CHUYỆN XƯA TÍCH CŨ . NHẤT DƯƠNG CHỈ .TÁC GIẢ Atoanmt.
LỜI NGỎ : dienbatn sẽ đăng lại một số bài viết hay của các ACE thế hệ trước từng làm mưa làm gió trên các diễn đàn Huyền thuật. Việc này nhằm ôn lại những kỷ niệm xưa cũ , và cũng thầm nhớ lại và tri ân những đóng góp của họ vào tri thức Huyền thuật của nước nhà. dienbatn chỉ chỉnh sửa một số lỗi chính tả ,còn để nguyên chất giọng vùng miền của họ.Xin chân thành cảm ơn các tác giả.
GIỚI THIỆU VỀ TÁC GIẢ Atoanmt.
Trong cuộc đời , dienbatn chưa diện kiến với Atoanmt nhưng dienbatn rất quý trọng những gì mà tác giả đã đóng góp vào tri thức Huyền thuật của nước nhà. Xin trân trọng cảm ơn tác giả.
Tự Họa của Atoanmt :
Nửa Lính, nửa Quan, nửa Thầy, nửa Thợ:
Đầu đầy...Chí !, lang-thang trên 4 vùng đất Việt,
Ít Tiền, ít Bạc, ít Bạn, ít Bè:
Bụng thiếu...Cơm !, trằn-trọc dưới 8 hướng trời Tây.
NHẤT
DƯƠNG CHỈ .
Năm tôi mười bốn tuổi, lúc chưa gia nhập Môn Phái, thỉnh thoảng tôi phóng xe
lên nhà Thầy Hai chơi, một hôm, đang ở nhà Thầy, có người đến rước Thầy đi trị
bịnh, mới đầu, Thầy từ chối, nói là ở nhà bận việc, nhưng khách năn nỉ quá,
đồng thời nói là Bà Mẹ bịnh đă ba năm, bây giờ yếu quá rồi, nên không chở đến
nhà Thầy được. Thế là Thầy chịu đi và cho tôi đi theo luôn.
Khi đến trước cổng sân, Thầy đứng lại và nói với người đi rước:
-"Chú em vô nhà cởi trói người bịnh ra đi".
Người này nhìn Thầy có vẻ ngạc-nhiên và ngần-ngại, nhưng khi thấy Thầy khoác
tay ra dấu, thì người đó lẳng-lặng mở cổng, đi tuốt vô nhà. Thầy đứng im trước
cửa, tôi đứng bên cạnh...chờ...Bỗng có một tiếng hét ghê rợn từ trong nhà vọng
ra, tôi nhìn thì thấy dáng một người áo đen, tóc dài, đang chạy mù cát lên, từ
trong nhà chạy lại và khi đến gần, tôi thấy đó là một bà già, tóc dài muối tiêu
(muối nhiều hơn tiêu) tay cầm con dao phay lớn...sau lưng bà là một nhóm người
khác chạy theo.
Phản-ứng tự-nhiên, tôi bước nghiêng người qua một bên, với tư-thế sẵn-sàng...đá
(Tôi lúc đó đã qua mấy trường Võ: Judo, Tae Kwon Do, và cả Thiếu-Lâm nữa mà cái
nào cũng ba mứa!) Thầy thấy tôi rục-rịch, bèn đưa 1 tay ra dấu tôi đứng yên.
Vừa lúc đó thì Bà Già đă chạy đến, cùng với con dao, xin các bạn hình-dung cho
là bà ta chạy với tốc-độ nhanh, không cần chém, chỉ...té vô mình là mình cũng
lãnh 1 dao ngọt sớt !
Nhưng đằng này con dao lại chém thẳng vào mặt Thầy, tôi hồi-hộp nhìn, thực ra
chưa kịp...hồi-hộp. (!) đã thấy con dao khi còn cách mặt Thầy khoảng hai, ba
gang tay, thì như có một bức tường vô-hình ngăn chận !. Có lẽ...vì trớn dao
chém mạnh, đụng… “bức tường vô hình”, nên con dao sượng lại và rung nhồi nhồi
về phía trước.
Thầy vẫn bình-thản đứng như không có việc gì sảy ra, trong khi những người từ
phía sau Bà già vừa chạy tới vừa la um sùm. Còn Bà Già, thấy chiêu đầu tiên của
mình không vô, bà bèn lui lại mấy bước, hạ thấp người xuống như...Xà-Tấn, rồi
hét lên một tiếng nữa cùng lúc với tay dao chém vút tới.
Lần này thì tôi đã nhìn được...dung-nhan của Bà, và tôi tự-động...lui một hơi
hai, ba bước. Vì thưa các bạn, Bà Già y như 1 bộ xương bọc da di-động, giữa
trời chiều, trông bà như một...loài quỷ dữ nào đó hiện lên...Cái đầu không còn
thịt, chỉ còn da bọc bên ngoài, nên trông y như cái đầu lâu, và làm cho mớ tóc
có vẻ phồng lên lớn quá khổ, nhưng vẫn không đủ để che đôi mắc sáng quắc, quá
sáng, sau hốc mắt sâu thẳm của bà...
Con dao của bà, giống như lần trước, nó sựng lại, rung rung trước mặt Thầy...Có
lẽ cảm thấy... “quê”, nên Bà ta lui mấy bước, khoa dao và phóng thêm một chiêu
thứ ba nữa. Tôi, bên cánh phải của Thầy, cũng...lẹ làng thối lui thêm một bước
! ... còn Thầy vẫn đứng nguyên! Khi cây dao đến trước mặt lần thứ ba, tôi thấy
Thầy chăm-chú nhìn nó rung một lúc rồi Thầy từ từ đưa tay lên, bàn tay nắm lại,
có một ngón trỏ chỉa ra, chỉ thẳng vào Bà Già, lập tức bà ta vụt té bật ngửa ra
sau một cái bịch, y như bị trúng “Nhất-Dương-Chỉ” !
Bà ta còn lăn dưới đất, thì Thầy đứng cách khoảng bốn thước đã chỉ tay và khều
nhẹ trong không khí một cái nữa. Phía bên kia thì Bà Già lại văng ra thêm mấy
thước… Các bạn hãy tưởng như Thầy đang nắm một sợi giây, có cột trái banh ở đầu
giây, hễ Thầy giựt một cái, thì trái banh văng đi vậy.
Tôi không nhớ rõ Thầy “khều” mấy cái, vì tôi lo nhìn bà già, chỉ nhớ là bà cứ
văng người khắp cái sân cát rộng, lăn như bị người ta đá !. Tất cả chỉ có mấy
phút, nhưng cũng đủ để khoảng bốn, naăm người quỳ sụp xuống sân và ...lạy Thầy:
- “ Xin Thầy tha cho....kẻo già ốm như vậy mà Thầy đánh 1 hồi chắc chết.!..”
Khi lúc chính bà già quay lại lạy Thầy, thì Thầy mới thôi, Thầy hỏi:
- “Ai vậy? hãy xưng danh-tánh cho ta biết”
- “Dạ tui không dám nói”
- “Tại sao không dám?”
- “Sợ Sư phạt nặng”
- “Biết sợ phạt sao nhà ngươi dám nhập xác của bà này suốt 3 năm?”
- “Dạ, tại tôi tưởng không ai đánh lại mình”
- “Nhà ngươi to gan thiệt, hãy báo danh cho mau kẻo ta dùng phép Ngũ-Lôi đánh
chết”
- “Dạ xin Sư tha cho, tôi là...”
(Xin lỗi quý bạn, tên của Vị này, Thầy tôi cấm không cho tôi nhắc đến). Sau
cùng Thầy nói:
-“ Thôi được rồi, xuất đi, để cho bác đây ra sau tắm rửa thay đồ”.Thế là bà già tỉnh luôn, bà ta đứng dậy phủi quần áo dính đầy đất cát, và không
cần ai đỡ mà tự mình lặng lẽ đi trở vô nhà trong. Chuyện có một chút nhưng sự
huyên-náo đă kéo cho lối xóm đến coi cũng cỡ trên hai mươi người, lúc đó chủ
nhà mời... “hai Thầy” vô nhà dùng cơm. Tôi khoan khoái nhìn thấy cái bàn dài
đầy thức ăn, gà vịt...nhưng chưa kịp vui đă bị mất hứng khi nghe Thầy nói:
-“Dạ cám ơn mấy chú, bữa nay tụi tui ăn lạt”
Chủ nhà càng bỡ-ngỡ hơn, họ bối-rối nói:
-“Chà, hổng ngờ bữa nay mấy Thầy ăn chay, tụi tui hổng biết trước, bây giờ
thiệt không có gì đãi Thầy…”
- “Hổng sao, mấy chú rang đậu phộng lên, lặt mấy cành Cải chìa sau hè là được
rồi”
Thế là tôi đành ngồi nhai cơm với đậu phộng cho qua bữa, nhưng vừa ăn xong, thì
Thầy nói:
- “Mấy chú lo lấy xe đưa tui về trước đi, vì ở nhà tui có công-chuyện, ngày mai
rước tui tới, tui trị dứt cho.”
Chủ Nhà thưa:
-“Dạ, nhưng Bả chưa hết, rủi đêm nay bả quậy thì ai mà giữ nổi?”
Thầy đáp:
-“Hổng sao, có “Đệ-Tử” của tui ở lại mà, à mấy chú có cái phòng nào kín để tui
làm phép không? đuổi mọi người ra xa, giữ không cho ai lại gần nghen.”
Các bạn biết không, lúc đó, tôi chưa hề học 1 chữ nào của Thầy cả, và hoàn-toàn
chẳng biết tý gì về Bùa, Phép, nên tôi ngạc-nhiên khi tự dưng Ông Thầy nói tôi
là đệ-tử ! Thầy dắt tôi vô buồng, thả màn che xuống, vẽ vẽ vô lòng bàn tay tôi
rồi chỉ tôi cách nắm bàn tay, chừa ngón trỏ ra, và chỉ tôi học thuộc lòng một
câu chú ngắn, dặn hễ có chuyện gì, cứ chỉa ngón tay vô bà già và niệm chú là
xong!
Thầy tôi đi về, để tôi 1 mình giữa những người xa lạ, chuyện hồi chiều, có 1 số
người biết, bây giờ tối xuống, những người đi ruộng rẫy về, nghe kể, họ tò mò
muốn vô nhà để..coi mặt "Thầy", nên lúc tôi ngồi ở bộ ván gõ gần cửa,
cứ khoảng năm phút là có người đến trước cửa réo hỏi mượn đủ thứ: đường, tiêu,
tỏi, ớt và mượn cả ...nước mắm nữa. Có cô đi ngang gần chỗ tôi ngồi còn... “Xí”
một cái và nói:
- “Chắc học trò chớ thầy gì mà công-tử thấy mồ!”
Làm tôi quê quá, bèn hỏi chủ nhà có sách truyện gì đọc không? Chủ nhà lục cho
tôi được một cuốn kiếm-hiệp cũ mèm trong bộ mấy chục cuốn của Kim-Dung, tôi
đành coi đỡ.
Mới tám giờ tối mà ở địa-phương đó làm như khuya lắm, cả nhà bắt đầu đi ngủ, họ
soạn sẵn giường chiếu cho tôi. Còn tôi thì không ngủ được bèn ngồi bên cái bàn
tròn ngoài phòng khách chong đèn dầu đọc Chưởng. Tôi ngồi trên cái ghế đẩu đang
say sưa đọc truyện, thì bỗng ai đấm vô lưng một cái bịch ! làm tôi té văng
xuống đất đau điếng !
Đầu tiên là tôi giựt mình, lồm-cồm ngồi dậy ngay, sợ có ai thấy thì “quê” quá,
nhưng khi tôi nhìn lại, thấy cái bà già hồi chiều, thì tay chân tôi cuống lên
luôn. Các bạn tưởng-tượng lúc chiều, trời sáng, mà coi bả còn thấy ghê, huống
gì ban đên, qua ánh đèn dầu leo lét, trông bả y như Quỷ hiện hình. Tôi còn đang
nghĩ kiếm “thế” làm sao chạy một cách an-toàn, thì bà già bỗng chạy trở vào
buồng trong, núp sau cái màn cửa, và vỗ tay nói oang oang:
- “Ha ha, Thầy về rồi, còn trò, ta hổng sợ!”
Thấy bà đã cách xa mình, tôi hoàn-hồn, và nhìn quanh coi có ai thấy mình bị
đánh té bò lăn dưới đất không, cũng may, chẳng có ai. Và tôi lập tức nắm bàn
tay theo kiểu Thầy chỉ, nhưng tay nắm xong, mà câu chú thì quên mất tiêu ! Tôi
cứ lập đi lập lại hai chữ đầu :
-“Ề Hế...ề hế...”
Trong khi bà già cứ vỗ tay um sùm và nói:
-“Thầy về rồi, còn đệ-tử thì ta hổng sợ....”
Có tiếng lục-đục ở các buồng bên, chắc có người mới thức, còn tôi, đứng cách bà
già khoảng bốn thước, cách qua cái bàn tròn, nhưng tôi cũng đã...âm-thầm để một
chân dưới cái ghế đẩu, nếu Bả bước tới, thì cái ghế sẽ bay vô Bả, còn tôi sẽ
bay...ngược chiều... ra ngoài cửa chạy luôn ! Bất chợt, sau câu:
-“Ề hế, ề hế...”
Tôi lại đọc được một hơi nguyên câu chú, tôi như cảm thấy cánh tay mình rần rần
lên, và lòng bàn tay bắt ấn bỗng nóng rực, tôi vội đưa ra chỉ về phía bà già,
thì nghe một cái rầm !,bà già té ngược vô trong buồng, lẫn vào bóng tối mất
tiêu. Tôi bắt chước Thầy, co ngón tay “khều” nhẹ một cái, thì bà già bay từ
trong buồng ra, lăn tròn dưới đất, cả thân bà đụng vào cái bàn làm đổ tung cái
ly nước và dĩa bánh men xuống đất. Lúc này thì cả nhà thức giấc, đèn đuốc sáng
trưng, tôi an-tâm tiếp tục biểu-diễn màn “khều” cho bà già té lăn cù trong
phòng khách...
Nếu tôi nhớ không lầm, thì thỉnh thoảng, lúc xỉ ngón tay về phía bà già, mơ hồ
tôi có gồng lên chút ít, và khoa chân xuống tấn, thêm vẻ oai-phong cho cái cánh
tay....ốm nhom, ốm nhách của mình !!!
Rồi mọi người lạy, rồi bà già lạy, tôi mới “phán”:
- “Ra đằng sau tắm rửa thay đồ!”
Bà già nghe lời lủi ra sau, tôi khoái-trí an-toạ trước tách trà mà chủ nhà
trịnh-trọng bưng hai tay dâng đến...Nhưng cái khoái trí đó chỉ được có năm
phút, thì có một người chạy lại, mặt xanh lè nói:
-“Trời trời, Thầy làm ơn biểu bả lên đi kẻo bả chết cóng dưới sông...”
Tôi đi theo vào nhà trong, ra sân sau, sau nhà là một dòng sông nhỏ, dưới ánh
trăng vàng vọt của đêm khuya, bà già đang đứng giữa sông, hai cánh tay xoãi
dang ra múa, hát, tiếng hát-hò lồng-lộng, bên cạnh, mái tóc dài của bà già nổi
trên mặt nước, trôi dài lấp loáng.
Tôi nhìn mà có cảm-tưởng như mình đang ở một thế-giới khác, y như là ở xứ của
Ma-Quỷ, và trước mặt, một bộ xương người đang múa. Tôi thấy rợn người, nổi da
gà! chết lặng trước cảnh quái-đản đó khoảng mấy phút, mới tỉnh hồn.
Nhưng biết làm gì bây giờ? Thầy đâu có chỉ vụ xuống sông ? Câu chú lại quên
nữa, tôi bối rối trong khi mọi người xúm lại năn-nỉ, làm như tôi trói bả xuống
sông vậy!. Sau cùng tôi cũng nhớ lại được câu chú duy-nhất và đầu đời của mình,
tôi vội niệm và dùng Ấn, ngoắc-ngoắc bả lên bờ. Không ngờ, xa như vậy mà Ấn
cũng tác-dụng, bả quay phắt lại phía tôi và lội ngược nước phăng-phăng lên. Tôi
vội nạt gấp khi bả vừa bước lên cây cầu gỗ:
-“Nhà ngươi xuất ra ngay, cho Bà vô buồng tắm, thay đồ rồi vô phòng ngủ, cấm
ra, nếu ra thì tui đánh không nghỉ”
Bà ta lạy tôi 1 lạy và...xong chuyện. Mọi người đi ngủ lại, còn tôi thức trắng,
cứ hồi hộp sợ nửa đêm bả ra bả bóp cổ mình!
Từ nhỏ, sống ở Quận Ba Saigòn, đêm đó là đêm tôi mới biết thế nào là “Tiếng
Nhạc đồng Quê” tôi nghe không sót một tiếng gì, đặc-biệt là từ phía phòng trong
dài ra tới mé sông, tiếng dế kêu, tiếng cóc, tiếng ếch, tiếng nhái, tiếng cắc
kè, tiếng mái chèo khua ngoài sông...sao mà rõ quá, kể cả tiếng của những cơn
gió giật, làm các bụi tre kẽo kẹt...Những âm thanh mộc-mạc, vừa xa lạ, vừa quen
thuộc, vừa có vẻ bí-ẩn của đêm… thỉnh-thoảng vẫn còn dậy trong ký-ức tôi cho
đến mãi bây giờ...
Như lời hứa, sáng sớm hôm sau người nhà đem xe đến rước Thầy...tôi. Vào nhà,
lập tức Thầy tôi biểu chủ nhà đơm cho bốn chén cơm đầy, xong Thầy thắp nhang
tất cả các bàn thờ trong nhà, Tôi để ý thì thấy Thầy dùng nhang đang cháy mà vẽ
Bùa gì lằng-ngoằng trên bốn chén cơm, rồi tự tay Thầy đi vòng quanh nhà ba
vòng, xong úp bốn chén cơm xuống đất tại bốn góc nhà. Tôi hỏi, thì Thầy cắt
nghĩa là Vị Thần nhập vào Bà già đó, là 1 Vị Thần cũng khá cao, nên Thầy mời
Tứ-Đại-Thiên Vương xuống trấn bốn góc nhà. Bốn chén cơm là nơi để
Tứ-Đại-Thiên-Vương...đứng! (Các bạn hẳn có người đã tình cờ đọc tên
Tứ-Đại-Thiên-Vương trong các truyện tàu rồi, mà các bạn có tin không?, riêng
tôi, lúc đó nghe Thầy nói vậy, thì nghe vậy, chứ thực-sự trong lòng tôi không
tin ! Mãi đến trên ba mươi năm sau chính mình đụng chuyện, tôi mới tin là có,
đó là chuyện “Chùa Tứ Phương Tăng” mà tôi sẽ viết ra để chứng-minh với các bạn
sau...).
Thầy tôi mời bà già ra, hai người nói chuyện bằng...một thứ tiếng gì mà tôi
nghe Miên không ra Miên, Lào không ra Lào, Tàu không ra Tàu…mà mãi sau này tôi
được cắt nghĩa đó là “Tiếng Âm”.
Sau cùng bà già quỳ lạy Thầy tôi, rồi té xuống nằm thiêm-thiếp. Thầy tôi liền
làm phép vẽ bằng nhang vô người của bà già, được một lúc thì bà già tỉnh dậy,
và coi như hoàn-toàn bình-phục, không còn bị ai nhập trong người nữa....(Một
tháng sau, Bà già bịnh-nhân đó nhờ con cháu đưa lên nhà Thầy tôi để lễ tạ, tôi
đã vô cùng ngạc-nhiên khi gặp Bà, một người hoàn toàn khác hẳn, Bác gái lúc đó
là một người trông rất...đẹp Lão và phúc-hậu, hoàn-toàn khác với "Bộ xương
di động" mà mới chỉ mợt tháng trước đó, khi gặp bác thì...tôi luôn luôn co
giò muốn chạy trốn...
Khi chúng tôi từ-giã ra về thì chủ nhà cám ơn rối rít và đưa ra hai bao thơ để
tạ-lễ. Tôi lúc đó lại đứng hơi gần ông chủ nhà, thấy người ta đưa bao thư đến
tận tay mình, nên tôi...đành lịch-sự đỡ lấy, không ngờ khi vừa cầm trên tay thì
Thầy tôi nói:
-“ Tôi đến để giúp dùm cho Bác gái ở nhà này thôi, không có nhận tiền đâu, xin
anh lấy lại đi, bây giờ điều anh nên làm là lo chăm sóc cho bác gái ăn để tẩm
bổ lại...”
Chủ nhà cũng như tôi đều ngạc nhiên, nhưng Ông chủ nhà cũng cố nói:
- “Dạ thưa Thầy, Thầy đã không quản công lao tới đây giúp đỡ cho gia đình tui,
chúng tui củ ít lòng nhiều, mà trong bì thư này cũng không có là bao, chỉ chút
ít để gởi Thầy về cúng Phật, xin Thầy vui lòng nhận dùm…” Thầy đáp:
- “ Chú đừng có lo, nếu Chú muốn cúng Phật, thì ở nhà Chú có bàn Thờ đó, Chú cứ
mua hương hoa về cúng là tốt rồi, phần tôi, tôi chỉ làm phước thôi, không nhận
tiền của gì đâu. đừng có ái ngại cái gì hết, thôi để tụi tui đi về vìở nhà tui
cũng bận nhiều việc lắm.”
Nói xong chúng tôi từ-giã ra về, khi về đến nhà Thầy, được một lát thì Thầy lấy
ra cái “can” xăng, Thầy nói:
-“Em đem can xăng này ra bán dùm Thầy đi, ở nhà hết tiền chợ rồi!”
Tôi ngẩn-ngơ, nhớ lại hai bao thư dày cộm mà chủ nhà trao cho hồi sáng, Thầy
tôi đã từ-chối không nhận, trong khi Thầy biết là ở nhà Thầy thì hết tiền. Từ
đó, tôi mới sinh lòng kính-trọng Thầy và quyết-tâm theo Thầy học đạo....
dienbatn giới thiệu.
Chào nhà nghiên cứu,
Trả lờiXóaĐã cách đây lâu rồi, cỡ trên 10 năm , tình cờ trong lúc lục lọi mấy trang web tìm đọc tài liệu về tử vi, số là lúc đó tôi đang tò mò tự học xem tử vi đặng cố giải mã mấy lá số của gia đình tôi, thú thật tới nay mèo vẫn hoàn mèo, dốt mấy món huyền vi vẫn hoàn dốt 100%. Nhưng điều mà tôi muốn đề cập ở đây, đó là nhờ tình cờ thấy mấy bài viết của ông ai đó post vào chuyên mục truyện ma hay trong trang có chuyên mục Tử vi tôi đang xem, thành ra có duyên đọc được truyện Cuộc chiến giữa hai cõi âm dương do ông viết, quá hấp dẫn , thế là từ đó tôi hâm mộ tìm đọc thêm các bài viết đủ cac chuyên đề khác của ông. Nay , nhân chuyện đổ bể ra với tôi rằng tôi chính là Chuyển Luán Thánh Vương , đúng y phom mọi thông tin mà cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết trong sấm Trạng Trình từ 500 năm trước. Nói thật, tôi vô cùng kinh ngạc về tài năng rất dặc biệt của cụ Trạng, bởi vì từ 500 năm trước không hiểu sao cụ ấy chưa hề biết gì về phía Nam VN ngày nay, vì nhà Nguyễn chưa mở đất về phương Nam , chính Trạng biết Thiên Cơ định như thế nào nên hướng dẫn Chúa Nguyễn mở đất về phía Nam , thứ nhất, chắc chắn sẽ thành công, thứ hai, gần 500 năm sau Hùng Vương sẽ tái thế ở đó, mà Trạng mô tả rất chính xác địa thế Sài Gòn báy giờ, nơi Thánh sẽ hạ thế. Vậy vì sao các phong thủy sư của nước nhà lại không ai nhìn ra cái thế khủng của cuộc đất Sài Gòn này nhỉ ?
Trong cuộc đời đi Ta bà, tôi đã gặp rất nhiều Linh căn , Linh cẳng . Ngày xưa họ tụ tại 1 quán Cà phê ở Xóm Củi - Q4 - SÀI GÒN.Hiện họ đang tụ tại khu vực Hóc Môn. Cũng khá nhiều người tự xưng là Ông nọ - Bà kia . Họ nói gì và họ là ai là chuyện của họ , chẳng liên quan gì đến tôi. Trang này tôi mở ra để cùng chia xẻ với mọi người những câu chuyện về Huyền môn và những điều tôi thấy có lý trong cuộc đời. Với bạn, là một người xa lạ, tôi tôn trọng những gì của bạn , nhưng nếu bạn cần nói gì với mọi người thì hãy mở trang của riêng mình. Tôi không muốn bạn sử dụng trang của tôi để viết bài của bạn. Tôi có những nguyên tắc và tôn chỉ riêng của mình. Xin cảm ơn bạn.
Trả lờiXóaCảm ơn chú dienbat đã chia sẻ bài của chú antoanmt, câu chuyện quá tuyệt vời. Liệu trong thời điểm này (năm 2019) có còn những người tu đạo chân chính như vị thầy trong câu chuyện không chú. Hay các vị giờ đã quy tiên hết rồi, đọc xong con chỉ mong có dịp đãnh lễ những vị tiền bối như vậy, làm điều đó thật sự rất vinh dự và phước báu.
Trả lờiXóaNam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Xin cho con có đủ thiện duyên để gặp được những bậc tu đạo như câu chuyện.
Cảm ơn Chú dienbat
Chân nhân bất lộ tướng
Trả lờiXóaThầy Toàn còn và đang ở canada thầy khá lớn tuổi .thầy tu chân chánh ,đáng kính .
Trả lờiXóa