Thị-Huê (?). Vợ đầu bà vợ giữa không con. Vợ sau tức là Thị-Huê, ở với ông chỉ sanh được một trai là Đặng-Công-Hứa. Hiện nay Công-Hứa còn sống, tuổi thọ được 76, nối chí cha và đang trụ-trì tại chùa Trà-Bông
Năm ngoài 20 tuổi, ông Ngoạn còn một mẹ già, một người anh và một em gái. Sau khi đã cần-mẫn làm ăn lập được một khoảnh ruộng vườn khả-dĩ nuôi sống đủ gia-đình, ông xin phép mẹ cho thong-thả tìm nơi dưỡng tính tu tâm, vì ông cảm thấy « lòng bồ-đề của mình đã bắt đầu nảy-nở ». Mẹ ông thuận cho. Ông liền vào rạch ông-Bường, lựa một nơi thanh vắng để tịnh-niệm.
Trong thân-tộc của ông có người ghét bỏ đến cáo với làng rằng ông ngầm mưu làm chuyện bất lương chứ không phải thực tâm tu-tỉnh. Làng bắt ông ra nhà việc Cây-Me (bây giờ là Doi-Me) để tra hỏi. Anh ông là Bổn Chính hay tin phẩn-nộ không cùng, Chính đến nhà làng Phản-đối rồi cũng bị bắt luôn.
Bấy giờ có người bà con với ông có thế-lực, đang làm chức Quản-Khám tại Mỹ-Trà (Cao-Lãnh) đến can-thiệp nên hai anh em ông được tha. Từ đó ông Ngoạn buồn lòng, lập chí về non tu-tỉnh để tránh cuộc đời dua-mị đê hèn của thế-nhân chen-lấn.
B.Đến núi SamTháng chạp năm canh-Tuất (1850) khi biết tin Đức Phật-Thầy Tây-An được phép nhà cầm-quyền tỉnh An-Giang cho vào núi Sam truyền đạo, ông Ngoạn liền từ-giã mẹ, tìm đến tận nơi để xin quy y. Với bẩm chất hiền-lương điềm-đạm, mới đầu ông được Đức Phật-Thầy ủy cho vào núi Voi hiệp cùng ông Bùi-Văn-Thân, tức Tăng-Chủ Bùi Thiền-Sư mở ruộng lập nhà, chùa rồi 14 tháng sau, ông được Đức Phật-Thầy đổi về núi Sam hiệp cùng ông Đạo Thạch để giúp Ngài trong việc phát phù trị bịnh và xem sóc trong chùa Tây-An.
Trong thời gian ở đây, ông được Đức Phật-Thầy tin yêu lắm. Đến những chuyện truyền đạo và thù-tiếp với những bậc nho giả bốn phương, Đức Phật-Thầy nhiều khi giao phó cho ông được trọn quyền định-liệu.
C. Trở về Trà BôngSuốt bốn năm theo hầu hạ bên Thầy để học điều đạo nghĩa, ông Ngoạn tự thấy tâm hồn nhẹ nhỏm vui-tươi. Bỗng một hôm, Đức Phật-Thầy kêu ông lại gần mà bảo phải trở về Trà-Bông để « bảo dưỡng mẹ già » và phải « tìm nơi kết tóc » để sanh con nối hậu, vì nợ trần của ông còn nặng. Tuân lịnh Thầy, nhưng ông Ngoạn còn bịn-rịn, xin nán lại ít ngày để thu xếp công việc trong chùa rồi sẽ trở về quê-quán.
Chuyện bay ra ngoài, Thị-Nhị là một tín-đồ của Đức Phật-Thầy, bấy lâu lo việc nấu nướng ở liêu sau, nghe tin bèn đến tận mặt ông Ngoạn nguyền xin trọn đời theo ông để « nâng khăn sửa trấp ». Ông Ngoạn bằng lòng. Hai người dẫn nhau đến trước Đức Phật-Thầy trình bày ý-định và xin Ngài cho phép đi về Trà-Bông.
Đức Phật-Thầy nói: « Việc ấy tùy ý các con. Nhưng sau nầy, riêng Đạo-Ngoạn phải chịu nhồi quá: nghèo nàn đến nổi vận khố, đi giữa chợ đông, khốn cùng, đến đỗi trèo non lội suối để trốn tránh, cho đến năm 60 tuổi mới được thảnh-thơi nhàn-hạ ».
Ngày rằm tháng 7 năm Giáp-Dần (1854) ông Ngoạn cùng vợ rời núi Sam, về Trà-Bông viếng mẹ rồi lập một ngôi chùa tại vàm. Từ ấy chuyên lo chữa bịnh và phổ-thông mối đạo.
D. Mối oan-khiênVới phương-tiện tại gia cư-sĩ và học Phật tu nhân, ông Ngoạn nhất-đán đã thu-phục được hàng ngàn tín-đồ. Vì thế Thị-Nhị sanh lòng lợi-dụng, thâu nạp của tiền, vật thực, chứa đựng đầy rương đầy lẫm. Mặc dù ông Ngoạn đã hết lời giảng-dứt cấm ngăn, Thị-Nhị vẫn làm liều không kiêng-nễ chi hết.
Một ngày kia chùa bỗng dưng phát hỏa, cháy sạch của tiền mà Thị-Nhị bấy lâu dành trữ. Kế tiếp, nạn binh lửa do Pháp vào chiếm đóng Nam-Kỳ tràn lan khắp nơi, ông Ngoạn cũng như muôn ngàn người khác, phải đem gia-đình truân-chuyên lánh nạn.
Năm 1867, quân Pháp cưỡng chiếm 3 tỉnh miền Tây và lập trật-tự ở Nam-Kỳ, ông Ngoạn trở về dựng lại chùa xưa, bổn đạo quy-tụ rất đông, sự chữa trị của ông càng linh mầu hơn trước nữa.
Phen nầy Thị-Nhị thâu thập của tiền đem về gởi cho quyến thuộc, lại còn sanh tâm chống-báng với ông Ngoạn mọi điều… Tín đồ của ông Ngoạn thấy vậy không dằn được lòng căm tức, yêu cầu ông cản ngăn. Thị-Nhị thấy thế lại càng kiếm chuyện hành-hung, buộc ông Ngoạn phải giao hết chùa-chiền, giao hết quần áo đang mặc trong mình chớ không được chừa lại một món chi cả. Nhị viện lý là nhờ công của mình chắc-mót.
Ông Ngoạn chỉ còn tay không với một cái quần đùi, để mặc ý cho Thị-Nhị dở chùa chở đi nơi khác, ông chẳng hề hở môi phàn-nàn than-trách.
Tín-đồ của ông rất đổi thương tâm, xúm nhau kẻ giúp lá người cho cây và ra công cất lại cho ông ngôi chùa khác.
Nhưng oan-quả vẫn chưa thôi, Thị-Nhị - sai khi dở chùa về cất tại giòng Thá-La gần đó - lại đến bắt ông về ở. Túng quá, ông Ngoạn chẳng biết làm sao với người ngoan phụ, chẳng lẽ mình tu-hành mà mãi rầy-rà, ông liền ẩn-lánh lên miền Thất-Sơn, với ý-định là mong Thị-Nhị quên ông, hay có chồng khác đi cho ông khỏi bận.
Nhưng sau đó ít hôm, Thị-Nhị dò biết được tin, bèn gom góp của tiền, lên núi Két là chỗ địa-cầu của Thất-Sơn, cất am ở đó để chận đón ông Ngoạn.
E. Sang Tà-LơnBiết là chuyện không hiền, ông Ngoạn sau khi chu-du cùng khắp Thất-Sơn, ông kết bạn với ông Tường (không rõ người gốc tích ở đâu) rồi rủ ông nầy sang Tà-Lơn tìm nơi tỉnh-dưỡng.
Trong khoảng ở Tà-Lơn, ông luyện được rất nhiều phép thuật. Có bận ông bảo ông Tường đem rỗ của ông đã đươn được trên non xuống Sốc-Thổ để đổi gạo về ăn. Ông Tường sợ lạc đường, lại sợ thú dữ nên từ chối không đi. Ông bảo ông Tường cứ đi, ông sẽ cho hùm thiêng dẫn lối. Ông Tường đánh bạo ra đi. Thế là quả thật, có cọp đi trước kêu chừng và giữ-gìn cho ông Tường một cách cẩn thận.
Ở Tà-Lơn một độ. Ngày kia thình-lình ông Ngoạn rơi lụy mà boả ông Tường rằng: « Chư thần cho tôi hay: hiện nay mẹ tôi ở nhà đau nặng, đang nguyện vái và mong mỏi tôi về. Vậy chú liệu xem có thể một mình ở lại hay cùng về với tôi ?».
Ông Tường nghe sao hay vậy chớ trong lòng bán tin bán nghi. Nhưng khi hai người về đến Trà-Bông thì quả thật, thân mẫu của ông Ngoạn còn đang trầm-kha trên giường bịnh.
F. Lên núi KétLo thuốc thang cho mẹ vừa mạnh, ông Ngoạn lại phải nghĩ đến việc mưu sinh, vì lúc nầy, đúng y như lời Phật-Thầy mách trước ngày xưa, ông Ngoạn thật nghèo nàn vất-vả, chỉ có một cái khố rách che thân mà thôi. Ông phải lên núi Két hái thuốc, nấu thuốc cao, thuốc dán để đổi kiếm chút tiền nuôi mẹ và độ hồ khẩu cho mình. Hồi nầy Thị-Nhị đã trở về giòng Tha-La, ông không còn lo vì sự trở ngại lôi-thôi ở núi Két nữa.
Theo tài-liệu trong « Đạo-Ông giảng-tập » thì khoảng nầy ông Ngoạn hiệp cùng ông Bùi-Văn-Thân ông Cả-Lăng, ông Chủ-Dương, chấn chỉnh tại chùa chiền trong làng Hưng-Thới. Và cũng chính lúc nầy ông bí-truyền tâm-pháp cho ông Từ-Đọt (hay từ Lão) một đệ-tử của Đức Phật-Thầy – và dặn-dò công việc truyền-đạo cho ông nầy trước khi ông Ngoạn rời khỏi Thới-Sơn.
G. Dựng lại chùa Trà-BôngRời Thới-Sơn, ông Ngoạn trở về Trà-Bông viếng mẹ. Một hôm, mẹ bảo rằng: Mẹ nghĩ con thì tuổi một ngày một lớn; mà mẹ thì mỗi lúc một già, nay mai mẹ nhắm mắt rồi, mẹ sẽ không vui lòng mà để con ở lại với cảnh lao-đao khổ cực như vầy mãi mãi. Nên mẹ đã lựa cho con một chỗ tại làng Mỹ-Long, con hãy sớm mà lo lập lại cho rồi gia-thất.
Vâng lời mẹ, ông Ngoạn xuống Mỹ-Long cưới vợ. Bà ấy tên là Thị-Thu: tánh nết thuần-hòa, dung-tư đứng-đắn. Không bao lâu bà đã lo làm lụng có một số vốn và mua muối đổi được một số lúa khá nhiều. Bà định giúp ông Ngoạn để dựng lại chùa-chiền, chấn bưng đạo-đức.
Nhưng Thị-Nhị với tấm lòng sâu độc, đem ghe từ giồng Tha-La xuống Cái-Sao-Hạ (Mỹ-Long) a vào nhà chở hết lúa và muối mà bà Thu đã dày công dành-dụm.
Thấy việc quá ngang trái, Hương-Chủ Sắc là người có thế-lực nhứt trong vùng, đến cản ngăn và thóa-mạ Thị-Nhị, nhứt quyết không cho chở lúa. Ông Ngoạn thấy vậy can ông Chủ Sắc và tự nhận là nghiệp quả của ông, vì theo lời tiên-tri của Đức Phật-Thầy, đến năm 60 tuổi sắp lên ông mới được thong-dong rổi-rảnh. Ông Chủ Sắc không biết tính sao, vì không có nguyên-cáo, ông đành để cho Thị-Nhị tự ý tung-hoành.
Nhưng trời vẫn còn tựa người lành, bà Thu lại ra sức làm lụng nuôi mẹ giúp chồng, ít lâu tiền bạc có dư, bà theo ông Ngoạn về Trà-Bông cất lại ngôi chùa ngay nền ngày trước, mà ông Ngoạn vì lánh Thị-Nhị đã bỏ hư, và nổ-lực vung trồng ruộng phước.
Bổn đạo nghe tiếng trở về thăm viếng và nghe thuyết Pháp rất đông. Nhưng công cuộc phổ-truyền đạo đức đang tiến hành hiệu quả thì bỗng bà Thu mang bịnh ngặt mà qua đời. Ông Ngoạn lại phải một phen bận lòng lo-lắng. Ông giao hết của cải của bà Thu cho hai người cháu là Hai Nhẫn và Bảy-Truyền rồi đóng cửa mà chuyên lo kinh-kệ. Năm ấy ông ngoài 50 tuổi.
H. Chữa bệnh thời-khíNăm Giáp-Tuất (1874), bệnh thời khí hoành nhiều nơi làm cho nhân-dân nhộn-nhàng kinh-sợ không làm ăn được. Hương chức làng Nhị-Mỹ thấy thế hội nhau bàn-tính, rồi kéo đến chùa Trà-Bông thỉnh-cầu ông Ngoạn chữa trị.
Vốn sẳn lòng đạo-đức, lại giỏi về khoa cứu chữa bịnh nầy từ khi còn gần-gủi bên Đức Phật-Thầy, ông Ngoạn liền đem hết năng-tài thi-thố. Công hiệu của sự trị binh và quần-chúng kéo tới đông-đảo thế nào, thiết tưởng đoạn văn dưới đây trong tập « Đạo Ông giảng-tập » đủ miêu-tả rõ.
Đạo ông pháp-thuật gắn keo,
Ra oai Phật-lực cứu-điều muôn dân.
Chuyển xoay kinh chú như thần,
Ôn-hoàng dịch khí một lần phải kiêng.
Phù linh hay tợ thuốc tiên,
Phun đâu giải đó mạnh liền như xưa.
Tổng nào tỉnh ấy đều ưa,
Biết bao nhiêu kể người ta đông vầy.
Kẻ lui người tới dẫy đầy,
Dòng sông chật nức ghe cây chen luồn.
Sự đông đúc hiện giờ đến đổi làm cho quân Pháp ở Định-Tường kinh sợ. Họ xuống lệnh cho nhà chức-trách ở Sa-Đéc quan-sát coi nếu thật là gian đạo-sĩ « hội dân làm loạn thì cấp tốc bắt ngay ». Nhưng lúc này giới hữu quyền ở đây phần nhiều đều cảm-phục uy-đức của ông Ngoạn, họ mật bàn với nhau, thỉnh sắc thần đem về để sau hậu tổ chùa Trà-Bông rồi báo về tỉnh đường rằng sự tụ-hội đông-đảo là để cầu an bá-tánh và cúng thần chớ không chi lạ. Nhờ vậy mà từ ấy sự lui tới của dân chúng mới yên. Ngày nay tại chùa Trà-Bông vẫn còn để thờ Long-Đinh, ấy là nếp cũ ngày xưa vẫn còn roi dấu.
I. Sanh còn và tịch diệtTừ khi bà Thu là vợ giữa của ông Ngoạn mất đi, ông không hề nghĩ đến việc tục huyền nữa. Nhưng mẹ ông không nghe, thường dạy ông lấy vợ để sanh con nối hậu.
Nhớ lời Thầy xưa và tuân theo lệnh mẹ, ông Ngoạn cưới bà Nguyễn-thị-Huê ở rạch Cái-Vừng (thuộc làng Nhị-Mỹ) về coi sóc trong ngoài và sớm hôm nuôi dưỡng từ-mẫu. Bà nầy đức-độ thanh-cao, làm ăn giỏi-giắn. Trong việc giúp-đỡ bịnh-nhân và tiếp đãi tín-đồ của ông Ngoạn lúc sau nầy, một phần lớn nhờ ở bàn tay của bà giúp sức.
Căn-cứ theo bài du-ký Đế-Thiên (có lẽ là của ông Đặng-Công-Hứa) thì năm ông Ngoạn đúng 60 tuổi, tức là năm Canh-Thìn (1880), ông nằm mộng thấy có Khổng-tước bay đỗ vào lòng, rồi trong năm ấy bà Huê thọ thai và sanh hạ một trai. Nhân thấy điềm ứng chim công, ông Ngoạn theo đó mà đặt tên con là Đặng-Công-Hứa. Cuộc đời sóng gió của ông Ngoạn trước kia từ nay không còn có nữa. Ông sớm chiều thong-thả giảng đạo xem kinh, tịnh-niệm và tu bồi công-đức.
.Tết Canh-Dần (1890), giữa lúc có tín-đồ tựu về lễ Phật đông-đủ, ông Ngoạn vui vẻ nói: « Trong năm nay, chúng đệ-tử sẽ không còn gặp mặt ta nữa. Vậy mỗi người cứ trì-tâm đạo-tác phước-điền, chớ khá vì chẳng ai nhắc-nhở mà lảng-xao bổn-phận ». Tín-đồ nghe nói biết là lời trối nên đau đớn bịn-rịn chẳng chịu ra về, ông phải đem thuyết « hữu hình tắc hoại » ra giảng-giải, ai nấy mới chịu an lòng nghe theo.
Ngày 19 tháng 2 năm ấy, ông tắm gội sạch-sẽ rồi ngồi niệm Phật mà tịch-diệt, thọ được 70 tuổi. Tín-đồ xúm nhau chôn cất và thương-xót vô cùng, có người ở lại Trà-Bông đến ba năm để săn-sóc và bồi đắp chung-quanh nắm xương tàn của người liễu-ngộ cho thỏa-lòng luyến tiếc.
Qua mười năm khói lửa, ngôi chùa Trà-Bông đến giờ hãy còn giữ được nguyên vẹn phong-độ uy-nghiêm, mặc dù cây cối quanh chùa đã phải nhiều phen đương đầu với sự tàn-phá của miểng bom oanh-tạc.
(http://www.hoahao.org)
6/Ông Đạo Lãnh ( ? ) :
Còn gọi là ông Hai Lãnh, không rõ gốc gác ở đâu, ông có vợ là bà Nguyễn Thị Ngôn ở Nhà Bàn, tỉnh An Giang, hai ông bà đều là đệ tử của đức Phật Thầy. Năm 1859, người Miên nỗi loạn ở Láng Cháy, vợ con chết hết trong trận nầy, ông mới tu và đắc đạo, trị bệnh cho nhiều người, sau lên Gò Sặt ở Kampuchea hành đạo, có nhiều đệ tử người Miên. Ông tịch và thiêu ở nơi đây.
(Người ta cho rằng ông Đạo Lãnh là thuộc tướng của đức Cố Quản, điều nầy hoàn toàn không đúng. Theo quyển gia phả do ông Huỳnh Bá Nhệ, giáo học tại Thị Xã Châu đốc và ông Nguyễn Văn Sáu, giáo học trường Tiểu Học Chợ Quán lập, có ghi sự tích ông Hai Lãnh : Ông Hai Lãnh có vợ là bà Nguyễn Thị Ngôn ở Nhà Bàn, tỉnh An Giang, hai ông bà đều là đệ tử của đức Phật Thầy, năm Kỹ Mùi 1859, Miên nỗi loạn ở Láng Cháy, ông bị Miên bắt với người em dâu thứ Năm của vợ và mấy đứa cháu. Bà Ngôn thấy chồng, em dâu là vợ của Năm Tín, và mấy cháu bị bắt, nghĩ rằng tất cả sẽ bị giặc giết nên bà bồng con vào nhà nổi lửa tự thiêu cả hai mẹ con, về sau bà cũng hiển linh lắm ( ông Sĩ Hiền có đăng một bài báo về sự linh hiển của bà hai Ngôn, vợ ông Lãnh đã cứu một đoàn nghĩa binh chống Pháp năm 1946, Báo Đuốc Nhà Nam ngày 22-6-1970 ), ông Năm Tín trốn gần đó, thấy chị mình tự thiêu chạy về định cứu, bị hai tên giặc Miên bắt, ông nắm kéo cả hai tên Miên vào nhà chết cháy luôn.
Giặc Miên lúc đó, hể ai bị bắt mà có vợ, có chồng thì tha, do đó vợ Năm Tín bèn chỉ ông Hai Lãnh là chồng, giặc tha cả hai và mấy con của người em. Ông Hai Lãnh được tha về, vì em dâu nhận mình là chồng, ông cho đó là sự loạn luân, lại thêm cảnh thê thảm, giặc giết dân làng, vợ con, em vợ bị chết, ông buồn bỏ nhà đi lang thang (có thể ông đã luyện đạo trong thời gian nầy chăng ?), lúc ấy ông hiển đạo, biết việc quá khứ, vị lai và trị bệnh rất linh nghiệm, cả người Miên cũng phục ông, nhức đầu, ông lấy tay vỗ lên trán, bệnh khác nặng nhẹ ông cho uống nước lã dạy niệm Phật sẽ khỏi, ông có chế thuốc cao và bán khoai lang ở kinh Vĩnh Tế, ông có ra cuốn sấm giảng “ Ông Bán Khoai” , vài năm sau ông lên Gò Sặt tu, bổn đạo ông khá đông là người Miên, sau ông tịch ở Gò Sặt, trong những vật dụng thiêu với ông, có một cây lọng bằng giấy cán tre không cháy, cháu ông để thờ, trong nhà trẻ con bệnh, mài cán lọng pha với nước uống thì khỏi. Theo sự cúng giỗ của cháu vợ (con ông thứ Tư), ông mất vào ngày 14 tháng 4 âm lịch ( không rõ năm nào).
Ông truyền dạy cho người trong gia đình, khi ra khỏi nhà, khi đi đâu trở về nhà, lúc lên giường ngủ, lúc thức dậy nên niệm Nam Mô A Di Đà Phật .)
(http://baynui.blogspot.com/2010/05/uc-phat-thay-tay.html)
7/ Ông Đình Tây (1802-1890) :
Tên thật là Bùi Văn Tây, không rõ gốc tích (có người cho là gốc gác ở Năng Gù, huyện Châu Thành tỉnh An Giang, điều nầy chắc không đúng, vì kẻ viết bài là người Năng Gù, chưa từng nghe ai nói như vậy), là cháu cũng là con nuôi của ông Tăng Chủ, người được đức Phật Thầy giao cho những vật để bắt sấu thần gọi là “Ông Năm chèo”.
Ông Năm Chèo : Người ta tin nó là con sấu thần, có năm chân ( như ghe có năm chèo, để chèo trên sông nước) mũi đỏ, ẩn mình dưới cù lao nào đó, sau sẽ nổi lên ở Vàm Nao, há miệng ra ăn thịt tất cả những người không có tu nhân tích đức.
Theo truyền khẩu, một đêm kia đức Phật Thầy vào trại ruộng Thới Sơn dạy ông Đình Tây đi xuống Láng Linh để cứu người, ông liền tức tốc xuống vùng đó, có người đàn bà đang đau bụng đẻ, nhà đơn chiếc, ông Đình Tây liền lo cất chòi, rước mụ cho người ấy sanh (hồi xưa, cách nay chừng 30 năm, ở nhà quê có người sanh, phải che một cái chòi bên cạnh nhà cho người ấy sanh, rước một bà mụ vườn để lo đở đẻ, cắt rốn cho trẻ sơ sanh).
Gia đình nghèo, người chồng tên Xinh phải đi câu phược (đi câu cá lóc ban đêm), khi trở về thấy vậy, người chồng mang ơn vô cùng, sẳn trong giỏ có con sấu mũi đỏ, năm chân, cho là con vật kỳ lạ nên anh ta biếu ông Đình Tây để đền ơn. Ông Đình Tây nuôi vài năm đã lớn, nó bỏ đi bắt vịt của người ta để ăn, sự phá hại ấy làm cho nhiều người kêu ca, ông Đình Tây không bắt nó lại được nên trình cho đức Phật Thầy rõ, Ngài cho biết nó là con vật linh, sau nầy nó sẽ nổi lên ở Vàm Nao (nơi sông Tiền Giang và Hậu Giang giao nhau ở vùng Hòa Hảo), nó sẽ ăn thịt tất cả những người không tu hành, do đó Ngài rèn một lưỡi câu, một cây mum, hai cây lao và đánh một sợi dây ngũ sắc, giao cho ông Đình Tây để sau nầy, dùng những vật ấy câu bắt con sấu thần có năm chân, được mệnh danh là “Ông Năm Chèo” đó.
Theo chỗ chúng tôi nghĩ, con sấu ấy có thật, các vật để câu sấu có thật, ngày nay con cháu ông Đình Tây ở Nhà Bàn, Châu đốc còn giữ, nhưng con sấu ấy cả trăm năm rồi, nó chẳng hề ăn vịt, bắt người nào cả. Đáng lý ra, nó cũng phải nổi lên mặt nước để thở, để bắt mồi, phải ăn để sống chớ, vậy mà tuyệt nhiên không có những việc ấy xảy ra, cho nên chúng ta phải hiểu đây là việc đức Phật Thầy dùng làm CƠ để răn đời, bởi vì ai mà không sợ “sấu tha, ma bắt !”, nhưng khi làm việc ác nhân thất đức, thì lại không sợ tội phước, chẳng màng đến nhân quả, cho nên Ngài dùng ông Năm Chèo để răn dạy những người ở ác phải rán mà tu nhân.
Có người nói rằng theo như sợi dây, lưỡi câu là những thứ không thể nào đủ sức giết một con vật sống lâu như vậy, và cho biết rằng theo như CƠ ấy mà suy ra thì, con sấu đầu Đỏ chỉ cho Cộng Sản, nổi ở Vàm Nao tức là Vào Nam, năm chân tức là ngôi sao vàng 5 cạnh, ai cũng vào bụng nó tức là ai cũng phải làm lý lịch nộp cho chúng, và phải câu nó bằng sợi dây ngũ sắc, đó là phải câu nó bằng : Ăn uống, ngủ nghỉ, tiền tài, danh lợi và sắc đẹp. Giải thích như vậy, nghe qua cũng có lý, nhưng đúng hay sai chỉ có thời gian mới trả lời được mà thôi.
Xin xem tiếp bài 8. dienbatn.
A mi da phat
Trả lờiXóaNhìn đi nhìn lại mình thấy trong số 12 vi đệ tử của đức Phật Thầy Tây An cuộc đời của ông Đạo Ngoạn là khổ nhất đúng là: ba chìm, bãy nổi, bốn lênh đênh.Nhưng ông Đạo quả thật là người con có hiếu, nhờ thế mà được an nhàn về sau