GIẢI MÃ NHỮNG BÍ ẨN VỀ KINH THÀNH HUẾ VÀ LĂNG MỘ CÁC VUA NGUYỄN. BÀI 19.
I.NGUỒN GỐC VÀ QUÁ TRÌNH KHỞI PHÁT CỦA 9 ĐỜI CHÚA VÀ 13 ĐỜI VUA NHÀ NGUYỄN.
II.LĂNG MỘ CỦA CÁC VUA NGUYỄN TẠI HUẾ.
1.LĂNG THIÊN THỌ CỦA VUA GIA LONG.
2. HIẾU LĂNG CỦA VUA MINH MẠNG.
3. XƯƠNG LĂNG(昌陵) - LĂNG CỦA VUA THIỆU TRỊ.
4. KHIÊM LĂNG – Lăng Tự Đức (chữ Hán: 嗣德陵)
5. LĂNG VUA KHẢI ĐỊNH.
6.CUỘC CHIẾN TÂM LINH RÙNG RỢN GIỮA NHÀ NGUYỄN GIA LONG VÀ NGUYỄN HUỆ - TÂY SƠN.
7. NHỮNG CUỘC TÀN PHÁ VÀ THẢM SÁT CỦA NHÀ TÂY SƠN. ( Bài đọc thêm phần tư liệu ).
8.ĐƯỜNG TOẠI ĐẠO Ở LĂNG VUA CHÚA TRIỀU NGUYỄN.
9.ĐÀN NAM GIAO TẠI VIỆT NAM .
ĐÀN NAM GIAO TẠI VIỆT NAM .
Theo các tài liệu, thư tịch cổ ghi lại, nước ta ngay từ thuở đầu độc lập, nhà nước phong kiến đã sớm chuẩn bị và thực hiện nghi lễ tế Giao. Các triều đại như Lý, Hồ, Lê đến Lê Trung Hưng, rồi các chúa Nguyễn, triều Tây Sơn đều tổ chức tế Giao. Sang thời Nguyễn, tế Giao được xem là lễ tế có quy mô và quan trọng nhất của triều đình. Thời gian đầu, triều Nguyễn tổ chức tế Giao vào mùa xuân hằng năm. Đến năm Thành Thái thứ 2 (1890), triều đình định lại ba năm tế Giao một lần vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu. Nghi lễ này được duy trì cho đến năm 1945, thời điểm sụp đổ của phong kiến Việt Nam.
Trong các nghi lễ của các Kinh đô ở phương Đông cổ truyền nói chung, và Kinh đô của các triều đại phong kiến Việt Nam nói riêng: Nghi lễ tế Nam Giao là quan trọng nhất vì đó là nghi lễ tế Trời, tế Thượng Đế (thần chủ cao cấp nhất) theo quan niệm của Nho Giáo.
Đàn Nam Giao lúc đầu chỉ để tế trời vào ngày lễ đông chí. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí có dẫn sách Chu lễ như sau: “Ngày đông chí tế Trời ở đàn Viên khâu, ngày hạ chí tế Đất ở đàn Phương trạch, đấy là lễ của vương giả.” (Phan Huy Chú 1992 :29)
Phan Huy Chú cũng dẫn theo sách này: “Xét: Theo sách Chu lễ, Viên khâu gọi là Nam giao, Phương trạch gọi là Bắc giao” (Phan Huy Chú 1992 :30) . Trong 2 đoạn dẫn này có 2 điều cần lưu ý:
- Nam Giao là tên gọi khác của Viên Khâu, là đàn tế Trời vào tiết Đông chí.
- Phương trạch là tên gọi khác của đàn Bắc Giao, là đàn tế Đất vào tiết Hạ chí.
Phan Huy Chú cũng lúng túng, có lúc ông cho rằng lễ tế ở đàn Phương Trạch và đàn Nam Giao được hợp làm một, có chỗ lại không cho là như vậy.
Tên gọi đàn Nam Giao xuất hiện lần đầu tiên khi sử sách ghi chép về việc Hồ Hán Thương tổ chức tế Nam Giao ở Đốn Sơn nhưng không thành.
Trong 1 đoạn khác, Phan Huy Chú cũng dẫn sách Chu Lễ: “Xét: Lễ tế Giao đời cổ có hai nghĩa: một là tế để đón hòa khí, tức như trong sách Chu lễ nói: Đông chí tế Trời ở đàn Viên khâu; hai là tế để cầu được mùa, tức là như thiên “Nguyệt lệnh” Kinh lễ nói: Ngày mồng một tháng giêng vua tế Trời để cầu được mùa. Đời sau, lễ tế ở đàn Viên khâu và đàn Phương trạch không làm nữa, chỉ có đầu xuân tế Giao, hợp tế cả Trời Đất. Khoảng năm Hồng-vũ (1368-1398), nhà Minh định thành điển. Đầu nhà Lê mới dùng chế độ nhà Minh, làm lễ vào tháng giêng, hơn 300 năm sau vẫn theo không thay đổi” (Phan Huy Chú 1992 : 30,31).
Ở đoạn dẫn này thì thấy đàn Nam Giao trước đó vốn được dùng để tế Trời và cầu được mùa. Từ cuối thế kỷ XIV trở đi ở Việt Nam và Trung Quốc mới có quy định chẽ về đàn Nam Giao và tế Nam Giao: ở Việt Nam, đàn Nam Giao là nơi tế Trời Đất, linh vị các tiên Đế đương triều vào ngày tốt đầu xuân hàng năm và do chính nhà Vua trực tiếp tế. Việc quy định 2-3 năm một lần làm đại lễ tuỳ thuộc vào mỗi vương triều. Tế Nam Giao được quan niệm là lễ tạ ơn, báo cáo với Trời Đất về sự hiện diện của Vương triều, cầu mong sự trường tồn của Vương triều, sự thịnh vượng của Quốc gia, của “ Quốc thái dân an”.
Chính vì ý nghĩa quan trọng này mà tế Nam Giao được coi là nghi lễ mang tính cung đình,” là lễ của Vương giả”, đàn Nam Giao trở thành một công trình kiến trúc cung đình không thể thiếu của Vương triều, ít nhất là từ thời Lý trở đi.
Về chức năng của đàn Nam Giao:
Chức năng của đàn Nam Giao cũng được hình thành trong một quá trình lịch sử lâu dài. Ngoài chức năng chính là tế trời, đàn Nam Giao còn có các chức năng khác.
Thời Lý, đàn Nam Giao chủ yếu mang chức năng cầu đảo, mưa thuận, gió hoà, chức năng tạ ơn Trời Đất không thấy được ghi chép. Chức năng của đàn Nam Giao và tế Nam Giao được nhắc đến 3 lần vào các năm 1137 và 1138:
- Chức năng cầu mưa:
Năm 1138 : “Tháng 6, mùa hạ. Hạn hán, nhà vua xuống chiếu cho bầy tôi hội nghị. Sai Tả ty lang trung Nguỵ Quốc Bảo triệu tập các bầy tôi đến họp bàn về đại hạn. Phạm Tín xin đến đảo vũ ở đàn Vu. Nhà vua y theo lời, bèn sai quan lại làm lễ đảo vũ ở đàn Vu và chùa Báo Thiên”. (Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ (Bản chế bản điện tử), quyển 4: 142).
Trong đoạn dẫn này thì ở thời Lý vua có thể không trực tiếp cầu đảo mà giao cho các quan trong triều.
Việc tế Nam Giao ở thời Trần, sử sách nước ta đều cho rằng không có, có thể do không được ghi chép lại. Tuy nhiên, khi khai quật đàn tế Nam Giao ở thành Thăng Long (địa điểm 114, Mai Hắc Đế, Hà Nội) thì thấy tại đây có khá nhiều vật liệu kiến trúc, di vật thờ cúng và sinh hoạt của thời Trần. Một điểm nữa là khi Hồ Hán Thương tổ chức tế Nam Giao ở Đốn Sơn - Thanh Hoá thì sử sách nước ta lại chép rằng: “Theo lệ cũ, cứ 3 năm một lần đại lễ” (Phan Huy Chú 1992 :29). Chúng tôi ngờ rằng lệ cũ ở đây là lệ của thời Trần chứ không phải là lệ của thời Lý.
Có lẽ từ thời Lê trở đi, việc tế Nam Giao được triều đình rất coi trọng, Vua trực tiếp tế Nam Giao. Trong khi hành lễ tế Nam Giao bất kỳ một sơ sẩy nào cũng được coi là điểm gở. Trong lịch sử tế Nam Giao, có 2 lần sự cố xảy ra trong khi hành lễ. Sự cố thứ nhất là vào năm 1403, khi Hồ Hán Thương dâng rượu tế Nam Giao, tay run đánh đổi rượu xuống đất đã huỷ bỏ lễ tế Nam Giao năm ấy. Sự cố thứ 2 vào năm 1572, vua Lê Anh Tông khi làm lễ tế Nam Giao đã đánh đổ lư hương nên phải đổi niên hiệu từ Chính Trị sang niên hiệu Hồng Phúc.
- Chức năng tế trời đất: “Nhâm Thân, [Hồng Phúc] năm thứ nhất [1572], (Mạc Sùng Khang năm thứ 7; Minh Long Khánh năm thứ 6). Mùa xuân, tháng giêng, Vua tế Trời Đất ở đàn Nam Giao. Khi làm lễ, vua bưng lư hương khấn trời xong, bỗng lư hương rơi xuống đất. Vua biết là điểm chẳng lành, bèn xuống chiếu đổi niên hiệu thành Hồng Phúc năm thứ nhất.” (Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ (chế bản điện tử), quyển 4, tr. 617). Với chức năng này, tế Nam Giao nhằm tạ ơn Trời Đất, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, cầu cho Vương triều mãi mãi trường tồn, có tạ ơn Trời Đất thành kính thì mới trị quốc được dễ ràng.
Đặc biệt là trong bài ký khắc trên tấm bia Nam Giao điện bi ký được dựng năm 1679 ở đàn Nam Giao Thăng Long đã khẳng định: “Nơi tế giao sao lại gọi là điện Chiêu sự? Bởi vì đây thờ Thượng đế vậy. Làm sáng tỏ lễ tế giao thì việc trị nước rõ như coi trên bàn tay. Nước Đại Việt ta được dựng nên, đất đai muôn dặm. Xem việc đặt đỉnh, đắp thành, biết rõ được việc dựng nước. Xem hướng lập điện, biết rõ được sự kính cẩn về việc tế Trời. Chọn góc mé Nam thành, xây điện Chiêu sự đàn Nam Giao, chính là nơi muôn loài sinh trưởng”
- Chức năng tế Thần và các vị Hoàng đế tiền triều: Chức năng này được Phạm Đình Hổ chép lại trong Vũ Trung tuỳ bút. Các vị Thần được tế là hậu kỳ thổ địa, các vị tinh tú và các vị thần khác.
Ngoài các chức năng trên, ở thời Tây Sơn, đàn Nam Giao còn là nơi công bố, niêm yết khi thay đổi niên hiệu.
Ỏ thời Nguyễn việc tế Nam Giao được quy định chặt chẽ hơn, có các bàn thờ trời cúng Ngọc Hoàng thượng đế, các tiên đế tiền triều, bàn thờ đất, cúng các vị thần Mặt trời, các vì sao, thần gió, mây, mưa, sấm, thần núi biển, sông, hồ, thần đồng bằng, thiên binh, thiên tướng...
Về lịch sử phát triển của đàn Nam Giao:
Theo hiểu biết của chúng tôi, ngoại trừ việc các chúa Nguyễn có một số lần xây dựng đàn Nam Giao thì đến nay đã có 6 đàn Nam Giao như sau:
- Đàn Nam Giao ở kinh đô Thăng Long được xây dựng từ thời Lý.
- Đàn Nam Giao ở Thanh Hoá do Hồ Hán Thương xây dựng trên dãy Đốn Sơn vào năm 1403.
- Đàn Nam Giao ở Vạn Lại xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá do vua Lê Thế Tông (niên hiệu Quang Hưng thứ nhất, năm 1578) xây dựng.
- Đàn Nam Giao ở kinh đô Phú Xuân của triều Tây Sơn.
- Đàn Viên Khâu (Nam Giao) thời Tây Sơn do Quang Toản đắp ở ngoài cửa Liễu Thị (Hà Nội).
- Đàn Nam Giao ở kinh thành Huế của vương triều Nguyễn được xây dựng năm 1806.
I.ĐÀN NAM GIAO Ở THĂNG LONG.
Kể từ thời Lý (1010 – 1225), đàn Nam Giao từng được thiết lập ở Thăng Long để nhà Vua tế Trời. Đại Việt sử ký toàn thư, bản Nội các quan bản, khắc in vào niên hiệu Chính Hòa thứ XVIII tức năm Đinh Sửu 1697 (bản kỷ, quyển IV – Ngô Đức Thọ dịch và chú thích, Hà Văn Tấn hiệu đính – NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1998, tập I, tr.320) chép rằng từ năm Giáp Tuất 1154, niên hiệu Đại Định thứ XV, vua Lý Anh Tông ngự ra cửa Nam thành Đại La (tức thành Thăng Long) xem đắp đàn Viên Khâu. Đàn Viên Khâu (hình tròn) còn gọi đàn Nam Giao, là chỗ Vua tế Trời vào tiết Đông chí, và đàn Phương Trạch (hình vuông) còn gọi đàn Bắc Giao là nơi Vua tế Đất vào tiết Hạ chí theo cổ lệ. Sau, gộp chung cả hai lễ vào tháng giêng, cùng cử hành tại đàn Nam Giao.
Phạm Đình Hổ (1768 – 1839) có lưu Vũ trung tùy bút (Tùy bút trong mưa) bằng chữ Hán. Tác phẩm ấy được Nguyễn Hữu Tiến phiên dịch ra chữ quốc ngữ và đăng trên tạp chí Nam Phong từ số 121 (tháng 9-1927) đến số 126 (2-1928), đã giúp hậu thế biết thêm về Giao lễ (lễ tế Giao) thuở xưa. Tác giả Vũ trung tùy bút từng hạ bút: “Lễ tế Giao về thời Lý, thời Trần thì không thể xét được”. Nhà bác học Lê Quý Đôn (1726 – 1784) biên soạn Kiến văn tiểu lục (bản dịch của Phạm Trọng Điềm – NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1977, tr.58) cũng thừa nhận: “Lễ nghi tế Giao, tế miếu về hai triều đại nhà Lý, nhà Trần không thể tra khảo được”. Quả thật, lễ tế Giao dưới vương triều Trần tuyệt nhiên không thấy sử nhắc dù chỉ một dòng. Do đó, trong tập 5 Hỏi đáp 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (NXB Trẻ, 2001, tr. 49), Nguyễn Vinh Phúc và Tô Hoài suy đoán: “Thời Trần dường như bỏ lệ tế này. Sang thời Lê, bắt đầu từ Lê Thánh Tông năm 1462 phục hồi nghi lễ này [?]”.
Nhưng sau nhà Trần và trước nhà Lê, nước ta từng có nhà Hồ và nhà Hậu Trần. Liệu hai triều đại ấy giữ cổ lệ tế Giao chăng? Hầu như rất hiếm tư liệu đề cập. May thay, Đại Việt sử ký toàn thư (sđd, tập II, tr.203) còn bảo lưu thông tin rất đáng chú ý khi ghi chép các sự kiện năm Nhâm Ngọ 1402: “Tháng 8, Hán Thương [con trai và là người kế vị Hồ Quý Ly] đắp Giao đàn ở Đốn Sơn để làm lễ tế Giao. Đại xá. Hôm tế, Hán Thương ngồi kiệu Vân Long, từ cửa nam [thành Tây Đô] đi ra, các cung tần, mệnh phụ, quan văn, quan võ trong triều theo thứ tự đi sau. Mũ áo của đàn bà kém chồng một bậc, nếu bản thân là tôn quý thì không phải kém. Lệ cũ của đời trước có nghi lễ bái yết hai bậc, quan lại và người theo hầu rất đông. Cứ 3 năm cử hành đại tế một lần, thiên tử ngồi xe Thái Bình, khắc gỗ làm 40 hình người tiên, mặc áo vóc, cầm cờ đi trước, nếu đi thuyền nhỏ ở hồ Chu Tước thì dùng dây thừng gấm để kéo thuyền; 2 năm cử hành trung lễ một lần, Thiên tử ngồi ngai chạm bách cầm; 1 năm cử hành tiểu lễ một lần, thiên tử ngồi ngai nhỏ. Chưa từng làm lễ tế Giao, nay Hán Thương run tay, rượu bị đổ xuống đất, nên phải ngừng lại”. Xem thêm Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn đời Tự Đức (bản dịch của Phan Trọng Điềm – NXB Thuận Hóa, Huế, 1992, tập II, tr. 270) lại thấy: “Giao đàn cũ nhà Hồ ở phía Nam trên đỉnh Đốn Sơn thuộc xã Cao Mật, huyện Vĩnh Lộc, [tỉnh Thanh Hóa,] do Hồ Quý Ly xây [?], dưới đàn có giếng tắm [giếng Vua], xây đá làm thành, do Hồ Hán Thương xây; di tích vẫn còn”.
1. Đàn Nam Giao Thăng Long Thời Lý - Trần- Lê:
Bản đồ kinh thành Thăng Long(kèm chú thích),theo Hồng Đức bản đồ sách 洪德版圖冊 (1490).
Đàn Nam Giao ở kinh thành Thăng Long có một lịch sử phát triển và tồn tại lâu dài nhất so với những đàn Nam Giao hiện biết. Đàn Nam Giao Thăng Long trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê và một phần của thời Tây Sơn, đã được ghi chép trong khá nhiều sử sách, bia kí và địa bạ cổ nước ta như: Đại Việt sử kí toàn thư, Kiến văn tiểu lục, Lê triều hội điển, Vũ trung tùy bút, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí, Thăng Long cổ tích khảo, Địa bạ huyện Thọ Xương, Nam Giao điện bi ký...
Đặc biệt trong địa bạ của thôn Thịnh Yên, tổng Kim Hoa, huyện Thọ Xương có ghi rằng nền điện Nam Giao cũ có diện tích 308m2, chu vi 42m, cao 0,42m (Phan Phương Thảo 2006: 28 - 35).
Tấm bia Nam Giao điện bi ký, dựng năm 1679 được phát hiện ở khu vực số 114 phố Mai Hắc Đế- ngõ Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cùng với sổ Địa bạ huyện Thọ Xương, những dòng ghi chép trong Đại Nam Nhất Thống chí, Vũ trung tùy bút... Những tư liệu thành văn này chỉ mới cho biết rõ vị trí của đàn Nam Giao Thăng Long thời Lê Trung Hưng - Tây Sơn. Việc xác định Nam Giao Thăng Long thời Lí Trần và Lê sơ còn phải nhờ đến tài liệu khảo cổ học.
Đàn Nam Giao Thăng Long chính là khu vực nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo (nay là Công ty cơ khí cổ phần Trần Hưng Đạo), số 114 phố Mai Hắc Đế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đàn này tồn tại từ thời Lý đến thời Tây Sơn. Phạm Đình Hổ trong Vũ Trung tuỳ bút có một đoạn viết như sau: “Mùa hạ năm Tân Dậu (1801) vua Thiếu chủ đời Tây Sơn (Quang Toản) bỏ Phú Xuân chạy ra Bắc thành đổi Bắc thành là Kinh Bắc, cho đắp gò Viên Khâu ở ngoài cửa Liễu Thị, xây đàn Phương Trạch ở trên Tây hồ, định cứ đến ngày đông chí, hạ chí thì tế thiên địa ở hai nơi ấy.” (Phạm Đình Hổ 1972 : 70).
Trong đoạn viết này thì :
- Dưới thời Tây Sơn đàn Nam Giao (Viên Khâu) và đàn Phương Trạch lại là 2 đàn khác nhau.
- Năm 1801, trước khi nhà Nguyễn được tạo dựng, đàn Nam Giao Thăng Long đã chính thức bị phế bỏ.
Nhưng trong thực tế thì ngay từ thời Tây Sơn, đàn này đã không còn giữ vị trí và chức năng như trước chỉ còn là nền cầu đảo mỗi khi có hạn hán, là nơi cáo yết khi thay đổi niên hiệu...Nền đàn được xây ngôi đền nhỏ thờ Liễu Hạnh, tại đây diễn ra các cuộc lên đồng và những chuyện hoang đường khác đã được ghi chép trong Vũ Trung tuỳ bút.
Thời Nguyễn, niên hiệu Gia Long (1802-1819), đàn đã thì bị phá để lấy gạch xây thành. Năm Tự Đức thứ 11 (1857) ngôi đền chính ở phường Thịnh Yên bị cháy. Điều này đã được ghi chép trong Đại Nam Nhất Thống chí: “Bản triều đầu đời Gia Long giỡ lấy gạch đá để xây thành, chỉ còn đền chính ở phường Thịnh An (có sách chép là phường Lương Giang). Năm Tự Đức thứ 11, đền bị hoả tai” (Quốc sử quán triều Nguyễn 1997: 193-194 ).
Sau đó khu vực nền đàn Nam Giao bị biến thành khu nghĩa địa của thôn Thịnh Yên, mà trong cuộc khai quật đàn này vào năm 2007 - 2008, Viện Khảo cổ học đã tìm được dấu vết của 21 mộ táng có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Đầu thế kỉ XX, người Pháp đã phá đàn Nam Giao để xây dựng nhà máy. Năm 1956, nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo được xây dựng trên nền đất của đàn Nam Giao. Hiện nay toà nhà thương mại Vincom Tower đã được xây dựng ở một phần của khu vực đàn Nam Giao.
Năm 2006, Viện Khảo cổ học đã đào thám sát ở khu vực phía Nam, trên phần đất còn lại của đàn Nam Giao, với diện tích đào là 101.06 m2. Tiếp theo, vào các năm 2007 và năm 2008 Viện Khảo cổ học và Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội đã tiến hành 3 đợt khai quật khảo cổ học trên phần đất còn lại của khu di tích đàn Nam Giao và 1 đợt di dời toàn bộ phần móng còn lại của kiến trúc nhà chữ công thời Lí về kho tạm Đống Thây (quận Đống Đa, Hà Nội), với tổng số diện tích khai quật 1.805m2.
1.1. Đàn Nam Giao Thăng Long thời Lí:
Trở lại 2 đoạn dẫn từ sách Đại Việt sử kí toàn thư, vào các năm 1137 và 1138 chép về Vu Đàn, mà theo Kinh Xuân Thu, thì Vu Đàn chính là đàn Nam Giao như đã nêu ở trên, chúng ta thấy đàn này đã có từ trước đó, nhưng có từ bao giờ thì chưa biết.
Do đàn Nam Giao Thăng Long đã bị đào sới, san lấp qua nhiều thời, nhà cửa xây cất chồng chéo lên trên và xung quanh nên không thể xác định được các tầng nền đàn và khu vực trung tâm, nhưng kết quả đào thám sát và khai quật di tích đàn Nam Giao ở địa điểm 114 Mai Hắc Đế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, từ năm 2006- 2008, đã góp phần làm sáng tỏ thêm về đàn Nam Giao Thăng Long.
Những dấu tích kiến trúc và di vật khai quật được ở di tích đàn Nam Giao , đã cho thấy giữa tài liệu thành văn và tài liệu khảo cổ học hoàn toàn khớp nhau về sự có mặt của đàn Nam Giao ở khu vực này. Thậm chí ở mức độ nào đó, qua quy mô của ngôi nhà hình chữ Công ở khu vực phụ, cùng với sự trang trọng, cầu kì trong vật liệu và trang trí kiến trúc, đã cho thấy thời Lí đã rất chú trọng tới tế Nam Giao.
1.2. Đàn Nam Giao Thăng Long thời Trần:
Sử sách nước ta đều cho rằng thời Trần không có tế Nam Giao. Phan Huy Chú trong sách Lịch triều hiến chương loại chí đã dẫn lời của Ngô Ngọ Phong “ Từ nhà Trần về trước, không làm lễ Giao tế Trời, lễ ý văn vật thiếu sót nhiều vậy”. Nhưng khi chép về việc Hồ Hán Thương tổ chức tế Nam Giao thì lại viết là: ” Theo lệ cũ, cứ 3 năm một lần đại lễ”. Trong thực tế, tại đây đã phát hiện được một số dấu tích của kiến trúc thời Trần, cùng khá nhiều vật liệu kiến trúc và trang trí kiến trúc như tượng uyên ương, lá đề trang trí rồng, phượng. Điều này đã cho thấy thời Trần vẫn xây dựng và củng cố đàn Nam Giao. Điều đó cũng có nghĩa là tế Nam Giao vẫn được tổ chức. Tuy nhiên, cũng như thời Lí, những nghi lễ về tế Nam Giao lại không được ghi chép, khiến cho các sử gia phong kiến đều hiểu không đúng sự thật.
1.3. Đàn Nam Giao Thăng Long thời Lê:
Đàn Nam Giao Thăng Long thời Lê đã được một số tư liệu ghi rõ thời gian xây dựng và sửa chữa qua các thời Hồng Đức (1470-1497), Quang Thuận (1460-1469), Quang Hưng(1578-1599), Cảnh Trị (1663-1671). Tư liệu thành văn ghi chép về đàn Nam Giao thời Lê khá nhiều, tài liệu khai quật khảo cổ học năm 2007-2008, về mặt di vật cũng phù hợp. Nhưng về kiến trúc thì đàn đã bị phá và đào xới nhiều lần nên chỉ còn lại một số dấu vết kiến trúc như trụ móng, chân tảng đá, nền sân lát gạch, cột cờ.
Theo Lê Quý Đôn (Kiến văn tiểu lục, bản dịch NXB sử học năm 1962) thì các đàn tế lễ theo thể chế định trong thời Hồng Đức gồm: điện Chiêu Sự 3 gian, 2 chái, điện Canh y, trai cung, phòng bếp, phòng ăn chay, kho tế khí, cửa giữa, cửa tả, cửa hữu và hai cửa ngoài.
Như vậy chắc chắn trong thời Lê sơ điện Nam Giao đã được sửa lại quy mô ngay trên nền móng cũ của đàn Nam Giao thời Lý và thời Trần.
Thời Lê Quang Thuận sửa lại chính điện 3 gian, đông vu và tây vu mỗi bên 7 gian.
Thời Lê Quang Hưng dựng thêm điện Chiêu Sự.
Thời Lê Cảnh Trị(1664) sửa lại điện Nam Giao. Bia Nam Giao mô tả đây là lần sửa chữa quy mô kiến trúc điện Nam Giao rất rộng.
Tất cả các nguồn tư liệu đã cho biết điện Nam Giao trong thời Lê được xây dựng và sửa chữa rất lớn. Riêng năm 1664, theo văn bia thì việc xây dựng rất quy mô hoành tráng.
Tuy nhiên dấu tích trên thực địa thì các dấu tích kiến trúc thời Lê hiện còn không nhiều lắm.
Hiện chưa tìm thấy dấu tích kiến trúc thời Lê sơ mà chỉ tìm thấy các di vật thời Lê sơ như: ngói ống tráng men vàng có trang trí rồng năm móng, dấu tích các lần sửa chữa của năm Quang Thuận và Quang Hưng cũng không rõ ràng lắm. Dấu tích còn khá rõ, có thể của lần sửa chữa năm 1664 qua nền gạch vồ (hố H11 và H12), các di vật ngói, cặp tượng nghê-sấu trang trí trên nóc của kiến trúc.
Việc dấu tích kiến trúc điện Nam Giao thời Lê được xây dựng quy mô còn lại ít hơn thời Lý, có thể thấy rõ vì di tích ở gần lớp đất mặt, lại bị gặp nhiều biến cố như: nhà Nguyễn dỡ bỏ, hỏa tai, mộ táng thời Nguyễn và các công trình thời cận hiện đại san bạt xây dựng mới.
Như vậy, chính thức đàn Nam Giao Thăng Long bị phá hủy hoàn toàn sau năm Tự Đức thứ 11, phải mãi đến năm 2006 được khảo cổ học phát lộ ra.” Trần Anh Dũng.
Lần đầu tiên tên đàn Viên Khâu (đàn Nam Giao) được xuất hiện vào thời Lý. Đại Việt sử ký toàn thư có chép như sau: [Năm 1154], “Tháng 9, vua ngự ra cửa Nam thành Đại La xem đắp đàn Viên Khâu.” (Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ (chế bản điện tử), quyển 4: 142). Trước đó, cũng sách này còn có 2 đoạn chép về Vu Đàn là loại đàn cầu đảo khi hạn hán:
- Năm 1137 : “Tháng 6, hạn, xuống chiếu cho Nguyễn Công Đào đến Vu Đàn ở phía Nam làm lễ cầu mưa”. (Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ (chế bản điện tử), quyển 3:133)
- Năm 1138: “Tháng 6, mùa hạ. Hạn hán, nhà vua xuống chiếu cho bầy tôi hội nghị. Sai Tả ty lang trung Nguỵ Quốc Bảo triệu tập các bầy tôi đến họp bàn về đại hạn. Phạm Tín xin đến đảo vũ ở Đàn Vu. Nhà vua y theo lời, bèn sai quan lại làm lễ đảo vũ ở Đàn Vu và chùa Báo Thiên”. (Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ (chế bản điện tử), quyển 3:142).
Trong thực tế khi khai quật di tích đàn Nam Giao địa điểm 114, Mai Hắc Đế, Hai Bà Trưng, Hà Nội, chúng tôi đã phát hiện được khá nhiều viên gạch thời Lý in hàng chữ Hán: “Lý Gia đệ tam đế Long Thuỵ Thái Bình tứ niên tạo” (năm 1057) ở lớp văn hoá dưới cùng. Đây là niên hiệu của vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072). Điều này cho thấy nhiều khả năng đàn Nam Giao ở nước ta có từ rất sớm. Tuy nhiên sử sách điều không ghi rõ về sự kiện này. Thông thường là khi một quốc gia, một vương triều được thiết lập thì đàn Nam Giao là một trong những công trình thiết yếu của quốc gia, của vương triều đó phải được xây dựng sau đó ít lâu. Ví dụ triều Hồ được thiết lập năm 1400 thì năm 1403 đã xây đàn Nam Giao ở Thanh Hoá; Triều Nguyễn được thiết lập năm 1802 thì năm 1806 đã xây dựng đàn Nam Giao ô kinh thành Huế.
Ngay sau khi định đô ở Thăng Long, vua Lý đã cho dựng đàn Nam Giao ở phía Nam kinh thành. Quy mô điện Nam Giao đã được các bộ sử lớn của nước ta như: Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục, sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn và Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ mô tả: “Đàn đắp ở phía Nam kinh thành đàn chính giữa chiều dài 15 thước, chiều cao 7 tấc, đàn tế chung cả Trời - Đất. Hai đàn bên tả và bên hữu chiều dài 16 thước, chiều cao 3 tấc. Hai đàn này chia ra tế các vì sao và thần núi sông. Chung quanh đàn trồng cây, mặt trước đàn mở 3 cửa…”.
Theo bộ sách Đại Nam nhất thống chí biên soạn thời Lê, thì đàn Nam Giao ở kinh thành Thăng Long có từ thời Lý. Đến thời vua Lê Thánh Tông niên hiệu Quang Thuận (1460 - 1469), đàn được sửa lại, với chính điện gồm 3 gian, hai bên Đông Vu và Tây Vu mỗi bên đều bảy gian, có các toà điện Canh Y (nơi thay áo). Cạnh đó có trai cung, nhà bếp, nhà kho, bên trong, bên ngoài xây tường bao quanh, cùng ba gian nghi môn.
Sách này cũng cho biết, khoảng những năm niên hiệu Quang Hưng (1578 - 1599), thời vua Lê Thế Tông thì dựng thêm điện Chiêu Sự, dù các sách sử không ghi lại sự kiện vua Lê Thế Tông thực hiện lễ tế Nam Giao lần nào.
Các nghiên cứu lịch sử đều xác định đàn Nam Giao được xây dựng phía Nam thành Thăng Long, thuộc khu vực Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo cũ, gần cửa ô Cầu Dền và ở khoảng giữa các phố Mai Hắc Ðế, Thái Phiên, Ðoàn Trần Nghiệp, Bà Triệu. Cái tên phố Hòa Mã cũng liên quan đến đàn Nam Giao, do phố này nằm ở trên thôn Đổi Mã xưa, và chữ Đổi Mã tiếng Việt cổ có nghĩa là “thay đổi áo xống”.
Chữ “mã” đây không phải chữ Hán là ngựa, mà có nghĩa là cái vỏ, trang phục bề ngoài, được dùng trong câu tục ngữ “tốt mã giẻ cùi”, “tốt mã”. Sách sử cho biết, trước đây ở làng này có cung Đổi Mã (chữ Hán chính là Cung Canh Y). Đến năm Minh Mạng thứ 2 (1821), thôn Đổi Mã mới đổi tên thành Hòa Mã.
Cổng đình và đền Hòa Mã ở phố Phùng Khắc Khoan, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, di tích liên quan đến đàn tế Nam Giao thời Lê trở về trước. Ảnh: Trang tin Di tích lịch sử - văn hóa Hà Nội.
Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục.Chính Biên .Quyển thứ 33.Tháng 12. Sứ thần nhà Thanh sang nước ta.
Bọn chánh sứ Ngô Quang và phó sứ Chu Chí Viễn sang dụ bảo việc tế Lê Thần Tông.Khánh thành điện Chiêu Sự ở đàn Nam Giao. Điện vũ ở đàn Nam Giao, trước kia quy mô nhỏ hẹp, nay sai quan gia công xây dựng thêm, đến đây công việc đã hoàn thành, lại hạ lệnh cho từ thần là bọn Hồ Sĩ Dương soạn văn bia để ghi công việc ấy.
Lời cẩn án -Kiến văn lục của Lê Quý Đôn chép: Đời Hồng Đức định quy chế về đàn Nam Giao; điện Chiêu sự ba gian hai chái, đông vũ và tây vũ đều bảy gian, lại có điện canh ly , nhà trai cung và nhà bếp, mở ba tầng cửa, bốn chung quanh xây tường. Tùy bút lục của Phạm Hồ chép: nước ta có đàn Nam Giao bắt đầu từ đời nhà Lý, đến đời Lê Trung Hưng lại sửa sang xây dựng thêm. Nay xét "Lý Anh Tông kỷ" chép: "nhà vua ngự ra cửa nam thành Đại La xem đắp đàn Viên Khưu" . Thế thì từ triều nhà Lý, nước ta đã có đàn Nam Giao, mà điện vũ trong đàn thì bắt đầu xây dựng từ năm Hồng Đức (1470-1497). Lời chua -Điện Chiêu sự: ở phía nam thành Thăng Long về địa phận thôn Thịnh An, huyện Thọ Xương, nay nền cũ vẫn còn.
Đàn Nam Giao ở Thăng Long xưa được đắp từ thời vua Lý Anh Tông. Đại Việt Sử ký toàn thư viết: “Giáp Tuất, năm thứ 15 (1154) tháng 9, vua ngự ra cửa nam thành Đại La xem đắp đàn Viên Khâu” (Nam Giao). Được dùng để tế trời, theo quan niệm, mọi nghi lễ đều diễn ra trên đàn đắp bằng đất, bày hương án ngoài trời chứ không có mái.
Qua nhiều triều đại kế tiếp, mãi cho đến 509 năm sau, thời Lê Trung Hưng, vua Lê Huyền Tông và chúa Trịnh Tạc mới cho dựng điện Chiêu Sự để tế trời trên nền đàn cũ vào năm 1663. Sách “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn chép: “Ngày làm lễ, rước hoàng đế ngự ở sân điện Chiêu Minh, sau khi đã quán tẩy, hoàng thượng mới bước lên điện dâng hương trước án, việc dâng hương và đọc chúc đều cử hành trên điện, chỉ quỳ và cúi đầu vái, còn lễ bốn lạy trước và sau khi đọc chúc đều lạy ở sân điện”.
Trong các tấm bản đồ vẽ thành Thăng Long thời Lê và Nguyễn như bản đồ thành Đông Kinh năm 1490, “Trung đô sơn xuyên hình thắng chi đồ” năm Cảnh Hưng thứ 31 (1770), “Trung đô nhất phủ nhị huyện chi hình”, “Thăng Long thành Phụng Thiên nhất phủ nhị huyện năm Gia Long thứ 9 - 1810 đều vẽ đàn Nam Giao rất rõ.
Nhìn trên tấm bản đồ vẽ thành Thăng Long thời Hồng Đức 1490, thấy vùng đất phía nam mênh mông đầm nước bao bọc suốt từ vùng đại hồ Văn Miếu - cống Lâm Khang đến gần sát đàn Nam Giao. Xem hình minh họa thì đàn Nam Giao được dựng theo lối phương đình tám mái, xung quanh là những bậc đá để nhà Vua bước lên làm lễ tế Trời.
Trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, nhà sử học Phan Huy Chú miêu tả điện Chiêu Sự (Nam Giao) do Tây Vương Trịnh Tạc sai dựng như sau: “Huyền Tông năm Cảnh Trị thứ 1 (1663) làm điện Nam Giao... giữa là điện Chiêu Sự, cột bốn góc làm bằng đá, nền và sân bao lơn đều bằng đá cả. Rường, xà, rui, hoành đều sơn son thếp vàng, có hai dãy hành lang tả hữu, bên ngoài là chỗ vua thay quần áo, đằng trước có ba tầng cửa quy mô chế thức rực rỡ mới mẻ. Sai triều thần là nhóm Hồ Sĩ Dương làm văn khắc bia để ghi việc ấy...
Thế rồi biển dâu biến cải. Cuối thời Lê Trung Hưng, chúa Trịnh suy tàn, vua Lê Chiêu Thống trả thù cái nợ bị đè ép, sai đốt phá hết những gì có dính dáng đến chúa Trịnh. Nhưng chắc đàn Nam Giao không bị đốt, vì ai dám đốt nơi tế trời. Dù sao, thế cuộc đổi thay cũng tác động vào. Đàn trở nên hoang phế. Sau này, gần giữa thế kỉ XIX, thời Minh Mạng, Vũ Tông Phan (1800 - 1851, đỗ tiến sĩ năm 1826) khi đến thăm di tích, trước cảnh tiêu điều đã phát sinh cảm thán. Bài thơ “Thăm đàn Nam Giao triều trước Lê” của ông có hai đoạn, đoạn đầu là:
Tiêu điều lũy cổ gió thu bay
Vời vợi dấu xưa biết ai đây
Điện vắng trơ vơ mưa nắng dãi
Bia mòn nhập nhoạng bóng chiều vây.
(Bản dịch của Vũ Thế Khôi)
Theo tư liệu thì trong “Lỗ Am di cảo tập”, trước bài thơ, Vũ Tông Phan có lời chú về vùng đất này như sau: “Đàn Nam Giao này tại ô cầu Dền phía nam thành Thăng Long, là nơi tế trời của các triều Lý, Trần, hậu Lê, sau đến nhà Lê Trung Hưng. Vào mùa thu năm Quý Mão hiệu Cảnh Trị (1663) Tây Vương Trịnh Tạc dựng điện Chiêu Sự ở đây, nay chỉ còn chính điện cột kèo vẫn như mới, nhung hiên mái mất đến nửa. Trước chính điện có con Ly nằm giữa gai góc, chim sẻ làm tổ. Bên ngoài là ruộng lúa, kê bao quanh. Trâu, dê thả rông trên nền điện, xa xa còn thấy một tấm bia đá vỡ nằm trơ trọi, xóm thôn chen lẫn, cảm khái làm bài thơ...”.
Như vậy là vào giữa thế kỷ XIX, đàn Nam Giao Thăng Long tuy đã hư hại nhiều nhưng vẫn còn dáng hình. Đàn nằm giữa một vùng đất xung quanh có xóm làng với những ruộng lúa, kê, đám gia súc thả rông lên cả sân điện chứng tỏ không có ai chăm sóc, trông nom.
Đến thời Pháp xâm lược nước ta, trên tấm bản đồ Hà Nội vẽ năm 1873, năm thành Hà Nội bị đánh lần thứ nhất, vẫn thấy có mặt di tích này, ghi là “Lê Nam giáo đàn”. Cuộc bình chiếm Bắc Kỳ kết thúc, Hà Nội trong tay người Pháp, khu đất có đàn Nam Giao được cấp cho một công ty xây dựng nhà máy diêm. Từ năm 1892, khi nhà máy này đi vào sản xuất, đàn Nam Giao mới mất hẳn dấu tích. Văn Sáu.
Năm 1804, người ta cho dỡ gạch ngói của Đàn để xây thành. Tại đây, chỉ còn sót lại nhà bia và tấm bia đá sau được Viện Viễn đông Bác cổ chuyển về đặt tại sân vườn Bảo tàng Louis Finot vào năm 1947 (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia).
Đầu thế kỷ 20, người Pháp đã phá đàn Nam Giao để mở đường và xây nhà máy diêm. Năm 1956, sau khi giải phóng thủ đô, nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo được chuyển từ Việt Bắc về và được xây dựng trên nền đất của đàn.
Bia Nam Giao điện bi ký ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
BÀI KÝ BIA ĐIỆN NAM GIAO.
Tế Giao lại đặt tên điện Chiêu Sự là vì sao? Là vì nơi đó phụng sự Thượng đế. Làm sáng tỏ lễ Tế Giao thì việc trị nước dễ như chỉ bảo trên lòng bàn tay. Kính nghĩ, nước Đại Việt ta xây dựng mở mang trong trời đất muôn dặm như vậy. Đóng đô, xây thành rõ ràng việc xây dựng đất nước; Chọn hướng chính vị, tỏ lòng cung kính với trời. Lấy góc phía Nam thành để dựng điện Nam Giao Chiêu Sự. Vào sớm mồng một đầu năm nghênh tế ở đây. Lễ ấy cử hành trải qua bao đời vẫn giữ, nhưng xây dựng chưa được hoàn hảo, tô điểm cũng chưa thật tinh xảo, chưa đủ để báo ơn trời lớn lao. Cầu mong công trình này có được một quy chế từ xưa chưa có, làm được một việc từ xưa chưa ai làm, hẳn là phải đợi ở bậc Thánh vương có khí trượng vượt qua người thường!
Nay Đại nguyên soái Chưởng quốc chính, Thượng sư Thái phụ, Đức công Nhân uy, Minh thánh Tây vương ). Trời cho thông tuệ, trung hậu nghiệp nhà, tiếp nối Vương nghiệp, trợ giúp Hoàng đồ, phò giúp Đương kim Hoàng thượng giữ vững ngôi vua, nối được phúc lành, lại ủy sai Nguyên soái Điển quốc chính Định Nam vương , quyết đoán mọi việc, mở mang trị bình.
Thường nghĩ, bậc vương giả, trên vâng mệnh trời đất, dưới vỗ về triệu dân. Biết kính trời thì thịnh trị có thể bền vững, thái bình có thể giữ mãi. Vậy nên thời và điềm, không phải được bắt đầu ở trời sao. Hàng năm vào ngày mồng một tháng Giêng mùa xuân, tự thân phò xa giá Hoàng thượng dẫn các quan triều nghiêm chỉnh đến sân điện, tiến hành đại lễ, cung kính cung kính hết mức, còn cho rằng như thế cũng chưa đủ. Thế là bèn ra uy quyết đoán, chọn lấy ngày lành, tập trung các thợ. Cột xà chọn lựa gỗ tốt; Mực thước theo cung Trường Sinh . Tháo bỏ các thứ cũ xưa, dựng xây toàn công phu mới. Đến tháng 9 mùa thu năm Quý Mão (1663) niên hiệu Cảnh Trị thứ 1 thì khởi công, đến cuối năm Giáp Thìn, niên hiệu Cảnh Trị thứ 2 (1664) thì hoàn thành. Nền xây bằng gạch, trụ dựng cột đá. Đao cong rực rỡ, đầu rồng dưới mái sóng đôi. Góc uốn huy hoàng. Chân ngao vững vàng cân đối. Rỡ ràng quy mô đổi mới. Hiên ngang xây lại đất trời. Ngôi điện này không chỉ bày tỏ lòng tôn kính đương thời, mà còn muốn truyền mãi cho đời sau. Thế là bèn thuê thợ khắc đá truyền cho đời sau để biết được tấm lòng của Vương thượng, cung kính giữ bên trong, khiêm nhượng biểu hiện ở ngoài. Công thực dày, đức thực lớn. có công đức ấy hẳn sẽ có phúc thọ ấy. Phúc của trời, lộc trời dư dật. Thọ bởi trời ban, tuổi thọ trời cho. Ngàn phúc trăm phúc con cháu muôn ngàn đời dài mãi và cả nghiệp Đế, nghiệp Vương, mệnh trời ban cho dài mãi.
Kính cẩn ghi lại.
Ngày tốt Quý Mùi tháng 10 mùa đông, năm Vĩnh Trị thứ 4 Hoàng triều (1679).
Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Tham tụng, Công bộ Thượng thư, kiêm Đông các Đại học sĩ, Duệ Quận công Hồ Sĩ Dương , người xã Hoàn Hậu huyện Quỳnh Lưu, cung kính nhuận chính.
Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Cai quan Thự vệ sự, Luân Quận công Vũ Công Chấn, người xã An Cự, huyện Thiên Bản vâng làm đốc công.
Quang tiến Thận lộc Đại phu, Đông các Hiệu thư, Xuân Trạch nam, người xã Nam Nguyễn, huyện Phúc Lộc Nguyễn Tiến Triều vâng lệnh
soạn thảo.
Quang Tiến Thận lộc Đại phu Cai hợp Thị nội Thư tả, Binh bộ Lang trung, Hương Thọ nam, người xã Đình Luân, huyện Gia Lâm Lê Công Chính vâng lệnh viết chữ.
2.ĐÀN NAM GIAO TẠI THÀNH NHÀ HỒ - THANH HÓA.
Cổng chính của thành nhà Hồ
Đàn Nam Giao hay đàn Nam Giao nhà Hồ là một di tích thuộc khu di tích thành nhà Hồ, tỉnh Thanh Hóa. Xưa kia đây là nơi hàng năm triều nhà Hồ tiến hành lễ tế trời, cầu cho quốc thái, dân an hoặc lễ tế vào những dịp đại xá thiên hạ. Năm 2007, di tích khảo cổ địa điểm đàn tế Nam Giao - Tây Đô đã được xếp hạng di tích quốc gia.
Được khai quật từ năm 2004 tại xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá, cách thành nhà Hồ khoảng 2,5 km về phía Đông Nam, đàn tế Nam Giao của nhà Hồ (đàn Nam Giao Tây Đô) là một công trình có giá trị lịch vử và kiến trúc đặc biệt của thời nhà Hồ.
Năm Canh Thìn (1400) Hồ Quý Ly lên ngôi, lập ra triều đại nhà Hồ và lập kinh đô mới là Tây Đô. Năm 1402, vua Hồ Hán Thương đã cho xây dựng đàn tế Nam Giao ở Đốn Sơn. Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi:
"Nhâm Ngọ 1402, tháng 8, Hán Thương sai đắp đàn Nam Giao ở núi Đốn Sơn để làm lễ tế Giao; đại xá thiên hạ. Ngày hôm tế, Hán Thương ngồi trên kiệu Vân Long do cửa Nam đi ra."
Chữ "Giao" có một nghĩa là lễ tế trời ở vùng phía Nam kinh thành. Vì vậy, lễ tế này thường gọi là lễ tế Nam Giao, nơi thực hiện nghi lễ này gọi là đàn Nam Giao .
Cặp rồng đá còn lại của thành Tây Đô.
Đàn Nam Giao nay thuộc địa giới hành chính xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá, cách thành nhà Hồ khoảng 2,5 km về phía Đông Nam. Di tích này cách thành phố Thanh Hóa khoảng 45 km về phía Tây Bắc theo quốc lộ 45, cách thị trấn Hà Trung khoảng 27 km về phía Tây theo tỉnh lộ 217.
Đàn Nam Giao có diện tích khoảng hơn 2 ha, lưng tựa Đốn Sơn (núi Đún), tiền án là "cánh đồng Nam Giao". Tại đây có những dấu tích kiến trúc của các cấp nền bao (nền Thượng, nền Trung, nền Hạ). Vật liệu kiến trúc chính để xây dựng đàn là đá xanh và nhóm vật liệu bằng đất nung (gạch, ngói…). Hiện còn dấu tích con đường linh đạo được lát bằng những phiến đá xanh mài nhẵn, mà trước kia vua đi trên con đường này để vào khu vực tế chính.
Một công trình được bảo tồn khá nguyên vẹn ở đây là Giếng Vua, còn gọi là Ngự Dục, Ngự Duyên. Giếng có hình vuông, được kè đá theo các cấp bậc nhỏ dần vào lòng. Ở độ sâu khoảng 10m so với nền đàn trung tâm, các nhà khảo cổ đã tìm ra mạch nước của giếng cổ.
Xung quanh khu vực đàn Nam Giao, nay có các địa danh như Dọc Bái, Dọc Sen… Tương truyền trước kia khi tế lễ, dân chỉ được đứng ở phía xa để bái vọng .
Năm 2004, một cuộc khai quật với diện tích khai quật 800 m² đã phát lộ di tích chỉ cách mặt đất khoảng 20 cm đến 40 cm. Nhiều hiện vật quan trọng đã được phát hiện. Theo nhà khảo cổ học Nguyễn Hồng Kiên, "cho đến thời điểm này, đây là đàn tế Nam Giao còn lại nguyên vẹn nhất và có thể được xem là quý giá nhất Việt Nam".
Cuộc khai quật, khảo cổ thứ hai năm 2007 được tiến hành trên diện tích 2000 m² và cuộc khai quật, khảo cổ thứ ba năm 2008 đã mở rộng diện tích khai quật thêm 3000 m². Trong các năm từ 2009 đến 2011, tiến hành khai quật, khảo cổ tổng thể di tích trên diện tích 24.000 m².
Trong các năm 2004, 2007, những đợt khai quật của Viện khảo cổ học VN đã làm phát lộ tại đây một hệ thống móng kiến trúc còn khá nguyên vẹn, với các cấp nền Thượng, nền Trung, nền Hạ cùng trục thần đạo lát đá xanh.
Theo các sử liệu cũ, đàn tế Nam Giao tại Thành nhà Hồ được Hồ Hán Thương cho xây dựng và hoàn thành vào tháng 8/1402. Đây cũng là thời điểm lễ tế giao đầu tiên của vương triều nhà Hồ được tổ chức cùng năm với mục đích cầu cho mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an.
Dưới triều đại vua Hồ Quý Ly, đàn tế Nam Giao là nơi hàng năm Vua tiến hành lễ cúng tế cầu quốc thái, dân an hoặc lễ tế vào những dịp đại xá thiên hạ. Sau hơn 600 năm với những thăng trầm lịch sử, hiện đàn tế Nam giao Thành Nhà Hồ là 1 trong 3 đàn tế còn giữ được mặt bằng tương đối nguyên vẹn cổ nhất trong lịch sử Đàn tế Nam Giao của Việt Nam.
Đàn tế Nam Giao có diện tích khoảng hơn 2 ha, cấu trúc gồm nhiều cấp nền bao thu hẹp dần từ thấp đến cao. Dẫn vào trung tâm của đàn tế là con đường linh đạo được lát bằng những phiến đá xanh mài nhẵn. Trong lòng nền cao nhất có dấu tích đàn tế hình tròn (Viên đàn), đường kính 4,75m.
Một
công trình được bảo tồn khá nguyên vẹn ở đây là giếng Vua, có hình vuông, được
kè đá theo các cấp bậc nhỏ dần vào lòng, nằm thấp hơn khoảng 10m so với nền đàn
trung tâm. Ngoài ra, trong khu vực đàn tế còn có thấy dấu tích hàng chục nền
móng của các kiến trúc phụ.
Giếng Vua ở khu vực Đàn tế Nam Giao.
Giới nghiên cứu nhận định, đàn tế Nam Giao nhà Hồ là một di tích kiến trúc quý hiếm, không chỉ đối với lịch sử triều Hồ mà còn là một mắt xích quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử đàn tế và nghi lễ tế trời đất ở Việt Nam và trên thế giới.
Dấu tích đàn tế hình tròn (Viên đàn) – nơi vua tiến hành nghi lễ tế Trời – Đất.
Đàn tế Nam giao Thành Nhà Hồ được Vương triều Hồ xây dựng xong vào tháng 8 năm 1402, nay thuộc địa giới hành chính xã Vĩnh Thành (huyện Vĩnh Lộc), cách thành nhà Hồ khoảng 2,5 km về phía Đông Nam. Đàn Nam Giao có diện tích khoảng hơn 2 ha, lưng tựa Đốn Sơn (núi Đún), tiền án là cánh đồng Nam Giao, cấu trúc gồm nhiều cấp nền bao thu hẹp dần từ thấp đến cao. Dẫn vào trung tâm của đàn tế là con đường linh đạo được lát bằng những phiến đá xanh mài nhẵn. Trong lòng nền cao nhất có dấu tích đàn tế hình tròn (Viên đàn), đường kính 4,75m. Tại đây còn lưu giữ khá nhiều dấu tích kiến trúc của các cấp nền bao: nền Thượng, nền Trung, nền Hạ. Vật liệu kiến trúc chính để xây dựng đàn là đá xanh và nhóm vật liệu bằng đất nung (gạch, ngói…); dấu tích con đường linh đạo được lát bằng những phiến đá xanh mài nhẵn, mà trước kia vua đi trên con đường này để vào khu vực tế chính.( Theo Kiến thức).
3. ĐÀN NAM GIAO TẠI THỌ XUÂN - THANH HÓA.
Đàn Nam Giao ở Vạn Lại xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá do vua Lê Thế Tông (niên hiệu Quang Hưng thứ nhất, năm 1578) xây dựng.
Đất An Trường tên nôm cổ nhất là Kẻ Sánh. Thời Lý – Trần, ông Sính (tức Sánh) mới bắt đầu khai phá đất hoang, lập trại ấp. Ông Sính mất, đất đai trở lại hoang vu. Ông Nguyễn Thiện gốc người Trường An (Ninh Bình) gia nhập nghĩa quân Lam Sơn, đánh giặc có công được phong tước Đại Trí tự, ban họ vua thành Lê Thiện. Ông không làm quan xin ở lại khai thác đất cũ của ông Sính mà ông Thiện từng một thời gian cư trú lánh nạn giặc Minh. Lê Thiện đem người họ hàng và chiêu mộ dân nghèo đến Kẻ Sánh cày cuốc làm ăn, lập làng đặt tên An Trường để con cháu đời sau không quên gốc tổ Tràng An (chữ An Trường phát âm khác là Yên Trường).
Từ khi dựng nghiệp trung hưng, nhà Lê đóng đô ở nhiều nơi, hoặc Tây Đô hoặc Lam Kinh... Ban đầu, năm 1546, Vua Trang tông lấy Vạn Lại làm hành tại. Năm 1554, nhà vua nhận thấy Lam Kinh chật hẹp, theo lời bàn của Thái sư Trịnh Kiểm: “Chỉ có xã An Trường, huyện Thụy Nguyên (Thọ Xuân), bên tả có nhiều núi, bên hữu có sông to, hình thế rộng thoáng, cảnh tượng tươi đẹp” mới lập hành điện, rước vua đến ở (Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí).
An Trường – Vạn Lại cùng chung dải đất miền bán sơn địa. Bởi ở kề sông Lường (sông Chu) đồng ruộng An Trường được khai phá sớm, dân cư phát triển nhanh chóng. Khi vua Lê chọn đất dựng cung điện, lập quân doanh, làng xã dĩ nhiên sơ tán. Long Hồ vừa rộng, vừa sâu trở thành hồ thủy quân, từ đây thủy quân Lê theo sông Lương ra sông Mã tiến đánh quân Mạc ngoài Bắc. Nó cũng là đường giao thông vận tải thuận tiện, tiếp tế lương thực, mắm muối cho An Trường.
Đất An Trường nhiều thuận lợi cũng lắm khó khăn. Quân Mạc từ ngoài Bắc tiến vào Thanh Hóa, đi đường thủy sông Mã, sông Chu, thẳng tới An Trường đánh phá thành lũy, uy hiếp cung điện vua ở. Phía sau An Trường, tiếp giáp An Trường là Vạn Lại, đồi núi nhấp nhô, chen lẫn gò đống ngổn ngang. Núi không cao, đồi thấp thoai thoải, mênh mông bát ngát, đồng ruộng cằn cỗi, khó mở mang, nổi tiếng nước độc ma thiêng, “muỗi rừng thổi sáo”, “sông Cầu Chày chó lội đứt đuôi!”. Triều đình bàn: Thế đất Vạn Lại đồng ruộng chật hẹp nhưng núi đồi hiểm sâu. Lập quốc tất phải lấy nơi hiểm trở làm căn cứ địa. Sách Vạn Lại núi đứng sững, nước uốn quanh, thực đáng gọi là nơi hình thế đẹp. Đó là do trời đất xếp đặt để làm chỗ dấy nghiệp đế vương (Việt sử thông giám cương mục).
Năm 1554 Vua Lê mở khoa thi văn học đầu tiên ở Vạn Lại. Kết quả khoa thi này chọn được 13 người, người đỗ đầu là đệ nhất giáp chế khoa Nguyễn Văn Nghi, quê quán huyện Đông Sơn. Vua Mạc Phúc Nguyên nổi giận sai Khiêm vương Mạc Kính Điển đem đại quân vào Thanh Hoa, nhằm phá tan Vạn Lại, bị phục binh ở núi Kim Sơn và chợ Ông Công đánh thua tan tác, rút chạy về Bắc.
Cuối thế kỷ XVII, nhà Lê suy yếu, đế nghiệp chuyển sang nhà Tây Sơn rồi nhà Nguyễn Gia Long. Cả hai nhà đều tàn phá An Trường – Vạn Lại thành tro bụi. Cùng với 8 làng hương Lam Sơn. Đời Tự Đức, hương Lam Sơn mới được triều đình Nguyễn cho phép thành lập lại xóm làng. Đôi voi đá đang quỳ chân kính cẩn trên đám cỏ rậm xưa là sân rồng. Những con ngựa đá mấy trăm năm vẫn đứng hiên ngang, trên lưng chỉnh bị yên cương như lúc nào cũng sẵn sàng xông trận. Dấu vết điện Thị triều còn đó, nơi diễn ra các kỳ thi tiến sĩ, tuyển dụng nhân tài phục vụ cho đất nước hiện tại và mai sau, mặc dù đất nước lúc đó vẫn mù mịt khói lửa chiến tranh. Việc học hành được khuyến khích, các khoa thi tiến sĩ mở ra, sĩ tử vùng Thanh – Nghệ lại lều chõng đến kinh đô kháng chiến Vạn Lại, Nhà Lê Trung hưng, khoa thi đầu tiên đời Trung tông năm 1554, lấy đỗ tiến sĩ xuất thân và đồng xuất thân 13 người. Khoa thi thứ hai, năm 1565, lấy đỗ 10 người, đỗ đầu đệ nhất giáp: Lê Khiêm, người Thọ Xuân. Khoa thi thứ ba, năm 1577, đời Lê Thế tông, lấy đỗ 5 người, đỗ đầu đệ nhất giáp Lê Trạc Tú, người Thượng Cốc, Thọ Xuân. Khoa thi thứ tư năm 1580, phục lại khoa thi Hội, lấy đỗ tiến sĩ 6 người, Hội nguyên, Đình nguyên Hoàng giáp: Nguyễn Văn Giai, xã Phù Lưu Trường, huyện Thiên Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh). Khoa thi thứ năm, năm 1583 lấy đỗ tiến sĩ 4 người, đỗ đầu đệ nhị Giáp: Nguyễn Nhân Thiêm, người xã Bột Thái, huyện Hoằng Hóa. Khoa thi thứ sáu, năm 1589, lấy đỗ tiến sĩ 4 người, Đình nguyên Lê Nhữ Bật, người xã Vĩnh Trị, huyện Hoằng Hóa. Khoa thi thứ bảy, năm 1592, khoa thi cuối cùng nhà Lê Trung hưng tổ chức ở đô thành kháng chiến An Trường – Vạn Lại, lấy đỗ tiến sĩ 3 người, lấy đỗ Đình nguyên Hoàng giáp Trịnh Cảnh Thụy, xã Chân Bái, huyện Yên Định.
Đàn Nam Giao ở thành Vạn Lại (Xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá) do vua Lê Thế Tông, niên hiệu Quang Hưng thứ nhất (Năm 1578), khi chạy vào Thanh Hoá để thủ hiểm chống quân Mạc Mậu Hợp, thậm chí còn được dựng ở ngay bên ngoài của luỹ. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép : “Lập Đàn tế Nam Giao ở Vạn Lại. Trước kia dựng hành tại ở Vạn Lại; sau đó lập đàn tế Nam Giao ở phía ngoài cửa luỹ” (Quốc sử quán triều Nguyễn (Bản chế bản điện tử) Tr. 663)...
Sách Việt sử Thông giám cương mục chép: “Thái sư Trịnh Kiểm cho rằng lập quốc tất phải căn cứ vào nơi hiểm trở. Sách Vạn Lại, núi đứng sững, nước uốn quanh, thực đáng gọi là nơi hình thế đẹp. Đó là do trời đất xếp đặt để làm chỗ dấy nghiệp đế vương. Trịnh Kiểm bèn sai đào hào đắp lũy, xây dựng hành điện, mời nhà vua đến đóng tại đó”. Một triều đình với đầy đủ văn quan, võ tướng với sứ mệnh trung hưng nhà Lê đã được lập nên. Từ đây, đất nước hình thành 2 vương triều, 2 kinh đô, gồm Nam triều từ Thanh Hóa trở vào thuộc vua Lê; Bắc triều từ Ninh Bình đổ ra, bao gồm cả kinh thành Thăng Long (Đông Kinh) thuộc quyền họ Mạc.
Với tài thao lược của Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng, thế lực Nam triều ngày càng lớn mạnh, đánh đâu thắng đó. Đến năm Quý Tỵ (1593), nhà Lê đã đánh đuổi nhà Mạc ra khỏi kinh thành Thăng Long, vua tôi nhà Lê trở về kinh đô Thăng Long mở ra thời kỳ Lê Trung Hưng. Vạn Lại kết thúc sứ mệnh là kinh đô kháng chiến của nhà Lê. Trong thời gian tồn tại suốt 47 năm (1546 - 1593), trải qua 4 đời vua (Lê Trang Tông, Lê Trung Tông, Lê Anh Tông và Lê Thế Tông), có lúc hành điện của nhà Lê phải chuyển đến phủ Yên Trường (cách Vạn Lại khoảng gần 5 km, nay thuộc xã Thọ Lập, H.Thọ Xuân), nhưng Vạn Lại luôn đóng vai trò quan trọng nhất.
Mặc dù là Kinh đô thời loạn, nhưng tại Vạn Lại, nhà Lê đã cho tổ chức 7 khóa thi, tìm ra nhiều hiền tài giúp nước nổi danh cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17. Trong đó, nổi bật có các tiến sĩ Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Thực, Lê Trạc Tú... Tại Văn Miếu Hà Nội ngày nay có 82 bia tiến sĩ, trong đó có 7 bia ghi các tiến sĩ đỗ các khoa thi ở Vạn Lại. Vì được xem là vùng địa linh có mạch phát đế vương nên nhiều vua chúa đã chọn Vạn Lại làm sinh phần (nơi an táng) cho mình sau khi mất.
Mậu Dần, [Quang Hưng] năm thứ 1 [1578] , (Mạc Sùng Khang năm thứ 13; Minh Vạn Lịch năm thứ 6). Tháng 2, ngày 21, Mạc Mậu Hợp bị sét đánh ở trong cung, bị bại liệt nửa mình, sau chữa thuốc lại khỏi, bèn đổi niên hiệu, lấy năm ấy làm năm Diên Khánh thứ 1.
Tháng 7, Mạc Kính Điển đem quân vào lấn các huyện ven sông xứ Thanh Hoa. Tiến đến Giang Biểu20 , Tiết chế Trịnh Tùng sai bọn Trịnh Bách đem quân vượt sông phục sẵn ở núi Phụng Công21 , đánh nhau to ở cầu Phụng Công. Quan quân tập trung súng bắn vào, quân Mạc chết không xiết kể. Kính Điển liền rút quân về Kinh ấp.
Vua lập hành tại ở sách Vạn Lại; lập đàn Nam giao ở ngoài cửa luỹ Vạn Lại.
(Nguồn: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)
Giai đoạn xung đột Nam – Bắc triều, nhà Mạc cai quản cả vùng đất rộng lớn từ Thanh Hóa trở ra và đóng đô tại Thăng Long, còn vua Lê dựa vào chúa Trịnh trấn giữ xứ Thanh trở vào. Bấy giờ, trong hoàn cảnh khó khăn, vua Lê vẫn tiến hành việc tế Giao tại “chiến khu” và được Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại. Chẳng hạn năm Nhâm Thân 1572, vua Lê Anh Tông (Duy Bang) tổ chức tế trời đất ở đàn Nam Giao vào tháng giêng, có tình tiết: “Khi làm lễ, vua bưng lư hương khấn trời xong, bỗng lư hương rơi xuống đất, vua biết là điềm chẳng lành, bèn xuống chiếu đổi niên hiệu [Chính Trị] thành Hồng Phúc thứ nhất” (sđd, tập III, tr. 146). Năm Mậu Dần 1578, vua Lê Thế Tông (Duy Đàm) vừa nối ngôi, chọn niên hiệu Quang Hưng thứ nhất, sau khi tướng Mạc Kính Điển (con của vua thứ hai nhà Mạc là Đăng Doanh) tuân lệnh Mạc Mậu Hợp dẫn quân tấn công Thanh Hóa và bị Trịnh Tùng đánh cho tan tác, sử ghi: “Vua lập hành tại [chỗ vua tạm trú khi xuất tuần] ở sách Vạn Lại; lập đàn Nam Giao ở ngoài cửa lũy Vạn Lại” (sđd, tập III, tr.155).
Đóng vai trò như kinh đô của Nam triều vào thế kỷ XVI, Yên Trường (nay ở xã Thọ Lập) rồi Vạn Lại (nay ở xã Xuân Châu) – đều thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa – ít ra đã có hai đàn Nam Giao từng hiện hữu. Rất có thể đàn tế trời giữa thời loạn lạc kia được đắp bằng đất kiểu dã chiến chăng? Nếu thế, e nó đã tan hoang tự bao giờ! Sách Di sản văn hóa xứ Thanh do Nguyễn Văn Hảo và Lê Thị Vinh hợp soạn (NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2003, trang 118) phản ánh thực trạng: “Rất đáng tiếc kinh đô Vạn Lại hiện nay chỉ là phế tích. Yên Trường hầu như bị hủy hoại hoàn toàn”.
Biết đâu nhờ may mắn, dấu vết một trong hai hay cả hai đàn Nam Giao giai đoạn Lê Trung hưng sẽ được phát hiện vào ngày đẹp trời nào đấy, tương tự trường hợp đàn Nam Giao nhà Hồ vừa xuất lộ tại huyện Vĩnh Lộc cùng tỉnh?
Thật ra, nước ta trong buổi nhiễu nhương Nam – Bắc triều, các vua nhà Mạc từ Đăng Dung, Đăng Doanh, Phúc Hải, Phúc Nguyên đến Mậu Hợp nếu tế Giao ắt cử hành tại Thăng Long. Vua nhà Hậu Lê thì có phen chẳng được chủ tế trời đất vì họ Trịnh soán mất “nghĩa vụ” ấy. Đại Việt sử ký toàn thư (sđd, tập III, trang 170) ghi nhận sự kiện năm Nhâm Thìn 1592: “Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 3, tiết chế Trịnh Tùng sai quan lập đàn sắm lễ, trai giới làm lễ tế trời đất, Thái Tổ cao hoàng đế và các vị hoàng đế của bản triều [nhà Lê] cùng các vị linh thần núi sông, các danh tướng xưa nay trong nước”. Tế xong, Trịnh Tùng chỉ huy quân sĩ Bắc tiến, chiếm lại thành Thăng Long, đuổi bắt Mạc Mậu Hợp để bêu đầu thị chúng, khử luôn Mạc Toàn (con của Mạc Mậu Hợp) lẫn Mạc Kính Chỉ.
Kê cứu thư tịch cổ, Trần Trọng Kim biên soạn Việt Nam sử lược (NXB Văn Hóa Thông Tin in lại, Hà Nội, 2002, trang 304) đã tóm tắt kết cục của nhà Mạc: “Từ đó nhà Mạc mất ngôi vua, ngày sau tuy Mạc Kính Cung nhờ có nhà Minh [Trung Hoa] bênh vực được về ở đất Cao Bằng, nhưng cũng là ở một chỗ nhỏ mọn gần biên thùy mà thôi”.
Tuy vậy, Mạc Kính Cung rồi Mạc Kính Khoan và Mạc Kính Vũ cũng nghênh ngang một cõi biên thùy những 84 năm ròng (1593 – 1677) với niên hiệu riêng theo thứ tự là: Kiền Thống, Long Thái, Thuận Đức. Chẳng rõ ba ông vua Mạc nọ có tổ chức tế Giao tại Cao Bằng? Nếu có, đàn Nam Giao nhà Mạc trên rẻo cao kia như thế nào và hiện còn dấu vết gì không? https://vanhien.vn/.
4. ĐÀN TẾ NAM GIAO CỦA TÂY SƠN Ở BÌNH ĐỊNH.
Lâu nay, chúng ta chỉ hình dung một kinh thành Hoàng đế Thái Đức qua khảo tả của tác giả Đồ Bàn Thành Ký Nguyễn Văn Hiển, nên việc hiểu biết về thành Hoàng Đế còn rất hạn chế. Bởi vì, tất cả các công trình kiến trúc đều bị triệt hạ, chôn vùi trong lòng đất và nhà Nguyễn lại cho xây đền Song Trung (Võ Tánh và Ngô Tùng Châu) ngay trên chính điện của Tử Cấm Thành Hoàng Đế.
Nhằm sưu tập tài liệu góp phần làm cơ sở cho việc phục hồi, trùng tu, tôn tạo thành Hoàng Đế, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tổng hợp Bình Định khai quật khảo cổ thành Hoàng Đế. Với diện tích hơn 300m2 qua 2 đợt khai quật năm 2004 và 2005 diện mạo kiến trúc thành Hoàng Đế được phát lộ ngày một rõ nét.
Trong đợt khai quật này, các nhà khảo cổ đã khảo sát, điều tra thực tế và nghiên cứu các dấu vết hiện còn và đã phát hiện Đàn Nam Giao đầu tiên của nhà Tây Sơn, đó là Đàn Nam Giao của Hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc. Đàn Nam Giao tọa lạc trên một ngọn núi đất - đá ong, tục danh là Hòn Chùa, ngày nay thuộc thôn Nam Tân, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn. Vị trí Đàn Nam Giao nằm ở phía ngoài góc Tây Nam thành nội và bên trong thành ngoại.
Có lẽ công lao và vai trò của Nguyễn Huệ quá lớn trong công cuộc đánh Nam dẹp Bắc đập tan chế độ phong kiến mục nát đương thời và các thế lực ngoại xâm nên người ta thường quan tâm nhiều hơn đối với Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ và đã có nhiều công trình nghiên cứu về Đàn Nam Giao ở núi Bân (Huế), nơi lên ngôi của Hoàng đế Quang Trung. Còn Đàn Nam Giao đầu tiên của nhà Tây Sơn, nơi lên ngôi của Hoàng đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc chưa được quan tâm, mặc dù nơi đây còn để lại dấu vết khá rõ nét.
Đàn Nam Giao thành Hoàng Đế hiện vẫn còn cấu trúc 3 tầng, có chiều cao toàn bộ khoảng 5m. Toàn bộ 3 tầng từ 4 hướng đều có dấu vết hệ thống bậc cấp lên xuống.
Tầng trên cùng hình tròn gọi là Viên Đàn, có đường kính khoảng 35m, đá ong và gạch được xây bó xung quanh, một số chỗ xói lở để lộ ra đá ong và gạch. Trên mặt Viên Đàn, khi có tế lễ thường xây dựng một Thanh Ốc (một nhà tạm mái vòm màu xanh). Khi Tế Giao, trên Viên Đàn bố trí nhiều án thờ như án thờ trời, án thờ đất…
Tầng thứ hai gọi là Phương Đàn, có hình vuông, chiều dài mỗi cạnh khoảng 70m. Ở tầng này, đá ong, ngói và gạch vương vãi rất nhiều. Khi Tế Giao, nơi đây được dựng một Hoàng Ốc (một loại nhà tạm hình vuông có mái màu vàng). Trên mặt bốn phía của Phương Đàn, bố trí các án thờ thần như: thần mặt trời, mặt trăng, các thần biển, sông, núi, đầm…
Tầng dưới cùng cũng hình vuông, có chiều dài mỗi cạnh khoảng 170m, tầng này có bố trí lò đốt ở góc Đông Nam để thiêu con bê khi tế, bố trí địa điểm để chôn trâu và dê (gọi là Ế Khảm) ở góc Tây Bắc, ở góc Đông Bắc có nhà Thần Khố làm kho để đồ liên quan đến tế lễ, bên cạnh là nhà Thần Trù làm nhà bếp. Cũng ở tầng này, còn có tòa nhà Đại Thử là nơi nghỉ chân của vua trong khi chờ đến giờ tế lễ. Ở phía Tây Nam đàn là Trai Cung, nơi vua trai giới trước khi chính thức lên đàn tế. Ngoài ra, liên quan đến Đàn Nam Giao còn có một số công trình khác chỉ dựng lên khi có tế lễ như nhà Quan Cư, nhà Khoản Tiếp…
Tế Giao dùng hình thức Hỏa tế, thông qua nghi thức đốt củi để đón tiếp thần linh lên trên đàn. Nghi thức đón tiếp thần linh là một trong những phần có ý nghĩa nhất của cuộc đại tế Giao Đàn. Từ triều Lý Anh Tông về sau, triều nào cũng lập Đàn Nam Giao, với quy mô và quy định khác nhau. Có triều quy định mỗi năm Tế Giao một lần vào tháng 2 âm lịch, có triều quy định 3 năm tổ chức một lần. Cuộc lễ Tế Giao lần cuối cùng ở Việt Nam vào thời Nguyễn, diễn ra dưới triều vua Bảo Đại (3-1945).
Một phần tử cấm thành được phát lộ qua khai quật - Ảnh: B.Trung
Vương triều Tây Sơn - với những chiến công lẫm liệt của Tây Sơn tam kiệt (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ) - quá ngắn ngủi, lại còn bị sự trả thù của triều Nguyễn và sự bào mòn của thời gian, mọi dấu tích giờ đây còn lại những gì?
Những ngày cuối tháng 9-2007, người dân xã Nhơn Hậu (An Nhơn, tỉnh Bình Định) rộn lên với việc đàn Nam Giao - nơi tế cáo đất trời cùng tổ tiên dân tộc, nằm trong thành Hoàng Đế của nhà Tây Sơn - vừa được phát hiện. Nhưng sau mừng vui là nỗi đau xót của bà con: cả một khu đất rộng nằm sát chân đàn Nam Giao đã bị chính quyền địa phương bán cho tư nhân đào lấy đất sâu như một lòng chảo lớn, mặc dù nơi đây đã được công bố từ lâu là khu vực di tích thành Hoàng Đế.
Trang trọng và hoang tàn.
Trang vàng của thành Hoàng Đế - kinh đô đầu tiên của nhà Tây Sơn (khởi công xây dựng năm 1775) - khép lại đã 200 năm như được thu lại ngắn hơn khi di tích đàn Nam Giao được phát hiện. "Biết cũng chẳng có gì ngoài một ít gạch đá được đào lên nơi ngọn đồi quen thuộc, vậy mà bà con ai cũng cố đến xem cho được" - anh Trần Đức Tâm, nhân viên bảo vệ thành Hoàng Đế, nói. Cách trung tâm thành Hoàng Đế chừng hơn 1km về hướng tây, đàn Nam Giao của nhà Tây Sơn nằm trên đỉnh đồi cao 20m có tên là gò Chùa, rộng chừng 1.500m2, rất bằng phẳng. Cuộc khai quật di tích thành Hoàng Đế vừa được Viện Khảo cổ học VN phối hợp với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định thực hiện giữa tháng 9-2007 đã làm lộ ra một phần hai móng trong - ngoài của đàn với gạch và một ít đá ong, nhưng trên mặt đồi thì đầy những mảnh gạch ngói vụn để lại từ lâu đời.
Tiến sĩ Lê Đình Phụng - Viện Khảo cổ học VN, trưởng đoàn khai quật di tích thành Hoàng Đế lần này - cho rằng đàn Nam Giao chính là nơi biểu hiện quyền lực tinh thần của vương triều trước trời đất và lịch sử dân tộc, bởi vậy người dân trong vùng đã rất hân hoan trước di tích mới được phát hiện này. "Qua chỗ miếu hoang mình còn phải cúi đầu, huống chi cái chỗ đất thiêng liêng thế này" - ông Lê Xuân Ba, 80 tuổi, một ông lão có học thức của làng Nam Tân, nơi có thành Hoàng Đế, nói.
Nhưng sau hân hoan là... chua xót. Chúng tôi hết sức ngỡ ngàng khi phải lội qua cả một vùng đất mênh mông nằm bên trong bờ thành ngoại của thành Hoàng Đế bị đào lấy đất sâu gần 2m, áp đến sát chân móng ngoài của đàn Nam Giao. Chân đồi bị đào sâu, đàn Nam Giao còn lại trông như đứng trên bờ vực, trơ trọi, chực sụp xuống.
Bi tráng tử cấm thành.
Khu đất rộng nằm sát chân đàn Nam Giao đã bị đào lấy đất.
Di tích còn rõ nhất của thành Hoàng Đế là tử cấm thành - bức tường thành trong cùng (sau thành ngoại, thành nội) - chu vi khoảng 600m, được xây rất kiên cố và bề thế để canh giữ cẩn mật nội điện, dinh sở, nội cung (vốn nằm bên trong tử cấm thành; đã bị phá tan) của triều đình.
Cuộc khai quật hai điểm nội cung ở bên trong và ngoài tử cấm thành của thành Hoàng Đế diễn ra cùng lúc với cuộc khai quật đàn Nam Giao, kết thúc chưa đầy một tuần khi chúng tôi đến. Khi tất cả đã bị vua Gia Long (tức Nguyễn Ánh) cho san thành bình địa sau khi lên ngôi (1802), những phát hiện cũng chỉ là những móng nền với gạch đá. Kề bên nội điện là dấu vết còn lại của một hồ bán nguyệt và một hòn giả sơn, cả hai đều rất giản đơn, bé nhỏ.
Tử cấm thành mới được khai quật giữa năm 2006. Các nhà khảo cổ học cho rằng có thể nó còn kéo dài ra phía bắc, trùm lên nền của một hậu cung vừa mới được khai quật. Được xây bằng loại đá ong khổ lớn và đắp đất bên ngoài nhưng tử cấm thành vẫn có một số đoạn bị sụp đổ. Nhưng không vì thế mà phai mờ với hậu thế những gì triều đại Tây Sơn đã làm được cho dân tộc. Những người cao niên ở làng nhớ khá nhiều về lịch sử Tây Sơn. Ông Lê Xuân Ba và nhiều cụ già ở làng Nam Tân nhắc lại với chúng tôi những chiến thắng mà những đoàn quân xuất phát từ kinh đô này đã mang lại được: đánh tan đại quân của quân Xiêm và quân của Nguyễn Ánh ở phía Nam vào năm 1784; dẹp yên quân của chúa Trịnh ở phía Bắc để trả quyền lại cho vua Lê vào năm 1786; tạo đà cho chiến thắng quân Thanh vào năm 1789. Nhưng họ lại không muốn nhắc lại đoạn bi thảm của kinh thành.
Ấn Sơn nằm trong dãy núi Hoành Sơn cao 364 m nằm ngang theo hướng Bắc – Nam, ở phía Tây xã Bình Tường, huyện Tây Sơn. Theo Quách Tấn, trong “Nước non Bình Định” các thầy địa lý Việt Nam cũng như Trung Hoa đều công nhận cuộc đất Hoành Sơn là đại địa, vì có nào bút (Bút Sơn – Hòn Trưng), nào nghiêng (Hợi Sơn – Hòn Dũng), nào ấn (Ấn Sơn – Hòn Giải), nào kiếm (Kiếm Sơn – Hòn Hóc Lãnh), nào cổ (Cổ Sơn – Hòn Trống), nào chung (Chung Sơn – Hòn Chuông) ở hai bên tả hữu.
Tương truyền mộ của Nguyễn Phi Phúc, thân sinh của Tây Sơn Tam Kiệt an táng ở Hoành Sơn. Sau khi chiếm được long huyệt ở Hoành Sơn thì 3 anh em Nguyễn Nhạc phát tướng, việc học hành võ cũng như văn tiến bộ lạ thường. Thầy học là cụ giáo Hiến, giỏi văn lẫn võ, rành khoa tướng số, nhìn thấy thần sắc 3 anh em họ Nguyễn, biết vận trời đã đến, bèn đem câu sấm “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công” ra khuyên Nguyễn Nhạc về lo mưu đồ đại sự. Vâng lời thầy, 3 anh em về Kiên Thành lo chiêu mộ hào kiệt.
Cũng theo tương truyền, vùng non nước cẩm tú linh thiêng Ấn Sơn cũng là nơi trời đất đã ban kiếm lệnh và ấn triện có khắc bốn chữ “Sơn hà xã tắc” cho ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Trước khi khởi binh dựng nên sự nghiệp vĩ đại đánh đổ hai tập đoàn phong kiến Trịnh Nguyễn, thống nhất sơn hà, quét sạch ngoại xâm, “dìu dắt dân vào đạo lớn, đem dân lên cõi dài xuân”, Tây Sơn tam kiệt đã lập đàn tế trời đất ở đây để nhận ấn kiếm và cầu trời đất phù hộ cho đại nghiệp thành công.
Án tế trời tọa lạc trên đỉnh cao nhất của Ấn Sơn, cấu trúc 3 tầng, tầng trên cùng hình tròn gọi là Viên Đàn, có đường kính 27 m, tượng trưng cho Trời, được xây bao bằng đá ong, lan can đá màu đỏ bao quanh, nền đất nện chặt, một lối lên từ hướng Nam có 5 bậc, chính giữa Viên Đàn đặt sập đá và nhang áng đá là áng thờ Trời – Đất. Tầng thứ 2 gọi là Phương Đàn, có hình vuông, chiều dài mỗi cạnh 54 m, tượng trưng cho Đất, cũng được xây bao bằng đá ong, lan can đá màu vàng bao quanh, 4 lối lên theo 4 hướng Nam, Bắc, Đông, Tây, mỗi lối lên có 9 bậc, nơi đây khi tế lễ sẽ bố trí các áng thờ thần như: Thần mặt trời, mặt trăng, các thần biển, sông, núi, đầm… Tầng dưới cùng cũng hình vuông được xây bao bằng tường đá ong có 4 lối vào theo 4 hướng, hướng chính là hướng Nam với cổng tam quan, 2 tầng, lối đi chính có 2 tầng mái, bên trong tam quan là một bức bình phong bằng đá, ba hướng còn lại là 3 nghi môn kiểu tứ trụ thẳng hàng, là nơi chuẩn bị và một số nghi thức diễn ra ở đây trước khi tế lễ. Nằm bên phải Đàn tế là khu Đền Ấn gồm 3 hạng mục: Tiền tế có kiến trúc mặt bằng chữ Nhất, 5 gian, mái chái, có đầu đao. Nhà Tiền tế có bàn thờ chung các tướng lĩnh và quân sĩ thời Tây Sơn. Tiếp sau Tiền tế là Phương đình – nơi tượng trưng cho sự thông thiên, giao hòa giữa Trời và Đất, giữa Âm và Dương, ở đây sẽ đặt bản sao của Ấn lệnh nhà Tây Sơn. Phía trong cùng là kiến trúc Hậu cung, mặt bằng chữ nhất, 3 gian, mái chái là nơi đặt bàn thờ cùng bài vị của 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Phía trước cổng Tam quan ngoài cùng của trục chính là hồ nước hình bán nguyệt vừa tạo phong thủy tốt cho hướng chính diện của Đàn tế vừa tạo điểm nhấn cho tổng thể qui hoạch Đàn thiêng. Ngoài hồ nước còn có một “nghi môn ngoại” ngăn cách giữa không gian tâm linh với bên ngoài.
Đường lên Đàn tế trời đất Tây Sơn.
Đàn tế Ấn Sơn được xây dựng theo kiểu thức Đàn thiêng tế trời, có nhiều tên gọi khác nhau: Đàn Nam Giao, Thái Giao, Giao Đàn, Giao Khâu, Viên Khâu, Thiên Đàn… Ở Việt Nam, dưới triều vua Lý Anh Tông (1138 – 1175), vào năm 1154 triều đình đã cho đắp Đàn Viên Khâu và đích thân nhà vua lên làm lễ tế Trời. Từ đó về sau, triều nào cũng lập Đàn Nam Giao, với quy mô và quy định khác nhau, có triều quy định mỗi năm Tế Giao một lần vào tháng 2 âm lịch, có triều quy định 3 năm tổ chức một lần. Cuộc lễ Tế Giao lần cuối cùng ở Việt Nam vào thời Nguyễn, diễn ra dưới triều vua Bảo Đại (3.1945). Tế Giao là một lễ hội có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mà trên hết là tinh thần hòa ái với thiên nhiên, với ước nguyện mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thiên hạ thái bình.
Đàn tế trời đất Tây Sơn được khánh thánh đúng dịp kỷ niệm 220 năm ngày mất của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ tạo thêm một điểm nhấn hấp dẫn trên trục du lịch lịch sử tâm linh về phong trào Tây Sơn dọc theo Quốc lộ 19 gồm Bảo tàng Quang Trung, Đàn tế trời Tây Sơn, những đền thờ nghĩa quân Tây Sơn ở An Khê –Gia Lai.
(Theo Văn hiến Việt Nam, Báo Bình Định. Ảnh: Nguyễn Minh).
5. ĐÀN TẾ NAM GIAO TẠI HUẾ.
1/ ĐÀN TẾ NAM GIAO CỦA TÂY SƠN TẠI NÚI BÂN – HUẾ.
Núi Bân (Bân Sơn) cao 43,92 m, diện tích 80.956 m²; ở xứ Cồn Mồ, thuộc xóm Hành, thôn Tứ Tây, xã Thủy An (nay là phường An Tây, thành phố Huế). Thời nhà Nguyễn, núi Bân thuộc địa phận xã An Cựu, huyện Hương Trà.
Đây là nơi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ gấp rút cho lập đàn (Đàn Nam Giao Tây Sơn) để làm lễ tế cáo trời, lên ngôi Hoàng đế và xuất quân ra Bắc Hà đánh quân Thanh xâm lược vào ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22 tháng 12 năm 1788).
Khi xưa, không rõ núi tên gì, nhưng từ khi Nguyễn Huệ cho ban xẻ núi Bân thành ba tầng, để lập đàn tế cáo trời thì người dân gọi núi là Động Tầng, Ba Tầng, Tam Tầng, Ba Vành, Hòn Thiên.
Theo PGS.TS. Đỗ Bang, thì rất có thể Nguyễn Huệ là người đã đặt tên Bân cho núi (nơi mà ông chọn để đắp đàn), với nghĩa: trong và ngoài đều hoàn mỹ. Sách Hoàng Lê nhất thống chí (bản của Ngô Thì Chí) chép nhầm chữ Bân (chữ Hán) thành chữ Sam; và khi phiên âm, các tác giả Trần Trọng Kim, Hoa Bằng, Phan Trần Chúc đều đã ghi nhầm chữ Bân thành chữ Bàn.
Đàn Nam Giao Tây Sơn
Để trở thành Đàn Nam Giao, những người thiết kế và thi công đã ban xẻ núi Bân thành ba khối hình nón cụt chồng lên nhau tăng dần theo chiều cao. Từ chân núi lên đỉnh ở độ cao 37 m, là tầng thứ nhất có chu vi 220 m. Bề rộng của tầng này không đều nhau. Ngay ở chính giữa mặt tầng thứ nhất về phía Tây Nam, hiện còn dấu vết một tầng phụ cao 1 m.
Tầng thứ hai có chu vi 122,5 m, chiều cao so với tầng thứ nhất là 1,65 m.
Tầng thứ ba ở ngay đỉnh đồi, bề mặt khá phẳng, có chu vi 52,7 m và cao hơn tầng thứ hai 1,2 m.
Đường lên đàn theo bốn hướng (Đông, Tây, Nam, Bắc), bề rộng các con đường càng lên cao càng thu hẹp dần, bề ngang ở tầng thứ nhất là 5,2 m, ở tầng thứ hai chỉ còn 4 m...[1]
Và để sử dụng lâu dài, sau khi Nguyễn Huệ làm lễ lên ngôi và xuất quân ra Bắc năm 1788, người ta đã dùng gạch [2] và đá xếp thành ba vòng tròn bó vỉa quanh ba tầng đàn (hiện nay chỉ còn lại dấu vết) nhằm hạn chế sự xói lở. Nhờ vậy, đàn vẫn được tiếp tục sử dụng để làm lễ cáo trời cho đến khi kinh đô Phú Xuân (Huế) bị chúa Nguyễn Phúc Ánh dẫn quân ra chiếm lấy vào mồng 3 tháng 5 năm Tân Dậu (15 tháng 6 năm 1801).
Theo các nhà nghiên cứu, Quang Trung Nguyễn Huệ chọn núi Bân làm đàn Nam Giao là nhằm tận dụng địa thế núi không cao, xung quanh là cánh đồng khá rộng để tập kết hàng vạn quân, dễ dàng cho việc xây dựng đàn trong điều kiện thời gian vô cùng gấp gáp.
Chỉ có hơn một ngày chuẩn bị nên quân đội Tây Sơn đã tận dụng địa thế có sẵn của núi Bân để xẻ đường, bạt núi lập đàn chứ không xây dựng công trình nào.
Đỉnh đàn tế là đỉnh núi, được kiến thiết thành ba tầng hình nón cụt chồng lên nhau, tầng trên cùng bề mặt bằng phẳng. Có bốn lối đi lên đàn tế theo bốn hướng Bắc, Nam, Đông, Tây, lòng đường càng lên đỉnh càng nhỏ lại.
Tại đàn tế Núi Bân, người anh hùng Nguyễn Huệ đã tế cáo trời đất và đọc chiếu lên ngôi hoàng đế nước Việt với niên hiệu Quang Trung, khởi đầu triều đại Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam.
Sau khi triều Tây Sơn sụp đổ, vua Gia Long đã thực hiện chính sách trả thù khắc nghiệt. Mọi dấu tích của vương triều Tây Sơn gần như bị xóa trắng. Núi Bân gần như là di tích còn lại duy nhất của vương triều Tây Sơn ở Huế còn tồn tại.Theo KIẾN THỨC.
2/ ĐÀN NAM GIAO NHÀ NGUYỄN TẠI PHỦ DƯƠNG XUÂN THỜI CÁC CHÚA NGUYỄN:
Dải đất Thuận Hóa, Quảng Nam thuộc về quyền cai trị của họ Nguyễn từ năm chúa Tiên vào trấn thủ, năm 1558. Sau cái chết của ông vào năm 1613, chúa Nguyễn Phúc Nguyên lên nắm quyền. Về bề ngoài, cả chúa Tiên và chúa Sãi vẫn thần phục vua Lê chúa Trịnh, chỉ xưng là Quốc công và coi mình như một chức quan trấn thủ miền biên viễn nên chưa thể công khai tế Trời Đất. Năm 1635, chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan lên nối ngôi chúa, dời thủ phủ vào Kim Long, lập đàn tế tạ ơn Trời Đất đầu tiên của đế vương dòng họ Nguyễn. Bảng Trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm chép rằng "Thượng vương lên nối ngôi, xuống lệnh đại xá thiên hạ, dựng đàn tạ ơn trời đất, yết cáo tiên vương ở nhà Thái miếu".
Lên ngôi năm 1648, Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần vẫn chọn Kim Long làm thủ phủ của mình. Và vào năm 1673, sau khi chống chọi thành công cuộc tiến đánh của quân Trịnh vào năm 1672, chúa khải hoàn về phủ chính Kim Long, tế cáo Trời Đất Tôn miếu, gia phong cho các vị linh thần. Cũng trong khoảng thập kỉ 70 của thế kỉ XVII, một giáo sĩ người Pháp là Bénigne Vachet đã có dịp tới Đàng Trong và miêu tả một buổi lễ tế Trời của chúa Nguyễn vào ngày đầu năm. Theo B. Vachet, sáng sớm tinh mơ mùng Một Tết năm nọ, các ông hoàng, đức ông, quan võ, quan tư pháp cùng binh lính tới vương phủ phò chúa Nguyễn ra ngoài ruộng đồng. Toàn đoàn giữ im lặng cho đến khi mặt trời mọc. Chúa mặc đồ đen, đầu trần, rời khỏi ngai, bước ra vạt đất trống, quỳ xuống lạy trời chín lạy. Rồi chúa lên ngai. Cả đoàn lần lượt đến chúc tụng, vái tạ, chúc phúc và tung hô vạn tuế chúa. Kết thúc là những loạt súng lệnh đã đặt sẵn quanh dinh phủ nổ vang chào mừng. Có thể thấy chúa Hiền tế Trời rất đơn giản, không cần đắp đàn mà chỉ tế ở vạt đất trống giữa đồng ruộng, có thể là ở Kim Long, hoặc ở vùng lân cận phủ Kim Long như làng An Ninh kề trên hoặc Vạn Xuân kề dưới.
Đàn Nam Giao của triều đại quân chủ cuối cùng (1806 - 1945)
Sau nhiều biến cố đầy xáo động cuối thế kỉ XVIII, Nguyễn Ánh, kẻ may mắn sống sót sau những cuộc truy bức gắt gao của Tây Sơn, âm thầm trở về Gia Định vào năm 1787. Bài học từ thất bại Rạch Gầm - Xoài Mút đã khiến Nguyễn Ánh hiểu ra rằng không nên trông mong vào ngoại quốc. Củng cố thế lực ở Nam Hà và Bắc tiến theo gió Nam, sách lược ấy tỏ ra hữu hiệu, nhất là khi nội bộ nhà Tây Sơn trở nên lục đục và hủ bại. Năm 1801, quân Nguyễn đại thắng trong trận quyết định Thị Nại và đánh bại hoàn toàn nhà Tây Sơn năm 1802. Nguyễn Ánh lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Gia Long, cai trị một đất nước rộng lớn chưa từng có kể từ thời nhà Ngô. Để chứng minh cho tính chính thống của triều đại mình, triều Nguyễn, năm 1803, Gia Long cho xây dựng đàn tế Trời Đất ở cánh đồng làng An Ninh, phía tây Kinh thành Huế. Công trình này được khởi công xây dựng vào ngày ất dậu tháng 1 năm Quý Hợi tức ngày 10 tháng 2 năm 1803. Cùng năm, vua ra lệnh cho bộ Lễ xem xét nghi lễ tế Giao vì thấy nghi thức từ trước còn sơ lược.
Không rõ vì vấn đề gì, nhà Nguyễn lại có ý định di dời đàn tế Trời Đất đến địa điểm mới: xã Dương Xuân, phía Nam Kinh thành Huế. Vào ngày giáp thân tháng 2 năm Bính Dần tức ngày 25 tháng 3 năm 1806, một đàn tế Trời Đất mới đã được khởi công xây dựng ở Dương Xuân. Công việc thi công được giao cho Chưởng quân Phạm Văn Nhân. Quanh việc quy hoạch và giải tỏa mặt bằng để xây đàn Nam Giao, triều Nguyễn đã tiến hành một cách đàng hoàng, thỏa đáng, tránh để nhân dân chịu thiệt thòi mà oán thán. Ban đầu, ở địa điểm này đã có một số khá nhiều mồ mả và đất đai của dân chúng. Sau khi có lệnh bốc dời, nếu ngôi mộ nào không có thân nhân đến thực hiện, thì triều đình cho bốc và đưa về một chỗ. Những hài cốt ấy được chôn chung thành hai ngôi mộ tập thể ở gần Ba Đồn, cách đàn Nam Giao chừng 200m về phía Đông Nam, hàng năm đều ban tế lễ. Đất đai của tư nhân bị xâm chiếm thì bồi thường bằng tiền bạc.
Sử sách không ghi rõ thời gian hoàn thành đàn Nam Giao triều Nguyễn, nhưng có lẽ đàn được khánh thành vào năm 1806 vì năm sau 1807, vua Gia Long đã tổ chức đại lễ tế Giao tại đây. Sau khi hoàn thành, triều đình thưởng cho quân lính xây dựng 5000 quan tiền, lấy 25 người dân xã Dương Xuân sung làm đàn phu, miễn cho giao dịch để trông coi bảo vệ đàn. Ngày 27 tháng 3 năm 1807, vua Gia Long lần đầu tiên làm lễ tế Trời Đất ở đàn Nam Giao, rước chúa Tiên Nguyễn Hoàng thăng phối. Từ đó, cứ tháng trọng xuân (tháng hai âm lịch) hoặc tháng quý xuân (tháng ba âm lịch) mỗi năm, triều Nguyễn lại tổ chức lễ tế Giao với sự chỉ trì của nhà vua. Nếu nhà vua không thể hành lễ thì sẽ sai người tế thay, như năm 1818, Thái tử Nguyễn Phúc Đảm tế Giao thay vua Gia Long.
Trước lễ tế Giao năm 1834, vua Minh Mạng tự tay trồng 10 cây thông ở sân Trai cung, đồng thời sai Hoàng tử tước công trồng thông ở xung quanh đường vua ngự. Về sau, các quan lại ở Kinh đô từ tứ phẩm trở lên và các quan địa phương về dự lễ tế Giao đều được phép trồng thông và gắn biển tên, tạo nên một rừng thông xanh rậm rì bao quanh khuôn viên đàn tế. Cũng trong dịp tế lễ này, vua sai Phủ doãn phủ Thừa Thiên đắp lại mồ mả vô chủ được di dời khi xây đắp đàn Nam Giao, vì sợ năm tháng lâu ngày, các ngôi mộ này bị sụt lở. Dưới thời vua Minh Mạng, xung quanh khu vực đàn Nam Giao rất vắng vẻ, không có người ở. Trong lễ tế Giao năm 1839, nhà vua nói rằng "Đàn tế Giao được Thế Tổ Cao Hoàng đế ta làm nên, chỗ ấy thực là cao ráo sáng sủa, nhưng gần núi vắng vẻ, trong một năm binh dân tụ họp chẳng qua mấy ngày tế Giao mà thôi, cho nên khí lạnh ẩm dễ làm người cảm, nay nên trù tính thế nào xây dựng nhà cửa cho quan văn võ, cho dân đến ở, lập ra hàng chợ, thì người và khói lửa tập hợp, khí núi có thể bớt dần".
Dưới thời vua Thiệu Trị và Tự Đức, lễ tế Giao vẫn được tiến hành như thường lệ, dù rằng với sức khỏe yếu kém, rất nhiều năm liền vua Tự Đức phải sai người tế thay (như Phan Thanh Giản, Đoàn Thọ hoặc Dục Đức). Năm 1883, sau cái chết của vua Tự Đức, nhà Nguyễn lại phải bối rối với tiếng súng của tàu Pháp ở cửa biển Thuận An. Hiệp ước Harmand và sau đó là Hiệp ước Patenôtre được ký kết, triều Nguyễn mất đi tư cách là vương triều phong kiến độc lập, từ bây giờ phải chịu sự bảo hộ của Pháp. Nhưng đặc quyền được tế Trời Đất vào mỗi mùa xuân hàng năm vẫn thuộc về vua Nguyễn và người Pháp cũng không có hành động cấm cản nào đối với đại lễ này. Ngày 22 tháng 3 năm 1884, lễ Nam Giao được tổ chức dù vua Kiến Phúc không đến tế mà sai hoàng thân Tôn Thất Thế thay mình. Ngày 27 tháng 3 năm 1885, vua Hàm Nghi cũng không đến tế mà sai Đặng Đức Địch hành lễ thay. Có lẽ lễ Nam Giao sẽ tiếp tục được cử hành nếu không có biến cố tháng 7 năm 1885, vua Hàm Nghi rút lên căn cứ Tân Sở, người Pháp lập Đồng Khánh làm vua.
Mùa xuân năm 1886, triều thần dâng phiếu tâu xin với vua rằng, "vừa mới loạn xong, chuẩn cho đình tế một lần". Do đó, năm ấy không tổ chức tế Giao. Có lẽ các năm 1887, 1888 cũng không tổ chức tế Giao vì theo như chiếu chỉ của vua Đồng Khánh vào tháng 11 âm lịch năm 1888, cho thấy vua chưa hề tế Giao lần nào "Đời xưa cứ mỗi năm làm đàn Giao, tế Trời Đất chín lễ, bản triều tế Trời Đất, phối hưởng tổ khảo, mỗi năm một lễ, chép ở tự điển, rất là to lớn long trọng. Trẫm từ khi nối ngôi đến nay, từng vì sau khi loạn lạc, chưa kịp cử hành, một niềm tôn kính, rất không tự yên. Vậy chuẩn cho tôn nhân đình thần tùy nghi châm chước định điển lễ thế nào cho thích hợp, để kịp sang năm cử hành; đợi ngày nào kho tàng của nước được sung túc, đồ thờ lễ phẩm đầy đủ, sẽ theo cũ mà làm". Năm ấy, triều đình ấn định ba năm tế Giao một lần, vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu. Nhưng vua Đồng Khánh chưa kịp làm lễ tế Giao thì đã ra người thiên cổ. Và khả năng tài chính eo hẹp của triều đình Huế không cho phép ước mơ theo cũ mà làm của ông thành hiện thực. Từ năm 1891 đến năm 1945, ba năm một lần làm lễ tế Giao ở đàn Nam Giao với 18 đại lễ được cử hành.
Lễ tế Giao cuối cùng dưới thời quân chủ được tổ chức ở đàn Nam Giao triều Nguyễn là vào ngày 23 tháng 3 năm 1945. Ngày 30 tháng 8 năm ấy, vua Bảo Đại thoái vị ở Ngọ Môn trong cao trào Cách mạng tháng Tám, nhà Nguyễn chính thức cáo chung, báo hiệu một thời kì lịch sử mới của Việt Nam cũng như một giai đoạn "chìm nổi phong trần" của đàn Nam Giao triều Nguyễn. Sau đó, vua Bảo Đại, lúc này là quốc trưởng Bảo Đại, cũng tổ chức tế Trời Đất nhưng không ở Huế mà là ở Ban Mê Thuột vào năm 1953.
Qua chính sử và thực địa, chúng tôi đã khám phá phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn tọa lạc trên gò Dương Xuân / gò ấp Bình An ở phía bắc đàn Nam Giao.
Khám phá đó đã đăng trên nhiều báo và tạp chí, in trong sách Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương - sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung xuất bản và tái bản trên dưới mười năm nay[1]. Nó cũng đã được trình bày trong nhiều cuộc nói chuyện và nhiều hội thảo khoa học ở Huế và nhiều thành phố trong nước - đặc biệt trong cuộc Hội thảo Khoa học Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn ở Huế do Hội Khoa học lịch sử (KHLS) Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 30/10/2015 dưới sự chủ trì của GS Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam. Trong hội thảo này, có những phản biện gay gắt nhưng không có phản biện nào chứng minh chính sử của nhà Nguyễn (bộ Đại Nam nhất thống chí) viết Phủ Dương Xuân trên gò Dương Xuân - phía nam có đàn Nam Giao (tức Phủ Dương Xuân ở phía bắc đàn Nam Giao) là sai cả.
Vị trí đàn Nam Giao (A) so với gò Dương Xuân (B) – điểm chùa Vạn Phước và đình làng Dương Xuân Hạ (C) – Bản đồ của Cơ quan Trắc địa Đông Dương, 1910
Thời gian qua, bất ngờ xuất hiện những thông tin trái chiều liên quan đến phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn trong truyền thông đại chúng. Hầu hết các bài viết trái chiều ấy đã bỏ quên những thông tin có giá trị, bỏ qua những thao tác cụ thể để xác định đâu là khu vực của phủ Dương Xuân xưa. Vì thế, chúng tôi xin cung cấp lại thông tin cụ thể từ chính sử và khảo sát thực địa để những ai quan tâm có thể tham khảo.
Phủ Dương Xuân là một trong các phủ chính của Huế, còn được xem như Cung điện Mùa Đông của các chúa Nguyễn. Với tầm quan trọng như vậy, phủ Dương Xuân được ghi lại qua các tư liệu của người Việt, người Hoa và người phương Tây sau khi họ có dịp đến đây. Từ các ghi chép của Thích Đại Sán, J.Koffler, Pièrre Poivre, Lê Quý Đôn, hay miêu tả của sách “Đại Nam nhất thống chí” là những chứng cứ để chúng ta đi tìm ẩn số phủ Dương Xuân vốn được xem đã “mất tích” trong chính sử nhà Nguyễn và trên thực địa.
Vị trí ấp Bình An
Trong số những tài liệu chính sử, thông tin về phủ Dương Xuân trong sách “Đại Nam nhất thống chí” của triều Nguyễn có giá trị cao nhất. Bởi lẽ, triều Nguyễn là triều đại tiếp nối của các chúa Nguyễn, cũng có nghĩa rằng họ là những hậu duệ của chủ nhân phủ Dương Xuân. Hơn nữa, thế thứ của dòng họ Nguyễn không đứt đoạn, chỉ có quyền lực là tạm thời gián đoạn từ năm 1774 đến năm 1801 mà thôi. Vì thế, thông tin về vị trí phủ Dương Xuân trong sách “Đại Nam nhất thống chí” của triều Nguyễn cần được chú ý hàng đầu trong việc tìm kiếm trên thực địa.
“Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn, tập Thượng của Thừa Thiên Phủ, nói về “Gò Dương Xuân” như sau: “Gò Dương Xuân”: Ở phía tây bắc huyện (Hương Thủy) 15 dặm; thế gò bằng phẳng rộng rãi, chỗ cao chỗ thấp, la liệt dài dặc độ vài dặm; phía nam gò có đàn Nam Giao, phía tây có nhiều danh - lam - cổ - sát, cũng xưng là nơi giai thắng.
Cẩn Án: Lúc đầu bản triều khai quốc có dựng phủ ở gò Dương Xuân nầy. Đời vua Hiển Tôn năm Canh Thìn thứ 9 (1700) trùng tu, cơ Tả Thủy, đào thấy 1 cái ấn đồng có khắc chữ: “Trấn Lỗ Tướng Quân chi ấn” là ấn của Trấn Lỗ Tướng Quân, nhân đó đặt tên phủ là Ấn phủ. Từ sau khi bị binh hỏa đến nay, chỗ ấy mất tích không biết ở vào chỗ nào”. (Quốc Sử quán Triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Thừa Thiên phủ, tập Thượng, bản dịch Tu Trai Nguyễn Tạo, Nha Văn hóa Bộ QGGD, SG. 1961, tr.56).
Bản thảo Đại Nam Nhất Thống Chí soạn thời Tự Đức (chưa in) – đoạn viết về gò Dương Xuân (Dương Xuân Cương), bắt đầu như sau: “Tại Huyện tây bắc, cương thế bình ổn, kỳ nam Nam Giao đàn tại yên” (Viện Sử học dịch : “Ở phía tây bắc huyện Hương Thủy, hình thể bằng rộng, ở phía nam có đàn Nam Giao...” (Viện Sử học, Đại Nam Nhất Thống Chí, Tập I, Nxb KHXH, HN. 1969, tr.120).
Đại Nam Nhất Thống Chí, Thừa Thiên Phủ, tập Thượng, phần về Dương Xuân Cương, tr. 26B cho biết: “Tại Huyện tây bắc thập ngũ lý, cương thế bình quãng, khỏi phục la liệt, diên đáng sổ lý, hứa kỳ nam Nam Giao đàn tại yên…” (Nguyễn Tạo dịch: Ở phía Tây Bắc huyện 15 dặm, thế gò bằng thẳng rộng rãi, chỗ cao chỗ thấp, la liệt, dài dặc độ vài dặm. “Phía Nam gò có đàn Nam Giao”. (ĐNNTC, Thừa Thiên Phủ, Tập Thượng, Nha Văn hóa Bộ QGGD xuất bản, SG 1961, tr. 56).
Đối chiếu tư liệu, Đại Nam nhất thống chí bản đời Duy Tân sử dụng lại bản biên soạn thời Tự Đức, thêm một số chi tiết mới nhưng vẫn giữ nguyên thông tin: “Ở phía Nam (gò Dương Xuân) có đàn Nam Giao”.
Tầm quan trọng của thông tin liên quan gò Dương Xuân một cách cụ thể như sách “Đại Nam nhất thống chí” khi sách đã cho biết rằng phủ Dương Xuân được xây dựng trên gò Dương Xuân, phủ Dương Xuân còn có tên là phủ Ấn. Đặc biệt là định hướng của gò Dương Xuân so với đàn Nam Giao – phía nam gò có đàn Nam Giao! Như thế, đã có sự xác định phương vị của một cái phủ đang cần tìm – phủ Dương Xuân dựa trên một cái đàn đang tồn tại – đàn Nam Giao. Thông tin của sách “Đại Nam nhất thống chí” đã cho chúng ta thấy được sự định vị phủ Dương Xuân. Phía Nam gò Dương Xuân có đàn Nam Giao, vậy đối ngược với phía Nam là phía Bắc, và ở đây thấy rằng, phía Bắc của đàn Nam Giao là phủ Dương Xuân ở trên gò Dương Xuân (chúng tôi nhấn mạnh).
Từ thông tin của sách “Đại Nam nhất thống chí”, chúng tôi thực hiện các thao tác kỹ thuật bản đồ và đo đạc thực địa như sau:
Ở bản đồ trên (ảnh 1), gò Dương Xuân (B) ở về phía Bắc của đàn Nam Giao (A) do phía nam gò Dương Xuân có đàn Nam Giao. Tìm sự tương ứng trên thực địa chính là khu gò ấp Bình An (chùa Vạn Phước ngày nay) thuộc phường Trường An – thành phố Huế. Còn ngọn đồi có đình làng Dương Xuân Hạ (C) được đo cho thấy, đình làng Dương Xuân Hạ (C) – phường Thủy Xuân, chếch khoảng 40 độ so với điểm chùa Vạn Phước – phường Trường An, trên gò Dương Xuân (B), tức là trục AC chếch khoảng 40 độ về hướng tây bắc so với trục AB. Như thế, đình Dương Xuân Hạ (C) ở về phía gần như tây bắc so với đàn Nam Giao (A). Do đó phía nam đình Dương Xuân Hạ (C) không thể có đàn Nam Giao.
Không khó để nhận diện khu vực gò Dương Xuân trên thực địa với kỹ thuật hiện nay, đó chính là vùng Bình An thuộc phường Trường An, thành phố Huế. Vùng Bình An đó còn được gọi là gò ấp Bình An, gò Hàm Long, Long Sơn, gò Dương Xuân. Phủ Dương Xuân cũng vì thế mà được xác định ở khu vực Bình An này.
NGUYỄN ĐẮC XUÂN - NGUYỄN ĐÌNH ĐÍNH.
3/ ĐÀN NAM GIAO NHÀ NGUYỄN TẠI KINH THÀNH HUẾ.
Địa điểm: Phường Trường An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.( Còn tiếp )
Xin theo dõi tiếp BÀI 20. dienbatn tổng hợp từ nhiều nguồn sử liệu.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét