VÕ TÁNH , NGÔ TÙNG CHÂU VÀ LỊCH SỬ OAI HÙNG CỦA ĐỀN HIỂN TRUNG. BÀI 2.
Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2020
VÕ TÁNH , NGÔ TÙNG CHÂU VÀ LỊCH SỬ OAI HÙNG CỦA ĐỀN HIỂN TRUNG. BÀI 2.
GIỚI THIỆU.
Trong đợt khảo sát , điền dã Quy Nhơn - Bình Định vừa qua, dienbatn đã đặt chân tới thành Đồ Bàn và thắp nhang tại đền thờ Hiển Trung thờ Võ Tánh , Ngô Tùng Châu và các tướng sĩ giữ thành ngày trước. Tuy đã đến được tận đây nhưng vì thiếu những tư liệu cụ thể nên chưa viết được về Thành Đồ Bàn này và nhất là về lịch sử oai hùng trong trận chiến bảo vệ thành của Võ Tánh , Ngô Tùng Châu và các tướng sĩ giữ thành . Nay nhân buổi thư nhàn đọc sách , may mắn thay dienbatn đã tìm được những tư liệu cụ thể và rất chi tiết về trận chiến đó trong cuốn Những người bạn cố đô Huế B.A.V.H Tập XXVI - 1939. ( Nhà xuất bản Thuận Hóa ) - Trong cuốn này từ trang 265 - 284 có bài viết của Bửu Trung là Bố chánh Tỉnh Quảng Bình được Hà Xuân Liêm dịch lại từ bản tiếng Pháp. Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn bản anh hùng ca đó. dienbatn.
TIỂU SỬ NGÔ TÙNG CHÂU ( QUẬN CÔNG ).
Trên án thờ ở gian giữa
có đặt 2 bài vị của Võ Tánh và Ngô Tùng Châu, và một bài vị khắc nhiều tên của
một số trung thần và dũng tướng của Hoàng Đế.
Ngô Tùng
Châu , Ninh Hòa Quận công , người nguyên quán tại Huyện Phù Cát ( Bình Định ) đã đến Gia Định với Võ Trường Toản để theo học tại đây . Ông là một con người
thông minh dĩnh dị và có tính chất ngay thẳng.Ông giữ nhiệm vụ trấn giữ đồn Kỳ
Lục , một đồn ở biên giới, rồi được gọi về Kinh với hàm Tham tri, lãnh chức
quan Thái sư dạy Thái tử kế Vương nghiệp học. tính trung thực và tài năng của
ông đã lôi kéo sự ngưỡng mộ của người học trò vương giả của ông.
Vào năm Kỷ Vị
( 1799 ) , ông được mệnh ở lại giữ thành Bình Định với Võ Tánh , ông trợ thũ một
cách xuất sắc cho vị Đại tướng quân trong suốt thời gian dài bị vây hãm ở thành
Bình Định này.
Nằm kề bên mộ tướng Võ Tánh là mộ Ngô Tùng Châu hình chữ nhật. Hài cốt của ngôi mộ này đã được cải táng về Phù Cát, Bình Định.
Bia tưởng niệm
do các quan tỉnh thần Bình Định cung soạn dâng cúng để tưởng nhớ hai trung thần
Võ Tánh và Ngô Tùng Châu.
Vào năm Tân
Dậu ( 1801 ), trước sự khó lòng giữ được thành , ông đã bàn luận với Võ Tánh về
các biện pháp phải làm. Võ Tánh chỉ dàn củi cho ông thấy và nói với ông : “ Đó
là sự quyết định của tôi . Tôi không thể đầu hàng , không thể để cho mình bị bắt
sống bởi kẻ địch ! Nhưng ngài là một quan văn , tôi chắc rằng kẻ địch sẽ để cho
ngài yên . Vậy ngài nên tìm cách bảo toàn sự bình yên vô sự “. Ngô Tùng Châu bật
cười trả lời : “Võ hay văn , chúng ta đều là bày tôi của Hoàng thượng . Ngài muốn
chết vì nước , lẽ nào tôi không biết làm thế hay sao , tôi cũng vậy ngài ạ ,
tôi cũng chu toàn bổn phận cho đến tận cùng chứ ?”. Và trở về dinh của ông .
Ông mặc quần áo đại triều phục và uống thuốc độc tự tử .
Ngô Tùng
Châu cũng đã có công với nước nhà . Hoàng đế Gia Long không thể tách rời ông khỏi
Võ Tánhtrong các lời ban khen.
Vào năm Gia
Long nguyên niên ( 1802 ) , một đạo dụ của nhà Vua đã truy thăng ông lên tước
hiệu là Tán trị Công thần , Kim tử Vĩnh lộc Đại phuTrụ Quốc , Thái tử - Thái sư – Quận công , thụy
Trung ý . Sự thờ tự , cúng quảy ông cũng được trong đền Hiển Trung , bởi người
con trai thừa nhận của ông . Triều đình có ban cấp cho người này một số ruộng kị
và những người lính đứng gác lăng mộ ông.
Vào năm Minh
Mạng thứ 2 ( 1831 ) , ông được truy phong ngoại lệ chức Tá vận công thần , Vĩnh
lộc Đại phu , Hiệp tá Đại học sĩ , Thiếu sư kiêm Thái tử Ninh hòa Quận công
Trung mẫn .
Bình phú Tổng
đốc Nguyễn Phiên
Bố chánh , Bửu
Trưng.
Án sát sứ Lê
Văn Định.
XEM THÊM TƯ LIỆU BỔ XUNG.
THÀNH ĐỒ BÀN QUY NHƠN - BÌNH ĐỊNH.
Vị trí Thành Đồ Bàn.
Thành Đồ Bàn hay Vijaya (tiếng Phạn विजय, nghĩa Việt: Thắng lợi) còn gọi là thành cổ Chà Bàn (Trà Bàn) hoặc thành Hoàng Đế, nay thuộc địa phận xã Nhơn Hậu, Thị xã An Nhơn và cách thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định, Việt Nam) 27 km về hướng tây bắc, là tên kinh đô của Chăm Pa trong thời kỳ Chăm Pa có quốc hiệu là Chiêm Thành. Vijaya đồng thời cũng là tên gọi của một trong tiểu quốc của Chăm Pa, tiểu quốc Vijaya.
Sau khi kinh đô cũ Indrapura bị quân đội Lê Hoàn của Đại Cồ Việt tấn công và phá hủy năm 982. Triều đình Chăm Pa lánh nạn vào phương Nam. Lưu Kế Tông, một vị tướng của Lê Hoàn đã ở lại và cai trị khu vực bắc Chăm từ Quảng Bình vào Quảng Nam ngày nay.
Ở phía Nam, người Chăm đã tôn một vị lãnh đạo của mình lên ngôi với tên hiệu là Harivarman II vào năm 988. Ông đã cho xây dựng Vijaya là quốc đô của mình. Sau cái chết của Lưu Kế Tông, người Việt rút lui khỏi vùng đất phía bắc, Harivarman II đã lấy lại và dời đô và kinh đô cũ Indrapura, tuy nhiên tới khoảng năm 999 vị vua kế tiếp là Sri Vijaya Yangkupu đã vĩnh viễn dời đô về Vijaya. Việc dời đô về Vijaya được Tống sử ghi lại khi đoàn sứ thần của Chăm Pa tới nhà Tống (Trung Quốc) vào năm 1005.
Trong 5 năm thế kỷ là kinh đô, Vijaya phải chịu nhiều cuộc tấn công từ Đại Việt, Chân Lạp, Xiêm, Nguyên Mông. Người Khmer đã tấn công vào rất nhiều lần, có những thời gian Vijaya chịu sự cai trị của Chân Lạp từ 1145-1149 và 1190-1192. Xiêm La dưới thời vương triều Sukhothai cũng góp phần vào trận chiến năm 1313 nhưng sau đó đã rút lui bởi sự can thiệp của nhà Trần (Đại Việt), Nguyên Mông tấn công Vijaya và năm 1283. Nhưng nhiều nhất vẫn là các cuộc tấn công từ các vương triều Đại Việt, các thống kê cho thấy Vijaya bị tấn công từ Đại Việt vào các năm 1044, 1069, 1074 (nhà Lý), 1252, 1312, 1377 (nhà Trần), 1403 (nhà Hồ), 1446, 1471 (nhà Lê). Trận chiến tại thành Vijaya vào năm 1471 với quân đội nhà Lê (Đại Việt) cũng chấm dứt sự tồn tại sau 5 thế kỷ là quốc đô của Vijaya, Chăm Pa mất hoàn toàn miền bắc vào Đại Việt và lui về vùng phía nam đèo Cù Mông.
Năm 982 triều đại vua Yangpuku Vijaya (tiếng Hán Việt là Ngô Nhật Hoan ?) thành Đồ Bàn được xây dựng. Đây là kinh đô cuối cùng của vương quốc Chăm Pa và các vua Chăm đã đóng ở đây từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 15.
Đền thờ, bia và cặp voi phía trước Thành Đồ Bàn.
Năm 1376, trong trận Đồ Bàn, vua Trần Duệ Tông đem 120.000 quân bộ, thủy đánh thành Đồ Bàn bị Chế Bồng Nga đánh bại, Trần Duệ Tông tử trận.
Năm 1403, Hồ Hán Thương sai tướng đem 200.000 lính vây đánh thành Đồ Bàn ngót hai tháng trời, nhưng bị quân Chiêm Thành phản công quyết liệt, phải rút quân về nước.
Năm 1471, vua Lê Thánh Tông đem một đoàn lục, thủy quân hùng mạnh sang đánh Chăm Pa. Sau khi chiếm được, Lê Thánh Tông ra lệnh phá hủy thành Đồ Bàn.
Năm 1778, Nguyễn Nhạc tự xưng là Trung ương Hoàng Đế nhà Tây Sơn, đóng đô ở đây, nên còn gọi là thành Hoàng Đế, ông cho mở rộng về phía Đông, xây dựng nhiều công trình lớn.
Năm 1799, thành bị quân Nguyễn Ánh chiếm, đổi gọi là thành Bình Định.
Ngày nay, thành Hoàng Đế là một trong những di tích giá trị, quan trọng trong nghiên cứu lịch sử quân sự và khảo cổ học.
Vijaya nằm tại vị trí mà hiện nay là xã Nhơn Hậu, Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Cách quốc lộ 1A khoảng 2 km, toàn thể kinh thành nằm trên một vùng đất cao so với các cánh đồng xung quanh
Theo ghi chép trong Doanh Nhai Thắng Lãm của Mã Đoan, viên thông ngôn của Trịnh Hòa (người nhà Minh, Trung Quốc) đến Vijaya khoảng năm 1413 thì kinh đô Chăm Pa thời kỳ này được miêu tả như sau:
Đi theo hướng tây nam một trăm lý thì sẽ tới kinh thành nơi nhà vua ngự, người ngoại quốc gọi là "Chiêm Thành". Kinh thành có lũy bằng đá bao quanh, ra vào qua bốn cổng, có lính canh gác. Điện vua thì cao và rộng, phần mái ở trên lợp ngói nhỏ hình thuẫn; bốn bức tường bao quanh có đắp trang trí công phu bằng gạch và hồ, rất gọn ghẽ. Các cánh cửa được làm bằng gỗ cứng, chạm trổ hình thù dã thú và cầm súc. Nhà cửa dân cư trong thành lợp mái tranh, chiều cao mái hiên (tính từ mặt đất) không quá ba "thước", ra vào phải khom lưng cúi đầu, ai cao quá thì thật là bực mình
Vijaya là kinh đô của Chăm Pa trong 5 thế kỷ, từ năm 999 đến năm 1471. Trong khoảng thời gian này, các triều vua Chăm cho xây dựng rất nhiều công trình ở kinh đô, nay còn lại là tám ngôi tháp.
Qua các cuộc xung đột với Đại Việt, Champa mất dần các trấn phía bắc: Indrapura, Amaravati rồi đến năm 1471 thì chính Vijaya bị quân của vua Lê Thánh Tông vây hãm. Quân nhà Lê hạ được sau khi giao tranh đẫm máu. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì quân Việt bắt sống hơn 30.000 người Chiêm, trong đó có vua Trà Toàn còn 40.000 lính Chiêm tử trận. Đồ Bàn từ đó bị bỏ hoang.
Mãi đến cuối thế kỷ 18, vua Tây Sơn là Nguyễn Nhạc mới ra lệnh xây dựng Thành Hoàng Đế trên nền cũ thành Vijaya cũ để làm kinh đô. Năm 1799 quân chúa Nguyễn Phúc Ánh tái chiếm thành Hoàng Đế và đổi tên là Thành Bình Định. Sang triều Gia Long năm 1816, nhà vua cho phá bỏ thành Bình Định và chuyển thủ phủ về Quy Nhơn.
Hiện nay dấu tích của vương triều Chăm Pa tại Vijaya còn lại là đôi sư tử bằng đá, chạm trổ theo phong cách nghệ thuật Bình Định vào thế kỷ 12-14. Ngoài ra có ngôi Tháp Cánh Tiên, một trong các phong cách nghệ thuật các tháp Chăm.
Di tích Đồ Bàn hiện nay không còn mấy ngoài tường lũy bằng đá ong, ngoài là hào cạn. Trong thành vẫn còn lối đi lát đá hoa cương, một thửa giếng vuông, tượng voi đá, và bên cửa hậu là gò Thập Tháp.
Đặc biệt có ngôi tháp Cánh Tiên cao gần 20 mét, góc tháp có tượng rắn làm bằng đá trắng, voi đá và nhiều tượng quái vật. Kiến trúc tháp này được coi là tiêu biểu cho phong cách Bình Định có niên đại nửa sau thế kỷ 11 sang đầu thế kỷ 12, thuộc triều vua Harivarman IV (1074-1081) và Harivarman V (1113-1139).
Tháp Cánh Tiên - Bình Định.
Phía Bắc thành có Chùa Thập Tháp Di Đà (được xây trên nền của mười tháp Chăm cổ); phía Nam thành có chùa Nhạn Tháp, đều là những ngôi chùa cổ. Khu vực Đồ Bàn nói chung còn giữ được nhiều di tíchliên quan đến văn hóa Chăm Pa và phong trào Tây Sơn như lăng Võ Tánh, lăng Ngô Tùng Châu, cổng thành cũ.
Trong lăng còn chiếc lầu bát giác cổ kính, trong lầu còn tấm bia đá khắc công tích của Ngô Tùng Châu và Võ Tánh (năm 1800). Bia bằng đá trắng, chịu nhiều gió bụi thời gian đến nay đã mòn cả những chữ Hán khắc trên đó.
Nằm ở xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, thành Hoàng Đế có tiền thân là thành Đồ Bàn của người Chăm, sau này trở thành kinh đô của triều Tây Sơn rồi được triều Nguyễn tiếp quản. Tòa thành này cùng là nơi an nghỉ của tướng Võ Tánh, một vị tướng nổi tiếng của nhà Nguyễn.Khu lăng mộ tướng Võ Tánh nằm giữa thành, có khuôn viên rộng với tường bao quanh. Bờ tường mặt trước có bình phong dạng cuốn thư ở chính giữa, hai bên có hai lối vào.Tòa lầu bát giác này là nơi thờ tướng Võ Tánh và Ngô Tùng Châu, vị công thần đã tử thủ ở Bình Định cùng tướng Võ Tánh năm xưa.Sau hương án là mộ phần tướng Võ Tánh. Mộ có hình tròn nằm trên ba bậc nền chữ nhật. Trên mộ có đắp biểu tượng một con dơi.
Vợ Võ Tánh là công chúa Ngọc Du, khóc ông bằng bài thơ:
Những tưởng ra tay giúp nước nhà
Ai dè bình địa nổi phong ba.
Xót người vị quốc liều thân ngọc,
Khiến thiếp cô phòng ủ mặt hoa.
Gối mộng mơ màng duyên nợ cũ,
Đài mây xiêu lạc phách hồn xa.
Lửa trung đốt đỏ gương hào kiệt,
Nóng ruột thuyền quyên giọt lệ sa!
Biết không thể cứu thánh, ông cho người trao cho Trần Quang Diệu một bức thư xin tha chết cho quân sĩ trong thành. Sau đó ông tự thiêu để giữ khí tiết. Ngô Tùng Châu cũng dùng thuốc độc tự vẫn theo chủ tướng. Đó là ngày 7/7/1801.Sau khi chiếm thành Bình Định, tướng Trần Quang Diệu đã chấp thuận lời thỉnh cầu của tướng Võ Tánh, không giết hại các bại binh nhà Nguyễn. Nhiều người trong đội quân này đã ở lại Bình Định để xây dựng cuộc sống mới.Nghĩa khí của Võ Tánh động lòng người, nên nhân dân trong vùng đã xây lăng mộ và thờ phụng trong thành Hoàng Đế. Lễ cúng tướng Võ Tánh diễn ra vào ngày ông mất (26/5 Âm lịch) hàng năm. Vào ngày này, mâm cơm cúng không có món thịt nướng vì gợi nhớ tới cái chết do tự thiêu của ông.Người dân Bình Định cũng đã lưu truyền câu ca về cái chết của tướng Võ Tánh như sau:“Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên/ Cảm thương quan Hậu thủ thiềng (thành) ba năm”. Sau này, để tưởng nhớ tướng Võ Tánh, vua Gia Long sai lập một mộ nữa cho ông ở Phú Nhuận (nay là hẻm số 19 đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP HCM) và chôn hình nhân bằng sáp.
Nằm kề bên mộ tướng Võ Tánh là mộ Ngô Tùng Châu hình chữ nhật. Hài cốt của ngôi mộ này đã được cải táng về Phù Cát, Bình Định.Bên ngoài khu mộ có đặt một số tượng sư tử có nguồn gốc từ thành Đồ Bàn xưa.Theo sử sách, Võ Tánh (1768 - 1801) là vị tướng có công giúp chúa Nguyễn Ánh chống nhà Tây Sơn, được xếp cùng với Đỗ Thanh Nhơn và Châu Văn Tiếp là "Gia Định tam hùng". Ông tử trận trong cuộc chiến với quân Tây Sơn trước khi nhà Nguyễn chính thức thành lập.Quanh cái chết của tướng Võ Tánh, có một câu chuyện cảm động vẫn còn được lưu truyền tới nay.Theo giai thoại, vào năm 1801, tướng Võ Tánh cùng quân sĩ bị tướng Trần Quang Diệu của triều Tây Sơn vây hãm ở thành Bình Định. Trong thành binh sĩ lâu ngày thiếu lương thực, có người khuyên Võ Tánh nên vượt vòng vây trốn thoát, nhưng ông cương quyết ở lại.Tướng Võ Tánh đã nói: "Không thể được. Ta phụng mạng giữ thành này, nên thề với thành cùng sống chết. Nếu bỏ thành mà hèn nhát trốn lấy một mình, thì sau này còn mặt mũi nào trông thấy chúa thượng?".
Người xưa qua thư tịch: Đệ nhất môn sinh của thầy Võ Trường Toản.
Cụ Thuật (hậu duệ đời thứ 7 của Ngô Tùng Châu) là người trực tiếp chăm sóc mộ, lo việc tế lễ Ngô Tùng Châu và bà Võ Thị Lội (1754 - 1838), vợ Ngô Tùng Châu. Gia đình cụ đang lưu giữ hai bản dịch sắc phong của Ngô Tùng Châu (bản chính đã bị mất), bài vị của bà Lội và các cặp đối liễn của Thượng thư Bộ binh Phạm Liệu, Đào Tấn, Đào Phan Duân, Hồ Sĩ Tạo, Lâm Tăng Sum, Đốc học Ngô Lê Tố... và một bản chép tay bài Văn tế phò mã Chưởng hậu quân Võ Tánh và Lễ bộ thượng thư Ngô Tùng Châu do Thượng thư Bộ lễ thời Gia Long là Đặng Đức Siêu (1751 - 1810) biên soạn.
Gia phả của dòng tộc chép rằng Ngô Tùng Châu là con ông Ngô Tùng Trang, giữ chức Thơ lại phủ Phù Ly (nay là các huyện Phù Cát, Phù Mỹ của tỉnh Bình Định). Năm 1764, ông Trang được phong chức Tri điền tuấn sự, theo lệnh chúa Nguyễn vào Gò Công, mang theo 100 dân đinh đi khai khẩn ruộng hoang, quy dân lập ấp. Ngô Tùng Châu cùng vào nam với cha. Tại đây, ông theo học một nhà nho nổi tiếng đương thời là Võ Trường Toản. Trong một văn bia viết về tiểu sử của thầy Võ Trường Toản do đại thần của triều Nguyễn là Phan Thanh Giản soạn năm 1867 có đoạn: “Xảy hồi loạn Tây Sơn, tiên sinh ở ẩn mở trường dạy học, thường học trò đến mấy trăm. Ông Ngô Tùng Châu là môn sinh cao đệ nhất. Thứ đến là các ông Trịnh Hoài Đức, Phạm Ngọc Uẩn, Lê Quang Định, Lê Bá Phẩm, Ngô Nhơn Tịnh...”.
Năm 1770, Ngô Tùng Châu gặp Võ Tánh kết nghĩa anh em. Hai năm sau, Ngô Tùng Châu cưới em gái của Võ Tánh là Võ Thị Lội, hôn lễ được tổ chức tại tư gia Võ Tánh (ở xã Bảo Can, Gò Công). Từ đó, ông Châu được chúa Nguyễn Ánh trọng dụng, giữ các trọng trách quan trọng của triều đình.
Tháng 6 năm Giáp Thìn (1784), trong lúc chiến tranh giữa nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn, ông Ngô Tùng Trang hồi hương cùng với vợ và 2 con của Ngô Tùng Châu là Ngô Tùng Quang và Ngô Tùng Hòa. Năm Kỷ Dậu (1789), cháu nội trưởng Ngô Tùng Quang bị bệnh mất, thứ tôn Ngô Tùng Hòa phụng tự ông bà, sanh con cháu nối nghiệp đến các đời sau.
Lúc sinh thời, Ngô Tùng Châu nhiều lần can gián thẳng và được chúa Nguyễn Ánh khen và nghe theo. Theo Đại Nam thực lục (của Quốc sử quán triều Nguyễn), năm 1798, Nguyễn Ánh sai Lễ bộ Ngô Tùng Châu cùng nguyên Lễ bộ kiêm Đốc học Nguyễn Thái Nguyên phụ đạo Đông cung (thái tử Nguyễn Phúc Cảnh, con cả của Nguyễn Ánh). Khi Ngô Tùng Châu khiêm tốn từ chối, vua nói: “Đông cung là ngôi trừ nhị của nhà nước, kén người sư phó, không phải khanh thì không được, đừng nên từ chối”. Tùng Châu vâng mệnh, hết lòng nói thẳng, không giấu giếm nên Đông cung rất kính trọng.
Cũng trong năm này, Nguyễn Ánh cho Tham tri Nguyễn Văn Mỹ được dự thờ ở đền Hiển Trung. Ngô Tùng Châu tâu rằng: “Mỹ làm quan chỉ ham vơ vét, nhiều người oán. Đặt đền Hiển Trung là để khuyên người trung. Mỹ là tiểu nhân như thế lấy gì để làm gương, xin đình việc ấy”. Chúa Nguyễn Ánh nói lời Ngô Tùng Châu “nghị luật rất đúng” nhưng vì thương ông Mỹ “có công theo hầu bên ngựa” nên không nghe theo.
Năm 1799, sau khi chiếm được thành Hoàng Đế của quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh giao cho Khâm sai Chưởng hậu quân Võ Tánh và Lễ bộ Ngô Tùng Châu trấn giữ. Thiếu phó Trần Quang Diệu và Đại tư đồ Võ Văn Dũng của nhà Tây Sơn đem quân thủy, bộ đến vây hãm thành để chiếm lại. Năm 1801, quân Nguyễn hết lương thực, khi Ngô Tùng Châu hỏi mưu kế, Võ Tánh chỉ vào lầu Bát Giác: đấy là kế của ta. Võ Tánh nói mình làm tướng nên không thể sống với giặc rồi khuyên Ngô Tùng Châu là văn thần nên sẽ không bị giặc giết, tìm cánh bảo toàn tính mệnh. Ngô Tùng Châu nói: “Trung ái là một, văn, vũ có kể gì. Tướng quân có thể vì nước chết về nạn, Tùng Châu này lại không thể làm bề tôi chết về trung ư?”. Ông về mặc triều phục, hướng về phía vua Nguyễn Ánh lạy rồi uống thuốc độc tự vẫn. Nghe tin Võ Tánh vô cùng nể phục, đến trông coi việc khâm liệm, đó là vào ngày 5.7.1801. Võ Tánh sai người gửi thư cho Trần Quang Diệu xin dâng thành, khuyên không nên giết hại quân lính vô tội và sau đó lên lầu Bát Giác tự thiêu vào ngày 7.7.1801.
Theo cụ Thuật thì năm 1802, Ngô Tùng Châu được vua Gia Long phong tặng Tán trị công thần, Đặc tiến kim tử vinh lộc Đại phu, Trụ quốc, Thái tử Thái sư, Quận công, tên thụy là Trung Ý. Năm 1831, Ngô Tùng Châu được vua Minh Mạng truy tặng Tá vận Công thần, Đặc tiến kim tử vinh lộc Đại phu, Hiệp biện Đại học sĩ, Thiếu sư kiêm Thái tử Thái sư, đổi tên thụy là Trung Mẫn, phong là Ninh Hòa Quận công.
Năm 1804, con cháu và triều Nguyễn cải táng mộ Ngô Tùng Châu từ thành Bình Định (thành Hoàng Đế cũ) về Gò Tháp (xã Cát Tài, H.Phù Cát, Bình Định) xây lăng và xây mộ bằng vôi khá khang trang. Hiện lăng và mộ của Ngô Tùng Châu đã bị hư hỏng nhiều do lâu ngày không được tu bổ, nằm lẩn khuất giữa rừng bạch đàn hoang vắng.
Theo https://thanhnien.vn/
" Năm Bảo Đại thứ 13 (1938), sau khi trùng tu khu lăng mộ Võ Tánh, Phó bảng Biểu Xuyên Đào Phan Duân (người ở huyện Tuy Phước) viết một bài ký để ghi lại thịnh sự hiếm có này. Bài ký có đoạn: “...Ôi! Ai người chẳng chết? Chết mà có ích cho nước nhà, có lợi cho phong hóa tức là chẳng chết … Nay việc trùng tu đã xong, rửa tay đốt hương kính cẩn viết những nét đại cương, ngụ ý bày tỏ lòng kính ngưỡng bậc có công đức vĩ đại như núi cao đường lớn…”.
Năm 1947, đền Chiêu Trung bị tháo dỡ cùng lúc với thành Bình Định bởi kế hoạch “Tiêu thổ kháng chiến”. Buổi lễ cuối cùng được tổ chức tại đền Chiêu Trung thật cảm động. Khi chính quyền kháng chiến thông báo cho cụ Phó bảng Biểu Xuyên Đào Phan Duân biết chủ trương tiêu thổ, cụ liền triệu tập thân hào nhân sĩ trong tỉnh về Song Trung miếu để dự lễ cáo miếu. Tại chánh điện, sau ba hồi chuông trống, cụ Biểu Xuyên dâng hương lên bàn thờ Song Trung, xin phép Song Trung được phá miếu để đánh giặc Pháp xâm lược. Cáo xong, cụ đi trước bưng bát hương đang cháy, Tú tài Trần Trọng Giải bưng thần vị Võ Công, Tú tài Thái Lập Kính bưng thần vị Ngô công, cả ba người đều khăn áo chỉnh tề, vẻ mặt nghiêm trang mà nước mắt ràn rụa, họ bước chậm từ cửa miếu theo dải hành lang hẹp ra lầu Bát Giác. Tại đây, sau bia kỷ công, người ta đã thiết một bàn thờ, hai ông Tú bưng hai thần vị vào đặt chính giữa án, cụ Biểu Xuyên đặt bát hương lên bàn thờ rồi làm lễ an thần vị. Hai ông Tú vào lạy tạ rồi lui ra. Đến lượt hai ông Huỳnh Yến và Phạm Phú Tiết, nguyên là hai quan đầu tỉnh Bình Định vừa mới bàn giao ấn tín cho chính quyền cách mạng, vào làm lễ. Sau đó, đến lượt thân hào nhân sĩ. Họ vừa lạy, vừa khóc.
Tất cả thân hào nhân sĩ lễ xong thì ra về, không ai ở lại “hầu tàn” mặc dù cỗ cúng có “tam sanh”, và nhất là không ai có đủ can đảm nhìn cảnh thanh niên cầm búa, xà beng phá dỡ đền. Vẫn biết, vì đại nghĩa cần phải hy sinh, nhưng chạm tới lòng tôn kính danh nhân, phá hủy nơi mà họ vừa chung công góp của trùng tu mới được 9 năm, họ không buồn sao được!
Đền Chiêu Trung bị tháo dỡ, nhưng Bát Giác lầu, mộ Hậu Quân, cổng Tam quan, thành đá ong bao bọc vẫn còn, nhân dân Bình Định vẫn thường xuyên hương khói và tế lễ. Năm 1968, chính quyền Sài Gòn cho tu sửa các hạng mục hiện còn. Năm 2004, Bảo tàng Bình Định tu bổ cổng Tam quan, phục hồi liễn chữ Hán ở các trụ biểu. Năm 2012, Ban Quản lý di tích tỉnh Bình Định trùng tu các hạng mục của Lăng mộ Võ Tánh và thành đá ong bao quanh lăng."http://baobinhdinh.com.vn/
dienbatn và anh Hòa là người coi giữ Đền Hiển Trung.
Vị thủ khoa đầu tiên ở Tiền Giang hồi cuối thế kỷ XVIỊI.
Đó là Ngô Tùng Châu. Ông sinh năm 1752 tại thôn Thái Định, huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn (nay là thôn Thái Thuận, xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định).
Năm 1764, cha của ông là Ngô Tùng Trang đang giữ chức Thủ lại phủ Quy Nhơn được thăng chức Tri điền tuấn sự, được lệnh của chúa Nguyễn dẫn theo 100 dân đinh vào khai khẩn Gò Công (1). Lúc này, ông mới 12 tuổi cũng được theo cha vào vùng đất mới. Sau đó, ông được gởi lên Gia Định để học tập. Tại đây, ông theo học nhà giáo nổi tiếng nhất đất Gia Định là Sùng Đức tiên sinh Võ Trường Toản. Trong quá trình theo nghiệp bút nghiên, ông luôn cần mẫn dùi mài kinh sử và là học trò xuất sắc nhất của cụ Võ Trường Toản.
Năm 1770, ông gặp gỡ và kết nghĩa anh em với Võ Tánh, một hào kiệt đất Gò Công. Năm 1772, ông kết hôn với em gái của Võ Tánh là Võ Thị Lội (2) tại Gò Tre (nay thuộc xã Long Thuận, thị xã Gò Công). Năm 1783, ông tham gia cuộc khởi binh của Võ Tánh tại Gò Tre. Năm 1788, ông cùng với đạo quân Kiến Hòa của Võ Tánh theo phục vụ chúa Nguyễn Ánh.
Do là một nhà Nho học kiệt xuất, nên ông được Nguyễn Ánh tin dùng, lần lượt giữ các chức Chế cáo Viện Hàn lâm năm 1788, Điền tuấn sứ năm 1789 (quan trông coi việc khai khẩn, canh tác nông nghiệp, xác định điền thổ và quân lương).
Năm 1790, ông cùng với Bộ Tham mưu của chúa Nguyễn Phúc Ánh tiến quân ra miền Trung. Năm 1791, ông trở về Gia Định và thi đậu thủ khoa khoa thi năm Tân Hợi. Đây là khoa thi đầu tiên mà chúa Nguyễn Ánh cho tổ chức ở Nam bộ. Ngay sau đó, ông được thăng làm Tham tri bộ Lễ kiêm Phụ đạo Đông cung (thầy dạy học Đông cung hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh). Về việc này, trong quyển Địa chí TP Hồ Chí Minh (tập 1: Lịch sử), Nguyễn Đình Đầu viết: “Nổi tiếng nhất đương thời là nhóm Gia Định tam gia, gồm ba nhân vật lỗi lạc là Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhơn Tịnh. Sự thực, Ngô Tùng Châu cũng là tay văn học kiệt xuất, tiếc rằng chết sớm, nên đời sau ít nói tới. Là học trò đầu hạng của Võ Trường Toản, ông rất được Nguyễn Phúc Ánh phục tài và tin dùng. Bởi vậy, sau khi được thăng chức Tham tri bộ Lễ, ông còn được cử làm phụ đạo dạy Đông cung Cảnh (Nguyễn Phúc Cảnh) mà lâu nay do thầy Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) kèm dạy, Ngô Tùng Châu đã nhận lấy và làm tròn một việc khó khăn tế nhị. Ngô Tùng Châu học hành thuần chánh, “hết lòng can răn, Đông cung nể trọng lắm”.
Năm 1799, sau khi đánh tan quân Tây Sơn tại thành Quy Nhơn, chúa Nguyễn Phúc Ánh đổi cho tên thành này ra thành Bình Định và cử ông cùng với Võ Tánh trấn giữ. Tháng 2/1800, hai tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng mang quân từ Phú Xuân (Huế) vào tấn công thành Bình Định. Ông cùng với Võ Tánh chỉ huy quân cố thủ.
Quyết không để mất thành, chúa Nguyễn Phúc Ánh đã hai lần mang quân tới giải vây thành Bình Định vào tháng 4/1800 và tháng 2/1801; nhưng đều bị quân Tây Sơn chặn đứng. Thành Bình Định vẫn bị quân Tây Sơn bao vây chặt chẽ. Trước tình hình đó, ông và Võ Tánh sai người lén đem mật thư ra cho Nguyễn Phúc Ánh; khuyên vị chúa Nguyễn nên kéo quân ra đánh Phú Xuân, và khi đó, sẽ dễ dàng giành được thắng lợi, vì đại bộ phận quân Tây Sơn đang bị thu hút ở mặt trận Bình Định; lực lượng ở Phú Xuân rất yếu. Đồng thời, bức mật thư cũng nói rõ, ông và Võ Tánh sẽ cố giữ thành nhằm cầm chân quân Tây Sơn. Nghe theo lời khuyên hợp lý của ông và Võ Tánh, Nguyễn Phúc Ánh cho quân tấn công và chiếm được Phú Xuân vào tháng 6/1801.
Hai tướng Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng nghe tin Phú Xuân mất về tay Nguyễn Phúc Ánh, liền chia quân ra cứu. Quân cứu viện Tây Sơn ra tới Quảng Nam thì bị quân chúa Nguyễn chặn đánh nên phải quay trở lại Bình Định. Không có cách nào khác, Trần Quang Diệu ra lệnh quân lính ráo riết công kích thành Bình Định. Trước nguy cơ thành bị thất thủ, có người khuyên ông và Võ Tánh nên lẻn trốn ra ngoài; nhưng hai ông đã cự tuyệt, cương quyết ở lại với thành. Tình thế ngày càng khốn quẫn, thấy không thể giữ thành lâu hơn được nữa, Võ Tánh viết thư cho Trần Quang Diệu đề nghị sau khi chiếm được thành thì quân Tây Sơn không giết hại binh lính của ông.
Để không bị quân Tây Sơn bắt, ngày 5/7/1801 (nhằm này 25 tháng 5 năm Tân Dậu), ông uống thuốc độc tự tử. Ngày 7/7/1801 (nhằm ngày 27 tháng 5 năm Tân Dậu), Võ Tánh tiếp nối ông, tự thiêu mà chết tại lầu bát giác.
Trần Quang Diệu dẫn quân vào thành, rất xúc động trước cái chết trung dũng, đầy khí phách của ông và Võ Tánh, nên cho quân lính mai táng tử tế thi hài của hai ông. Đồng thời, vị tướng Tây Sơn này cũng không giết hại bất cứ người lính nào trong thành.
Năm 1802, sau khi đánh thắng nhà Tây Sơn, chúa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Gia Long. Ông được nhà vua truy tặng Tán trị công thần, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Trụ quốc, Thái tử thái sư, Quận công, tên thụy là Trung Ý. Năm 1831, vua Minh Mạng truy tặng ông là Tá vận công thần, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Hiệp biện đại học sĩ, Thiếu sư kiêm Thái tử thái sư, Ninh Hòa quận công, đổi tên thụy là Trung Mẫn.
Bản thân ông có cuộc sống thanh bạch. Một vị quan đồng liêu với ông là Trịnh Hoài Đức có bài thơ viết về ông như sau:
Bốc trạch đắc kỳ sở
Siêu nhiên dĩ bảo chân
Trúc ly tham khúc kính
Thôn xá nhất nhàn nhân
Thảo kết đinh tiền thụ
Thư tàng tịch thượng trân
Bất tham kim khí địa
Nhàn mịch hạnh hoa xuân.
(Đề Ngô Tùng Châu u cư)
Nhà thơ Hoài Anh dịch thơ như sau:
Chọn được nơi tốt làm nhà,
Đứng ngoài cuộc giữ cái “ta” vẹn toàn.
Giậu trơ ba luống cúc vàng,
Một người nhàn ở trong làng vui sao.
Trước sân, cỏ bện dây thao,
Sách là món quý tiệc nào bằng đây.
Đất có hơi vàng, chẳng dây
Xuân trong hoa hạnh, nhàn hay kiếm tìm.
(Đề chỗ ở ẩn của Ngô Tùng Châu)
Sau khi tuẫn tiết, thi hài ông được quân Tây Sơn an táng trong thành Bình Định. Năm 1804, mộ của ông được nhà Nguyễn cải táng về quê và xây thành lăng, tọa lạc tại Gò Tháp (Gò Lăng), dưới chân dãy núi Bà thuộc thôn Thái Định, xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Năm 1932, lăng bị một cơn bão tàn phá; sau đó, được các nhân sĩ Bình Định tu sửa. Tuy nhiên, không lâu sau đó, do chiến tranh, lăng trở nên tiêu điều, chỉ còn lại hai trụ cổng, bức bình phong và nền móng điện thờ. Năm 1969, chi phái Cao đài tiên thiên tỉnh Bình Định cùng với dòng họ Ngô xây dựng lăng “Ninh Hòa quận công tự” tại địa điểm mới: Cầu Hiệu, thôn Thái Định, xã Cát Tài. Sau năm 1975, khu lăng được trưng dụng làm trụ sở Ủy ban nhân dân xã Cát Tài cho đến hiện nay. Đồng thời, ông còn được thờ ở Đình Trung tọa lạc tại trung tâm thị xã Gò Công. Hiện nay, thị xã Gò Công có một con đường mang tên ông.
Mộ Ngô Tùng Châu (Phù Cát, Bình Định)
(1) Theo dân gian, khu vực mà ông Ngô Tùng Trang khai khẩn nay thuộc xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Tại đây, còn địa danh Xóm Thủ với nghĩa là xóm có ông thủ khoa Ngô Tùng Châu đã từng sinh sống ở đó.
(2) Theo tác giả Nguyễn Thanh Quang trong bài “Tư liệu về Quận công Ngô Tùng Châu” đăng trên tạp chí Xưa và Nay số 429 (tháng 6/2013): Ngô Tùng Châu và bà Võ Thị Lội có hai người con là Ngô Tùng Quang và Ngô Tùng Hòa. Năm 1784, do Ngô Tùng Châu đầu quân dưới trướng của Nguyễn Ánh, nên cha của Ngô Tùng Châu là Ngô Tùng Trang cùng với con dâu và hai cháu nội trở về quê sinh sống. Năm 1789, Ngô Tùng Quang chết; chỉ còn Ngô Tùng Hòa sống, phụng tự tổ tiên, sinh con cháu nối dõi cho đến ngày nay. Riêng bà Võ Thị Lội, sau khi Ngô Tùng Châu tuẫn tiết, bà thủ tiết thờ chồng và sinh sống tại quê chồng. Mỗi năm một lần, bà theo ghe bầu trở về Gò Công thăm bà con. Năm 1821, vua Minh Mạng ra lệnh cho quan Trấn thủ Bình Định cấp cho bà mỗi năm 50 quan tiền và 50 phương gạo. Năm 1838, bà mất, thọ 85 tuổi. Bài vị của bà đang được dòng họ Ngô thờ cúng có ghi: “Võ húy Thị Lội, sinh năm Giáp Tuất (1754), hưởng linh 85 tuổi, mất năm Mậu Tuất (1838), giờ Tuất, ngày 24 tháng 6. Mộ xây hướng Càn Tốn kiêm Thìn Tuất”.Song Lan - (Theo Văn nghệ Tiền Giang số 64).
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét