Tự Đức đã sớm nghĩ đến việc xây lăng mộ cho mình ngay khi còn sống. Vốn là một người giỏi thi phú, ông đã chọn cho mình một nơi yên nghỉ xứng đáng với ngôi vị của mình, địa điểm được chọn để xây lăng trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh.
Khi mới khởi công xây dựng, vua Tự Đức lấy tên Vạn Niên Cơ đặt tên cho công trình, với mong muốn được trường tồn. Tuy nhiên, do công việc sưu dịch xây lăng quá cực khổ, lại bị quan lại đánh đập tàn nhẫn, là nguồn gốc cuộc nổi loạn Chày Vôi của dân phu xây lăng.
Tương truyền, dân chúng ta thán:
Vạn Niên là Vạn Niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân .
Ngày 8-9 âm lịch năm Bính Dần (1866), tức năm Tự Đức thứ 19, do việc xây dựng Vạn niên cơ, quân sĩ và dân phu phải làm lụng khổ sở, có nhiều người oán giận. Nhân sự bất mãn đó, với lý do tôn phù Đinh Đạo (cháu ruột Tự Đức, nguyên tên là Ưng Đạo, do cha là An Phong công Hồng Bảo làm loạn nên phải đổi thành Đinh Đạo) lên ngôi vua, Đoàn Hữu Trưng cùng với các em là Đoàn Hữu Ái, Đoàn Tư Trực, cùng các đồng chí là Trương Trọng Hòa, Phạm Lương, Tôn Thất Cúc, Tôn Thất Giác, Bùi Văn Liệu, Nguyễn Văn Quí phát động khởi nghĩa. Những người tham gia khởi nghĩa phần đông là nhân công đang uất hận vì bị bắt lao dịch khắc nghiệt để xây dựng Vạn niên cơ. Họ dùng chầy vôi - dụng cụ lao động - làm vũ khí nên tục gọi là "giặc chày vôi". Tuy nhiên, cuộc đảo chính thất bại. Cả nhà Ưng Đạo đều bị hại. Đoàn Hữu Trưng và hai người em bị giết lúc mới 22 tuổi.
Tuy nhiên, do sự việc này, vua phải đổi tên Vạn niên cơ thành Khiêm Cung và viết bài biểu trần tình để tạ tội. Năm 1873, Khiêm Cung mới được hoàn thành, vua Tự Đức vẫn sống thêm 10 năm nữa rồi mới qua đời.
Gần 50 công trình trong lăng ở cả hai khu vực tẩm điện và lăng mộ đều có chữ Khiêm trong tên gọi.
Ta hãy nghe ý đồ khi xây dựng Lăng của Vua Tự Đức được ghi tại Bia Khiêm Cung Ký - Khiêm Lăng (lăng Hoàng đế Tự Đức)
“Thực lòng ta sợ một mai kia bỗng đuối sức mà không được như loài cáo thì quả là hổ thẹn, nên bèn sai quan thái sứ chuẩn bị xem đất, được chỗ đất rộng ở làng Dương Xuân thượng, đình thần sau khi xem xét lại cũng cho là xứng đáng. Bởi vì theo các nhà thuật sĩ mà làm thế, chứ với ta ta đâu quan tâm đến. Lại cho rằng năm ấy là năm Giáp Tý, tháng ấy là tháng Bính Tý đều thích hợp với việc thi công, ta đã suy nghĩ rồi làm theo. Rồi mỗi người một việc, ai lo việc nấy, cố gắng hết sức, chỗ đáng cao đắp cho cao, nơi đáng thấp đào cho thấp, mở mang đo đạc, chặt phá tảng đá lùm cây, rồi thành trì, cung điện, lầu gác, đình viện, nhà mát, hành lang, hồ đảo… dần dần hiện ra đúng vị trí và xứng hợp với nhau. Chính giữa là ngôi nhà vĩnh viễn của ta, xây theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, không xây lăng đắp nấm, chỉ dành một đám đất bằng, làm tường thấp, ngày sau chắc bắt chước Bá Lăng (22) dùng ngói để lợp.
Những mạch núi chạy từ xa tới gần gọi là Dẫn khiêm, Lao khiêm, Đạo khiêm, Long khiêm, Cư khiêm, Lý khiêm. Gò bên phải có tường bao quanh, trổ một cái cửa có lầu gọi là Khiêm cung môn. Điện phía trường gọi là Hòa khiêm, là nơi thờ phụng hương khói về sau; điện phía sau gọi là Lương khiêm là nơi nghỉ ngơi vui chơi. Phía đông của điện ấy là Minh khiêm đường dùng làm nơi nghe tấu nhạc, phía tây là Ôn khiêm đường dùng làm nơi cất giữ đồ ngự phục. Trong và ngoài cửa cung dựng bốn ngôi nhà ngang gọi là Công khiêm, Cung khiêm, Lễ khiêm và Pháp khiêm, là chỗ dành cho các quan túc trực. Sau hai điện ấy, dựng bốn viện gọi là Tùng khiêm, Dung khiêm, Y khiêm và Trì khiêm, là nơi ở của các phi tần theo hầu. Tiếp phía sau điện có một cái gác nhỏ gọi là Ích khiêm, tuy thấp nhưng đủ để nhìn phong cảnh gần đó. Phía ngoài của cửa trước dựng một cái hành lang gọi là Chí khiêm, hẹp nhưng đủ để thờ cúng các hầu thiếp đã khuất. Chỗ nước ít gọi là ao Tiểu khiêm xây theo hình trăng non, thế hoành chinh cục (23), trước cạn khô, chỉ để chứa nước mưa theo phép ô thanh thuật (24). Chỗ nước lớn gọi là hồ Lưu khiêm quanh co uốn khúc từ phải sang trái sâu và trong, mùa hạ không cạn, mùa thu không tràn vì đây vốn là ruộng sâu mà đào nên, lại xây một cái cống thông ra ruộng bên ngoài để vừa giữ vừa tháo nước. Hồ khi mới làm được một nửa mà đàn cá chi chít không sao kể xiết, không đợi bắt bò vào nuôi bởi vì vị trí ấy rất tiện lợi để đàn cá từ ngoài vào. Phía đầu hồ, vèn bờ đá, có dòng nước từ dưới đất phun lên, xem ở bờ đá ấy không thấy có chỗ hở mà nước lạnh và trong róc rách cứ rót mãi vào hồ ngày đêm không dứt, thực do trời sinh, nghi có mạch nước ngầm nhưng khó thấy rõ được. Nhân vậy bèn dựng một ngôi nhà nửa trên khô nửa dưới nước ở đó, sườn tre lợp tranh đủ che mưa nắng làm chỗ đậu cho hai chiếc thuyền nhỏ cũng gọi là Thuận khiêm và Ôn khiêm. Vào những lúc trăng thanh gió mát, dong thuyền chơi trên mặt hồ, hái hoa quân tử, ca khúc ái liên (25), sảng khoái lâng lâng không còn thêm gì nữa, bởi vì đầy hồ chỉ trồng một thứ hoa ấy. Bên cạnh hồ dựng lên hai nhà mát, một cái hai tầng khá cao và thoáng gọi là Xung khiêm; một cái ba tầng, các tầng thấp và hẹp gọi là Du khiêm, những đêm tháng năm có gió có trăng cũng đủ thú buông câu. Giữa hồ, do tính toán để giảm bớt công việc nên giữ lại đất đá đắp thành một hòn đảo lớn, dựng trên ấy ba ngôi đình nhỏ lấy tên là Nhã khiêm, Tiêu khiêm và Lạc khiêm. Núi đá bao quanh, hoa cỏ râm mát, làm bậc đá, làm động, làm rừng, làm hang, nuôi đủ chim bay thú chạy, mọi vật đều thích nghi với chỗ ở của mình. Trên hồ bắc qua ba chiếc cầu gọi là Tuân khiêm, Tiễn khiêm và Do khiêm để tiện việc qua lại mà cũng để đất nước được nối liền với nhau. Dưới chân núi bên trái, ở đó là Thể khiêm đình, nơi dựng bia làm chỗ tập bắn. Ngang lưng núi là Khiêm trai có hành lang ăn thông với ngôi lầu trên đỉnh núi, ấy là Di khiêm lầu nằm chót vót, hơi cao và thoáng, có thể trông xa được. Chung quanh là la thành được xây chỗ cao chỗ thấp tùy theo hình thế của gò núi nhưng đó đều do tay người làm cả, nhưng chưa bằng nhìn dãy núi ôm quanh bốn mặt, chỗ như bức tường, chỗ như bình phong, không xiên không hở, đây mới là la thành của thiên nhiên vậy. Ngoài có ba cửa là Vu khiêm, Tư khiêm và Thương khiêm trong có sáu cửa là Tất khiêm. Nhu khiêm, Huy khiêm, Năng khiêm, Mục khiêm và Liêm khiêm. Lại tùy sở thích hợp từng nơi từng lại mà làm giàn đậu, luống hoa, hàng cây, luống rau, làm hang động cho nai, đào ao cho cá. Tuy đất núi có vẻ xấu nhưng gieo trồng cũng dễ tốt, chăn nuôi cũng dễ phát triển, cũng có thể do khí đất ở đây khiên ra thế chăng.
Tên chung của nơi ấy gọi là Khiêm cung, sau này ắt gọi là Khiêm lăng. Lại sai làm miếu thờ thần để thờ cúng và ban sắc gọi miếu là Khiêm sơn thần.
Phàm tên gắn liền với nghĩa, không phải chỉ cốt cái tên mà thôi. Tại sao lấy cái Khiêm của ta mà khiến cho núi kia, nước kia, nhà cửa kia đều phải khiêm theo? Chung có khiêm chăng. Vả lại chúng biết gì? Gom lại mà định tên cho như thế thực chúng có chịu chăng? Mà sao ta lại chôn lấy chữ khiêm? Và khiêm ấy quả thực lòng nhân nhượng chăng?
Ôi! Khiêm là kính là nhường, có chỗ mà không ở, uốn mình xuống ngang với một ai là mang chịu ô nhục và tội lỗi như thể còn gì mà không nhường, không uốn mình, lại năng công đức gì mà chẳng khiêm? Vả chăng ta vốn quen giản dị, địa vị tuy ở chốn nhà vàng mà lòng thường như người áo vải. Trừ những buổi thiết triều phải dùng y phục đẹp đẽ, ngoài ra không có gì là lộng lẫy, tức cũng có nghĩa là có địa vị mà chẳng ở. Thêm vào đó, từ ngày xây cát cung này có lần sét đánh điện Hòa khiêm, dân đấy loan làm mê hoặc lòng người, xâm phạm đến đế khuyết, trời trách người oán bỗng dưng xảy đến, lòng ta còn lẽ nào mà chẳng dám chẳng khiêm? Trước sau chỉ biết một điều là kinh sợ, hết lòng lo nghĩ may ra gìn giữ vãn hồi trong muôn một thì khiêm kia há dám chẳng thực lòng hay sao? Cho nên hết thảy đều lấy tên là Khiêm, ấy cũng là tùy theo cảm xúc, như là để tự cảnh tỉnh răn đe, tự chê trách vậy. Không phải như Ngu Khê (26), không ngu mà chịu tiếng là ngu thì hơi đâu mà hỏi nó có thuận với tên ấy không? Ta không dám mong thế nào là bớt là thêm, là hại là phúc để dùng hay để tránh cái chữ khiêm ấy.
Vả lại ta làm cung này vì nghĩ cứ theo lệ thường thì ta phải có miếu riêng, có lăng tẩm, nếu không chuẩn bị trước thì ngày sau tôi con cứ tuân theo phép cũ khó tránh khỏi việc chọn chỗ cách trở xa xôi, phiền hà mệt nhọc, nên thực tình cốt để tiết giảm và thuận lợi. Huống chi nơi này nguồn lại thấp, rất gần với các lăng đời trước, đất nước hiền lành, chẳng phải nơi núi cao cây tốt, rất dễ thi công. Điện vũ tuy nhiều nhưng đặc biệt chỉ có Hoa khiêm, Lương khiêm và Di khiêm là làm bằng gỗ mới, còn lại đều nhặt nhạnh từ những ngôi nhà cũ, đem chỗ nọ bỏ vào chỗ kia mà công việc cũng phải đến ba năm mới xong. Tất cả việc xây cất sửa sang chi dùng kể đến hàng vạn lao phí như thế ta biết làm sao được. Than ôi! Xem câu nói của Thành Tử Cao (27) mà then thay.
Lăng làm xong, ta thân rước mẹ ta đến thăm, bày đủ yến tiệc, múa hát, lại cho phép quan trong quan ngoài cùng thê thiếp đến dự lễ lạc thành. Đấy cũng là thể theo ý quần thần chứ ta đâu dám bày ra nhiều nghi lễ làm gì. Nhưng ta cũng sẽ bắt chước Tư Không Biểu Thanh (28) dùng đấy làm nơi uống rượu ngâm thơ, không chỉ để dùng làm nơi ăn ở hẩm hút mà thôi. Về sau nhân lễ Thanh minh theo xe lên cáo lăng, tiện đường dừng lại chọn hái lấy những món ngon vật lạ, thơm ngọt tươi béo dâng lên để mẹ ta được vui lòng. Hoặc lúc nóng nực, để trút bỏ nỗi ưu phiền ta cũng tạm đến đây thăm viếng, nhưng trong một năm vài ba bận chẳng còn rảnh thay. Hoặc đang lúc tế Nam giao mà chưa thể thân hành dự tế lễ được thì cũng đứng dậy mà lạy vọng đến, bắt chước chuyện cũ Trúc cung (29) mà tỏ bày chút lòng thành kính.” (Phan Hứa Thụy dịch ).
Sơ đồ Khiêm Lăng.
Góc nhìn gần hơn về lăng Tự Đức năm 1932. Ảnh Aavh.org
Không ảnh lăng Tự Đức .
Tổng thể kiến trúc Lăng nằm trong một vòng La thành rộng khoảng 12ha, gồm gần 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ dàn trải thành từng cụm trên những thế đất cao, thấp hơn nhau chừng 10m. Bố cục khu lăng gồm hai phần chính, trên hai trục song song với nhau ( Chú thích của dienbatn : Hai trục này không song song mà trục khu Mộ Vua là 81 độ và khu Tẩm điện là 88 độ ), lấy núi Giáng Khiêm ở phía trước làm Tiền án, núi Dương Xuân làm Hậu chẩm, hồ Lưu Khiêm làm yếu tố Minh Đường. Các công trình trong Lăng ở cả hai khu vực tẩm điện và lăng mộ đều có chữ Khiêm đặt tên gọi.
Toàn cảnh lăng Tự Đức như một công viên rộng lớn. Qua cửa Vụ Khiêm, đến khu vực hồ Lưu Khiêm, trên hồ có Xung Khiêm tạ và Dũ Khiêm tạ, nơi nhà vua thường đến ngắm hoa, làm thơ và đọc sách.
KHU VỰC TẨM ĐIỆN.
Chí Khiêm Đường .
Đầu tiên chính là Chí Khiêm Dương nằm phía bên trái nơi đây thờ các bà vợ của vua Tự Đức. Tiếp đến là ba dãy tam cấp bằng đá Thanh dẫn vào Khiêm Cung Môn – một công trình gồm hai tầng dạng vọng lâu nhìn vào như một vế đối hoàn chỉnh với hồ Lưu Khiêm ở đằng trước.
Hồ Lưu Khiêm trước đây là một con suối nhỏ chảy trong khu vực lăng sau đó được đào rộng trở thành hồ. Với ý nghĩa phong thủy quân bình âm dương ngũ hành, là nơi “tích phúc” đồng thời được trưng dụng để thả hoa sen tạo cảnh đẹp cho lăng. Bước trên những bậc tam cấp làm bằng đá nhà Thanh, Khiêm Cung Môn hiện lên như một thế đối đẹp mắt với hồ Linh Khiêm ở trước mặt. Một tòa nhà hai tầng được xây dựng với dạng vọng lâu, nằm bên con hồ mang yếu tố “minh đường” để “tụ thủy”, “tích phúc”. Ở đây người ta hay thả thả hoa sen, những bông sen mộc mạc, giản dị, đậm chất của con người Việt Nam đã đi vào biết bao câu văn ý thơ của những người thi sĩ thật là không có loài hoa nào có thể thay thế được. Đúng như những câu thơ đã đi vào tâm niệm của biết bao những người con dân Việt Nam: “Trong đầm gì đẹp bằng sen – Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng”.
Đi tiếp ba bậc tam cấp bằng đá thanh dẫn vào Khiêm Cung môn, rồi đến điện Hòa Khiêm, đây vốn là nơi làm việc của vua nhưng nay dùng để thờ phụng vua và hoàng hậu. Sau điện Hòa Khiêm đến điện Lương Khiêm, trước là chỗ nghỉ của vua và sau này trở thành nơi thờ mẹ vua, bà Từ Dũ. Bên phải điện Lương Khiêm là Ôn Khiêm đường, nơi cất đồ ngự dụng. Phía trái điện Lương Khiêm có nhà hát Minh Khiêm để vua xem hát, đây được coi là nhà hát cổ nhất Việt Nam hiện còn được bảo tồn. Đây là nơi mang đậm dấu ấn văn hóa của thời kì vua Tự Đức, khiến không ít du khách cảm thấy vô cùng thích thú. Để phục vụ cho du lịch của khách trong nước và nước ngoài, hiện nay người ta vẫn thường tổ chức những buổi trình diễn văn hóa, văn nghệ vô cùng hấp dẫn.
Nhà hát Minh Khiêm.
Trên hồ Lưu Khiêm còn có Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ, nơi nhà vua thường lui đến hưởng thú tao nhã như ngắm cảnh, thưởng hoa, đọc sách,… Cây cầu Tuần Khiêm, Tiễn Khiêm và Do Khiêm được vắt qua hồ và qua bên kia hồ là đồi thông bạt ngàn gió vi vu.
Những cây cầu dẫn ta đến rừng thông xanh biếc bạt ngàn.
Xung Khiêm Tạ .
Quang cảnh nên thơ của hồ nước chảy êm đềm, rừng thông xanh biếc, hòa cùng tiếng chim hót. Tất cả khiến toàn cảnh lăng Tự Đức tựa như chốn thần tiên ảo mộng giữa đời thường. Vẻ đẹp bồng lai của lăng Tự Đức đúng như áng thơ sau:
Tứ bề núi phủ mây phong
Mảnh trăng thiên cổ, bóng tùng Vạn Niên.
HÌNH TƯỢNG ‘CÁ HÓA RỒNG’ TRÊN MÁNG XỐI Ở XUNG KHIÊM TẠ: Trong kiến trúc triều Nguyễn thường xuất hiện hình con cá đang há miệng làm máng xối. Nghệ nhân xưa đặt hai con cá trong bố cục đối xứng nhau qua góc mái chầu, bằng chất liệu nề vữa đắp nổi, khảm sành sứ bên ngoài. Cá mang những đặc điểm của đầu rồng cách điệu như hai mắt xoắn ốc lồi lên, miệng há to, mũi tròn nhẵn. Theo tư tưởng Nho giáo, cá gắn với biểu tượng của nguồn nước, mang sự may mắn, báo hiệu điềm lành và sự trường thọ.
Hình tượng chữ “thọ” với bố cục hình tròn mang ý nghĩa phúc thọ, xuất hiện khắp nơi trong lăng Tự Đức.
Bên trong Khiêm Cung Môn là nơi nghỉ ngơi của vua, Điện Hòa Khiêm nằm ở vị trí trung tâm, trước để vua lo việc nước nay là nơi thờ cúng bài vị của vua và Hoàng Hậu.
Bước vào trong Khiêm Cung Môn là không gian nghỉ ngơi của nhà vua nên cầu kì về kiến trúc cũng như không gian xung quanh. Chính giữa đó chính là điện Hòa Khiêm, là nơi vua ngồi làm việc. Hiện tại, đây chính là nơi đặt bài vị của vua và hoàng hậu để dân chúng có thể đến đây để thăm quan và thắp hương. Sau điện Hòa Khiêm là điện Lương Khiêm, là nơi nhà vua nghỉ ngơi, hiện là nơi thờ vong linh của mẹ vua Tự Đức.
KHIÊM CUNG MÔN (CỔNG TAM QUAN): Công trình hai tầng này được xây dạng vọng lâu. Kiến trúc mái ngói của Khiêm Cung Môn mang dáng “mũi hài” (dạng mái hình thuyền), đặc trưng của nhà Nguyễn.
Diềm mái ngói của Khiêm Cung Môn đắp tác hình hai con rồng trong tư thế “lưỡng long chầu nguyệt” (biểu tượng cho tâm linh thần phục thánh thần).
Điện Linh Khiêm.
Hai bên là Pháp Khiêm Vũ và Lễ Khiêm Vũ dành cho bá quan theo hầu.Là một người con mẫu mực hiếu thảo vua Tự Đức dành riêng điện Lương Khiêm để thờ vong linh mẫu thân là bà Từ Dũ.
KHU LĂNG MỘ.
Ra khỏi khu vực tẩm điện, đi theo con đường quanh co, khách vãn cảnh sẽ đến khu lăng mộ. Nguyên vật liệu xây dựng ở khu tẩm điện chủ yếu là gỗ. Còn khu mộ địa lại được xây bằng đá nhà Thanh.
Bái Đình (sân chầu) mở ra khung cảnh uy nghiêm bởi hai hàng tượng quan viên văn võ đứng oai vệ, hùng dũng.
Ngay sau hai hàng tượng quan văn võ uy nghi là Bi đình (nhà bia), tấm bia làm bằng đá thanh lớn có khắc bài Khiêm Cung ký của vua Tự Đức dài 4.935 chữ để nói về cuộc đời, vương nghiệp cùng những lỗi lầm và sai phạm của mình. Trên ngọn đồi nằm bên kia hồ bán nguyệt Tiểu Khiêm Trì là Bửu Thành xây bằng gạch, chính giữa có ngôi nhà nhỏ xây bằng đá thanh, nơi vua yên nghỉ.
Bi Đình (nhà bia), nơi có tấm bia đá khắc bài “Khiêm Cung Ký”, do chính vua Tự Đức soạn chiếu.
Lăng Tự Đức là một bài thơ tuyệt tác, một bức tranh sơn thủy hữu tình.
Tiếp sau tấm bia kia, hai trụ biểu sừng sững như hai ngọn đuốc tỏa sáng quyền uy và tài đức của nhà vua cùng với hồ Tiểu Khiêm hình trăng non đựng nước mưa để linh hồn vua rửa tội, thì đúng là Tự Đức thật chu toàn đối với việc đón nhận cái chết. Mới hay, Tự Đức là hiện thân sự thâm thúy siêu tuyệt của Nho gia! Giờ đây, yên nghỉ trong ngôi nhà bằng đá bên trong Bửu Thành, giữa một rừng thông vi vu gió lộng hẳn nhà vua hoàn toàn mãn nguyện với sự dàn xếp, lựa chọn cho cái chết của mình.
Phía sau Bi Đình là hồ Tiểu Khiêm. Hồ có hình bán nguyệt ,đựng nước mưa, mang hàm ý rửa tội cho linh hồn của bậc đế vương. Bửu Thành – nơi chôn cất thi hài vua Tự Đức, tọa lạc ngay sau hồ. Chính diện của Bửu Thành có cánh cổng hai tầng mái, được khảm sứ cầu kỳ. Mộ vua được xây bằng đá, có hình dáng như một ngôi nhà (thạch thất).
Phía trước – sau đều có tấm bình phong làm tiền án và hậu chẩm, lấy hồ Tiểu Khiêm là yếu tố minh đường và xung quanh là tường thành bao quanh, bốn bề thông reo. Chính giữa là bia mộ vua được xây bằng đá. Tuy nhiên, thi hài của vua đang ở vị trí nào thì không một ai biết.
Tương truyền rằng, khi vua chết, đoàn quân đưa tang vua đi thuyền xuôi hồ Lưu Khiêm rồi vào đến đây thì đào một đường hầm xuống thẳng huyệt đạo. Họ chôn cất thi hài vua ở một vị trí bí mật, xong thì lấp lại bằng đá thanh và công trình có được hình dáng bề ngoài như chúng ta thấy. Sau đó thì những người đưa tang này không bao giờ trở ra nữa. Và bí mật về vị trí chôn thi hài của vua đến nay vẫn còn là một ẩn số. Một số người cho rằng chỉ có hoàng tử thân tín của vua biết, nhưng thực hư thế nào đến nay vẫn chưa hề được hé mở.
Có một điều đặt biệt là không phải riêng gì vua Tự Đức mới chọn cách mộ táng bí mật như vậy. Trong hầu hết các lăng mộ của các vị vua khác trong triều Nguyễn, vị trí chôn thi hài của nhà vua cũng được giữ bí mật. Lí do thì có rất nhiều. Xuất phát từ niềm tin vua vẫn tiếp tục sống và hưởng thụ phú quý ở một thế giới khác, người ta thường chôn cùng thi hài của vua những tài sản vàng ngọc và châu báu quý giá. Vì thế mộ vua sẽ dễ trở thành mục tiêu của những tên đào trộm mộ.
Bên cạnh nguyên nhân này, mộ vua cần được giữ bí mật vì một căn nguyên sâu xa nữa, đó là tránh sự trả thù. Để hiểu thêm về điều này thì chúng ta phải quay ngược về quá khứ để tìm hiểu mối thâm thù giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn – tức vua Quang Trung (Nguyễn Huệ).
Lúc bấy giờ khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn thành công, vua Quang Trung lên ngôi nhưng vẫn chưa hoàn toàn yên tâm về cơ đồ mới được gây dựng của mình. Ông muốn triệt tiêu tận gốc mầm mống phục hưng của dòng họ chúa Nguyễn, bèn cho người đi tìm các phần mộ của các vị chúa Nguyễn từ đời Nguyễn Hoàng trở đi và cho đào tung hài cốt lên, xử trảm hài cốt và mỗi phần cho vứt mỗi nơi. Ông cho rằng làm như vậy để từ nay sự hưng thịnh của con cháu của chúa Nguyễn không bao giờ khôi phục được nữa.
Sau này, khi Nguyễn Ánh đánh bại triều đình Tây Sơn và lên ngôi vua, lấy hiệu là Gia Long, ông cũng đã cho quân lính truy tìm và khai quật mộ vua Quang Trung và đã trả thù cho tổ tiên của mình bằng đúng cách đó. Gia Long nói rằng: ” Ta vì chín đời mà trả thù.” Và có lẽ, chính mối thù này đã là một kinh nghiệm đau thương mà các vua nhà Nguyễn không bao giờ muốn lập lại.
Vì thế, khi xây lăng mộ, vị trí thi hài của nhà vua luôn được giữ bí mật. Tất nhiên, đây chỉ là một câu chuyện bên lề lịch sử , còn thực hư như thế nào thì trước nay lịch sử luôn có những dị bản. Và nếu quý khách muốn tìm hiểu thêm, thì tôi chắc chắn rằng còn có rất nhiều điều thú vị chưa được hé mở đằng sau những lăng mộ như thế này.
Viết theo TÀI LIỆU THUYẾT MINH VỀ PHONG THỦY KINH THÀNH HUẾ và tư liệu trên internet, ảnh dienbatn chụp khi đi điền dã.
Xin theo dõi tiếp BÀI 12. dienbatn.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét