Năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, rồi không lâu sau đó, quốc gia này phải đương đầu với Liên hiệp Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương ác liệt vào cuối năm 1946. Thời điểm này cũng mở đầu giai đoạn suy thoái trầm trọng của quần thể di tích Cố đô Huế, khi chiến lược "tiêu thổ kháng chiến" được Việt Minh thực hiện cộng với những trận chiến giành giật địa bàn ác liệt trong hai cuộc chiến tranh, đã biến nhiều công trình cổ ở Huế thành phế tích, trong đó có đàn Nam Giao triều Nguyễn. Khu rừng thông bị chặt trụi hoặc đốn ngã, các tòa nhà Thần trù, Quan cư, Binh xá... và vòng tường ngoài bị phá hủy. Thỉnh thoảng, nơi này vụt có chút sinh khí khi các đoàn thể Hướng đạo, Gia đình Phật tử hoặc các lớp sinh viên, học sinh đến du ngoạn, dựng lều, nổi lửa trại, bày trò chơi. Cũng có vài ký giả, văn nghệ sĩ, nhà giáo, nhà nghiên cứu ghé tới đây quan sát thực địa như trường hợp Huỳnh Hữu Hiến viết bài Đàn Nam Giao in trên tập san Lành Mạnh số 64 năm 1962, Bửu Kế soạn bài Lễ tế Giao đăng tạp chí Đại học số 37 và 38 năm 1964, Lê Văn Hoàng thực hiện luận văn cao học Sự tích đàn Nam Giao năm 1972.
Năm 1975, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mở Chiến dịch Mùa Xuân 1975, tổng tiến công Việt Nam Cộng hòa. Với sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh Việt Nam kết thúc sau 21 năm ác liệt kéo dài. Hòa bình được lập lại trên đất nước Việt Nam thống nhất. Thế nhưng, việc khắc phục hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh đối với quần thể các di tích Cố đô Huế không được chính quyền mới quan tâm đến, do nhiều định kiến về chính trị đương thời. Thậm chí có một số di tích đã bị sử dụng bừa bãi sai mục đích, chẳng hạn như có thời khu vực Đại Nội bị biến thành làm nơi sinh sống, làm việc của Xí nghiệp truyền thanh và Xí nghiệp in tỉnh Bình - Trị - Thiên. Đàn Nam Giao cũng không nằm ngoài số phận ấy.
Năm 1977, một vụ nổ mìn đã xảy ra ở trên sân Nghênh Lương Đình, trước Phu Văn Lâu. Vụ nổ đã phá tung đài tưởng niệm liệt sĩ bằng tôn và gỗ, cao chừng 3,5m, được dựng lên ở đây vào năm 1975. Ngay trong đêm xảy ra vụ việc, lực lượng an ninh Việt Nam đã đến ngay để dọn dẹp hiện trường, dựng lại đài tưởng niệm như cũ. Nhưng đầu tháng 11 năm 1977, Tỉnh ủy tỉnh Bình Trị Thiên yêu cầu xây dựng đài tưởng niệm mới ở vị trí khác vì cho rằng địa điểm trước Phu Văn Lâu không đảm bảo an toàn cho Bí thư Tỉnh ủy lúc ấy là Bùi San đến đặt vòng hoa vào ngày 22 tháng 12 là ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Một cuộc họp "khẩn" với đại diện các cơ quan công quyền của tỉnh này đã diễn ra ở trụ sở Ty Thương binh và Xã hội. Nhiều địa điểm ở Huế được đề xuất nhưng cuối cùng, địa điểm được chọn lại là đàn Nam Giao triều Nguyễn ở xã Thủy Xuân (nay là phường Trường An), thành phố Huế.
Công trình này xây ngay chính giữa nền Viên đàn, bằng gạch ốp đá rửa, cao chừng 10m, do kiến trúc sư Nguyễn Quý Quyền thiết kế, phó Ty Xây dựng tỉnh Bình Trị Thiên Nguyễn Văn Đoái đôn đốc thi công. Ngày 22 tháng 12 năm 1977, khối "tân cổ cưỡng duyên" được khánh thành với sự hiện diện của Bí thư Tỉnh ủy Bùi San. Trong thời gian đó, thủ trưởng ngành Văn hóa tỉnh Bình Trị Thiên, người có trách nhiệm quản lý các di tích lịch sử - văn hóa trong tỉnh này, Ty trưởng Ty Văn hóa, Nhạc sĩ Trần Hoàn lại không hề có hành động nào ngăn chặn vụ việc phá đàn Nam Giao tai tiếng vì ông đang công tác ở Liên Xô. Không chỉ nền Viên đàn mà khu vực Trai cung cũng bị biến dạng khi trở thành nơi đặt máy xay xát của công ty Lương thực thành phố Huế, nền nhà Khoản tiếp biến ra trụ sở Ủy ban nhân dân xã Thủy Xuân. Dư luận Huế bày tỏ bất bình bằng câu ca dao mà nhiều năm sau còn được truyền tụng.
Trần Hoàn cùng với Bùi San
Hai thằng hợp tác phá đàn Nam Giao.
Tuy vậy, phải 15 năm sau, nhận thấy việc tùy tiến cải biến công trình đàn Nam Giao là sai lầm trầm trọng, ngày 15 tháng 9 năm 1992, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định di dời đài tưởng niệm liệt sĩ đến địa điểm khác, trở lại nguyên dạng đàn Nam Giao. Tỉnh này cũng giao Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế nhiệm vụ bảo vệ, lập hồ sơ, luận chứng kỹ thuật phục vụ công tác trùng tu. Song sau đó, việc trùng tu vẫn chưa được diễn ra, đàn Nam Giao có khi được dùng làm bãi tập lái ô tô, lúc lại biến thành thao trường của quân đội Việt Nam.
Ngày 11 tháng 12 năm 1993, đàn Nam Giao nằm trong danh sách 16 di tích có giá trị toàn cầu nổi bật thuộc quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Giá trị của đàn Nam Giao triều Nguyễn được cộng đồng quốc tế công nhận, điều này đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử tồn tại của đàn Nam Giao.Huỳnh Thị Anh Vân ( Còn tiếp ).
Xin theo dõi tiếp BÀI 21. dienbatn tổng hợp từ các tư liệu lịch sử.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét